Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

Tin Việt Nam - An Vui (17-4-23)


• Nha Trang: Nữ du khách Việt 65 tuổi thiệt mạng ở tháp Trầm Hương
An Vui  -  17 tháng 4, 2023
Tháp cũ Trầm Hương lúc chưa sửa nằm trên đường Trần Phú, một bên là khu cao ốc, một bên là biển Nha Trang, từng bị người dân Nha Trang gọi là “cái Nhang”, che chắn tầm nhìn ra biển – Ảnh: Pháp Luật Một nữ du khách Việt 65 tuổi quê Pleiku, tỉnh Gia Lai đã thiệt mạng ở tháp Trầm Hương, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.Trước đó, bà đứng chụp hình gần ngay chỗ vòm cổng tháp Trầm Hương, nơi có các bậc cấp lên xuống nối với quảng trường Hai Tháng Tư và bị trượt chân, té ngửa xuống sân quảng trường lúc 15 giờ chiều 15 Tháng Tư, chết tại chỗ. Bà đến Nha Trang du lịch cùng gia đình.
<!>
Chỗ bà trượt té có độ cao 5 bậc thang mới được xây dựng thêm, sau khi tháp được sửa chữa hồi Tháng Chín 2022 và hoàn thành đầu năm 2023 với kinh phí 11 tỷ đồng ($468,284). Tháp này nằm trên đường Trần Phú, phố chính của Nha Trang, ở giữa quảng trường Hai Tháng Tư, được nhà cầm quyền tỉnh Khánh Hòa gọi là “biểu tượng của tỉnh Khánh Hòa”.

Tuy nhiên, dân Nha Trang lại cho rằng công trình này chả đáng là biểu tượng của thành phố, không hiểu xây để làm gì vì vừa xấu vừa che chắn tầm nhìn ra biển.

Nhiều bạn đọc là dân Nha Trang đã bình luận dưới bài viết của Vnexpress thông tin việc sửa chữa hồi Tháng Tư 2022 như sau: Người Nha Trang chưa từng xem cái tháp này là biểu tượng. Xấu quá (Hoàng CL); Tháp xấu đau, đề tài tranh cãi một thời. Nó chẳng biểu tượng cho cái gì cả (thahuong100563); Tôi là người dân ở ngay trung tâm đây. Thật sự cái tháp Trầm Hương và bảo tàng Khánh Hòa mỗi dịp lễ, Tết các vị căng băng rôn quảng cáo đủ kiểu nhưng bên trong không có cái gì để xem, cửa đóng then cài, buồn cho văn hóa, nghệ thuật của Khánh Hòa (Khang); Nhìn như tháp xá lợi vậy (Chu nguyen Jason); Có ai thấy đẹp không? Tôi thì không (blknemesis98); Tôi là dân Nha Trang, nhưng tôi thấy xấu hổ vì cái tháp này, đừng gọi nó là biểu tượng của Nha Trang. Nên đập bỏ hẳn luôn cho đẹp. Đừng để tốn tiền vô lý sau mười mấy năm, về lại tốn tiền tiếp (Nguyen Tan Phong); Tháp Trầm hương không xứng tầm với Nha Trang nói riêng, Khánh hòa nói chung hiện tại và tương lai. Các nhà kiến trúc sư, lãnh đạo tỉnh nên xây mới là tốt nhất (ttytkv08); Tôi là người dân Nha Trang và ở đây họ gọi cái tên thân thương hơn là cái Nhang. Hy vọng là xây mới hơn là sửa chữa (Vương Nguyên); Tôi đã ở Nha Trang 20 năm, từ khi xây dựng tháp này đến nay, chưa từng ghé thăm lần nào, một phần vì nó chẳng ấn tượng gì. Ngạc nhiên khi người ta đặt cho nó cái danh hiệu “biểu tượng” của Nha Trang (ngocson08101980); Bờ biển khúc này đã hẹp lại xây thêm tháp che lấp cảnh quan xinh đẹp của biển, thật không hợp chút nào. Nếu được, nên đập bỏ đi để bãi biển và quảng trường 2 tháng 4 thông thoáng hơn, đẹp hơn (duyle.ntct); Nên đập bỏ cho thoáng vì che hết tầm nhìn ra biển. Quá xấu, nhìn không thẩm mỹ. Không nên cải tạo lại, tốn kém (Lan); Ủng hộ phá bỏ, cục mịch, không ra sao cả, lại rất tốn diện tích và chắn tầm nhìn (dangson148); Tôi làm hướng dẫn viên, du khách trong và ngoài nước mỗi lần đi ngang qua hay hỏi tôi, cái búp măng gì vậy? Kakakaa (Bảo).


Năm bậc thang lên xuống cửa tháp Trầm Hương làm bằng đá granite trơn nhẵn, thiếu tay vịn. Nơi nữ du khách ngã ngửa xuống thiệt mạng có dấu X – Ảnh An Vui cắt từ video của Tuổi Trẻ

Dân Nha Trang không thích và phản đối ngay từ đầu “cái biểu tượng” này nhưng tỉnh vẫn quyết định làm, có lẽ vì thế mà lịch sử của tháp Trầm Hương không hề suôn sẻ.

Khởi đầu, nơi này vốn là đài liệt sĩ của tỉnh Khánh Hòa được xây dựng sau năm 1975. Tháng Mười Một 2004, tỉnh Khánh Hòa quyết định dùng ngân sách nhà nước (gần 11 tỷ đồng, thời đó trị giá khoảng $700,000) xây dựng “công trình nghệ thuật, biểu tượng Hoa Biển”, thay thế cho tượng đài liệt sĩ bị dời đi chỗ khác. Ngay từ lúc đó, dự án này đã nhận sự phản đối của người dân. Sau khi khởi công, đang xây dựng Hoa Biển đến tầng thứ 4 (theo thiết kế đến 9 tầng, cao 36m, tức 118 feet), chủ dự án lại đề nghị tỉnh tăng vốn cho công trình lên đến hơn 18.3 tỷ đồng ($1,1 triệu) nhưng không được chấp thuận. Sau đó, theo kết luận của Tỉnh ủy Khánh Hòa (Tháng Giêng 2006) là công trình có nhiều sai phạm trong xây dựng, Ủy ban tỉnh… “đá” công trình đang xây dang dở cho công ty Vinpearl tiếp tục sửa chữa, đổi lại bên trong các tầng tháp, hai công ty Vinpearl và An Viên sẽ được trưng bày sản phẩm và có hình ảnh quảng cáo.
Thời đó, công trình được đề nghị đổi tên thành “Lộc Biển” nhưng cuối cùng tên tháp Trầm Hương được chọn. Gần cuối năm 2009, sau khi tháp Trầm Hương hoàn thành, tỉnh làm tấm bia ghi tên hơn 12,000 liệt sĩ hy sinh tại Khánh Hòa để thờ cúng tại tầng trên cùng, thứ 4. Các tầng còn lại giao cho công ty Du lịch Khánh Hòa quản lý, khai thác như tổ chức triển lãm, phục vụ kinh doanh các sản phẩm yến sào, mỹ nghệ, bán vé máy bay…

Sau 14 năm xây dựng, viện cớ nhiều hạng mục đã hư hỏng, tháp Trầm Hương lại được Ủy ban tỉnh Khánh Hòa giao cho Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện sửa chữa. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11 tỷ đồng ($468,284), do công ty Yến Sào Khánh Hòa tài trợ và làm chủ đầu tư.

Tháng Mười Một 2022, biện hộ cho việc duy tu, sửa chữa cái tháp này trước sự phản đối của dư luận, Sở Văn hóa và Thể Thao của tỉnh cho rằng “đây sẽ là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng và là điểm đến về văn hóa tâm linh, nơi giới thiệu lịch sử đấu tranh cách mạng, truyền thống văn hóa của con người, vùng đất Khánh Hòa và các sản vật đặc trưng của tỉnh như yến sào, trầm hương”.


Tháp Trầm Hương tại quảng trường Hai Tháng Tư bên biển Nha Trang vừa sửa chữa xong đầu năm 2023 không được dân địa phương coi là biểu tượng của thành phố biển xinh đẹp – Ảnh: Tuổi Trẻ

Sở phác họa: Tầng trệt là nơi giới thiệu về lịch sử đảng bộ tỉnh và giới thiệu đặc trưng về văn hóa, con người tỉnh Khánh Hòa như lễ hội cầu ngư, festival biển Nha Trang, tháp Bà Ponagar; ba tầng tiếp theo sẽ giới thiệu sản phẩm yến sào và trầm hương, không mua bán; tầng 4 là nơi thờ các liệt sĩ đã hy sinh; tầng 5 bỏ không, cấm du khách lên xuống? Bên ngoài tháp Trầm Hương sẽ tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, văn hóa.

Sau khi hoàn thành đầu năm 2023, một trong các hạng mục mới của khu tháp Trầm Hương là lối ra vào có các vòm cổng màu trắng, cách điệu theo hình ảnh tháp Bà Ponagar, giữa lối đi có nhiều phiến đá, còn bên dưới có 5 bậc thang.

Về việc nữ du khách thiệt mạng khi té ngửa xuống sân quảng trường từ các phiến đá mới được làm thêm dưới mái vòm trắng, truyền thông trong nước không dám có nhận định. Tuy nhiên, đọc bình luận của bạn đọc có thể hé lộ đôi điều. Bạn đọc Coc của báo Tuổi Trẻ bình luận (chiếm số lượt yêu thích nhiều nhất, 86): “Bậc tam cấp ngoài trời không nên làm bằng đá granite trơn trợt khi có nước, nên làm bằng đá chẻ, đá nhám, gạch nhám”. Bình, một bạn đọc khác cũng đã đến đây và nhận xét: “Bậc thang hơi cao đối với người lớn tuổi nên tôi đi một lần thấy mỏi, đau chân và lần sau chỉ đi đường bên lề và nhìn lên không dám đi nữa”.

Thật là một công trình vô bổ, ngốn tiền ngân sách để chia chác. Và từ giờ trở đi, có thể nói tháp Trầm Hương đúng là “cái Nhang” như tên mà người dân Nha Trang đặt, vì đã có người chết tại đây.

• Vĩnh biệt nhà phê bình Đặng Tiến
Huỳnh Duy Lộc
17 tháng 4, 2023


Nhà phê bình Đặng Tiến. Ảnh: Facebook Đặng Tiến
Nhà phê bình Đặng Tiến là người đầu tiên của Việt Nam giới thiệu thi pháp của Roman Jakobson với loạt bài về thơ và thi pháp của Roman Jakobson đăng vào năm 1973 trên Tạp chí Văn của Nguyễn Đình Vượng.

Năm ấy, sau khi đọc những bài viết của nhà phê bình Đặng Tiến về thi pháp của Roman Jakobson, tôi đã vào thư viện Trung tâm Văn hoá Pháp ở Sài Gòn mượn đọc cuốn “Questions de poétique” của Roman Jakobson, rồi sau tháng Tư năm 1975, trao đổi với một giáo sư đại học hai cuốn sách về Tư Mã Thiên để lấy bốn cuốn sách của Roman Jakobson.
Mấy năm nay tôi hay đăng bài về Roman Jakobson và anh Đặng Tiến vì trong tâm tưởng tôi, hai cái tên Jakobson và Đặng Tiến gắn liền với nhau, là hai người viết về thơ hay nhất. Một người bạn mới cho hay anh Đặng Tiến phải nhập viện để chữa bệnh từ mấy tuần nay và mới vừa từ trần sáng nay (Thứ Hai 17 Tháng Tư, 2023). Độc giả của anh 50 năm về trước xin vĩnh biệt anh và xin chia buồn với gia đình anh.

Roman Jakobson (1896-1982) sinh ngày 10 Tháng 10 năm 1896 tại Nga trong một gia đình gốc Do Thái khá giả, ngay từ nhỏ đã bị mê hoặc bởi ngôn ngữ và khi còn là sinh viên ở Trường Đại học Moscow đã là thủ lĩnh của Trường phái ngôn ngữ học Moscow (Moscow Linguistic Circle), một trong hai trào lưu làm thành chủ nghĩa Hình thức của Nga (Russian Formalism) đã có ảnh hưởng mạnh mẽ trong thơ và nghệ thuật tiên phong ở Moscow. Các tác phẩm nghiên cứu đầu tay của ông là nghiên cứu về ngôn ngữ học cấu trúc, nêu rõ mục tiêu của ngôn ngữ học lịch sử không phải là những thay đổi riêng lẻ bên trong một hệ thống mà là thay đổi của hệ thống
.
Nhà phê bình Đặng Tiến (trái) và cố dịch giả Dương Tường. Ảnh: Facebook Đặng Tiến

Năm 1920, sau khi tốt nghiệp cử nhân, ông được mời làm giáo sư Đại học Moscow. Cũng trong năm ấy, ông cùng với người bạn đồng nghiệp là giáo sư Nicolas S. Troubetskoy sang Prague, thủ đô của Tiệp Khắc, để học tiến sĩ. Trong thời gian học ở Prague, ông đã gặp Vilem Mathesius và những nhà ngôn ngữ học Tiệp Khắc và Nga như S.I. Kartsevsky, một giáo sư dạy tiếng Nga ở Đại học Genève (Thụy Sĩ) đã giúp ông làm quen với giáo trình ngôn ngữ học của nhà ngôn ngữ học Thụy Sĩ Ferdinand de Saussure.

Các giáo sư trẻ tuổi, trong đó có Roman Jakobson, muốn thành lập một nhóm để nghiên cứu và thảo luận nên ngày 26 tháng Mười năm 1926, Nhóm Ngôn ngữ học Prague (Prague Linguistic Circle), tiền thân của Trường phái Ngôn ngữ học Prague (Prague School of Linguistics), đã ra đời. Khác với Ferdinand de Saussure, các nhà ngôn ngữ học trẻ của Nhóm Ngôn ngữ học Prague đã phân tích những hệ thống ký hiệu trong mối liên hệ với những chức năng xã hội chứ không chỉ xem chúng như những hình thái độc lập. Thành tựu làm cho các nhà ngôn ngữ học trẻ ở Prague nổi tiếng là phát hiện về những “nét khu biệt” (distinctive features) của ngôn ngữ, một phát hiện đã đưa họ tiến xa hơn trong việc nghiên cứu văn hóa và thẩm mỹ học.

Trái với người bạn Nicolas S. Troubetskoy chủ trương rằng ngôn ngữ là một cách bảo tồn và tự ý thức của văn hóa, Roman Jakobson cho rằng ngôn ngữ là một phương tiện diễn đạt và phát triển của văn hóa. Quan điểm này đã đưa ông đi xa hơn các đồng nghiệp ở Prague: năm 1933, ông hợp tác với Đại học Masaryk ở Brno (Tiệp Khắc) rồi trở thành giáo sư Ngữ văn Nga (1934) và văn học Tiệp Khắc thời Trung cổ (1936) tại đây. Thế chiến thứ hai bùng nổ ở châu Âu đã buộc ông phải rời Tiệp Khắc để sang Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và cuối cùng sang thành phố New York của Mỹ vào năm 1941. Ông được mời làm giáo sư tại Đại học Columbia từ năm 1943 tới năm 1949, tại Đại học Harvard từ năm 1949 tới năm 1967 và tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) từ năm 1957 tới năm 1967.
Năm 1928, Roman Jakobson cùng với các đồng nghiệp của Trường phái Ngôn ngữ học Prague như Vilem Mathesius, Nikolaj S. Trubetzkoy và S.I. Karcevskij đưa ra một quan điểm mới mẻ khác hẳn với quan điểm của Ferdinand de Saussure: việc nghiên cứu chức năng của những lời nói có thể được tiến hành cả theo quan điểm đồng đại (synchronic) – nghĩa là nghiên cứu một ngôn ngữ trong hiện trạng của nó – lẫn theo quan điểm lịch đại (diachronic) – nghĩa là nghiên cứu ngôn ngữ đang thay đổi theo thời gian.

Saussure luôn chủ trương rằng nghiên cứu về những mối liên hệ bên trong thuộc về cấu trúc và về những mối liên hệ giữa các ngôn ngữ vào một thời điểm nhất định (nghiên cứu đồng đại) và nghiên cứu về những thay đổi trong âm thanh và những mối liên hệ giữa các âm thanh này theo thời gian (nghiên cứu lịch đại) là những nghiên cứu hoàn toàn tách biệt, nhưng Roman Jakobson lại chủ trương:

“Chính việc phân tích cấu trúc của ngôn ngữ trong tiến trình phát triển – việc phân tích ngôn ngữ của trẻ em, những quy luật phổ quát của nó và cả ngôn ngữ trong quá trình tan rã của nó qua những trường hợp bị mất ngôn ngữ – đã làm sáng tỏ việc lựa chọn các âm vị, những nét khu biệt (distinctive features), những mối liên hệ hỗ tương của chúng và giúp chúng ta nhìn rõ hơn những nguyên tắc chủ yếu của việc lựa chọn này để từ đó có được quan điểm để lý giải những quy luật phổ quát ở bên dưới cơ cấu âm vị học của các ngôn ngữ trên thế giới”.

Với quan điểm xem ngôn ngữ như một phương tiện biểu đạt và phát triển của văn hóa, Roman Jakobson đã đi sâu nghiên cứu thi pháp (poetics), phân tích đặc điểm của thơ trong những bài giảng về thi pháp ở Đại học Harvard và nêu ra sự khác biệt chủ yếu giữa thơ và văn xuôi.


Trong bài viết “Thơ là gì?” (1933-1934), ông đã định nghĩa thế nào là thơ:

“Thơ là gì? Nếu muốn định nghĩa thơ là gì, chúng ta phải xác định cái gì không phải là thơ. Nhưng ngày nay nói cái gì không phải là thơ không phải là điều dễ dàng. Vào thời cổ điển hay lãng mạn, các đề tài của thơ khá giới hạn. Chúng ta hãy nhớ lại những yêu cầu truyền thống: vầng trăng, một cái hồ, một con chim hoạ mi, những tảng đá, một đoá hoa hồng, một lâu đài… Các giấc mơ lãng mạn cũng không được phép xa rời phạm vi này… Đối với nhà thơ hôm nay cũng giống như với lão Karamazov, “không có những phụ nữ xấu”. Không hề có tĩnh vật, không hề có một hành vi, một phong cảnh hay một tư tưởng nào nằm ở bên ngoài phạm vi của thơ. Ngày nay vấn đề đối tượng của thơ là gì là một vấn đề vô nghĩa…

Tôi đã từng nói rằng nội dung của khái niệm “thơ” rất bất định và thay đổi theo thời gian, nhưng chức năng thi ca, chất thơ (poéticité) là một yếu tố riêng biệt, một yếu tố mà người ta không thể giản lược một cách máy móc vào những yếu tố khác. Phải vạch rõ yếu tố này và nêu rõ tính chất độc lập của nó giống như những kỹ thuật vẽ tranh của trường phái Lập thể.

Nói chung, chất thơ chỉ là một thành tố của một cơ cấu phức tạp, nhưng lại là một thành tố sẽ biến đổi những thành tố khác và xác định diện mạo của toàn thể cơ cấu. Một khi chất thơ xuất hiện trong một tác phẩm văn chương, chúng ta sẽ nói tới thơ. Nhưng chất thơ biểu hiện như thế nào? Nó biểu hiện ở chỗ từ ngữ được cảm thụ như là từ ngữ chứ không phải chỉ là một ký hiệu tầm thường của sự vật được gọi tên, cũng không phải như một òa vỡ của cảm xúc. Nó thể hiện ở chỗ những con chữ, cú pháp, ý nghĩa và hình thể ngoại tại và nội tại không phải chỉ là những ký hiệu vô vị của thực tế, mà trái lại, những con chữ đó có trọng lượng riêng, giá trị riêng…”
(Mais comment la poéticité se manifeste-t-elle? En ceci, que le mot est ressenti comme mot et non comme un simple substitut de l’ objet nommé ni comme explosion d’ émotion. En ceci, que les mots et leur syntaxe, leur signification, leur forme externe et interne ne sont pas des indices indifférents de la réalité, mais possèdent leur propre poids et leur propre valeur…”. Qu’ est-ce que la poésie?, Huit questions de poétique, tr. 31, 45, 46)

R. I. P. Nhà phê bình Đặng Tiến


• Văn Giang với Nguyễn Lân Thắng
Bùi Thanh Hiếu
16 tháng 4, 2023


Văn Giang tháng 4 năm 2012.

Cuộc đấu tranh đòi đất của bà con Văn Giang đang vào lúc cam go nhất. Thời gian ấy Lân Thắng hay qua lại cùng một số anh em nữa để hỗ trợ bà con đưa tin tức, Lê Dũng Vova cũng thường có mặt ở Văn Giang chuyện trò cùng với bà con.

Tin tức Văn Giang thường xuyên được cập nhật trên trang của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện. Anh em đi thu thập tin tức, hình ảnh và tâm tình của bà con gửi về trang anh Diện.
Tôi không theo dõi nhiều cuộc đấu tranh đòi đất của bà con nông dân, lúc đó tôi theo dõi cuộc đấu tranh đòi đất của bà con giáo dân cùng với anh JB Nguyễn Hữu Vinh.

Trước hôm cưỡng chế Văn Giang một hôm, tin tức rất nóng bỏng, bầu không khí nghẹt thở trên trang anh Diện.

Lân Thắng nhắn tôi.
– Văn Giang mai cưỡng chế, anh xem nào về hỗ trợ bà con đưa tin.
Tôi nói ở đó có nhiều anh em rồi, Lê Dũng Vova và Phạm Chính với vài người nữa. Thắng bảo.
– Có anh em yên tâm hơn, các ông kia đi trực đầu xóm, mình em ở cuối xóm.

Câu “mình em” của Thắng, khiến tôi quyết định về Văn Giang. Chiều hôm ấy đường vào Văn Giang đã bị các chốt công an lập ra kiểm soát người qua lại. Tôi đứng trên bờ đê nhìn các chốt lập quanh làng, chỉ thấy vài người nông dân họ đang tranh thủ đào những cây cảnh mang về nhà, vì ngày mai xe ủi sẽ san bằng tất cả những mảnh vườn trồng hoa và cây cảnh.

Tôi nhắn Lân Thắng, bảo ai đó trong làng mang cho tôi một cái cuốc và một cái bao tải, gặp tôi ở trên con đê, dưới chân cầu.
Hai người dân làng ra đón tôi, tôi cởi quần áo, mặc đúng cái quần đùi. Máy ảnh và máy quay phim, giầy, điện thoại…cho tất vào bao tải bảo một người mang vào làng. Còn tôi và một người nữa đi xuống cánh đồng, ra vẻ đào bới cây, cứ lân la trên cánh đồng tiến đến sát làng. Đào mấy cái cây rồi cùng nhau đi vào làng qua cánh đồng cùng với mấy người mót cây.

Người ta dẫn tôi lên một gác trên của một ngôi nhà. Lân Thắng cởi trần đang ngồi bên máy tính, tôi ngạc nhiên thấy nó không đeo kính. Hỏi kính mày đâu. Thắng bảo.

– Sáng em đi vào, sợ bọn nó nghi, em phải mặc quần áo nông dân, đeo kính áp tròng.

Tôi bảo đi vòng quanh làng xem địa thế ra sao. Chúng tôi đi vòng quanh làng xem xét tầm quan sát, đánh giá những điểm có thể xảy ra căng thẳng. Gặp Phạm Chính đang chốt ở một nhà, Chính bảo vào nhậu. Tôi nhìn địa thế ngôi nhà Chính ở, ngôi nhà ở rìa bên trái làng nếu đứng từ trên đê nhìn xuống. Chính nói chỗ cánh đồng trước nhà mai chắc chắn sẽ có cưỡng chế. Hỏi Dũng Vova đâu, thì Chính bảo đang trực ở góc khác.

Tôi bảo nhà kia nấu cơm rồi, tôi và Thắng sẽ ăn ở đấy.

12 giờ đêm, tôi và Thắng vẫn đi nghiên cứu địa hình. Sau cùng tôi chọn một nhà, tôi nói chủ nhà vất cho tôi mấy cái đệm và chăn phơi trên sân thượng, bê mấy chậu cây cảnh lên đó. Chủ nhà gọi mấy người hàng xóm đến hỗ trợ, họ bê nhiều thứ lên trên sân thượng.

Tôi nói sáng mai tôi sẽ núp trên sân thượng, còn Lân Thắng tôi bảo sang ngôi nhà bên kia, ngồi trên gác nhà đó trực.

Gần sáng, cảnh sát cơ động đi thành nhiều đoàn bủa vây quanh làng, họ cầm dùi cui và lá chắn, nhìn như những binh đoàn quân La Mã trên cánh đồng. Không khí căng thẳng và ngột ngạt, không còn ai được ra hay vào làng nữa.

Trời sáng, đoàn quân cảnh sát khiên giơ cao tiến vào làng, cản trở không cho người dân ra cánh đồng, máy ủi tiến phía sau bắt đầu san phẳng cây cối trên những mảnh vườn. Người dân ùa ra, bị pháo hơi cay ném tới tấp, súng bắn chỉ thiên. Dân làng ném gạch đá vào cảnh sát, nhưng họ giơ khiên chắn được và tiến vào dùng dui cui đập dân. Có hai người nhà báo VOV đứng quay phim. Họ bị cảnh sát xúm lại đánh đập dã man. Một dân làng là phụ nữ nhao đến không cho đánh nhà báo, chị bị đám cưỡng chế bẻ tay gập người xuống. Một tay cưỡng chế sút một cú thẳng vào bụng chị, khiến chị đổ gập người.

Tất cả những hình ảnh ấy đều lọt vào máy quay của tôi và Lân Thắng.

Clip Lân Thắng ghi.

Clip tôi ghi.

Đến chiều cưỡng chế xong, một số người bị bắt đi. Xẩm tối tôi cả Lân Thắng nằm trong xe công nông, phủ bao tải ra khỏi làng.
Sáng hôm sau chính quyền Hưng Yên tuyên bố cưỡng chế thành công, không có gì đáng tiếc xảy ra, mọi việc êm đẹp.

Hai clip trên được tung ra, gây xôn xao. VOV không còn cách nào khác, họ xác nhận hai phóng viên bị đánh dã man là người của họ. Tin tức phóng viên bị đánh chính thức được khẳng định trên báo với hình ảnh bộ mặt sưng vù, thâm tím của hai phóng viên.


Công an bồi thường tiền cho hai phóng viên, số tiền không tiết lộ. Một sĩ quan công an bị cắt chức.

Chính quyền Hưng Yên nói chỉ do hiểu lầm đánh hai phóng viên, ngoài ra không có ai bị đánh.

Một clip thứ ba do tôi ghi cảnh người phụ nữ bị bẻ tay, nhận một cú đá sấm sét vào bụng đổ gập người được tung ra.

Người ta nói, muốn kiện phải tìm được clip gốc và ai quay.

Trên đường Bà Triệu, ở quán cà phê đối diện VOV, qua một người trung gian, tôi có cuộc gặp với người của VOV. Họ nói tôi nếu phải làm đến nơi, tôi có thể cung cấp clip gốc và nhận đã ghi không.

Tôi nói sẽ đứng ra nhận, kể cả giao luôn máy quay.

Hai hôm sau, bỗng nhiên an ninh gọi tôi lên làm việc về sách Đại Vệ Chí Dị. Những buổi làm việc liên tục từ ngày này qua ngày khác, cứ từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Kéo dài đến mười mấy ngày.

Trong thời gian đó, người ta thoả thuận với nhau xong vụ đánh nhà báo. Khi dứt những buổi hỏi cung về viết blog, tôi không còn sức mà để tâm đến chuyện clip. Hơn nữa tôi và Lân Thắng cũng không muốn công khai là chúng tôi đã quay clip đó.

Lân Thắng có đam mê làm phóng viên, ghi lại những sự kiện nóng bỏng. Tôi thì nghiêng về thích bình luận nhiều hơn. Vì tính chất như thế, Lân Thắng đi nhiều nơi, từ vùng cao đến ven biển. Đi vào những điểm nóng như vậy rất nguy hiểm, cứ nhìn trường hợp hai phóng viên VOV bị đánh thì thấy. Để đổi lấy những tấm hình, những phút clip về sự kiện nóng, về những bất công, người phóng viên tự do luôn có thể bị đánh đập đổ máu, bị bắt bớ hành hung. Đang ngồi nhâm nhi cà phê, bỗng nghe cú điện ở Văn Giang, ở Dương Nội có đánh đập, bắt bớ là Lân Thắng lên đường. Lúc nào Thắng cũng thường trực túi máy ảnh trong người để ứng biến ngay khi cần.

Hình ảnh và clip không như bài viết hay bình luận. Nó là thực tế, là sự thực hiển nhiên, là bằng chứng cụ thể và xác thực. Kèm theo nó là sự nguy hiểm tính mạng đến ngay lập tức lúc người phóng viên tự do đang tác nghiệp.

Các bạn hãy xem kỹ clip Văn Giang mà Lân Thắng ghi, trong khói lựu đạn cay và tiếng súng nổ, những tiếng la hét kêu cứu, bạn sẽ thấy người phóng viên tự do Nguyễn Lân Thắng can đảm thế nào sau cái vóc dáng thư sinh, mảnh khảnh bên ngoài.



Tháng 12 năm 2012, luật sư Nguyễn Văn Đài hẹn tôi và Lân Thắng đến quán cà phê Hàm Cá Mập ở sát Hồ Gươm. Đài ngồi ở đó với một nữ nhà báo người Hà Lan.

Nữ nhà báo Hà Lan phỏng vấn chúng tôi về những clip quay ở Văn Giang, cô hào hứng nghe chúng tôi tả lại khung cảnh lúc đó và làm thế nào chúng tôi ghi hình được.

Cô nói rất muốn đến thăm Văn Giang.
Tôi và Thắng nhìn nhau, lúc đó toà án đang xử một vụ đánh người dân Văn Giang, không khí ở đó rất căng thẳng. Nhưng đưa một nhà báo quốc tế đến thực tế nơi xảy ra sự việc cũng là một điều rất nên làm. Chúng tôi suy nghĩ giây lát rồi gật đầu.


Sáng hôm sau tôi và Thắng đến khu phố cổ đón nữ nhà báo Hà Lan và người phiên dịch. Chúng tôi ăn phở rồi đi uống cà phê, nữ nhà báo Hà Lan có vẻ sốt ruột khi thấy chúng tôi nhởn nhơ không có vẻ gì thực hiện chuyến đi cả. Tôi nói người phiên dịch bảo cô ta cứ làm theo chúng tôi. Ăn và uống cà phê xong, tôi bảo Thắng dẫn hai người đó đi bộ tham quan phố cổ. Trước đó tôi đã chỉ cho Thắng cái số nhà ở phố Hàng Ngang có lối đi xuyên sang bên phố Hàng Giầy.

Chúng tôi chia tay nhau, tôi đi bộ về nhà ở ngõ Phất Lộc. Còn ba người kia đi bộ dạo phố.

Nhà Phất Lộc có hai lối đi, một mặt ra Phất Lộc, một mặt ra Lương Ngọc Quyến. Tôi mang cái xe máy ra trước cửa nhà mặt Phất Lộc, rồi lôi máy hàn, hàn cái chân chống xe có cái mẩu tai để gạt đã bị bung ra. Tôi vào nhà như lấy cái gì, rồi thay nhanh quần áo đi ra lối Lương Ngọc Quyến. Xe máy và máy hàn vẫn để ngổn ngang trước cửa nhà, cửa nhà vẫn mở toang.

Tôi đến bãi đậu xe lấy cái xe ô tô của một người bạn đã đậu sẵn ở đó từ hôm trước, đi đến phố Hàng Giầy, đúng giờ hẹn Thắng và hai người kia vừa ra khỏi lối đi xuyên từ Hàng Ngang sang.

Thẳng tiến đến Văn Giang
Lúc đi dạo phố, Thắng đã mua tặng cho người phụ nữ Hà Lan và người phiên dịch nón lá và ủng bảo hộ lao động. Cách làng khoảng 2 cây số, xe đậu lại ở một đoạn đường vắng. Những người nông dân trong làng đã chờ sẵn chở chúng tôi vào. Hai người phụ nữ đội nón lá, đi ủng lao động. Máy ảnh, túi xách người khác cho vào bao tải để ở giữa khung xe chở đi sau.

Những người nông dân chia nhau đi trước quanh làng xem có người lạ hoặc có công an không, lúc đó đã vào lúc 12 giờ 10 trưa, thấy an toàn chúng tôi đưa cô nhà báo Hà Lan được đưa đi xem cánh đồng, phỏng vấn những người dân, đến nơi xảy ra vụ đánh hai nhà báo và người dân.

Chúng tôi chỉ ở làng đến 13 giờ 10 phút là rời đi. Tôi đã nói trước chỉ trong vòng một tiếng đó, đấy là thời gian nếu có người canh gác, theo dõi làng họ sẽ bỏ đi ăn trưa.

Cô nhà báo Hà Lan về lại Hà Nội, khi chia tay cô nói rằng cô cảm thấy không có gì nguy hiểm, bằng chứng chả gặp chuyện gì và suốt quãng thời gian ấy tôi và Lân Thắng vẫn nói chuyện vui vẻ, cười cợt không có vẻ gì lo lắng cả. Tại sao chúng tôi phải làm nhiều chuyện vòng vèo như thế, ngay cả đến ngôi làng cũng thấy bình yên. Cô có thấy gì đáng phải sợ đâu. Cô nhìn cái nón và đôi ủng và cười như muốn nói chúng tôi đã bảo cô làm những việc vô ích.

Thắng bảo thôi cứ lo xa cho lành.

Cô nhà báo Hà Lan dự tính sẽ đi vào miền Trung rồi miền Nam để phỏng vấn một số nơi xảy ra những sự kiện nóng, gặp một số nhà hoạt động báo chí tự do.

Ba ngày sau, luật sư Đài nói với chúng tôi. Cô nhà báo ấy bị doạ sợ chết khiếp, khi vào đến Huế, cô bị đe doạ, bị khủng bố tinh thần. Cô đã liên hệ sứ quán Hà Lan và xin hỗ trợ đưa cô ra khỏi Việt Nam nhanh nhất.

Một năm sau, tôi gặp lại cô nhà báo Hà Lan ấy ở trên đất Hà Lan. Cô nắm tay tôi khóc. Cô nói đời cô chưa bao giờ sợ hãi đến thế. Người ta đi kè kè bên cạnh cô, cô muốn gọi xe hay muốn ăn cũng đều bị những người kia ngăn cản. Cô kể khi cô vào quán ăn, người đi theo nói gì đó, chủ quán nói không phục vụ cô. Cô xin đi nhờ vệ sinh, khi vào nhà vệ sinh trong quán, có người bên ngoài đập cửa nói bằng tiếng Anh nếu cô không rời đi, họ sẽ giết cô.

Cô nói giờ cô mới hiểu tại sao lúc trước chúng tôi lòng vòng như thế, cô bày tỏ sự khâm phục trước thái độ và nụ cười của chúng tôi khi đưa cô đi. Cô bảo làm sao chúng tôi có thể thản nhiên như thế, đến nỗi cô tưởng rằng mọi thứ đều bình thường và chúng tôi muốn thể hiện nên đã làm nhiều thứ cho quan trọng vấn đề.
Cô hỏi người bạn của tôi thế nào rồi, tôi nói anh ấy vẫn đang làm những điều mà cô đã thấy.

Cô nói muốn làm một cuộc họp báo để nói về tự do ngôn luận và hoạt động của những nhà báo tự do, những nhà văn ngoài lề ở Việt Nam để người Hà Lan hiểu về chúng tôi hơn.

Buổi họp báo diễn ra trong liên hoan văn chương Read My World của Hà Lan, vì bất ngờ gặp lại tôi, cô đã cố gắng sắp xếp với ban tổ chức để cho tôi có một khoảng thời gian trong chương trình.

Trong cuộc họp báo ấy, tôi nói rằng tôi đến châu Âu với học bổng nhà văn do Đức cấp. Nhưng hoạt động của những nhà báo tự do mới nguy hiểm hơn người viết văn, bởi họ luôn ở tuyến đầu để lấy tin tức, hình ảnh. Thời buổi mạng xã hội, người ta tìm đọc những tin tức nóng bỏng chứ ít khi để thời gian đọc một bài viết.

Một nữ nhà văn Hà Lan phát biểu rằng, chẳng qua chúng tôi được chú ý bởi vì chúng tôi viết và đưa tin về những cái tiêu cực, không như bà chỉ viết về những điều nhân văn.


Tôi nói.
– Là người viết, chúng tôi cũng muốn viết về những điều tốt đẹp để khơi dậy những tính nhân văn trong con người như bà. Tôi đã từng viết những bài viết về trẻ thơ, về quê hương, về cuộc sống, tình yêu và tôi xin nói với bà rằng, những bài viết đó tôi còn được nhiều người like hay chia sẻ gấp chục lần những bài tôi viết về những điều tiêu cực.

Ngay như anh bạn tôi còn đang ở Việt Nam, trước kia anh thường đi chụp những cảnh đẹp, những điều lý thú, vui vẻ trong cuộc sống. Nhưng ở đất nước độc tài còn đầy rẫy những điều bất công, chúng tôi phải có trách nhiệm đưa tin hay viết về những điều ấy. Cái giá phải trả là nhà tù, là bị áp bức. Không ai muốn nổi tiếng hay được chú ý khi viết hay đưa tin về những nỗi đau của dân tộc mình đang chịu, đó là điều bất đắc dĩ, đó là sự đau đớn.

Chúng tôi cũng muốn đất nước mình người dân có cuộc sống công bằng, hạnh phúc và tươi đẹp như đất nước Hà Lan này, để chúng tôi viết về những điều nhân văn, những điều tốt đẹp. Ước mơ của tôi là viết những thứ cho trẻ thơ đọc, những truyện mà khiến trẻ thơ yêu bố mẹ, ông bà, thương mến những người xung quanh. Hôm nay tôi may mắn ở đây, trước mặt quý vị. Nhưng ở Việt Nam ngay tại ngày hôm nay, còn bao người phóng viên tự do, còn bao người người viết tự do, những người nói lên những bất công, họ đang ở trong tù. Tôi xin nói lại, không ai muốn nổi tiếng khi viết về sự khổ đau của nhân dân mình nhất là cái giá phải trả là nhà tù.

Hội trường lúc đó khoảng 60 người, có cả dân biểu, nhà báo, nhà văn. Họ im lặng một lúc, rồi mới vỗ tay. Chắc mọi người thắc mắc vì sao tôi không viết gì khi Lân Thắng bị bắt.

Tôi không dám, bởi tôi sợ nếu tôi viết về người bạn mình. Toà án cộng sản sẽ cay cú vì những gì anh đã làm.

Tôi phải làm ngơ như Thắng chẳng có gì đáng phải nhắc đến cả. Chờ đến lúc phiên toà tăm tối kết án anh xong, tôi mới kể lại những gì anh ấy đã làm.



• Tản mạn về status của võ sư Đoàn Bảo Châu viết về kỹ sư Nguyễn Lân Thắng
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
16 tháng 4, 2023


Nguyễn Lân Thắng cùng vợ Lê Bích Vượng và con gái biểu tình chống Formosa xả thải làm ô nhiễm biển Đông. (Ảnh: Facebook Lê Bích Vượng)

Tôi khâm phục tinh thần yêu nước và hy sinh của kỹ sư Nguyễn Lân Thắng. Tôi tôn trọng tinh thần phản biện và khâm phục thái độ “độc lập tuyệt đối trong tư tưởng” của võ sư Đoàn Bảo Châu. Tôi viết những suy nghĩ tản mạn này trong tinh thần của hai vị “sư” này.

Tôi thấy võ sư Châu “không đồng ý với việc kỹ sư Thắng có hành vi chế giễu hình ảnh ông Hồ Chí Minh.” Tại sao? Võ sư giải thích vì: “ông không chỉ là một lãnh tụ mà còn là một chân dung văn hoá, về lòng yêu nước và tư tưởng, kể cả tư tưởng dân chủ đều có tầm cao mà những người cộng sản thế hệ sau rất khó theo kịp.”
Tôi thấy ở đời ai cũng phải chịu sự đánh giá của những người xung quanh. Lối sống, lời nói và việc làm của mỗi người, nhất là của những người mang trọng trách, những con người của công chúng càng cần phải được xem xét bằng những cái nhìn khác nhau mà trong đó họ có thể trở thành đối tượng chễ giễu hoặc tôn vinh.

Ông Hồ Chí Minh cũng là một con người, hơn nữa ông còn là một lãnh tụ, một nhân vật của công chúng, một nhân vật lịch sử lẫy lừng của Việt Nam trong thế kỷ XX, cho nên tìm hiểu và đánh giá về ông luôn là điều cần thiết. Vì vậy không chế giễu ông là quyền của võ sư Châu; chế giễu ông là quyền của kỹ sư Thắng. Vấn đề là nội dung chế giễu có cơ sở hay không mà thôi!

Võ sư Châu coi ông Hồ Chí Minh là “một chân dung văn hóa” thì đó là nhận thức và là quyền của võ sư. Còn nếu kỹ sư Thắng coi ông Hồ Chí Minh là một chân dung phản văn hóa, thì đấy là nhận thức và là quyền của anh. Mỗi người mỗi cái nhìn, mỗi cách đánh giá và tùy cách đánh giá mà người ta chễ giễu hay tôn vinh.

Nhưng có thật Hồ Chí Minh là một “chân dung văn hóa” không? Nói đến văn hóa là nói đến cái tốt, cái đúng, cái đẹp chuẩn mực và phổ quát của con người trong lối ứng xử với bản thân, với tha nhân, với xã hội và với môi trường xung quanh. Ít là như vậy. Vì thực ra người có văn hóa toàn diện còn là con người biết ứng xử với Thiên Chúa và các bậc thần thánh nữa!

Một người được coi là “chân dung văn hóa”, tức là mô phạm để nhiều người khác noi theo, tất phải thể hiện những điều trên đây ở mức độ tuyệt hảo! Trong khi đó, thực tế cho thấy ông Hồ Chí Minh không phải là người như vậy! Ông có thể là nhà chính trị nhạy bén và thành công nhờ thủ đoạn, nhưng là một chân dung văn hóa thì dứt khoát không!
Vì ông dối trá, giả hình, lừa thầy phản bạn, vô ơn bội nghĩa. Vì ông độc ác tàn bạo với cả ân nhân và thân nhân mình. Ngay cả khi tiếp xúc với công chúng trong những chuyến công du, ông vẫn có những hành vi bất xứng, thiếu văn hóa, chẳng ra ta cũng không ra Tây để đến nỗi báo chí nước người ta phải lên tiếng.

Nếu một người chỉ có lòng yêu nước thì chưa thể được coi là “một chân dung văn hóa.” Một cái tốt tố đơn lẻ không thể khái quát thành cái tốt toàn thể! Cứ cho là được đi nữa thì ông Hồ Chí Minh có phải là một “chân dung văn hoá về lòng yêu nước” như võ sư Châu quan niệm không? Cũng không!


Status của võ sư Đoàn Bảo Châu viết về kỹ sư Nguyễn Lân Thắng. Ảnh chụp màn hình Facebook Chau Doan

Vì các bằng chứng lịch sử cho thấy ông Hồ Chí Minh yêu bản thân ông, yêu đảng cộng sản chứ chẳng yêu gì đất nước và dân tộc này. Nếu yêu thật ông đã không có những chọn lựa và việc làm sai lầm và tai hại cho đất nước như vậy. Theo logic và thực tế: anh em ruột thịt của ông, ông không yêu; vợ con ông, ông không yêu, thì làm sao có thể khẳng định được rằng ông yêu nước!

Võ sư Châu coi ông Hồ Chí Minh là một “chân dung văn hóa về […] tư tưởng…” Tôi không biết võ sư quan niệm thế nào là “tư tưởng”? Nếu “tư tưởng” là một hệ thống quan niệm thống nhất về nhân sinh quan và vũ trụ quan theo quan niệm Tây phương-loại tư tưởng có cái đuôi “ism”- thì ông Hồ Chí Minh có không?

Ông Nguyễn Văn Trấn, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Khu ủy Khu 9, trong hồi ký “Viết cho Mẹ và Quốc Hội” cho biết chính ông Hồ Chí Minh đã nói với các đồng chí rằng ông chẳng có tư tưởng gì, ông chỉ vận dụng tư tưởng Mác-Lê-Mao vào hoàn cảnh Việt Nam thời bấy giờ mà thôi!

Võ sư Châu nói ông Hồ Chí Minh có tư tưởng dân chủ và đó là những tư tưởng dân chủ có tầm cao! Tôi không biết võ sư hiểu dân chủ là thế nào, tư tưởng dân chủ là thế nào, tư tưởng dân chủ có tầm cao của ông Hồ Chí Minh là thế nào so với nhân loại trước và sau ông.

Nhưng tôi thấy ông Hồ Chí Minh có tư tưởng độc tài toàn trị. Trên thực tế chưa bao giờ ông coi trọng dân chủ và các nguyên tắc dân chủ! Chưa bao giờ ông HCM tôn trọng người dân và để cho người dân được quyền làm chủ! Có chăng chỉ là những lời lẽ dân chủ giả hiệu để ru ngủ và lừa đảo người dân.

Ông đã khai sinh ra cái đảng cộng sản lấy “chuyên chính vô sản”- có nghĩa là độc tài cộng sản và lấy bạo lực cách mạng làm nguyên tắc cướp chính quyền và cai trị dân chúng. Cái chế độ mà ông xây dựng thực chất là một chế độ độc tài toàn trị, tổng hợp những thứ sai lầm, dối trá và bạo lực của Tây Tầu khiến cho nước Việt tan hoang và dân việt điêu đứng!
Võ sư Châu ngầm trách kỹ sư Thắng thiếu thông cảm với các sai lầm của đảng cộng sản. Điều này có thể hiểu được! Đúng như võ sư nói: Con người có thể mắc sai lầm! Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ mình có dám nhận rằng mình đã sai lầm không và quan trọng hơn nữa là mình có can đảm để sửa sai hay không hay chỉ đổ thừa cho các thế lực thù địch và các hoàn cảnh khách quan?

Về căn bản những sai lầm của ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản do ông lập ra là những sai lầm căn bản, sai lầm hệ thống mà ông cũng như đảng độc tài của ông cho đến hôm nay vẫn chưa nhận ra và chưa chịu sửa chữa sai lầm. Họ tiếp tục duy trì những lý thuyết và nguyên tắc phi nhân bản, phản dân chủ, phản tự nhiên, phản tiến bộ, phản khoa học để thống trị đất nước.

Giả thiết con người có thể sai lầm để bênh vực và bảo vệ cái sai lầm của cá nhân và tổ chức, hay ít nhất để bác quyền chỉ trích những sai lầm kia, thì không phải là lối ứng xử logic của một người đang có tư tưởng dân chủ và mong muốn xã hội tiến bộ, đất nước phát triển và dân tộc thịnh vượng, người dân hạnh phúc.

Võ sư Châu kêu gọi kỹ sư Thắng và mọi người “không nên phủ nhận sạch trơn những gì thế hệ trước đã làm”, tức là những gì ông HCM và chế độ cộng sản đã làm trong gần 100 năm qua! Cái này có vẻ võ sư quá lo! Vì thực sự không ai làm được điều ấy! Có muốn cũng không được! Vì lịch sử có tính liên tục và kế thừa! Kế thừa cả cái hay, cái tốt lẫn cái xấu, cái hại!

Thí dụ, trước đây chế độ cộng sản lên nắm quyền đã thực hiện cố gắng “phủ nhận sạch trơn” bằng cách triệt để “xóa bỏ những tàn tích của thực dân phong kiến” (ở Miền Bắc) và của “ngụy quân ngụy quyền” ở Miền Nam mà có được đâu! Có chăng cho đến cuối những năm 70 của thế kỷ trước chế độ cộng sản mới chỉ phá hủy được toàn bộ đình đền miếu mạo chùa chiền từ Quảng Bình ra cho đến Thanh Hóa, rồi sau đó từ đầu năm 1990 bắt đầu làm lại!

Thực tế mấy chục năm nay tại nước mình chẳng phải là chính trị thì từ Bắc mà vào, còn văn hóa và kinh tế thì từ Nam mà ra sao! Chẳng phải là hiện nay âm nhạc từ thời tiền chiến đến thời cộng hòa đang được hát khắp các hang cùng ngõ hẽm và trên các phương tiện truyền thông đến nỗi lấn át cả nhạc cộng sản sao? Thế nên nỗi lo trước sự kiện một số ít người phản biện về một số nhân vật lịch sử- sẽ phủ nhận sạch trơn những gì các thế hệ trước đây đã làm là nỗi lo thiếu cơ sở.

Võ sư Đoàn Bảo Châu. Ảnh: Facebook Chau Doan

Võ sư Châu lo rằng chế giễu của kỹ sư Thắng hay của những người khác có thể sẽ là thiếu lễ và điều này dễ dẫn thế hệ trẻ hành động theo kiểu “cứt lộn lên đầu” và đất nước bước về “thời kỳ man rợ và mất phương hướng.”

Tuy nhiên, thực tế có thể ngược lại: Nếu thiếu sự phản biện những sai lầm của thế hệ trước, nhất là của những nhà lãnh đạo, nếu thiếu sự chễ giễu hay sự lên án những cái xấu, cái sai, cái ác của quá khứ và hiện tại thì hiện tại và tương lai con cháu chúng ta có thể tiếp tục tưởng sai là đúng, tưởng xấu là tốt, tưởng ác là thiện, tưởng dở là hay và tiếp tục ứng xử man rợ trong thế giới văn minh này.
Võ sư Châu lo kỹ sư Thắng hay độc giả sẽ không làm được gì nếu sinh vào thời ông Hồ và ông Giáp. Sự so sánh này khập khiễng! Không thể giả thiết cái đã chắc chắn không thể xảy ra để biện minh cho một cái đã xảy ra. Hơn nữa, thực tế trong nhiều hoàn cảnh có khi “không làm được gì” lại tốt hơn là “làm được gì”!

Thực tế có những người bị tha hóa và sự hiện hữu của họ giữa trần gian ở trở nên có hại cho chính họ và cho tha nhân hơn là không có họ. Chính vì vậy mà Chúa Giê su đã nói về ông Giuda “Khốn thay kẻ nộp Con Người, thà kẻ ấy đừng sinh ra thì hơn!”

Kỹ sư Thắng có chế giễu ông Hồ Chí Minh không? Tôi không biết! Chế giễu một lãnh tụ có phải là đạp đổ và nâng mình lên không? Tôi không nghĩ như thế! Có xã hội nào xưa nay không chế giễu cái sai trái của vua chúa quan quyền? Tôi nghĩ giả như kỹ sư Thắng có chế giễu đi nữa thì anh cũng không có tham vọng thay thế ông Hồ Chí Minh hay lãnh tụ nào!

Tôn trọng người khác! Đúng! Nhưng tôn trọng cả cái sai của người khác, đặc biệt là những sai lầm dẫn đến cái chết của hàng triệu người, những sai lầm di lụy qua nhiều thế hệ thì không bao giờ là đúng!

Tôn trọng người khác không có nghĩa là không được chế giễu các cái sai của họ, vì đó là một yếu tố cần thiết để giáo dục và đào tạo con người và xã hội. Chỉ các nhà độc tài mới sợ chế giễu. Chỉ có người có tinh thần nô lệ mới không dám chế giễu vua quan.

Võ sư Châu viết rằng “Ta là hậu sinh, ta phân biệt đúng sai để tránh sai lầm trong hiện tại và tương lai.” Đúng vậy! Tuy nhiên, nếu coi một lãnh tụ phải được tôn kính như thần thánh mà không ai được nói động đến, và nếu mình tìm cách biện minh cho cái sai của thế hệ đi trước thì làm sao mình còn biết đúng sai? Làm sao mình còn hiểu được quá , giải thích được hiện tại và rút ra được bài học lịch sử cho tương lai?


Còn những điều đúng và điều không đúng khác nữa trong status của võ sư Châu mà người ta có thể tán đồng hay phản bác. Tuy nhiên, không như nhiều status trước đó được võ sư viết một cách rất thuyết phục, status này đã được võ sư đã viết bằng tình cảm nhiều hơn lý trí và vì thế ít nhiều lập luận thiếu nhất quán và lẫn lộn giữa các phạm trù.

Tôi có cảm tưởng sự tuyên truyền của cộng sản trong việc thần thánh hóa lãnh tụ vẫn còn ảnh hưởng ít nhiều trên võ sư. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi nghĩ võ sư là người ủng hộ chế độ độc tài cộng sản, cũng không vì thế mà võ sư mất đi giá trị và sự tôn trọng qua nhiều ý kiến phản biệt xã hội rất có giá trị xây dựng.

Võ sư Đoàn Bảo Châu vẫn là số ít những người đáng kính nhất trong đội ngũ những người được coi là trí thức ở Việt Nam ; và việc chụp mũ, kết án và mạ lỵ võ sư chỉ vì một bài viết có quan điểm chưa xác đáng thì không phải là lối ứng xử công bằng, cũng phải là hành động tốt nhất trong việc mưu ích cho sự nghiệp chung của dân tộc và đất nước./.

Roma 15.04.2023

Nguyên văn bài viết của võ sư Đoàn Bảo Châu ở đây: https://www.facebook.com/DoanBaoChau21165

• Cộng sản Việt Nam gián tiếp xác nhận bắt cóc người ở Thái
Y Nguyên
16 tháng 4, 202


Đường Văn Thái trước ngày bị bắt (ảnh FB cá nhân)

Vào chiều tối ngày 16 Tháng Tư ở Việt Nam, công an chính thức phát đi văn bản cho các báo chí trong nước, đồng loạt đưa tin về việc công an Hà Tĩnh “phát hiện người đàn ông tên Đường Văn Thái” xâm nhập vào Việt Nam. Mặc dù bản tin đưa nhiều chi tiết về việc khẳng định bắt được đương sự xâm nhập trái phép bằng “đường mòn lối mở” vào trong nước, nhưng lại không hề có một hình ảnh nào chứng minh, mà chỉ được minh họa bằng ảnh của những người từng xâm nhập khác.

Theo phối kiểm từ nhiều người quen của ông Thái Văn Đường (tên đúng là Đường Văn Thái), một nhà bình luận thời sự trên YouTube, thì đã hơn hai ngày nay không thấy ông này xuất hiện tại căn nhà mà ông đang thuê ở Thái Lan tại Klong 6, quận Thanyaburi, tỉnh Pathum Thani, cách Bangkok khoảng 35 km. Cho tới lúc này, căn nhà vẫn khóa trái và không có người lai vãng.
Nghi vấn tiếp theo là xe máy của ông Thái Văn Đường vẫn hay dùng để di chuyển lại không có trong sân nhà, còn ngoài ngõ thì chiếc Toyota Camry 2004 của Đường vẫn ở nguyên chỗ cũ. Nhiều người quen của ông Thái Văn Đường đã báo tin này cho các tổ chức giúp đỡ người tỵ nạn, cũng như cơ quan cảnh sát Thái Lan nhưng cho đến nay không có hồi âm. Được biết sẽ sớm có cuộc điều tra kết hợp cùng đại diện của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hợp Quốc ở Thái.


Vào chiều tối ngày 15 Tháng Tư, báo chí Thái Lan và mạng xã hội Việt Nam bắt đầu xôn xao sự kiện này. Riêng báo Thái Lan thì nói rõ rằng có những điểm đáng nghi ngờ về hai bài viết cuối cùng của Thái Văn Đường xuất hiện trên Facebook và Tiktok, có thể là do những nhân viên an ninh CSVN khi bắt được Thái, đã cướp điện thoại và tự viết đăng lên nhằm mục đích đánh lạc hướng dư luận, cho rằng Thái Văn Đường vắng mặt là đang đi chơi, vẫn còn bình an vô sự. Có lẽ lúc đó an ninh CSVN đã bắt cóc và giam Thái ở đâu đó ở gần biên giới, chờ bí mật chuyển đi.
Ngày sau đó, thấy không thể che đậy được chuyện mỗi lúc càng lớn, báo chí của nhà nước cùng đồng loạt đưa tin Thái Văn Đường nhập cảnh đường rừng bất hợp pháp rồi bị bắt. Nguyên văn là “tối 14/4, tại khu vực đường mòn, lối mở qua biên giới thuộc xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn), công an địa phương phát hiện một đối tượng đang vượt biên trái phép vào Việt Nam. Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận tên là Đường Văn Thái (sinh 1982, quê ở thôn Hà Lâm 3, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Người này không xuất trình được các giấy tờ tùy thân liên quan”.

Nếu vụ bắt cóc Thái Văn Đường được chứng minh thì đây là trường hợp thứ hai an ninh mật vụ CSVN ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của Thái Lan (?) hay là bằng chứng về sự hợp tác của cảnh sát Thái, trong việc để cho Công an CSVN hoạt động, tự nhiên lùng bắt và bí mật đưa đi như vậy. Sự kiện rùm beng trước đây liên quan về chuyện bắt cóc người ở đất Thái trước đây, liên quan đến nhà báo Trương Duy Nhất, một trong những nhà phản biện nổi tiếng trong nước. Sau đó công an cũng thông báo là Trương Duy Nhất về Việt Nam đầu thú, dù gia đình ông này khẳng định không phải.
Một trong những bản Tiktok cuối cùng gây xôn xao của Đường Văn Thái, là hứa sẽ đưa chi tiết về về đời tư bê bối của tướng công an Đinh Văn Nơi, một nhân vật đang được hâm mộ vì sự “thanh liêm”.

MHP

Không có nhận xét nào: