Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2023

TIN THẾ GIỚI 08/04/2023 - ĐHL


Ukraina: Chủ tịch Trung Quốc cam kết với tổng thống Pháp ủng hộ mọi nỗ lực vãn hồi hòa bình Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong khu vườn dinh thự của tỉnh trưởng Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 07/04/2023. AP - Jacques Witt - Thanh Phương Hôm qua, 07/04/2023, sau chuyến viếng thăm ba ngày ở Trung Quốc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Tập Cận Bình đã ra một tuyên bố chung về Ukraina. Nhưng theo hãng tin AFP, văn bản này không nêu tên nước Nga và cũng không kêu gọi lực lượng Nga rút khỏi Ukraina. Bản tuyên bố chung của lãnh đạo Pháp Trung Quốc cũng không lên án cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina mà tổng thống Nga Vladimir Putin phát động.
<!>
Nhưng chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố “chống các cuộc tấn công vào những nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở hạt nhân khác”, đồng thời hỗ trợ nỗ lực của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA "bảo đảm an ninh cho nhà máy hạt nhân Zaporijjia".

Theo phía Paris, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố sẵn sàng cùng với Pháp “tạo các điều kiện cho cuộc đàm phán” giữa Nga và Ukraina để vãn hồi hòa bình. Trước đó, hôm thứ Năm 06/04, lãnh đạo Pháp và Trung Quốc cùng kêu gọi Matxcơva và Kiev mở hòa đàm sớm nhất có thể được và đều tuyên bố chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến tranh Ukraina.

Pháp cũng cho biết Tập Cận Bình đã tuyên bố ông sẵn sàng gọi điện cho tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, nhưng chủ tịch Trung Quốc nói rõ là ông sẽ gọi vào thời điểm do chính ông chọn. Cam kết nói trên của ông Tập Cận Bình cũng không được nêu lên trong bất cứ bản tường trình nào của phía Trung Quốc về chuyến viếng thăm của tổng thống Macron.

Theo tường trình của thông tín viên RFI Stéphane Lagarde, tối qua, chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Pháp đã ăn tối với nhau tại tỉnh Quảng Đông. Hiếm khi nào ông Tập Cận Bình ra khỏi thủ đô Bắc Kinh cùng với các lãnh đạo ngoại quốc và cũng hiếm khi nào ông mời một lãnh đạo ngoại quốc ăn tối trong hai ngày liên tiếp. Theo các nhà quan sát, có thể là ông cố đưa Trung Quốc xích gần lại Pháp, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh với Washington.

Theo điện Elysée, ông Tập Cận Bình đã nhận lời mời của tổng thống Macron đến thăm Pháp, nhưng ngày viếng thăm chưa được xác định.

Nga có thể đứng sau vụ ‘‘rò rỉ tài liệu mật’’ của Mỹ về chiến tranh Ukraina


Ảnh minh họa : Quân Ukraina nhận vũ khí từ Mỹ ngày 11/02/2022. AP - Efrem Lukatsky
Trọng Thành
Hãng tin Anh Reuters hôm nay, 08/04/2023, cho biết Nga hoặc một số thành phần thân Nga có thể đứng sau vụ rò rỉ nhiều tài liệu quân sự ‘‘mật’’ và ‘‘tuyệt mật’’ của Mỹ về chiến tranh Ukraina, được lan truyền trên mạng từ hơn một tháng nay.

Theo ba giới chức Hoa Kỳ trả lời Reuters về vấn đề này, một số nội dung của các tài liệu mật được truyền đi trên mạng có thể đã bị bóp méo, cụ thể là trong việc giảm bớt số lượng thiệt hại của quân đội Nga. Một trong các tài liệu lan truyền trên mạng cho biết khoảng từ 16.000 đến 17.000 quân Nga bị tiêu diệt kể từ đầu cuộc xâm lăng, trong khi đó, theo các giới chức Mỹ, số lượng lính Nga chết và bị thương lên đến khoảng 200.000.

Thông báo của văn phòng tổng thống Ukraina về cuộc họp hôm qua, tại trụ sở bộ tổng tư lệnh quân đội Ukraina, có sự tham dự của tổng thống Volodymyr Zelensky, không đề cập đến vụ rò rỉ đã xảy ra. Nhưng theo văn phòng tổng thống Ukraina, ‘‘những người tham gia cuộc họp đã tập trung bàn các biện pháp ngăn chặn rò rỉ thông tin liên quan đến các kế hoạch của lực lượng vũ trang Ukraina’’.

Theo báo Mỹ New York Times, nơi loan tải thông tin về vụ rò rỉ này có thể ảnh hưởng đến lòng tin giữa các đồng minh, khi lịch trình cung cấp vũ khí và huấn luyện quân đội Ukraina bị tiết lộ. Trả lời RFI, tướng Pháp Jean-Paul Paloméros, một cựu thành viên Bộ Chỉ huy chiến lược của NATO, khẳng định Hoa Kỳ cần giải trình về việc này để duy trì niềm tin.

Thông tin bị rò rỉ và ‘‘cuộc chiến tin giả’’
Trả lời Reuters, một quan chức Ukraina nhận định là trong các tài liệu được loan truyền trên mạng, có "một lượng rất lớn thông tin bịa đặt", và nhiều tài liệu được đăng tải dường như nằm trong một chiến dịch bóp méo thông tin nhằm gieo rắc nghi ngờ về cuộc phản công của quân đội Ukraina, vốn cần nhiều vũ khí tiên tiến của phương Tây. Cố vấn của tổng thống Ukraina, Mykhailo Podolyak, cũng khẳng định tình báo Nga đứng sau hoạt động này.

Ngược lại, Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW ở Washington, ghi nhận thái độ lo ngại trong giới blogger Nga chuyên về quân sự và có lập trường cổ vũ chiến tranh chống Ukraina. Một số blogger nổi tiếng trong giới này khẳng định các tài liệu "rò rỉ" là giả mạo, được đưa ra với mục tiêu làm sai lệch thông tin, nhằm đánh lừa bộ chỉ huy quân sự Nga, trước cuộc phản công lớn dự kiến của Quân đội Ukraina.

Theo chuyên gia Aric Toler, làm việc cho Bellingcat, một cơ sở truyền thông chuyên về kiểm chứng thông tin, có trụ sở tại Hà Lan, hiện chưa rõ vì sao các thông tin được coi là rò rỉ từ đầu tháng 3 nhưng chỉ được các phương tiện truyền thông phương Tây biết đến một tháng sau đó.

Biển Đông : Thủ tướng Malaysia Anwar bị chỉ trích về thương lượng khai thác dầu khí với Trung Quốc


Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (T) được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 31/03/2023. AP - Sadiq Asyraf
Thanh Phương
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm qua, 07/04/2023, cựu thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã cực lực chỉ trích người kế nhiệm Anwar Ibrahim về việc ông tuyên bố sẵn sàng thương lượng với Trung Quốc về hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông.

Phát biểu trước Quốc Hội Malaysia hôm thứ Hai 03/04, khi tường trình về chuyến thăm Trung Quốc của ông, thủ tướng Anwar Ibrahim đã tuyên bố là tập đoàn dầu khí nhà nước Petronas của Malaysia sẽ tiếp tục các hoạt động thăm dò ở Biển Đông, nhưng Malaysia sẵn sàng thương lượng về các mối quan ngại của Trung Quốc về những hoạt động này.

Trên trang Facebook hôm qua 07/04, cựu thủ tướng Muhyiddin đã có phản ứng về tuyên bố của ông Anwar, cho rằng đây là một tuyên bố “bất cẩn” của một thủ tướng. Theo ông, cho dù Trung Quốc là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới, không thể nhân nhượng Bắc Kinh trên vấn đề chủ quyền của Malaysia. Ông Muhyiddin khẳng định : "Chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia của Malaysia phải được bảo vệ mọi lúc”.

Theo cựu thủ tướng Malaysia, tuyên bố nói trên của ông Anwar coi như gián tiếp công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc về Biển Đông.

Ở Biển Đông, tập đoàn dầu khí nhà nước Petronas vẫn hoạt động trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, nhưng trong những năm gần đây đã nhiều lần bị các tàu của Trung Quốc quấy rối. Theo tiết lộ của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) của Mỹ, vào cuối tháng 3, một tàu tuần duyên của Trung Quốc đã hoạt động sát một mỏ khí đốt mà tập đoàn Petronas đang khai thác. Mỏ khí đốt Kasawari có trữ lượng rất lớn và theo dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất trong năm nay.

Trung Quốc tiến hành tập trận “bao vây” Đài Loan


Truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin về cuộc tập trận vây Đài Loan ngày 08/04/2023. AP
Thanh Phương
Hôm nay, 08/04/2023, Trung Quốc đã tiến hành tại vùng eo biển Đài Loan các cuộc tập trận mà đài truyền hình nhà nước Trung Quốc mô tả là thao dượt “bao vây hoàn toàn” hòn đảo này.

Trong đợt tập trận lần này, kéo dài 3 ngày, quân đội Trung Quốc huy động các khu trục hạm, tàu tuần tra phóng tên lửa, chiến đấu cơ, máy bay tiếp nhiên liệu, các máy phá sóng... Theo thông báo của bộ Quốc Phòng Đài Loan hôm nay, trong ngày đầu tập trận, họ ghi nhận tổng cộng 9 chiến hạm và 71 máy bay tiêm kích của Trung Quốc chung quanh hòn đảo. Nhưng các địa điểm diễn ra tập trận chưa được biết rõ.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình:

“Các cuộc tập trận này là lời cảnh báo nghiêm khắc về sự thông đồng của các lực lượng ly khai thúc đẩy Đài Loan độc lập với các thế lực bên ngoài, cũng như về những hành động khiêu khích của các lực lượng này. Đó là tuyên bố của phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc sáng nay (08/04).

Giống như đã xảy ra sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ vào mùa hè năm ngoái, các cuộc thao dượt quân sự sẽ kéo dài đến thứ hai tuần tới tại những địa điểm không được xác định rõ trong vùng eo biển Đài Loan.

Thông báo của bộ tư lệnh chiến khu Đông Bộ của quân đội Trung Quốc tuy vậy đã yêu cầu các tàu bè nên tránh sử dụng những tuyến hàng hải ngoài khơi bờ biển phía đông của tỉnh Phúc Kiến trong ngày hôm nay từ 8 giờ đến 12 giờ.

Các cuộc tập trận bắn đạn thật cũng sẽ diễn ra hôm thứ hai ở ngoài khơi đảo Bình Đàm (Pingtan), tức là ở vùng bờ biển phía đông Trung Quốc đối diện với Đài Loan.

Tuy không nói đến chuyến đi của tổng thống Đài Loan ở Hoa Kỳ, trong bản thông cáo, Bắc Kinh đã báo trước là họ sẽ có phản ứng mạnh trong trường hợp bà Thái Anh Văn gặp chủ tịch Hạ Viện Mỹ.

Các cuộc tập trận này cũng diễn ra ngay sau khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, trong đó, theo điện Elysée, ông đã đề cập vấn đề Đài Loan “rất nhiều” và “một cách thẳng thắn” khi hội đàm với chủ tịch Tập Cận Bình hôm qua. Về phần Tập Cận Bình, ông cảnh báo tổng thống Pháp việc “không thông hiểu vấn đề” có thể dẫn đến sự “leo thang”.”

TT Đài Loan lên án "chủ nghĩa bành trướng độc đoán" của Trung Quốc
Phản ứng về cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, tổng thống Thái Anh Văn hôm nay đã lên án “chủ nghĩa bành trướng độc đoán” của Trung Quốc và tuyên bố là Đài Bắc sẽ tiếp tục cùng với Hoa Kỳ và các quốc gia khác bảo vệ các giá trị của tự do và dân chủ.

Trước khi Bắc Kinh thông báo đợt tập trận mới ở eo biển Đài Loan, tổng thống Thái Anh văn đã tiếp một phái đoàn nghị sĩ Quốc Hội Mỹ đến thăm Đài Bắc. Dẫn đầu phái đoàn, nghị sĩ Michael McCaul, đặc trách về việc bán thiết bị quân sự của Mỹ cho nước ngoài, tuyên bố là Washington sẽ cố gắng nhanh chóng cung cấp vũ khí cho Đài Loan để hòn đảo tự vệ, đồng thời sẽ tham gia huấn luyện cho quân đội Đài Loan.

Israel : Tấn công khủng bố ngay trong kỳ lễ trọng của Do Thái Giáo


Cảnh sát Israel và lực lượng cứu hộ tại hiện trường vụ tấn công ở Tel Aviv, Israel, ngày 07/04/2023. AP - Oren Ziv
Trọng Thành
Căng thẳng tiếp tục dâng cao tại Israel đúng vào ngày Shabbat (ngày nghỉ ngơi của Do Thái Giáo) và đúng trong tuần lễ Pesah (hay Lễ Vượt Qua), dịp lễ quan trọng nhất trong năm của Do Thái Giáo.

Tối hôm qua, 07/04/2023, một du khách đã bị xe đụng chết trên tuyến đường đi dạo ven biển ở Tel Aviv. Thủ tướng Israel ra lệnh cho biên phòng và quân đội huy động thêm lực lượng để bảo vệ an ninh tại các thành phố, đối phó nguy cơ khủng bố gia tăng.

Thông tín viên Michel Paul tường trình từ Jérusalem :

‘‘Một cuộc tấn công bằng xe hơi trên một lối đi dành cho xe đạp. Kết thúc chặng đường, chiếc xe bị lộn vòng. Tài xế bước ra ngoài. Theo lời kể của các nhân chứng, đương sự đã rút súng, mà sau đó được xác định là súng giả. Người lái xe ngay lập tức bị một cảnh sát và một số nhân viên an ninh thành phố bắn hạ.

Kết cục vụ đâm xe khiến một người chết, Alessandro Parini, một luật sư người Ý 35 tuổi. Bảy người bị thương, trong đó có 4 du khách người Ý và Anh. Thủ phạm của vụ tấn công là một người Israel gốc Ả Rập mà cảnh sát biết rõ, đến từ Kafr Kassem.

Vài giờ trước đó, một cặp chị em người Anh gốc Israel đã bị chết do súng bắn vào xe hơi khi họ đang di chuyển ở thung lũng Jordan ở vùng Cisjordani. Theo thông báo của văn phòng thủ tướng, lãnh đạo chính phủ Israel Benyamin Netanyahu đã ra lệnh huy động các đơn vị cảnh sát dự bị và cả lực lượng đặc biệt của quân đội để đối phó với các cuộc tấn công khủng bố,

Các sự kiện nói trên cần được đặt trong bối cảnh bạo lực bùng phát trở lại trong những ngày gần đây. Căng thẳng trong kỳ nghỉ cuối tuần dâng cao, đặc biệt là ở Jerusalem, tại khu vực thánh địa Núi Đền’’.

Liên Âu kêu gọi kiềm chế trong dịp lễ và chấm dứt bạo lực
Hôm nay, theo Reuters, Liên Hiệp Châu Âu ra thông cáo lên án các vụ tấn công gây chết người tại Israel và vùng Cijordani, cũng như các vụ pháo kích từ Liban sang Israel, và kêu gọi "chấm dứt bạo lực ngay lập tức", và tất cả các bên kiềm chế, đặc biệt trong thời gian lễ hội tôn giáo. Theo lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell, Israel có quyền tự vệ, nhưng phản ứng cần ở "mức độ tương ứng", tránh để leo thang căng thẳng.

Các vụ tấn công khủng bố nói trên diễn ra ít ngày sau vụ an ninh Israel đột nhập vào ngôi đền Hồi giáo Al-Aqsa, ở Jerusalem, trong đêm thứ Ba qua ngày thứ Tư 05/05, bắt giữ hơn 350 người, bị cảnh sát Israel cáo buộc "gây bạo động". Vụ can thiệp bạo lực, diễn ra đúng vào kỳ lễ trọng Ramadan của người Hồi Giáo, bị lên án tại địa phương và trên thế giới.

Bắc Triều Tiên lại quảng bá drone ‘‘sóng thần phóng xạ’’


Ảnh do chính phủ Bắc Triều Tiên đăng tải về vụ thử drone tấn công hạt nhân ngầm dưới biển "Haeil" tại vịnh Hongwon, Bắc Triều Tiên, ngày 23/03/2023. AP
Trọng Thành
Truyền thông Bắc Triều Tiên hôm nay, 08/04/2023, loan tin quân đội nước này đã thử nghiệm một lần nữa drone tấn công hạt nhân ngầm dưới biển (UUV), có thể gây ‘‘sóng thần phóng xạ’’. Theo Bình Nhưỡng, vũ khí được thử nghiệm bí mật từ năm 2012 này có mục tiêu phá hủy các vị trí chiến lược của đối phương dọc theo bờ biển Hàn Quốc và Nhật Bản.

Về phía Hàn Quốc, hãng tin Yonhap hôm nay dẫn lời một chuyên gia quân sự cho biết thứ vũ khí mới mà Bắc Triều Tiên quảng bá chủ yếu vì mục đích tuyên truyền hơn là có giá trị thực sự về mặt quân sự. Thông tín viên Nicolas Rocca từ Séoul cho biết cụ thể:

‘‘Sau vụ thử Haeil vào tháng trước, đến lượt vụ thử Haeil 2 được truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên tiết lộ hôm nay. Haeil, tên của drone mới này của hệ thống tấn công hạt nhân dưới nước của Bắc Triều Tiên, có nghĩa là ‘‘Sóng thần’’ trong tiếng Hàn. Các thử nghiệm diễn ra từ thứ Ba đến thứ Sáu.

Drone di chuyển hơn 1.000 cây số trước khi đầu đạn giả được kích nổ gần một cảng ở bờ biển phía đông Bắc Triều Tiên. Vụ nổ được cho là có thể tạo ra một cơn "sóng thần phóng xạ". Đây là một phản ứng của Bình Nhưỡng đối với các cuộc tập trận trên biển của Seoul, Washington và Tokyo trong những tuần gần đây.

Tuy nhiên, khó có thể coi loại vũ khí mới này là mối đe dọa nghiêm trọng nhất của Bắc Triều Tiên. Trong kịch bản chiến tranh thực sự, tốc độ chậm của drone Bắc Triều Tiên sẽ khiến chúng dễ lọt vào tầm ngắm của hệ thống phòng thủ tàu ngầm của Hàn Quốc hoặc Mỹ. Một báo cáo của tổ chức 38th North chuyên về Bắc Triều Tiên, được tiết lộ trong tuần này, coi loại vũ khí đó ít nguy hiểm hơn đáng kể so với chương trình tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.

Do đó, Haeil được coi sẽ chỉ là một phương án đáp trả một cuộc tấn công trong trường hợp các vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên trên bộ hoặc trên biển bị vô hiệu hóa. Loại vũ khí mới này dường như là một cách để chứng minh khả năng đa dạng hóa hệ thống vũ khí của Bắc Triều Tiên, và cũng để răn đe bất kỳ nỗ lực nào nhằm tiêu diệt chế độ sẽ nhất thiết dẫn đến trả đũa hạt nhân từ phía Bình Nhưỡng’’.

Mỹ: Một thẩm phán liên bang ra phán quyết đình chỉ sử dụng thuốc phá thai


Ảnh minh họa : Thuốc phá thai mifepristone trong Bệnh viện Phụ sản New Mexico, ở Santa Teresa, bang New Mexico, Mỹ, ngày 13/01/2023. REUTERS - EVELYN HOCKSTEIN
Trọng Thành
Thêm một trận đấu mới trong cuộc chiến giữa hai phe chống và ủng hộ quyền phá thai. Hôm qua, 07/04/2023, một thẩm phán liên bang Mỹ, do Donald Trump bổ nhiệm trước đây, đã ra phán quyết đình chỉ việc sử dụng thuốc phá thai RU486, loại thuốc phá thai được sử dụng nhiều nhất tại Mỹ.

Phán quyết nói trên được đưa ra ít tháng sau khi Tối Cao Pháp Viện Mỹ hủy bỏ quyền phá thai, được xác lập từ năm 1973, phán quyết bị giới bảo vệ nhân quyền lên án như một bước lùi "nửa thế kỷ".

Bộ Tư Pháp ngay lập tức cho biết sẽ kháng cáo. Phó tổng thống Kamala Harris lên án phán quyết nói trên "đe dọa quyền phụ nữ". Tổng thống Joe Bien tuyên bố chính phủ Mỹ "chống lại" quyết định này.

Thông tín viên David Thomson tường trình từ Miami :

"Việc đình chỉ thuốc phá thai đã được quyết định bởi một thẩm phán nổi tiếng cực kỳ bảo thủ ở Texas, sau khi có khiếu nại của một liên minh các hiệp hội chống phá thai.

Thẩm phán đưa ra phán quyết nói trên được ông Donald Trump bổ nhiệm, sau khi làm luật sư cho một tổ chức Thiên Chúa giáo "bảo vệ sự sống". Thẩm phán Matthew Kacsmaryk cũng là người mà cựu chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, đảng Dân Chủ, không ngần ngại gọi là một "kẻ cực đoan".

Về lý thuyết, quyết định của viên thẩm phán này có thể áp dụng cho toàn nước Mỹ, ngay cả ở những bang mà việc phá thai vẫn là hợp pháp. Tuy nhiên, cùng lúc đó, một thẩm phán khác ở bang Washington đưa ra quan điểm trái ngược, cho rằng việc cho phép sử dụng thuốc phá thai có thể không bị cấm ở tất cả các bang.

Do đó, Tòa Án Tối Cao sẽ ra quyết định. Cũng chính tòa án này đã hủy bỏ phán quyết Roe v. Wade vào tháng 6/2022, bảo vệ quyền phá thai trên toàn liên bang. Tòa Án Tối Cao nước Mỹ nghiêng hẳn về cánh hữu kể từ khi Donald Trump bổ nhiệm ba thẩm phán.

Trong mọi trường hợp, bộ trưởng bộ Tư Pháp Mỹ cho biết ông hết sức phản đối quyết định này. Bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland thông báo sẽ yêu cầu xem xét lại phán quyết này, để cứu lấy viên thuốc phá thai, vốn được sử dụng cho các trường hợp có quyết định phá thai bằng thuốc. Tại Hoa Kỳ, thuốc phá thai đã trở thành vấn đề mới trong cuộc chiến giữa hai phe, phe ủng hộ và phe chống phá thai".

Không có nhận xét nào: