Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2023

THÁNG TƯ NHỚ SÀI GÒN - Nguyễn Đức Thu K16


48 năm trôi qua, đôi lúc nghĩ lại chúng ta cũng không thể tưởng tượng nổi, cũng không thể hiểu nổi tại vì ai, tại vì sao Miền Nam và Sài Gòn của chúng ta lại đã phải trải qua, đã phải gánh chịu một cuộc chiến tang thương, một sự vỡ nát, một kế hoạch bỏ rơi của đồng minh, những cuộc rút quân thật phi lý, một cuộc lưu đày kinh hoàng và những năm tháng tù ngục đau thương nhất của quân dân Miền Nam trong lịch sử cận đại thế giới!
<!>
Thưa qúy Huynh Đệ và bạn hữu, từ vùng bình yên khá xa phố phường đô thị, cứ khi chiều về, tôi thường lấy sông nước làm niềm vui cho qua tuổi già, cố quên chuyện thế sự thăng trầm, nhưng rồi mỗi khi tháng tư đến thì lại nhớ Sài Gòn da diết. Sài gòn không phải là nơi sinh trưởng, nhưng hình như tôi bị ràng buộc tự hồi nào, đã đến đó rồi đi không biết bao nhiêu lần. Đôi lúc tôi cũng đã khó chịu vì những diêm dúa, những a dua, những nồng nặc khói xe và sự tự do qúa trớn của thành phố này, nhưng chưa bao giờ biết ruồng bỏ nó. Đây là thành phố của chính trị, của quyền lực, của tình yêu, của bạn bè, của chia ly, của đoàn tụ, của một số tầng lớp hầu như không thèm biết đến chiến tranh hoặc muốn sống ở đó để quên đi chiến tranh, một thành phố được thế giới biết đến chỉ sau Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Người ta có thể sống thú vị ở Sài Gòn nếu là một trong hai hạng người, thật nhiều tiền hoặc thật xác xơ. Chỉ cần một ngày được sống trên đó là đủ thấy mãn nguyện, xa đi là ngẫn ngơ luyến tiếc. Chỉ cần một chút tiền nhỏ trong túi là ta có thể tà tà thả dong trên vùng ánh sáng lung linh, đẹp kiêu sa, đẹp ma quái của trung tâm thủ đô, có thể ngồi dài dài tại Pôle Nord hoặc Brodard ngắm nhìn thiên hạ qua lại với đầy đủ những phô diễn hoặc nghe thấy được mọi chuyện, mọi tin tức sốt dẽo khắp nơi trên thế giới.

Tôi thích lối diễn tả về Sài Gòn của Người Sài Gòn xưa "...Người ta có thể bị choáng ngợp với một đô thị mang dáng vẻ Tây phương này, Sài Gòn như một người con gái kiều diễm, kiêu sa, đài các. Nhưng ở một góc nào đó, Sài Gòn lại có cái ủ dột của phố đêm, lầy lội của xóm nghèo, trong nét bình dân của tiếng rao hàng và những con kinh nước đen...
'Người Sài Gòn xưa' còn yêu Sài Gòn rất lãng mạn như sau: "Em Sài Gòn trước 1975 vẫn như một mảnh trầm còn nguyên vẹn hương thơm, như một vết thương trên ngực chưa lành, đang đợi chờ một nụ hôn dịu dàng đặt xuống. Sài Gòn mỗi tháng, mỗi năm tuy dần dần đổi khác, nhưng Sài Gòn vẫn như một người tình đầu đời, để cho ta bất cứ ở tuổi nào, bất cứ đi về đâu, khi ngồi nhớ lại, thấy em Sài Gòn vẫn hiện ra với một đôi môi còn đỏ mọng". Diễn tả Sài Gòn kiểu nầy nghe thật là nhức nhối con tim.


Trước dịp Lễ Quốc khánh 26 tháng 10 năm 1961, chúng tôi khóa 16 và 17 Trường Võ Bị Quốc gia VN-Đà Lạt theo nhịp quân hành cũng đã mòn gót giày tập dượt và diễn hành qua những đường phố của thủ đô này. Chúng tôi được chào đón, được dân Thủ đô vổ tay nồng nhiệt, được thân ái khen tặng là những Sinh Viên Sĩ Quan trong quân phục và có những bước chân theo nhạc quân hành đẹp nhất. Tôi đã hãnh diện, đã ưỡn ngực, ngẫng đầu cao dù là 'giữa đoàn hùng binh tôi chỉ là kẻ luôn đi hàng sau cùng'.

Nhiều lúc tôi ước mong có một ngày đó được tung tăng tự do, được chiêm ngưỡng những kỳ tích văn hóa nghệ thuật và di tích lịch sử Sài Gòn như Tòa Đô chánh, biểu tượng của Thủ đô, hay lãng mạn hơn, làm một sĩ quan Hải quân, đứng trên đài cao chiến hạm trở về bến Bạch Đằng sau những tháng ngày hải hành sóng gió để được người yêu chào mừng "với lòng nàng anh là hoàng tử ".


Hình NĐT 1970 tại Great Lakes Naval Station-USA

Không ngờ những mong ước đó sau này đều đã thành hiện thực. Còn hơn thế nữa, tôi cũng rất vinh hạnh được quân dân Quận Nhứt, Quận Tư và Quận 9 Đô thành Sài Gòn dang rộng vòng tay thân ái đón chào, đã chọn bầu tôi vào Hội đồng Đô thành trước ngày Quân lực 1974 như là một bước khởi đầu của kỳ vọng. Nhưng thật đau lòng, thời gian cho chúng tôi qúa ngắn. Trong tháng Tư đen 1975, tôi đã đành bất lực chứng kiến Sài Gòn thân yêu của mình rã tan từng mãnh hàng ngày hàng ngày từ ban công (balcony) của tòa nhà lịch sử này!

Ngày 30 tháng tư năm 1975, Sài Gòn bỗng dưng bị đổi tên, cái tên kiêu sa, cái tên Sài gòn hòn ngọc Viễn Đông đẹp như trân châu, cái tên lịch sử từng hằn trong mỗi con tim người Miền Nam, đã bị chính quyền mới tìm mọi cách đưa vào qúa khứ. Rồi mỗi khi kỷ niệm trở về, mọi người thấy thật buồn rầu và nuối tiếc. Tôi cũng vậy, tuổi già không hẹn mà cứ đến và thời gian cứ vùn vụt qua nhanh không đợi chờ. Bây giờ tôi có thể làm được gì hơn là thỉnh thoảng ngồi một mình, xem lại dĩ vãng, để nhớ để thương Sài Gòn của một thời thân ái xa xưa.


Tòa Đô chánh và Hội đồng Đô thành trước 1975


Thương xá Tax nơi có nhà hàng Pôle Nord ngày xưa


Đường Nguyễn Huệ nhìn từ Tòa Đô chánh trông ra bến Bạch Đằng

Thật vậy, nào có ai ngờ, ngày 30 tháng tư năm 1975, Sài Gòn bị bức tử, bị đổi tên mà trong vài tuần trước đó, hàng ngày, từ văn phòng lầu 2 trên Tòa Đô chánh nhìn thẳng ra Trung tâm Sài Gòn, tôi bất đắc dĩ đã trở thành một nhân chứng, đã phải chứng kiến Thủ đô thân yêu của mình không còn bình yên dù dân Sài Gòn thì vẫn cứ tỉnh bơ, hầu như phó mặc cho số phận. Tuy nhiên ký giả Jean Larteguy thì ghi nhận rằng: "... người dân Nam rất sợ những người hỏa tinh Bắc Việt, sợ những 'đoàn quân nhỏ bé màu xanh' mà họ coi như thuộc về một thế giới khác, khắc khổ, cứng rắn, cũng biết tươi cười nhưng thiển cận, một chủng tộc mới. Hơn nữa, người Miền Nam vẫn luôn luôn thích đời sống dễ dàng và không muốn bị tống vào các tu viện để trở thành các tu sĩ và các dì phước đỏ". Jean Larteguy cũng có trái tim rất Sài Gòn, nhưng ông cũng đành phải bỏ thành phố này sáng ngày 28 tháng tư khi nghe tin có những đại quân mà ông gọi là 'đoàn quân từ hỏa tinh miền Bắc' đang bao vây Thủ đô!

Tưởng cũng nên hồi tưởng lại tại sao Miền Nam của chúng ta đã phải tan nát dễ dàng như vậy? Phải thành thật mà nói, cuộc đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963 giết Tổng thống Ngô Đình Diệm thật là một thảm họa, đã kéo theo trên 10 cuộc đảo chánh khác, đã đưa tới sự phân hóa trong QLVNCH. 2 năm sau, người Mỹ hình như không còn nhẫn nại để tin tưởng vào khả năng của các vị lãnh đạo Miền Nam. Tháng 8 năm 1965, khi thấy tướng Nguyễn Cao Kỳ có khả năng Anh ngữ trôi chảy vì ông được huấn luyện ở Hoa Kỳ, hơn nữa ông là một phi công khá can đảm, thích đại chúng, nên đã ủng hộ ông lên nắm quyền Thủ tướng (Chủ tịch Ủy ban Hành pháp trung ương) dù họ thừa biết rằng ông chẳng có kinh nghiệm gì về chính trường. Hai năm sau, lại còn ủng hộ ông làm phó cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu 1967-1971 dù họ cũng biết rất rõ hai vị này chẳng ưa gì nhau. Kiểu chính trị của Hoa Thịnh Đốn đối với các nước chậm phát triển là như thế, thật là đơn giãn như thế!!!


Sài Gòn tự nhiên trở thành một Thủ đô buông xuôi, các quán Bar mở đầy đường để Việt cộng lợi dụng tha hồ xâm nhập. Rồi sau cuộc tổng tấn công đẩm máu của Bắc quân Tết Mậu thân 1968, cũng theo ký giả Larteguy "hình ảnh Sài Gòn bắt đầu trông thật là thê lương, từng đàn trẻ em đi lang thang, từng đàn người què cụt đi hành khất không nhà cửa và phạm pháp đủ loại. Dân số Sài Gòn lên tới trên bốn triệu trong khi Thủ đô chỉ được dự trù để chứa chừng một triệu người. Saigon đã qua một thời kỳ say sưa khi người Mỹ ồ ạt đổ bộ 543,000 quân, chưa kể số quân nhân Hải quân của Đệ thất Hạm đội, những nhân viên dân sự, những người dân sự mặc đồng phục, tất cả lên tới 600,000 người. Những người lính Mỹ đầu tiên đã được choàng vòng hoa trên bãi biển. Bây giờ, không còn chuyện ấy nữa".

Rồi khi Nixon lên ngôi năm 1969, những trò chơi áp lực, đi đêm với Trung cộng của Nixon-Kissinger đã khiến cho các cấp chỉ huy quân lực VNCH càng ngày càng mất niềm tin vào Mỹ và cấp lãnh đạo. Tháng 2 năm 1971, thủy triều bắt đầu xuống. Chỉ còn 335,000 quân nhân Mỹ. Đến tháng 5 thì chỉ còn 284,000 người. Quốc hội Mỹ tìm cách bỏ rơi Miền Nam Việt Nam.

Thay vì cùng hợp nhau cứu Nước, thì các nhà lãnh đạo và một số các chính trị gia Miền Nam lại càng thêm phân hóa, từ đó Kissinger không thấy những con bài đảo chánh, thay quyền đổi ngôi này còn một chút giá trị nào nữa tại Việt Nam so với ván bài mới tại Trung cộng. Miền Nam bắt đầu bằng một sự chấm dứt rỉ máu vì bị cắt đứt viện trợ và quân dụng.

Trở lại một tháng trước đó, tại Hội Đồng Đô thành Sài Gòn, với tư cách cách Chủ tịch Liên Ủy ban Ngân sách và Quân vụ, tôi rất ưu tư về tương lai của Thủ đô sau những cuộc triệt thoái đẩm máu kinh hoàng từ Tây nguyên và từ vùng Hỏa tuyến. Hàng vạn quân dân đã chết, hàng trăm ngàn quân dân tìm đủ mọi cách để trốn thoát trên Tỉnh lộ 7 và Miền Trung đang dưới tay tử thần. Một số may mắn thoát được, một số được các chiến hạm Hải quân VNCH cứu thoát, cập bến Vũng Tàu đầu tháng tư và hầu hết mong muốn được tái định cư ở Thủ đô. Chúng tôi đã chuẩn bị đón tiếp họ nhưng thật đau lòng khi cảm thấy Thủ đô cũng sẽ phải đối diện với những ngày tang thương có thể xảy ra bất cứ lúc nào.


Hình Dương vận hạm HQ-504 (Hạm trưởng là HQ Trung tá Nguyễn Như Phú K16) đã hải vận trên 7,000 quân dân trong số 20,000 người thoát khỏi Đà Nẵng và Huế đầu tháng tư, đến Cam Ranh & Vũng Tàu.

Đài BBC Luân Đôn, ngay tối 29 tháng 3 năm 1975 đã loan báo Đà Nẵng thất thủ với hàng ngàn quân??? bị bắt làm tù binh. Dù tin đúng hay sai cũng đủ tạo nên những đợt sóng thần cuồn cuộn tràn đến. Mọi người tìm cách tháo chạy.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 29, Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn I và Đại tá Nguyễn Thành Trí, TL phó TQLC không còn một lựa chọn nào khác hơn là cùng quân sĩ khoác áo phao bơi ra chiến hạm HQ 401 đậu ngoài khơi. Nhiều người đã bị chết chìm!

Tại Saigon, Chủ Nhật 30 tháng Ba: Một phát ngôn viên của Chính Phủ cho biết là ngày hôm nay, các liên lạc vô tuyến giữa Saigon và Đà Nẵng đã bị gián đoạn. và đây là dấu hiệu cho thấy Đà Nẵng đã thất thủ (Malcolm Brown, The NewYork Times, March 30.1975)
Ký giả Brown cho biết thêm: 'Một nguồn tin đáng tin cậy ở cấp cao hơn cho biết vẫn còn có liên lạc vô tuyến giữa Trung ương vả những quan sát viên VN từ một chiến hạm ngoài khơi Đà Nẵng; tuy nhiên đây rõ rệt là Chính Phủ Saigon đã mất Đà Nẵng'.
Sau khi Đà Nẵng thất thủ, bi kịch của hàng triệu người miền Nam Việt Nam thật sự bắt đầu.

Đầu tuần tháng tư 75, cựu Dân biểu Đệ nhất Cộng hòa Trần Công Quốc đến thăm tôi tại Tòa Đô chánh. Tôi thật ngạc nhiên vì đã rất lâu kể từ khi cùng theo học tại trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang, ông ra trường rồi đi biền biệt cho đến khi ông đắc cử Dân biểu Quốc Hội, chúng tôi vẫn không có cơ hội gặp lại. Sau và phút tay bắt mặt mừng, ông cho tôi biết tình trạng sống còn của Sài Gòn có thể đếm từng ngày, quân cộng sản đã về tràn đầy xung quanh Bình Dương và Xuân Lộc, khuyên tôi hãy rất cẩn thận. Sau bửa cơm trưa vội vã, ông lại biến mất cho đến một ngày... tôi nghe tin ông và các con đã bị chết chìm trên biển, thật là thương tâm!


Ngày 9/4/1975, tại mặt trận cuối cùng Xuân Lộc, mức độ tấn công của quân Bắc quân đã thực sự trở nên ác liệt, tức thời điểm trước khi Sài Gòn thất thủ đúng 3 tuần lễ. Để uy hiếp và trấn áp tinh thần của sư đoàn 18 bộ binh VNCH, quân Bắc Việt đã dùng loại pháo 130 ly liên tục pháo kích vào những cứ điểm đóng quân của sư đoàn này và hầu hết những địa điểm trong ngoài thành phố Xuân Lộc.

Sau khi chịu đựng những đợt pháo kích liên tục của Bắc quân, lực lượng phòng thủ sư đoàn 18 VNCH do Chuẩn tướng Lê Minh Đảo làm tư lệnh với tương quan lực lượng kém hẳn địch thủ là 1 đối 3, bắt đầu tổ chức những đợt phản công đánh trả lại một cách hữu hiệu. Và thật đáng kinh ngạc, những chiến sĩ sư đoàn 18 đẩy lui không biết bao nhiêu đợt tấn công xâm nhập vào Xuân Lộc của địch dưới quyền chỉ huy của 2 tướng Hoàng Cầm và tướng Hoàng Thế Thiện.


Chuẩn tướng VNCH Lê Minh Đảo sau đó được thăng cấp Thiếu tướng tại mặt trận.
Tại thành phố Sài Gòn, không khí thật náo nức và nhộn nhịp trong nỗi hân hoan chào mừng chiến thắng Xuân Lộc, một sự chiến thắng không ngờ. Với thắng lợi này, đa số dân chúng thủ đô đều nghĩ rằng quân Bắc Việt sẽ mỏi mệt và cần một thời gian khá dài để dưỡng sức, nhất là nếu có tướng Lê Minh Đảo thì Sài Gòn sẽ bình yên. Cho đến này 13/4/1975 thì sinh hoạt tại Xuân Lộc đã tương đối trở lại bình thường với đường phố tấp nập xe cộ, người qua lại đông đúc. Cảnh mua bán rộn rịp, tưng bừng hẳn lên. Nhưng hầu như người ta không hề biết rằng cách đó mấy chục cây số, quân Bắc Việt vẫn đóng chốt và chuẩn bị cho những cuộc tấn công kinh hoàng khác chỉ trong vài ngày sau đó.

Thật vậy, sau cuộc tái tấn công của Bắc quân lần này, và sau những ngày cầm cự đẩm máu, da thịt và sức lực con người hầu như không chịu đựng nổi trước chiến thuật biển người và các trận mưa pháo biển lửa, áp đảo bởi các sư đòan địch đến tăng cường, Sư đoàn 18 VNCH đành phải triệt thoái khỏi thành phố Xuân Lộc vào ngày 20/4/1975 để cố rút về bảo vệ Thủ Đô. Nhưng tất cả đều qúa muộn, Sài gòn đang đi vào những ngày cuối!

Sáng sớm ngày 20 tháng tư 1975, Chuẩn tướng Đô trưởng Đỗ Kiến Nhiễu bàn giao chức Đô trưởng cho Đại tá Quách Huỳnh Hà tại phòng khánh tiết Tòa Đô chánh.
Cùng một lúc, Đại sứ Pháp Mérillon đến Dinh Độc Lập gặp TT Thiệu. Đại sứ Mérillon nói rằng:
“Thưa Tổng Thống, tôi đến gặp Ngài tại vì tình hình đã trở nên vô cùng nghiêm trọng. Không còn vấn đề quân sự nữa”. TT Thiệu không trả lời và Đại sứ Mérillon nói tiếp: “Tôi thấy chỉ còn là vấn đề chính trị. Cần phải để cho một tiến trình dân chủ được khai triển”.
“Tổng Thống Thiệu ngồi im lặng trong khi Đại sứ Mérillon tiếp tục trình bày gần như là độc thoại. Đại sứ Mérillon nói rằng chính phủ chỉ còn nắm giữ được vài thành phố lớn nhưng ba phần tư lãnh thổ đã bị mất vào tay Cộng sản.

Vào hồi 10 giờ sáng, đến lượt Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin vào gặp Tổng Thống Thiệu và cuộc gặp kéo dài trêm một tiếng đồng hồ.
Đại sứ Martin trình bày với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu về nhận định của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đối với tình hình quân sự hiện tại. Trong cuốn Decent Interval, Frank Snepp viết rằng ông đã được Polga, Giám Đốc CIA tại Sài Gòn ra chỉ thị phải “soạn thảo bản nhận định càng đen tối càng tốt chừng đó. Đại sứ Martin sẽ dùng bản nhận định này để thuyết phục ông Thiệu rằng đã đến lúc ông ta phải ra đi”
Đai sứ Martin nói thẳng rằng đây là một việc mà chỉ có một mình TT Thiệu mới có quyền quyết định, tuy nhiên ông Đại sứ cũng cho TT Thiệu biết là đa số người Việt Nam đều quy trách ông Thiệu là người phải chịu trách nhiệm trước sự thảm bại quân sự trong hơn một tháng qua, đa số người Việt Nam không tin rằng ông Thiệu còn có đủ khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng này và họ tin tưởng rằng nếu ông Thiệu ra đi thì việc thương thuyết với phe Cộng sản sẽ dễ dàng hơn.

Tại Dinh Độc lập, ngày 21 tháng tư, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, và trao quyền lại cho Phó tổng thống Trần Văn Hương.
TT Thiệu nói với cụ Trần Văn Hương và Đại Tướng Trần Thiện Khiêm rằng ông muốn bảo tồn tính hợp pháp của chế độ VNCH, do đó ông yêu cầu Phó Tổng Thống Trần Văn Hương nhận lãnh chức vụ Tổng Thống VNCH để cứu vãn tình thế. Ông Thiệu kết luận rằng:
“Tôi sẵn sàng nhận lãnh sự phán xét và buộc tội của đồng bào nhưng sự sống còn của cả một dân tộc không có thể mang ra mặc cả như con cá ở ngoài chợ. Tôi từ chức nhưng tôi không đào ngũ”!

Theo đài VOA "... Trong khi lễ bàn giao đang diễn ra tại Dinh Độc Lập, các đơn vị cuối cùng còn lại của Sư Đoàn 18 bắt đầu di tản ra khỏi thị trấn Xuân Lộc sau khi đã chiến đấu vô cùng anh dũng chống lại một lực lượng chính quy Bắc Việt đông gấp năm lần trong hơn hai tuần lễ. Khi cụ Trần Văn Hương nhậm chức tổng thống thì quân Cộng sản đã tiến về tới Biên Hòa và bộ máy của cơ quan tình báo Mỹ CIA cùng tình báo của Pháp cũng như Đại sứ là ông Jean-Marie Mérillon đã bắt đầu hoạt động ráo riết để đưa cựu Đại Tướng Dương Văn Minh lên thay thế ông Trần Văn Hương nhằm thương thuyết với Cộng Sản...".

Ngày 22 tháng 4, sau khi TT Nguyễn Văn Thiệu từ chức, CS Bắc Việt không hề có ý định thương thuyết với bất cứ người nào, bất cứ phe phái nào tại Miền Nam vì mục tiêu tối hậu của Bắc Việt là tấn công chiếm Sài Gòn và cưỡng chiếm toàn bộ Miền Nam bằng vũ lực mà thôi. Trong khi đó thì tân Tổng Thống Trần Văn Hương lại phải đương đầu với những áp lực chính trị và ngoại giao nhằm thúc đẩy ông trao quyền lại cho Dương Văn Minh vì họ nghĩ rằng Dương Văn Minh có đủ điều kiện để thương thuyết với CS Bắc Việt.
Còn ông cựu tướng Trần Văn Đôn thì ngày 22 tháng 4 thì lại đi vận động với các chính trị gia là
"Ông Minh cho biết Hà Nội chờ ông Minh nắm chính quyền rồi sẽ thương thuyết!. Lại ông 'big' Minh một lần nữa!

Ngày 23/4, Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn đệ đơn từ chức. TT Trần Văn Hương đã yêu cầu nội các Nguyễn Bá Cẩn xử lý thường vụ cho đến khi có chính phủ mới. Vào thời điểm này, dư luận ở Sài Gòn ai cũng biết rằng các thế lực ngoại quốc muốn ông Dương Văn Minh lên làm tổng thống hay thủ tướng toàn quyền,

Ngày 24 tháng tư, tôi thấy Sài Gòn vẫn sinh hoạt như bình thường, cũng vẫn có những làn sóng xe gắn máy chạy ngang dọc không màng đèn xanh đèn đỏ, những chiếc xe Peugoet cũ hôi xăng bấm còi inh oỉ chen lấn với những xe jeep bóng loáng và xe quân vận chở những thùng vật liệu chẳng có gì liên quan đến chiến tranh. Những cảnh sát thì tỉnh bơ để mặc cho xe cộ, khách bộ hành mạnh ai nấy đi. Các nhà hàng và quán rượu trên đường Tự do vẫn mở cửa. Đó là hình ảnh rất 'hòa bình' của Thủ đô đúng một tuần trước ngày mất nước.

Trong lúc đó, tại Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, ông Đại sứ Graham Graham Martin vẫn tin tưởng rằng cho dù Bắc Việt với thế lực đại quân số có tấn công trực tiếp vào Sài Gòn đi nữa thì miền Nam cũng chưa đến nỗi mất hết hy vọng. Ông vẫn vận động những cuộc thương thuyết để giải quyết vấn đề, và cho đến phút cuối, vẫn chống lại những mệnh lệnh triệt thoái toàn diện từ Hoa Thịnh Đốn, dù ông thừa biết rằng tại cơ quan DAO Tân Sơn Nhất, những chiếc xe bus đã chạy lui tới liên tục, nhất là ban đêm để di tản hàng ngàn nhân viên và gia đình có liên quan đến người Mỹ lên những vận tải cơ khổng lồ bay thoát ra khỏi Sài Gòn mà không cần bất cứ sự khai báo nào với quan thuế hoặc cảnh sát!

Ngày 25 tháng tư, TT Thiệu rời bỏ Sài Gòn. Để cho sự ra đi của ông Thiệu được hợp pháp, TT Trần Văn Hương đã ký một sắc lệnh cử cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu làm đại diện đặc biệt cho VNCH đến Đài Loan để phân ưu về việc Tổng Thống Tưởng Giới Thạch từ trần ngày 5 tháng 4 năm 1975. Chuyện thật buồn cười vì 20 ngày trước đó, Phó Tổng thống Hương đã đại diện Nước VNCH đến tham dự tang lễ này. Dầu sao thì TT Hương cũng có thiện chí và tạo nên một lý do để giữ thanh danh cho cựu TT Thiệu.


Sáng ngày 26 tháng tư, tôi ngồi uống cà phê tại một 'bàn vỉa hè' của khách sạn Continental Palace để cố tìm gặp một số ký giả quen, trong đó có vài ký giả ngoại quốc. Những ký giả Mỹ quen thuộc thì không thấy, duy chỉ có những ông người Pháp, một số biết nói tiếng 'Ăng-Lê' thì ngồi đầy kín. Họ cho biết rằng Tổng thống Pháp Giscard D'Estaing đã thảo luận với Đại sứ Pháp và Ngoại trưởng Jean Souvagnargues là một giải pháp chính trị vẫn còn là hy vọng có thể. Ngay trưa hôm đó đề nghị ngưng bắn của TT Trần Văn Hương được cái gọi là 'Mặt trận GP miền Nam' xác nhận với điều kiện, đại khái là:
-Sài Gòn lập một chính phủ mới không có 'tay chân' của Thiệu
-Chính phủ mới phải chủ trương một chính phủ hòa hợp quốc gia
-Tất cả quân nhân và dân sự Mỹ phải ra khỏi VN ngay lập tức
-Phải trả hết tất cả tù nhân chính trị

Trong chiều hôm đó, ông Kỳ lại nhảy ngay vào cuộc, tuyên bố hoàn toàn ủng hộ cựu tướng Minh làm thủ tướng để lập chính phủ mới. Đệ nhất phó thủ tướng là tướng Trần Văn Đôn kiêm tổng trưởng quốc phòng và sẽ cương quyết thi hành luật pháp tối đa cho những kẻ nào dám bỏ nước ra đi!

Sáng ngày 27, Việt cộng pháo kích 5 qủa hỏa tiễn vào Thủ đô làm cho 6 người chết và 22 bị thương. Nhiều phe nhóm chính trị thời cơ lại nhao nhao chống lại việc TT Trần Văn Hương không chịu giao quyền cho Dương Văn Minh. Người đầu tiên là ông Trần Quốc Bửu, Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam. Cũng trong ngày này, cựu Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đã đến tham dự một cuộc biểu tình tại giáo xứ Tân Sa Châu với gần m­ười ngàn người tham dự. Trong cuộc mít-tinh này, PTT Kỳ lên án những kẻ hèn nhát đã bỏ nước di tản theo người Mỹ và hô hào đồng bào ở lại để tử thủ bảo vệ Sài Gòn. Ông Kỳ còn nói với những người biểu tình rằng: “cái gọi là chiến thắng của Cộng sản chẳng qua chỉ là hậu quả của việc những tướng lãnh và sĩ quan của quân đội chúng ta đã chọn sự bỏ chay ngay cả trước khi họ được yêu cầu”. Báo chí Việt ngữ trong nước đã tung lên trang đầu rằng cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ đã kêu gọi mọi ngư­ời ở lại chiến đấu, chống lại Cộng sản Bắc Việt, ông nói rằng ông "cũng sẽ ở lại để chiến đấu chứ không đi đâu cả, không di tản ra ngoại quốc vì ở bên đó làm gì có rau muống, mắm tôm mà ăn "...Nhưng rồi ông cũng bỏ Nước, dùng trực thăng bay ra Hạm đội 7 ngày 29 tháng tư cùng với một số tướng tá!

Trong lúc đó, cựu tướng Minh hứa sẽ thương lượng, kể cả với quân Bắc Việt đang bao quanh Sài Gòn. Nhưng không lẽ ông không hiểu rằng chúng sẽ được lợi gì khi phải thương lượng với ổng và liệu chúng sẽ tin vào sự bảo đảm của chính phủ Pháp chăng, những người mà chúng đã từng không đội trời chung, đã từng tốn bao xương máu vì mối thù mà chúng gọi là 'một trăm năm đô hộ giặc Tây'. Thật sự là chúng đang chuẩn bị một cuộc đại xung phong lần chót.

Nhưng tại sao Tổng thống Trần Văn Hương lại không nghỉ đến Tướng Lê Minh Đảo mà là phải ông tướng Minh chỉ biết ngồi chờ thời? Không phải Tướng Đảo đang liều chết để thực sự vệ Thủ đô Sài Gòn đó sao? một vị Tướng mà chỉ trong mặt trận mở đầu tại Xuân Lộc, đã hiên ngang đứng trên đầu gió chỉ huy sư đoàn 18. Ông đã làm cho 3 sư đoàn quân thù khiếp sợ, đã làm cho tướng Bắc quân Hoàng Cầm bị thay thế vì thua trận và tên tuổi của ông chỉ trong một sớm một chiều đã vang danh khắp nơi đến mãi tận Hoa Thịnh Đốn. Ít nhất là ông Tướng này cũng sẵn sàng đối diện với quân thù cho đến giờ phút chót, còn hơn là nhiều tướng lãnh khác đang chuẩn bị ra đi.

Từ trước 1975 và ngay cả sau này tại VN, cũng đã có những dư luận "tại sao Tổng thống Trần Văn Hương trong tình thế tuyệt vọng này, thay vì chuẩn bị bàn giao chức Tổng thống cho Dương Văn Minh mà ông biết là bất hợp hiến và ông cũng chả mấy thích ông cựu tướng này, đã không cho tướng Lê Minh Đảo lên chức vụ như Tư lệnh Biệt khu Thủ đô để lấy lại tinh thần quân dân Sài Gòn trong khi nhiều Tướng lãnh cao cấp hơn đã không còn khả năng chiến đấu hoặc chuẩn bị ra ngoại quốc. Hay tại sao ông không cho ông Tướng này làm tư lệnh Quân đoàn 3, thống lãnh ba quân mà trong đó hạm đội Hải quân VNCH hầu như còn nguyên vẹn, các sư đoàn Không quân vẫn còn những phản lực cơ hùng hậu với các phi công đầy kinh nghiệm xông pha chiến trận. Nếu giữ Sài gòn không được, ta dùng hạm đội, hải vận đại quân còn lại ra Phú quốc. Có Hải quân và Không quân yểm trợ ,chúng ta sẽ tuyên bố hải đảo rộng lớn này là một Quốc gia VNCH mới như thời quân dân Đài Loan lập quốc. Với vị trí thuận lợi bao quanh bởi đại dương xa đất liền, rất khó cho quân địch tấn công và khi quân dân còn lại cùng một lòng bảo vệ thì chắc chắn chúng ta sẽ tạo nên được tiếng vang trên thế giới. Biết đâu rồi có một ngày chúng ta sẽ còn cơ hội lấy lại Miền Nam yêu dấu của chúng ta".

Nhưng thật tiếc thay cụ Hương đã qúa già hoặc là đã qúa trể để làm một 'chuyện đánh cược' như vậy. Hay nếu có thì có lẽ ông cũng không dám quyết định khi vẫn còn ông Minh và tướng Đôn đang được Đại sứ Pháp tại Sài Gòn chống lưng. Lại Minh và Đôn, hai ông Tướng đã một thời được ông đại sứ kênh kiệu Henry Cabot Lodge mua chuộc trong âm mưu giết TT Ngô Đình Diệm năm 1963, đã tạo nên những thảm kịch thảm kịch cho đến ngày nay!

Cho đến lúc này, tại Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, ông Graham Martin, một vị đại sứ có nhiều tình cảm với Miền Nam Việt Nam, vẫn tin tưởng ngồi chờ đợi kết qủa của những cuộc thương thuyết. Nhưng ông có ngờ đâu, tình thế đã quá muộn màng vì quân Bắc Việt sau khi gỡ được nút chận Xuân Lộc, các mũi dùi Nam tiến của Bắc quân đang tiến quân ào ạt về Sài Gòn.

Đã có rất nhiều lần Sài Gòn được cứu nguy bằng những phép lạ nhưng có lẽ lần này, người ta không còn nhìn thấy cách nào để có phép lạ nữa vì 4 sư đòan VNCH, các lữ đoàn dù, TQLC, Biệt Động quân, 81 Biệt Cách dù... đang cố gắng bảo vệ Thủ đô cũng đang từ từ rã từng mãnh từng mãnh vì thiếu đạn dược và quân vận.

Cùng ngày, Tổng Thống Trần Văn Hương sau khi nắm chức TT chỉ trong 7 ngày đã trao quyền lãnh đạo cho cựu tướng Dương Văn Minh để tìm cách điều đình với lực lượng 'Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam' đang trên đường đến Sài Gòn. Tổng thống Trần Văn Hương mới được xem là vị Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa. Nhưng tiếc thay, ngày tàn của Thủ đô Sài gòn đang đến.


Trưa ngày 29/4/1975, người ta có thể nhìn thấy từ xa những cảnh di tản hỗn loạn, ồn ào trên các đường phố Sài Gòn. Trên bầu trời vang dội những âm thanh rộn ràng của các loại trực thăng AH-1G Cobra bay khắp nơi trong thành phố. Người ta có thể trông thấy quang cảnh chính diện trên sân thượng của Trung Tâm Văn Hóa Pháp có nhiều người VN cả nam lẫn nữ đang đứng xếp hàng nối đuôi nhau như một đàn kiến và từng người một leo lên chiếc thang của những chiếc trực thăng Hoa Kỳ bay đến rồi đáp xuống tại đây.


Hàng trăm ngàn người đổ xô xuống Bến Bạch Đằng như nước lũ, như sóng triều, tìm đưòng di tản. Nhưng không phải mọi người đều được may mắn, chỉ là một số, một số rất ít, rất ít đã thoát ra được một nhà tù khổng lồ đang từ từ ụp xuống. Và Sài gòn sắp đổi tên!


Tại bến Bạch Đằng, Phó đô đốc Chung Tấn Cang, Tư lệnh Hải quân quyết định Hạm đội Hải quân sẽ chính thức ra đi vào lúc 6 giờ chiều ngày 29 tháng 4 và cuộc di tản dự trù sẽ hoàn tất vào lúc 22 giờ đêm. Điểm hẹn là đảo Côn Sơn".

Vào lúc 10 giờ 24 sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, Dương Văn Minh đã đọc nhật lệnh trên Đài Phát Thanh Sài Gòn ra lệnh cho tất cả mọi Quân Nhân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phải buông súng đầu hàng. Các sư đòan đang cố gắng bảo vệ vòng đai Thủ đô cũng đành phải giã từ vũ khí. Tư Lệnh sư đoàn 5 là tướng Lê Nguyên Vỹ đã tự kết liễu vận mạng bằng cái chết thật hiên ngang.
Tại Củ Chi cách Sài Gòn khoảng 30km về hướng Tây Bắc, sư đoàn 25 của VNCH cũng phải buông súng. Tư Lệnh sư đoàn là tướng Lý Tòng Bá bị bắt làm tù binh.
Tại căn cứ Tân An Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở hướng Tây Nam Sài Gòn do sư đoàn 22 VNCH trấn thủ cũng không còn sự lựa chọn nào khác.
Trong lúc đó, sau cuộc tấn công lần thứ hai của trên 3 Quân đoàn Bắc quân do Đại tướng Bắc Việt Trần Văn Trà chỉ huy, (thay thế tướng Hoàng Cầm bị thất bại trong đợt tấn công lần thứ nhất tại Xuân Lộc), lực lượng còn lại của sư đoàn 18 phải rút lui về để bảo vệ Thủ đô. Thiếu tướng Lê Minh Đảo tiếp tục chỉ huy sư đòan 18 (-) tại phía Đông Sài Gòn, cố cầm cự cho đến giờ phút chót nhưng một lần nữa đã bị tấn công bởi toàn bộ quân đoàn 2 Bắc Việt. Tướng Lê Minh Đảo dù 'chí tuy còn mong tiến bước, nhưng sức không kham nổi đoạn trường', đành buông tay. Thế là xong, Sài Gòn yêu dấu của quân dân Miền Nam thất thủ ngày 30 tháng tư!


Nguyên do thật sự từ đâu, do ai, bởi ai, hầu như chúng ta đều qúa biết. Không phải chỉ là 48 năm buồn hận, nhưng thật tiếc thay, nói như ký giả chiến trường kỳ cựu Phạm Huấn: "Nếu Hiệp Định Paris 27/1/1973 được ký kết trễ hơn khoảng 2 năm nữa, miền Nam không bao giờ mất vào tay cộng sản. Bởi vì, đất nước và quân đội sẽ được lãnh đạo và chỉ huy bởi những người thực sự yêu nước và bởi những tướng tá trẻ, anh hùng, can đảm có khả năng cả về quân sự lẫn văn hóa, với đầy đủ Trí, Đức, Dũng..."

Nguyễn Đức Thu K16, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam
(Quân chủng Hải Quân)



Không có nhận xét nào: