Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

Một chút về Tuấn Khanh – người sở hữu linh hồn âm nhạc rực lửa - Nguyễn Đăng Khoa


Đây không phải là bài viết về nhạc sĩ Tuấn Khanh của thập niên 1960 vang danh với “Chiếc lá cuối cùng” hay “Hoa soan bên thềm cũ“. Đây là những gì người viết – ở những năm tam thập của đời mình – trả nợ với tuổi thơ mình. Tôi đang nói về âm nhạc của một nhạc sĩ Tuấn Khanh khác – đã để lại những năm 2000 quá nhiều mầm xanh trên đất cằn, quá nhiều tin cậy ở cát bụi
<!>

Nguyễn Đăng Khoa

Đó là Tuấn Khanh – người cũng đã hát về một chiếc lá nhưng hoàn toàn khác với vị tiền bối khi xưa. Anh ta mạnh mẽ cất lên ước vọng về một thế giới tươi đẹp:

“Hỡi thế giới ngày mai về đâu.
Cất tiếng hát để vơi nỗi sầu.
Tiễn chiếc lá về nơi xa vời.
Bỗng dưng hát vu vơ mà thôi…

Hỡi chiếc lá nào bay về trời.
Có gửi lời với tôi.
Hãy giữ lấy dùm tôi nụ cười
(và) đức tin ở con người…”

(Chiếc lá đầu tiên – Tuấn Khanh)


[MV] Chiếc lá đầu tiên - Hiền Thục

Cố thi sĩ Lưu Trọng Lư đã nói một câu nói lớn:“Tôi thà bị lừa còn hơn không tin ở con người”.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh có một cách tin cẩn gần như vậy, ở nụ cười, ở thiện nhân, ở lòng lành tươi xanh trong mỗi cá thể loài người.

Hãy để ý đến cái nhìn hóa thân của người nhạc sĩ khi anh ta làm ra một bài hát. Người nhạc sĩ hóa thân làm một cánh chim câu ngực gầy muốn sải cánh muôn nơi để trang trải lòng thương về hòa bình, về nhân ái:

“Thế kỷ đến trong đôi mắt trẻ thơ
Thế kỷ phơi xương người già
Tai ương đã đến từng ngôi nhà
Thế kỷ ốm đau chia sớt cho nhau

Thế kỷ mỏng manh trong tiếng yêu người
Vỗ cánh chim câu ngực gầy
Trăm năm xanh lá rừng tuyệt vọng
Trăm năm đất thầm ươm giống tương lai…”

(Chim câu ngực gầy – Tuấn Khanh)

Nhạc sĩ Tuấn Khanh sinh 1.10 tức ông thuộc cung hoàng đạo Thiên Bình, theo Chiêm tinh học xếp cung này vào mệnh khí. Có lẽ không sai khi trong ca khúc của ông luôn có mùi của bầu trời, có hình ảnh cánh chim.
“Mùa đông đến những phố quen vắng lưa thưa người
Chiều nghe gió, gió buốt tôi gió đi phương nao
Hàng ghế đá mãi vắng yên suốt công viên buồn
Bầy chim bay về đâu, về đâu, về đâu đến đâu…”

(Thị trấn mùa đông – Tuấn Khanh)

“Thị trấn mùa đông” là một ca khúc đặc biệt hay, dù so với những bài hát khác trong album Áo xanh được hát bởi nhóm MTV ngày đó thì ca khúc này không được ăn khách bằng. Trong ca khúc này, tôi phát hiện được những nhịp phách khác trong một trái tim đầy lửa. Khi người nhạc sĩ đầy mạnh mẽ yêu một cô gái mong manh chẳng hạn, nhịp của ngọn lửa sẽ như thế nào?
“Người con gái đứng trước hiên ngắm hoa đã tàn
Rồi em hát, hát nhớ ai, nhớ ai đêm mai
Vàng thêm lá, lá cuối thu chết khô trên đường
Lời tình yêu buồn như buồn như buồn như mắt em
Xa buồn như mắt em, xa buồn như mắt em…”

(Thị trấn mùa đông – Tuấn Khanh)


Nhưng trong một ca khúc khác có lẽ là sáng tác dành riêng cho ca sĩ Nhã Ca, tôi mới thấy được hoàn toàn sự chân thành và mức độ da diết của Tuấn Khanh là lớn lao như thế nào. Đó là ca khúc gần như duy nhất của anh có một lời hát như là một bức thư gửi riêng cho người yêu dấu. Dĩ nhiên. Đã xa. Vẫn là một ca khúc xuất sắc. Nghệ thuật được hưởng lợi quá nhiều bằng những ca khúc tuyệt vời dựa trên những mối tình tan vỡ.

“Nhớ vuốt tóc khi chiều đêm gió xuống
Thêm màu son trên nét môi đã nhạt
Lang thang qua phố nghe mây khơi trong khói ban chiều

Ở nơi thật xa, hỏi đường Hàn Thuyên vắng ai công viên
Gió thu chiều nay về
Đừng vàng chiếc áo em tôi
Giữ dùm tôi chiếc lá
GIữ dùm tôi gió chiều…”

(Email mùa thu – Tuấn Khanh)

Hình ảnh người tình còn xuất hiện trong một vài ca khúc thật hay khác mà có lẽ khi tôi nhắc ra ở đây, nhiều bạn bè cùng trang lứa thời đó đã quên. Nhưng hay quá, tôi không quên được:

“Người con gái đang khóc
Khi ngoài trời còn đổ mưa
Người con gái mong nhớ
Những ngày chuyện tình đã lỡ…”

(Người con gái khóc – Tuấn Khanh)

“Này người tình đi xa
Biết ngày nào em vui
Đường dài đầy mưa rơi
Nhớ những ngày người bên tôi
Giữ lấy bóng dáng những tháng năm yêu còn vui
bên đời nhau…”

(Buồn ơi ngủ yên – Tuấn Khanh)

Trong bài hát có lẽ là được công chúng biết đến nhiều nhất của anh, ca khúc “Trả nợ tình xa“, Tuấn Khanh đã tái nhắc đến việc trả nợ tình – trước đó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã hát rằng 20 năm xin trả nợ dài, trả nợ một đời em đã phụ tôi. Tuấn Khanh cũng đã trả nợ, nhưng theo một tuyến giai điệu khác. Không hề bi lụy. Không hề sợ hãi. Dấn thân trả nợ. Hy vọng sau đó anh đã trả được nợ và không còn đau khổ.

“Mắt đã mù lòa vì đợi tin xa
Tóc rối bạc màu, vì nợ yêu nhau
Nào biết ngày sau, trả nợ tình nhau.
Trả hết, trả hết cho người
Trả luôn mắt môi nụ cười
Trả xong đời còn hư không
Này gió, gió bay về trời
Này hoa sẽ rơi về cội
Còn ta đường nào cho ta?…”

(Trả nợ tình xa – Tuấn Khanh)


Tôi cố gắng không nhắc đến thành tựu của Tuấn Khanh dù wikipedia cho biết nhạc sĩ này đã được vinh danh với nhiều giải thưởng cho âm nhạc của mình ở Đông Nam Á và cả giải thưởng ở đài truyền hình Rai (Italia). Tuy nhiên không thể không công nhận rằng âm nhạc của Tuấn Khanh dựa vào nền tảng altenative rock thật sự là xuất sắc trong giai điệu. Ca khúc của anh đã ngay lập tức xác lập một thổ ngơi bao la riêng tư cho trong thế giới riêng nghệ thuật.

Dù là viết về tình yêu, viết cho tuổi thơ, viết cho một thế giới nhiều hy vọng hơn, thì âm nhạc Tuấn Khanh luôn mạnh mẽ, luôn rực lửa. Mà đây là lửa ăn sâu vào linh hồn. Lửa không hề dễ tắt.

Linh hồn rực lửa ấy đã sưởi ấm cho cát bụi, đã đốt sáng nhiều thứ dễ dập tắt, như niềm tin chẳng hạn.

“Đời còn lắm ma quái
Khiến bao người quên lối về
Bỗng nghe đời ngun ngút sầu
Em làm quen dối gian yêu ma!
Em làm quen dối gian yêu ma!

Ngày còn lắm giông tố
Nếu em làm quen yếu hèn
Nếu em làm quen cúi đầu
Em ngày mai biết sẽ ra sao?
Em ngày mai biết sẽ ra sao?”

(Rêu phong – Tuấn Khanh)

Nguyễn Đăng Khoa

Sài Gòn 16.5.2020

Nguồn: Trang FB của Nguyễn Đăng Khoa 


Không có nhận xét nào: