Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

TIN THẾ GIỚI : 05/04/2023 - ĐHL


Tổng thống Pháp : Trung Quốc, đối tác thiết yếu cho kinh tế châu Âu và giải quyết xung đột Ukraina Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong khuôn khổ Festival Croisements tại bảo tàng Red Brick Museum Bắc Kinh. Ảnh ngày 05/04/2023. REUTERS - GONZALO FUENTE - Minh Anh Hôm nay, 05/04/2023, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Bắc Kinh. Đây là chuyến công du Trung Quốc cấp nhà nước thứ ba của nguyên thủ Pháp, trong bối cảnh chiến tranh trở lại châu Âu vì cuộc xung đột Nga – Ukraina. Theo lịch trình, nguyên thủ Pháp và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula Von Der Leyen, sẽ có cuộc hội đàm chính thức với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày mai, 06/04. Hồ sơ Ukraina sẽ là nội dung chính.
<!>
Tổng thống Macron cùng chủ tịch Ủy Ban Châu Âu có ý định thuyết phục Bắc Kinh sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để gây áp lực với Matxcơva để vãn hồi hòa bình tại Ukraina hay chí ít là không trực tiếp hậu thuẫn đồng minh Nga.

Một lần nữa, trước cộng đồng người Pháp tại Trung Quốc, tổng thống Pháp khẳng định Trung Quốc có một "vai trò chủ chốt"trong việc giải quyết cuộc xung đột, đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc "sẽ chẳng được lợi gì khi cung cấp vũ khí cho Nga".

Đặc phái viên đài RFI, Julien Chavane từ Bắc Kinh cho biết thêm :

Những lời đầu tiên khi Emmanuel Macron đến Bắc Kinh hôm nay là dành cho 22 ngàn người Pháp đang sinh sống tại Trung Quốc, vẫn còn mang đậm dấu ấn của ba năm dài dưới đại dịch Covid-19. Ông nói : "Toàn thể cộng đồng người Pháp tại Trung Quốc đã cho thấy một sự can đảm đáng nể. Tôi thật sự muốn cảm ơn tất cả quý ông và quý bà, những ai đã trải qua thời kỳ đầy khó khăn với một tinh thần trách nhiệm, đầy hy sinh để tiếp tục hiện diện ở đây."

Điểm nhấn của chuyến công du sẽ là ngày mai thứ Năm. Đó là một cuộc gặp rất được trông đợi với Tập Cận Bình và một hồ sơ quan trọng nhất : Chiến tranh Ukraina. Mục tiêu của Emmanuel Macron là làm thế nào lay chuyển Tập Cận Bình, thúc đẩy ông ấy có một cử chỉ cho hòa bình.

Tổng thống Pháp nói : "Thách thức của chúng ta, theo một cách nào đó, là không nên thúc đẩy khối này chống khối kia, và một cách nào đó, không nên viết lịch sử khi cho rằng cuộc chiến này sẽ đến soạn lại những lô-gic chiến lược cũ xưa. Tôi tin điều ngược lại."

Không có chuyện cảnh cáo trực tiếp, cũng không có kiểu vỗ mặt (coup de menton) trong phát biểu của tổng thống Pháp. Với Bắc Kinh, Emmanuel Macron bảo vệ phương pháp mềm mỏng, khi nói rằng "Khi chúng ta nói điều đó một cách tôn trọng, thà nói trực tiếp rồi mới kêu thán, khi chúng ta không công khai tranh luận và trên truyền hình, chúng ta tôn trọng, tôi tin rằng chúng ta được lắng nghe."

Do vậy, cũng không có chuyện thúc bách ông Tập Cận Bình ngay từ đầu. Tổng thống Pháp, tỏ ra sáng suốt, giải thích : "Đe dọa không là một giải pháp tốt. Chúng ta sẽ không thương lượng hòa bình trong suốt chuyến thăm này."

Tổng thống Ukraina thăm đồng minh chiến lược Ba Lan


Poland's President Andrzej Duda welcomes Ukrainian President Volodymyr Zelenskiy at the Presidential Palace in Warsaw, Poland, April 5, 2023 REUTERS - ALEKSANDRA SZMIGIEL
Thu Hằng
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã đến Ba Lan sáng 05/04/2023 đánh dấu chuyến công du đầu tiên đến nước láng giềng đồng minh quan trọng của Kiev trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga. Sau buổi lễ đón tiếp trọng thể tại phủ tổng thống, ông Zelensky thảo luận với đồng nhiệm Ba Lan Andrzej Duda, gặp thủ tướng Mateusz Morawieck và tham dự lễ kí kết nhiều văn bản hợp tác song phương.

Sau các cuộc hội đàm, nguyên thủ hai nước tổ chức họp báo chung vào 12 giờ 50 (giờ địa phương). Người phát ngôn phủ tổng thống Ukraina Sergii Nykyforovcho biết chủ đề chính của chuyến công du là “quốc phòng, kinh tế và vận tải xuyên biên giới, trong đó có các tuyến đường sắt, mở rộng khả năng đi qua biên giới”.

Vấn đề kinh tế được thảo luận ở cấp Nhà nước, cũng như trực tiếp với đại diện các công ty Ba Lan nhân Diễn đàn doanh nghiệp Ukraina-Ba Lan. Hai nước sẽ lập “kế hoạch trong tương lai để doanh nhân Ba Lan có thể thực hiện các dự án ở Ukraina”, trong đó có việc tái thiết đất nước sau khi kết thúc chiến tranh. Ngoài ra, vẫn theo ông Nykyforov, quan chức Ba Lan và Ukraina cũng đề cập đến “công việc của châu Âu, các biện pháp trừng phạt” nhắm vào Nga và “một số vấn đề lịch sử” tế nhị, chủ yếu trong thời Thế Chiến II, giữa hai nước.

Tổng thống Zelensky cũng sẽ gặp chủ tịch Hạ Viện (Diete) và Thượng Viện Ba Lan, một số tình nguyện viên và nhân viên cứu hộ, cũng như một số thị trưởng các thành phố dọc biên giới với Ukraina. Tối 05/04, ông sẽ phát biểu với người dân Ba Lan và người Ukraina sống tại đây.

AFP nhắc lại, Ba Lan, thành viên NATO, trở thành điểm hậu cần, trung chuyển vũ khí của phương Tây cho Kiev chống cuộc xâm lược của Nga. Ba Lan cũng là nhà viện trợ quân sự và nhân đạo lớn cho Ukraina. Về vũ khí, gần đây, Ba Lan giao những chiếc chiến đấu cơ MiG-29 đầu tiên, 14 xe tăng Leopard 2A4 hồi tháng 02 và 03, cùng với nhiều loại vũ khí khác. Ngay từ đầu chiến tranh, Ba Lan đã tiếp đón đông đảo người tị nạn Ukraina.

Nhật Bản sửa đổi luật cho phép tài trợ quân đội nước ngoài


Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, ảnh chụp ngày 17/10/2022 tại Tokyo. Ảnh minh họa © Keisuke Hosojima/Kyodo News via AP
Minh Anh
Nhật Bản có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho các nước trong lĩnh vực quốc phòng. Đây là một bước thay đổi rõ ràng của Tokyo bởi vì cho đến nay, luật pháp của Nhật Bản cấm sử dụng viện trợ quốc tế vào các mục đích quân sự.

Trong một cuộc họp báo, hôm nay, 05/04/2023, chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Hirokazu Matsuno cho biết có hai nguồn viện trợ sẽ được quản lý tách bạch : Đó là quỹ Hỗ trợ An ninh Hải ngoại (OSA), tài trợ các nước trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và chương trình Viện trợ phát triển (ODA), vẫn có từ lâu nay, giúp các nước xây dựng cơ sở hạ tầng như đường xá, đập thủy điện hay nhiều cơ sở dân sự khác từ nhiều thập niên qua.

Thông cáo của bộ Ngoại Giao Nhật Bản, được Reuters trích dẫn, nhấn mạnh, « bằng cách giúp tăng cường khả năng bảo đảm an ninh và răn đe, OSA hướng tới tăng cường hơn nữa hợp tác an ninh giữa Nhật Bản với các nước khác nhằm tạo ra một môi trường an ninh cho Nhật Bản. »

Tuy nhiên, Tokyo cũng nêu rõ, hỗ trợ quốc phòng (OSA) của Nhật chỉ dành cho các nước đang phát triển dưới hình thức viện trợ không hoàn lại và sẽ không được sử dụng mua vũ khí sát thương để dùng trong các cuộc xung đột với các nước khác.

Với việc thay đổi luật lệ, Nhật Bản dự trù cung cấp các loại thiết bị quân sự như vệ tinh viễn thông và hệ thống vô tuyến giám sát hàng hải. Hiện nay, Nhật Bản đang xem xét cấp ra-đa cho Philippines, giúp giám sát các hoạt động của Trung Quốc tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp.

Xu hướng nới lỏng xuất khẩu vũ khí diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang trong quá trình xây dựng lại quân đội lớn nhất kể từ Đệ Nhị Thế Chiến và từng bước hủy bỏ chính sách chủ hòa được quy định trong Hiến Pháp.

Chip bán dẫn : Trung Quốc đòi làm sáng tỏ các hạn chế xuất khẩu


Chíp bán dẫn. Ảnh ngày 28/04/2021chụp tại nhà máy Brooklyn Navy Yard, ngoại ô New York, Hoa Kỳ. AP - John Minchillo
Minh Anh
Bắc Kinh yêu cầu Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hà Lan xác nhận sự tồn tại một thỏa thuận giữa ba nước bị cáo buộc nhằm hạn chế xuất khẩu linh kiện bán dẫn sang Trung Quốc.

Theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc hôm nay, 05/04/2023, được AFP trích dẫn, trong phiên họp thường kỳ tuần này tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đại diện của Bắc Kinh đã yêu cầu ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hà Lan, « thông báo cho WTO về thỏa thuận (hạn chế) cũng như các biện pháp tiếp theo, đồng thời đề nghị WTO tăng cường giám sát những biện pháp này. »

Những năm gần đây, nhằm tìm cách gạt các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi các chuỗi cung ứng công nghệ chip bán dẫn, Washington, một mặt ban hành các quy định mới siết chặt kiểm soát xuất khẩu (tháng 10/2022), và mặt khác kêu gọi các đồng minh khác áp dụng tương tự.

Tháng 03/2023, Hà Lan – quốc gia sản xuất các thiết bị chế tạo chip bán dẫn hàng đầu thế giới – đã theo chân Mỹ khi đưa ra một thông báo tương tự. Và gần đây nhất là Nhật Bản, ngày 31/03, cũng thông báo kiểm soát xuất khẩu linh kiện thiết yếu này khi viện dẫn lý do « an ninh quốc gia », « ngăn ngừa chuyển hướng công nghệ sang mục đích quân sự », theo như giải thích của bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura.

Trung Quốc, trong nhiều năm qua, muốn có sự tự chủ trong lĩnh vực tiên tiến này, mạnh mẽ chỉ trích Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Mỹ, đã « chính trị hóa, công cụ hóa và vũ khí hóa các vấn đề thương mại và công nghệ ».

Đáp trả các biện pháp hạn chế, Trung Quốc hôm 31/3 thông báo mở điều tra nhắm vào tập đoàn Micron Technology của Mỹ, chuyên sản xuất thẻ nhớ hàng đầu với lý do « an ninh quốc gia ».

Pháp : Đối thoại giữa chính phủ và nghiệp đoàn về cải cách hưu trí “thất bại”


Thủ tướng Elisabeth Borne (áo đỏ) tiếp đại diện các nghiệp đoàn lao động tại điện Matignon - Paris. Ảnh ngày 05/04/2023. REUTERS - POOL
Thu Hằng
Chính phủ và các công đoàn Pháp đã không tìm được tiếng nói chung về cải cách hưu trí trong cuộc gặp đầu tiên kể từ ngày 10/01/2023. Cuộc gặp kéo dài chưa đầy một tiếng vào sáng 05/04 đã “thất bại”. Thủ tướng Elisabeth Borne từ chối rút lại dự án cải cách. Giới công đoàn kêu gọi đông đảo người dân tham gia ngày hành động thứ 11 vào thứ Năm 06/04.

Phát biểu với báo giới ngay tại điện Matignon, ông Cyril Chabanier, đại diện cho cơ chế liên công đoàn gồm 8 nghiệp đoàn, cho biết là đã nói với “thủ tướng là sẽ không có lối thoát nào khác ngoài việc rút lại văn bản”. Lời khẳng định “muốn duy trì văn bản” của bà Elisabeth Borne bị giới nghiệp đoàn đánh giá “là một quyết định nghiêm trọng”, “thủ tướng không tỏ thái độ cởi mở cho đối thoại”.

Do đó, các nghiệp đoàn đã từ chối “sang trang mới và mở các cuộc tham vấn khác, như chính phủ mong muốn”, đồng thời kêu gọi Hội Đồng Bảo Hiến lắng nghe phẫn nộ của người lao động trước khi phán quyết về dự luật cải cách hưu trí vào ngày 14/04.

Các nghiệp đoàn cũng cáo buộc chính phủ đã buộc họ “phải xuống đường” để “đi đến cùng”, theo tân tổng thư ký CGT Sophie Binet. Ông Laurent Berger, tổng thư ký nghiệp đoàn CFDT, cũng cho rằng không còn con đường nào khác “ngoài việc huy động vài triệu người lao động”. Theo AFP, khoảng 20% giáo viên, nhân viên trường học đình công ngày 06/04.

Theo công ty đường sắt Pháp SNCF, khoảng 75% chuyến tầu cao tốc TGV, từ 25% đến 50% tuyến tầu liên tỉnh hoạt động ngày 06/04. Tại Paris, công ty quản lý giao thông đô thị cho biết hầu hết các tuyến đường hoạt động bình thường, trừ tuyến RER D. Đoàn biểu tình sẽ khởi hành lúc 14 giờ từ quảng trường Invalides (quận 7) và đến quảng trường Italie (quận 13).

Trước những cáo buộc bạo lực cảnh sát, Sở Cảnh sát Paris mời bà Claire Hédon, lãnh đạo tổ chức Bảo vệ các quyền của công dân, một định chế độc lập, và một số luật sư, đến phòng chỉ huy theo dõi cuộc tuần hành ngày 06/04.

Không có nhận xét nào: