Cây củ chi đại thụ hiếm hoi trong khuôn viên nhà mồ ông Nguyễn Tấn Tới trước khi bị đốt cháy – Ảnh VietnamNet - Hiếm ai biết tên huyện Củ Chi – ngoại ô Sài Gòn, bắt nguồn từ tên một loại cây tên củ chi (hay cổ chi, mã tiền) vốn mọc rất nhiều trên đất này. Cây củ chi còn có tên dân gian là “cây tử thần” vì lá, vỏ, hạt, thân cây… chứa chất độc dược hạng A, có thể làm chết người ngay lập tức. Vì thế, nhiều người dân ở vùng đất đất đã chặt hạ cây củ chi gần hết, chỉ còn sót lại vài cây, trong đó có một cây cổ thụ trong khu nhà mồ của ông Nguyễn Tấn Tới (ấp Phú An, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi), cao khoảng 20m (65.6 feet), thân cây phải 3-4 người ôm, vỏ cây sần sùi.
Tuổi đời của cây củ chi này đã ngoài 200 năm và được dân chúng xem là biểu tượng của vùng ngoại ô phía Tây Bắc Sài Gòn, nằm trong nhà mồ của một dòng họ được coi là giàu nhất vùng trước 1975, hiện có hơn 20 ngôi mộ, vừa cũ vừa mới. Cây củ chi vốn thân gỗ, cao nhất khoảng 25m nhưng thường chỉ cao từ 5m – 12m. Lớp vỏ bọc thân cây màu xám trắng, cây ra bông trắng, có mùi thơm, kết thành quả hình cầu, khi chín ngả sang màu cam và rụng đầy xuống gốc vì không ai dám ăn. Bên trong quả chứa tối đa 5 hạt. Hạt củ chi hình tròn dẹp, tựa như nút áo, khi phơi khô có thể đem bán cho những hiệu thuốc Đông y.
Bài viết trên VietnamNet ngày 10 Tháng Ba 2023 cho biết cây củ chi 200 tuổi này vừa bị ai đó đốt cháy, gây nên sự tiếc nuối cho những vị thầy lang biết sử dụng hạt của cây này làm thuốc chữa bệnh.
VietnamNet dẫn lời ông Nguyễn Văn Hồng, cán bộ ấp Phú An (xã Phú Hòa Đông) cho biết: “Cách đây ít hôm, khi đi ngang qua khu nhà mồ ông Nguyễn Tấn Tới, tôi nhìn thấy cây củ chi cổ thụ bị đốt cháy. Có lẽ ai đó khi đốt lá khô đã không cẩn thận để lửa cháy lan, bén vào gốc cây. Lửa cháy lan vào trong thân cây đã mục ruỗng làm cho cây chết và gần như không thể cứu. Tôi đã báo sự việc lên cấp trên. Ai cũng tiếc nuối vì đây là cây củ chi đại thụ, quý hiếm nhất của vùng này”.
Trước đó, ông Hồng còn thuê người đến cắt tỉa những cành lớn, phòng khi mưa và gió mạnh, cây sẽ bị đổ gãy, những cành còn lại đang đâm chồi, tươi tốt thì lại bị đốt cháy đen. Điều may mắn là bên cạnh thân cây chính đã bị thiêu trụi, cháy nham nhở thì vẫn còn thân cây phụ bên cạnh còn lá xanh mơn, có vẻ như không hề hấn gì.
Hiện, thân chính của cây đã bị chết cháy, nhưng thân nhỏ bên cạnh còn nguyên vẹn và tươi tốt – Ảnh: VietnamNet
Chung quanh cái cây này có những chuyện như huyền thoại do dân địa phương kể lại.
Với cành lá tỏa bóng mát khắp một góc nghĩa địa, gốc cây củ chi từng chứng kiến có nhiều người tìm đến quyên sinh. Họ nhai hạt, hoặc lá, hoặc vỏ thân cây với mục đích tự kết liễu cuộc đời. Nổi tiếng nhất là một đôi tình nhân đến gốc cây nhai lá tự sát vì bị gia đình cấm cản chuyện yêu đương, lúc vùng đất này còn thuộc huyện Bình Dương, trấn Phiên An (sau là tỉnh Gia Định). Vị quan sở tại lúc đó từng đau đầu truy tìm thủ phạm cho đến khi gia đình tìm thấy lá thư tuyệt mệnh của họ để lại. Từ đó, gốc cây “tử thần” bị mang tiếng là cây “ma ám”, bởi lời đồn nửa đêm thanh vắng hay chạng vạng tối có tiếng rên rỉ sầu thảm của vong hồn đôi trai gái.
Còn bọng cây rộng và sâu dưới gốc tương truyền xưa kia là nơi trú ngụ của cặp rắn thần. Mỗi ngày, đôi rắn lớn nằm phơi nắng trên phần đất nhô lên như ổ mối ở gốc củ chi, đùa giỡn với nhau trên nền đất rụng đầy lá và trái củ chi.
Sau đó, đôi rắn chui vào bọng cây củ chi sinh sống và người dân không ai dám đến gần gốc cây củ chi để cạo vỏ, nhặt trái đem bán cho người làm thuốc như trước nữa.
Bà Nguyễn Thị Tuyến (64 tuổi, ấp Phú An, xã Phú Hòa Đông) kể: “Chuyện này tôi được ông bà xưa kể lại. Cặp rắn ấy to lắm. Nó còn có mào nữa nên người xưa nghĩ đó là rắn thần. Mỗi năm đến kỳ cúng lễ ở nghĩa địa, người ta lại thấy cặp rắn trườn từ gốc cây lên những cành lớn rồi nhìn xuống. Bẵng đi một thời gian, người ta không còn thấy cặp rắn ấy nữa”.
Trong bài viết của Một Thế Giới hồi Tháng Chín 2017 về cái cây này, ông Nguyễn Tấn Tài, ngụ xã Phú Hòa Đông, kể lại: “Nhiều người sợ cái cây này cũng phải thôi, vì hiếm có loài cây nào độc như củ chi. Ông bà tôi còn kể, hồi đó cây củ chi nhiều, người ta cưa về đóng giường, đóng phản nằm, mà lỡ le lưỡi liếm trúng một cái là cứng lưỡi, cứng họng ngay. Củi củ chi đốt lên, khói bay khiến cả làng hôn mê luôn chớ giỡn”.
Trên thực tế, củ chi là vị thuốc quý đang trên đà tuyệt chủng. Các sách Đông y ghi củ chi còn có tên gọi là Cổ Chi, Hoàng Đàn, Võ Doản, Mã Tiền…. có thân, lá, hạt, đến vỏ cây chứa hàm lượng Strychnin rất cao. Đây là chất rất độc, chỉ cần một lượng rất nhỏ cũng khiến người khỏe mạnh bị trụy tim mạch rồi tử vong tức khắc.
Tuy vậy, hạt và vỏ cây củ chi sau khi chế biến đem ngâm rượu sẽ thành loại thuốc xoa bóp trị được bệnh đau lưng, nhức mỏi công hiệu…
Nhưng cây củ chi rất khó trồng, tỷ lệ nảy mầm rất thấp, cứ 1,000 hạt thì chỉ được 5 – 7 hạt nảy mầm. Thêm nữa, nhiều cây củ chi bị dân đốn bỏ vì sợ chất độc nên ngày càng khan hiếm, các thầy lang tìm kiếm loại thảo dược này ngày càng khó.
Cây củ chi có trái hình cầu, khi chín có màu cam đẹp mắt, bên trong chứa hạt có thể chế biến làm thuốc chữa bệnh – Ảnh: Vinmec
Để khôi phục lại giống dược liệu này, huyện Củ Chi đã trồng thử nghiệm khoảng 50 cây củ chi tại rừng di tích Bến Đình. Nhưng sau 10 năm, cây chỉ mới có đường kính khoảng 15cm (5.9 inches), lớn chậm.
Ngoài cây củ chi cổ thụ trong nhà mồ ông Nguyễn Tấn Tới hiện đã bị đốt cháy, ấp Phú An, xã Phú Hòa Đông còn một cây cổ thụ kém tuổi hơn tại đất nhà bà Nguyễn Thị Bông (tên thường gọi Hai Bông, 69 tuổi). Trong vườn nhà bà, chỗ có bụi cây củ chi được xây tường bê tông chung quanh, cao quá đầu người để ngăn không cho ai đến gần. Bà Bông cho biết: “Cây này có hơn 100 năm rồi. Tôi về làm dâu ở đây hơn 30 năm đã thấy có và nghe mẹ chồng kể lại”.
Bà Bông không quên nhắc lại ngày xưa vì chung quanh cây không rào chắn gì hết nên có khoảng 6-7 người tìm đến đây hái lá tự vẫn, đa phần là người già và nghèo khổ, muốn “đi” sớm cho khỏe.
Vì biết được cây có độc, bà Bông dạy con tránh xa cây củ chi từ bé, đến đời cháu bà cũng dạy và canh chừng nghiêm ngặt, nên cả ba đời nhà bà sống ở đây mà chưa ai bị trúng độc cây này.
Tuy vậy, gia đình bà cũng chưa bao giờ dám chặt một cành cây củ chi nào, cứ để kệ cành lá sum suê và tua tủa. Khi trái chín rụng xuống đất, bà lấy hạt phơi khô đem bán cho các tiệm thuốc Bắc với giá 100,000 đồng/kg ($4.22). Mỗi mùa hạt củ chi, bà Bông bán được vài chục ký. Tuy nhiên, chỉ những nhà thuốc mới dám mua loại hạt này, còn bà con trong xóm và ngay cả nhà bà Bông, không ai dám dùng.
Cây củ chi có độc trên đất Củ Chi đã bị loài người tận diệt, rồi giờ lại hối hả trồng và cứu, kể cũng là nghịch lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét