Đây là bài số sáu trăm năm mươi ba (653) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.Ngày xưa nhiều bậc cha mẹ không muốn cho con gái học chữ, đọc sách nhiều vì sợ con gái đọc tiểu thuyết ái tình lãng mạn rồi bắt chước các nhân vật trong tiểu thuyết hay học chữ nhiều để viết thư tình cho trai thì nguy quá! Cha mẹ tôi tuy thuộc thành phần cấp tiến, thường khuyến khích chúng tôi học hành giỏi giắn để sau này có công danh sự nghiệp tốt đẹp nhưng vẫn nghiêm cấm chúng tôi không được đọc tiểu thuyết, thơ văn, ca nhạc.
<!>
Vào thập niên 50-60 ở Việt Nam, cha mẹ có rất nhiều quyền uy đối với con cái và giáo dục gia đình rất nghiêm khắc, nhất là đối với con gái. Ba tôi có một tủ sách quý nhưng không cho phép các chị em chúng tôi đến gần tủ sách này vì sợ chúng tôi mê đọc sách rồi sao nhãng việc học hành.
Tôi còn nhớ ngày xưa có những tiệm cho mướn sách tiểu thuyết của các nhà văn nổi tiếng như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Bà Tùng Long, Bình Nguyên Lộc, Văn Quang, Nguyễn Đạt Thịnh v..v Những người chủ tiệm này không cho mướn nguyên cuốn sách mà cho mướn từng chương, từng đoạn một quyển sách trong vòng một tuần lễ mà thôi. Người mướn sách đọc xong, đem trả phần đã mượn rồi mới được tiếp tục mướn phần kế tiếp. Trong những người mướn sách đó có tôi, bạn ạ! Vui không?
Trong số tử vi của tôi có sao Văn Xương, Vũ khúc, Phượng Các chiếu mệnh hay sao nên tôi rất thích đọc sách. Thế mới khổ! Tôi bị ba tôi cấm đọc sách ở nhà, thôi thì tôi phải lén ba tôi đi mướn sách ở ngoài xem mới được. Đem sách về nhà rồi, tôi phải đọc lén trong phòng vệ sinh hoặc chờ đến khuya ba má tôi đi ngủ, tôi mới đem sách ra đọc. Tiền ba má cho ăn quà, tôi để dành đi mướn sách về đọc.
Thật cũng vui và cũng hồi hộp nữa vì nếu bị ba tôi bắt gặp tôi đang đọc tiểu thuyết, thế nào tôi cũng bị đòn. May quá! Ba tôi không biết được con gái cưng của ba đã lén đọc sách và tiểu thuyết trong mấy năm trời vì tôi học hành đàng hoàng, đổ đạt kết quả đáng khen. Đến khi tôi đỗ Tú Tài hai ở trường nữ trung học Gia Long và trúng tuyển vào HVQGHC, ba tôi mới cho phép tôi được tự do đọc sách thoải mái, không còn bị la rầy nữa vì lúc bấy giờ tôi đã là sinh viên rồi chứ lị!
Quyển Góp Nhặt Cát Đá của Thiền Sư Nhật Bản Muju viết vào thế kỷ XIII do Đỗ Đình Đồng dịch và quyển Một Quan Niệm Về Sống Đẹp của Lâm Ngữ Đường (Trung Hoa) do Nguyễn Hiến Lê lược dịch là hai quyển sách mà tôi thích nhất và tôi tâm đắc nhất. Đời sống tâm linh ngày nay của tôi chịu ảnh hưởng phần nào bởi những câu chuyện Thiền và quan niệm sống được trình bày trong hai quyển này.
Tôi đã đọc hai quyển này năm 18 tuổi và bây giờ đọc lại, tôi thấy hình như hay hơn và thấm thía hơn. Đầu óc mê muội của tôi hình như được “phát quang” hơn giống như tác giả Lâm Ngữ Đường đã nói trong chương “Sách và Đọc sách” như sau:
“Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua cái kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ở ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài. Do từng trải nhiều hay ít mà sở đắc nhiều hay ít.”
Hãy nghe Lâm Ngữ Đường nói về nghệ thuật đọc sách như sau, bạn nhé!
“Thú đọc sách bao giờ cũng được coi là một trong cái thú tao nhã của đời sống văn minh; những người ít được đọc sách vẫn thường kính trọng và thèm cái thú đó. Điều đó dễ hiểu. Một người không có thú đọc sách bị giam hãm trong một thế giới chật hẹp về không gian và thời gian; suốt đời quanh quẩn trong cái vòng thường lệ, chỉ tiếp xúc, chuyện trò với vài người quen, không thoát ra khỏi cái ngục đó. Nhưng cầm một cuốn sách trên tay là tức thì người đó sống trong một thế giới khác hẳn; nếu cuốn đó là một cuốn hay thì người đó có được một người giỏi đàm thoại kể chuyện cho nghe, dẫn dắt vào một thế giới khác, một thời đại khác.”
Không hiểu bạn có thấy đúng không, riêng tôi thì thấy đúng lắm!
Người viết xin giới thiệu quyển sách Góp Nhặt Cát Đá mà người viết sưu tầm được từ Thư Viện Hoa Sen qua tài liệu dưới đây:
Đỗ Đình Đồng Góp Nhặt
DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN
(333 Câu Chuyện Thiền)
tức GÓP NHẶT CÁT ĐÁ
Hiệu Đính và Bổ Sung
Sách này phát xuất từ Sa Thạch Tập (Shaseki-shu) của Thiền sư Vô Trụ (Muju), người Nhật sống vào thế kỷ mười ba. Vào năm 1971, người góp nhặt đã dịch sách này lần đầu tiên, lấy tên là Góp Nhặt Cát Đá, do nhà Lá Bối ấn hành tại Sài Gòn. Rồi từ khi nhiều đồng bào rời quê hương đi khắp ta bà thế giới, đến đâu có điều kiện, họ liền cho in lại để đọc. Nay trước khi làm ấn bản điện tử (e-book), thấy có đôi chỗ sai, liền dịch lại toàn bộ, sửa chỗ sai, bỏ cũ một phần, thêm mới bội phần. Tinh thần vẫn vậy nhưng nội dung thay đổi nhiều, nên không tiện giữ tên của Thiền sư Vô Trụ nữa và tên sách cũng thay đổi, mong độc giả lượng thứ và vui lòng chỉ cho những chỗ sai lạc để có thể sửa lại khi có dịp. Xin đa tạ. Đỗ Đình Đồng
Frederick, 20 Tháng 03 Năm 1999
· Mục Lục
· 001-030
· 031-060
· 061-090
· 091-120
· 121-150
· 151-180
· 181-210
· 211-240
· 241-270
· 271-333
Mời Bạn đọc vài mẩu truyện Thiền trong quyển sách Góp Nhặt Cát Đá này:
MỘT TÁCH TRÀ
Nam Ẩn (Nan-in), Thiền sư Nhật sống vào thời Minh Trị (1868-1912), tiếp một giáo sư đại học đến hỏi về Thiền.
Nam Ẩn đãi trà. Sư rót trà vào tách của khách, đến khi tách đã tràn mà sư vẫn tiếp tục rót.
Vị giáo sư ngồi nhìn nước tràn ra ngoài, đến lúc không chịu đựợc nữa kêu lên, “Đầy quá, hết chỗ chứa rồi!”
Nam Ẩn nói, “Cũng giống như cái tách này, ông đầy ắp những quan niệm, những suy lý, làm sao tôi có thể chỉ Thiền cho ông được, trừ phi ông cạn cái tách của ông trước?”
(Thiền Cốt Thiền Nhục)
NGỤ NGÔN
Phật kể một ngụ ngôn trong kinh:
Một người đàn ông băng qua một cánh đồng, gặp một con cọp. Anh ta chạy trốn, con cọp rượt theo. Đến một cái hố sâu anh ta chụp lấy sợi dây nho dại và đu mình xuống miệng hố. Bên trên, con cọp dọa anh ta. Run rẩy, anh ta nhìn xuống, dưới xa, một con cọp khác đang chờ ăn thịt anh. Giúp anh chỉ có dây nho.
Hai con chuột, một trắng một đen, bắt đầu gặm đứt dây nho từng chút. Người đàn ông chợt thấy một trái dâu thơm ngon gần đó. Một tay bám dây nho, tay kia thò qua hái trái dâu. Ôi trái dâu ngọt làm sao!
(Thiền Cốt Thiền Nhục)
XUẤT BẢN KINH
Thiết Nhãn (Tetsugen), một tín đồ nhiệt thành của Thiền, quyết định xuất bản các bộ kinh thời đó chỉ có ở Trung hoa. Sách phải in bằng bản gỗ với một lần in bảy ngàn bản là một việc làm to lớn phi thường.
Thiết Nhãn bắt đầu bằng cách đi quyên góp tài vật cúng dường cho mục đích này. Một vài người đồng tình đã tặng Thiết Nhãn cả trăm lạng vàng, nhưng phần nhiều lúc ấy ông chỉ nhận được mấy đồng xu nhỏ. Thiết Nhãn cảm ơn mỗi người cho bằng một lòng biết ơn như nhau. Sau mười năm, Thiết Nhãn đã đủ tiền để bắt đầu công việc của mình.
Bất ngờ vào lúc ấy nước sông Uji tràn ngập. Nạn đói theo sau. Thiết Nhãn đem hết tiền của đã quyên góp được để in kinh ra cứu những người sắp chết đói. Rồi ông bắt đầu quyên góp trở lại.
Mấy năm sau đó nạn dịch lan tràn khắp cả nước. Thiết Nhãn lại đem những gì góp nhặt được ra giúp đồng bào ông.
Ông lại bắt đầu việc làm của mình lần thứ ba. Và sau hai mươi năm, mong ước của ông mới được thành tựu. Những mộc bản đã cho ra đời các bộ kinh in lần đầu tiên, ngày nay, người ta còn thấy ở chùa Hoàng Bá ở Kyoto.
Người Nhật kể cho con cháu họ nghe rằng Thiết Nhãn đã làm ba bộ kinh, hai bộ đầu vô hình nhưng vượt hẳn bộ thứ ba.
(Thiền Cốt Thiền Nhục)
(Nguồn: Thư Viện Hoa Sen -
Bạn đã học được một bài học gì qua những chuyện Thiền này?
Đôi lời tâm sự với bạn về cái thú đọc sách cho vui. Nếu bạn thu xếp được thời giờ thì cũng nên đọc sách cho vui, bạn nhé! Không chừng rồi đây bạn cũng sẽ mê sách như mê người đẹp vậy vì trong sách có người đẹp mặt đẹp như ngọc đấy, bạn ạ! “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc” mà lị!
Bây giờ nhiều sách hay được đưa vào trong các diễn đàn internet hay những trang mạng chuyên về văn học nghệ thuật, tha hồ cho bạn đọc bất cứ lúc nào tùy thích mà không phải trả một đồng xu nào hết. Bạn không tìm đọc thật là phí của trời đấy!
Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi- MCTN 653-ORTB 1082-3152023)
Sương Lam
Website: www.suonglamportland.wordpress.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét