Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2023

Mừng Lễ Phục Sinh 2023 và Kính Chuyển Tin Tức Thế Giới, Việt Nam Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Thông Điệp Mùa Tử Nạn và Phục Sinh 2023 -Từ trời cao, Chúa Con (Giêu Su) đau xót, nhìn thấy con người đắm chìm trong hố sâu tội lỗi, với bao nhiêu hình phạt khủng khiếp chờ đợi, mà không có con đường cứu thoát. Chúa đã quyết định xuống thế, mặc lấy thân xác con người, gánh chịu mọi khổ đau tội lỗi, và cuối cùng chết trên Thập Giá! Sau ba ngày, Ngài đã sống lại, chứng minh cho loài người biết, Ngài là người duy nhất chiến thắng sự sống, lẫn sự chết. Cái chết của Ngài thành cầu nối giữa Thiên Chúa và con người. Từ nay con người muốn gặp Thiên Chúa, chỉ cần đi qua chiếc cầu kỳ diệu này.
<!>
Muốn đi qua chiếc cầu này, con người ngoài tin kính Thiên Chúa, chỉ cần thực hiện thêm một điều nữa: “Yêu Thương Tha Nhân!” Say mê phụng sự, hy sinh, yêu! yêu!…yêu cho đến khi con tim ngừng đập!

Yêu thương người khác như chính thân mình, như Cha Mẹ, Anh Em mình, rồi tập yêu cả…kẻ thù! Và tình yêu cao nhất là “đem mạng sống mình, chết thay cho người mình yêu!” Yêu như thế, tin như thế, “sẽ chuyển được núi này qua núi kia!”

Đây là cây đũa thần! phép mầu! nếu ai ai cũng thực hiện được điều này, sẽ biến trái đất này thành Thiên Đàng ngay! Không còn chiến tranh, hận thù, chém giết. Putin, Tập Cận Bình, Trọng Khinh, Ủn Ỉn, không còn hiện điện trên trái đất này nữa!

Chúng ta sinh ra có một khiếm khuyết nhỏ, hình ảnh chúng ta đẹp như thiên thần, nhưng chỉ có một cái cánh! nên không thể bay được!

Bí quyết: Thương nhau, ôm lấy nhau! chúng ta sẽ có một đôi cánh hoàn hảo, bay lượn và vút lên trời cao!

Đây là thông điệp của Chúa, Vua của Tình Yêu!


Chúc Mừng Lễ Phục Sinh 2023


Nhóm Mõ Nhân Ái Mang Không Khí Mừng Lễ Phục Sinh 2023 (Happy Easter) Đến Với Khách Không Nhà! (Homeless!)


(Hình: Anh trưởng toán, sửa soạn sinh hoạt mừng Lễ)

-Chủ Nhật tuần này, ngày 9 tháng 4, là Ngày Lễ Phục Sinh. Lễ này của người Công Giáo, tưởng niệm Chúa chịu chết và mừng Chúa sống lại. Nhưng nay lễ này, đã được mở rộng, vượt ra khỏi phạm vi tôn giáo, ai cũng có thể mừng. Giống như ngày Lễ Giáng Sinh. Nhiều người còn gọi Lễ Phục Sinh, như ngày Tết của người Công Giáo.

Trong tinh thần coi những người Không Nhà như người trong Gia Đình. Thực hiện lời của Chúa “phúc thay cho những ai, Ta đói đã cho Ta ăn! Ta khát đã cho Ta uống, Ta trần truồng đã cho áo mặc!” Sáng Thứ Năm và Thứ Sáu vừa qua, trong bữa cơm phục vụ 2 ngày trong tuần. Sau khi Khách đã thưởng thức dĩa cơm ngon nóng hổi, ly trà, ly cà phê nóng buổi sáng xong. Người Homeless còn được hưởng không khí một sinh hoạt vui chơi độc đáo mừng Phục Sinh! Mang nặng ý nghĩa Bác Ái “thương người như chính thân mình!” như lời Chúa dậy.

Khách không nhà lộ vẻ vui mừng thấy rõ trên từng khuôn mặt, vì không khí sửa soạn bữa cơm khác với những ngày thường. Trong khi dùng bữa, còn được thưởng thức những bài thánh ca đầy tình người, do các ca viên trong Ca Đoàn của một nhà thờ Tin Lành, người Hàn Quốc giúp vui. Đầy đủ trống đờn, kèn, sáo, với hàng chục nhạc công! Rất nhiều người Homeless lộ vẻ ngạc nhiên “Tôi chưa bao giờ, vừa ăn, vừa được nghe những bản hợp ca. hòa tấu hay như thế! Quá tuyệt vời!"


(Hình: Với ban nhạc giúp vui)

Trước khi lãnh thực phẩm khô mang về, ai cũng được tặng thêm Trái Trứng Phục Sinh, mừng ngày lễ! Trong có kẹo và chút tiền mặt.

Không khí trở lên sôi động thấy rõ, với 9 phần thưởng, cho tiết mục Xổ Số lấy hên. Vì mục này chơi nhiều lần, ai cũng biết người trúng, ngoài phần quà, lại còn có kèm theo một số tiền mặt! Nên ai cũng háo hức, cầu mong mình là người may mắn.

Một người trúng số, đã ôm anh trưởng nhóm, tâm sự: “Chỉ có Nhóm Mõ Nhân Ái mới thương những người Homeless chúng tôi như thế. Không có nhóm nào có những tình cảm thân thiện như vậy cả. Mang cho chúng tôi, không bao giờ thiếu không khí vui mừng, tình thân gia đình, an ủi bất cứ ngày Lễ đặc biệt nào trong năm. Mà đâu phải một năm không thôi, kéo dài biết bao nhiêu năm nay. Chúng tôi rất vui sướng hạnh phúc. Thanks! Happy Easter Day!”

Được biết, Nhóm Mõ Nhân Ái, là Nhóm vui buồn, sống chết với người Homeless bền bỉ nhất trong vùng. Trong tinh thần chỉ biết hăng say phụng sự, thương yêu những mảnh đời khốn khổ, năm nay đánh dấu năm thứ 29! Điều đặc biệt hơn nữa, đây là Nhóm thiện nguyện, không nhận bất cứ một cắc nào tài trợ từ chính phủ. Tất cả đoạn đường 29 năm, đi được là nhờ từ những tấm lòng giúp đỡ của Quý Ân Nhân. Cùng có cái nhìn: “máu của ai cũng có sắc đỏ, nên xoa dịu sự đau khổ, thì không phân biệt mầu da!”

Riêng mùa đông năm nay, có lẽ là một trong những thời gian khắc nghiệt nhất. Cả mấy tháng mưa gió bão bùng, với những cơn lạnh cắt da, nên xóm không nhà, dọc theo con suối Coyote Greek, San Jose. Thứ Tư tuần vừa qua, một đài truyền hình địa phương loan báo một tin buồn: Khám phá ra một người phụ nữ vô gia cư, đã chết nhiều ngày trong lều mà không ai biết! Ít nhất đã có 14 trường hợp như thế, xảy ra trong năm nay. Trong đó có cả cái chết của người Việt Nam.

Đất Mỹ thật khó tưởng tượng, một đất nước văn minh giầu có nhất thế giới, vẫn còn có những cái chết cô đơn, thật đáng buồn như thế!


Ngang Ngược! Trung Quốc xé bỏ thỏa thuận với Vatican, tự bổ nhiệm giám mục Thượng Hải

(Vương Quân)


(Ảnh: Ông Thẩm Bân (Joseph Shen Bin).

-Theo báo cáo của AsiaNews, hãng truyền thông Công giáo có thẩm quyền, ông Thẩm Bân (Joseph Shen Bin), Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Trung Quốc, kiêm thành viên của Ủy ban Thường vụ Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đã tự tuyên bố mình là Giám mục của Thượng Hải vào ngày 4/4. Việc bổ nhiệm này không được sự chấp thuận của Giáo hoàng.

Hành động đơn phương này như thể ngang nhiên xé bỏ thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục được Vatican và Trung Quốc ký kết vào năm 2018. Hiện Vatican vẫn chưa đưa ra bình luận hay phản hồi nào về việc bổ nhiệm trên.

Lá thư bổ nhiệm của ông đến từ Hội đồng Giám mục Công giáo Trung Quốc do chính ông đứng đầu, không giống như Giáo lý của Giáo hội Công giáo La Mã quy định, rằng thẩm quyền bổ nhiệm giám mục phải do Giáo hoàng quyết định.

AsiaNews cho biết, theo nguồn tin từ Vatican, việc bổ nhiệm đã được Trung Quốc đơn phương hành động, mà không có sự đồng ý của Giáo hoàng. Cộng đồng Công giáo ở Thượng Hải đã khá sốc trước việc bổ nhiệm này.

Báo cáo chỉ ra rằng Hội đồng Giám mục Công giáo Trung Quốc là một tổ chức không được Tòa thánh công nhận, và hoàn toàn liên kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Vatican và Trung Quốc đã ký thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục vào năm 2018. Dù chưa công khai nội dung, nhưng Giáo hoàng và Tòa thánh nhiều lần tiết lộ chính quyền Bắc Kinh đã đồng ý để Giáo hoàng có “quyết định cuối cùng” về việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc.

Hầu hết các kênh truyền thông Công giáo đều phân tích rằng Trung Quốc hy vọng sẽ sử dụng thỏa thuận Vatican-Trung Quốc để kiềm chế Tòa thánh, nhằm ngăn chặn Giáo hoàng chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền như Tân Cương và Hồng Kông.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc phớt lờ thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục. Ngày 26/11/2022, Vatican đã có động thái lớn khi đưa ra một tuyên bố bày tỏ “sự ngạc nhiên và tiếc nuối” về việc Trung Quốc bổ nhiệm ông Bành Vệ Chiếu (John Peng Weizhao) làm giám mục phụ tá giáo phận Giang Tây, đồng thời cáo buộc rằng “giáo phận Giang Tây chưa được Tòa thánh công nhận”.

Hơn nữa, Bắc Kinh còn tự bổ nhiệm giám mục, không tuân theo tinh thần đối thoại hiện có giữa Vatican và Trung Quốc, cũng như thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục được ký kết vào năm 2018.

Theo báo cáo của AsiaNews, trong một thời gian dài, Tòa thánh và Trung Quốc đã không đạt được sự đồng thuận về ứng cử viên cho chức vụ giám mục của Giáo phận Thượng Hải. Kể từ khi cựu giám mục của Giáo phận Thượng Hải, Đức cha Aloysius Jin Luxian, qua đời vào năm 2013, vị trí này đã bị bỏ trống suốt 10 năm.

Ban đầu, Tòa thánh muốn Giám mục phụ tá Hình Văn Chi (Joseph Xing Wenzhi) lên thay thế, nhưng ông buộc phải từ chức vì từ chối tham gia nghi lễ nhà thờ yêu nước chính thức của ĐCSTQ.

Báo cáo chỉ ra rằng ông Mã Đạt Khâm (Thaddeus Ma Daqin), giám mục phụ tá khác của Thượng Hải do Giáo hoàng bổ nhiệm, cũng đã từ chức khỏi Hiệp hội Yêu nước của ĐCSTQ tại lễ tấn phong. Vì vậy ông đã bị quản thúc tại Chủng viện Sheshan từ năm 2012. Ngay cả khi sau này trở lại Nhà thờ Yêu nước, ông vẫn không thể tiếp tục giữ chức vụ giám mục của mình.

Theo các báo cáo, khi nhậm chức, ông Thẩm Bân không hề nhắc đến Giáo hoàng. Thay vào đó, ông nhấn mạnh rằng sẽ kiên quyết thực hiện các chỉ thị của ĐCSTQ, tuân thủ nguyên tắc độc lập tôn giáo và thúc đẩy “Hán hóa” Công giáo.


Tin Quốc Tế Đó Đây

Vào Ngày 18/4, Tòa Án Mạc Tư Khoa Sẽ Xét Đơn Khiếu Nại của Phóng Viên Mỹ Bị Bắt Giam


(Hình: Evan Gershkovich, nhà báo Mỹ của tờ The Wall Street Journal.)

-Vào ngày 18/4/2023, một tòa án ở Mạc Tư Khoa sẽ xem xét đơn khiếu nại của các Luật sư đại diện cho Evan Gershkovich, phóng viên tờ Wall Street Journal hiện đang bị giam giữ, hãng tin Interfax đưa tin, trích dẫn thông tin từ bộ phận báo chí của tòa án. Các Luật sư đề nghị tòa bãi bỏ lệnh giam giữ ông Gershkovich trước khi ông bị xét xử.

Ông Gershkovich, công dân Mỹ, bị bắt giữ hồi tuần trước ở thành phố Yekaterinburg thuộc vùng Urals với cáo buộc ông là gián điệp. Tờ Wall Street Journal, các nhà lãnh đạo phương Tây và các đồng nghiệp của phóng viên này phản bác cáo buộc đó.

Ngay sau khi ông bị bắt, một tòa án ở Mạc Tư Khoa đã ra lệnh giam giữ ông Gershkovich trước khi xét xử tại nhà tù Lefortovo của thủ đô cho đến ít nhất là ngày 29/5. Trong thủ tục tố tụng khi đó, ông Gershkovich không được phép gặp Luật sư của mình và các Công tố viên không chia sẻ bất kỳ tài liệu nào về vụ án.

Interfax đưa tin rằng phiên tranh tụng hôm 18/4 cũng sẽ không diễn ra công khai vì Nga coi hồ sơ về các tội danh là thông tin mật.

Vụ bắt giữ ông Gershkovich đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt từ các nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, người đã thúc giục Nga “hãy thả ông ấy ra”, và khiến quan hệ Nga-Mỹ vốn đã ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ lại càng thêm căng thẳng.

Tờ Wall Street Journal nói rằng họ “cực lực phủ nhận” các cáo buộc và hàng chục tổ chức truyền thông đã kêu gọi Nga trả tự do cho ông Gershkovich ngay lập tức.


Ukraine Muốn Ba Lan Thành Lập “Liên Minh” Cung Cấp Chiến Đấu Cơ Cho Kyiv

-Hôm 5/4/2023, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky cho biết là Ba Lan sẽ giúp thành lập một liên minh các cường quốc phương Tây sẵn sàng cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine. Lời khẳng định này được đưa ra vào lúc Warsaw xác nhận sẽ viện trợ thêm 10 chiến đấu cơ Mig-29 cho Kyiv.

Phát biểu tại Warsaw trong khuôn khổ chuyến thăm Ba Lan, Tổng thống Zelensky khẳng định rằng đồng minh của Kyiv đã đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy các nước phương Tây gửi chiến xa qua giúp Ukraine và ông tin rằng Ba Lan có thể đóng vai trò tương tự trong một “liên minh cung cấp máy bay”.

Chính phủ Ba Lan cho biết sẽ viện trợ thêm 10 chiến đấu cơ Mig cho Ukraine, ngoài 4 chiếc được cung cấp trước đó. Theo hãng tin Pháp AFP, Tổng thống Ba Lan là người đã loan báo quyết định trên, đồng thời nhấn mạnh rằng Warsaw sẵn sàng gửi toàn bộ đội máy bay bao gồm 28 chiếc Mig-29 của mình cho Ukraine.

Tuy nhiên, hiện chưa có thỏa thuận nào từ phía Hoa Kỳ hoặc một nước cung cấp viện trợ quân sự lớn nào khác liên quan đến việc gửi các chiến đấu cơ F-16 của Mỹ mà Kyiv yêu cầu.

Về tình hình chiến sự, Tổng thống Zelensky đã công nhận rằng lực lượng Ukraine vẫn đang bảo vệ thành phố Bakhmut ở miền Đông, đang gặp khó khăn, trước các cuộc tấn công không ngừng của Nga. Ông đã bác bỏ tuyên bố của Nga cho rằng đã chiếm được thành phố, khẳng định: “Chúng tôi đang ở Bakhmut và kẻ thù không kiểm soát được nơi này”. Dẫu sao thì vào hôm 6/4, chính thủ lãnh lực lượng lính đánh thuê Nga Wagner, ông Prigozhin, đã cho biết là lực lượng Ukraine chưa rời bỏ Bakhmut.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine cũng nói thêm là Quân Đội Ukraine sẽ đưa ra các quyết định “tương ứng” để bảo vệ binh lính đang cố thủ tại Bakhmout nếu lực lượng này có nguy cơ bị quân Nga bao vây. Theo giới phân tích, tuyên bố này đã mở ra khả năng là lực lượng Ukraine có thể triệt thoái khỏi Bakhmout.


Putin Cáo Buộc Tình Báo Phương Tây Can Dự Vào “Một Số Vụ Khủng Bố” Tại Nga

-Trong một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia hôm 5/4/2023, được phát trên truyền hình Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã cáo buộc các cơ quan tình báo phương Tây can dự vào “một số vụ khủng bố” tại Nga.

Tổng thống Putin khẳng định “hoàn toàn có cơ sở ‘ để nêu lên khả năng một số quốc gia và các cơ quan tình báo phương Tây “can dự vào việc chuẩn bị các hoạt động phá hoại và khủng bố” ở Nga và các vùng lãnh thổ Ukraine mà Mạc Tư Khoa kiểm soát. Lãnh đạo các vùng lãnh thổ này cũng có mặt trong buổi họp nói trên.

Theo thông tấn xã AFP, cũng trong phát biểu hôm 5/4, Tổng thống Putin ra lệnh cho lực lượng an ninh Nga ở địa phương “làm mọi việc trong quyền hạn để bảo đảm an toàn của cư dân địa phương”. Vài tiếng đồng hồ sau phát biểu của nguyên thủ Nga, cơ quan an ninh Nga FSB thông báo đã bắt giữ được một phi công Ukraine, người lái chiếc phi cơ nhỏ bị rớt hôm qua gần làng Bustovk, vùng Briansk, giáp biên giới với Ukraine.

Các cáo buộc của ông Putin được đưa ra ba ngày sau vụ một blogger Nga chuyên bình luận về quân sự thiệt mạng trong một vụ nổ bom tại một quán cà phê ở Saint-Petersburg. Blogger Maxime Fomine, nổi tiếng với quan điểm ủng hộ triệt để cuộc can thiệp quân sự Nga tại Ukraine, đã chết sau khi nhận một bức tượng nhỏ chứa thuốc nổ từ tay một thiếu nữ Nga. Cô Daria Trepova đã bị bắt giam hôm 4/3. Mạc Tư Khoa cáo buộc chính quyền Ukraine và “các trợ thủ” của nhà đối lập Nga Alexei Navalny đứng sau vụ ám sát. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, hôm qua báo trước: Vụ ám sát blogger Maxime Fomine sẽ là “một chủ đề” thảo luận tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.


Cựu Nhân Viên Bảo Vệ: Putin Lo Cho Mạng Sống của Mình “Một Cách Bệnh Hoạn!”

-Cơ quan Bảo vệ Liên bang Nga (FSO) là một trong những lực lượng bí mật nhất của ngành an ninh Nga. Một nhân viên thuộc lực lượng này, Đại úy Gleb Karakoulov, từng nhiều lần tháp tùng Tổng thống Nga trong các chuyến công du ngoại quốc, đã chạy sang phương Tây tị nạn cuối năm 2022. Theo Le Monde, đây là vụ “đào thoát quan trọng nhất” trong hàng ngũ nhân viên an ninh Nga kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine. Đại úy Karakoulov kể lại cuộc sống thực của Putin.

Gleb Karakoulov là một Kỹ sư thuộc bộ phận truyền thông, phụ trách bảo mật thông tin. Trong cương vị này, ông có điều kiện trực tiếp chứng kiến hành xử của lãnh đạo tối cao Nga. Theo các thông tin được công bố hôm 5/4/2023, Đại úy Karakoulov cho biết Putin là một người đàn ông cô độc, không sử dụng điện thoại di động hay Internet và khăng khăng yêu cầu truy cập đài truyền hình nhà nước Nga ở mọi lúc mọi nơi.

Theo cựu nhân viên Cục Bảo vệ Liên bang, chứng hoang tưởng của Vladimir Putin thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Tổng thống Nga quyết định xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022:

“Tổng thống của chúng tôi bị cắt đứt với thế giới. Ông ta sống trong một cái kén thông tin từ vài năm nay. Ông ta dành phần lớn thời gian sống trong các dinh thự của mình, nơi mà giới truyền thông gọi là những boong-ke. Ông ta lo sợ cho mạng sống của mình một cách bệnh hoạn”.

Để di chuyển, ông Putin thích sử dụng một đoàn tàu bọc thép đặc biệt, bề ngoài không khác gì các đoàn tàu khác. Tháng trước, cơ sở truyền thông chuyên điều tra Proekt đưa tin, để đến các nơi ở của mình, Tổng thống Nga đã cho xây dựng các nhà ga riêng. Theo Gleb Karakoulov, mọi thứ được thực hiện để không ai biết rõ về địa điểm mà Tổng thống Nga đang có mặt:

“Văn phòng của ông ở St. Petersburg, Sochi hay Novo Ogariovo đều giống hệt nhau. Mọi thứ ở đó hoàn toàn giống nhau. Có những lúc tôi biết ông đang ở Sochi, nhưng cùng lúc đó truyền hình lại chiếu cảnh ông ta đang họp tại dinh thự Mạc Tư Khoa ở Novo-Ogariovo”.

Hoàn toàn trái ngược với những tin đồn Putin mắc một chứng bệnh nan y, theo Gleb Karakoulov, Tổng thống Nga dường như có thể trạng tốt hơn hầu hết những người cùng tuổi. Kể từ năm 2009, chỉ có vài lần Tổng thống Nga phải hủy các chuyến đi vì lý do sức khỏe.

Cựu nhân viên bảo vệ Gleb Karakoulov đã cung cấp những thông tin nói trên khi trả lời phỏng vấn của Trung tâm Hồ sơ (The Dossier Center), một nhóm điều tra về các hoạt động tội phạm của những nhân vật có liên hệ với Ðiện Cẩm Linh, có trụ sở tại Luân Đôn, do nhà đối lập Nga Mikhail Khodorkovsky tài trợ. Các thông tin nói trên được cung cấp từ cuối năm 2022, nhưng vì lý do an ninh nên chỉ được công bố trên truyền thông từ ngày 5/4/2023.

Đại úy Gleb Karakoulov quyết định trốn khỏi Nga từ cuối năm 2022 bởi không thể chịu đựng được các hành động của Tổng thống Nga, người mà ông gọi là một “tội phạm chiến tranh”. Cựu nhân viên an ninh Nga cũng mô tả bầu không khí sùng bái Putin trong các đồng ngũ: Tất cả đều “tìm mọi cách tung hô ông ta”, “tất cả đều 100%” theo Putin, “không một ai phê phán chiến tranh”.


An Ninh Mạng: Liên Hiệp Âu Châu Dự Tính Lập “Lá Chắn” Phản Ứng Nhanh

-Để Liên Hiệp Âu Châu có thể chống trả các cuộc tấn công tin học quy mô, như những gì mà Ukraine đang gánh chịu, 27 nước thành viên dự kiến lập một “lá chắn kỹ thuật số Âu Châu”, giúp phát giác chỉ trong vài tiếng đồng hồ các nhu liệu điện toán độc hại (malware) xâm nhập không gian mạng của khối.

Ủy viên Âu Châu phụ trách thị trường nội địa và kỹ thuật số, Thierry Breton ngày 5/4/2023 cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là lập ra một lá chắn kỹ thuật số Âu Châu, sẽ giúp phát giác hiệu quả hơn các cuộc tấn công ngay từ sớm”. Thông thường cho đến nay, từ khi xuất hiện một nhu liệu điện toán độc hại, phải cần đến 190 ngày mới có thể phát giác. Với lá chắn nói trên, theo ông Breton, thời gian phát giác có thể rút lại “chỉ còn vài tiếng đồng hồ”.

Kế hoạch xây dựng “lá chắn kỹ thuật số Âu Châu” nằm trong luật mới của Âu Châu về an ninh mạnh, Cyber Solidarity Act, sẽ được Ủy Ban Âu Châu trình vào ngày 18/4 tới. Theo ủy viên phụ trách kỹ thuật số, đầu tư cho kế hoạch này ước tính lên đến hơn 1 tỉ Euro. Cyber Solidarity Act bao gồm việc thành lập một “lực lượng quân dự bị chiến tranh mạng”.

Riêng nhiệm vụ nhận diện các vụ tấn công sẽ được giao cho một mạng lưới Âu Châu gồm khoảng 6 hay 7 trung tâm an ninh mạng SOC. Thông tấn xã AFP dẫn lời ủy viên Thierry Breton cho biết các trung tâm này được trang bị “những máy điện toán tối tân và nhiều hệ thống trí tuệ nhân tạo, vận hành theo mô hình của hệ thống vệ tinh Gallileo”. Ba trung tâm an ninh mạng SOC lớn sẽ được khai triển ngay trong năm nay, trong thời gian chờ quy định mới được phê chuẩn.

Hệ thống “lá chắn kỹ thuật số Âu Châu” sẵn sàng can thiệp theo yêu cầu của các quốc gia thành viên. Các doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích tham gia vào hệ thống này. Luật Cyber Solidarity Act cũng dự kiến các cơ chế hợp tác giữa các quốc gia thành viên để tăng cường khả năng đề kháng của các cơ sở hạ tầng nhạy cảm của khối (phi trường, nhà máy điện, đường ống khí đốt, mạng điện, hệ thống cáp internet...).

Ủy viên Âu Châu phụ trách thị trường nội địa và kỹ thuật số Thierry Breton nhấn mạnh là số lượng các vụ tấn công tin học đã tăng đến 140% năm 2022 trong bối cảnh chiến tranh Ukraine. Trả lời đài truyền hình LCI, ông Breton cho biết tấn công tin học gia tăng nhắm vào các nước viện trợ vũ khí cho Ukraine.


Chiến Tranh Ukraine: Tổng Thống Pháp Kêu Gọi Trung Quốc “Đưa Nga Trở Lại Với Lẽ Phải”

-Chiều 6/4/2023, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với chủ đề chính là chiến tranh Ukraine. Nguyên thủ Pháp kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc giúp “đưa Nga trở lại với lẽ phải và giúp tất cả các bên ngồi bàn vào thương lượng”. Điện Elysée đánh giá đối thoại giữa nguyên thủ hai nước diễn ra “thẳng thắn” và “mang tính xây dựng”.

Theo thông tấn xã AFP, sau cuộc hội đàm, lãnh đạo hai nước cùng kêu gọi nhanh chóng tiến hành đàm phán hòa bình, và lên án mọi hành động sử dụng vũ khí nguyên tử. Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định “không được sử dụng vũ khí nguyên tử”, cũng như “tấn công vào thường dân”, và “không sử dụng vũ khí hóa học và sinh học trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmnuel Macron tuyên bố: “Phải loại trừ vũ khí nguyên tử hoàn toàn khỏi cuộc xung đột này”. Nguyên thủ Pháp cũng lên án thông báo của Nga chuẩn bị khai triển vũ khí nguyên tử trên lãnh thổ Belarus, ngược lại các cam kết song phương, cũng như với “các cam kết quốc tế”. Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh không thể có được hòa bình nếu “nhân dân Ukraine không được tôn trọng”, và nếu “không có một cử chỉ thiện chí từ phía Nga”.

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết sẵn sàng điện đàm với đồng nhiệm Ukraine, Volodymyr Zelensky, theo một nhà ngoại giao Pháp có mặt trong cuộc đối thoại.

Trước cuộc gặp nguyên thủ Trung Quốc, Tổng thống Pháp và Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyencũng đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang). Quan hệ giữa Liên Hiệp Âu Châu (EU) và Trung Quốc xấu đi thời gian gần đây, đặc biệt là do Bắc Kinh từ chối lên án Nga xâm lược Ukraine, thậm chí siết chặt quan hệ với Mạc Tư Khoa. Trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc, lãnh đạo Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại giữa Trung Quốc và Pháp “trong những thời điểm khó khăn này”, “khả năng chia sẻ một phân tích chung và xây dựng một con đường chung là điều cần thiết”.

Về phản ứng của Nga, Ðiện Cẩm Linh đã ngay lập tức loại trừ khả năng Trung Quốc đứng ra làm trung gian đàm phán. Theo AFP, trả lời báo giới hôm nay sau phát biểu nói trên của Tổng thống Pháp, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh, Dmitri Peskov, khẳng định: “Tình hình hiện tại với Ukraine là phức tạp, không có triển vọng cho một giải pháp chính trị. Trong hiện tại, chúng tôi không có giải pháp nào khác là tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Ngay sau cuộc hội kiến riêng với lãnh đạo Trung Quốc, Tổng thống Pháp và Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu đã có cuộc đối thoại chung với lãnh đạo Trung Quốc. Sau cuộc đối thoại ba bên, lãnh đạo Ủy Ban Âu Châu cho biết đã đề cập đến “tình trạng xuống cấp mạnh” về nhân quyền tại Trung Quốc, đặc biệt tại vùng Tân Cương, nơi sinh sống của cộng đồng sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, và hai bên cần “tiếp tục thảo luận về các vấn đề này”.

Nhân quyền cũng đã là một chủ đề trong cuộc đối thoại giữa hai nguyên thủ Pháp-Trung. Tổng thống Macron khẳng định chủ trương của Paris là “thẳng thắn” nêu vấn đề với phía Trung Quốc với thái độ “trân trọng”, và đưa ra các đòi hỏi về nhân quyền không có nghĩa là bên này hay bên kia “lên lớp dạy dỗ nhau”.


Pháp: Ngày Biểu Tình Thứ 11 Chống Cải Tổ Hưu Trí

-Tám ngày trước phán quyết của Hội Đồng Bảo Hiến pháp về luật cải tổ hưu trí của chính phủ, hôm 6/4/2023, các nghiệp đoàn tổ chức tuần hành toàn quốc lần thứ 11 để đòi rút lại luật này. Theo giới quan sát, câu hỏi hàng đầu là sẽ có đông người tham gia cuộc tuần hành hôm nay hay không.

Cuộc tuần hành lần trước vào ngày 28/3 đã có sự tham gia của khoảng 740.000 người biểu tình, theo số liệu cảnh sát, và khoảng từ 2 đến 3,5 triệu theo các nghiệp đoàn. Lần này, cảnh sát dự báo số người tham gia trên toàn quốc “ổn định ở mức từ 600 đến 800 ngàn người, và từ 60 đến 90.000 riêng tại Paris”.

Theo thông tấn xã AFP, giao thông “gần như bình thường” trên các tuyến xe điện ngầm (metro) tại Paris và và tàu trong khu vực Iles de France. Công ty Đường sắt Quốc gia Pháp (SNCF) dự báo xe lửa cao tốc TGV duy trì ba phần tư số chuyến, tàu liên tỉnh TER duy trì hai phần ba. Nhìn chung, giao thông cải thiện rõ rệt so với những ngày biểu tình trước.

Sau cuộc họp thất bại hôm 5/4 tại phủ Thủ tướng, các nghiệp đoàn đã bác bỏ đề xuất của chính phủ mở “một số thương thuyết về những vấn đề khác”. Tối 5/4, trên đài truyền hình BFMTV, Tổng Thư ký nghiệp đoàn CFDT, Laurent Berger, một lần nữa nhấn mạnh: “Không thể có chuyện thực thi cải cách hưu trí”, đồng thời bảo đảm phong trào phản kháng sẽ tiếp tục. CFDT là nghiệp đoàn theo xu hướng ôn hòa và cũng là nghiệp đoàn có đông đoàn viên nhất nước Pháp.

Tổng Thư ký nghiệp đoàn CFDT gọi cuộc khủng hoảng hiện nay là “khủng hoảng về dân chủ”, chứ không còn là một cuộc “khủng hoảng xã hội”. Cuộc đối đầu giữa các nghiệp đoàn với chính quyền cũng thể hiện rõ qua cuộc đấu khẩu gián tiếp giữa Tổng thống Emmnuel Macron, đang công du Trung Quốc, với lãnh đạo CFDT Laurent Berger.

Theo thông tấn xã AFP, từ Bắc Kinh, Tổng thống Macron theo dõi sát diễn biến cuộc đối thoại bất thành giữa chính phủ và các nghiệp đoàn tại Paris. Theo một nguồn tin thân cận của Tổng thống Pháp, hôm qua, ông Macron đã chỉ trích CFDT: “Lần đầu tiên trong lịch sử đương đại, CFDT đã không đề xuất được một dự án thay thế nào khác. Hoàn toàn không có gì!”. Đáp trả, lãnh đạo CFDT khuyên Tổng thống đừng đưa ra thêm “những lời lẽ khiêu khích”.

Bên lề các cuộc tuần hành chống Dự luật cải tổ hưu trí, hôm 6/4, thành viên hai nghiệp đoàn công nhân lái tàu SUD-Rail và CGT đã chiếm lĩnh trong vòng hai chục phút trụ sở cũ của Ngân hàng Crédit Lyonnais ở quận 2 Paris, nơi làm việc của nhiều doanh nghiệp tài chánh, trong đó có Black Rrock, được coi là “tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất toàn cầu”.


Không Lạc Quan Về Việc Hoàn Tất Đàm Phán Bộ Quy Tắc Về Ứng Xử ở Biển Đông Trong Năm Nay


(Hình AFP, chụp vệ tinh đảo Thị Tứ ở quần đảo Trường Sa hôm 9/3/2023.)

-Hồi cuối tuần trước, Ngoại trưởng Phi Luật Tân Enrique Manalo nói rằng ông không mấy lạc quan về triển vọng hoàn tất đàm phán bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) trong năm nay. Lý do là các bên có quá nhiều việc phải làm.

Nói với báo giới Phi Luật Tân, Ngoại trưởng Phi Luật Tân nhận định việc để tất cả các nước đồng ý với nhau thôi đã rất mất thời gian và điều này khiến cho việc hoàn tất đàm phát COC trong năm 2023 là không thể. Theo ông, các nước vẫn chưa thống nhất về vấn đề liệu COC có thực sự mang tính ràng buộc hay không.

Trong khi đó, Đại sứ Nam Dương tại Phi Luật Tân Agus Widjojo trong một phỏng vấn với CNN Phi Luật Tân gần đây cũng chia sẻ sự bi quan về COC giống Ngoại trưởng Phi Luật Tân. Ông nói rằng việc đàm phán COC mới chỉ tiến được vào 1/3 của quá trình.

Trung Quốc và ASEAN đã đạt được tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông vào năm 2002 và từ đó đến nay đã tiến hành thảo luận COC nhưng vẫn chưa thể kết thúc do vẫn còn nhiều bất đồng giữa các bên. Bắc Kinh không muốn có sự tham gia hợp tác khai thác tài nguyên với các nước bên ngoài khu vực ở Biển Đông trong khi các nước ASEAN có đòi hỏi về chủ quyền ở vùng biển tranh chấp lại muốn có hợp tác với Mỹ và các nước khác trong lĩnh vực này.


Mỹ Sẽ Bàn Giao 2 Tàu Tuần Tra Loại Biên Cho Phi Luật Tân


(Hình: Tàu Monsoon của Hải quân Mỹ.)

-Hôm 4/4/2023, Hải quân Hoa Kỳ cho biết Mỹ sẽ bàn giao 2 tàu tuần tra lớp Cyclone loại biên đang đậu ở Bahrain cho Phi Luật Tân vào khi có những căng thẳng ở Biển Đông do các hành động gây hấn của Bắc Kinh.

Thông báo từ Hải quân Mỹ cho biết hai tàu Monsoon và Chinook sẽ được bàn giao cho Hải quân Phi Luật Tân, đồng thời cho biết giới chức Phi Luật Tân đã tham gia lễ loại biên hai tàu này.

Tàu Monsoon lúc đầu được đưa vào hoạt động trong Hải quân Mỹ vào năm 1994 và sau đó được tái hoạt động vào năm 2008 sau khi phục vụ 4 năm trong lực lượng Tuần duyên Mỹ. Tàu Chinook được đưa vào hoạt động năm 1995.

Hiện không rõ 2 tàu này đã được chuyển hẳn cho phía Phi Luật Tân hay chưa. Tuy nhiên, trang tin Naval News cho biết các tàu này có khả năng được chuyển theo dạng các trang thiết bị quốc phòng không còn sử dụng nữa của Bộ Quốc phòng và Tuần duyên Mỹ.

Theo Cơ quan về an ninh và công nghiệp thuộc Bộ Thương mại Mỹ, các trang thiết bị này sẽ được chuyển sang các nước khác với giá giảm hoặc cho không nhằm đáp ứng các mục tiêu về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ.

Hồi tháng trước, chính phủ Phi Luật Tân cho biết sẽ cho phép quân đội Mỹ được tiếp cận thêm tới 4 căn cứ quân sự ở nước này.

Trong khi đó, Trung Quốc trong thời gian qua liên tục gửi hàng chục tàu tới khu vực đảo Thị Tứ do Phi Luật Tân kiểm soát ở quần đảo Trường Sa.


Freedom House: Thêm Nhiều Nước Truy Bức Công Dân của Mình ở Ngoại Quốc

-Trong một bản báo cáo công bố ngày 6/4/2023, tổ chức đấu tranh cho dân chủ Freedom House, trụ sở tại Hoa Kỳ, báo động: Ngày càng có thêm nhiều nước áp dụng các biện pháp như bắt cóc, hành hung hoặc cưỡng bức hồi hương các công dân của họ đang sinh sống ở ngoại quốc nhằm bịt miệng những người bất đồng chính kiến. Các quốc gia đó như vậy là đã theo gương Trung Quốc - quốc gia đàn áp nhiều nhất.

Trong bản báo cáo mang tựa đề “Vẫn không được an toàn: Tình trạng đàn áp xuyên quốc gia trong năm 2022 - Still Not Safe: Transnational Repression in 2022”, Freedom House, một tổ chức nghiên cứu dân chủ độc lập, nhưng được chính phủ Mỹ tài trợ, ghi nhận trong năm 2022, đã có 20 chính phủ trên thế giới can dự vào 79 vụ đàn áp xuyên quốc gia, trong số này, lần đầu tiên có Bangladesh và Djibouti.

Báo cáo cũng nhắc lại kể từ năm 2014, đã có 854 vụ “đàn áp xuyên quốc gia” do 38 chính phủ trực tiếp thực hiện, dưới các hình thức như “ám sát, bắt cóc, hành hung, giam giữ và trục xuất bất hợp pháp”. Trung Quốc là tác giả của 30% số vụ đàn áp này, trong đó có các trường hợp gây áp lực buộc các quốc gia khác phải giao nộp cho Bắc Kinh những người Duy Ngô Nhĩ.

Theo hãng tin Pháp AFP, ông Michael Abramowitz, Chủ tịch Freedom House, nhận định: “Mặc dù nhận thức về vấn đề này ngày càng tăng, nhưng vẫn có thêm nhiều chính phủ độc đoán cố gắng kiểm soát các cộng đồng người di cư và lưu vong của họ”.

Báo cáo khuyến nghị các chính phủ xây dựng kế hoạch ngăn chặn đàn áp xuyên quốc gia, bao gồm cả việc áp đặt các biện pháp trừng phạt có trọng điểm và hạn chế việc hỗ trợ an ninh.

Sau Trung Quốc, quốc gia đứng đầu về các hành vi truy bức công dân của họ ở ngoại quốc, báo cáo nêu bật trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã tăng cường đàn áp những người lưu vong kể từ năm 2016, sau âm mưu đảo chính bất thành chống lại Tổng thống Erdogan. Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng việc Thụy Điển xin gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) để buộc Stockholm giao nộp một số người nhưng không thành công.

Quốc gia khác bị vạch mặt chỉ tên là Nga, vốn đã gây áp lực trên Kazakhstan để truy bắt người Nga chạy trốn vì chiến tranh Ukraine, và Tajikistan, vốn đã hợp tác với Mạc Tư Khoa để trao trả các thành viên của cộng đồng người Pamiri bị Nga cáo buộc theo chủ nghĩa ly khai...


Tin Việt Nam Hôm Nay
Tìm Thấy Thi Thể 4 Nạn Nhân và Hộp Đen Vụ Máy Bay Trực Thăng Rơi


(Hình: Máy bay Bell 505 ở Vịnh Hạ Long.)
-Xác 4 trong 5 nạn nhân vụ rơi máy bay trực thăng du lịch tại Vịnh Hạ Long vào chiều ngày 5/4/2023 và chiếc hộp đen của máy bay đã được tìm thấy.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh thông báo cho truyền thông nhà nước như vừa nêu. Hiện cơ quan chức năng trung ương và tỉnh Quảng Ninh huy động thợ lặn của Đặc công Quân chủng Hải quân và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, ngư dân cùng tham gia tìm kiếm nạn nhân thứ năm.

Vụ rơi chiếc máy bay trực thăng Bell 505 (số hiệu VN-8650) xảy ra vào lúc 5 giờ 06 phút chiều ngày 5/4/2023. Chiếc máy bay bị nạn thuộc Công ty trực thăng miền Bắc, Binh đoàn 18.

Theo truyền thông nhà nước, máy bay cất cánh lúc 16h55 từ Tuần Châu (Quảng Ninh) và đến 5 giờ 04 phút chiều thì mất liên lạc.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết ngư dân phát giác một máy bay phát nổ vào lúc 5 giờ 15 chiều ngày 5/4 và rơi xuống biển tại khu vực đảo Hòn Nét thuộc địa phận huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng giáp ranh với vịnh Hạ Long.

Máy bay do đại tá Chu Quang Minh điều khiển, chở bốn khách du lịch người Việt Nam đi ngắm cảnh Vịnh Hạ Long từ trên cao.

Máy bay trực thăng Bell 505 phục vụ tour trực thăng Hạ Long kéo dài 10 phút, ngắm cảnh theo lộ trình đảo Tuần Châu - đảo Đầu Gỗ - hòn Gà Chọi - đảo Titop – vịnh Bái Tử Long - đảo Rều - đảo Tuần Châu.

Cũng trong ngày 6/4, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam- ông Đinh Việt Thắng, được truyền thông nhà nước dẫn lời về biện pháp tạm dừng dịch vụ du lịch ngắm cảnh bằng trực thăng cho đến khi có thông báo mới.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ông Hồ Minh Tấn, trong ngày 6/4 tại hội nghị sơ kết công tác an toàn giao thông Quý I, cho biết nhà sản xuất trực thăng Bell và Ủy ban An toàn Vận tải Gia Nã Ðại gửi thư cho phía Việt Nam đề nghị tham gia công tác điều tra vụ tai nạn máy bay như vừa loan.


Bộ Ngoại giao Việt Nam Nói Phim Tài Liệu Vụ Rơi Máy Bay MH370 Thiếu Chính Xác


(Hình: Một người đọc bảng tin nhắn của người thân của những nạn nhân trên chuyến bay MH370 tại khách sạn Metro Park Lido ở Bắc Kinh hôm 22/3/2014.)

-Vào ngày 6/4/2023, Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng lên tiếng cho rằng bộ phim tài liệu về vụ rơi chiếc máy bay Mã Lai Á MH370 với những nhận định khi không có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng là sai sự thật.

Phát biểu của bà Phạm Thu Hằng được đưa ra như vừa nêu khi báo giới hỏi về bộ phim tài liệu nhiều tập hiện đang được công chiếu trên nền tảng Netflix, trong đó có đề cập quá trình Việt Nam hỗ trợ tìm kiếm chiếc máy bay đến nay vẫn còn mất tích một cách bí ẩn.

Phó Phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng nói: “Ngay khi xảy ra sự việc máy bay MH370 của hãng Hàng không Mã Lai Á Airlines mất tích, các cơ quan chức năng Việt Nam đã khẩn trương, chủ động lên các phương án ứng phó, tích cực chia sẻ thông tin, phối hợp với Mã Lai Á và các quốc gia mong muốn khai triển tìm kiếm, cấp cứu, cứu nạn trên quy mô lớn, đồng thời hỗ trợ phóng viên ngoại quốc tham gia đưa tin. Những nỗ lực của Việt Nam vào thời điểm đó đã được cộng đồng quốc tế, dư luận báo chí trong và ngoài nước ghi nhận.

Đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức về sự việc máy bay MH370. Do đó, việc bộ phim tài liệu MH370: Chiếc máy bay biến mất đưa ra những nhận định khi không có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng là sai sự thật, không có cơ sở, không phản ánh đúng những nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam, khiến dư luận Việt Nam bất bình”.

Chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Mã Lai Á khi đang trên đường từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 8/3/2014 thì bị mất tích. Trong thời gian qua đã có rất nhiều cố gắng hợp tác tìm kiếm giữa các nước Mã Lai Á, Trung Quốc, Úc Ðại Lợi, Hoa Kỳ tại Ấn Độ Dương, nhưng đều thất bại. Cho đến nay người ta chỉ biết rằng có một vài mảnh vỡ được cho là của chiếc máy bay này đã được phát giác trên bờ biển đảo Reunion của Pháp ở Ấn Độ Dương, và trên bờ biển miền Đông Phi Châu.

Vụ mất tích của MH370 được cho là một vụ mất tích đầy bí ẩn của lịch sử ngành hàng không thế giới.


Hà Nội: Cấm Các Tour Du Lịch Đến Phố Cà-Phê “Đường Xe Lửa”



(Hình: Nhiều khách du lịch đến tham quan, uống cà-phê tại phố du lịch đường xe lửa tại Hà Nội.)

-Tờ Independent loan tin trong ngày 7/3/2023, theo nguồn tin của Thông tấn xã Việt Nam, cho hay các công ty du lịch tại Việt Nam được yêu cầu không tổ chức các tour du lịch đến “phố cà-phê đường xe lửa” tại ngõ 224 Lê Duẩn, trong khu phố cổ Hà Nội, do lo ngại về an toàn.

Quyết định trên do Sở Du lịch Hà Nội đưa ra yêu cầu các cơ quan liên quan “nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường sắt, trật tự đô thị”, đồng thời Sở giao lực lượng điều tra đẩy mạnh kiểm tra.

Theo Sở du lịch, hiện nhiều du khách thường tới khu vực đường xe lửa thuộc phường Hàng Bông (Hoàn Kiếm) để tham quan và chụp ảnh. Một số đoàn khách du lịch được các xe đưa đến và tập trung tại khu vực chốt trực chắn số 5 Trần Phú, gây ách tắc giao thông, mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường sắt và gây áp lực cho các lực lượng bảo vệ hành lang an toàn đường sắt.

Do đó, sở yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, vận chuyển khách du lịch trên địa bàn thành phố cần tuyên truyền, khuyến cáo du khách, đặc biệt là các khách ngoại quốc không đến tham quan, chụp ảnh, uống cà-phê, giải khát tại khu vực đường xe lửa thuộc tuyến đường sắt Phùng Hưng-Trần Phú-Lê Duẩn ở hai quận Hoàn Kiếm, Ba Đình.

Đây không phải lần đầu tiên các viên chức Hà Nội buộc phải can thiệp vào những lo ngại về “phố đường xe lửa” này, bản tin ghi rõ.

Vào tháng 9 năm 2022, một đoạn đường đã bị đóng và các rào chắn được dựng lên sau khi một du khách Nam Hàn va phải tàu hoả khi đang chụp ảnh tại tuyến phố “cà-phê đường xe lửa” này. Thời điểm đó rất may tàu đi chậm nên du khách trên chỉ bị xây xát nhẹ.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, thủ đô của Việt Nam đã đón gần một triệu khách du lịch ngoại quốc trong ba tháng đầu năm nay, con số này cao gần gấp sáu lần so với cùng kỳ năm 2022.


Phiên Xử Vụ Án Cienco 1 Gây Thất Thoát Gần 60 Tỉ Đồng Tạm Hoãn


(Hình: Ông Cấn Hồng Lai (trái) - cựu Tổng Giám đốc Cienco 1 và Phạm Dũng - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Cienco 1.)

-Phiên Sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) bắt đầu vào ngày 6/4/2023 đã phải tạm dừng.

Truyền thông nhà nước cho biết lý do được Hội đồng Xét xử thông báo là thiếu ba Luật sư bào chữa cho ông Cấn Hồng Lai - cựu Tổng Giám đốc Cienco 1. Ngoài ra còn có đề nghị triệu tập một số đơn vị liên quan vụ án mà các Luật sư đưa ra.

Trong vụ án này, ngoài ông Cấn Hồng Lai, còn 4 người khác thuộc Cienco 1 phải ra tòa gồm ông Phạm Dũng - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên; ông Lê Văn Long - nguyên Kế toán trưởng; ông Nguyễn Mạnh Tiến - nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Thị trường; bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - nguyên Phó phòng Tài chánh Kế toán Cienco 1.

Bên cạnh đó còn có 2 bị cáo thuộc Công ty Kiểm toán A&C chi nhánh Hà Nội gồm: Ông Nguyễn Ngọc Tuyến, cựu Kiểm toán viên, Trưởng nhóm thẩm định tài chánh (nay là Phó tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán và định giá ASCO); ông Nguyễn Anh Tuấn, Thẩm định viên.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra kết luận rằng Cienco 1, trước khi cổ phần hóa vào giai đoạn 2010-2013, còn 50 công ty nợ 364 tỉ đồng. Trong số này có 184 tỉ đồng là khoản được nói “khó đòi” nên những người có chức trách tại Cienco 1 cho xóa nợ dù là tài sản công.

Ngoài số tiền vừa nêu, khi cổ phần hóa, Cienco 1 còn không bàn giao giá trị quyền sử dụng đất bốn lô đất vào giá trị doanh nghiệp. Bốn lô đất được nói ở Sài Gòn, Long An, Tiền Giang và Gia Lai.

Đầu tháng 8/2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an khởi tố vụ án. Đây cũng là một trong những vụ án thuộc diện ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng-chống Tham nhũng theo dõi và chỉ đạo.


Bình Định: Kiến Nghị Tạm Dừng Thu lệ phí BOT Các Đoạn Đường Hư Hỏng


(Hình Giao thông: Trạm thu lệ phí cây số 1212+550, QL1 tỉnh Bình Định.)

-Khu quản lý đường bộ III kiến nghị Cục đường bộ tạm dừng thu lệ phí dự án BOT mở rộng quốc lộ 1 qua Bình Định và Phú Yên do nhà đầu tư vi phạm chất lượng bảo trì.

Kiến nghị được đưa ra sau khi đơn vị này nhận được nhiều phản ánh từ người dân Bình Định về tình trạng hư hỏng nặng tại các tuyến quốc lộ thu lệ phí và được truyền thông nhà nước loan trong ngày 7/4/2023.

Theo Khu quản lý đường bộ III quốc lộ 1 đoạn tuyến qua tỉnh Bình Định và đoạn tuyến qua tỉnh Phú Yên có nhiều đoạn mặt đường lão hóa, bong bật, rạn nứt lớn, dồn u nguy cơ bong bật ổ gà. Nhiều chỗ đã vá còn gồ ghề không êm thuận, không bảo đảm mỹ thuật, kỹ thuật theo yêu cầu vẫn chưa được giải quyết.

Một số đoạn vị trí lề đường cao hơn mặt đường xe chạy gây đọng nước lề đường khi trời mưa nhưng chưa và sửa triệt để theo đúng yêu cầu kỹ thuật.

Khu Quản lý đường bộ III đã có nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở nhưng doanh nghiệp dự án chỉ sơn dặm tim đường cục bộ một số đoạn; đến nay vẫn còn rất nhiều đoạn vạch sơn tim đường bị mờ... Các tồn tại nêu trên đang có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông cao.

Do đó, Khu quản lý đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam tạm dựng thu lệ phí tại BOT Nam Bình Định cho đến khi nhà đầu tư khắc phục các hư hỏng nêu trên.

Hôm tháng 3/2023, Bộ Giao thông-Vận tải đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam, các doanh nghiệp dự án BOT khẩn trương khắc phục các hư hỏng phát sinh đối với các hư hỏng mặt đường trên đoạn tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 19C theo phản ánh của người dân tỉnh Bình Định, Bộ cũng cho biết sẽ tiến hành sửa chữa các đoạn đường hư hỏng trước mùa mưa năm 2023.


Đại Sứ Trung Quốc Thăm Mộ Tử Sĩ Trung Quốc ở Bắc Giang


(Hình báo Bắc Giang, minh họa: Cảnh đoàn cán bộ tỉnh Bắc Giang viếng nghĩa trang liệt sĩ.)

-Tờ Xinhuanet loan tin trong ngày 6/4/2023 cho hay đoàn công tác của Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đã đến viếng các liệt sĩ Trung Quốc trong Chiến tranh Việt Nam tại Nghĩa trang Đào Mỹ ở tỉnh Bắc Giang, Việt Nam.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba đã dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc đến viếng các liệt sĩ Trung Quốc trong lễ tưởng niệm được tổ chức tại Nghĩa trang Đào Mỹ hôm 4/4.

Dẫn đoàn Trung Quốc viếng nghĩa trang Đào Mỹ gồm các ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, và Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc.

Ông Hùng Ba cho biết, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, hơn 1.400 binh sĩ Trung Quốc đã hy sinh và được yên nghỉ tại Việt Nam. Họ đã có đóng góp to lớn cho hòa bình của hai nước và trong khu vực, củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và Việt Nam.

Theo Tòa Ðại sứ Trung Quốc, Nghĩa trang Đào Mỹ là một trong nhiều nghĩa trang trên khắp miền Bắc và miền Trung Việt Nam, nơi chôn cất các liệt sĩ Trung Quốc đã hy sinh trong Chiến tranh Việt Nam.

Theo trang tin của Cục Kinh tế Quân đội, trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, viện trợ và vốn vay dài hạn của Trung Quốc chiếm 46% tổng số viện trợ và vốn vay dài hạn các nước dành cho Việt Nam; riêng viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc chiếm 71%. Phần lớn số viện trợ này tập trung vào giai đoạn 1966-1968. Ngoài ra, từ năm 1955-1975, Trung Quốc đã đào tạo cho Việt Nam 16.275 cán bộ, công nhân kỹ thuật; từ năm 1955-2/1971, Trung Quốc đã cử 7.000 chuyên gia kỹ thuật sang giúp Việt Nam về thiết kế, thi công xây lắp, quản lý các ngành giao thông, bưu điện....


Đoàn Thượng Nghị Sĩ Mỹ Tới Thăm Việt Nam, Thảo Luận Vấn Đề Nhân Quyền và Trung Quốc


(Hình: Thượng Nghị sĩ Mỹ Jeff Merkley phát biểu tại một buổi điều trần ở Hoa Thịnh Ðốn hôm 26/4/2022.)

-Một đoàn gồm năm Thượng Nghị sĩ và Dân biểu Mỹ sẽ tới thăm Việt Nam và Nam Dương trong tuần này và tuần tới để thảo luận một loạt các vấn đề bao gồm: Nhân quyền, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Thông cáo báo chí của Thượng Nghị sĩ tiểu bang Oregon, ông Jeff Merkley, thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, hôm 5/4/2023 cho biết mục đích của chuyến đi lần này là để tăng cường hợp tác song phương và đa phương với các thành viên Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN).

Tham gia đoàn cùng Thượng Nghị sĩ Jeff Merkley là Thượng Nghị sĩ Chris Van Hollen, Dân biểu Pramila Jayapal, Lloyd Doggett, và Ilhan Omar.

Thông cáo báo chí của Thượng Nghị sĩ Jeff Merkley dẫn lời ông nói rằng: “Việt Nam và Nam Dương là những đối tác quan trọng của Mỹ và chỉ có làm việc cùng nhau mới có thể giải quyết các thách thức nhiều mặt của thế kỷ này.... Chuyến thăm là cơ hội để không chỉ tăng cường quan hệ giữa các chính phủ mà con giữa người dân các nước”.

Thượng Nghị sĩ Van Hollen phát biểu: “Tăng cường mối quan hệ đối tác trên khắp thế giới sẽ giúp xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho người dân Mỹ và cộng đồng toàn cầu. Điều này đặc biệt đúng với Đông Nam Á khi chúng ta cùng làm việc để thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn giữa các quốc gia và đề cập đến khủng hoảng khí hậu, bảo vệ nhân quyền, tăng cường an ninh chung”.

Trong chuyến đi kéo dài 8 ngày, đoàn sẽ có 35 cuộc gặp với các viên chức chính phủ, lãnh đạo của các tổ chức thuộc ASEAN và xã hội dân sự, cộng đồng người Mỹ làm việc ở cả hai nước.

Tại Việt Nam đoàn sẽ tìm hiểu về di sản chiến tranh và các nỗ lực hướng đến hòa giải, bao gồm các dự án rà phá bom mìn, tẩy sạch dioxin, tù nhân chiến tranh, những người mất tích trong chiến tranh, giúp đỡ các trẻ em bị ảnh hưởng do hậu quả chiến tranh.

Đoàn cũng sẽ đi thăm vùng đồng bằng sông Mekong vốn đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng nước biển dân, thảo luận với sinh viên, các chuyên gia về biến đổi khí hậu và các nông dân nuôi cá.


UAE và Việt Nam Khởi Động Đàm Phán Về Hợp Tác Kinh Tế


(Hình: Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.)

-Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Việt Nam đã đồng ý khởi động các cuộc đàm phán hướng tới một Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA), Bộ trưởng Ngoại thương UAE Thani Al Zeyoudi viết trên Twitter hôm thứ Năm (6/4/2023), theo thông tấn xã Reuters.

“Đó là mối quan hệ đối tác có tiềm năng to lớn: Thương mại song phương [không bao gồm] dầu mỏ đạt tổng trị giá 7,9 tỉ Mỹ kim vào năm 2022”, ông Al Zeyoudi nói thêm, theo thông tấn xã Reuters. “CEPA sẽ đẩy nhanh những con số này, tạo cơ hội mới cho các nhà xuất cảng và nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, kỹ thuật và hậu cần”.

Trong khi đó, theo Cổng thông tin chính phủ Việt Nam (VGP News), Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa có buổi làm việc với ông Suhail bin Mohammed Al Mazrouei, Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở Hạ tầng UAE.

Tin cho hay, ông Diên đã chia sẻ với ông Al Mazrouei rằng “mục tiêu hàng đầu của chuyến công tác làm việc tại UAE nhằm trao đổi về việc khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa hai nước”.

VGP News dẫn lời ông Diên nói rằng “nếu sớm được đàm phán và ký kết, Hiệp định FTA sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả hai bên”.

Theo cổng thông tin này, ông Diên nói rằng UAE “là một trọng những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông” và Việt Nam muốn hợp tác với UAE “không chỉ trong lĩnh vực năng lượng truyền thống mà còn trong các lĩnh vực phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo”.

Theo phía Việt Nam, nước này hiện đang tham gia 16 FTA với 60 nền kinh tế và nếu hai bên đạt thỏa thuận về FTA, UAE “sẽ trở thành địa bàn trung chuyển quan trọng để Việt Nam tăng cường kết nối giao thương với các đối tác FTA của Việt Nam”.

Không có nhận xét nào: