Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2023

Lê Nguyễn: - Câu chuyện Tháng Tư. Cứ mỗi Tháng Tư lại nhớ đến “Nửa hồn Xuân Lộc”


Trong những biến động đầy đau thương của đất nước, từng có một thế hệ những người trẻ tuổi miền Nam trải qua một thời hậu chiến đầy ngang trái, để rồi cảm nhận xót xa những vần tuyệt bút của Tô Thùy Yên trong bài thơ Ta Về:
Ta về như lá rơi về cội,
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay,
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống,
Giải oan cho cuộc biển dâu này.
<!>
để rồi ngẫm lại cuộc đời hiện tại của mình:

Ta về như đứa con phung phá,
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu,
Mười năm, con đã già trông thấy,
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu…

Với Ta Về của Tô Thùy Yên, ta để lòng lắng lại sau bao nhiêu can qua đã ập xuống đời mình. Nhưng với Nửa Hồn Xuân Lộc của Nguyễn Phúc Sông Hương, ta lại có dịp sống với những hồi ức khắc khoải, bi thương nhất. Đó là hồi ức về một quãng đời của tưng bừng máu lửa, của ruột thịt phân ly, của những hoài vọng tắt ngấm và sự tàn lụi của xuân thì!Tôi vẫn nghĩ rằng những người lính trận VNCH từng trải qua những ngày cuối cùng của cuộc chiến bi thương, khi đọc bài thơ này, sẽ khóc. Mà cứ gì những người lính ngày đó, cả thế hệ của Nguyễn Phúc Sông Hương ở miền Nam, đọc chưa hết bài thơ này cũng sẽ rưng nước mắt. Bài thơ đó, từ cuộc tình đẹp và bi thương giữa người lính và cô gái làng quê Xuân Lộc, đã trở thành nỗi đau chung của cả một thế hệ trầm luân.

Tháng 4.1975 là ngày miền Nam trải qua những cơn địa chấn kinh hoàng. Những đoàn người, dân, quân, trẻ, già, trai, gái, tuôn rừng lướt bụi, vượt sông, vượt suối, từ Pleiku xuống Qui Nhơn, từ Quảng Trị xuôi về Huế, từ Nha Trang đu giây, nhảy sóng, giành nhau một chỗ đứng trên những chiếc tàu di tản không còn chỗ cho chỉ một bàn chân. Những đứa trẻ buông tay rơi xuống biển trong ánh mắt thất thần và tuyệt vọng của người mẹ đang kẹt cứng giữa rừng người!

Chưa bao giờ lịch sử dân tộc chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng đến như vậy! Vết thương đau âm ỉ trong tâm tưởng của mỗi người đã trải qua những giờ phút căng thẳng nhất, và phòng tuyến Xuân Lộc là cứ điểm cuối cùng không còn có thể giữ được nữa. Lệnh rút quân ban ra làm chùng lòng những con người gan góc nhất!

Trong tình huống đó, mỗi người một ý nghĩ, mỗi người một tâm trạng. Riêng Nguyễn Phúc Sông Hương (một Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng) đã thể hiện những cảm xúc của mình trước tình yêu trong sáng và dạt dào mà người con gái Xuân Lộc đã dành cho anh. Đó là tình yêu thương không nói nên lời, là nỗi chia biệt không thốt lên thành tiếng, là sự uất nghẹn của trái tim người chiến sĩ trong giây phút căng thẳng nhất của một cuộc chiến tàn khốc đã đến hồi ngã ngũ!

Buổi chiều nhận lệnh rời Xuân Lộc,
Ta muốn tìm em nói ít lời,
Nhưng sợ em buồn, không nói được,
Nên đành lặng lẽ mà đi thôi!

Buổi chiều, anh nhận được lệnh thu quân, đêm nay rời cứ địa, nghĩ đến em, muốn tìm em để nói lời chia biệt, nhưng anh, người lính trận từng xông pha giữa rừng bão lửa, lại không đủ dũng cảm để nhìn những giọt nước mắt của em rơi xuống trước giờ phút xa cách nghìn trùng.

Ngại phút rời xa em sẽ khóc,
Bao người vợ lính sẽ buồn theo.
Yếu đuối tim ta người chiến sĩ,
Loạn rừng, tội nghiệp tiếng chim kêu.

Thôi thì, anh đành lặng lẽ thu quân, mỗi quân lệnh ban ra như một nhát cứa vào lòng. Rút quân, có nghĩa là anh đã bỏ lại nơi đây một quãng đời chinh chiến với bao nhiêu kỷ niệm không rời! Giờ này em đang làm gì trong tiếng đại pháo ầm vang, giữa thị trấn Xuân Lộc sắp trở thành một trận địa hoang tàn?

Rút quân bỏ lại đời ta đó,
Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời,
Lửa ngút, trái tim ta lửa ngút
Trái tim người lính mới yêu người

Vì bí mật quân, ta đành phụ,
Mối tình Long Khánh tội người ơi.
Mất thêm Xuân Lộc tay càng ngắn,
Núm ruột miền Trung càng xa vời.

Anh tưởng tượng đến ngày mai, khi đoàn quân đã lặng lẽ rút đi rồi, em sẽ bàng hoàng, ngơ ngác, và lòng em sẽ chùng xuống trong một nỗi bi thương không nói nên lời. Em sẽ thầm trách ta là người phụ bạc, hay em vẫn ôm ấp vào lòng những kỷ niệm khôn nguôi? Chỉ biết rằng trong phút giây này, lòng anh như trái sầu riêng nhà em, rơi vỡ làm đôi trên mảnh vườn đã từng chứng kiến những phút giây hò hẹn của chúng mình ...

Sáng mai chắc chắn em buồn lắm,
Sẽ trách sao ta lại phụ người.
Lòng ta như trái sầu riêng rụng,
Trong vườn em đó vỡ làm đôi.

Những phòng tuyến vỡ vụn trên cao nguyên, những cuộc di tản kinh hoàng trải dài trên từng đoạn đường máu lửa, để làm tròn sứ mạng của người chiến binh, anh đã trở thành người tình phụ:
Cao nguyên bài học đầy cay đắng,
Lớp lớp người rơi, lớp lớp rơi…
Ta chẳng muốn làm người bại trận
Thành người tình phụ đó em ơi …

Trong giây phút chia lìa, không chỉ con người buồn, mà đến những vật vô tri, vô giác cũng đượm buồn. Chiếc cầu bắc qua con sông La Ngà cuộn đỏ phù sa ghi đậm kỷ niệm những ngày hành quân vất vả, vạt nắng bìa rừng chờ đợi một ngày anh trở về, mang hong chiếc áo trận thấm đẫm mồ hôi. Tất cả như có linh hồn, những linh hồn biết rung động và yêu thương!

Đêm nay quân rút hồn ta ở,
Nhìn nước La Ngà pha máu sôi
Thương chiếc cầu chờ cơn thác lũ
Tràn qua Xuân Lộc cuốn theo người

Ta đi áo nhuộm màu đất đỏ,
Cao su vướng tóc mãi thơm mùi,
Tội nghiệp nắng vàng chờ áo trận,
Khi tàn chinh chiến sẽ đem phơi.

Ta đã trải qua bao đêm sốt rét run người, những trận đánh mà ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ là một lằn chỉ mong manh. Những lúc đó, ta không ngã, vẫn dửng dưng cười trước mọi hiểm nguy. Nhưng đêm nay, trong giờ phút sắp rút quân này, ta cảm thấy rờn rợn trong lòng ta nỗi nhục của người đi trận:

Sốt rét đêm run, ngày không ngã,
Bao lần máu đổ dửng dưng cười.
Một phút này thôi, hừ lại ngã,
Bỏ thành, bỏ đất nhục nào vơi…

Trong những giây phút dầu sôi lửa bỏng ấy, trái tim người lính se lại khi nghĩ đến một ngày không định trước, khi anh không còn nữa, người con gái anh yêu sẽ côi cút giữa cuộc đời. Nghĩ đến những giọt nước mắt của em rơi dưới hầm tránh pháo, lòng ta quặn lại với mặc cảm của người đã phụ bạc một tình yêu:

Tôi sợ một ngày mai bại trận,
Để em côi cút lại trên đời.
Nếu phải một ngày mai bại trận,
Đêm nay sao ta lại bỏ người?

Em hỡi, dưới hầm ai đang khóc
Thét gào pháo địch mãi không thôi
Em hỡi em thương người lính trận
Người lính đêm nay phụ bạc rồi!

Ta thông cảm với người lính Nguyễn Phúc Sông Hương, vì không muốn làm người bại trận nên đành trở thành kẻ tình phụ. Nhưng khi cuộc chiến tàn rồi, trở về với nỗi đắng cay của người bại trận, lòng anh còn đau đớn đến bao nhiêu! Đó cũng là tâm trạng chung của một lớp người ở cùng thế hệ với anh, lớn lên, oằn mình trong cuộc chiến, để rồi chứng kiến bao nhiêu vỡ vụn của cuộc đời.

Mỗi năm, tháng tư trở về với rất nhiều cảm xúc, ngùi thương một dân tộc phải trả giá quá nhiều mà cuộc sống vẫn phải tiếp tục đối mặt với những thử thách cam go.

Lê Nguyễn
***

NỬA HỒN XUÂN LỘC


Buổi chiều nhận lệnh rời Xuân Lộc
Ta muốn tìm em nói ít lời
Nhưng sợ em buồn, không nói được
Nên đành lặng lẽ mà đi thôi!

Ngại phút rời xa em sẽ khóc
Bao người vợ lính sẽ buồn theo
Yếu đuối tim ta người chiến sĩ
Loạn rừng, tội nghiệp tiếng chim kêu

Rút quân bỏ lại đời ta đó
Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời
Lửa ngút, trái tim ta lửa ngút
Trái tim người lính mới yêu người

Vì bí mật quân, ta đành phụ
Mối tình Long Khánh, tội người ơi
Mất thêm Xuân Lộc, tay càng ngắn
Núm ruột miền Trung càng xa vời

Sáng mai chắc chắn em buồn lắm
Sẽ trách sao ta lại phụ người
Lòng ta như trái sầu riêng rụng
Trong vườn em đó vỡ làm đôi

Cao nguyên bài học đầy cay đắng
Lớp lớp người rơi, lớp lớp rơi…
Ta chẳng muốn làm người bại trận
Thành người tình phụ đó em ơi

Đêm nay quân rút hồn ta ở
Nhìn nước La Ngà pha máu sôi
Thương chiếc cầu chờ cơn thác lũ
Tràn qua Xuân Lộc cuốn theo người

Ta đi áo nhuộm màu đất đỏ
Cao su vướng tóc mãi thơm mùi
Tội nghiệp nắng vàng chờ áo trận
Khi tàn chinh chiến sẽ đem phơi

Em hỡi, em thương đàn thỏ trắng
Bầy gà mất mẹ sống mồ côi
Em hỡi em thương người lính trận
Người lính đêm nay phụ bạc rồi

Bao năm ta trọn tình đất đỏ
Một phút này thôi hẹn với đời
Sốt rét đêm run, ngày không ngã
Bao lần máu đổ dửng dưng cười

Một phút này thôi, hừ lại ngã
Bỏ thành, bỏ đất nhục nào vơi
Nếu được đưa quân lên Định Quán
Cuối cùng một trận cũng là vui

Sáng mai chân bước qua Bình Giã
Cẩm Mỹ, nhìn lui luống ngậm ngùi!
Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy
Một trời Gia Kiệm nhớ khôn nguôi

Muôn năm em hỡi trời Xuân Lộc
Giữ nửa hồn ta mãi với người
Giữ nửa hồn ta bên chiếc võng
Dưới giàn thiên lý bóng trăng soi…

Đêm nay quân rút sầu riêng rụng
Trong vườn em và trong tim tôi!
Tôi sợ một ngày mai bại trận
Để em côi cút lại trên đời

Nếu phải một ngày mai bại trận
Đêm nay sao ta lại bỏ người!
Em hỡi, dưới hầm ai đang khóc
Thét gào pháo địch mãi không thôi

Xuân Lộc trời ơi Xuân Lộc cháy
Ai gọi tôi về trời Gia Rai!

Nguyễn Phúc Sông Hương

Không có nhận xét nào: