Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

Kính Chuyển Ít Tin Nóng, Biến Chuyển Thế Giới Việt Nam Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải

          Shabbat Tisha B'Av
Không Cần Kiêng Ngày “Shabbat”, Ngày Dành Cho Chúa. Do Thái: Tấn Công Khủng Bố, Ngay Trong Kỳ Lễ Trọng Nhất của Do Thái Giáo! *Căng thẳng tiếp tục dâng cao tại Do Thái đúng vào ngày Shabbat (ngày nghỉ ngơi của Do Thái giáo) và đúng trong tuần lễ Pesah (hay Lễ Vượt Qua), dịp lễ quan trọng nhất trong năm của Do Thái giáo. -Tối 7/4/2023, một du khách đã bị xe đụng chết trên tuyến đường đi dạo ven biển ở Tel Aviv. Thủ tướng Do Thái ra lệnh cho biên phòng và quân đội huy động thêm lực lượng để bảo vệ an ninh tại các thành phố, đối phó nguy cơ khủng bố gia tăng. Thông tín viên Michel Paul của Đài RFI tường trình từ Jérusalem:
<!>
“Một cuộc tấn công bằng xe hơi trên một lối đi dành cho xe đạp. Kết thúc chặng đường, chiếc xe bị lộn vòng. Tài xế bước ra ngoài. Theo lời kể của các nhân chứng, đương sự đã rút súng, mà sau đó được xác định là súng giả. Người lái xe ngay lập tức bị một cảnh sát và một số nhân viên an ninh thành phố bắn hạ.

Kết cục vụ đâm xe khiến một người chết, Alessandro Parini, một Luật sư người Ý Ðại Lợi 35 tuổi. Bảy người bị thương, trong đó có 4 du khách người Ý Ðại Lợi và Anh. Thủ phạm của vụ tấn công là một người Do Thái gốc Ả Rập mà cảnh sát biết rõ, đến từ Kafr Kassem.

Vài tiếng đồng hồ trước đó, một cặp chị em người Anh gốc Do Thái đã bị chết do súng bắn vào xe hơi khi họ đang di chuyển ở thung lũng Jordan ở vùng Cisjordan. Theo thông báo của văn phòng Thủ tướng, lãnh đạo chính phủ Do Thái Benyamin Netanyahu đã ra lệnh huy động các đơn vị cảnh sát dự bị và cả lực lượng đặc biệt của quân đội để đối phó với các cuộc tấn công khủng bố,

Các sự kiện nói trên cần được đặt trong bối cảnh bạo lực bùng phát trở lại trong những ngày gần đây. Căng thẳng trong kỳ nghỉ cuối tuần dâng cao, đặc biệt là ở Jerusalem, tại khu vực thánh địa Núi Đền”.

Hôm 5/4, theo thông tấn xã Reuters, Liên Hiệp Âu Châu (EU) ra thông cáo lên án các vụ tấn công gây chết người tại Do Thái và vùng Cijordan, cũng như các vụ pháo kích từ Lebanon sang Do Thái, và kêu gọi “chấm dứt bạo lực ngay lập tức”, và tất cả các bên kiềm chế, đặc biệt trong thời gian lễ hội tôn giáo. Theo lãnh đạo ngoại giao Âu Châu Josep Borrell, Do Thái có quyền tự vệ, nhưng phản ứng cần ở “mức độ tương ứng”, tránh để leo thang căng thẳng.

Các vụ tấn công khủng bố nói trên diễn ra ít ngày sau vụ an ninh Do Thái đột nhập vào ngôi đền Hồi giáo Al-Aqsa, ở Jerusalem, trong đêm 4/4 qua ngày 5/4, bắt giữ hơn 350 người, bị cảnh sát Do Thái cáo buộc “gây bạo động”. Vụ can thiệp bạo lực, diễn ra đúng vào kỳ lễ trọng Ramadan của người Hồi Giáo, bị lên án tại địa phương và trên thế giới.


Việt Nam: Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo Của CSVN, Công Nhận Thất Bại Nảo Nề, Trong Âm Mưu Chia Rẽ Giáo Hội Công Giáo!

(Võ Ngọc Ánh)


(Hình: Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam công bố Bạch thư Tôn giáo ngày 9/3/2023.)
-Khi tự do tôn giáo chưa trọn vẹn, Ủy ban Đoàn kết Công giáo như ‘cây thánh giá’ mà Giáo hội Công giáo Việt Nam phải vác.

Ủy ban Đoàn kết Công giáo là tổ chức được nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam dựng lên với mục tiêu chi phối, kiểm soát đạo Công giáo.

Tổ chức này là kết quả của sự sáp nhập của hai nhóm Ủy ban Liên lạc Công giáo toàn quốc, thành lập tại miền Bắc năm 1955 và Hội những người Công giáo kính Chúa yêu nước, của Mặt trận Giải phóng miền Nam lập năm 1961.

Trái với tên gọi, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là tổ chức được lập ra để chia rẽ trong Giáo hội Công giáo.

Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là sự bắt chước Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc thần phục chính quyền và không hiệp thông với Đức giáo hoàng.

Tuy nhiên, từ khi thành lập tháng 11/1983 đến nay, Ủy ban Đoàn kết Công giáo không thành công trong mục đích gây chia rẽ giáo hội Công giáo ở Việt Nam.

Gần như không có vị Giám mục Công giáo nào công khai ủng hộ, tham gia vào Ủy ban Đoàn kết Công giáo.

Việc cho phép các Linh mục tham gia vào tổ chức này, cũng như ra ứng cử đại biểu quốc hội, tùy thuộc vào quan điểm của các Giám mục. Có vị cấm, có vị làm lơ. Điều này phụ thuộc vào tương quan tôn giáo và nhà nước trong mỗi giáo phận.

Một số viên chức chính phủ cũng nhìn nhận sự thất bại của Ủy ban Đoàn kết Công giáo. Trong một bài viết đăng trên tờ Tạp chí Mặt trận, ông tổng biên tập tờ Người Công giáo Việt Nam ở Hà Nội đã nhận định: Khó khăn lớn nhất là do tổ chức này không phải là tổ chức của Giáo hội Công giáo. Đa phần tín hữu Công giáo xem đây là tổ chức “quốc doanh” do Đảng và Nhà nước lập ra, nên có cái nhìn thiếu thiện cảm.

Người Trong Cuộc Cũng Không Còn Tin Vào Ủy ban Đoàn kết Công giáo!


Linh mục Benedictô Nguyễn Tấn Khóa (1935-2015), lúc sinh thời từng là Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo trong hai nhiệm kỳ từ 1997-2008, và ông cũng từng là đại biểu quốc hội khóa XI (2002-2007) tự nhìn nhận về việc tham giao vào ủy ban Ủy ban Đoàn kết Công giáo.

“Tôi cũng như cái bình hoa, khi cần thì người ta bưng ra chưng, hết việc thì người ta lại cất vào”. Ông nói điều này một cách công khai chứ chẳng giấu giếm.

Bản thân ông không tin tưởng vào Ủy ban Đoàn kết Công giáo, và nhận diện đây là tổ chức gây chia rẽ Công giáo. Mà ở đó chính quyền chọn Linh mục làm lãnh đạo cũng chỉ là công cụ để nghe ngóng, theo dõi giáo hội Công giáo.

Tại Hà Nội, Linh mục Khóa được chuẩn bị sẵn một phòng cho ông nghỉ mỗi khi ra đó làm việc. Trong một lần có thầy chủng sinh (người đang được đào tạo làm Linh mục) đi cùng, ông đã nhắc nhở, “Vào đó chỉ ngủ thôi không nói bất cứ chuyện gì, vì máy nghe lén có thể đặt khắp nơi”.

Việc Linh mục Khóa tham gia vào Ủy ban Đoàn kết Công giáo nhận sự tấn công của không ít người Công giáo bên ngoài giáo phận Đà Nẵng. Những người này không biết hơn ngoài việc Linh mục Benedictô Nguyễn Tấn Khóa tham gia vào Ủy ban Đoàn kết Công giáo nhưng họ sẵn sàng ra tay ‘ném đá’.

Điều này tôi vẫn đang chứng kiến hiện nay. Không ít Linh mục, giáo dân và cả không cùng tôn giáo nhân danh bảo vệ Công giáo, sẵn sàng tấn công các Linh mục tham gia vào Ủy ban Đoàn kết Công giáo. Số người này không biết gì ngoài cái tên có trong ủy ban của chính quyền lập ra. Họ cũng chẳng ngại thêm thắc, đặt điều để câu chuyện thêm tính ly kỳ, mà mục đích không ngoài việc thu hút thêm người ném gạch, đá tấn công.

Tại giáo phận Đà Nẵng, 4 đời Giám mục, luôn tin tưởng chọn Benedictô Nguyễn Tấn Khóa làm Hạt trưởng hạt Tam Kỳ trong 37 năm phần nào cho thấy được sự tín nhiệm đó.

Thái độ thân thiện, không ngại đối thoại, làm việc cùng chính quyền mà ông giữ được một xứ đạo thưa thớt trải rộng trên 3 huyện với đầy khó khăn của hai chục năm đầu sau biến cố 30/4/1975. Giáo xứ Tam Kỳ ngày đó, trong 15 năm trở lại đây được tách ra và nâng lên thành 7 giáo xứ và giáo họ biệt lập.

Giáo Hội Công Giáo ‘Mắt Nhắm Mắt Mở’ Với Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo

Giáo hội Công giáo Việt Nam không công nhận Ủy ban Đoàn kết Công giáo. Do đó, khi một Linh mục nào đó trong giáo phận tham gia vào ủy ban này sẽ bị gọi về tòa Giám mục để được nhắc nhở.

Nhưng Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng không có luật cấm các Linh mục tham gia vào Ủy ban Đoàn kết Công giáo. Trên thực tế, thái độ của giáo hội với việc này là ‘mắt nhắm mắt mở’.


Việc một Linh mục tham gia vào ủy ban này thường phụ thuộc vào nhu cầu của xứ đạo nơi các vị ấy đang phụ trách.

Bởi hơn ai hết các Linh mục trực tiếp là người hiểu rõ nhu cầu, công việc của giáo xứ. Vì để thuận lợi hơn trong công việc có liên quan đến chính quyền với các thủ tục hành chính, một số Linh mục chấp nhận tham gia vào Ủy ban Đoàn kết Công giáo để việc được giải quyết thuận lợi hơn. Chứ các Linh mục này cũng không thêm được chút thế quyền.

Tôi đã hỏi không ít Linh mục tham gia vào Mặt trận Tổ quốc ở các cấp và Ủy ban Đoàn kết Công giáo, lời chia sẻ của các vị ấy có điểm chung, đại ý: “Vào đó lâu lâu được mời thì đi họp. Họ có nói hưu nói vượn gì thì kệ, mình vẫn biết đâu là trách nhiệm trước Giáo hội và niềm tin”.

40 năm qua cho thấy, các Linh mục tham gia vào Ủy ban Đoàn kết Công giáo ít khi chống lại Giáo hội Công giáo. Trường hợp chống lại giáo hội nổi cộm, là Ủy ban Đoàn kết Công giáo đã không đồng ý việc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 phong thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam trong năm 1988 ở Vatican.

Không phải cứ Linh mục tham gia vào Ủy ban Đoàn kết Công giáo đều trở thành công cụ của chính quyền, nhưng cũng có không ít Linh mục dù không tham gia vào ủy ban này lại gây cho giáo hội nhiều đau đớn.

Dù vậy, một Linh mục khi tham gia vào ủy ban do chính quyền dựng lên đã tự chặn đường mình để được chọn nắm giữ những chức vụ quan trọng trong giáo phận, kể cả việc được chọn cử đi du học.

Giáo hội Công giáo có lý do chính đáng để đề phòng, lo lắng các vị này sẽ bị chi phối làm theo chính quyền.

Thực tế chính quyền và đảng Cộng sản luôn tìm cách lôi kéo, thỏa thuận để cài người vào bên trong các tôn giáo nhằm gây ra chia rẽ và tạo khó khăn.

Đầu những năm 2000, tôi có một người em trước khi nhập vào chủng viện được công an tỉnh Quảng Nam gọi lên. Công an tỉnh đưa ra đề nghị, đồng ý vào đó học và cung cấp thông tin cho họ thì sẽ được cho đi học và mọi việc sau này sẽ thuận lợi hơn.

Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Như Nơi Mặc Cả của Chính Quyền Với Các Linh Mục

Thực tế tại các xứ đạo xin sửa chữa, xây dựng các công trình mới thường bị chính quyền ‘ngâm’ rất lâu.

Khó xin phép, nên sau khi gởi hồ sơ đến các cơ quan chức năng của chính quyền, không ít Linh mục quản xứ tổ chức thi công khi chưa có phép. Rất nhanh chóng, chính quyền sẽ đến thể hiện quyền hành.

Sự việc tại giáo họ Phaolô, bị cán bộ chính quyền xã Đắc Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, bị quấy phá trong thánh lễ vào lúc hơn 6 giờ chiều ngày 22/3 vừa rồi là một minh chứng như thế.

Chính quyền thường dùng chiêu liên quan đến các thủ tục hành chính bắt chẹt các Linh mục, giáo xứ để lôi kéo vào Ủy ban Đoàn kết Công giáo.

Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, với Linh mục có tham gia vào các tổ chức do nhà nước dựng lên thường có sự ưu ái, dễ dàng, nhanh chóng hơn với các thủ tục, công việc liên quan đến chính quyền.

Do đó, một số Linh mục tham gia vào Ủy ban Đoàn kết Công giáo có thể hiểu như chấp nhận kiểu mặc cả của chính quyền.

Trong 30 năm trở lại đây Giáo hội Công giáo Việt Nam không còn cái nhìn quá khắt khe về Ủy ban Đoàn kết Công giáo. Bởi ủy ban này không thực sự gây nguy hiểm cho Công giáo. Hiện nay đa số các giáo phận, cũng như tỉnh, thành đều có Ủy ban Đoàn kết Công giáo và có Linh mục, giáo dân tham gia.

Ngay cả tờ báo Công giáo và Dân tộc, tại Sài Gòn, trên danh nghĩa là thuộc Ủy ban Đoàn kết Công giáo của chính quyền. Dù vậy, những gì tờ báo này thể hiện suốt thời gian qua cho thấy, vẫn truyền tải được thông tin giáo hội muốn loan báo và một chút những tin ‘cúng cụ’.

Tại Hoa Kỳ quốc gia có tự do tôn giáo thật sự, tôi không thấy có các các tổ chức do chính quyền lập ra để ‘nhúng tay’ vào các tôn giáo như ở Việt Nam.

Hội đồng Giám mục Hoa kỳ có 18 ủy ban đều thuộc về giáo hội.

Công giáo là tôn giáo có tín đồ lớn nhất ở Mỹ với gần 62 triệu người, nhưng không có Linh mục nào trong hai viện tại quốc hội Mỹ.

Khi tự do tôn giáo chưa trọn vẹn, Ủy ban Đoàn kết Công giáo như ‘cây thánh giá’ mà Giáo hội Công giáo Việt Nam phải vác.


Đoàn Nghị sĩ EU ‘Thất Vọng’ Não Nề! Vì CSVN Không Cải Thiện Nhân Quyền, Một Chút Nào, Như Những Cam Kết Trong EVFTA


(Hình: Đoàn Nghị sĩ Tiểu ban Nhân quyền Nghị viện EU thăm Việt Nam, từ ngày 4/4 đến 6/4/2023.)
-Các thành viên của Nghị viện Âu Châu vừa nêu lên những quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội từ ngày 4/4 đến ngày 6/4, sau hơn hai năm Việt Nam thực thị Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA).

Trong thông cáo báo chí hôm 6/4, phái đoàn gồm 6 nghị viên Liên Hiệp Âu Châu (EU) ghi nhận những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam, nhưng đồng thời bày tỏ “quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam”.

Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti hôm 7/4 viết trên Twitter: “Phái đoàn quan trọng của Tiểu ban Nhân quyền Quốc hội Âu Châu tới Việt Nam để thảo luận về cách thức phát triển hơn nữa sự hợp tác của chúng ta về các vấn đề nhân quyền và bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết”.

Thông cáo của các nghị viên EU đặc biệt quan ngại về không gian dành cho xã hội dân sự bị thu hẹp, việc lạm dụng “các quy định mơ hồ” của bộ luật hình sự để đàn áp những tiếng nói phản biện, sách nhiễu các nhà hoạt động, đàn áp về quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là trong không gian trên mạng, và quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.

Các nghị viên nhấn mạnh niềm tin mạnh mẽ của họ rằng quyền tự do của các cá nhân là nền tảng cho sự thịnh vượng chung, và rằng các tổ chức xã hội dân sự độc lập và mạnh mẽ là rất quan trọng để vượt qua các thách thức cả ở Việt Nam và trên toàn thế giới.

“Phái đoàn tái xác nhận đề nghị của EU về tăng cường hợp tác với Việt Nam để cải thiện tình hình nhân quyền ở nước này”, thông cáo viết.

Phái đoàn cũng kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm ở Việt Nam, bao gồm cả lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ, các nhà báo và các nhà hoạt động môi trường. Ngoài ra, liên quan vấn đề này, phái đoàn nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm quyền được xét xử công bằng cho họ.

“Họ nhấn mạnh rằng là một phần quan trọng của thỏa thuận này, Việt Nam đã cam kết cải thiện tình hình nhân quyền và nhấn mạnh sự thất vọng của họ vì điều đó vẫn chưa được thực hiện”, thông cáo viết.


(Uỷ ban Liên Hiệp Âu Châu điều trần về việc thực thi các công ước lao động ở Đông Nam Á, nêu tình hình Việt Nam.)

Các nghĩa vụ của EVFTA, có hiệu lực từ tháng 8/2020, cũng bao gồm việc phê chuẩn và thực hiện các công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Các thành viên phái đoàn lưu ý rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam có kế hoạch trình Quốc hội phê chuẩn công ước 87 của ILO trong năm 2023.

Phái đoàn đã nhắc lại quan điểm phản đối chính của EU đối với hình phạt tử hình và kêu gọi hoãn thi hành án tử hình như là bước đầu tiên dẫn đến việc cuối cùng là bãi bỏ hình phạt tử hình ở Việt Nam.

Các thành viên của phái đoàn cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng buôn bán người, lao động cưỡng bức và luật pháp hiện hành hạn chế quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, vẫn theo thông cáo của Quốc hội EU.

Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị cho ý kiến về các phát biểu trên của phái đoàn nhân quyền nghị viên EU, nhưng chưa được phản hồi.

Tại Việt Nam, đoàn đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (NAFAC) cùng với đại diện lãnh đạo Ủy ban Tư pháp và Xã hội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện trưởng và các thành viên Viện Nhân quyền, Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản, cũng như các tổ chức phi chính phủ.

Từ Đức, ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc Điều hành của tổ chức nhân quyền VETO! Mạng lưới Những người Bảo vệ Nhân quyền, nêu nhận định với VOA về sự quan tâm của phái đoàn EU về tình hình nhân quyền Việt Nam:

“Sau khi ký Hiệp định Thương mại EVFTA phía EU hoàn toàn thất vọng. Thí dụ, người có nhiều đóng góp ý kiến cho Quốc hội EU là ông Phạm Chí Dũng, bị kết án 15 năm tù, cũng như vẫn chưa có người nào trong danh sách 11 tù nhân chính trị mà Uỷ ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU trao cho Việt Nam năm 2019 được thả”.

“Các tổ chức ở Việt Nam muốn thúc đẩy cho việc đối thoại các định chế xã hội dân sự của hai bên bị bắt và bị kết án tù, các tổ chức lo về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cũng bị đàn áp nặng nề…”

“Danh sách về những thiếu sót thì rất là dài… cho nên việc Tiểu ban Nhân quyền Quốc hội Âu Châu đến Việt Nam lần này là rất cần thiết”.

Từ Anh Quốc, ông Sơn Trần, Phó Giám đốc Hội bảo vệ Người Lao động Việt Nam, chia sẻ với VOA ý kiến đề xuất liên quan đến quyền của người lao động:

“Chúng tôi đề nghị rằng ILO nên tư vấn và tạo áp lực để chính phủ Việt Nam ban hành các văn bản cho phép công nhân được thành lập những nghiệp đoàn độc lập, không lệ thuộc vào chính phủ. Chúng tôi cũng đề nghị Quốc hội Âu Châu nên kêu gọi Việt Nam thả những nhà bất đồng chính kiến mà họ hoạt động cho môi trường, họ hoạt động cho việc tuân thủ Hiệp định EVFTA giữa EU và Việt Nam”.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng nước này tôn trọng các quyền căn bản của con người, chỉ bắt giam và xét xử “những ai vi phạm pháp luật”.

Hồi cuối tháng 3/2023, bà Phạm Thu Hằng, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với báo giới: “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước…. Tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được khai triển trong thực tiễn”.

Phái đoàn Nghị sĩ EU đến Việt Nam do Dân biểu người Đức Udo Bullmann, Trưởng ban Nhân quyền, dẫn đầu. Các Dân biểu khác bao gồm Isabel Wiseler-Lima (Lục Xâm Bảo), Cheorghe-Vlad Nistor (Lỗ Ma Ni) và Leopoldo Lopez Gil (Tây Ban Nha), Nacho Sanchez Amor (Tây Ban Nha), Isabel Santos (Bồ Đào Nha), và Urmas Paet (Estonia).

Nghị sĩ Bullmann viết trên Twitter hôm 6/4: “Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi chính phủ Việt Nam dọn đường cho các quyền tự do công dân mà họ đã cam kết và trở thành tiếng nói tiến bộ toàn cầu mà chúng tôi mong muốn”.


Trả Đũa Diễn Ra Sau Cuộc Gặp Của Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn, với Chủ Tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy, Bắc Kinh Trừng Phạt Trưởng Đại Diện Đài Loan ở Hoa Kỳ và Các Tổ Chức Mỹ



(Hình: Bà Tiêu Mỹ Cầm, đại diện của Đài Loan ở Mỹ, đã bị Trung Quốc trừng phạt hai lần.)
-Trung Quốc vừa áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào bà Tiêu Mỹ Cầm, người nắm thẩm quyền như vị Ðại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ, cấm bà và người thân của bà vào đại lục, Hồng Kông và Ma Cao, truyền thông nhà nước đưa tin hôm 7/4/2023.

Các biện pháp trừng phạt, được Văn phòng Đài Loan Sự vụ của Trung Quốc công bố, cũng cấm các nhà đầu tư và công ty liên quan đến bà Tiêu hợp tác với các tổ chức và cá nhân ở đại lục.

Động thái này diễn ra sau cuộc gặp của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy trong chặng dừng chân của bà tại Mỹ trong tuần này.

“Ồ, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vừa trừng phạt tôi một lần nữa, lần thứ hai”, bà Tiêu viết trên Twitter.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng loan báo các bước nhằm vào Viện Hudson và Thư viện Reagan của Hoa Kỳ và lãnh đạo các cơ quan này, nói rằng cả hai nơi này đã tạo ra nền tảng và cơ sở cho điều mà họ gọi là các hoạt động ly khai của bà Thái.

Bộ Ngoại giao Đài Loan đã phản ứng giận dữ, nói rằng Trung Quốc không có quyền ‘chõ mũi vào’ về các chuyến công du ngoại quốc của bà Thái và Bắc Kinh đang ‘tự lừa dối’ nếu cho rằng các biện pháp trừng phạt có tác dụng.

“Điều đó không chỉ làm cho người dân chúng tôi thêm ác cảm của mà còn phơi bày bản chất phi lý và lố bịch của chế độ Cộng sản”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao viết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ đã ngay lập tức hạn chế các trường Đại học, tổ chức, các tổ chức và cá nhân khác ở Trung Quốc tham gia và hợp tác với Viện Hudson và Thư viện Reagan và các lãnh đạo của họ.

Trung Quốc cũng đã cấm các lãnh đạo này vào nước họ và đóng băng tài sản của họ ở Trung Quốc.

Các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc sẽ có ít tác động trên thực tế vì các viên chức cấp cao của Đài Loan không đến thăm Trung Quốc trong khi các tòa án Trung Quốc không có quyền tài phán ở Đài Loan.

Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự đối với Quỹ Triển vọng, do một cựu Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan đứng đầu, và Hội đồng Tự do và Dân chủ Á Châu, một liên minh đa quốc gia mà đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền của Đài Loan đồng sáng lập vào năm 1993.

Văn phòng Đài Loan Sự vụ của Trung Quốc cáo buộc các tổ chức này cổ súy ý tưởng ‘Đài Loan độc lập’ trên trường quốc tế.

Quỹ Triển vọng bày tỏ ‘hết sức lấy làm tiếc’ về quyết định này, và ra tuyên bố nói rằng họ sẽ ‘duy trì tinh thần học thuật độc lập và nguyên tắc bảo vệ chủ quyền của Đài Loan’.


ISNA: Iran Cử Phái Đoàn Tới Ả Rập Saudi, Mở Lại Tòa Ðại sứ


(Ảnh: Ngoại trưởng Ả Rập Saudi (trái) gặp Ngoại trưởng Iran ở Bắc Kinh hôm 6/4/2023.)

-Hôm Chủ Nhật (9/4/2023), hãng thông tấn bán chính thức của Iran ISNA đưa tin rằng một phái đoàn kỹ thuật của Iran sẽ đến Ả Rập Saudi trong tuần này để chuẩn bị cho việc mở lại Tòa Ðại sứ Iran tại Riyadh.

Thông báo này được đưa ra vài ngày sau khi các Ngoại trưởng của Iran và Ả Rập Saudi gặp nhau tại Bắc Kinh hôm thứ Năm tuần trước.

Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên của các nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước sau hơn 7 năm, sau khi Trung Quốc làm trung gian cho một thỏa thuận nhằm khôi phục quan hệ giữa các cường quốc hàng đầu trong khu vực.

“Phái đoàn kỹ thuật của Iran sẽ đến thăm Tòa Ðại sứ của Tehran ở Riyadh và thu xếp việc mở lại Tòa Ðại sứ của Iran ở Ả Rập Saudi”, ISNA đưa tin.

Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi cho biết hôm thứ Bảy rằng các viên chức đã đến thăm Iran để thảo luận về các thủ tục mở lại các cơ quan ngoại giao của Riyadh tại Cộng hòa Hồi giáo Iran.

“Phái đoàn [Ả Rập] Saudi đã đến thăm Tòa Ðại sứ [Ả Rập] Saudi ở Tehran sáng nay”, ISNA nói thêm.


Iran Lắp Camera Để Nhận Diện Phụ Nữ Không Đeo Khăn Trùm Đầu!

-Hôm 8/4/2023, Cảnh sát Iran thông báo sẽ sử dụng “camera thông minh” ở những nơi công cộng để nhận diện những phụ nữ vi phạm quy định về việc đeo khăn trùm đầu được áp dụng ở trong nước. Các camera này sẽ đi vào hoạt động từ ngày 15/4 tới.

Từ Tehran, thông tín viên Siavosh Ghazi của Đài RFI cho biết thêm chi tiết:

Theo tuyên bố của cảnh sát Iran, tin nhắn cảnh báo sẽ được gửi đến những phụ nữ không đeo khăn trùm đầu bị camera giám sát chụp được.

Những tin nhắn này nhằm mục đích cảnh báo những phụ nữ này về hậu quả họ phải hứng chịu nếu tái phạm.

Ngày càng nhiều phụ nữ Iran bỏ khăn trùm đầu kể từ vụ cô gái trẻ Mahsa Amini bị thiệt mạng hồi tháng 9 trong lúc bị cảnh sát đạo đức giam giữ vì đeo khăn trùm đầu không đúng cách.

Cuộc nổi dậy sau đó đã bị lực lượng an ninh đàn áp dữ dội, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Mặc dù vậy, nhiều phụ nữ vẫn ra đường mà không đeo khăn trùm.

Tuyên bố của cảnh sát không nói rõ những phụ nữ tiếp tục không đeo khăn trùm sẽ phải hứng chịu những hậu quả gì.

Phụ nữ Iran bắt buộc phải đeo khăn trùm đầu kể từ cuộc Cách Mạng Hồi Giáo năm 1979. Trong những ngày gần đây, một số viên chức, bao gồm cả Tổng thống Ebrahim Raissi, đã tuyên bố rằng đeo khăn trùm đầu là nghĩa vụ pháp lý và tôn giáo.


Nga Thâm Hụt Ngân Sách Gần 29 Tỉ Mỹ kim Trong Quý 1


(Ảnh: Bích chương cổ vũ cho cuộc chiến ở Ukraine trên đường phố thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga.)

-Thâm hụt ngân sách liên bang của Nga trong quý đầu tiên của năm 2023 lên đến 2,4 ngàn tỉ Rúp (tương đương 28,93 tỉ Mỹ kim) khi Mạc Tư Khoa chi tiêu mạnh tay và nguồn thu từ năng lượng bị giảm, Bộ Tài chánh Nga cho biết hôm 7/4.

Trong cùng quý hồi năm 2022, ngân sách Nga đã thặng dư 1,13 ngàn tỉ Rúp, nhưng kể từ đó, các khoản chi đáng kể đổ vào chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với xuất cảng dầu khí của nước này, đã ảnh hưởng đến ngân khố chính phủ.

Bộ Tài chánh Nga đã ngừng công bố dữ liệu ngân sách hàng tháng hồi năm 2022. Nhưng dựa trên dữ liệu hôm 7/4, Nga đã công bố thặng dư trong tháng 3 là 181 tỉ Rúp, bước tiến so với mức thâm hụt 821 tỉ Rúp vào tháng 2 và 1,76 ngàn tỉ Rúp vào tháng 1.

Thu ngân sách tổng thể của chính phủ Nga đã giảm 20,8% trong quý một so với năm 2022 ở mức 5,7 ngàn tỉ Rúp, chủ yếu là do doanh thu năng lượng giảm 45% xuống còn 1,64 ngàn tỉ Rúp, dữ liệu sơ bộ của Bộ Tài chánh cho thấy.

Trong khi đó, chi tiêu tăng 34% lên 8,1 ngàn tỉ Rúp. Sản xuất quân sự và chi tiêu nhà nước khổng lồ đã giúp giữ cho ngành công nghiệp của Nga hoạt động sôi động và làm dịu đi hậu quả kinh tế của chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây.


Hai Người Chết Trong Cuộc Tấn Công của Nga Vào Zaporizhzhia của Ukraine



(Ảnh: Một cuộc tấn công của Nga gây ra thiệt hại ở Ukraine.)Một người đàn ông 50 tuổi và cô con gái 11 tuổi của ông đã thiệt mạng sau khi lực lượng Nga tấn công một tòa nhà chung cư ở thành phố Zaporizhzhia,

-Đông-Nam Ukraine, vào sáng sớm Chủ Nhật (9/4/2023), chính quyền cho biết.

Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước của Ukraine cũng cho biết rằng một người phụ nữ 46 tuổi, được cho là vợ và mẹ của các nạn nhân, đã được đưa ra khỏi đống đổ nát.

Thư ký hội đồng thành phố Anatoliy Kurtev cho biết rằng hai phi đạn đã phá hủy một tòa nhà và làm hư hại hàng chục tòa nhà khác trong cuộc tấn công vào ban đêm.

“Những kẻ khủng bố Nga đáng nguyền rủa đã tấn công Zaporizhzhia một lần nữa và gây thiệt hại về nhân mạng”, ông viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

Đây là vụ tấn công mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công gần đây vào các mục tiêu dân sự trong khu vực khi cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa đã bước sang năm thứ hai.


Nga Nói Đã Phá Hủy Kho Chứa 70.000 Tấn Nhiên Liệu Gần Zaporizhzhia


(Ảnh: Hiện trường một vụ tấn công phi đạn của Nga ở Zaporizhzhia.)

-Hôm Chủ Nhật (9/4/2023), Bộ Quốc phòng Nga cho biết Nga đã phá hủy một kho chứa 70.000 tấn nhiên liệu gần thành phố Zaporizhzhia, Đông-Nam Ukraine.

Bộ này cũng cho biết rằng các lực lượng Nga đã phá hủy các nhà kho chứa phi đạn, đạn dược và các loại vũ khí Pháo binh khác của quân đội Ukraine ở khu vực Zaporizhzhia và Donetsk.

Trước đó hôm Chủ Nhật, chính quyền Ukraine cho biết rằng một người đàn ông 50 tuổi và cô con gái 11 tuổi của ông đã thiệt mạng sau khi lực lượng Nga tấn công một tòa nhà chung cư ở thành phố Zaporizhzhia.

Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước của Ukraine cũng cho biết rằng một người phụ nữ 46 tuổi, được cho là vợ và mẹ của các nạn nhân, đã được đưa ra khỏi đống đổ nát.

Thư ký Hội đồng thành phố Anatoliy Kurtev cho biết rằng 2 phi đạn đã phá hủy một tòa nhà và làm hư hại hàng chục tòa nhà khác trong cuộc tấn công vào ban đêm.

“Những kẻ khủng bố Nga đáng nguyền rủa đã tấn công Zaporizhzhia một lần nữa và gây thiệt hại về nhân mạng”, ông viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

Đây là vụ tấn công mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công gần đây vào các mục tiêu dân sự trong khu vực khi cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa đã bước sang năm thứ hai.


Ukraine: Chủ Tịch Trung Quốc Cam Kết Với Tổng Thống Pháp Ủng Hộ Mọi Nỗ Lực Vãn Hồi Hòa Bình

-Hôm 7/4/2023, sau chuyến viếng thăm 3 ngày ở Trung Quốc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Tập Cận Bình đã ra một tuyên bố chung về Ukraine. Nhưng theo hãng tin AFP, văn bản này không nêu tên nước Nga và cũng không kêu gọi lực lượng Nga rút khỏi Ukraine. Bản Tuyên bố chung của lãnh đạo Pháp Trung Quốc cũng không lên án cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine mà Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động.

Nhưng Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố “chống các cuộc tấn công vào những nhà máy điện nguyên tử và các cơ sở nguyên tử khác”, đồng thời hỗ trợ nỗ lực của Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế (AIEA) “bảo đảm an ninh cho nhà máy nguyên tử Zaporijjia”.

Theo phía Paris, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố sẵn sàng cùng với Pháp “tạo các điều kiện cho cuộc đàm phán” giữa Nga và Ukraine để vãn hồi hòa bình. Trước đó, hôm thứ Năm 6/4, lãnh đạo Pháp và Trung Quốc cùng kêu gọi Mạc Tư Khoa và Kyiv mở hòa đàm sớm nhất có thể được và đều tuyên bố chống lại việc sử dụng vũ khí nguyên tử trong cuộc chiến tranh Ukraine.

Pháp cũng cho biết Tập Cận Bình đã tuyên bố ông sẵn sàng gọi điện cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhưng Chủ tịch Trung Quốc nói rõ là ông sẽ gọi vào thời điểm do chính ông chọn. Cam kết nói trên của ông Tập Cận Bình cũng không được nêu lên trong bất cứ bản tường trình nào của phía Trung Quốc về chuyến viếng thăm của Tổng thống Macron.

Theo tường trình của thông tín viên RFI Stéphane Lagarde, tối 7/4, Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Pháp đã ăn tối với nhau tại tỉnh Quảng Đông. Hiếm khi nào ông Tập Cận Bình ra khỏi thủ đô Bắc Kinh cùng với các lãnh đạo ngoại quốc và cũng hiếm khi nào ông mời một lãnh đạo ngoại quốc ăn tối trong hai ngày liên tiếp. Theo các nhà quan sát, có thể là ông cố đưa Trung Quốc xích gần lại Pháp, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh với Hoa Thịnh Ðốn.

Theo điện Elysée, ông Tập Cận Bình đã nhận lời mời của Tổng thống Macron đến thăm Pháp, nhưng ngày viếng thăm chưa được xác định.


Nga: Thông Tín Viên Báo Wall Street Journal Bị Kết Tội “Gián Điệp”

-Nhà báo Mỹ Evan Gershkovich, bị bắt ở Ekaterinburg, Ural (Nga) vào tuần trước, đã bị kết tội “gián điệp” ngày 7/4/2023.

Theo các hãng tin Nga Interfax và Tass, phóng viên của The Wall Street Journal, từng làm việc cho hãng tin Pháp AFP ở Mạc Tư Khoa, bị kết án theo điều 276 của luật hình sự Nga và có nguy cơ lĩnh án 20 năm tù. Thông tín viên RFI Anissa El Jabri tường trình từ Mạc Tư Khoa:

“Ngành ngoại giao Nga đã báo trước ngay từ thứ Năm (06/04), thông qua một thông cáo được công bố sau cuộc gặp giữa tân Ðại sứ Mỹ và Thứ trưởng Ngoại giao Nga. Thông cáo viết: “Sự cường điệu truyền thông xung quanh sự việc này, nhằm mục đích gây áp lực đối với chính quyền Nga và tòa án sẽ ra phán quyết về số phận của Evan Gershkovich, là vô ích và vô nghĩa”.

Như vậy, cảnh báo đã được xác nhận với quyết định kết tội, chiếu theo điều 276 của Bộ Luật Hình sự Nga. Theo cuộc điều tra, nhà báo này “hành động theo lệnh của Mỹ, đã thu thập những thông tin được xếp là bí mật nhà nước về hoạt động của một trong những doanh nghiệp thuộc tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga”.

Cho đến nay, chưa bao giờ Nga thảo luận về số phận của một tù nhân ngoại quốc trước khi xét xử. Evan Gershkovich là nhà báo ngoại quốc đầu tiên bị bắt giữ với những cáo buộc nghiêm trọng như vậy kể từ năm 1986 và thời Liên Xô. The Wall Street Journal và phóng viên Evan Gershkovich bác bỏ mọi cáo buộc. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu trả tự do cho nhà báo”.

Các lãnh đạo khối Nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa ở Thượng viện Hoa Kỳ cũng yêu cầu trả tự do “ngay lập tức” cho Evan Gershkovich, “nhà báo độc lập, được tôn trọng khắp thế giới”. Trong một thông cáo chung hiếm hoi đề ngày 7/4, ông Chuck Shumer và Mitch McConnell “lên án mạnh mẽ việc bắt giữ tùy tiện công dân Mỹ và phóng viên của báo The Wall Street Journal”.


Mỹ Điều Tra Về Vụ “Rò Rỉ Tài Liệu Mật” Liên Quan Đến Chiến Tranh Ukraine

-Một ngày sau thông báo của Ngũ Giác Đài điều tra về vụ “rò rỉ tài liệu mật” của Mỹ được đăng trên các mạng xã hội, ngày 8/4/2023, đến lượt Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thông báo mở một cuộc điều tra tương tự. Không chỉ liên quan đến chiến tranh Ukraine, rất nhiều tài liệu còn đề cập đến những phân tích vô cùng nhạy cảm về các đồng minh của Mỹ.

Theo một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp, được thông tấn xã AFP trích dẫn, cuộc điều tra được mở sau khi “đã trao đổi với Bộ Quốc phòng về chủ đề này”. Vài chục tài liệu mật đã bị đăng trên Twitter, Telegram, Discord và nhiều mạng xã hội khác trong những ngày gần đây, nhưng chưa dừng ở đó vì có rất nhiều tài liệu mới tiếp tục được đăng.

Nhật báo Washington Post trích một số viên chức Mỹ cho biết rất nhiều tài liệu trong số bị rò rỉ đã bị làm giả. Nhưng phần lớn là thật và đúng với những báo cáo của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) được lưu hành ở Tòa Bạch Ốc, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao.

Truyền thông Mỹ cho rằng những tài liệu bị rò rỉ này là nguồn tin quý giá cho Mạc Tư Khoa vì rất nhiều tài liệu cho thấy tình báo Mỹ đã thâm nhập vào nhiều bộ phận trong bộ máy quân sự Nga. Ngoài ra, còn có rất nhiều thông tin liên quan đến những tranh luận nội bộ chính phủ các nước đồng minh của Mỹ.

Một ví dụ được báo New York Times đăng là một tài liệu cho thấy các cuộc thảo luận trong chính phủ ở Nam Hàn về khả năng cung cấp đạn pháo Mỹ cho Ukraine.


Đức: Cư Dân Hamburg Được Cảnh Báo Về Chất Độc Từ Đám Cháy Cách Xa Hàng cây số


(Ảnh: Hiện trường vụ cháy hôm 9/4/2023.)

-Người dân thành phố Hamburg của Đức đã được cảnh báo rằng chất độc từ vụ cháy nhà kho ở thành phố Rothenburgsort, cách Hamburg vài cây số về phía Đông-Nam, đang lan tới họ.

Thông tấn xã Reuters đưa tin rằng mặc dù không biết khói có thể độc hại như thế nào, chính quyền đã quyết định di tản 140 cư dân Hamburg.

Trong khi đó, các cư dân Hamburg khác được hướng dẫn ở nhà cũng như đóng cửa ra vào và cửa sổ.

Ngọn lửa bùng phát sớm hôm Chủ Nhật (9/4/2023) và tiếp tục cháy vào chiều Chủ Nhật, mặc dù rất nhiều lính cứu hỏa đã tham gia dập lửa.

Không rõ ngay lập tức kho này chứa hàng hóa gì.


Pháp: Sập Tòa Nhà Chung Cư ở Marseille, Ít Nhất 6 Người Bị Thương


(Ảnh: Nhân viên cứu hỏa tại hiện trường vụ sập nhà.)

-Một tòa chung cư ở Marseille bị sập vào Chủ Nhật (9/4/2023). Các nhân viên cấp cứu đang tìm kiếm các nạn nhân. Ít nhất 6 người bị thương.
Các viên chức cho biết đã nghe thấy một tiếng nổ, nhưng hiện chưa rõ ngay liệu vụ nổ đã khiến tòa nhà sụp đổ hay sự sụp đổ dẫn đến vụ nổ.

Tuy nhiên, một đám cháy đã bùng phát tại địa điểm này sau khi tòa nhà bị đổ.

Ông Lionel Mathieu, chỉ huy đội cứu hỏa Marseille, cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng dập tắt ngọn lửa trong khi bảo toàn mạng sống của những nạn nhân cuối cùng dưới đống đổ nát”.

Hai tòa nhà gần tòa nhà bị đổ cũng đã bị sập một phần.


Bắc Hàn Lại Thử Drone Nguyên Tử Tấn Công Dưới Nước


(Ảnh REUTERS.)

-Cộng sản Bắc Hàn tiến hành thêm một cuộc thử nghiệm drone tấn công dưới nước có năng lực nguyên tử, truyền thông nhà nước của nước này đưa tin vào ngày thứ Bảy (8/4/2023). Đây là sự phô trương năng lực quân sự mới nhất của nước này khi đối đầu với Mỹ và Nam Hàn.

Truyền thông nhà nước đưa tin Bắc Hàn đã thử nghiệm vũ khí tấn công dưới nước không người điều khiển có khả năng mang đầu đạn nguyên tử có tên gọi “Haeil-2” từ ngày 4/4 đến ngày 7/4, truyền thông nhà nước đưa tin, hơn một tuần sau khi nước này tiết lộ một loại drone dưới nước mới có tên “Haeil-1”, nghĩa là sóng thần.

Thông tấn xã nhà nước KCNA của Cộng sản Bắc Hàn nói trong cuộc thử nghiệm hệ thống vũ khí chiến lược dưới nước, drone di chuyển 1.000 cây số trong 71 tiếng đồng hồ 6 phút và bắn trúng mục tiêu mô phỏng thành công.

“Cuộc thử nghiệm đã chứng minh hoàn hảo độ tin cậy của hệ thống vũ khí chiến lược dưới nước và khả năng tấn công chí mạng của nó”, KCNA nói.

Một số nhà phân tích nghi ngờ liệu phương tiện dưới nước này đã sẵn sàng để khai triển hay chưa nhưng KCNA nói hệ thống này sẽ giúp ngăn chặn hành động quân sự chống lại Bắc Hàn.

Các bức ảnh do truyền thông nhà nước công bố cho thấy một vật thể hình ngư lôi lớn, màu sẫm cũng như các vết đường đi dưới nước của vật thể và vụ nổ có thể nhìn thấy được trên mặt biển.

Bắc Hàn vẫn thường xuyên thử nghiệm nhiều loại vũ khí khác nhau trong nhiều tháng và tăng cường hoạt động trong những tuần gần đây để đáp trả các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Nam Hàn.

Trong những tuần gần đây, họ đã công bố các đầu đạn nguyên tử mới, nhỏ hơn và bắn một phi đạn-đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công bất cứ nơi nào ở Mỹ.


Trung Quốc Mô Phỏng Tấn Công Đài Loan Trong Ngày Tập Trận Thứ Hai


(Ảnh: Lực lượng Hải quân Đài Loan theo dõi hàng không mẫu hạm của Trung Quốc ở vùng biển phía Đông Đài Loan.)

-Quân đội Trung Quốc đã mô phỏng các cuộc tấn công chính xác nhằm vào Đài Loan trong ngày thứ hai của cuộc tập trận quanh hòn đảo này hôm Chủ Nhật (9/4/2023).

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng của hòn đảo này thông báo nhiều cuộc xuất kích của lực lượng Không quân và rằng họ đang theo dõi lực lượng phi đạn của Trung Quốc.

Trung Quốc, nước tuyên bố Đài Loan, vốn được cai trị một cách dân chủ, là lãnh thổ của mình, đã bắt đầu cuộc tập trận quân sự 3 ngày quanh hòn đảo vào thứ Bảy, một ngày sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trở về sau chuyến thăm ngắn tới Hoa Kỳ.

Truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng các cuộc tuần tra và diễn tập sẵn sàng chiến đấu xung quanh Đài Loan vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Bộ chỉ huy Chiến khu phía Đông của quân đội Trung Quốc đã đưa ra một đoạn video hình họa ngắn về các cuộc tấn công mô phỏng trên tài khoản WeChat của Bộ này, cho thấy các phi đạn được bắn từ đất liền, trên biển và trên không vào Đài Loan, với hai quả phát nổ khi bắn trúng mục tiêu.

Một nguồn thạo tin về tình hình an ninh trong khu vực nói với thông tấn xã Reuters rằng Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tấn công mô phỏng trên không và trên biển nhằm vào “các mục tiêu quân sự ngoại quốc” ở vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Tây-Nam của Đài Loan.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết tính đến 8 giờ sáng (giờ GMT) hôm Chủ Nhật, họ đã phát giác 70 máy bay Trung Quốc, bao gồm máy bay chiến đấu Su-30 và máy bay ném bom H-6, cũng như 11 tàu, xung quanh Đài Loan.

Bộ cho biết đang đặc biệt chú ý đến Lực lượng Rocket của Quân đội Giải phóng Nhân dân, đơn vị chịu trách nhiệm về hệ thống phi đạn trên đất liền của Trung Quốc.

Bộ này nhắc lại rằng các lực lượng của Đài Loan sẽ “không leo thang xung đột cũng như không gây ra tranh chấp” và sẽ đáp trả “một cách phù hợp” các cuộc tập trận của Trung Quốc.


Hoa Kỳ: Hai Thẩm phán Liên Bang Đối Chọi Nhau Về Vấn Đề Cho Phép Thuốc Phá Thai

-Ít lâu sau khi một Thẩm phán liên bang ở tiểu bang Texas, ngày 7/4/2023 ra lệnh cho Cơ quan Lương thực và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) rút giấy phép lưu hành loại thuốc phá thai mifepristone, một Thẩm phán liên bang khác tại tiểu bang Washington lại ra phán quyết bảo vệ quyền sử dụng loại thuốc này ở 12 tiểu bang ủng hộ quyền phá thai.

Phán quyết cấm loại thuốc phá thai mifepristone đang được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc, đến từ Thẩm phán liên bang Matthew Kacsmaryk ở Texas, một người nổi tiếng bảo thủ.

Theo thông tấn xã AFP, ông Kacsmaryk, trong phán quyết của mình, đã sử dụng ngôn ngữ mà những người phản đối phá thai sử dụng, như cho rằng loại thuốc này được sử dụng để “giết thai nhi” chẳng hạn.

Phán quyết của ông đã khiến chính quyền Biden và nhà sản xuất thuốc ngay lập tức tuyên bố sẽ kháng cáo lên tòa án liên bang. Tổng thống Joe Biden cho biết trong một tuyên bố gọi quyết định của Thẩm phán Texas là “nỗ lực chưa từng có nhằm tước bỏ các quyền tự do cơ bản của phụ nữ”.

Điểm đáng nói là chỉ vài tiếng dồng hồ sau phán quyết ở Texas, tại tiểu bang Washington, một Thẩm phán liên bang khác, ông Thomas Rice, đã ra lệnh cho cơ quan dươc phẩm Mỹ là không được “thay đổi hiện trạng và các quyền liên quan đến việc tiếp cận thuốc mifepristone” tại 12 tiểu bang ủng hộ quyền phá thai.

Do việc cả hai Thẩm phán đều là Thẩm phán liên bang, trọng lượng của cả 2 phán quyết đều như nhau, khiến cho việc giải quyết rất có thể lại phải chuyển lên Tối cao Pháp viện - hiện có đa số thiên về đảng Cộng hòa - xem xét.

Nhìn chung, chưa đầy 1 năm sau quyết định hồi tháng 6/2022 của Tối cao Pháp viện hủy bỏ quyền phá thai được hiến pháp bảo vệ, cuộc chiến chống phá thai đang chuyển sang một bước ngoặt mới gay gắt hơn nữa.


Tin Việt Nam Hôm Nay
Đoàn Nghị Sĩ Mỹ Sắp Thăm Việt Nam, Nêu Vấn Đề Nhân Quyền, Trung Quốc


(Hình: Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Jeff Merkley.)

-Một phái đoàn lưỡng viện do Thượng Nghị sĩ Jeff Merkley dẫn đầu sẽ thăm Việt Nam vào cuối tuần này và tuần sau, với mục đích thúc đẩy quan hệ song phương và quan hệ đa phương với các quốc gia thành viên Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN), trong đó sẽ nêu vấn đề nhân quyền và sự gây hấn của Trung Quốc.

Một thông cáo của các Thượng Nghị sĩ và các Dân biểu hôm 5/4/2023 cho biết phái đoàn lưỡng viện đến Việt Nam và Nam Dương vào tuần tới. Ngoài Thượng Nghị sĩ Merkley, còn có Thượng Nghị sĩ Chris Van Hollen, và các Dân biểu Pramila Jayapal, Lloyd Doggett, và Ilhan Omar.

Mục tiêu của chuyến đi nhằm hỗ trợ các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á “bảo vệ và tăng cường chủ quyền và an ninh của họ trước sự gia tăng gây hấn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, thông cáo cho biết. Các nhà Lập pháp sẽ tham dự hơn 35 cuộc họp với các viên chức chính phủ và các nhà lãnh đạo trong ASEAN, cùng với đại diện của các tổ chức xã hội dân sự và giám đốc điều hành doanh nghiệp.

“Việt Nam và Nam Dương là những đối tác quan trọng của Hoa Kỳ, và chỉ khi cùng nhau, chúng ta mới có thể giải quyết những thách thức nhiều mặt của thế kỷ này”, ông Merkley nói trong thông cáo báo chí. “Chuyến đi của chúng tôi sẽ là cơ hội để tăng cường không chỉ mối quan hệ với chính phủ hai nước đó mà còn giữa người dân các nước chúng ta”.

Thượng Nghị sĩ Van Hollen cho biết trong thông cáo: “Tăng cường quan hệ đối tác của chúng ta trên khắp thế giới sẽ giúp chúng ta xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người Mỹ cũng như cộng đồng toàn cầu. Điều này đặc biệt đúng ở Đông Nam Á khi chúng ta nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các quốc gia và giải quyết khủng hoảng khí hậu, bảo vệ nhân quyền và củng cố an ninh chung của chúng ta. Chuyến đi này sẽ là cơ hội để giải quyết những lĩnh vực này và hơn thế nữa”.

Tại Việt Nam, phái đoàn sẽ tìm hiểu về những vấn đề còn phải giải quyết sau chiến tranh, bao gồm các dự án tìm cách phân hủy chất da cam/dioxin, rà phá bom mìn và tìm kiếm các tù nhân chiến tranh và quân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Ngoài ra, dự kiến trong chuyến đi này, đoàn sẽ đến thăm một địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để hiểu rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu đối với các cộng đồng và hệ sinh thái địa phương.

Trước chuyến thăm, Thượng Nghị sĩ Merkley – ủy viên Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện, và Thượng Nghị sĩ Van Hollen – Chủ tịch Tiểu ban Quan hệ đối ngoại Đông Á của Thượng viện, đã đưa ra một nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong kiến trúc thể chế của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Merkley cùng với Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Dan Sullivan cũng đã đưa ra một nghị quyết lưỡng đảng nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường, nhân đạo và kinh tế mà sông Mekong đang phải đối mặt, cũng như công nhận tầm quan trọng thiết yếu của Quan hệ đối tác Mekong-Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ sự thịnh vượng ở khu vực.


Thượng Nghị Sĩ Mỹ Nói Ngoại Trưởng Blinken Sẽ Đến Việt Nam Tuần Sau


(Hình: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến sẽ đến Việt Nam vào tuần sau, trước khi tham dự cuộc họp của các Ngoại trưởng Nhóm BG7tại Nhật Bản.)

-Trong một cuộc họp báo ở Hà Nội ngày thứ Bảy (8/4/2023), Thượng Nghị sĩ Jeff Merkley cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ đến Việt Nam vào tuần sau, như một phần trong nỗ lực của Hoa Thịnh Ðốn nhằm nâng quan hệ ngoại giao với Hà Nội lên một tầm cao mới trong năm nay.

Chuyến thăm của ông Blinken, chưa được công bố chính thức, diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm vào tuần trước với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Mỹ hi vọng sẽ nâng cấp quan hệ với Hà Nội trong năm nay, lý tưởng nhất là trùng với dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam vào tháng 7.

“Tuần sau Ngoại trưởng sẽ có mặt tại đây”, Thượng Nghị sĩ Merkley nói với các phóng viên trong chuyến thăm Việt Nam của phái đoàn các nhà Lập pháp Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ với Hà Nội.

Ông Blinken dự kiến sẽ thăm Việt Nam, có thể vào ngày thứ Bảy, trước khi ông tham dự cuộc họp của các Ngoại trưởng Nhóm Bảy nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) tại Nhật Bản từ ngày 16 tới 18 tháng 4.

Trong cuộc điện đàm, ông Biden và ông Trọng đã đồng ý tăng cường quan hệ, theo tuyên bố của cả hai bên sau cuộc nói chuyện, nhưng không đề cập đến việc nâng cấp quan hệ chính thức.

Trước cuộc gọi, nhiều nhà phân tích đã nói rằng Việt Nam thận trọng về việc nâng cấp trong năm nay vì sợ điều đó có thể gây căng thẳng với Trung Quốc.

Mặc dù là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam, Mỹ hiện được xếp hạng là đối tác ngoại giao cấp ba của Hà Nội. Cấp cao nhất bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Nam Hàn, trong khi cấp thứ hai, mà Hoa Thịnh Ðốn muốn gia nhập, bao gồm các nước Âu Châu và Nhật Bản.


Vụ Máy Bay Trực Thăng Rơi: Tìm Thấy Thi Thể Cuối Cùng


(Ảnh: Máy bay Bell 505 ở Vịnh Hạ Long.)

-Thi thể của nạn nhân cuối cùng trong số năm người thiệt mạng trong vụ máy bay trực thăng rơi ở Vịnh Hạ Long vừa được tìm thấy vào sáng ngày 7/4/2023, cách khu vực máy bay rơi khoảng 30 mét.

Máy bay trực thăng Bell 505 của Công ty bay dịch vụ miền Bắc (VNHN) chở theo năm người bao gồm bốn hành khách đi thăm quan Vịnh Hạ Long từ trên cao đã rơi xuống biển khu vực giáp ranh giữa Hải Phòng và Quảng Ninh vào ngày 5/4 vừa qua.
Đến ngày 6/4, xác của 4 nạn nhân và chiếc hộp đen của máy bay đã được tìm thấy.
Lực lượng cấp cứu đã trục vớt xác máy bay cùng hộp đen đưa về vào đảo Tuần Châu (Quảng Ninh) để phục vụ điều tra nguyên nhân chiếc máy bay rơi.

Ngoài ra, nhà sản xuất trực thăng Bell và Ủy ban An toàn vận tải Gia Nã Ðại đã gửi thư đề nghị hỗ trợ Việt Nam điều tra nguyên nhân Bell-505 số hiệu VN-8650 gặp nạn.

Truyền thông Nhà nước hôm 7/4 dẫn lời lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, căn cứ vào Luật Hàng không Dân dụng 2006 và Luật Hàng không Dân dụng sửa đổi 2014, các văn bản hướng dẫn thi hành và phụ ước 13 của Công ước về hàng không dân dụng quốc tế (Công ước Chicago) về điều tra tai nạn máy bay, Cục phân loại vụ trực thăng Bell 505 số đăng ký VN-8650 gặp nạn tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là tai nạn mức A (có thiệt hại về người và tàu bay).

Vì vậy, việc điều tra sẽ được thực hiện theo Điều 106 Luật Hàng không Dân dụng Việt Nam.

Theo Cục Hàng không, trước khi xảy ra vụ trực thăng rơi tại vịnh Hạ Long, Công ty Trực thăng miền Bắc khai thác hai máy bay Bell 505 có số đăng ký là VN-8650 và VN-8651. Các máy bay được bảo dưỡng định kỳ đầy đủ theo nội dung đã được phê duyệt. Hai trực thăng này có 682 tiếng đồng hồ bay chở khách du lịch với hơn 7.000 lượt hành khách.

Máy bay Bell 505 số đăng ký VN-8650 bị tai nạn có tổng số giờ bay là 488 tiếng đồng hồ, 2.655 lần cất/hạ cánh. Còn phi công đã có giấy phép lái máy bay thương mại còn hiệu lực đến tháng 6/2026.

Về điều kiện thời tiết, khí tượng, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thời điểm xảy ra sự việc tầm nhìn đạt từ 6-8 cây số; nhiệt độ 26 độ C, hoàn toàn phù hợp với điều kiện bay bằng mắt.


Kinh Tế Thê Thảm: 149 Ngàn Lao Động Mất Việc Trong 3 Tháng Đầu Năm


(Hình: Công nhân trong một xưởng dệt may tại Hà Nội.)

-Có 149 ngàn lao động tập trung ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang đã mất việc do doanh nghiệp bị cắt đơn hàng.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho truyền thông hay tin trên trong ngày 7/4/2023.
Cụ thể, tại Đồng Nai có 32.600 công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã bị mất việc làm, tiếp đến là Bình Dương với 21.700 người; Bắc Ninh 14.000 người và Bắc Giang khoảng 7.700 công nhân.

Con số này được Tổng cục Thống kê cho biết tăng gần 13% so với quý trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, Đông Nam Bộ trở thành vùng bị ảnh hưởng nặng nhất do tình trạng giảm sút đơn hàng của nhiều doanh nghiệp lớn. Ba tháng đầu năm, tỷ lệ thiếu việc làm tại khu vực này tăng lên 1,75% so với 1,52% của quý trước.

Thu nhập của lao động tại Sài Gòn cũng được cho biết giảm 127.000 đồng so với quý trước, đạt 9,1 triệu đồng.
Việc nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng còn khiến hàng loạt địa phương mạnh về công nghiệp bị sụt giảm lao động có việc làm. Cụ thể, Bắc Giang giảm 4,5%; Bắc Ninh giảm 0,9%; Thái Nguyên 2,2%; Nghệ An 5,5%, Sài Gòn giảm 0,4%; Bình Phước giảm gần 4% so với quý trước.

Ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động - cho biết để thị trường lao động phục hồi bền vững, bảo đảm cuộc sống cho người lao động, cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: Da giày, dệt may, điện-điện tử….


TikTok Có Nội Dung “Chống Phá Đảng, Nhà Nước”, Chính Phủ Vào Cuộc Thanh Tra


(Hình: Logo của TikTok.)

-Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành kiểm tra đối với TikTok dự kiến vào tháng 5/2023, một trong những lý do được đưa ra là nền tảng mạng xã hội này không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước.

TikTok là mạng xã hội được sử dụng phổ biến hiện nay tại Việt Nam với khoảng 50 triệu người dùng, theo thống kê của hãng DataReporter chuyên theo dõi các mạng xã hội quốc tế.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ dẫn lời ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, trước đây nền tảng TikTok có nội dung thuần túy về giải trí. Tuy nhiên từ năm 2022, trên TikTok xuất hiện nhiều nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.

Cùng với đó theo viên chức này, nhiều nội dung độc hại được phát triển mạnh mẽ trên TikTok, gây ảnh hưởng đến trẻ em Việt Nam.

Ông Tự Do nói với báo Zing, đây sẽ là cuộc thanh tra liên ngành, kiểm tra toàn diện nền tảng kể cả về nghĩa vụ cung cấp thông tin, thuế, thương mại điện tử, ngoài ra còn bao gồm toàn bộ các phương diện pháp lý, kỹ thuật, nội dung và thương mại của nền tảng khi hoạt động tại Việt Nam, trong đó có vấn đề phân phối nội dung và quảng cáo.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những nội dung có thể bị cho là “chống Đảng” trên TikTok không nhiều, thường là các video về các vụ dân oan biểu tình, khiếu kiện. Những báo đài thường đưa tin tức về chính trị Việt Nam như Đài Á Châu Tự Do (RFA), Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) hay BBC không hoạt động trên nền tảng này.

Công ty mẹ của TikTok là ByteDance, một công ty kỹ thuật internet đa quốc gia của Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh.

TikTok cũng bị chính phủ Mỹ cấm dùng trên các thiết bị của chính phủ do lo ngại nguy cơ lộ thông tin.


Bà Nguyễn Phương Hằng Bị Đề Nghị Truy Tố, Luật sư Nguyễn Đình Kim và Nhóm YouTuber Bị Đề Nghị Xử Phạt


(Hình: Bà Nguyễn Phương Hằng.)

-Truyền thông Nhà nước đưa tin hôm 6/4/2023 cho hay Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an Tp. HCM vừa có kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tp. HCM đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng cùng 4 người khác về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 Bộ luật Hình sự.

Bà Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi) là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, tỉnh Bình Dương. Bà Hằng bị bắt tạm giam để điều tra vào tháng Ba năm 2022.

Bốn đồng phạm của bà bao gồm: Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (giảng viên trường Đại học Luật Tp. HCM), Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, Phụ tá của Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty cổ phần Ðại Nam), Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty cổ phần Ðại Nam).

Cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an Tp. HCM xác định bị can Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng, sử dụng 12 kênh mạng xã hội livestream xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của chín cá nhân bao gồm những người nổi tiếng như nhà báo Hàn Ni, ca sĩ Vy Oanh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thuỷ Tiên và chồng là Lê Công Vinh.

Ngoài ra, Công an Tp. HCM cũng xác định Luật sư Nguyễn Đình Kim (thuộc Đoàn Luật sư Tp. HCM) và nhóm YouTuber ủng hộ bà Hằng chưa đủ cơ sở để xử phạt hình sự. Tuy vậy, công an vẫn chuyển hồ sơ của những người này đến cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền, theo báo Nhà nước.

Nhóm YouTuber bị đề nghị xử phạt bao gồm: Phạm Hoàng Khang (sinh năm 1994, chủ kênh YouTube “Lang Thang Đường Phổ”); Huỳnh Tấn Lợi (sinh năm 1992, chủ kênh YouTube “Vlogs Trúc Ngân”); Võ Minh Điền (sinh năm 1986, chủ kênh YouTube “Điền Võ”); Ngũ Lùn (sinh năm 1984, chủ kênh YouTube Bánh Mỳ Đây”); Nguyễn Việt Anh (sinh năm 1986, chủ kênh YouTube “Chuyện đời thường”); Nguyễn Văn Việt (sinh năm 1995, chủ kênh YouTube “Trai Đồng Bằng”).


Đắc Lắc: Kiểm Điểm Lãnh Đạo 4 Huyện Do Sai Phạm Để Mất Rừng


(Hình: Hiện trường vụ hủy hoại gần 400 hecta rừng ở xã Ya Tờ Mốt vào năm 2022.)
-Nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Ea Súp tỉnh Đắc Lắc, bị kiểm điểm do để mất hơn 16 ngàn héc-ta rừng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắc Lắc Võ Văn Cảnh ký văn bản tổ chức cuộc họp kiểm điểm theo kết luận của Thanh Tra Chính phủ trong ngày 7/4/2023 và được truyền thông nhà nước loan trong cùng ngày.

Ngoài nguyên lãnh đạo huyện Ea Súp là các ông Nguyễn Văn Đông, nguyên Chủ tịch và ông Nguyễn Đình Toản, nguyên Phó chủ bị kiểm điểm. Trong đợt này còn có các lãnh đạo huyện Lắc, M’drắc và thành phố Ban Mê Thuột cũng bị kiểm điểm do sai phạm liên quan đến việc để suy giảm gần sáu ngàn héc-ta rừng tại địa phương.

Tại huyện M’drắc, qua kiểm tra, cơ quan chức năng cũng phát giác đã mất hơn 8.800 ha rừng, nhưng đến nay Ủy ban Nhân dân huyện chưa thực hiện rà soát, cũng như chưa cung cấp hồ sơ kiểm điểm theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắc Lắc.

Trong cùng ngày, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắc Lắc cũng tổ chức kiểm điểm và giải quyết trách nhiệm của ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn liên quan khuyết điểm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, từ năm 2006-2016 tỉnh Đắc Lắc để mất hơn 67.000 hecta rừng tự nhiên. Còn theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ từ 2017-2020, rừng tự nhiên tại tỉnh này tiếp tục suy giảm thêm hơn 27.000 hecta.

Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại tỉnh này diễn ra trong thời gian dài với quy mô lớn và trên diện rộng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa được các công ty nông, lâm nghiệp và đơn vị chức năng tỉnh Đắc Lắc giải quyết dứt điểm.


Hậu Giang: Bắt Cựu Cán Bộ Ban Quản Lý Các Khu Công Nghiệp Tỉnh


(Hình: Công an đọc lệnh bắt ông Huỳnh Ngọc Dũ - nguyên Phó Văn phòng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang.)

-Ngày 7/4/2023, công an tỉnh Hậu Giang thực hiện lệnh bắt tạm giam với ông Huỳnh Ngọc Dũ (60 tuổi), cựu Phó văn phòng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh.
Công an cho truyền thông hay ông Dũ bị bắt để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng lúc công an cũng đã khám xét nơi ở của ông này tại thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, thu giữ nhiều tài liệu, máy điện toán.

Cũng theo công an, qua điều tra, từ năm 2019, khi đang công tác tại Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang, ông Dũ nghe thông tin toàn bộ ấp Phú Bình (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành) sẽ được thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp. Ông Dũ đã ngay lập tức thông đồng với các môi giới bất động sản, tìm các gia đình dân ở ấp Phú Bình và đưa ra thông tin giả là nhờ họ đứng tên nhà để được bồi thường và bố trí tái định cư.

Theo thỏa thuận của ông Dũ, các gia đình dân phải cung cấp bản sao sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân cho ông, đồng thời ký tên vào hồ sơ gồm nhiều loại giấy tờ chưa ghi nội dung do ông Dũ chuẩn bị sẵn để nhận được 10 triệu đồng.

Với thủ đoạn trên, đã có nhiều gia đình dân ở địa phương này làm theo yêu cầu và nhận tiền của ông Dũ. Sau khi có được các hồ sơ, ông Dũ đã “gạ” bán các suất tái định cư cho nhiều người khác và chiếm đoạt tiền.

Do không nhận được nền, nên những người đã mua các suất tái định cư trước đó từ ông Dũ đã tố cáo hành vi của ông đến cơ quan công an. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định số tiền ông Dũ chiếm đoạt của các bị hại là hơn 7,6 tỉ đồng.


Bộ Ngoại giao Phản Đối Trung Quốc Lập Danh Sách Khảo Sát Trong Vùng Biển Việt Nam


(Hình: Tàu Cảnh sát Biển Việt Nam gần tàu của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông hôm 14/5/2014.)

-Hôm 6/4/2023, Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định với báo giới Việt Nam luôn theo sát những diễn biến trên Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh việc tuân thủ luật quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.

Bà Hằng đưa ra trả lời này khi được báo chí hỏi về hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 4 do Trung Quốc điều vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ tháng 3 vừa qua.

Bà Hằng cho biết tàu Hải Dương Địa Chất 4 đã rời khỏi vùng biển Việt Nam.

“Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán là tất cả mọi hoạt động ở Biển Đông cần tuân thủ luật quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán trong vùng biển của chúng tôi đã được thiết lập theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982” - Bà Hằng nhấn mạnh.

Khi được hỏi về việc Tổ chức Khoa học Tự nhiên Trung Quốc (NSFC) công bố danh sách 33 khu vực “khảo sát thường xuyên” bao trùm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, bà Hằng cho biết, việc khảo sát, nghiên cứu khoa học trong phạm vi quần đảo Trường Sa và vùng biển của Việt Nam - vốn đã được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982 - mà không được sự cho phép của Việt Nam là “vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng biển của mình, do đó không có giá trị”.

Trung Quốc hiện đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông bao gồm cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đang tranh chấp giữa các nước.

Hồi tháng Ba vừa qua, Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã đưa tin về việc Trung Quốc điều tàu Hải Dương Địa Chất 4 cùng nhiều tàu dân quân biển và tàu đánh cá vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Không có nhận xét nào: