Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

Lần xuôi biên tái! - Trần Ngọc Nguyên Vũ

                 (hình minh hoạ)
(Gởi về Tr/Úy hoa tiêu khu trục Nguyễn Đình Xanh, “Hiệp-Sĩ Say” Đ/U Lê Bình Liêu, hai trong số “53 Thái-Dương chi bảo” và những tráng sĩ Khu Trục, Trực Thăng và Quan Sát của “vùng đất trích” PleiKu. Để tưởng nhớ cố Th/Tá Bửu Chuyển Tiểu Đoàn Trưởng, và những chiến sĩ anh hùng của TĐ/62 BĐQ biên phòng đã hy sinh trên chiến trường Tây Nguyên vào mùa Hè năm 1972. Thân thương gởi về Chánh, Hậu, Phong, Bình, Quán, Song và những người hùng mũ nâu của Pleiku ngày nào.)
<!>
Ai đi Lệ Khánh chiều sương ấy
Đường về miền Bắc chẳng về xuôi.

Xanh ghì nhẹ người yêu trong vòng tay rồi thì thầm vào tai nàng:
- Thôi để anh về, ngày mai anh phải bay sớm.
Phượng ôm chặt lấy Xanh rồi gục đầu vào ngực chàng, nói giọng lo lắng:
- Anh ơi! Sao…tự dưng em thấy sợ quá à!
Xanh cười vuốt tóc người người yêu, giọng nhẹ nhàng:
- Em tôi hôm nay sao nhõng nhẽo thế. Em sợ gì nào?
- Hồi hôm em nằm mơ.
- Em mơ thấy gì, nói anh nghe đi? A! để anh đoán xem nào. Ngày cưới chúng mình, có một đoàn phi cơ khu trục, trực thăng, và quan sát bay trên trời để rước dâu, rồi cả tỉnh PleiKu đổ ra xem, khen cô dâu và chú rể thật là xứng đôi vừa lứa đúng không?

Phượng đấm nhẹ vào ngực Xanh nói:
- Anh kỳ quá à, chọc em hoài. Em nằm mơ thiệt đó. Em mơ thấy mặt trời tư nhiên rớt xuống chân núi, rồi trời đất tối sầm lại. Em giật mình tỉnh dậy, vẫn còn tưởng như thật.

Xanh nâng mặt người yêu lên, trìu mến nhìn vào đôi mắt buồn vời vợi của nàng, giọng vỗ về an ủi:
- Mông mị là do mình hay suy nghĩ vẩn vơ mà ra, nhưng để anh thử giải mộng cho em nghe xem nào. Này nhé! Nhà em ở gần chân núi, mặt trời là Thái Dương, tức là chân mạng của phi đoàn anh; mặt trời rớt xuống chân núi ứng vào điềm nhà em sắp có rể là một phi công của phi đoàn 530 Thái-Dương. Không tin em cứ hỏi ba má xem có phải vậy không.

Phượng cấu vào vai chàng, nói giọng hờn dỗi:
- Anh lúc nào cũng giỡn được. Em hổng nói chuyện với anh nữa đâu.

Xanh âu yếm bẹo má Phượng cười:
- Thôi mà…cho anh xin lỗi, đừng giận anh nha. Trưa mai đi bay về, anh ra xin ba má đưa em vào đồn điền trà của bác Tám, chúng mình đi săn.

Phượng phụng phịu nói:
- Em không thích đi săn. Bắn mấy con thú, em thấy tội chúng quá à.

Xanh cười ôm vai Phượng nói:
- Em tôi hiền hơn “Ma Soeur”. Em không thích đi săn thì thôi, mình sẽ đi lượm hạt cà phê cứt chồn.

Nói xong anh đặt nhẹ lên đôi môi mọng của nàng một nụ hôn. Phượng ửng hồng đôi má, đẩy nhẹ chàng ra, khẽ kêu lên:
- Anh… Có ai thấy kìa!

Xanh cười sung sướng, ngắm vẻ mặt thẹn thùng của người yêu, rồi bước ra cửa. Sau lưng anh, mơ hồ có tiếng gọi thảng thốt của Phượng với theo, như muốn níu chân anh lại.

…Trên đường lên phi đoàn, Xanh nhìn về phía cuối phi đạo 09, cạnh trạm hàng không dân sự, anh thấy nhiều hợp đoàn trực thăng đang quay máy, sửa soạn cất cánh. Tiếng động cơ gầm rú phá tan bầu không khí tĩnh mịch buổi ban mai nơi vùng trời phố núi. Nhìn đồng hồ thấy mới hơn 6 giờ sáng, Xanh lẩm bẩm: “Hôm nay chắc có đụng độ lớn”…Chiều hôm qua, Trung Tá Bá, Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 72 chiến thuật cho tập họp các nhân viên phi hành, trong một buổi họp bất thường, để nghe phòng quân báo thuyết trình về tình hình chiến sự; các anh được biết mấy ngày nay, Tây Nguyên đang bị áp lực nặng nề của địch. Địch dốc toàn lực tung vào cuộc chiến một số quân đông đảo có xe tăng T54, và đại pháo yểm trợ, để công hãm BenHet và Polei Kleng (Lệ Khánh), 2 tiền đồn quan trọng của vùng biên thùy. Vừa vào đến phi đoàn, Xanh nghe tiếng người sĩ quan trực gọi:
- Ê Xanh, Đại Úy Liêu đang cần một phi tuần viên, phi vụ khẩn cấp, mày bay không?
Xanh nhận lời ngay:
- OK! Để tao bay.

Liêu từ trong phòng hành quân bước ra, tay cầm tấm bản đồ, nói với Xanh:
- Lệ Khánh bị đụng nặng, mình lên gấp, làm việc với thằng “Bắc Đẩu”.

Xanh lấy bút chì lân tinh khoanh tròn vị trí của căn cứ Polei-kleng trên bản đồ, ghi vội hướng bay và tần số làm việc. Liêu nói tiếp:
- Mình có Rocket và bom Napalm. Tao bay chiếc trang bị Rocket, còn mày bay chiếc trang bị bom Napalm. Ráng nướng vài con cua sắt đem về làm đồ nhậu nghe mậy.

Xanh nhe răng cười:
- Bay với “Hiệp-Sĩ Say” thì chắc chắn là sẽ không thiếu đồ nhậu rồi. Mai mốt tới ngày đám cưới tui, ông đừng làm thằng em này thất vọng đó nghe.

Liêu cười nhìn Xanh nói:
- Mày không cần phải nhắc. Mấy hôm trước tao với thằng “Trung mọi” theo tụi thằng “Hùng Chùa”, thằng “Tuấn Bokassa”, và thằng “Xuân tóc đỏ” vào buôn thượng đặt mấy hũ rượu cần để mừng “trai anh-hùng” với “gái thuyền-quyên” vùng đất trích rồi. Tới hôm đó cho mày “oắc cần câu” luôn.

Nói xong Liêu thân mật vỗ vai Xanh nói:
- Cẩn thận nghe chú mày. Tao muốn sớm được bồng một chú “Thái Dương nhí” đó nghe.

Xanh cười trả lời giọng hào sảng:
- Ông đừng lo, tôi có số được quý nhơn phù trợ. Lần trước bay chung với Thiếu tá Hà và Thiếu tá Thanh, tôi bị bắn rớt; nhẩy dù ra, nhìn lên thấy 2 chiếc khu trục bay ngược chiều, làm một vòng đai lửa bằng đại bác 20ly, để bảo vệ bãi đáp cho trực thăng nhào xuống vớt lên, trước khi bọn VC ập tới. Trông thật đã con mắt. Đứng giữa nơi trận địa, mà tôi cứ tưởng như mình là một tài tử chính, đang đóng một đoạn phim chiến tranh.

Cả 2 ông phi công khu trục của phi đoàn 530 cùng cất tiếng cười vang rồi lừng lững xách nón bay ra phi đạo. Hai người cơ trưởng nhanh nhẹn leo lên cánh máy bay, phụ các anh cột dây dù, rồi theo sườn phi cơ tuột xuống để quay máy. Lửa từ đầu máy 2 chiếc khu trục cơ phụt ra, tiếng máy rú lên. Người cơ trưởng kéo tấm trụ cản từ hai bánh xe ra, hai chiếc phi cơ lầm lì di chuyển trên phi đạo. Liêu liên lạc với đài kiểm soát:
- Pleiku đài, đây Thái Dương 21, hai phi cơ. Xin cất cánh, phi vụ khẩn cấp.
- Thái Dương 21, PleiKu hiểu. Cất cánh khẩn cấp phi đạo 27, gió lặng, tầm nhìn xa 5 dặm. Sau khi cất cánh, bạn lấy cao độ về hướng phải.
- Thái Dương nhận bạn 5/5.

2 chiếc phi cơ đậu song song trên phi đạo cất cánh. Liêu ra hiệu cho Xanh, từ phòng lái của chiếc phi cơ bên cạnh, Xanh bình tĩnh gật đầu. Hai chiếc phi cơ phóng về phía trước, rồi cùng bốc mình lên khỏi mặt đất như hai con Phượng Hoàng xoải cánh bay vào vùng trời dông bão.

2 chiếc khu trục A1 trang bị đầy bom đạn, trong đội hình cận phi, lao mình xuyên mây hướng về phía Polei-Kleng. Bám sát bên cánh phải của Liêu, Xanh nghe trên tần số FM tiếng quân bạn, tiếng của phi cơ quan sát, lẫn lộn cùng với tiếng đại bác vọng lên qua ống nghe trong nón bay như tiếng réo gọi của tử thần…

Xanh chợt cảm thấy rúng động khi nghe tiếng vị Tiểu Đoàn Trưởng tiểu đoàn 62 Biệt Động Quân biên phòng, yêu cầu phi cơ quan sát cho oanh kích ngay trên hầm chỉ huy của ông… Ông tình nguyện ở lại cản đường quân giặc, và chết theo đồn để cho đồng đội của ông có đủ thời giờ cùng gia đình mở đường máu rút ra khỏi căn cứ… Dòng sông PoKor lờ mờ hiện ra bên dưới qua màn sương mù buổi sáng của vùng núi rừng Tây Nguyên. Căn cứ Polei-Kleng đang quằn quại, gầm thét như một con mãnh hổ bị thương. Khói lửa ngùn ngụt bốc lên theo với luồng hào khí ngất trời của những tráng sĩ chốn biên cương…
Liêu ra hiệu cho Xanh đổi ra hợp đoàn chiến đấu, rồi liên lạc với phi cơ quan sát để xác định vị trí. Người quan sát viên cho Liêu và Xanh biết quân bạn đang rút ra khỏi căn cứ, và hướng dẫn Thái Dương oanh kích ngay trên tiền đồn. Liêu liên lạc với Xanh, điều chỉnh lại cao độ, chúi mũi phi cơ lao xuống, làm một vòng quay 360 độ, rồi phóng ra hai dàn hỏa tiễn công phá. Những trái hỏa tiễn cầy lên mặt đất đá một luồng đạn đạo như cơn địa chấn, làm rung chuyển cả núi rừng, xác địch bắn tung theo với những tàn cây gẫy vụn. Đạn phòng không từ bên dưới phóng lên tới tấp. Tiếng Liêu dồn dập trên tần số:
- Thái Dương 22 coi chừng phòng không từ hướng phải. Có 2 xe tăng ở cạnh bồn xăng nơi đầu phi đạo.
Xanh mím môi lật ngược phi cơ, lao đầu xuống thấp sát ngọn cây, rồi bấm nút thả 2 trái bom Napalm một lúc. Một cuộn lửa bung ra, phủ trùm lên 2 chiếc tăng T54 được ngụy trang bằng những cành cây cạnh bồn xăng, gây ra những tiếng nổ long trời lở đất. Xanh tiếp tục giữ phi cơ ở cao độ 25 thước dọc theo phi đạo, bay qua bãi mìn ngoài tiền đồn, rồi kéo mũi phi cơ thẳng đứng phóng vụt lên. Đạn 12ly7, cùng với 37ly đan chéo hai bên cánh con chim sắt như những lằn sét ngoằn ngoèo trong cơn dông bão. Bỗng Xanh nghe thấy những tiếng nổ lụp bụp, phi cơ rung lên dữ dội, khói đen bốc ra mù mịt che kín cả bảng phi cụ trong phòng lái, rồi một ngọn lửa từ đầu máy bốc ra. Trong khoảnh khắc, Xanh cảm thấy người nóng rát, anh với tay để giựt dây dù nhưng không nắm được chốt giựt. Xanh thấy mắt mình cay xè vì khói. Thảng thốt qua nón bay, anh nghe tiếng Liêu la lớn: “- Số 2 nhẩy dù ngay, phi cơ mày đang bốc cháy”. Xanh cảm thấy ngộp thở, không trả lời được…Trong một thoáng vô vọng, Xanh khẽ kêu lên: “- Chúa ơi cứu con!” Bỗng bàn tay Xanh nắm được chốt giựt, anh kéo mạnh con chốt. Một tiếng nổ chát chúa phát ra, anh cảm thấy người bị bắn tung lên, quay lộn nhiều vòng, rồi ngất đi vì sức ép quá mạnh của lực “G”…

…Khi tỉnh dậy, Xanh thấy mình đang đong đưa theo cánh dù. Anh nhìn xuống bên dưới, Liêu đang tung hoành, nhào lộn dọc theo sân bay của căn cứ Polei-Kleng. Bất chấp màn lưới phòng không dầy đặc của địch bủa vây quanh thân tàu. Người phi tuần trưởng gan lì, và dũng cảm của phi đoàn Thái Dương 530, vẫn bình tĩnh nhả từng tràng hỏa tiễn công phá, và đại bác 20ly vào đám VC từ hàng rào căn cứ tràn vào để đón bắt cánh dù của người phi công lâm nạn…
Trong giây phút nguy khổn, Xanh thấy được hỏa lực dũng mãnh của con tàu, và lòng can đảm tuyệt vời của người phi công đàn anh. Trong một giây, Xanh cầu xin ơn trên che trở cho Liêu được an toàn…Ngước mắt nhìn lên, thấy bông hoa dù lỗ chỗ những lỗ đạn, Xanh có cảm tưởng như cánh dù rơi quá chậm; anh kéo dây, cố điều khiển cho cánh dù bay về hướng sông PoKor. Vừa vượt qua khỏi bãi mìn, dù rơi xuống khu rừng rậm, cánh dù vướng vào ngọn cây cao khoảng 30-40 thước. Sức nặng của thân hình Xanh theo dây dù giựt ngược lên, đập mạnh vào cành cây, làm Xanh cảm thấy toàn thân đau nhói. Bỗng Xanh nghe một tiếng hô to: “ – Đưa tay lên!” Xanh cảm thấy lạnh người…Còn đang lủng lẳng trên cành cây, Xanh trông thấy lưng của một tên cán binh Việt Cộng (VC), nhưng hắn không thấy anh. Xanh vội mở khóa an toàn dây dù, rồi cho người rơi xuống đất. Nghe tiếng động, tên VC nổ một tràng AK. Xanh không biết hắn bắn mình hay bắn ai. Lẫn với tiếng đạn, Xanh nghe thấy nhiều tiếng quát tháo xung quanh. Anh khom người, vừa bò vừa chạy xa tên VC và những tiếng quát tháo. Anh không rõ là mình đã đi được bao xa…Bỗng một hợp đoàn 2 chiếc UH1 bay ào ngang qua đầu Xanh. Xanh nhìn lên vừa kịp thấy người xạ thủ của chiếc “gun” đang nhoài nửa người ra khỏi thân tàu để tìm kiếm, nhưng anh ta không nhìn thấy Xanh. Hai chiếc UH1 quần thảo trên đầu ngọn tre cách chỗ Xanh đứng khoảng 100 thước. Xanh đoán họ đang ở trên vị trí của chiếc dù anh bỏ lại hồi nãy. Bỗng Xanh nhìn thấy một tên VC cách anh khoảng 50 thước, đang kê khẩu AK lên cành cây bắn xối xả lên 2 chiếc UH1. Một chiếc trúng đạn, dầu từ đầu máy phun tóe ra. Xanh nhìn thấy những tia dầu óng ánh đọng trên lá cây, chiếc trực thăng trúng đạn tròng trành, chập choạng lạng ra khỏi vùng. Chiếc còn lại vẫn tiếp tục bay quanh chiếc dù. Sức gió từ hai cánh quạt khổng lồ của con tàu cấp cứu thổi xuống, tạo ra một trận cuồng phong cuốn tung cả một khoảng rừng…Một luồng cảm xúc mãnh liệt nổi lên, trong một giây, Xanh như quên hẳn hoàn cảnh nghiệt ngã của mình. Tất cả mọi thứ đều mờ đi, trước mắt anh, chỉ còn lại con tàu dũng mãnh đang chập chờn nghiêng ngả trong cơn bão lửa chập chùng, và hình ảnh hào hùng của những tráng sĩ trên phi cơ, vì nghĩa quên mình, bất chấp những luồng đạn thù nghịch, chằng chịt như mạng lưới, bủa vây quanh thân tàu…

Hào khí của người phi công lâm nạn bừng lên, Xanh rút cây P38 đeo bên hông, hướng về phía tên VC bắn liên tiếp mấy phát nhưng không trúng hắn ta. Xanh chỉ còn 2 viên đạn trong súng. Anh quyết định không bắn nữa, vì có bắn cũng vô ích. Khẩu súng cá nhân nhỏ bé này không phải là thứ vũ khí xử dụng ngoài chiến trường…Xanh nghĩ phi hành đoàn của chiếc UH1 không thể cứu Xanh được, vì họ không thấy anh, và họ đang lọt vào ổ phục kích của địch. Xanh quyết định không dùng đạn flare để báo cho phi hành đoàn của chiếc trực thăng cấp cứu biết vị trí của mình; vì anh biết, khi thấy đạn Flare bắn lên chiếc trực thăng này sẽ bay đến thả dây xuống để bốc anh lên, và như vậy nhất định họ sẽ bị phòng không địch bắn rớt.

Trong một giây quyết định, Xanh rời bỏ chiếc UH1 và chạy về hướng Nam…Khoảng 30 phút sau, Xanh ra khỏi khu rừng tre và đến một bãi rẫy hoang. Nhìn về phía trước, không xa chỗ Xanh đứng, anh thấy một cái chòi lá. Trong chòi lúc nhúc một nhóm cán binh V.C với mấy khẩu pháo 37ly, và 57ly. Những khẩu pháo này được phủ cỏ khô để ngụy trang, chỉ chừa họng súng đen ngòm chỉa ra ngoài, chỗ Xanh đang ẩn núp. Nhìn về phía Bắc và Tây Bắc, Xanh thấy VC đông như kiến, tản mác khắp nơi trên một bãi trống hoang rộng, mở ra một khoảng không gian chập chùng đồi núi, nối tiếp nhau chạy dài đến tận chân trời. Xanh cảm thấy thân thể mình mỏi nhừ không thể đi thêm được nữa. Anh đảo mắt nhìn quanh, rồi chui vào một bụi rậm, hy vọng núp ở đây đợi đêm đến sẽ đi tiếp…

Từ lúc nhẩy dù ra khỏi chiếc phi cơ bốc cháy trên vòm trời lửa đạn đến giờ, đầu óc Xanh lúc nào cũng căng thẳng. Xanh ngồi tựa lưng vào một tảng đá, định bụng là nhắm mắt nghỉ giây lát để lấy lại sức, nhưng rồi anh thiếp đi lúc nào không biết; trong cơn mê mơ hồ thảng thốt, Xanh thấy Phượng đầu tóc rối bù, chạy ào đến, gục đầu vào ngực anh giọng nức nở: “- Anh ơi! Em thấy sợ qúa à…” Xanh ôm chặt lấy Phượng, rồi âu yếm vuốt tóc nàng nói: “- Em đừng sợ, anh về với em rồi nè”…Một luồng gió lạnh thổi rít lên xuyên qua cành cây kẽ lá, Xanh rùng mình tỉnh dậy. Nhìn quanh, anh chỉ thấy những dây leo hoang dại quấn lấy mình. Xanh sờ lên vai, thấy vai áo mình dính máu. Lúc bấy giờ Xanh mới để ý đến vết thương trên đầu đang rỉ máu rơi xuống ướt đẫm vai anh. Xanh cởi chiếc khăn quàng cổ bằng giải lụa màu tím hoa sim, mà Phượng khâu tặng anh trong ngày lễ hỏi để buộc vết thương. Màu tím hoa sim là màu của một tình yêu lãng mạn, nhưng cũng là màu của tử biệt, chia ly. Nghĩ đến người vợ chưa cưới, Xanh thấy tim mình như thắt lại:

“Em đâu quê nhà chong mắt đợi
Hồn theo mây trắng ra sa trường
Thôi em yêu chi ta thêm tội
Vô duyên xui rơi lược vỡ gương

Ngày về hôn lễ hay tang lễ
Hoặc ngày ta nhắm mắt tay buông
Thôi em chớ liều thân cô phụ
Chiến trường đầy những nỗi đoạn trường

Nơi đất lạnh trăm dòng sông Dịch
Kinh Kha nhìn quanh cả vạn muôn
Há chỉ mình ta xuôi biên tái
“Nhất khứ bất phục phản” là thường.” (*)

Ngồi nghỉ một lát, Xanh cảm thấy trong người khỏe lại, anh lấy chiếc máy vô tuyến cầm tay trong túi áo lưới phi hành ra, bật nút rồi ghé sát miệng chuyển tín hiệu “May day May day!”…Một luồng sóng vô tuyến cực mạnh phát ra; qua máy, Xanh nghe tiếng người phi công Mỹ báo cho bộ chỉ huy hành quân của họ để đến cứu Xanh, vì họ đã nhận được tín hiệu cấp cứu của anh. Một phút sau, người phi công bạn nói chuyện trực tiếp với Xanh:
- Thái Dương, tôi đã nhận được tín hiệu của bạn. Cứ tiếp tục chuyển tín hiệu, tôi sẽ bay đến bốc bạn trong vòng vài phút nữa.

Từ trong bụi cây nhìn ra, Xanh thấy chiếc trực thăng Cobra của Lục Quân Mỹ đang lao về phía anh ẩn nấp. Người phi công tiếp tục đàm thoại với Xanh để giữ tín hiệu cho khỏi bị thất lạc. Anh ta cũng cho Xanh biết vì địa điểm phát tuyến của Xanh là nơi đóng quân của VC, nên anh ta sẽ bất thần đáp xuống thật nhanh để bốc Xanh. Xanh mừng rỡ khi thấy chiếc trực thăng đang bay về chỗ mình đứng…

Thình lình, một tiếng quát lạnh lùng và khô khan sau lưng Xanh nổi lên: “- Đưa tay lên!”. Xanh điếng người, và cảm thấy như có một luồng lãnh khí chạy luồn qua xương sống, anh đứng im không nhúc nhích. Anh nghĩ chúng chỉ giả vờ la hét chứ chúng không nhìn thấy anh. Lại thêm 2, 3 tiếng la nữa sát mang tai Xanh: “Đưa tay lên!” Xanh ngoảnh đầu lại thấy một đám cán binh VC chĩa đầu súng AK về phía anh. Một tên VC hung hãn ấn mạnh đầu súng vào lưng anh. Xanh bình tĩnh đưa hai tay lên khỏi đầu. Tên V.C hằn học quát lên hỏi một cách thô lỗ:
- Mày có súng trong người không?

Xanh trả lời:
- Không! Chỉ có súng nhỏ đeo ở ngang hông thôi.
Một tên VC khác cũng vừa bước tới. Hắn hùng hổ lục soát khắp người Xanh, rồi thẳng tay nện cho anh một báng súng vào sau gáy. Xanh cảm thấy choáng váng, lảo đảo như muốn té xuống. Anh bậm môi gồng cứng hai chân để đứng thẳng người trước bọn cán binh rừng rú, và thô bạo. Chiếc máy cấp cứu vẫn còn nằm trên mặt đất. Tiếng của người phi công Mỹ dồn dập phát ra hỏi Xanh: “Thái-Dương! Bạn đang ở đâu?” Tên VC đầu tiên nhặt cái máy lên. Thằng thứ hai bảo tắt nó đi kẻo máy bay đến đánh. Chúng loay hoay mãi mà không biết làm sao để tắt. Chúng đưa cho Xanh và bảo anh tắt. Xanh cầm lấy cái máy nói: “- Phải bẻ cây này (cần anten) thì cái máy sẽ không dùng được”, rồi anh bẻ gẫy cần anten và tắt núm điều chỉnh. Xanh cảm thấy lòng mình đau nhói, vì đây là vật hộ thân cuối cùng có thể cứu Xanh thoát khỏi tay địch, bây giờ anh phải bẻ nó đi, chẳng khác nào anh bẻ gẫy một phương tiện duy nhất để liên lạc với thế giới bên ngoài. Chiếc trực thăng không liên lạc được với Xanh cũng đã bỏ đi. Xanh nghe tiếng động cơ càng lúc càng xa dần theo khoảng cách…
Xanh thấy lòng mình hụt hẫng. Thế là hết! Anh tự hỏi không biết những người bạn trên những chiếc khu trục, và trực thăng cấp cứu vừa qua có nhìn thấy anh bị bắt hay không? Phần anh, anh nhìn thấy họ rất rõ…và anh cũng thấy được sự hy sinh cao cả, và gắn bó của tình đồng đội, qua những hành động can trường và hào sảng của họ. Anh thầm nói: “- Xin cám ơn các bạn! Cám ơn các đại hiệp, những anh hùng hảo hán nơi biên cương quan tái chốn sa trường…Xin vĩnh biệt em! Vĩnh biệt người yêu bé nhỏ của anh. Hôm nay anh đành lỗi hẹn, nhưng anh sẽ trở về, cho dù…rất muộn.”

Trời đã về chiều. Buổi chiều Tây Nguyên ngày 9 tháng 5 năm 1972, từng tảng mây đen từ đỉnh Trường Sơn lặng lẽ kéo về, chụp xuống vùng núi rừng sâu thẳm một bầu không khí ảm đạm, thê lương. Xanh ngẩng mặt nhìn lên khoảng không gian mịt mù sương khói, như muốn gọi một cánh chim trời bạt gió nào đó, nhưng biết gọi ai bây giờ. Danh hiệu nào giờ này bắt được tần số thầm lặng của anh. “- Ơi những Lạc Long, Sơn Dương, Thần Tượng, KingBee, Bắc Đẩu…Các bạn có nghe Thái Dương gọi không, trả lời?” Tiếng gọi thầm lặng mà sao nghe như vang dội cả một bầu trời tang tóc…

“Chiều hôm bắc tay làm loa gọi
Gọi ai nơi viễn xứ sa trường
Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận
Ai người thiên cổ chốn biên cương.” (*)

Giờ này, giữa chốn rừng sâu núi thẳm, không còn một danh hiệu nào đáp lại tiếng gọi thầm lặng của Xanh cả, mà chỉ có Hồn Thiêng Sông Núi đang lẩn khuất đâu đây để lắng nghe, để vỗ về và che chở cho đứa con yêu của đất nước…
Những tiếng quát tháo của bọn cán binh kéo Xanh về với thực tại. Chúng bắt Xanh lột giày ra. Một tên bẻ quặt hai cánh tay Xanh về phía sau và trói lại. Một tên thúc báng súng vào lưng Xanh bắt anh đi theo chúng. Xanh lặng lẽ nhấc đôi chân trần bước đi theo lệnh của hai tên VC. Mỗi bước đi của anh, là một bước dẫm lên những đau đớn, tủi nhục…Bất giác Xanh để thoát ra một tiếng thở dài…Kể từ giờ phút này, Xanh phải đương đầu với một cuộc chiến mới, một cuộc chiến đơn độc, và tàn khốc gấp trăm ngàn lần cuộc chiến anh vừa tham dự. Đó là “Cuộc chiến với chính bản thân mình”. Kẻ thù của anh bây giờ không phải là những tên cán binh VC cuồng tín và khát máu nữa; mà là lòng tự kỷ, sự kiên trì và sức chịu đựng của anh. Anh không thể đầu hàng nghịch cảnh. Bằng mọi cách anh phải đứng vững. Anh phải đứng thẳng, đứng cao như một loài chim mang huyền thoại của vầng Thái Dương chói lọi: “Phượng-Hoàng gẫy cánh mòn nanh vuốt – Đâu thể vùi chung với kiếp gà”. Anh không thể gục ngã. Anh phải sống để tìm cách trở về đền bù lại cho người thân những mất mát, những nỗi lo sợ kinh hoàng. Nhất là Phượng, người con gái còn nồng thơm mùi vị tinh khiết thánh thiện của cuộc đời, người vợ sắp cưới của anh, chưa một lần được hưởng hạnh phúc vui vầy xum họp, đã phải mòn mỏi đợi chờ trong cách biệt chia ly…

Anh phải sống! Cuộc sống mới bắt đầu bằng cuộc hành trình đầy gian khổ, dưới sự quản thúc và hành hạ tàn bạo của lũ người vô nhân tính, trên con đường… xuôi biên tái.

… Ngày tháng vẫn lạnh lùng trôi theo với những cơn mưa rừng dai dẳng, dăng kín bầu trời phố núi, và người con gái đang độ tuổi xuân thì vẫn khép mình trong niềm thương nỗi nhớ, day dứt khôn nguôi:

Anh đi rồi PleiKu gầy guộc nhớ
Đồi Cù-Hanh sương khói phủ lê thê
Bao nhiêu chiều con đường xưa vẫn đợi
Từng mùa mưa lầy lội lối đi về.

… Nhưng đất trời dường như cũng rúng động trước tấm lòng chung thủy của kẻ đợi chờ, nên đã ra tay nối lại cuộc tình vừa đứt đoạn của trai anh hùng với gái thuyền quyên trong thời ly loạn… Để rồi vào một ngày mà cả một vùng núi đồi trùng điệp của miền Tây Nguyên đất Việt bỗng rực lên ánh vàng chói lọi của những khóm dã quỳ đua nở, lót đường cho đứa con yêu của đất nước đang lừng lững bước ra từ cõi chết… Người phi công bị bắn rớt máy bay, nhẩy dù ra và sa vào tay địch ngày nào, đã trở về đúng như lời anh hứa cùng người yêu. Ngày đi,

anh khẳng khái ngâm câu:

“ Trịch ly bôi hề! Vũ Long-Tuyền”
“Hoành chính sáo hề! Chỉ hổ huyệt” (*)

Và cùng các chiến hữu của KĐ72/CT nâng ly uống nửa chén rượu tiễn, rồi lạnh lùng quay lưng vượt dòng sông định-mệnh…

Ngày anh về, cả Sư-Đoàn 6 Không Quân hân hoan chào đón người tráng sĩ năm xưa. Lần này anh đã hiên ngang ngửa cổ uống cạn chén thề còn dang dở, và uống cạn luôn cả một hồ trường, để đêm tân hôn nằm nghe cô dâu tâm tình thủ thỉ:

“Xin vì chàng thay bào cởi giáp
Xin vì chàng rũ lớp phong sương
Vì chàng tay chuốc chén vàng
Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng.
Dở khăn lệ chàng trông từng tấm
Đọc thơ sầu chàng thẩm từng câu
Câu vui đổi với câu sầu
Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời.
Sẽ rót vơi lần lần đòi chén
Sẽ ca dần len lén đòi liên
Liên ngâm đối ẩm từng phen
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già.
Cho bõ lúc sầu xa cách nhớ
Giữ gìn nhau vui thủa thanh bình
Ngâm nga mong gởi chữ tình
Dường này âu hẳn tài lành trượng phu!” (*)


Đại Tá Phạm Ngọc Sang Tư Lệnh SĐ6KQ Chúc mừng Tráng Sĩ và Giai Nhân trong ngày cưới.
Đêm hôm đó, người phi công trẻ của phi đoàn Thái Dương 530 đã ôm chặt cô dâu trong vòng tay, như để san xẻ hết những đau thương buồn tủi của nàng qua những tháng ngày mỏi mòn mong đợi…Rồi dìu người yêu bước vào đêm huyền thoại của ca dao: “Cái đêm hôm đó đêm gì – Bóng trăng lồng bóng trà mi chập chùng”…

Sáng hôm sau, cặp vợ chồng trẻ ngồi tựa vai nhau, nhìn đôi vành khuyên trên cành liễu líu lo trổi khúc nhạc tình…Người vợ đắm đuối nhìn gương mặt phong sương của chồng, rồi nhẹ nâng bình trà rót ra tách. Người chồng đỡ tách trà từ đôi bàn tay ngà ngọc của nàng, đưa lên miệng nhấp ngụm trà thơm ngát hương sen, như muốn uống hết cả những ân tình trong đáy mắt giai nhân, rồi cất giọng hào sảng ngâm câu:

“Ta hồ trượng-phu đương như thị!” (*)
Và bắt đầu kể cho người vợ mới cưới nghe câu chuyện bi hùng của tráng sĩ trên đoạn đường xuôi biên tái, cùng những tháng ngày đọa đày của con Phượng Hoàng gẫy cánh bị cầm chân trong chốn địa ngục của trần-gian…(**)

Trần Ngọc Nguyên Vũ

(Một thời ly-loạn.)

Chú-thích:

(*) Thơ Phạm Ngọc Lư

(**) Những chuyện anh kể cho người vợ mới cưới của mình nghe, tưởng chừng như chỉ xẩy ra qua những huyền thọai trong chuyện cổ tích, làm tăng thêm lòng cảm phục và hãnh diện của người vợ trẻ đối với trượng phu của mình...

“... Sau mấy ngày đi bộ xuyên qua quãng rừng già dầy đặc để ra Bắc, Xanh được nhập chung với một toán tù binh khác. Trong toán này có một Phi Công bay trực thăng Cobra của Kỵ Binh Hoa Kỳ. Người Phi Công này bị thương nặng, đã kiệt sức và không đi nổi nữa. Những tên cán binh quát tháo bắt anh đứng dậy đi tiếp, nhưng người Phi Công thất thế này vẫn nằm bất động như bỏ mặc cho số phận...Nhìn thấy người bạn đồng hành của mình như vậy, và mặc dù Xanh cũng đang bị những vết thương hành hạ, nhưng anh vẫn chạy tới cúi xuống xốc người thương binh dậy, rồi rót vào tai anh những lời êm dịu: “- Ráng đứng lên đi anh. Tôi không cõng nổi anh nhưng anh có thể dựa người vào tôi và tôi sẽ dìu anh đi.” Mấy tên cán binh Việt Cộng thấy Xanh đang giúp đỡ người phi công bị thương liền chạy đến chĩa súng vào 2 người rồi quát lên giọng thô lỗ; “- Thằng kia bỏ nó xuống. Mày không được giúp nó, để cho nó tự đứng lên đi nghe không.” Thấy vẻ hung hăng của mấy tên cán binh, người thương binh thều thào nói với Xanh: ”Thôi anh để mặc tôi kẻo tụi nó lại hành hạ anh đó.” 

Bất chấp những lời đe dọa của bọn cán binh, anh mím môi cố xốc người phi công lên, để anh tựa người vào vai mình rồi quắc mắt nhìn bọn cán binh nói: “- Anh ta đã kiệt sức rồi, không thể tự đi được nữa. Tôi phải giúp anh ta, nếu các anh không bằng lòng thì hãy bắn tôi đi.” Thần khí của người phi công thất thế toát ra theo lời nói và ánh mắt làm bọn cán binh chùn lại. Sau cùng chúng đành để cho Xanh giúp đỡ người bạn đồng hành của mình. Người phi công trực thăng Cobra ráng mở đôi mắt lờ đờ mệt mỏi của mình nhìn thân hình gầy gò còm cõi của người phi công khu trục rồi ứa nước mắt vì cảm động, và cảm phục phong độ hào sảng đậm chất tình người của Xanh. Hành động hào hùng và can đảm của Xanh đã kích thích và đem lại niềm tin cho người phi công trực thăng Cobra để anh vượt qua được khúc ngoặt nghiệt ngã của cuộc đời...

... Rồi qua những ngày tháng sống trong chốn lao tù của VC. Thỉnh thoảng lại có một tên cán bộ đến để tra vấn Xanh. Người này tự xưng là con trai của Lưu Trọng Lư, một nhà thơ nổi tiếng thời tiền chiến. Người này muốn Xanh trả lời những câu hỏi theo ý của hắn và đổi lại là Xanh sẽ được hưởng một quy chế đặc biệt, nhưng Xanh đã từ chối. Để đến ngày trở về, Xanh đã ngẩng đầu hãnh diện là mình đã thắng trong cuộc chiến thứ hai; cuộc chiến chống lại lòng tự kỷ, sự hèn nhát và yếu đuối của con người bằng một thứ vũ khí đặc biệt. Đó là sự kiên trì và lòng dũng cảm của người Lính Việt Nam Cộng Hòa.”

Không có nhận xét nào: