Nhà Trắng biện minh cho cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan Lính Mỹ sơ tán dân Afghanistan bằng máy bay vận tải quân sự C-17, tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai, Kabul, Afghanistan. Ảnh chụp ngày 22/08/2021 do không quân Mỹ cung cấp. AP - MSgt. Donald R. Allen Minh Anh Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua, 06/04/2023, đã chuyển đến Quốc Hội các tài liệu mật liên quan đến cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan hồi cuối tháng 8/2021. Đây cũng là đòi hỏi từ lâu của đảng Cộng Hòa. Trong một bản tóm tắt các tài liệu mật nói trên, dài 12 trang, được công bố hôm qua, chính quyền Biden đã khẳng định thực hiện cuộc triệt thoái quân vì không còn « kịch bản » nào khác.
<!>
Theo AFP, bản tóm tắt có đoạn ghi : « Suy cho cùng, sau hơn 20 năm, hơn 2.000 tỷ đô la đổ ra và hình thành một quân đội Afghanistan gồm 300 ngàn binh sĩ, tốc độ và việc phe Taliban dễ dàng kiểm soát Afghanistan cho thấy chẳng còn kịch bản nào khác có thể làm thay đổi diễn tiến tình hình, trừ phi quân đội Mỹ hiện diện thường trực và được chi viện nhiều hơn ».
Nhà Trắng nhìn nhận ngành tình báo Mỹ « đã có những sai lầm » và không dự báo được đà tiến như vũ bão của phe Taliban, sự tháo chạy ồ ạt của quân đội và giới chức lãnh đạo cũng như nạn tham nhũng trong giới sĩ quan Afghanistan.
Dù vậy, theo phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, chiến dịch sơ tán đã được thực hiện nhanh chóng và đưa thoát hơn 120 ngàn người ra khỏi Afghanistan chỉ trong vòng có vài ngày nhờ các chuyến bay luân phiên.
Mặt khác, Nhà Trắng quy một phần trách nhiệm cho chính quyền tổng thống Donald Trump tiền nhiệm vì đã không có một sự chuẩn bị nào, và điều này làm « hạn chế các giải pháp có thể ».
Lời chỉ trích này đã bị ông Donald Trump phản ứng nặng nề, cáo buộc « những kẻ ngu xuẩn ở Nhà Trắng » buộc ông phải gánh vác trách nhiệm cho « sự hỗn loạn » này, đồng thời cho rằng « chính ông Biden phải gánh lấy trách nhiệm chứ không phải ai khác » !
Bộ Quốc Phòng Mỹ điều tra vụ rò rỉ tài liệu mật liên quan đến Ukraina
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, tướng Mark Milley (T) và bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tham dự cuộc họp trực tuyến của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraina, tại Lầu Năm Góc, Washington, Hoa Kỳ ngày 15/03/2023. © REUTERS
Minh Anh
Lầu Năm Góc đang tìm cách xác định nguồn gốc vụ rò rỉ các tài liệu mật liên quan đến chiến lược hậu thuẫn Ukraina của Mỹ và NATO, được đăng tải rộng rãi tuần này trên các mạng xã hội.
Theo báo Mỹ New York Times ngày 06/04/2023, được AFP trích dẫn, những tài liệu ghi ngày đầu tháng Ba 2023 đề cập nhiều chi tiết quan trọng như nhịp độ lực lượng Ukraina sử dụng các loại đạn pháo rốc-kết di động Himars, hay như lịch trình cung cấp vũ khí hoặc những thông tin mà phương Tây cung cấp cho quân đội Ukraina.
Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia, những thông tin này, được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội Twitter và Telegram, dường như là chính xác, nhưng cũng có một số chi tiết có thể đã bị chỉnh sửa mô tả tình hình có lợi cho Nga chẳng hạn như giảm thiểu quy mô thiệt hại của quân Nga.
Cũng theo những thông tin rò rỉ này, khoảng 12 lữ đoàn Ukraina có lẽ đang được thành lập, trong đó có 9 lữ đoàn được Mỹ huấn luyện và trang bị vũ khí.
Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ Sabrina Singh trả lời báo chí khẳng định Lầu Năm Góc đã biết sự việc và đang tiến hành điều tra.
Nguyên thủ Pháp thuyết phục chủ tịch Trung Quốc gọi điện cho tổng thống Ukraina
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) nói chuyện tại Đại lễ đường Nhân dân, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 06/04/2023. REUTERS - GONZALO FUENTES
Thu Hằng
Trong ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng chuyến công du cấp Nhà nước, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến tỉnh Quảng Đông giao lưu với hơn 1.000 sinh viên Đại học Tôn Trung Sơn ngày 07/04/2023, sau đó sẽ ăn tối với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước đó, tại Bắc Kinh, nguyên thủ Pháp đã kêu gọi chủ tịch Trung Quốc thuyết phục Nga trong hồ sơ Ukraina. Ông Tập có thể sẽ gọi điện cho tổng thống Ukraina Zelensky ''vào thời điểm thích hợp''.
Đặc phái viên RFI Julien Chavanne tường trình từ tỉnh Quảng Đông :
Nếu đúng như vậy thì sẽ là điều chưa từng thấy kể từ đầu cuộc chiến bởi vì cho đến nay, Bắc Kinh vẫn từ chối hồi âm Kiev. Theo điện Elysée, ông Tập Cận Bình cho biết sẵn sàng gọi điện cho tổng thống Ukraina khi ông ấy quyết định.
Thông báo được đưa ra trong hậu trường, chỉ vài giờ sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Pháp và Trung Quốc. Đây là một bước tiến nhỏ nhưng dù sao vẫn là một bước tiến. Và là một thắng lợi nhỏ của ông Emmanuel Macron.
Tại Đại lễ đường Nhân dân, tổng thống Pháp đã kêu gọi chủ tịch Trung Quốc hành động và mong chờ có những bảo đảm về việc Trung Quốc không chuyển giao vũ khí cho Nga. Đứng trước ông Macron, ông Tập Cận Bình tỏ ra muốn trấn an và khẳng định : « Đây không phải là cuộc chiến tranh của tôi ».
Một nhà chính trị gia Pháp tóm tắt một cách lịch sự rằng lay chuyển người khổng lồ Trung Quốc là cả một quá trình dài hơi. Ngoài ra, theo chuyên gia này, người quá quen với các chuyến công du Bắc Kinh, thì lời mời ông Emmanuel Macron đến Quảng Đông thứ Sáu này (07/04) là một tín hiệu tốt. Nếu không ảnh hưởng đến chiến lược của Trung Quốc, Pháp vẫn là một đối tác được lắng nghe. Và đối với ông Emmanuel Macron, đó là điều chính yếu.
Nhật báo Pháp Le Monde cho rằng dù có những cái bắt tay, những bước tiến nhỏ, « con đường hòa bình » mà tổng thống Pháp hy vọng phác ra hiện vẫn lâm ngõ cụt. Còn chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, đi cùng tổng thống Pháp đến Bắc Kinh, cảnh báo Trung Quốc rằng « cung cấp vũ khí cho kẻ xâm lược là đi ngược lại với luật pháp quốc tế và sẽ gây tổn hại đáng kể » cho mối quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu.
Ngày 07/04, điện Kremlin cho biết theo dõi « cuộc trao đổi quan trọng » giữa chủ tịch Trung Quốc với tổng thống Pháp và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc có thể sẽ không để áp lực bên ngoài làm thay đổi lập trường về cuộc xung Ukraina.
Ngoài chủ đề chính là Ukraina, chuyến công du của ông Macron còn nhằm thắt chặt quan hệ với Trung Quốc về nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại, đầu tư, văn hóa, đào tạo đại học. Chiều 07/04, nguyên thủ Pháp phát biểu trước hơn 1.000 sinh viên Đại học Tôn Trung Sơn (Sun Yat-sen) và trả lời một số câu hỏi. Là một trong những trường nổi tiếng ở Trung Quốc, Đại học Tôn Trung Sơn là đối tác của 24 trường tại Pháp và tham gia hệ thống các trường đào tạo kĩ sư trong khuôn khổ Viện Năng lượng nguyên tử Pháp-Trung.
Theo AFP, sau cuộc gặp với sinh viên, ông Macron ăn tối với ông Tập Cận Bình, sau đó sẽ lập lượt gặp hai nhà đầu tư lớn của Trung Quốc là ông Đường Kiêu Hùng (Tang Jiexiong), chủ tịch tập đoàn Wencan chuyên cung cấp linh kiện cho ngành công nghiệp xe hơi, và ông Giang Long (Jiang Long), tổng giám đốc của XTC New Energy Materials chuyên về sản xuất vật liệu cho pin lithium.
Mỹ - Nhật – Hàn hối thúc cộng đồng quốc tế cho hồi hương lao động Bắc Triều Tiên
Đại diện Mỹ (P) và Hàn Quốc họp bàn về hồ sơ Bắc Triều Tiên tại bộ Ngoại Giao, Seoul, Hàn Quốc, ngày 06/04/2023. via REUTERS - POOL
Minh Anh
Hôm nay, 07/04/2023, kết thúc cuộc họp tại Seoul, thủ đô Hàn Quốc, đặc sứ về hạt nhân của ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, kêu gọi cộng đồng quốc tế cho hồi hương tất cả những người Bắc Triều Tiên làm việc ở nước ngoài, tuân thủ theo các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm chống lại các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Theo Yonhap, trong một thông cáo chung, các nhà đàm phán hạt nhân, ông Kim Gunn đại diện cho Hàn Quốc, Sung Kim – đặc sứ Mỹ – và ông Takehiro Funakoshi của Nhật Bản cho rằng Bắc Triều Tiên đã đưa một đội quân tin học đông đảo làm việc ở nước ngoài dưới những vỏ bọc giả để tránh các biện pháp trừng phạt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Ba đặc sứ cáo buộc Bình Nhưỡng đã sử dụng nguồn thu nhập từ những lao động trên để « tài trợ cho các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo bất hợp pháp » của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Trước giới báo chí, đặc sứ hạt nhân của Hàn Quốc nhấn mạnh, để « chống lại một cách hiệu quả » mọi hành động khiêu khích từ Bình Nhưỡng và ngăn chặn các nguồn thu nhập của quốc gia láng giềng phương Bắc, ba nước Mỹ – Nhật – Hàn sẽ thực thi đầy đủ các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả việc cho hồi hương người Bắc Triều Tiên làm việc ở nước ngoài.
Hôm qua, Hàn Quốc cảnh cáo sẽ có những « biện pháp cần thiết » nếu Bình Nhưỡng tiếp tục sử dụng khu phức hợp công nghiệp chung tại Bắc Triều Tiên mà không có sự đồng tình từ Seoul. Khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng của sự hòa giải hai miền, từng tuyển dụng đến hơn 50 ngàn công nhân Bắc Triều Tiên sản xuất các sản phẩm từ đồng hồ đến quần áo cho khoảng 125 doanh nghiệp Hàn Quốc.
Quân đội Israel trả đũa vào Gaza và Liban sau khi bị pháo kích
Các hố bom sau vụ không kích của Israel vào dải Gaza, ngày 07/04/2023. REUTERS - MOHAMMED SALEM
Thùy Dương
Quân đội Israel hôm nay 07/04/2023thông báo pháo kích dải Gaza và Liban để trả đũa. Thông báo được loan tải sau khi vào hôm qua hơn 30 quả roc-ket đã được phóng đi từ Liban sang Israel. Chính quyền Israel quy trách nhiệm cho các nhóm của người Palestine.
Quân đội Israel cho biết, nhiều đường hầm, cơ sở chế tạo vũ khí và luyện tập của Hamas trên dải Gâz, vào nửa đêm qua đã bị oanh kích.
Nhìn lên phía bắc, căng thẳng bùng lên ở biên giới giữa Liban và Israel sau các vụ tấn công roc-ket từ Liban nhắm vào Galilée của Israel. Các vụ tấn công trả đũa của Israel là sự vi phạm nghiêm trọng nhất thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực giữa hai nước kể từ cuộc chiến năm 2006.
Từ Beyrouth, thông tín viên khu vực, Paul Khalifeh, gửi về bài tường trình :
« Các cuộc tấn công của Israel nhắm vào vùng Tyr, nơi các roc-ket đã được phóng vào Galilée. Các máy bay đã không kích 4 khu vực không có nhà ở, trong đó có 2 nơi gần trại Rashidiye của người Palestine, cách không xa thành phố biển Tyre, nằm trong khu vực hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Mũ xanh của Liên Hiệp Quốc tại Liban (Finul)
Các tên lửa đất đối không cũng nhắm vào một vùng đồng bằng, nơi quân đội Liban vài giờ trước đó đã phát hiện ra bệ phóng roc-ket và những đạn pháo không được sử dụng. Trong vòng bán kính nhiều cây số , người ta nghe thấy tiếng bom nổ do máy bay Israel thả xuống.
Sau các cuộc pháo kích của Israel, lực lượng gìn giữ hòa bình Mũ xanh của Liên Hiệp Quốc tại Liban khẳng định Libanvà Israel « không muốn chiến tranh ». Lực lượng của Liên Hiệp Quốc kêu gọi « tất cả các bên ngừng mọi hành động » từ cả 2 phía biên giới.
Thủ tướng Liban, Nagib Mikati, khẳng định Liban « từ chối mọi sự leo thang từ phía lãnh thổ của mình ».
Còn lực lượng Hezbollah vẫn giữ im lặng sau các vụ tấn công bằng tên lửa và vẫn chưa đưa ra phản ứng, nhiều giờ sau cuộc tấn công của Israel ».
Pháp : Số người tham gia biểu tình, bãi công chống cải tổ hưu trí suy giảm
Cảnh sát án ngữ trước nhà hàng La Rotond trong lúc diễn ra cuộc tuần hành phản đối dự luật cải cách hưu trí, Paris, Pháp, ngày 06/04/2023. REUTERS - SARAH MEYSSONNIER
Thùy Dương
Trong ngày biểu tình, bãi công quy mô toàn quốc lần thứ 11 chống dự án cải tổ hưu trí của chính phủ Macron diễn ra hôm qua 06/04/2023, theo bộ Nội vụ Pháp, có 570.000 tham gia tuần hành, trong đó có 57.000 người ở thủ đô, còn giới công đoàn đưa ra con số khoảng 2 triệu trên toàn quốc và 400.000 ở Paris. Như vậy, ngày biểu tình thứ 11 đã huy động được ít người tham gia hơn hôm 28/03.
Để phòng chống bạo động, chính quyền Pháp đã huy động 11.500 cảnh sát, riêng ở Paris có 4.200 cảnh sát tham gia bảo đảm an ninh. Tối hôm qua, theo AFP, bộ trưởng Nội Vụ Darmanin cho biết trên toàn quốc có 111 vụ câu lưu, 154 cảnh sát, hiến binh bị thương. Tại Paris, bạo động đặc biệt nổ ra vào chiều hôm qua, quanh nhà hàng La Rotonde, ở khu phố Montparnasse, quận 14. Đây là nhà hàng mà tổng thống Pháp Macron đã tổ chức ăn mừng chiến thắng sau vòng một cuộc bầu cử năm 2017. Người biểu tình đã ném đá làm vỡ kính nhà hàng, một phần hiên nhà cũng cũng bị phóng hỏa.
Trong lĩnh vực đường sắt, phong trào đình công cũng lắng xuống, 3/4 số chuyến tàu TVG và 1/2 số chuyến tàu liên vùng TER vẫn vận hành. Tại Paris, giao thông công cộng gần như được duy trì bình thường. Trong ngành giáo dục, bộ Giáo Dục thông báo chỉ có dưới 8% giáo viên đình công.
Mặc dù phong trào biểu tình, đình công đã suy yếu hơn so với lần trước, nhưng giới nghiệp đoàn vẫn quyết tâm gây sức ép để chính phủ dỡ bỏ dự luật cải tổ hưu trí, thông báo tổ chức ngày biểu tình, bãi công quy mô toàn quốc lần thứ 12 vào ngày thứ Năm 13/04, một hôm trước khi Hội Đồng Bảo Hiến ra phán quyết về dự luật cải tổ hưu trí của chính phủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét