Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 6 tháng 4, 2023

Giới Thiệu Sinh Hoạt Hội Đoàn Quân Đội: Hội Ngộ 50 Năm Khóa 73A Phi Hành Và Kính Chuyển Tin Quốc Tế Và Việt Nam Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Hội Ngộ 50 Năm Khóa 73A Phi Hành:
Chủ Nhật Ngày 21 Tháng 5 Năm 2023
Tại: Nhà Hàng Dynasty, 1001 Story Rd, San Jose, Ca 95122
Tham dự, xin liên lạc: Phương (Cell) 408-799-8218
<!>
Thiệp Mời

Ca Sĩ Chính Trong Tiệc Hội Ngộ: Lilian!


Vài Nét Về Lilian, Một Trong Những Giọng Hát Kích Động Hàng Đầu của Hải Ngoại! Sân Khấu Nào Có Lilian, Sàn Nhảy Như Bốc Lửa!


-Lilian có tên trên giấy tờ là Lyly Nguyễn, tên thật là Nguyễn Diệu Hoa. Sở dĩ cô lấy tên Lilian là để cho dễ đọc, hơn nữa muốn ghép chữ "an" vào tên "lili" vì chữ này có nghĩa "bình an", "an hòa" như cô nói. Lilian sinh năm 1965 tại Đà Nẵng, Việt Nam. Cha cô là một kỹ sư kiến trúc Hoa Kỳ, đã trở về Mỹ từ năm 72, với người con trai út trong gia đình.
Khi được 5 tuổi Lilian vào Sài Gòn học, tại một trường nội trú do các dì phước điều hành và ở đây cho đến sau tháng 04.75, thì về Mỹ Tho học trường trung học Lê Ngọc Hân cho đến khi rời Việt Nam. Khi đó cô mới học xong hết lớp 9. Trong thời gian đó Lilian đã được giao phó cho chức vụ phó ban văn nghệ của trường, đặc trách về múa.

Đáng lẽ Lilian đã rời Việt Nam từ ngày 02 tháng 05 năm 75, cùng với mẹ và anh chị em, tuy giấy tờ đã xong xuôi, nhưng vào giờ chót phải kẹt lại, để mãi đến năm 80 mới đi theo diện đoàn tụ gia đình, do cha cô bảo lãnh. Chỉ sau 2 tuần lễ ở Thái Lan, gia đình cô đã đặt chân lên California và cư ngụ cho đến bây giờ. Nhưng chẳng may cô đã không có dịp gặp lại cha vì ông đã từ trần vài tháng trước khi mẹ con cô tới Mỹ. Khi được hỏi mang hai dòng máu Mỹ-Việt như vậy cô có mang mặc cảm gì không, Lilian đã thẳng thắn trả lời là không, trái lại cô còn cho đó một điều may mắn.."Nếu đúng ra mình phải nói là mình "lucky" vì mình được lai, là tại vì có được hai dòng máu "

Lilian bắt đầu đi hát tại các tiệc cưới, party, hội đoàn từ cuối năm 1985, sau khi được các bạn trong ban nhạc Fantasy ở nam Cali "mời hát chơi rồi trở thành ca sĩ thứ thiệt luôn cho tới bây giờ!". Lần đầu tiên cô xuất hiện trên sân khấu vào năm 86, trong một buổi lễ ra trường cùng với ban nhạc này, với những nhạc phẩm New Wave thịnh hành vào thời đó, như "You're My Love, You're My Life",vv...Cũng trong năm 86, trong một dịp gặp Sơn Ca tại vũ trường "Đêm Màu Hồng" ở nam Cali, khi cô và các bạn trong ban nhạc được mời trình diễn thế cho ban nhạc của vũ trường này, Lilian đã được Sơn Ca mời thu tiếng cho một số băng nhạc, vì nhận thấy cô có một giọng hát mạnh, khó có ca sị nào có! thích hợp với những nhạc phẩm New Wave, được coi là sở trường của cô. Sau đó Lilian bắt đầu đi hát ở vũ trường Rex, với ban nhạc Trung Nghĩa, để chính thức trở thành ca sĩ, đâu cũng biết tên. Cho đến nay, Lilian chỉ chuyên trình bày những nhạc phẩm lời Anh, có âm điệu tươi vui và trẻ trung, với cách phát âm rất chuẩn, mà khi mới thoạt nghe, người ta khó có thể biết là người nữ ca sĩ này có mang dòng máu Việt trong người. Tuy nhiên, những bài ca Việt, cô cũng diễn tả không kém với bất cứ giọng ca nổi tiếng nào.


Người ca sĩ được rất nhiều người mến mộ. Hy vọng giọng ca chính của Đêm Hội Ngộ đánh dấu 50 Năm Khóa 73A Phi Hành, sẽ làm Quý Khách vừa lòng, để thành Một Đêm Hội Ngộ nhớ đời! Hẹn gặp vào đêm Chủ Nhật 21 Tháng 5, năm 2023.


Tin Quốc Tế Đó Đây

TQ tăng tuần tiễu bằng tàu ngầm hạt nhân, gây khó thêm cho Mỹ, đồng minh

-Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc lần đầu tiên duy trì thường trực ít nhất một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân trên biển.

Bản đánh giá về quân đội Trung Quốc cho biết hạm đội 6 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Tấn của Trung Quốc lâu nay thực hiện các cuộc tuần tiễu "gần như liên tục" từ đảo Hải Nam đi vào Biển Đông.

Phần lưu ý trong báo cáo dài 174 trang được công bố vào cuối tháng 11/2022 cho thấy có những cải thiện quan trọng trong năng lực của Trung Quốc, theo 4 tùy viên quân sự ở khu vực nắm vững các hoạt động hải quân và 5 nhà phân tích an ninh khác.

Christopher Twomey, một học giả về an ninh tại Trường Nghiên cứu sinh Hải quân Hoa Kỳ ở California, nói với tư cách cá nhân: “Mỹ sẽ cần phải điều tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) bám theo chúng (tàu TQ)… như vậy, rõ ràng nhu cầu đối với vũ khí, khí tài của Mỹ sẽ tăng thêm”.

Các cuộc tuần tiễu mới của Trung Quốc ngầm cho thấy rằng họ có những cải thiện về nhiều lĩnh vực, bao gồm hậu cần, chỉ huy và điều khiển, cũng như vũ khí. Các tùy viên quân sự, cựu thủy thủ tàu ngầm và các nhà phân tích an ninh cho rằng các hoạt động đó cũng cho thấy Trung Quốc bắt đầu vận hành các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo giống như cách mà Mỹ, Nga, Anh và Pháp đã làm trong nhiều thập kỷ.

"Các cuộc tuần tiễu răn đe" của họ giúp họ đe dọa về khả năng phản công hạt nhân ngay cả khi các hệ thống và tên lửa trên đất liền bị tiêu diệt. Theo học thuyết hạt nhân cổ điển, điều đó ngăn chặn phía địch tiến hành tấn công trước.

Tướng Anthony Cotton, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ, phát biểu trong một phiên điều trần trước quốc hội Mỹ hồi tháng 3 rằng các tàu ngầm Trung Quốc hiện được trang bị tên lửa thế hệ thứ ba, JL-3.

Với tầm bắn ước tính hơn 10.000 km và mang theo nhiều đầu đạn, JL-3 lần đầu tiên cho phép Trung Quốc tiếp cận lục địa Mỹ từ vùng biển ven bờ Trung Quốc, báo cáo của Lầu Năm Góc lưu ý.

Hải quân Hoa Kỳ duy trì khoảng hai chục tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân trú đóng trên khắp vùng Thái Bình Dương. Theo thỏa thuận AUKUS, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ và Anh sẽ được triển khai quanh Tây Úc từ năm 2027.

Những tàu ngầm như vậy là vũ khí cốt lõi để săn tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, được hỗ trợ với các tàu nổi và máy bay giám sát P-8 Poseidon. Hoa Kỳ cũng có các cảm biến dưới đáy biển ở các tuyến đường biển quan trọng để giúp phát hiện tàu ngầm.

Timothy Wright, một nhà phân tích quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, nói rằng lực lượng Mỹ có thể đối phó với tình hình hiện nay, nhưng sẽ phải sử dụng nhiều vũ khí, khí tài hơn trong 10 đến 15 năm tới khi loại tàu ngầm Type-096 khó bị phát hiện hơn của Trung Quốc bắt đầu tuần tiễu.

Ông nói thêm rằng việc Trung Quốc nhanh chóng mở rộng lực lượng hạt nhân đồng nghĩa là các chiến lược gia Hoa Kỳ lần đầu tiên phải đối đầu với hai "đối thủ hạt nhân ngang hàng", đó là Nga và Trung Quốc.

"Điều đó sẽ gây lo ngại cho Hoa Kỳ vì nó sẽ kéo căng hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ, khiến nhiều mục tiêu gặp rủi ro hơn và sẽ cần phải giải quyết bằng cách tăng cường các năng lực về vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường", ông nói.

Với việc trang bị tên lửa mới JL-3, các nhà phân tích dự báo rằng các chiến lược gia Trung Quốc sẽ giữ các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của họ ở vùng nước sâu trong Biển Đông - nơi Trung Quốc đã củng cố bằng một loạt căn cứ - thay vì mạo hiểm tuần tra ở Tây Thái Bình Dương.


Nga Dùng Drone Tấn Công Odessa Và Tăng Cường Phòng Thủ ở Trên Bán Đảo Crimea

-Hôm 4/4/2023, chính quyền thành phố Odessa, miền Nam Ukraine, cho biết drone của Nga đã tấn công cảng biển Odessa, nằm ở Biển Đen, và gây ra nhiều “thiệt hại”.

Trên mạng xã hội Facebook, lãnh đạo thành phố Odessa, Yourii Kruk, nêu rõ Nga đã tiến hành một đợt tấn công trong đêm 3/4 rạng sáng 4/4. Tuy nhiên, chỉ huy lực lượng Không quân Ukraine thông báo đã bắn hạ 14 trong số 17 chiếc drone Shahed do Iran sản xuất được Nga phóng đi, đồng thời cảnh báo khả năng có một đợt tấn công thứ hai.

Còn theo tờ Washington Post, được báo Pháp Le Monde trích dẫn, Mạc Tư Khoa từ nhiều tuần qua đã huy động quân đội và công nhân để đào một hệ thống chiến hào xung quanh thành phố Medvedivka, ở phía Bắc bán đảo Crimea, gần với Ukraine lục địa.

Ngoài hệ thống giao thông hào nông, dài nhiều cây số dành cho các binh sĩ và các khẩu đại pháo, các hình ảnh vệ tinh mà tập đoàn kinh doanh kỹ thuật không gian Maxar cung cấp cho Washington Post, cho thấy nhiều hố sâu được thiết kế để bẫy xe tăng và xe thiết giáp. Theo một nhà phân tích quân sự Nga, Ian Matveev với nhật báo Mỹ, “quân đội Nga dường như đã hiểu rằng bán đảo Crimea sẽ phải phòng thủ trong một tương lai không xa”.

Bên cạnh đó, Nga còn cho đặt những khối bê-tông nhỏ hình tháp mà giới chuyên gia gọi là những “chiếc răng rồng” nhằm ngăn chặn các loại xe tăng, thiết giáp, vận tải và phía sau là các kho bãi quân sự như bồn nhiên liệu, xe thiết giáp và đại pháo. Hàng chục điểm phòng thủ tương tự dài đến 30 cây số được xây dựng dọc theo bờ Tây bán đảo Crimea và nhiều khẩu pháo đã được bổ sung trong vùng này.


Ngoại Trưởng Nga Lavrov Đổ Lỗi Cho Liên Hiệp Âu Châu Về Quan Hệ Căng Thẳng Với Mạc Tư Khoa

-Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa Liên Hiệp Âu Châu (EU) và Nga xấu đi là do khối này ủng hộ Kyiv trong cuộc chiến mà Mạc Tư Khoa tiến hành ở Ukraine.

Theo hãng tin Đức Deutsche Welle, Ngoại trưởng Lavrov, hôm 4/4/2023, trả lời phỏng vấn trên trang web Argumenty i Fakty, cho biết, Liên Hiệp Âu Châu đã “đánh mất” nước Nga. Theo ông Lavrov, “đó là lỗi của Liên Hiệp Âu Châu. Chính các nước thành viên EU và các nhà lãnh đạo của họ đã công khai tuyên bố muốn Nga phải hứng chịu một thất bại chiến lược”.

Ngoại trưởng Lavrov cảnh báo, trên cơ sở các lợi ích quốc gia, Nga sẽ đáp trả một cách “cứng rắn nếu cần thiết” và việc EU cung cấp vũ khí cho Ukraine là một “hành động thù địch”.

Trong khi đó, lãnh đạo ngoại giao Nga ca ngợi “mối quan hệ đối tác chiến lược” giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh, tố cáo phương Tây tìm cách chia rẽ hai nước, khi ông ám chỉ đến các nhận định của phương Tây về chuyến thăm Nga gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được ví như một mối quan hệ bất bình đẳng giữa hai nước.

Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra ngay sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh truy nã Tổng thống Putin. Theo giới phân tích, ông Putin, nhân chuyến thăm của ông Tập, muốn thể hiện mình không bị ảnh hưởng bởi lệnh bắt giữ nói trên, trong khi ông Tập muốn “tranh thủ” tình hình hỗn loạn của Nga để tìm kiếm nguồn cung năng lượng giá rẻ.


Pháp: Ngân Sách Quốc Phòng Tăng Mạnh “Chưa Từng Có!”

-Ngân sách quốc phòng Pháp, giai đoạn từ 2024 đến 2030, tăng ở mức kỷ lục, “chưa từng có”, mỗi năm thêm từ 3 đến 4 tỉ Euro, trong bối cảnh chiến tranh trở lại Âu Châu.

Theo Dự luật Kế hoạch Quân sự Pháp, giai đoạn 2024-2030 được trình lên Hội đồng Bộ trưởng, hôm 4/4/2023, chưa bao giờ quân đội Pháp được hưởng một mức ngân sách cao như lần này sau nhiều năm bị cắt giảm mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cho biết, tổng ngân sách quốc phòng trong vòng 7 năm, từ 2024 đến 2030 là 413 tỉ Euro, trong đó có 13 tỉ là từ nguồn thu ngoài ngân sách. Hỗ trợ quân sự cho Ukraine không bao gồm trong gói ngân sách này.

Với mức 32 tỉ Euro vào năm 2017, ngân sách cho quốc phòng sẽ tăng thêm 3,1 tỉ Euro cho năm 2024, rồi mỗi năm tăng thêm 3 tỉ trong giai đoạn 2025-2027, trước khi chạm thềm tăng 4,3 tỉ/năm kể từ năm 2028. Như vậy, đến năm 2030 ngân sách cho quốc phòng sẽ là 69 tỉ Euro, tức tăng gấp đôi so với hiện nay.

Mức ngân sách “chưa từng có” này sẽ cho phép tăng cường năng lực răn đe nguyên tử và khả năng đối phó trước một cuộc xung đột cường độ cao, cũng như là hỗ trợ quân đội trong những không gian mới có mang tính xung đột như tấn công mạng, đáy biển sâu và không gian-không gian.

Tuy nhiên, khi trả lời thông tấn xã AFP, Bộ trưởng Quân lực Pháp thừa nhận trong Dự luật mới này, nhiều binh chủng sẽ được ưu tiên hơn so với một số bộ phận khác trong việc đổi mới trang thiết bị quân sự như hiện đại hóa phi đạn tầm xa, lắp ráp hàng không mẫu hạm khác, hay như tài trợ cho nghiên cứu chiến đấu cơ và xe tăng tương lai.

Dù vậy, lãnh đạo Quốc phòng Pháp muốn đề nghị một khoản chi thêm 1,5 tỉ Euro cho năm 2023, ngoài mức ngân sách hàng năm hiện nay là 43,9 tỉ Euro, nhằm đối phó với các “chiến dịch khẩn cấp” nhất là trên phương diện drone và chống drone, một trong những điểm yếu của quân đội Pháp mà cuộc chiến Ukraine đã làm lộ rõ.


Tổng Thống Pháp Macron Công Du Trung Quốc Để Thảo Luận Về Ukraine Và Thúc Đẩy Quan Hệ Kinh Tế Song Phương

-Ngày 5/4/2023 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Trung Quốc. Trong 3 ngày công du, nguyên thủ Pháp sẽ trao đổi với giới lãnh đạo Trung Quốc về những thách thức của thế giới, về cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Theo điện Elysée, bằng mối quan hệ thân thiết với Nga, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể tác động trực tiếp và triệt để vào cuộc chiến ở Ukraine.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chủ nhân điện Elysée gặp gỡ các công ty Pháp tại Trung Quốc, đang phấn khởi khi Bắc Kinh mở cửa biên giới trở lại, nhưng vẫn tỏ ra thận trọng sau 3 năm hết sức khó khăn. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde của RFI tường trình:

Một người đàn ông nói: “Chúng tôi vẫn sững sờ”.

Vẫn choáng váng, giới kinh doanh bàng hoàng trước những biện pháp phòng dịch được ban hành trong vòng 3 năm, những biện pháp thô bạo đã đoạn tuyệt với tính thực dụng của chủ nghĩa tư bản đỏ.

Một doanh nhân Pháp cho biết: Chúng tôi lại cảm thấy có sự năng động, công việc kinh doanh vào năm 2023 sẽ tốt hơn sau 3 năm khó khăn, nhưng chúng tôi không biết mọi chuyện sẽ tiếp diễn ra sao.

Hết sức cảnh giác, các doanh nhân Pháp phấn khởi trở lại kể từ khi chính sách zero-Covid bị bãi bỏ vào mùa Đông vừa qua, nhưng Christophe Lauras, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng: “Tinh thần được cải thiện, chúng tôi đang chứng kiến sự lạc quan trở lại từ giới chủ của tất cả các công ty Pháp làm việc tại Trung Quốc, tuy nhiên, các công ty này đã bị ảnh hưởng ít nhiều sau 3 năm Nhà nước thực hiện chính sách zero-Covid, đôi khi chúng tôi đã chứng kiến ý thức hệ lấn át chủ nghĩa thực dụng, vì vậy, các công ty Pháp vẫn đang quan sát tình hình”.

Khó dự đoán và thận trọng chờ đợi cũng là cảm nghĩ được chia sẻ bởi B&A. Emmanuel Gros, đồng sáng lập và Phó Chủ tịch của ngân hàng đầu tư Benoît & Associés: “Tôi có thể nói rằng chúng tôi đang ở trong giai đoạn lạc quan một cách thận trọng bởi mọi người vẫn trong trạng thái chờ xem, chờ xem sự năng động này, sự đổi mới trong đầu tư có được thúc đẩy bởi sự trở lại của giới lãnh đạo Pháp? Tôi muốn nói, giới chủ doanh nghiệp và lãnh đạo chính trị trở lại Trung Quốc”.

Việc phục hồi các trao đổi phái đoàn và đầu tư có thể gia tăng sự lạc quan đối với 2.000 công ty Pháp có mặt tại thị trường Trung Quốc, và ngày mai, họ sẽ gặp mặt một phái đoàn, theo điện Elysée, bao gồm 50 đến 60 chủ doanh nghiệp Pháp.


-Phi Luật Tân Cho Phép Hoa Kỳ Tiếp Cận Các Căn Cứ Quân Sự Tại Bắc Đảo Luzon, Palawan


(Hình: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Phi Luật Tân ngày 2/2/2023.)

-Vào ngày 3/4/2023, phát ngôn nhân của Tổng thống Phi Luật Tân công bố Phi Luật Tân cho phép Hoa Kỳ mở rộng sự hiện diện quân sự tại 4 căn cứ chính ở Bắc Luzon và Palawan.

Bốn căn cứ quân sự mới mà phía Hoa Kỳ được tiếp cận gồm Căn cứ Hải quân Camilo Osias ở Santa Ana, Cagayan; Phi trường Lal-lo ở Lal-Lo, Cagayan; Căn cứ Melchor Dela Cruz Gamu, Isabela; và Đảo Balabac ở Palawan.

Như vậy đến nay, phía Hoa Kỳ được tiếp cận 9 căn cứ quân sự của Phi Luật Tân theo Hiệp định Hợp tác Phòng thủ Tăng cường (EDCA) giữa hai phía.

Biện pháp mà Phi Luật Tân đưa ra như vừa nêu được tiến hành vào khi cả Hoa Thịnh Ðốn và Manila củng cố vị thế phòng thủ chung và đối trọng với tình trạng quyết đoán của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông, mà theo Phi Luật Tân là Biển Tây của nước này.

Với việc tiếp cận 9 căn cứ quân sự trên đất Phi Luật Tân như vừa nêu, Hoa Kỳ đánh dấu sự trở lại lớn nhất tại đất nước này kể từ năm 1992 khi quân đội Mỹ rút khỏi Vịnh Subic và Căn cứ Không quân Clark.


Mỹ: Doanh Nhân Lãnh 8 Năm Tù Vì Bòn Rút Quỹ COVID


(Hình: Việt kiều tại Little Saigon, Hoa Kỳ, gởi hàng cứu trợ về Việt Nam trong thời gian đại dịch COVID-19.)

-Một doanh nhân ở Connecticut âm mưu với một nhà Lập pháp tiểu bang hiện đã thôi chức để bòn rút quỹ cứu trợ COVID của liên bang dành cho thành phố West Haven hôm 3/4/2023 bị kết án 8 năm tù.

Một cuộc điều tra liên bang cho thấy ông John Trasacco (50 tuổi) đã âm mưu với cựu Dân biểu tiểu bang Michael DiMassa nộp các hóa đơn ma từ 2 công ty của ông Trasacco về các mặt hàng và dịch vụ chưa bao giờ được cung cấp.

Danh sách này bao gồm hàng ngàn mặt hàng thiết bị bảo vệ cá nhân, hóa đơn bảo trì hệ thống sưởi và điều hòa không khí tại một số tòa nhà của thành phố, cung cấp thiết bị COVID-19 cho hội đồng nhà trường và dịch vụ vệ sinh cho các tòa nhà khác nhau của thành phố và trường học, bao gồm một tòa nhà đã bị bỏ trống và bỏ hoang trong nhiều năm.

Các Công tố viên liên bang xác định các công ty của ông Trasacco đã nhận được khoảng 431.982 Mỹ kim từ kế hoạch này. Vào ngày 2/12 năm 2022, một bồi thẩm đoàn đã kết luận ông Trasacco phạm tội và âm mưu phạm tội gian lận tài chánh liên quan đến việc sử dụng viễn thông hoặc kỹ thuật thông tin. Thẩm phán liên bang Hoa Kỳ Omar A. Williams yêu cầu ông ta đóng 143.994 Mỹ kim tiền bồi thường.

Ông Trasacco đã bị tạm giam sau phiên tòa ngày 3/4. Một khi mãn hạn tù, ông phải chấp hành 5 năm quản chế.

Ông Trascacco là người gần đây nhất liên quan đến âm mưu này bị kết án. Tháng trước, bà Lauren DiMassa (38 tuổi), vợ của nhà cựu Lập pháp tiểu bang, đã bị kết án 6 tháng tù trong nhà tù liên bang vì vai trò của mình. Cựu nhân viên thành phố, John Bernardo (66 tuổi) bị kết án 13 tháng tù.

Dân biểu Michael DiMassa, một đảng viên Dân chủ, làm Phụ tá của thành phố, có thẩm quyền phê duyệt việc chi trả các khoản khai khống vừa kể.

Ông đã từ chức sau khi bị bắt vào năm 2021. Ông đã nhận tội âm mưu lừa đảo liên quan đến hành vi gian lận tổng cộng hơn 1,2 triệu Mỹ kim từ nguồn quỹ dành cho thành phố để đối phó COVID và đồng ý trả hơn 1,2 triệu Mỹ kim tiền bồi thường. Trong tháng này ông sẽ bị kêu án.


Tin Việt Nam Hôm Nay

Vấn Đề Vi Phạm Nhân Quyền Cần Được Nêu Ra Tại Chuyến Thăm Của Toàn Quyền Úc Ðại Lợi


(Hình: Toàn quyền Úc Ðại Lợi David Hurley (trái) tại Sydney, Úc Ðại Lợi.)

-Vào ngày 3/4/2023, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) ra kêu gọi vấn đề nhân quyền cần được ưu tiên trong chương trình nghị sự chuyến công du Việt Nam của Toàn quyền Úc Ðại Lợi David Hurley từ ngày 3 đến 6/4.

Giám đốc HRW Úc Ðại Lợi, bà Daniela Gavshon, nêu rõ Toàn quyền David Hurley phải nêu ra với giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam các quan ngại về những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cả công khai lẫn trong các cuộc gặp riêng.

Theo bà Daniela Gavshon việc thảo luận tình cảnh của hơn 160 người bị bỏ tù chỉ vì ôn hòa thực thi các quyền con người cơ bản là thật thiết yếu.

Toàn quyền David Hurley cần phải thúc giục chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả những tù chính trị. Ông phải có kêu gọi đặc biệt về việc trả tự do ngay và vô điều kiện đối với công dân Úc Ðại Lợi gốc Việt 73 tuổi Châu Văn Khảm, cùng các nhà hoạt động có tiếng khác như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng, Hoàng Đức Bình, Lê Đình Lượng, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Cấn Thị Thêu.

Chuyến công du Việt Nam của Toàn quyền David Hurley diễn ra trước vòng Đối thoại Nhân quyền Việt-Úc lần thứ 18 sẽ được tiến hành ở Hà Nội vào cuối tháng Tư này.

HRW cho biết luôn thúc giục chính phủ Canberra tận dụng những cuộc đối thoại giữa hai phía để thúc giục Hà Nội có những mốc tiến bộ cụ thể, rõ ràng, lượng định được trong các lĩnh vực tự do tôn giáo- tín ngưỡng; chấm dứt ngăn cản, giới hạn quyền dự do đi lại….

Việc thúc giục từ phía chính phủ Úc Ðại Lợi không chi nên đưa ra vào những dịp đối thoại mà trong tất cả mọi cuộc gặp gỡ giữa đôi bên.

Chuyến công du của Toàn quyền David Hurley nhằm đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Úc Ðại Lợi-Việt Nam.


Hai Mươi Mốt Người Đài Loan Bị Bắt Trong Đường Dây Rửa Tiền Tại Việt Nam


(Hình: Thành phố Cao Hùng, Đài Loan.)

-Hai mươi mốt người bị Công tố Thành phố Cao Hùng, Đài Loan, bắt giữ với cáo buộc dính líu đến một đường dây rửa tiền với tổng trị giá hơn 146 triệu Mỹ kim trong 10 tháng qua.

Mạng báo Taipei Times loan tin ngày 3/4/2023, nêu rõ một người đàn ông tên Shen (40 tuổi) ở Cao Hùng bị cáo buộc điều hành đường dây câu kết với các nhóm tội phạm tổ chức đánh bạc trên mạng và sòng bài ở Việt Nam.

Nhóm của ông Shen có 20 người làm việc theo 3 ca tại một văn phòng ở Cao Hùng.

Biện pháp đột nhập vào văn phòng của nhóm ông Shen được tiến hành vào tuần qua. Lực lượng chức năng Cao Hùng tịch thu 108 điện thoại di động, 10 máy điện toán và một hệ thống thông tin.

Lực lượng chức năng cho biết tất cả các điện thoại di động đều xài sim card Việt Nam để nhận cuộc gọi từ nước này, và nhập mật khẩu để chuyển tiền từ các vụ đánh bạc.

Nhóm của ông Shen nhận tiền từ Việt Nam được thực hiện qua các tài khoản ngân hàng ngoại quốc và các công ty bình phòng để rửa tiền thu được từ các sòng bài và đường dây đánh bạc trên mạng.


Án Phúc Thẩm Trong Vụ Công Ty Tân Thuận Bán Rẻ Dự Án Phước Kiển Và Ven Sông Cho Quốc Cường Gia Lai


(Hình: Các bị cáo tại tòa.)

-Vào ngày 3/4/2023, Tòa Phúc thẩm Tp. HCM tuyên án vụ Công ty Tân Thuận chuyển nhượng với giá rẻ 2 dự án Khu dân cư Ven Sông và Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Cáo buộc trong vụ này là “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Hội đồng Xét xử chỉ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ cho bà Nguyễn Thị Ngọc Bích – nguyên Kế toán trưởng Công ty Tân Thuận – từ 4 năm xuống còn 2 năm 4 tháng tù; ông Phan Thanh Tân – nguyên Phó văn phòng Thành ủy – từ 3 năm tù thành 3 năm án treo.

Phiên Sơ thẩm vụ án vừa nêu diễn ra vào ngày 19/10/2022. Cựu Phó Bí thư Thành ủy Tp. HCM bị tòa tuyên án 6 năm tù trong vụ án này theo cáo buộc tội “Vi phạm quy định về quản lý,sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí” theo điều 219 Bộ luật Hình sự Việt Nam”.

Trong vụ này ngoài ông Tất Thành Cang còn có chín cựu viên chức Tp. HCM khác.

Hội đồng Xét xử xác định rằng các bị cáo đã thực hiện những thủ tục chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại hai dự án KDC Phước Kiển và KDC Ven Sông, tài sản của Nhà nước do Công ty Tân Thuận quản lý, cho Công ty Quốc Cường Gia Lai mà không thực hiện thẩm định giá, không đảm bảo nguyên tắc thị trường… khiến công quỹ bị thiệt hại hơn 735 tỉ đồng.

Ông Tất Thành Cang còn bị xử 10 năm tù vào ngày 8/1/2022 trong vụ bán rẻ chín triệu cổ phần của Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) cho Cổ đông chiến lược – Công ty Nguyễn Kim – gây thất thoát hơn 1.100 tỉ đồng.

Tại phiên Phúc thẩm trong vụ này, ông Tất Thành Cang được giảm án xuống còn 8 năm 6 tháng tù.

Ông Tất Thành Cang không kháng cáo bản án Sơ thẩm trong vụ Công ty Tân Thuận bán rẻ đất 2 dự án Ven Sông và Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai.

Tòa Sơ thẩm tuyên ông Trần Công Thiện – Cựu Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận – chịu mức 13 năm tù; tổng hợp án khác là 26 năm tù; ông Nguyễn Văn Minh – nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Tân Thuận – 8 năm tù; tổng hợp án khác là 11 năm tù; ông Trần Tấn Hải – nguyên Phó tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận – 5 năm tù; bà Nguyễn thị Ngọc Bích – nguyên Kế toán Trưởng và Nguyễn Xuân Tùng – nguyên Trưởng phòng Kinh doanh Tổng hợp – mỗi người 4 năm tù; ông Phan Thanh Tân – nguyên Phó văn Phòng Thành ủy – và Nguyễn Hoàng Việt – nguyên Kiểm soát viên Công ty Tân Thuận, mỗi người bị án 3 năm tù.


Hà Nội và Bắc Giang Mở Rộng Biện Pháp Xử Phạt Sai Phạm Tại Các Trung Tâm Đăng Kiểm



(Hình: Trung tâm Đăng kiểm 29-32D.)

-Thêm lãnh đạo và viên chức đăng kiểm tại Hà Nội và Bắc Giang bị xử phạt vì những sai phạm trong công tác kiểm định xe cơ giới đường bộ.

Tại Hà Nội, Công an quận Hoàng Mai vào ngày 3/4/2023 đã ra quyết định khởi tố và bắt giam Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-32D, ông Lê Văn Cương; đăng kiểm viên Trần Văn Thắng - đăng kiểm viên, cựu phó Trung tâm Đăng kiểm 29-32D đã nghỉ làm từ ngày 17/2, cùng 3 đăng kiểm viên và một nhân viên nghiệp vụ tại trung tâm này.

Kết luận điều tra cho thấy ông Lê Văn Cương cùng năm người tại Trung tâm Đăng kiểm 29-32D mới bị bắt đã có hành vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu, hồ sơ đăng kiểm; cấp giấy đăng kiểm cho những phương tiện chưa đủ tiêu chuẩn.

Tại Bắc Giang, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh phê chuẩn quyết định của Cơ quan Cảnh sát Điều tra khởi tố và bắt giam đối với ông Nguyễn Văn Nhiên - nguyên đăng kiểm viên Trung tâm 98-06D về tội nhận hối lộ.

Vào ngày 28/3 vừa qua, Trung tướng Tô Ân Xô – phát ngôn viên Bộ Công an – cho biết đã có hơn 500 người đã bị Cục Cảnh sát Hình sự và công an ở 32 địa phương khởi tố với 7 tội danh liên quan đến các sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm.

Các tội danh của những người bị khởi tố bao gồm: Môi giới hối lộ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Giả mạo trong công tác; Sản xuất mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, nhu liệu điện toán để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm nhập trái phép mạng máy điện toán, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

Đã có hai lãnh đạo cấp cao của Đăng kiểm bị khởi tố và bắt giam là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Đặng Việt Hà và cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình.

Trung tướng Tô Ân Xô nêu rõ từ năm 2018 đến năm 2022, hàng trăm nghi phạm đã liên kết với 73 công ty thiết kế, cải tạo có trụ sở tại 18 tỉnh thành để kiểm định gần 40.000 xe cơ giới. Trong số này, nhiều xe không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp giấy phép, tạo ra nguy cơ tai nạn giao thông, gây nguy hiểm cho xã hội.


Chính Phủ Hà Nội Đề Nghị Miễn Thị Thực 45 Ngày Cho Khách Du Lịch Một Số Nước


(Hình: Hải quan Việt Nam kiểm thị thực của khách du lịch.)

-Chính phủ Hà Nội đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn thị thực nhập cảnh lên 45 ngày cho khách du lịch từ một số nước.

Truyền thông nhà nước loan tin ngày 2/4/2023 dẫn đề nghị được công khai trên Cổng Thông tin Chính phủ Việt Nam. Đề nghị này sẽ được Quốc hội bàn thảo tại kỳ họp vào tháng Năm tới đây.

Ngoài đề nghị kéo dài thời gian miễn thị thực nhập cảnh lên 45 ngày như vừa nêu, Chính phủ Hà Nội cũng đề xuất chuyển hoàn toàn sang e-visa. Hiện nay chỉ có công dân 80 nước thuộc diện này.

Theo quy định hiện hành của Việt Nam, du khách từ một số nước Âu Châu, Nhật Bản, Nam Hàn được miễn thị thực nhập cảnh 15 ngày. Đây được đánh giá là những thị trường du lịch hàng đầu của Việt Nam.

Thống kê cho thấy trong quý 1 năm nay, cho hơn 810 ngàn khách Nam Hàn đến thăm Việt Nam.

Vào năm 2022, Việt Nam chỉ có thể đón được 3,6 triệu khách du lịch quốc tế; tương đương chừng 20% mức trước dịch COVID-19.

Mục tiêu cho cả năm nay được Tổng Cục Du lịch Việt Nam đề ra là thu hút được chừng 8 triệu khách du lịch quốc tế.

Những hạn chế về visa được cho là một trong những lý do làm nản lòng du khách quốc tế muốn đến thăm Việt Nam.


ADB: GDP Của Việt Nam Năm 2023 Có Thể Giảm Xuống 6,5%


(Hình: Công nhân may mặc Việt Nam.)

-Hôm thứ Ba (4/4/2023), Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) đưa ra dự báo rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể sẽ giảm xuống mức 6,5% trong năm nay từ mức 8% năm 2022, và tăng lên 6,8% vào năm 2024.

Theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 “sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu”.

Tuy nhiên, ông Jeffries được trích lời nói trong một thông cáo của ADB rằng chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, “sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi này”.

Hồi đầu năm, tin cho hay, chính phủ Việt Nam đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023: GDP đạt 6,47%, lạm phát bình quân 4,08% hoặc GDP đạt 6,83%, lạm phát tăng 3,69%.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng hôm 3/4 nói rằng việc Việt Nam nhắm mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2023 là “kịch bản rất thách thức” nhưng vẫn cần phải theo đuổi mục tiêu này để phục vụ cho kế hoạch trung hạn.

Tin cho hay, ông Dũng đưa ra nhận định trong một phiên họp của chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng của Việt Nam trong quý 1 năm nay chỉ đạt 3,32%, vốn là mức thấp thứ nhì so với cùng kỳ của 13 năm gần đây. Bộ của ông Dũng dự báo rằng nền kinh tế sẽ vẫn gặp khó khăn trong quý 2 và đề xuất chính phủ “cần sớm có chính sách hỗ trợ mới về giảm thuế, phí, lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất”.

Trước ADB, tháng trước, Ngân hàng Thế giới dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 là 6,3% do những khó khăn trong nước và bên ngoài, tăng trưởng ở khu vực dịch vụ chững lại, giá cả và lãi suất leo thang ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và gia đình.


Phó Thủ Tướng Nga Sắp Thăm Việt Nam!

-Hôm thứ Ba (4/4/2023), Cổng Thông tin Chính phủ Việt Nam (VGP News) đưa tin rằng Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5 tới 7 tháng Tư theo lời mời của Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Hồng Hà.

Tin cho hay, hai viên chức này sẽ đồng chủ trì khóa họp lần thứ 24 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại & khoa học-kỹ thuật.

Theo hãng thông tấn TASS của Nga, Tòa Ðại sứ Nga tại Việt Nam cho hãng tin này biết rằng ông Chernyshenko cũng sẽ phát biểu tại phiên họp toàn thể của diễn đàn doanh nghiệp Việt – Nga.

Ngoài ra, theo TASS, đoàn do Phó Thủ tướng Chernyshenko làm trưởng đoàn cũng sẽ thăm gian trưng bày của Nga tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Vietnam EXPO 2023.

Theo quan sát của VOA tiếng Việt, thông tin của cả phía Việt Nam và Nga không cho biết rằng liệu hai bên có sẽ trao đổi về cuộc chiến của Nga ở Ukraine hay không.

VOA tiếng Việt đã đưa tin, hồi cuối tháng Hai, Việt Nam một lần nữa lại bỏ phiếu trắng cho Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về việc yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine. Nghị quyết không mang tính ràng buộc nhận được 141 phiếu thuận. 7 nước bỏ phiếu chống và 32 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc và Lào.

Trước đó, tin cho hay, một lãnh đạo Thượng viện Nga trong chuyến thăm Việt Nam mới đây nói rằng ông đánh giá cao lập trường “cân bằng, khách quan” của Việt Nam về điều mà phía Nga gọi là cuộc khủng hoảng Ukraine và “chiến dịch quân sự đặc biệt” đang được tiến hành ở Ukraine.

“Việc Việt Nam từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt Nga bất hợp pháp một lần nữa khẳng định bản chất hữu nghị và tin cậy truyền thống của quan hệ hai nước chúng ta luôn không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của tình hình”, ông Andrey Yatskin, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang của Nga, được Tòa Ðại sứ Nga ở Việt Nam dẫn lời nói. 

Không có nhận xét nào: