Dư luận đang hướng về địa phận Vinh với bao câu hỏi được đặt ra cho “linh mục” Hồ Hữu Hoà, và cho những người liên quan. Một trong những nghi hoặc từ vụ nguỵ tạo chứng thư này, là có thể đã có sự nhúng tay của người cộng sản. Điều nghi hoặc này của dư luận nó có cơ sở của nó. Nó dựa trên cái kinh nghiệm bao năm của người CG khi buộc phải sống chung với người cộng sản. Câu chuyện của địa phận Vinh đã đưa tôi trở về câu chuyện của những người Công giáo theo cộng sản ở miền Nam trước 75.
<!>
….Trong đoàn người di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 có một cán bộ tình báo Bắc Việt tên Vũ Ngọc Nhạ, ra đi từ Thái Bình ở cái tuổi 26. Nhạ có dáng dấp của một nhà mô phạm, hay một thầy tu. Ăn nói chững chạc, khôn ngoan của một người có khiếu hoạt ngôn. Rồi nhờ cái khả năng đó mà Nhạ được linh mục Hoàng Quỳnh chiêu mộ làm phụ tá.
“Thầy Bốn” Nhạ lúc đầu chỉ chuyên tâm lo việc nhà thờ để tạo niềm tin. Sau đó thầy Bốn có cơ hội lấn sang địa hạt chính trị khi được cha Hoàng Quỳnh tin tưởng cho tháp tùng trong những buổi gặp gỡ các chính khách miền Nam. Nhạ cũng có nhiều cơ hội gặp gỡ bề trên của cha Hoàng Quỳnh là Đức cha Lê Hữu Từ.
Dĩ nhiên lúc đó tất cả bề trên chẳng ai có thể ngờ thầy Bốn Vũ Ngọc Nhạ là một tay tình báo chiến lược của Bắc Việt, đang núp dưới bóng các vị chủ chăn.
Để rồi chẳng bao lâu sau Vũ Ngọc Nhạ trèo cao hơn nữa khi trở thành “Người Giúp Việc” của Đức cha Lê Hữu Từ, một nickname mà chính giới miền Nam thời đó đặt cho ông và xem ông như là một phụ tá của Đức cha. Nhạ đã đạt được một vị trí mà các bên đều nể vì, luôn tìm cách cậy nhờ chuyện nọ việc kia. Và vô tình Nhạ trở thành một người môi giới trung gian về mặt chính trị giữa nhiều thành phần chính quyền và Công giáo.
Khi cảm thấy đã chín mùi và muốn mở rộng tầm hoạt động tình báo, Nhạ đã bí mật xây dựng Cụm Tình Báo Chiến Lược A -22. Núp bóng Đức cha, Nhạ đã len sâu hơn nữa vào thượng tầng chính trị của nền Đệ I và ĐỆ II Cộng Hoà. Nhạ có thời được gọi là một trong những “ Ông Cố Vấn” trong chính quyền ông Thiệu. Vì là một gián điệp khôn ngoan, ẩn mình khéo, giàu tri thức và lắm mưu lược , Nhạ đã từng viết những báo cáo về tầm nhìn chiến lược có lợi cho ông Diệm, ông Thiệu hầu lấy lòng tin. Sau đó y tìm cách khuynh đảo, làm rối loạn mảng nhân sự dân chính của chế độ Cộng Hoà.
Các Đức cha Lê Hữu Từ, Phạm Ngọc Chi, Hoàng Văn Đoàn nổi tiếng chống cộng thời đó đều bị Nhạ qua mặt dễ dàng. Linh mục Hoàng Quỳnh phải thốt lên rằng, lỗi lầm lớn nhất trong đời của ngài là đã chiêu mộ Vũ Ngọc Nhạ vào hàng ngũ chống cộng thân tín.
Rồi cũng đến ngày Cụm tình báo A-22 bị bắt trọn ổ, hai tay đầu não chiến lược Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng bị kết án chung thân, bị giam tại Côn Đảo. Tháng 1 năm 74 Nhạ được thả trong dịp trao đổi tù binh, được giao lại cho MTGPMN với cái bí danh là “Linh mục giải phóng”.
Sau biến cố 1975, linh mục Hoàng Quỳnh bị bức tử trong lao ngục cộng sản. Còn Vũ Ngọc Nhạ, một trong những tay tình báo hàng đầu của Bắc Việt, gồm có Phạm Xuân Ẩn, Huỳnh Văn Trọng, Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thúy…được Hà Nội tôn vinh như thần thánh vì đã có công chui sâu vào thượng tầng chính trị của miền Nam; có công tung hỏa mù nơi các thông tin chiến lược; có công khuynh đảo và làm phân hóa nội bộ hệ thống chính trị.
“ Thầy Bốn” của cha Hoàng Quỳnh, “Người Giúp Việc” của Đức cha Lê Hữu Từ, “Ông cố vấn” của tổng thống Diệm, “ Linh mục giải phóng” của mặt trận… toàn là những nickname nghe có vẻ hiền lành, nhưng đằng sau chúng là một con người có khả năng hoạch định và nắm giữ những âm mưu tình báo chiến lược. Vũ Ngọc Nhạ đã được đảng thưởng công trong việc góp phần làm sụp đổ chính quyền miền Nam bằng một quân hàm thiếu tướng.
Ở trên là chuyện thời xưa. Còn thời nay?
Hãy nhìn vào Giáo Hội Hầm Trú bên Trung Quốc. Hãy nhìn vào thực tại của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Cao Đài, Hoà Hảo… Tất cả đã không thoát được cái vòng kim cô của chế độ. Họ muốn các tôn giáo phải thuần phục và chịu sự kiểm soát bởi chế độ. Vì thế, chỉ những nước độc tài chuyên chế mới có ban tuyên giáo, mới có Ban Tôn Giáo và công an tôn giáo; mới có ủy ban Công giáo, Phật giáo yêu nước là vậy.
Thời may, sau bao năm sống dưới chế độ cộng sản, người Công Giáo Việt Nam đủ nhận thức sự nguy hiểm về việc cài cắm “hạt nhân” của người cộng sản, nên đã cô lập hoạt động của nhóm “Uỷ ban Công giáo đoàn kết yêu nước” ấy. Những linh mục “quốc doanh” nổi tiếng trong ủy ban này gồm có các cha Huỳnh Công Minh, Chân Tín, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan( cựu linh mục DCCT), Trương Bá Cần, Võ thành Trinh, Vương Đình Bích, Vương Đình Chữ, Phan Khắc Từ, Thiện Cẩm… Một số các cha sau này phản tỉnh và sám hối quay lại với giáo hội, lên tiếng chống đối mạnh mẽ những bất cập của chế độ. Một số vẫn cúc cung chạy theo luồn cúi quyền lực đỏ.
Ai cũng phải thừa nhận tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản là hai thái cực, khi một bên là duy linh, một bên là duy vật. Trong Duy Vật Biện Chứng, Karl Mark đã từng cảnh báo và đưa ra luận điểm: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” hòng tách rời người dân theo cách mạng ra khỏi tôn giáo. Theo đảng thì phải tìm cách triệt tiêu tôn giáo.
Cộng sản VN vẫn luôn giữ luận điểm này. Dùng nó như một kim chỉ nam và hành động một cách tiệm tiến để hòng triệt tiêu cái thứ “thuốc phiện ” ấy qua cái cơ chế “Xin -Cho”, qua chính sách những vùng trắng tôn giáo, qua sự kiểm soát chặt chẽ của ủy ban tôn giáo.
Tóm lại, sự cài cắm nhân sự vào các tôn giáo của người cộng sản là việc đương nhiên và dễ hiểu. Giỏi, am hiểu về thần học, triết học, đạo đức học, tín lý học v.v … chưa đủ để bảo vệ và phát triển đường lối dân Chúa cho một Giáo Hội Công Giáo thánh thiện, duy nhất và tông truyền đâu. Nếu một vị chủ chăn mà quá ngây thơ trong chính trị, đặc biệt trong việc đối đầu với người cộng sản, thì vô hình chung, sẽ đẩy giáo hội trở thành một giáo hội hầm trú nay mai mà thôi.
Hãy cùng nhau tỉnh thức và cầu nguyện.
13/02/23
Stephen Nguyen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét