Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

Kính Chuyển Tin Tức Đó Đây Theo Dòng Thời Cuộc - Lê Văn Hai

Tin Cộng Ðồng
Tháng Tư! Úc Ðại Lợi Phát Hành Đồng 2 Úc Kim, Kỷ Niệm Cuộc Chiến Việt Nam Có Hình Cờ Việt Nam Cộng Hòa (Ảnh: Đồng 2 Úc kim có cờ Việt Nam Cộng Hòa được bán trên eBay với giá 1.360 Úc kim.)-Đồng tiền 2 Úc kim mới của Úc Ðại Lợi kỷ niệm cuộc chiến Việt Nam hiện có giá hơn 1.200 Úc kim chỉ sau khoảng hơn một tuần phát hành.Australia Mint (công ty độc quyền sản xuất tiền cho Úc Ðại Lợi) phát hành đồng bạc 2 Úc kim lần đầu tiên hôm 6/4 với thiết kế màu sắc kỷ niệm 50 năm kết thúc sự tham gia của Úc Ðại Lợi vào cuộc chiến Việt Nam năm 1973.
<!>
Báo Daily Mail của Anh dẫn lời một người sưu tập tiền có tên Jeol Kandiah ở Perth, cho biết người này phải chờ đến 16 tiếng đồng hồ để mua được 1 đồng trong khi nhiều người khác phải xếp hàng dài để mua.

Mint cho biết chỉ phát hành giới hạn 5.000 đồng bạc với giá 80 đô la trong khi bản vàng có 80.000 đồng và được bán với giá là 15 đô la.

Cả hai đồng tiền đều có hình máy bay trực thăng UH-1 bao quanh bởi đường tròn màu sắc giống như 3 miếng ribbon trao cho các cựu binh Việt Nam. Trong hình ảnh của đồng tiền này có hình cờ của Việt Nam Cộng Hòa.

Hiện giá của một đồng bạc được bán trên eBay là từ 1.200 đến 2.300 đô la và giá đồng vàng là khoảng 80 đô la.


Người Việt Tị Nạn Biểu Tình Lớn Tại Vọng Các: “Phản Đối Bắt Cóc Blogger Đường Văn Thái!”


(Hình: Người Việt Nam tị nạn biểu tình trước Văn phòng UNHCR ngày 19/4/2023.)

-Lo lắng cho sự an toàn của bản thân sau vụ blogger Đường Văn Thái nghi bị bắt cóc, hơn 300 người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan ký tên khẩn cầu quốc tế sớm định cư người tị nạn.

Sáng ngày 19/4/2023, khoảng 40 người tị nạn tập trung trước văn phòng Cao uỷ về Người tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) tại Vọng Các (Thái Lan) phản đối bắt giữ ông Đường Văn Thái, yêu cầu UNHCR đưa ra biện pháp bảo vệ hiệu quả, cũng như sớm định cư những người đã có quy chế tị nạn.

Blogger Thái Văn Đường, tên thật là Đường Văn Thái mất tích chiều tối 13/4 khi đang tị nạn chính trị tại Thái Lan, tuy nhiên công an Hà Tĩnh sau đó thông báo đã bắt giữ ông vào chiều 14/4 khi ông Thái “xâm nhập trái phép” vào Việt Nam, bạn bè nghi ngờ ông bị mật vụ bắt và dẫn giải về.

Người biểu tình mang theo hai biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh với nội dung: “Phản đối nhà cầm quyền bắt cóc người tị nạn” và “SOS! Người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan đang gặp nguy hiểm”.

Ông Nguyễn Văn Tráng, một người từng nhiều lần bị nhà chức trách tỉnh Thanh Hóa kêu gọi đầu thú khi đang tị nạn chính trị tại Thái Lan nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 19/4:

“Rõ ràng vụ bắt cóc ông Đường Văn Thái ở một đất nước có chủ quyền cho thấy việc vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như tính bất chấp của chính quyền Cộng sản Việt Nam.

Điều quan trọng là nó phản ánh một xu hướng leo thang của việc đàn áp người bất đồng chính kiến xuyên quốc gia”.

Ông Lê Thương, một quân nhân xuất ngũ hiện đang tị nạn chính trị ở Thái Lan từ năm 2018 bày tỏ:

“Không riêng bản thân tôi mà tất cả người tị nạn ở Thái Lan hiện giờ đang có tâm lý rất hoang mang sợ hãi liên quan đến việc ông Thái Văn Đường bị bắt cóc.

Trong buổi sáng hôm nay, người Việt Nam tị nạn bao gồm các anh chị em, kể cả người Việt, cộng đồng người Thượng Tây Nguyên, Khmer Krom và Hmong đều tập trung tại đây để có một buổi đưa tin liên quan đến sự việc anh Thái Văn Đường bị bắt cóc về Việt Nam.

Ông Lê Thương đại diện trao thỉnh nguyện thư có hơn 300 chữ ký của người tị nạn cho văn phòng UNHCR, thỉnh nguyện thư cũng gửi cho chính phủ các quốc gia dân chủ, các tổ chức nhân quyền... khẳng định thông tin ông Thái “xâm nhập” Việt Nam từ Lào là bịa đặt và là cách thức Nhà nước hợp thức hóa vụ bắt cóc ông ở Thái Lan.

Có ba yêu cầu được đưa ra trong thư ngỏ, bao gồm kêu gọi “điều tra về vụ bắt cóc nhà báo Thái Văn Đường. Vấn đề bắt cóc các nhà hoạt động cần được thông tin rộng rãi để người dân Việt Nam đều biết và lên án.

“Thực hiện các biện pháp bảo vệ người Việt tị nạn tại Thái Lan một cách hiệu quả hơn, tránh tái diễn các vụ bắt cóc trong tương lai.

Nhanh chóng thực hiện việc tái định cư cho những người Việt tị nạn đã được UNHCR cấp quy chế, để người tị nạn đến một quốc gia an toàn hơn Thái Lan”.

Theo bà Grace Bùi, một người hoạt động nhân quyền độc lập người Mỹ gốc Việt ở Vọng Các, hiện có khoảng 1.500 người tị nạn đến từ Việt Nam đang sống ở nhiều tỉnh và thành phố của Thái Lan, một quốc gia chưa ký Công ước quốc tế về người tị nạn 1951.

Tuy phải đối mặt với đàn áp xuyên biên giới ngày càng gia tăng của bộ máy an ninh Việt Nam và bắt giữ của cảnh sát Thái Lan, người tị nạn Việt Nam nhận được sự trợ giúp rất ít ỏi từ UNHCR.

Ông Nguyễn Văn Ân, một nhà hoạt động về tự do tôn giáo đến từ giáo xứ Kẻ Giai thuộc Giáo phận Vinh và hiện đang sống tị nạn cùng gia đình ở Vọng Các, cho biết UNHCR chỉ khuyến cáo người tị nạn sống lặng lẽ và chuyển nhà khi có dấu hiệu mất an ninh.

Mỗi khi gặp sự đe dọa, người tị nạn gọi điện thoại cho văn phòng của cơ quan này nhưng rất ít khi có người nhấc máy, ông cho biết.

CPJ Kêu Gọi CSVN Phóng Thích Nhà Báo Đường Văn Thái

Hôm 18/4, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) ra thông cáo báo chí kêu gọi Hà Nội trả tự do cho ông Đường Văn Thái và chấm dứt mọi nỗ lực sách nhiễu và bắt giữ người lưu vong.

“Nhà chức trách Việt Nam cần phải trả tự do cho nhà báo Đường Văn Thái và công khai chi tiết việc bắt giữ ông”, ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ ở khu vực Đông Nam Á nói trong thông cáo.

“Việt Nam có lịch sử nhắm vào các nhà báo sống lưu vong. Nhà chức trách Thái Lan cần điều tra kỹ lưỡng và minh bạch về quá trình mất tích của ông (Đường Văn Thái - PV) ở Vọng Các, và bảo dảm rằng các nhà báo không bị nhắm đến vì tác nghiệp của họ”, ông nói đồng thời dẫn lại trường hợp blogger Trương Duy Nhất bị bắt cóc về Hà Nội sau khi đăng ký nộp hồ sơ xin quy chế tị nạn chính trị tại Thái Lan.

Theo thống kê của CPJ, Việt Nam giam giữ ít nhất 21 nhà báo vì các hoạt động báo chí của họ. Con số này chưa kể đến blogger Nguyễn Lân Thắng của RFA và ông Đường


Chưa Bao Giờ Đẹp Như Thế! Hoa Dại Nở Rực Sườn Đồi, Khắp California, Sau Đợt Mưa Kỷ Lục!

– Hoa dại nở rực sườn đồi khắp California sau mùa Đông mưa nhiều kỷ lục vừa qua, theo CNN hôm Thứ Năm, 20 Tháng Tư.

Tài xế lái xe trên xa lộ California trong tháng này luôn miệng trầm trồ vì những thảm hoa dại đầy màu sắc, cũng như sông suối và hồ dự trữ đầy ắp nước, dọc đường.


(Hình: Du khách đi giữa đồi hoa dại trong Carrizo Plain National Monument gần Santa Margarita, California, hôm 13 Tháng Tư.)

Những thảm hoa dại trên sườn đồi khắp California rộng lớn tới mức từ vũ trụ cũng có thể nhìn thấy. Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hoa dại màu cam, vàng tràn ngập nhiều hẻm núi và ngọn đồi mà suốt mấy năm qua thường trơ trọi.

Nhất Là San Jose – Thung Lũng Hoa Vàng!

Càng gần đến San Jose, hai bên đường là những cánh đồng thẳng tắp trồng các loại rau củ, những mái nhà phía xa và những người nông dân đang thu hoạch không khác là bao so với khung cảnh vùng Đà Lạt, Đơn Dương…


(Hình: Thung lũng hoa vàng San Jose – Một trong những nơi đẹp nhất vào mùa xuân)

Tháng 4 và tháng 5, ở San Jose hoa đã vàng nở khắp nơi, trên đồi, dưới dốc, bên vệ đường… Những cánh hoa li ti như hoa cải vàng, vàng rực khắp đồi núi. Chính vì vậy mà người ta gọi San Jose là thung lũng hoa vàng….

Cư dân California đang đổ xô đi ngắm những đồi hoa dại tuyệt đẹp và chụp hình. Nhưng nhiều người thiếu ý thức, bước ra khỏi đường mòn đi bộ để cố chụp được tấm hình hoàn hảo, giẫm đạp lên hoa.

Trong đợt hoa dại nở rực năm 2017, vài công viên “bị thiệt hại do người ta bước ra khỏi đường mòn đi bộ – tạo ra ‘những đường mòn xã hội’ mà tới giờ vẫn nhìn thấy được,” ông Jorge Moreno của Cơ Quan Công Viên và Giải Trí California (CDPR) gửi email tới CNN cho biết.


(Hình: Xe chạy ngang đồng hoa dại nở rộ gần Antelope Valley California Poppy Reserve ở Lancaster, California, hôm 6 Tháng Tư.) Mặc dù năm nay, California chưa đóng cửa công viên tiểu bang vì hoa dại nở rực, ít nhất một thành phố cảnh cáo du khách đừng tới đó.

Tháng Hai vừa qua, thành phố Lake Elsinore, Riverside County, loan báo cấm du khách tới Walker Canyon sau khi hồi mùa Xuân năm 2019, cuối tuần nào cũng có hàng trăm ngàn người kéo tới đó, giẫm nát hoa poppy dại và làm đảo lộn đời sống cư dân địa phương.

“Quận hạt đang giúp chúng tôi quảng bá những nơi khác để du khách tới ngắm hoa poppy,” ông Jovanny Rivera Huerta, phát ngôn viên Lake Elsinore, cho hay. Ông lưu ý rằng, nhìn chung, du khách năm nay tuân thủ quy định mới của thành phố này.



(Hình: Du khách chụp hình trong Antelope Valley California Poppy Reserve ở Lancaster, California, hôm 6 Tháng Tư.)

Công viên ở California mong muốn cư dân tận hưởng mùa hoa dại nở rực này và phong cảnh thiên nhiên nói chung – nhưng không được làm hư hại hoa.

“Khi du khách tới thăm nơi công cộng ngoài trời, CDPR khuyên du khách đi đúng lối đi đã được chỉ định và chỉ chụp hình, không được hái hoa,” ông Moreno cho hay. “Cách tốt nhất để hoa nở lâu là vẫn còn sống theo tự nhiên, chứ không phải bằng cách bị du khách giẫm đạp hoặc hái.”

Theo CDPR, hoa nở rộ lâu hay không phụ thuộc thời tiết rất nhiều. Mùa hoa nở rộ năm nay, có thể kéo dài tới đầu Tháng Năm, tùy nơi.

Ngoài việc mưa lớn kỷ lục vừa qua, thời tiết một số vùng ở California thời gian qua cũng mát mẻ lâu hơn – góp phần giúp hoa dại nở rộ.

Khi trời nóng lên, hoa sẽ tàn úa, nhưng vẫn còn sống mãi trong hình ảnh mà du khách chụp! Quý Vị thời gian này đừng nằm trong nhà, hảy ra ngoài trời tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên!


Tin Quốc Tế Đó Đây

Các Ngoại Trưởng G7 Nêu Bật Quan Ngại Về Nga, Trung


(Hình: Các Ngoại trưởng G7 họp tại khách sạn Prince Karuizawa ở Karuizawa, Nhật, ngày 18/4/2023.)

-Các Ngoại trưởng của Nhóm Bảy quốc gia G7 lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine và nhấn mạnh sự cần thiết phải giao tiếp với Trung Quốc để giải quyết các thách thức toàn cầu khi họ kết thúc cuộc họp tại Nhật Bản vào ngày 18/4/2023.

Dù ghi nhận tầm quan trọng của việc hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề như biến đổi khí hậu và an ninh y tế toàn cầu, nhưng các Bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại trong một thông cáo chung về các hành động của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông cũng như lập trường của nước này đối với Đài Loan.

“Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan như một yếu tố không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế, đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên Eo biển”, các Bộ trưởng nói.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trong cuộc hội đàm với những người đồng cấp từ Anh, Gia Nã Ðại, Pháp, Đức, Ý Ðại Lợi và Nhật Bản, đã có “sự đồng nhất đáng chú ý” về những lo ngại đối với Trung Quốc và những gì đang được thực hiện để giải quyết những lo ngại đó.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói với báo giới rằng thông cáo chung G-7 đã can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc và vu khống nước này một cách ác ý.

Ông Blinken nói với các phóng viên rằng liên quan đến các cuộc thảo luận Mỹ-Trung đang bị đình trệ, Hoa Kỳ tin rằng “việc có các đường dây liên lạc, có thể tham gia vào nhiều vấn đề làm sinh động mối quan hệ là điều quan trọng”.

Ông Blinken nói: “Kỳ vọng của tôi là chúng ta sẽ có thể tiến tới điều đó, nhưng việc này đòi hỏi Trung Quốc phải làm rõ ý định của mình khi làm điều đó”.

Các Bộ trưởng G7 cho biết trong thông cáo chung rằng họ cam kết “tăng cường các chế tài đối với Nga”, đồng thời phối hợp để bảo đảm Nga và các nước khác không trốn tránh các chế tài đó. Họ cũng cảnh báo Nga về việc sử dụng vũ khí nguyên tử hoặc vũ khí hóa học và lên án việc Nga chiếm đóng Nhà máy điện nguyên tử Zaporizhzhia.

“Nga phải rút toàn bộ lực lượng và thiết bị khỏi Ukraine ngay lập tức và vô điều kiện”, các Bộ trưởng nói. “Hôm nay, chúng tôi cam kết hỗ trợ Ukraine trong thời gian dài nhất có thể và cung cấp hỗ trợ bền vững về an ninh, kinh tế và định chế để giúp Ukraine tự vệ, bảo đảm tương lai tự do và dân chủ của mình, đồng thời ngăn chặn sự xâm lược của Nga trong tương lai”.

Ông Blinken nói các thành viên G7 sẽ “nhắc nhở thế giới ai là kẻ xâm lược và ai là nạn nhân” trong cuộc xung đột mà Nga bắt đầu bằng cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine năm 2022. Ông cũng cho biết Nga đang thất hứa khi ngăn chặn xuất cảng ngũ cốc của Ukraine đến các khu vực trên thế giới đang rất cần chúng.

Về Iran, các Bộ trưởng G7 bày tỏ lo ngại về cái mà họ gọi là “các hoạt động gây bất ổn liên tục” của Iran và kêu gọi Iran ngừng cung cấp máy bay không người lái cho các lực lượng Nga đang sử dụng chúng để thực hiện các cuộc tấn công ở Ukraine.

“Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về sự leo thang không suy giảm của Iran đối với chương trình nguyên tử, chương trình không có sự biện minh dân sự đáng tin cậy và đưa nó đến gần một cách nguy hiểm các hoạt động liên quan đến vũ khí thực tế”, các Bộ trưởng cho biết khi họ kêu gọi Iran thực hiện các cam kết không phổ biến vũ khí nguyên tử.

Các Bộ trưởng G7 cũng nói họ lo ngại về A Phú Hãn và giới lãnh đạo Taliban, nói rằng họ “lên án các hành vi vi phạm có hệ thống của Taliban đối với nhân quyền của phụ nữ và trẻ em gái cũng như sự phân biệt đối xử đối với các thành viên của các nhóm tôn giáo và sắc tộc thiểu số”.


Ukraine: Odessa Bị Drone Nga Tấn Công, Kyiv Nhận Phi Đạn Patriot Đợt Đầu Tiên

-Tại Ukraine, trong đêm 18, rạng sáng 19/4/2023, Quân đội Nga đã sử dụng loại drone Shahed-136 do Iran chế tạo để tấn công thành phố Odessa nhưng không gây ra bất kỳ thương vong nào.

Theo giới chức quân sự Ukraine tại Odessa vào sáng 19/4, hầu hết các chiếc drone đều đã bị bắn hạ và chỉ có tòa nhà công cộng bị trúng đạn nhưng không có trường hợp thương vong nào.

Trong cuộc họp giao ban hàng ngày, quân đội Ukraine khẳng định đã bắn hạ 10 chiếc drone của Nga vào hôm 18/4.

Năng lực phòng không của Ukraine sắp được tăng cường đáng kể, với những giàn phi đạn phòng không Patriot đầu tiên của Mỹ đã được giao cho chính quyền Kyiv. Trên mạng Twitter hôm 19/4, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov đã lên tiếng cảm ơn Mỹ, Đức và Hòa Lan đã “giữ lời”.

Vào giữa tháng 12/2022, trong chuyến thăm lịch sử của ông Zelensky tới Mỹ, Hoa Thịnh Ðốn đã cam kết cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không Patriot tối tân, vào thời điểm Nga đang tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Ngoài hệ thống Patriot, Ukraine cho biết cũng đã nhận được loại chiến xa hạng nhẹ AMX-10 mà Pháp đã hứa viện trợ. Phương tiện cơ giới này sẽ rất hữu ích vào lúc Kyiv cho biết họ đang chuẩn bị một cuộc phản công trên quy mô lớn.


Ba Lan Lập Hàng Rào Điện Tử ở Vùng Giáp Giới Kaliningrad

-Ngày 18/4/2023, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan loan báo việc thiết lập một hệ thống bảo vệ điện tử dọc theo đường biên giới với vùng đất Kaliningrad thuộc Nga, đặc biệt để ngăn chặn những vụ vượt biên trái phép mà Warsaw cho là do Mạc Tư Khoa khuyến khích.

Trong một thông cáo báo chí, Bộ trưởng Mariusz Kaminski khẳng định với hệ thống mới này, Ba Lan sẽ giám sát được tất cả những gì đang xảy ra ở biên giới.

Theo hãng tin Pháp AFP, hệ thống điện tử mới trị giá khoảng 80 triệu Euro, bao gồm 3.000 camera và thiết bị phát giác chuyển động, sẽ bổ sung cho hàng rào dây thép gai đang được xây dựng trên đường biên giới dài khoảng 200 cây số.

Hiên nay, một hàng rào kim loại cao năm mét, cũng được trang bị một hệ thống điện tử, đã hoạt động dọc theo biên giới giữa Ba Lan và Belarus, một đồng minh của Nga bị cáo buộc là đã cho người di cư mượn đường để vào Liên Hiệp Âu Châu, điều mà chính quyền Minsk luôn phủ nhận.

Theo Bộ trưởng bộ Nông Nghiệp Ba Lan hôm 18/4, Warsaw và Kyiv đã đạt được thỏa thuận về việc nối lại đường vận chuyển ngũ cốc của Ukraine xuyên qua lãnh thổ Ba Lan để đến các nước khác. Đường quá cảnh này đã bị Ba Lan đóng lại từ ngày 15/4 sau những vụ hàng hóa Ukraine bị bán ra trên thị trường Ba Lan.

Theo Bộ trưởng Ba Lan sau cuộc gặp với các viên chức Ukraine, hai bên đã lập ra những cơ chế “để không một tấn lúa mì (Ukraine) nào đọng lại ở Ba Lan”.


Liên Hiệp Âu Châu Đạt Đồng Thuận Về Sản Xuất Chip Bán Dẫn

-Hôm 18/4/2023, Nghị viện Âu Châu và các nước thành viên của Liên Hiệp Âu Châu (EU) đã đạt được đồng thuận về kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Á Châu trong lĩnh vực chiến lược này.

Ủy viên Âu Châu về Thị trường Nội địa Thierry Breton đã ngay lập tức hoan nghênh thỏa thuận mang tên “Chips Act”. Theo ông, việc làm chủ được kỹ thuật bán dẫn tiên tiến nhất sẽ giúp Liên Hiệp Âu Châu trở thành “một cường quốc công nghiệp trên thị trường tương lai”.

Mục tiêu đặt ra là chiếm lĩnh được 20% thị trường thế giới vào năm 2030, tức cao gấp hai lần so với mức hiện nay. Để phát triển ngành công nghiệp này, Liên Hiệp Âu Châu đã huy động 43 tỉ Euro đầu tư công và tư.

Thông tấn xã AFP nhắc lại, Liên Hiệp Âu Châu, vốn có nền nghiên cứu tiên tiến về chip điện tử, đã bị mất rất nhiều thị phần trong nhiều thập niên qua. Tình trạng khan hiếm chip bán dẫn đã gây ra một cơn sốc mạnh, kềm hãm ngành công nghiệp xe hơi.

Những căng thẳng địa chính trị có liên quan đến Trung Quốc, dịch bệnh Covid-19 khiến Âu Châu nhận thấy nhất thiết phải khôi phục ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn, vốn lệ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Đài Loan và Nam Hàn.

Trong bối cảnh này, Liên Hiệp Âu Châu đã nới lỏng các quy định về hỗ trợ nhà nước và chấp nhận một chính sách công nghiệp mang tính can thiệp tại một châu lục có truyền thống là mở rộng cửa cho cạnh tranh quốc tế.


Bắc Hàn Chuẩn Bị Phóng Vệ Tinh Do Thám Đầu Tiên

-Lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong-un vừa ra lệnh phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của Bắc Hàn, vừa được chế tạo xong trong tháng 4/2023.

Việc phát triển vệ tinh do thám quân sự là một trong những dự án lớn trong chương trình phòng thủ mà ông Kim Jong-un đã đề ra vào năm 2021. Từ Hán Thành, thông tín viên Trần Công tường trình:

Theo hãng tin Yonhap, hôm 18/4/2023, Chủ tịch Kim Jong-un và con gái đã đến thăm Cơ quan Phát triển Không gian Quốc gia (NADA). Trong buổi làm việc với cơ quan này, ông Kim Jong-un đã chỉ thị những bước cuối cùng để phóng vệ tinh do thám quân sự. Cơ quan không gian của Bắc Hàn chưa chính thức đưa ra thời gian phóng vệ tinh do thám đầu tiên, tuy nhiên nhiều nguồn tin cho biết Bình Nhưỡng có thể sẽ phóng vệ tinh trong tháng này.

Bên cạnh đó, có một số nguồn tin cho rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ phóng vệ tinh vào ngày 25/4/2023, kỷ niệm ngày thành lập “Quân đội Nhân dân Triều Tiên”, trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn ngày 26/4/2023 tại Hoa Thịnh Ðốn.

Để phóng được vệ tinh do thám thì phương tiện phóng vệ tinh cần phải được hoàn thiện. Tuy nhiên, phi đạn mang theo vệ tinh do thám và phi đạn liên lục địa (ICBM) có kỹ thuật sản xuất gần giống nhau. Bình Nhưỡng sẽ không cần quá nhiều thời gian để chuẩn bị phi đạn phóng vệ tinh vì họ đã làm chủ kỹ thuật sản xuất phi đạn liên lục địa.

Thông báo nói trên được đưa ra trong bối cảnh liên minh Mỹ-Hàn vừa khởi động một cuộc tập trận trên không vào ngày 14/4/2023 sau khi Bình Nhưỡng phóng thử “Hwasong -18”, loại phi đạn liên lục địa thế hệ mới sử dụng nhiên liệu rắn.

Theo ông Yang Moo-jin, Chủ tịch Đại học Nghiên cứu Bắc Hàn, việc phóng vệ tinh quân sự trong tháng này sẽ gửi thông điệp tới thế giới rằng Bình Nhưỡng đang làm chủ cuộc chơi trên bán đảo Triều Tiên.


Nam Hàn Lần Đầu Tiên Đề Cập Đến Viện Trợ Vũ Khí Cho Ukraine


(Hình: Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol.)

-Nam Hàn có thể mở rộng hỗ trợ cho Ukraine chứ không chỉ dừng lại ở viện trợ nhân đạo và kinh tế nếu nước này bị tấn công quy mô lớn vào các mục tiêu dân sự, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết, động thái lần đầu tiên báo hiệu sự thay đổi lập trường của ông vốn trước giờ vẫn phản đối trang bị vũ khí cho Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với thông tấn xã Reuters trước chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ vào tuần tới, ông Yoon cho biết chính phủ của ông đang nghiên cứu các phương cách giúp phòng thủ và tái thiết Ukraine, giống như khi Nam Hàn được quốc tế hỗ trợ trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

“Nếu xảy ra tình huống mà cộng đồng quốc tế không thể dung dưỡng, chẳng hạn như có bất kỳ cuộc tấn công quy mô lớn nào vào dân thường, thảm sát hoặc vi phạm nghiêm trọng luật chiến tranh, có thể chúng tôi sẽ thấy khó mà cứ khăng khăng là chỉ hỗ trợ nhân đạo hay tài chánh mà thôi”, Tổng thống Yoon nói.

Đây là lần đầu tiên Hán Thành ngỏ ý sẵn sàng cấp vũ khí cho Ukraine, hơn một năm sau khi họ loại trừ khả năng viện trợ hàng sát thương.

Là một đồng minh chủ chốt của Mỹ và là nhà sản xuất đạn pháo lớn, Nam Hàn cho đến nay vẫn cố gắng tránh gây căng thẳng với Nga do các công ty của họ hoạt động ở Nga và ảnh hưởng của Mạc Tư Khoa đối với Bắc Hàn, bất chấp áp lực ngày càng tăng từ các nước phương Tây về việc cấp vũ khí.

“Tôi tin sẽ không có giới hạn về mức độ hỗ trợ để phòng vệ và khôi phục một đất nước bị xâm lược bất hợp pháp cả theo luật pháp quốc tế và luật trong nước”, ông Yoon nói. “Tuy nhiên, xét mối quan hệ của chúng tôi với các bên tham chiến và diễn biến trên chiến trường, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp nhất”.

Ông Yoon dự kiến sẽ đến Hoa Thịnh Ðốn vào tuần tới để gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden để kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh hai nước.


Trung Quốc và Nga Tuyên Bố Nâng Quan Hệ Quân Sự Lên Tầm Mức Mới

-Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc, đang thăm Mạc Tư Khoa, hôm 18/4/2023, đã bày tỏ “quyết tâm” tăng cường hợp tác với quân đội Nga.

Thông tấn xã AFP trích dẫn thông cáo từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong cuộc gặp với đồng nhiệm Nga Serguei Choigu, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc tuyên bố rằng chuyến thăm Mạc Tư Khoa của ông là nhằm “chứng tỏ cho thế giới bên ngoài thấy rõ quyết tâm củng cố quan hệ hợp tác chiến lược giữa quân đội Trung Quốc và Nga”. Ông Lý cam kết “thúc đẩy hợp tác quân sự và kỹ thuật cũng như thương mại quân sự giữa Nga và Trung Quốc”, và “nâng các mối quan hệ này lên một tầm mức mới”.

Về phía Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Serguei Choigu kêu gọi hai bên phát triển các quan hệ này “bằng cách hỗ trợ mạnh mẽ cho nhau, kể cả trong những vấn đề có liên quan đến an ninh quốc gia”. Theo đánh giá của ông Choigu, được tờ South China Morning Post trích dẫn, quan hệ Nga-Trung có ý nghĩa quan trọng cho hòa bình, ổn định khu vực và toàn cầu, do vậy, “việc hai bên có cùng đánh giá về sự chuyển đổi của bối cảnh địa chính trị toàn cầu là điều quan trọng”.

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lãnh đạo quốc phòng hai nước khẳng định tăng cường sự phối hợp giữa quân đội Nga và Trung Quốc. Một thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa hai học viện quân sự Nga và Trung Quốc, nhưng biên bản ghi nhớ không cho biết chi tiết về thỏa thuận này.

Thông tấn xã AFP nhắc lại, đây là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông Lý Thượng Phúc, vốn dĩ cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến gặp và trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc hôm 16/4. Trong cuộc gặp này, ông Lý tuyên bố đã chọn đến thăm Nga nhằm “nhấn mạnh đến tính chất đặc biệt và tầm quan trọng chiến lược trong mối quan hệ song phương Nga-Trung”.

Chuyến công du Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc diễn ra sau chuyến thăm cấp Nhà nước của ông Tập Cận Bình ở Nga hồi tháng 3/2023. Việc Nga, Trung Quốc ngày càng thắt chặt quan hệ quân sự, nhất là trong bối cảnh chiến tranh Ukraine, đang khiến Mỹ và khối Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) lo lắng.


Trung Quốc Chuẩn Bị Khai triển Drone Do Thám Siêu Thanh

-Dựa trên các tin mật quân sự và tình báo bị rò rỉ từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, nhật báo Mỹ Washington Post số ra ngày 18/4/2023 tiết lộ quân đội Trung Quốc có kế hoạch khai triển drone do thám siêu thanh ở độ cao. Drone siêu thanh của Trung Quốc có khả năng di chuyển nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh.

Washington Post trích dẫn một tài liệu mật của Cơ quan Tình báo Địa Không gian Quốc gia Hoa Kỳ (National Geospatial-Intelligence Agency), đồng thời công bố ảnh vệ tinh đề ngày 9/8/2022 cho thấy phi đạn đẩy WZ-8 đặt tại một căn cứ Không quân ở miền Đông Trung Quốc, cách Thượng Hải khoảng 560 cây số, là dàn phóng cho hai drone do thám.

Theo thẩm định của các giới chức Hoa Kỳ, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) “gần như chắc chắn” đã thiết lập hẳn một đơn vị đặc biệt đầu tiên tại căn cứ này và hoạt động do Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông Bộ quản lý. Theo hãng tin Anh Reuters, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông Bộ cũng là đơn vị phụ trách thực thi tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với Đài Loan.

Ngũ Giác Đài cũng như phía Trung Quốc đều chưa có phản ứng về tin trên. Báo Washington Post cho biết thông tin về drone do thám của Trung Quốc là từ những tài liệu mật của Hoa Kỳ rò rỉ qua mạng Discord. Nghi phạm trong vụ này là một thanh niên 21 tuổi, Jack Douglas Teixeira, bị FBI bắt giữ hôm 13/4/2023.


Trung Quốc Tăng Cường Sự Hiện Diện ở Nam Cực


-Theo CSIS nghiên cứu ở Hoa Thịnh Ðốn thu thập cho thấy việc xây dựng đã được nối lại lần đầu tiên kể từ năm 2018 ở trạm thứ năm của nước này ở Nam Cực.

Bắc Kinh đã tìm cách xây dựng các tuyến đường vận chuyển mới ở Bắc Cực và mở rộng nghiên cứu ở Nam Cực, nhưng các chính phủ phương Tây lo ngại sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh ở các vùng địa cực có thể giúp Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) có được khả năng do thám tốt hơn.

Trạm mới này, nằm trên đảo Inexpressible gần Biển Ross, dự kiến sẽ bao gồm một đài quan sát với một trạm thu vệ tinh trên mặt đất, và sẽ giúp Trung Quốc ‘lấp một khoảng trống quan trọng’ trong khả năng tiếp cận lục địa này, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết trong một báo cáo.

CSIS đã dựa vào hình ảnh vệ tinh được chụp hồi tháng 1 để phát giác các cơ sở hỗ trợ mới, các tòa nhà tạm thời, một bãi đậu trực thăng và nền móng của một công trình chính lớn hơn tại trạm rộng 5.000 mét vuông này. Họ ước tính việc xây dựng có thể hoàn tất vào năm 2024.

“Mặc dù trạm này có thể giúp theo dõi và liên lạc với ngày càng nhiều các vệ tinh khoa học quan sát vùng cực của Trung Quốc, song thiết bị của trạm cũng có thể đồng thời được sử dụng để chặn thông tin liên lạc vệ tinh của các nước khác”, CSIS nói.

Trạm này có vị trí tốt để thu thập tín hiệu về Úc Ðại Lợi và Tân Tây Lan và dữ liệu đo từ xa về các phi đạn được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Arnhem mới của Úc Ðại Lợi, CSIS cho biết. Sau khi hoàn thành, trạm này dự kiến sẽ có một cầu cảng cho các tàu phá băng lớp Tuyết Long của Trung Quốc.

CSIS nói với thông tấn xã Reuters rằng mặc dù Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện nghiên cứu đông hơn ở Nam Cực – bao gồm cơ sở lớn nhất ở trạm McMurdo – sự hiện diện của Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn. Trạm thứ năm của Trung Quốc sẽ cách trạm McMurdo 320 cây số.

Theo Hiệp ước Nam Cực năm 1959 mà Trung Quốc là thành viên, các hoạt động trên lục địa này chỉ gói gọn trong ‘mục đích hòa bình’. Quân nhân được phép tiến hành nghiên cứu khoa học, nhưng bị cấm lập căn cứ, thực hiện diễn tập hoặc thử nghiệm vũ khí.

Một phúc trình của Ngũ Giác Đài hồi năm 2022 cho biết cơ sở hạ tầng mới của Trung Quốc ở Nam Cực có thể nhằm củng cố các yêu sách chủ quyền của họ trong tương lai đối với tài nguyên thiên nhiên và tiếp cận đường biển, đồng thời cải thiện năng lực của PLA.

Ấn Độ Sắp Vượt Trung Quốc Thành Nước Đông Dân Nhất Thế Giới Vào Giữa Năm 2023

(Hình: Người dân trên một đường phố ở Mumbai, Ấn Độ.)

-Ấn Độ sắp trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, vượt qua Trung Quốc với mức chênh lệch gần 3 triệu người vào giữa năm nay, dữ liệu do Liên Hiệp Quốc công bố hôm 19/4/2023 cho thấy.

Dân số Ấn Độ ước tính sẽ là khoảng 1,428 tỉ người, so với 1,425 tỉ người của Trung Quốc trong ‘Phúc trình tình trạng dân số thế giới’ của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) năm nay.

Mỹ đứng cách xa ở vị trí thứ ba, với dân số ước tính là 340 triệu người, dữ liệu cho thấy trong phúc trình thể hiện thông tin có được tính đến tháng 2.

Các chuyên gia dân số sử dụng dữ liệu trước đây của Liên Hiệp Quốc đã dự đoán Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc trong tháng này, nhưng phúc trình mới nhất của cơ quan Liên Hiệp Quốc không nêu rõ ngày tháng cụ thể.

Các viên chức dân số Liên Hiệp Quốc cho biết họ không thể xác định ngày tháng cụ thể vì số liệu của Ấn Độ và Trung Quốc không chắc chắn, do cuộc điều tra dân số gần đây nhất của Ấn Độ được tổ chức hồi năm 2011 và cuộc điều tra dân số tiếp theo, dự kiến được tổ chức vào năm 2021, đã bị trì hoãn bởi đại dịch COVID-19.

Mặc dù cả hai nước sẽ chiếm hơn một phần ba dân số ước tính trên toàn cầu là 8,045 tỉ người, tăng trưởng dân số ở cả hai nước đã chậm lại, mặc dù ở Trung Quốc chậm lại hơn nhiều so với Ấn Độ.

Năm 2022, lần đầu tiên trong 6 thập kỷ dân số Trung Quốc đã giảm, bước ngoặt lịch sử dự kiến sẽ mở ra thời kỳ dài dân số nước này suy giảm, với những tác động sâu sắc đối với nền kinh tế nước này và thế giới.

Tăng trưởng dân số trung bình hàng năm của Ấn Độ là 1,2% kể từ năm 2011, giảm từ 1,7% trong thập kỷ trước, dữ liệu của chính phủ nước này cho thấy.

Một khảo sát công chúng của UNFPA cho phúc trình năm 2023 cho thấy quan niệm phổ biến nhất ở Ấn Độ, cũng như ở Ba Tây, Ai Cập và Nigeria, là dân số ở từng quốc gia này ‘là quá đông và tỷ lệ sinh quá cao’, phúc trình cho biết.

“Kết quả khảo sát của Ấn Độ cho thấy những lo lắng về dân số đã ngấm vào phần lớn người dân”, Andrea Wojnar, đại diện của UNFPA ở Ấn Độ, cho biết trong một tuyên bố.

“Tuy nhiên, các con số về dân số không nên gây lo lắng hay gây báo động. Thay vào đó, chúng nên được coi là biểu tượng của tiến triển, phát triển và khát vọng nếu các quyền và lựa chọn cá nhân được đề cao”.

Ấn Độ đã làm nhiều việc đúng đắn để đối phó với việc dân số gia tăng, bà Poonam Muttreja, viên chức của tổ chức tình nguyện Quỹ Dân số Ấn Độ, nói.

“Đồng thời, chúng ta cần bảo đảm trẻ em gái và phụ nữ không bị ép kết hôn và có thai sớm, vốn hạn chế hoài bão của họ”, bà nói trong một tuyên bố.


Cháy Bệnh Viện ở Bắc Kinh, Ít Nhất 29 Người Thiệt Mạng


(Hình: Khói bốc ra từ tầng trên của bệnh viện Trường Phong ở Bắc Kinh.)

-Có tới 29 người thiệt mạng hôm 19/4/2023, trong vụ hỏa hoạn tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, một trong những vụ cháy gây thương vong nhiều nhất ở thủ đô Trung Quốc trong ít nhất hai thập kỷ.

Trong số những người chết có 26 bệnh nhân, vụ cháy cũng làm bị thương hàng chục người khác.

Trên mạng xã hội có những hình ảnh video gay cấn về những người dùng ra trải giường buộc lại trèo xuống tường để thoát khỏi đám khói và lửa sau khi đám cháy bùng phát tại Bệnh viện Trường Phong hôm 18/4.

Các viên chức cho biết trong cuộc họp báo hôm 19/4 rằng trong số 29 người chết chỉ có 3 người không phải là bệnh nhân, và đám cháy đã được dập tắt trong vòng nửa giờ.

“Có rất nhiều khói, tôi có thể thấy khói”, một người dân địa phương lớn tuổi chỉ tiết lộ là họ Lý, nói. Ông đã cung cấp cho Reuters các đoạn băng mà ông ghi lại được về khói bốc lên cuồn cuộn từ các tầng trên của bệnh viện.

Giới chức đang điều tra vụ hỏa hoạn chết chóc nhất ở Bắc Kinh kể từ ít nhất là năm 2002, khi một vụ cháy quán internet khiến cho 25 người chết.

Cửa sổ vỡ và cháy trụi có thể được nhìn thấy tại hiện trường với sự hiện diện của nhiều công an, một số mặc thường phục, các nhân chứng của Reuters cho biết.

Kiểm tra ban đầu cho thấy đám cháy, chủ yếu xảy ra ở khối nhà dành cho bệnh nhân nặng, là do vật liệu sơn dễ cháy tại một khu đang được cải tạo, giới chức cho biết.

Đến ngày 19/4, nhiều bài đăng chỉ trích vụ hỏa hoạn trên mạng xã hội WeChat đã bị kiểm duyệt hoặc xóa, kết quả kiểm tra của Reuters cho thấy.

“Công tác cấp cứu tại hiện trường kết thúc trong vòng ba tiếng rưỡi, nhưng công chúng chỉ biết rằng 21 nạn nhân đã chết trong đám cháy sau 8 giờ tối”, một người viết trên WeChat mà ngay sau đó đã bị xóa.

“Thật khó hiểu khi có rất ít thông tin về một vụ hỏa hoạn khiến cho 21 người chết ở một thành phố lớn đông dân như Bắc Kinh trước khi có thông báo chính thức”.

Sáng sớm ngày 19/4, 39 người bị thương vẫn đang nằm viện, ba người trong tình trạng nguy kịch và 18 người bị thương nặng, các viên chức nói trong cuộc họp báo.


Tìm Hiểu Về Các ‘Đồn Công An Chìm’ của Trung Quốc ở Ngoại quốc


(Hình: Ông “Harry” Lu Jianwang, một trong hai người Trung Quốc có quốc tịch Mỹ, bị bắt vì bị cáo buộc lập đồn công an chìm tại New York nhân danh chính phủ Trung Quốc.)

-Cảnh sát ở New York đã bắt giữ hai người đàn ông bị cáo buộc lập đồn công an chìm tại New York cho một cơ quan công an cấp tỉnh của Trung Quốc để thu thập thông tin về những người chống đối Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Các văn phòng như vậy đã được báo cáo trên khắp Bắc Mỹ, Âu Châu và ở các quốc gia khác, nơi có cộng đồng người Hoa bao gồm những người chỉ trích Đảng Cộng sản có gia đình hoặc doanh nghiệp ở Trung Quốc. Trung Quốc phủ nhận đó là đồn công an, nói rằng chúng tồn tại chủ yếu để cung cấp các dịch vụ công dân như gia hạn giấy phép lái xe.

Lãnh đạo đảng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng mà chiến dịch này cũng nhắm vào những người chỉ trích chế độ của ông trong và ngoài nước, đồng thời tìm cách truy đuổi những người bị cáo buộc phạm tội tài chánh.

Vụ Mỹ bắt giữ hai người ở New York hôm 17/4/2023 diễn ra cùng với các cáo buộc đối với 34 nhân viên thuộc lực lượng công an ở Trung Quốc đã sử dụng mạng xã hội để quấy rối những người ở Mỹ chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhà chức trách Mỹ nói ngày 17/4.

Dưới đây là những cáo buộc rằng Trung Quốc đang điều hành các đồn công an chìm ở ngoại quốc và phản ứng dữ dội mà họ gặp phải.

Điều Mới Nhất Trong Vụ New York Là Gì?

Hai người đàn ông bị bắt đang hoạt động dưới sự chỉ đạo và kiểm soát của một viên chức chính phủ Trung Quốc, Bộ Tư pháp Mỹ nói trong một tuyên bố hôm 17/4.

Vụ bắt giữ những người đàn ông, được xác định là “Harry” Lu Jianwang, 61 tuổi, ở Bronx, và Chen Jinping, 59 tuổi, ở Manhattan, cả hai đều là công dân Hoa Kỳ, là vụ bắt giữ đầu tiên thuộc loại này ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.

Các viên chức thực thi pháp luật Hoa Kỳ cho biết cả hai đã không đăng ký với Bộ Tư pháp tư cách là đặc vụ của chính phủ ngoại quốc. Và mặc dù văn phòng này đã thực hiện một số dịch vụ như giúp công dân Trung Quốc gia hạn bằng lái xe Trung Quốc, nhưng nó cũng phục vụ một chức năng “nham hiểm” hơn, bao gồm giúp chính phủ Trung Quốc xác định nơi ở của một nhà hoạt động dân chủ gốc Hoa sống ở California và đe dọa một kẻ đào thoát, người mà công an muốn trở về Trung Quốc, các viên chức Mỹ nói.

Mục Đích Của Các Văn Phòng Này

Ngày 18/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói “không có cái gọi là đồn công an ở ngoại quốc” và cáo buộc Hoa Kỳ “bôi nhọ và thao túng chính trị”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ điều hành các trung tâm ở ngoại quốc để giúp công dân thực hiện các nhiệm vụ giấy tờ, chẳng hạn như gia hạn giấy phép lái xe, thường được thực hiện tại các đồn công an ở Trung Quốc.

Nhưng nhóm phi chính phủ Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha, trong một phúc trình được công bố vào năm 2022, cáo buộc công an Trung Quốc sử dụng các văn phòng này để theo dõi những người chỉ trích ở ngoại quốc và quấy rối hoặc đe dọa cả công dân lẫn người không phải công dân Trung Quốc. Một viên chức Trung Quốc năm 2022 tuyên bố rằng 210.000 nghi phạm lừa đảo đã được “thuyết phục” trở về Trung Quốc vào năm 2021 như một phần của cuộc trấn áp lừa đảo qua điện thoại, mặc dù các nhà nghiên cứu đã viết rằng không phải tất cả đều bị truy tố tội phạm hình sự. Các quốc gia bao gồm Gia Nã Ðại và Ái Nhĩ Lan đã yêu cầu Trung Quốc đóng các đồn này hoặc mở các cuộc điều tra của riêng họ sau phúc trình của Safeguard Defenders.

Theo các Công tố viên ở New York, đồn công an chìm ở New York được điều hành bởi chi nhánh Phúc Châu của Bộ Công an Trung Quốc, không có thẩm quyền hoạt động ở đó và vi phạm luật pháp cũng như chủ quyền quốc gia của Mỹ.

Cuộc Điều Tra Sẽ ảnh Hưởng Đến Quan Hệ Mỹ-Trung Như Thế Nào?

Quan hệ chính trị Trung-Mỹ đang ở mức thấp lịch sử. Vào tháng 2 năm nay, Hoa Kỳ đã hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Anthony Blinken tới Bắc Kinh giữa làn sóng phẫn nộ về việc khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay qua Mỹ. Không tin tưởng Trung Quốc là một trong số ít lĩnh vực mà cả đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ tìm thấy điểm chung và cáo buộc về các đồn công an của Trung Quốc bất hợp pháp có thể sẽ kích động tâm lý cấm các thương hiệu Trung Quốc như Huawei và TikTok. Các quốc gia, theo Hiệp ước quốc tế, phải thông báo cho nhau về thời gian và địa điểm họ điều hành các cơ quan đại diện ngoại giao của mình.

Không rõ liệu Trung Quốc có tìm cách để hai người đàn ông bị bắt ở Hoa Kỳ được trả tự do hay không, cả hai đều là công dân Hoa Kỳ. Trung Quốc trước đây đã bị cáo buộc về ngoại giao con tin, bao gồm cả việc bỏ tù hai công dân Gia Nã Ðại liên quan đến việc giam giữ một Giám đốc điều hành hàng đầu của công ty điện tử khổng lồ Huawei.

Trung Quốc Có Điều Hành Các Văn Phòng Tương Tự ở Đâu Không?

Trong một thông cáo báo chí tháng 2/2002, chính quyền tỉnh Phúc Kiến cho biết họ đã thành lập đợt đầu tiên gồm 30 “Trạm Dịch vụ Hải ngoại của Công an Phúc Châu” trên năm châu lục. Tỉnh này có truyền thống gửi làn sóng di dân đến Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Úc Châu và Âu Châu.

Số lượng văn phòng dịch vụ — Safeguard Defenders ước tính hơn 100 — đã được báo cáo trên khắp thế giới, từ Gia Nã Ðại đến Tân Tây Lan. Một số có trụ sở tại các Tòa Ðại sứ, trong khi một số khác hoạt động bên ngoài các trung tâm thương mại mà các thành viên của cộng đồng người Hoa hải ngoại thường xuyên lui tới.

Tại Ý Ðại Lợi, công an Trung Quốc đã thỏa thuận với chính phủ vào năm 2016 để tiến hành tuần tra chung với cảnh sát địa phương hỗ trợ khách du lịch nói tiếng Trung Quốc. Ý Ðại Lợi đã chấm dứt chương trình này năm 2022 tiếp sau phúc trình của Safeguard Defender.


Iceland Cho Tàu Ngầm Nguyên Tử Mỹ Được Tiếp Liệu ở Ngoài Khơi Nước Này

-Nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho khối Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc giám sát hạm đội tàu ngầm của Nga, Iceland ngày 18/4/2023 cho biết đã bật đèn xanh cho tàu ngầm nguyên tử Mỹ được tiếp nhiên liệu ở ngoài khơi nước này.

Trong một thông cáo, chính quyền Reykjavik nói rõ: “Quyết định cho phép của Bộ Ngoại giao nằm trong khuôn khổ chính sách của chính phủ Iceland nhằm hỗ trợ khả năng giám sát và phản ứng của lực lượng Đồng Minh (khối NATO) ở vùng Bắc Đại Tây Dương”.

Dù là thành viên sáng lập Liên minh NATO từ năm 1949, quốc gia Bắc Âu nhỏ bé chỉ có 370.000 dân cho đến nay vẫn từ chối các chuyến ghé thăm của tàu ngầm nguyên tử, do chủ trương của iceland phản đối năng lượng nguyên tử và vũ khí nguyên tử.

Cũng vì chủ trương phi nguyên tử mà cho dù bật đèn xanh cho việc tiếp đón tàu ngầm nguyên tử Mỹ, chính quyền Reykjavik đã đề ra hai điều kiện: Việc tiếp liệu sẽ không diễn ra tại các cảng mà ở “vài cây số ngoài khơi” các cảng, và các tàu ngầm có liên quan không được mang vũ khí nguyên tử.

Chính phủ Iceland xác nhận “chiếc tàu ngầm đầu tiên sẽ thực hiện chuyến thăm trong một tương lai gần”.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, vùng biển Đại Tây Dương xung quanh Iceland nổi tiếng là khu vực có tính chất chiến lược đối với tàu ngầm, là tuyến qua lại của đội tàu Nga đến từ Biển Barents và các tàu phương Tây đến từ Biển Bắc hoặc Hoa Kỳ.

Iceland là thành viên NATO, nhưng không có quân đội riêng mà chỉ có một đơn vị Tuần Duyên. Tuy nhiên, căn cứ Không quân Keflavik tại nước này là nơi đồn trú của một lực lượng phi cơ do thám và chống tàu ngầm hùng hậu của Mỹ với cả chục chiếc P-8 Poseidon và P-3 Orion.


Hoa Kỳ: Fox News Chi Gần 800 Triệu Mỹ Kim! Để Khỏi Ra Tòa Vì Tội Vu Khống

-Trong một thỏa thuận được dàn xếp vào giờ chót tối 18/4/2023, kênh truyền hình Mỹ Fox News, nổi tiếng với lập trường bênh vực cựu Tổng thống Donald Trump, đã chấp nhận bồi thường cho công ty chế tạo máy bỏ phiếu điện tử Dominion số tiền 787,5 triệu Mỹ kim, để khỏi phải ra tòa trong vụ kiện về tội vu khống trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

Dominion là một công ty có máy bỏ phiếu được 28 tiểu bang tại Mỹ sử dụng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 với kết quả là ông Joe Biden giành chiến thắng. Công ty này đã bị các phần tử thân Donald Trump cực lực tố cáo là đã giúp ông Biden “gian lận phiếu bầu”, những lời cáo buộc không hề có cơ sở nhưng đã được kênh Fox News truyền tải rộng rãi.

Công ty Dominion đã kiện Fox News về tội vu khống và đòi bồi thường đến 1,6 tỉ Mỹ kim thiệt hại. Khả năng kênh truyền hình bảo thủ thua kiện gần như chắc chắn, vì trong một kết luận ngày 31/3 vừa qua, Thẩm phán phụ trách vụ kiện đã xác định những cáo buộc trên Fox News về công ty Dominon đều sai sự thật.

Theo thông tín viên RFI Guillaume Naudin tại Hoa Thịnh Ðốn, với dàn xếp tài chánh đạt được vào giờ chót hôm qua, Fox News sẽ không phải ra tòa và tránh được nỗi nhục là phải xin lỗi và công nhận là mình đã nói dối.

Trên thế giới ở đâu cũng vậy, nói dối là sai, và ở Hoa Kỳ, điều đó cũng có thể gây tốn kém, thậm chí rất tốn kém: Gần 800 triệu Mỹ kim, đó là số tiền mà Fox News đồng ý trả cho công ty sản xuất máy bỏ phiếu Dominion.

Sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, một số người dẫn chương trình tên tuổi trên kênh này đã khẳng định rằng máy móc của Dominion đã giúp làm sai lệch kết quả bầu cử. Vấn đề là các khẳng định trên đều sai sự thật và tệ hơn nữa là những người có liên quan đã loan truyền những khẳng định đó trên sóng truyền hình, dù chính họ đều biết rằng đó là những lời nói dối. Các tin nhắn trao đổi trong nội bộ Fox News mà cuộc điều tra phát giác ra đã chứng thực điều đó.

Nếu phải ra tòa trong vụ kiện, các ngôi sao của kênh truyền hình bảo thủ này sẽ phải công khai thừa nhận sai trái, trong đó có chủ nhân của Fox News là trùm truyền thông Rupert Murdoch, điều thật khó tưởng tượng đối với một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới, rốt cuộc đã phải nhượng bộ, và Dominion sẽ nhận được số tiền tương đương với khoảng 10 lần giá trị được ước tính của công ty.

Điều quan trọng nhất là thỏa thuận dàn xếp hôm qua đi kèm với việc Fox News phải thừa nhận rõ ràng là thông tin sai lệch đã được họ phát sóng, một vố đau cho một kênh truyền thông tự cho là luôn tuân thủ các tiêu chuẩn báo chí gắt gao nhất. Tuy nhiên, thỏa thuận không đi xa đến mức bắt buộc các ngôi sao của Fox News phải thừa nhận các điều đó trên sóng.


Kỷ Lục! Bộ Xương Khủng Long T-Rex Được Bán Đấu Giá 5,6 Triệu Euro Tại Zurich

-Với chiều cao 4m, dài 11 mét, Trinity, tên bộ xương khủng long T-Rex 67 triệu năm tuổi, vừa được bán tại một cuộc đấu giá ở Thụy Sĩ với giá gần 5 triệu Euro, cộng thêm phí là gần 5,6 triệu.

Đây là lần đầu tiên một bộ xương đầy đủ của loài khủng long T-Rex được bán tại Âu Châu. Bộ xương hóa thạch của Trinity được tìm thấy ở Montana và Wyoming, Tây-Bắc nước Mỹ trong khoảng thời gian 2008-2013. Trinity từng thuộc về một nhà sưu tập người Mỹ, rồi sau này là một nhà sưu tầm khủng long và tác phẩm nghệ thuật người Âu Châu.

Đây quả là một màn quảng cáo hấp dẫn cho nhà bán đấu giá Koller, bên tổ chức cuộc bán đấu giá ở Zurich. Nhưng đối với các nhà Cổ sinh vật học thì đây lại là một sự lãng phí. Từ Geneva, thông tín viên đài RFI Jeremie Lanche tường thuật:

Về mặt chính thức, Trinity chỉ còn có 50% bộ xương được lấy ra từ ba mẫu vật, phần còn lại chỉ là xương đúc. Nhưng chừng đó cũng đủ để xem đấy như là một hóa thạch khủng long đích thực. Dù vậy, giá bán của Trinity vẫn thấp hơn nhiều so với mức bán kỷ lục của Stan, một con khủng long T-Rex khác được bán ra với giá gần 32 triệu Euro hồi năm 2020.

Loài khủng long thu hút các nhà sưu tập giầu có, sẵn sàng chi tiền để tự thưởng cho mình một chút hương vị của Jurassic Park. Người ta còn thấy các diễn viên điện ảnh Leonardo di Caprio và Nicolas Cage xé toạc hộp sọ một con T-Rex cách nay vài năm trước sự thất vọng của nhiều nhà cổ sinh vật học.

Những nhà khoa học này lo lắng nhìn thấy các đối tượng nghiên cứu của họ bị biến thành hàng hóa. Đối với họ, vị trí của một T-Rex không phải là ở phòng khách, mà là trong viện bảo tàng. Nhưng chọn lựa tốt nhất để xem một con T-Rex vẫn là một buổi tối với đĩa DVD.


Tin Việt Nam Hôm Nay

CSVN Khởi Tố Một Mục Sư ở Mỹ, Bắt Giam Thầy Truyền Đạo của Hội Thánh Độc Lập


(Hình: Mục sư Tin Lành A Ga (phải) và đạo hữu Cao Đài Lương Xuân Dương chụp ảnh lưu niệm trước khi vào Tòa Bạch Ốc gặp Tổng thống Donald Trump chiều ngày 17/7/2019.)

-Công an tỉnh Đắc Lắc vừa khởi tố Mục sư Tin Lành A Ga sống lưu vong ở tiểu bang North Carolina, Mỹ, về tội “Phá hoại chính sách đại đoàn kết”, đồng thời bắt giam thầy truyền đạo Y Krếc Byă thuộc hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên với cùng tội danh.

Mục sư A Ga, hiện là thường trú nhân ở Mỹ, nêu nhận định với VOA:

“Họ khởi tố như vậy không đúng sự thật. Hội thánh Tin Lành Đấng Christ của chúng tôi rất hòa đồng với tất cả các hệ phái khác nhau. Chẳng qua là họ thấy hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên càng ngày càng phát triển nên họ sợ”.

Hôm 8/4, cổng thông tin Bộ Công an thông báo về việc công an tỉnh Đắc Lắc khởi tố bị can đối với ông A Ga, gọi ông “là 1 đối tượng phản động FULRO lưu vong” và khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Y Krếc Byă, với cáo buộc “Phá hoại chính sách đoàn kết” theo Điều 116 Bộ luật Hình sự.

Ông A Ga, người sáng lập Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, tị nạn ở Hoa Kỳ từ năm 2018, sau một thời gian lánh nạn ở Thái Lan, cho biết thêm:

“Chính quyền tìm cớ bằng mọi cách để khởi tố thầy Y Krếc Byă vừa rồi, và các anh em khác vừa rồi, và ngay cả chính tôi nữa, để cho những người không hiểu biết sẽ nghĩ rằng hội thánh này “gây chia rẽ” giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, dân tộc này với dân tộc khác. Thật ra chính họ mới gây chia rẽ các vấn đề tôn giáo của chúng tôi ở tại Tây Nguyên, Việt Nam!”

“Chúng tôi không làm gì để gây chia rẽ, mất đoàn kết dân tộc cả”.


(Hình: Công an Đắc Lắc bắt ông Y Krec Byă ngày 8/4/2023.)

Từ Thái Lan, ông Y Quynh Bdap, sáng lập viên tổ chức Người Thượng vì Công lý, nêu nhận định với VOA về việc chính quyền khởi tố hai ông A Ga và Y Krếc Byă:

“Việc họ bắt thầy Y Krếc Byă và khởi tố Mục sư A Ga nhằm răn đe các hội thánh độc lập và dập tắt hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên”.

“Mục tiêu của công an tỉnh Đắc Lắc từ năm 2019 là xóa bỏ hệ phái Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên”, ông Y Quynh Bdap cho biết thêm.

Ông nói:

“Việc kết tội “Phá hoại chính sách đại đoàn kết” là việc kết tội rất mơ hồ.

“Việc chính quyền xóa bỏ Tin Lành Đấng Christ không đúng theo công ước quốc tế, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, theo đạo hoặc không theo đạo, và không ai có thể tước được quyền tự do tôn giáo của người khác”.

VOA đã liên lạc Công an tỉnh Đắc Lắc, và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắc Lắc, yêu cầu họ bình luận về các phát biểu này, nhưng chưa được phản hồi.

Báo Đắc Lắc cho biết cơ quan chức năng xác định trong thời gian qua, 2 bị can A Ga và Y Krếc Byă cùng một số đối tượng khác “đã có hành vi chỉ đạo tiến hành những âm mưu, hoạt động phá hoại chính sách đoàn kết; tổ chức hàng trăm buổi hội họp tập huấn trực tuyến để chỉ đạo thu thập các thông tin, tài liệu xuyên tạc, gây chia rẽ giữa người dân với chính quyền và lực lượng vũ trang; gây chia rẽ giữa người dân theo các tôn giáo khác nhau”.

Chính quyền Việt Nam nhiều lần cáo buộc Hội thánh Tin Lành Đấng Christ ở Tây Nguyên là “phản động, chống phá Nhà nước”, thông qua những “chiêu trò lừa mị các tín đồ”.

Một bức thư chung của 35 tổ chức quốc tế đề ngày 13/4 gửi đến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước khi ông cùng phái đoàn Hoa Kỳ đến Việt Nam đề cập đến việc công an tỉnh Đắc Lắc bắt giam thầy truyền đạo Y Krếc Byă khi đang tổ chức lễ vọng Phục Sinh tại gia.

Bức thư khuyến nghị Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi nhà nước Việt Nam chỉ thị các cấp chính quyền địa phương, huyện và tỉnh “phải ngưng ngay chính sách ép tín đồ Tin Lành người H’mong bỏ đạo và phải tôn trọng quyền hành đạo tại tư gia của các tín đồ Thiên Chúa Giáo người Tây Nguyên”.

Trước đó, vào tháng 3, theo Mục sư A Ga, một nhóm các nhà ngoại giao Mỹ đã đến Đắc Lắc tìm hiểu về vấn đề tự do tôn giáo ở khu vực này và gặp gỡ ông Y Krếc Byă nhưng bị chính quyền ngăn cản và không phái đoàn vào nhà ông.

Chính quyền Việt Nam bác bỏ các cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo, cho rằng Việt Nam “luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật”.

“Thực tế từ lâu nay, tại Tây Nguyên đời sống tự do tôn giáo, tín ngưỡng thuần túy luôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp tạo điều kiện hoạt động”, báo Công an Đắc Lắc viết, đồng thời kêu gọi “những tổ chức phản động đội lốt tôn giáo dưới các tên gọi như “Hội thánh Tin Lành đấng Christ Việt Nam” và “Hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên” là cần phải loại bỏ, cần phải tẩy chay ra khỏi cộng đồng”.

CPJ (Ủy Ban Bảo Vệt Ký Giả) Giục CSVN Thả Đường Văn Thái, Kêu Gọi Thái Lan Điều Tra Sự ‘Biến Mất’ của Nhà Báo Bất Đồng Chính Kiến


(Hình: Nhà báo và blogger Đường Văn Thái trong một đăng tải video trên tài khoản YouTube cá nhân có tên “Thái Văn Đường”. Việt Nam tuyên bố bắt giam ông Thái khi “nhập cảnh trái phép” trong khi bạn bè nói ông bị mất tích ở Vọng Các cùng thời gian đó.)

-Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) có trụ sở ở Mỹ vừa kêu gọi giới chức Việt Nam thả tự do cho nhà báo độc lập Đường Văn Thái cũng như ngừng quấy nhiễu và bắt bớ những người làm báo sống lưu vong.

Truyền thông Việt Nam hôm 16/4 đồng loạt đưa tin rằng công an Hà Tĩnh đã bắt giữ một người có tên Đường Văn Thái vì “xâm nhập trái phép” qua biên giới trong khi những bạn bè và đồng nghiệp của ông Thái đang tị nạn ở Thái Lan nói với VOA và các cơ quan báo chí cũng như các tổ chức xã hội dân sự rằng ông bị mất tích cùng thời gian đó ở Vọng Các. Họ nghi ngờ ông Thái bị đặc vụ Việt Nam bắt cóc đưa về nước.

Ông Thái, người thường đăng tải các video bình luận chỉ trích lãnh đạo Việt Nam cho hơn 119.000 độc giả theo dõi trên YouTube, bị mất tích hôm 14/4 cùng ngày Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Việt Nam nơi ông nêu vấn đề nhân quyền khi gặp gỡ các lãnh đạo cao nhất ở Hà Nội, trong đó có Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hai ngày sau đó, khi Ngoại trưởng Mỹ đã rời Việt Nam, các báo mạng do nhà nước Việt Nam quản lý công bố rằng nhà chức trách đã bắt giữ ông Thái.

“Các giới chức Việt Nam phải thả tự do ngay lập tức cho nhà báo Đường Văn Thái và công bố các thông tin chi tiết về việc bắt giữ ông”, ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ tại Đông Nam Á nói hôm 18/4 trong một tuyên bố của tổ chức chuyên cổ vũ cho tự do báo chí trên toàn cầu trong 40 năm qua.

Ông Crispin cho rằng “Việt Nam có lịch sử nhắm mục tiêu vào các nhà báo sống lưu vong” và kêu gọi các nhà chức trách Thái Lan “nên điều tra kỹ lưỡng và minh bạch” về việc ông Thái “biến mất” ở Vọng Các cũng như “bảo đảm rằng những người viết báo không trở thành mục tiêu chỉ vì công việc họ làm”.

VOA đã gửi lời đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Thái Lan và Cơ quan Cảnh sát Nhập cư Thái Lan bình luận về những lời kêu gọi của CPJ.

Ông Thái sang Thái Lan tị nạn từ năm 2019 và được Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) cấp quy chế tị nạn từ năm 2020. Bà Nancy Bui, một nhà hoạt động nhân quyền và thiện nguyện trợ giúp người tị nạn ở Thái Lan, nói với VOA hôm 17/4 rằng ông Thái mất tích ngay sau khi có phỏng vấn tái định cư với UNHCR tại Vọng Các. Bà Nancy còn cho biết bà đã báo với UNHCR về việc mất tích của ông Thái, người đang chờ xin cấp tị nạn ở nước thứ 3.

Văn phòng UNHCR chưa trả lời đề nghị bình luận của VOA gửi qua email từ hôm 17/4.

Trên kênh YouTube có tên “Thái Văn Đường”, ông Thái đưa ra bình luận mang tính chỉ trích chính sách công thương của Việt Nam cũng như các lãnh đạo, gồm Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Trong những đăng tải gần nhất trên kênh cá nhân, ông Thái kêu gọi phế truất Bộ trưởng Công thương và cho rằng các cuốn sách của Tổng Bí thư Trọng viết có nội dung “ăn cắp, sao chép, cóp nhặt”.

Một số tờ báo của nhà nước Việt Nam, gồm trang Công Thương, hôm 17/4 đưa ra các bài viết có nội dung tương tự nhau, trong đó nói rằng người vừa bị công an Việt Nam bắt giữ “trùng tên và địa chỉ quê quán với một YouTuber thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội với tên gọi Thái Văn Đường”.

Các bài viết, mà nội dung được cho là do Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản kiểm duyệt, nói rằng “đối tượng Thái Văn Đường thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đưa ra những luận điệu, thông tin xuyên tạc, bịa đặt, tin đồn thất thiệt với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước”.

Người Việt tị nạn chính trị ở Thái Lan nói với VOA hôm 18/4 rằng họ “hoang mang, lo sợ“ sau việc ông Thái bất ngờ mất tích ở Vọng Các và sau đó bị chính quyền Việt Nam tuyên bố bắt giam vì “nhập cảnh trái phép”.

Trước đây, hồi năm 2019, nhà báo và blogger Trương Duy Nhất cũng được cho là bị bắt cóc khi đang xin tị nạn chính trị ở Thái Lan và sau đó bị chính quyền Việt Nam kết án 10 năm tù. Hai năm trước đó, ông Trịnh Xuân Thanh, từng là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, bị đặc vụ Việt Nam bắt cóc giữa ban ngày ở Bá Linh, theo cáo buộc của chính phủ Đức, và sau đó bị tòa án ở Hà Nội kết án tù chung thân.

Thống kê của CPJ cho thấy có 21 nhà báo đang bị giam cầm ở Việt Nam tính đến 1/12/2022. Tổ chức có trụ sở ở New York xếp Việt Nam trong số những nước bỏ tù nhà báo nhiều nhất trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Miến Ðiện.


Tệ Trạng Lạm Dụng Tình Dục Lan Tràn Khắp Nơi ở Việt Nam!


(Hình: Công an bắt tạm giam ông B.C.T. hôm 17/4/2023.)

-Hôm 17/4/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, cho truyền thông nhà nước biết đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố và bắt tạm giam bị can ông B.C.T. - Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở xã Bình Sơn để điều tra về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Theo cáo trạng, trước đó, vào đầu tháng tư, sau khi gọi hai học sinh lớp 9 lên phòng làm việc, ông Hiệu trưởng đã hỏi em Tr.T.H.N. (15 tuổi) và P.T.T. (15 tuổi) là học sinh lớp 9 trường Bình Sơn về chuyện tình dục và có hành vi dâm ô.

Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên tại trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, hôm 19/4 nhận định:

“Ngành giáo dục liên tục có những chuyện xâm phạm thân thể, tinh thần học sinh từ hàng chục năm nay mà mãi không chấm dứt. Tôi từng này tuổi mà còn bị chúng công khai để làm như thế, thì bản thân em học sinh yếu đuối như thế thì không biết làm cái gì? Hầu như 100% các trường bỏ mặc chuyện giáo dục cho học sinh những kỹ năng bảo vệ mình trong nhà trường. Đầu tiên là kỹ năng đối phó với những sai trái trong trường học, như là như kỹ năng chống bắt nạt học đường, bạo lực học đường, kỹ năng đối phó với chuyện khủng bố của giáo viên. Những kỹ năng ấy gần như người ta bỏ mặc hay là chuyện giáo viên xâm hại tình dục học sinh chẳng hạn”.

Thầy Khoa cho biết, một phần là do cách hành xử của học sinh và giáo viên dẫn đến chuyện xâm phạm lập đi lập lại. Ông nói tiếp:

“Tôi có nói với các em học sinh là các em phải biết bảo vệ mình trước những sai trái. Nhưng khi chúng tôi nói chuyện đó thì Hiệu trưởng còn cho là tôi nói chuyện như thế là không phù hợp với lứa tuổi học sinh”.

Trước đó, vào tháng 12 năm 2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã khởi tố và bắt giam ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Đến năm 2019, ông Đinh Bằng My bị kết án tám năm tù vì dâm ô bảy nam sinh ở Phú Thọ.


(Photo: Cựu Hiệu trưởng Đinh Bằng My bị Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ hôm 29/10/2019, tuyên 8 năm tù giam vì phạm tội dâm ô và thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi.)

Để tìm hiểu thêm về mặt pháp luật, RFA hôm 19/4 liên lạc một cựu Thẩm phán, Luật sư tại Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an ninh, và được ông giải thích:

“Luật hình sự Việt Nam không quy định ở môi trường nào, chỉ quy định xâm phạm lứa tuổi nào. Ví dụ 13 tuổi trở lại; trên 13 tuổi cho đến đủ 16 tuổi; trên 16 tuổi cho đến 18 tuổi và trên 18 tuổi. Vấn đề còn lại đối với thầy cô giáo và học trò, tức là người dưới sự quản lý của mình, hay phụ thuộc vào mình như cha dượng với con riêng của vợ… là tình tiết tăng nặng. Chứ không dành riêng một điều luật, ví dụ người dưới 13 tuổi cho dù đứa bé đó cho phép thì vẫn là hiếp dâm. Còn đủ 13 tuổi cho tới dưới 16 tuổi thì là giao cấu với trẻ em. Luật hiện nay có sự thay đổi, trước đây chủ thể xâm hại có thể là nữ thôi, nhưng bây giờ bất kỳ ai ví dụ một nam bị xâm hại tình dục thì người xâm hại là ai vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Liên quan trường hợp Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, có hành vi dâm ô hai học sinh lớp 9, vị Luật sư nói thêm:

“Nếu dâm ô với một nạn nhân thì khác, còn hai trẻ em thì tình tiết tăng nặng, coi là phạm tội đối với nhiều người. Đây là tình tiết tăng nặng, nó sẽ bù trừ cho những tình tiết giảm nhẹ. Ví dụ ông này có nhiều bằng khen, huy chương gì đó sẽ giảm trừ đi. Vấn đề thứ hai là quá trình điều tra chứng minh ông đã nhiều lần mời hai bé này lên, từ hai lần trở lên gọi là phạm tội nhiều lần đối với nhiều người, đó là tình tiết tăng nặng. Nhưng tình tiết giảm nhẹ không theo luật, chỉ là sáng chế ra một cách tùy tiện ở trong một phiên tòa nào đó”.

Vấn đề hành xử, giáo dục, nhận thức liên quan tình trạng lạm dụng tình dục; đặc biệt trong môi trường học đường được giáo dục ra sao? Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Tp. HCM, khi trao đổi với RFA tối 19/4 cho biết:

“Giáo dục giới tính ở phổ thông họ có dạy chứ không phải không, còn thỉnh thoảng xảy ra những vụ lạm dụng tình dục như vậy là một nỗi đau. Ở Việt Nam gần đây mới thỉnh thoảng thấy có báo chí đăng lên cái đó, tôi tin rằng đó là bề nổi của tảng băng thôi. Nó liên quan một phần văn hóa người Việt, nhiều người sợ hãi chuyện đó, thường thường họ che giấu, họ không dám phản ứng. Chẳng hạn như vụ của Dạ Thảo Phương, đã bị lạm dụng từ thời chị ấy còn rất trẻ, nhưng mãi đến bây giờ mấy chục năm sau chị mới dám công khai lên tiếng nói rõ người đã xâm hại chị là ai. Mấy chục năm sống âm thầm như vậy để thấy rằng đó là một khía cạnh của văn hóa Việt Nam”.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, như thế cũng có thể tin rằng những gì được biết qua báo chí chỉ là phần ít, còn nạn nhân không dám lên tiếng là phần nhiều hơn. Ông Dũng cho biết ông tin rằng, sự thay đổi không thể một sớm một chiều mà phải cần nhiều thời gian.

Bà Dạ Thảo Phương mà Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Dũng nhắc đến là một Nhà thơ, hiện đang sống tại Cyprus. Hôm 3/4/2022, bà đã đăng trên Facebook rằng bà từng bị ông Lương Ngọc An trong quãng thời gian từ năm 1999 đến năm 2000 đã nhiều lần quấy rối tình dục, bất chấp những phản đối quyết liệt của bà. Sau đó bà cùng với sự làm chứng của nhiều người, đã tố cáo với lãnh đạo Báo Văn nghệ, là cơ quan chủ quản của hai người khi đó, nhưng đã không được giải quyết thỏa đáng.


Thấy Gì Từ Nạn Bạo Lực Học Đường ở Việt Nam? Dẫn Đến Việc Học Sinh Tự Tử!

(Trân Văn)


(Hình minh họa.)

-Thân nhân của cô cho biết cô từng bày tỏ ý muốn bỏ học vì “sợ đến trường”. Biết con bị đánh, bị ngược đãi và bị “áp đảo tâm lý”, mẹ cô đã từng xin cho cô chuyển lớp nhưng trường không cho mà chỉ “hứa sẽ tìm hiểu và giải quyết nghiêm”.

Theo nhiều cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam, nguyên nhân khiến thiếu nữ 16 tuổi là nữ sinh lớp 10 Hệ Chất lượng cao của của Trung học Phổ thông Chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự tử hôm 15/4/2023 có thể là do BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG.

Phía Đại học Vinh xác nhận, thiếu nữ này đã từng xin đổi lớp nhưng “chưa được chấp nhận” và từ tháng hai đến ngày quyên sinh, cô đã nghỉ học tám buổi, trong đó có lần nghỉ từng tiết, có lần nghỉ cả buổi....

Thân nhân của cô cho biết cô từng bày tỏ ý muốn bỏ học vì “sợ đến trường”. Biết con bị đánh, bị ngược đãi và bị “áp đảo tâm lý”, mẹ cô đã từng xin cho cô chuyển lớp nhưng trường không cho mà chỉ “hứa sẽ tìm hiểu và giải quyết nghiêm”.

Tại sao phụ huynh đã báo cáo con của họ bị đánh, bị ngược đãi và bị “áp đảo tâm lý” tới mức “sợ đến trường”, phụ huynh phải xin cho đứa trẻ chuyển lớp nhưng những viên chức hữu trách trong ngôi trường vừa đề cập không làm gì cả? Chỉ đến khi điều đáng tiếc xảy ra mới... “khẩn trương làm việc với giáo viên chủ nhiệm và học sinh trong lớp để xác minh các nội dung liên quan một cách chính xác, khách quan nhất” và... “làm báo cáo gửi cơ quan công an”!

Câu trả lời chỉ có thể là dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa, thiếu nữ vừa quyên sinh nói riêng và học sinh nói chung... chẳng là gì cả! Nếu có thân nhân hoặc thân hữu cư trú ở ngoại quốc hãy thử hỏi họ xem ở quốc gia họ đang cư trú, hệ thống giáo dục những nơi đó ứng xử ra sao với “bạo lực học đường”. Trong mắt thiên hạ, “bạo lực học đường” không đơn thuần chỉ là bạo hành về thể chất, chỉ châm chọc về những khiếm khuyết, khác biệt cũng đã bị nghiêm trị bởi điều đó cũng bị xem là bạo hành, bạo hành về tâm lý.

Không phải tự nhiên mà “bạo lực học đường” trở thành vấn nạn phổ biến tại Việt Nam. Giữa tháng trước, thêm một lần nữa công chúng lại có dịp mục kích một nữ sinh lớp Bảy của trường Trung học Cơ sở số 1 Bắc Lý (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) tát liên tiếp vào mặt một nữ sinh lớp Sáu cùng trường, sau đó còn bắt nạn nhân quỳ xuống. Không những không can ngăn, một trong những đứa trẻ chứng kiến cảnh này còn dùng điện thoại ghi lại diễn biến rồi đưa lên mạng xã hội….

Theo một số cơ quan truyền thông chính thức, xung đột xảy ra tại trường Trung học cơ sở số 1 Bắc Lý khởi đầu từ việc nạn nhân nhờ một học sinh lớp 8 đe dọa và đánh thủ phạm. Không ai giải quyết vụ này cho đến khi thủ phạm trả đũa khiến Trung học cơ sở số 1 Bắc Lý trở thành tâm của một scandal, Ban Giám hiệu mới “thành lập hội đồng để giải quyết sự việc”, đồng thời tuyên bố “sẽ xác minh thêm các trường hợp liên quan như học sinh quay clip, học sinh phát tán clip, học sinh chứng kiến sự việc nhưng không can ngăn”.

Hai tuần sau (cuối tháng ba), công chúng lại tiếp tục được xem một video clip khác ghi lại cảnh một nữ sinh của trường Trung học sở sở Phước Bình (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) bị một nhóm nữ sinh khác cùng trường lao vào giựt tóc, dùng mũ bảo vệ đầu đánh liên tục vào mặt, vào người,.... Tháng rồi, tại Bình Phước còn một vụ bạo hành khác do học sinh là thủ phạm, 5 nữ sinh của trường Trung học cơ sở Tân Phú (huyện Đồng Phú) cùng đánh một nữ sinh khác rồi ghi hình, post lên Internet...

***

Cách nay hai tháng, chỉ ít ngày sau khi được Tổng thống Nam Hàn bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Điều tra của Cảnh sát Nam Hàn (chỉ huy các điều tra viên trên toàn quốc), ông Chung Sun-sin (từng là Công tố viên trong 20 năm, sau đó chuyển qua làm Luật sư) đã xin từ nhiệm vì công chúng phát giác con trai ông từng bắt nạt bạn học suốt tám tháng. Tuy đó chỉ là... “mắng chửi” và con trai ông Chung đã bị buộc thôi học, phải chuyển sang trường khác nhưng với công chúng thì đó vẫn là chuyện khó có thể chấp nhận.

Trong thông báo từ nhiệm, ông Chung viết: Nhiều người lo ngại về chuyện của con trai tôi. Với sai sót này, tôi tự thấy không thể đảm đương vai trò Chánh Văn phòng Điều tra Quốc gia. Thêm một lần nữa, tôi xin nạn nhân và cha mẹ của cậu ấy tha thứ cho những gì mà con trai tôi đã làm…. Tại sao cả những viên chức hữu trách trong lĩnh vực giáo dục, lẫn lĩnh vực bảo vệ trật tự trị an và quản trị - điều hành xã hội tại Việt Nam không nhận thức và hành xử như vậy trước thực trạng nhức nhối như đã biết và đang thấy?

Câu trả lời vẫn lại là, với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, con người cả nhân phẩm, lẫn thân thể, hay tài sản chẳng là gì cả. Dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa đã thế thì xã hội tất nhiên cũng thế và ngược lại.

Những câu chuyện rất mới khác: Ví dụ chuyện một giáo viên gọi một nữ sinh lên bục giảng để cắt tóc cô bởi cô dám nhuộm ít sợi trước các bạn đồng môn,... sau đó “cô trò ôm nhau, cùng xin lỗi trước lớp” là xong ... Hay chuyện một thanh niên dường như do mất tri giác bởi dùng ma túy tổng hợp, xông vào một ngôi chùa tọa lạc ở xã Đức Lập Hạ (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đập phá chánh điện, sau khi chánh điện tan hoang thì phóng hỏa đốt chùa,... dẫu vị sư trụ trì đã gọi điền thoại cầu cứu nhưng công an vẫn không tới, cuối cùng chính dân chúng phải tìm cách khống chế, áp giải đương sự đến công an... liệu có liên quan gì tới vấn nạn “bạo lực học đường” chăng?

Chắc chắn là có – đó là quan hệ nhân quả. Đã chấp nhận những biện luận về cách sử dụng bạo lực kiểu như “nạn nhân tự va vào gậy của cảnh sát giao thông”, chấp nhận chuyện hết người này bị tạm giam, tới người kia bị tạm giữ, mất mạng đều do... đột tử hay... tự tử, hoặc nhận định tình trạng chết khi bị giam giữ không quá chỉ tiêu là có thể... chấp nhận được, chấp nhận “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”, chấp nhận “mạnh được, yếu thua” là điều không thể thay đổi cả trong quản trị - điều hành quốc gia lẫn sinh hoạt xã hội thì có không muốn cũng cứ phải chấp nhận “bạo lực học đường” như một phần không thể thiếu vắng dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa.


Việt Nam và Hoa Kỳ Hợp Tác Ngăn Chặn và Buôn Bán Gỗ Bất Hợp Pháp

(Hình: Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Thomas Vilsack.)

-Hôm 19/4/2023, Hoa Kỳ cho biết họ và Việt Nam đang tiến hành hợp tác giải quyết vấn đề gỗ bất hợp pháp.

“Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ (USFS) và Việt Nam đang hợp tác trong việc ngăn chặn khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp”, Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ cho biết trên Facebook.

“Việt Nam đang tiếp nhận một trong những danh mục hỗ trợ lớn nhất từ Chương trình quốc tế của USFS, giúp giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, tái trồng rừng, lâm nghiệp đô thị”.

Thông báo này được đưa ra nhân dịp Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Thomas Vilsack có chuyến thăm Việt Nam.

Ông Vilsack được Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ hôm 19/4 dẫn lời nói rằng “hôm nay, tôi đã đến thăm Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam để nêu bật việc Hoa Kỳ đang hỗ trợ Việt Nam áp dụng khoa học và kỹ thuật tiên tiến nhất, giúp mối quan hệ thương mại của chúng ta tiếp tục phát triển một cách bền vững”.

Trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 15/4, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã thông báo về chuyến thăm của ông Vilsack khi nói về việc hai quốc gia hợp tác giải quyết các vấn đề liên quan tới Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Theo trang web của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng bộ này, ông Lê Minh Hoan, hôm 18/4 đã có buổi tiếp và làm việc với ông Vilsack.

Ông Hoan được dẫn lời “cảm ơn” Hoa Kỳ và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ “đã có nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, qua đó giúp tăng cường năng lực cho các cơ quan kỹ thuật của Việt Nam”.

Theo trang web của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Hoan kêu gọi ông Vilsack “quan tâm hỗ trợ các nguồn lực về tài chánh và kỹ thuật thông qua các sáng kiến và hành động cụ thể để Việt Nam có thể tăng cường năng lực và thực hiện thành công các cam kết của mình khi tham gia các sáng kiến toàn cầu”.


Thủ tướng Phê Bình 4 Tỉnh Bị Cho Có Ngư Dân Vi Phạm Vùng Biển Nước Khác


(Hình: Ngư dân Việt trên một tàu đánh cá gần đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi năm 2014.)

-Bốn tỉnh ven biển Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang bị Thủ tướng Chính phủ Hà Nội Phạm Minh Chính phê bình vì tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu đánh cá địa phương vi phạm vùng biển ngoại quốc từ đầu năm 2023 đến nay.

Biện pháp phê bình như vừa nêu được đưa ra trong Công điện do ông Phạm Minh Chính ký ngày 17/4/2023 vừa qua. Người đứng đầu Chính phủ Hà Nội còn yêu cầu bốn tỉnh này tiến hành kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị liên quan và báo cáo cho Thủ tướng chính phủ trước ngày 15/5 tới đây.

Ông Phạm Minh Chính cho rằng công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đạt một số kết quả tích cực nhưng chưa chuyển biến rõ rệt.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam được ban hành nhằm chuẩn bị cho cuộc làm việc sắp đến với đoàn thanh tra EC lần thứ tư về tình trạng liên quan IUU của Việt Nam. Đợt thanh tra dự kiến diễn ra từ ngày 25 đến 31/5/2023.

Vào ngày 23 tháng 10 năm 2017, Ủy Ban Âu Châu (EC) đã quyết định cảnh cáo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam, vì không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EC trong công tác chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Năm 2021, Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu đánh cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển ngoại quốc. Tuy nhiên, trong năm 2022, thống kê chính thức cho thấy có hiện 62 vụ vi phạm với 85 tàu đánh cá và 704 ngư dân bị nước khác trong khu vực bắt và xử phạt.

Vào tháng 1/2023, bốn tàu đánh cá của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị phạt tiền vị vi phạm những lỗi trong quy định IUU gồm tháo và tắt thiết bị giám sát hành trình, không có nhật ký khai thác, che giấu chứng cứ vi phạm. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phạt bốn tàu vi phạm hơn 2,5 tỉ đồng, thuyền trưởng bị tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ từ 6 - 12 tháng.

Tỉnh Kiên Giang vào ngày 15/4 vừa qua cho biết lực lượng chức năng phát giác 45 tàu vi phạm trong đánh bắt hải sản.


Việt Nam và Cam Bốt Sẽ Diễn Tập Quân Sự Chung ở Biên Giới

-Quân đội Việt Nam và Cam Bốt sẽ có các diễn tập quân sự chung để tăng cường hợp tác. Diễn tập quân sự sẽ tập chung vào việc chống tội phạm xuyên biên giới và cấp cứu sau thảm họa, mục đích để duy trì hòa bình, ổn định và trật tự và an ninh ở đường biên giới giữa hai nước.

Theo Phnom Penh Post, thỏa thuận này được đưa ra trong cuộc hội đàm hàng năm vừa diễn ra vào ngày 17/4 vừa qua ở Nam Vang giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Tư lệnh Lục quân, Quân đội Hoàng gia Cam Bốt.

Phnom Penh Post dẫn thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng nước này cho biết hai bên cam kết hợp tác như trong tuyên bố chung hồi năm 2019 về hợp tác quốc phòng trong giai đoạn 2020 – 2024 cũng như kế hoạch hàng năm cho năm 2023.

Hai bên cũng cam kết thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác biên giới.

Theo báo Biên Phòng của Việt Nam, hai bên tại cuộc gặp cam kết sẽ chủ động tổ chức hoạt động tuần tra song phương, quản lý biên giới, bảo vệ nguyên trạng đường biên giới, mốc quốc giới; phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và xuất-nhập cảnh trái phép. Sẵn sàng phối hợp ứng phó hiệu quả thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Mới đây, vào ngày 19/4, hai nước cũng tổ chức Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Cam Bốt lần thứ 6 tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) với sự tham gia của Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, và Đại tướng Neang Phat, Quốc vụ khanh Thường trực Bộ Quốc phòng Cam Bốt.

Theo báo Quân Đội Nhân Dân, tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận về vấn đề Biển Đông và nhất trí các bên liên quan cần tuân thủ Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và xúc tiến sớm kết thúc đàm phán, ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS-1982).

Cam Bốt không phải là một nước có tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông nơi Trung Quốc có đòi hỏi về chủ quyền đến gần 90% diện tích vùng nước. Cam Bốt cũng bị cho là nước ủng hộ Bắc Kinh, cản trở việc ASEAN đưa ra các tuyên bố chung lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.


Việt Nam Yêu Cầu Rà Soát 6 Công Ty Mỹ và Trung Quốc Trong Lĩnh Vực Phát Thanh và Truyền Hình


(Hình: Logo của Netflix tại một nhà hát ở Los, Angeles, Mỹ, hôm 14/9/2022.)

-Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam vừa có yêu cầu các nhà mạng rà soát hoạt động hợp tác, cho thuê dịch vụ với 6 công ty của Mỹ và Trung Quốc hiện đang cung cấp dịch vụ phát thanh và truyền hình trả tiền xuyên biên giới vào Việt Nam.

Các công ty ngoại quốc được nêu tên gồm Netflix, Apple, Amazon, Tencent, IQIYI và Hồ Nam.

Yêu cầu này được đưa ra nhằm thực hiện Nghị định 71 mới được ban hành vào tháng 10 năm 2022 của Việt Nam về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Nghị định mới có các quy định liên quan đến các doanh nghiệp ngoại quốc, buộc các doanh nghiệp này phải có Giấy phép cung cấp dịch vụ để hoạt động tại Việt Nam.

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), việc rà soát này là nhằm bảo đảm nội dung hợp tác không vi phạm những quy định cấm, cũng như không gián tiếp tạo điều kiện để các doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. Qua đó, tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp ngoại quốc đang cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền xuyên biên giới vào Việt Nam nhưng chưa có giấy phép.

Báo Nhà nước dẫn thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Netflix xác nhận sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Ba doanh nghiệp gồm IQIYI, Tencent của Trung Quốc và Apple của Mỹ sẽ điều chỉnh hoạt động để chỉ phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam. Riêng hai công ty Hồ Nam (Trung Quốc) và Amazon (Mỹ) sẽ không tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động phổ biến phim trên mạng với Netflix, Apple, Tencent và IQIYI; đồng thời chỉ đạo các Sở VHTT&DL rà soát, không chấp thuận việc quảng cáo, truyền thông quảng bá cho dịch vụ của những đơn vị này, khi doanh nghiệp chưa thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về phổ biến phim trên mạng hoặc chưa có giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.


Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn Đang Bị Truy Nã Vẫn Chưa Thôi Quốc Tịch Việt Nam


(Hình: Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC.)

-Bà Nguyễn thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), đang bị truy nã do bỏ trốn khỏi Việt Nam, vẫn còn quốc tịch Việt Nam vì chưa hoàn tất các thủ tục từ bỏ quốc tịch theo quy định.

Bộ Tư pháp Việt Nam vào chiều ngày 19/4/2023 trả lời truyền thông như vừa nêu khi được hỏi về vấn đề liên quan. Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực thuộc Bộ Tư pháp - ông Nguyễn Thanh Hải - trả lời báo chí rằng cơ quan của ông phụ trách chưa nhận được thông tin do địa phương nơi bà Nhàn cư trú chuyển đến liên quan việc thôi quốc tịch Việt Nam của bà Nguyễn thị Thanh Nhàn.

Ông Hải trình bày lại quy trình xin thôi quốc tịch Việt Nam. Cụ thể người muốn thôi quốc tịch Việt Nam phải nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Tư pháp nơi cư trú, không được ủy quyền. Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp đăng thông báo về việc này trên một báo viết hay báo điện tử ở địa phương trong ba số liên tiếp, và đăng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp Việt Nam. Sở Tư pháp còn phải đề nghị Công an cấp tỉnh/thành xác minh về nhân thân người nộp đơn. Thời hạn giải quyết đơn xin thôi quốc tịch hợp lệ là 75 ngày.

Vào tháng 11/2022, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bảy người khác trong vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ…” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan được Bộ Công an Việt Nam thông báo đang bỏ trốn và bị truy nã. Công an Việt Nam kêu gọi họ ra đầu thú.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xác định có vai trò lớn trong vụ án. Bà này trốn truy nã và bị phát giác đang ẩn mình ở Âu Châu. Bản thân bà Nhàn từng là trung gian cho các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và những nhóm quốc phòng Phương Tây. Trong đó có thương vụ mua bán một vệ tinh quân sự cho Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Do Thái (IAI) hồi năm 2018.

Vào ngày 4/1/2023, bà Nhàn bị Tòa Hà Nội tuyên án tổng cộng 30 năm tù trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan.

Ngoài vai trò trong vụ án tại tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vào tháng 8/2022 còn bị khởi tố trong vụ án “vi phạm về quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng NInh và AIC hồi năm 2012. Lúc đó ông Phạm Minh Chính, nay là Thủ tướng, làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Không có nhận xét nào: