Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

TIN THẾ GIỚI 28/03/2023 - ĐHL


Hoa Kỳ: Thượng Đỉnh vì Dân Chủ lần II khai mạc với hơn 120 lãnh đạo thế giới tham dự Ảnh minh họa : Tổng thống Mỹ Joe Biden tại phiên khai mạc Thượng đỉnh Dân chủ trực tuyến lần thứ nhất, Nhà Trắng, ngày 09/12/2021. AP - Susan Walsh - Trọng Nghĩa Sau ấn bản đầu tiên năm 2021, kể từ hôm nay, 28/03/2023, Hội Nghị Thượng Đỉnh Dân Chủ theo sáng kiến của tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ lại mở ra, với hơn 120 lãnh đạo trên thế giới được mời tham dự. Tương tự như lần trước, Thượng Đỉnh vì Dân Chủ lần này diễn ra chủ yếu theo hình thức trực tuyến và dự trù kéo dài trong ba ngày.
<!>
Theo hãng tin Pháp AFP, điểm nổi bật đầu tiên của Thượng Đỉnh vì Dân Chủ lần II này là hội nghị được đặt dưới quyền đồng chủ tọa của tổng thống Mỹ cùng với lãnh đạo của Zambia, đại diện châu Phi, Costa Rica đại diện châu Mỹ, Hàn Quốc, đại diện châu Á và Hà Lan, đại diện châu Âu. Số nước được mời cũng tăng lên thành 121, đặc biệt có 5 quốc gia châu Phi lần trước không có mặt, nhưng lần này tham gia (Tanzania, Côte d'Ivoire, Gambia, Mauritania và Mozambique).

Theo AFP, hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa độc đoán đang gia tăng trên khắp thế giới cùng với các mối đe dọa đối với nền dân chủ, kể cả tại Mỹ với cuộc tấn công vào Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm 2021.

Theo bản báo cáo mới nhất của Freedom House, một nhóm nghiên cứu về dân chủ do chính phủ Hoa Kỳ hậu thuẫn, năm 2022 đã chứng kiến sự thụt lùi của dân chủ trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh đó, một số quốc gia có thể chế bị cho là độc đoán tiếp tục không được mời. Ngoài Nga và Trung Quốc, các nước như Ả Rập Xê Út, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không được mời tham gia Hội Nghị, tương tự như Hungary ở châu Âu, hay Singapore ở châu Á.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không cho biết chi tiết về các tiêu chí chọn lựa khách mời cho hội nghị. Một phát ngôn viên bộ này chỉ khẳng định rằng Washington “không tìm cách xác định quốc gia nào là dân chủ hay không dân chủ”.

Cuộc chiến tranh Ukraina cũng sẽ được đề cập tại Hội Nghị lần này, với tổng thống Ukraina được mời phát biểu tại phiên khai mạc.

Nhật – Mỹ ký thỏa thuận thương mại về các khoáng chất quan trọng sản xuất pin cho ô tô điện


Ảnh minh họa : Một bộ pin lithium LEV50 của Nhật. © wikimedia
Minh Anh
Ngày 27/03/2023, Tokyo và Washington đã đúc kết một thỏa thuận nhằm củng cố « các chuỗi cung ứng khoáng chất quan trọng để chế tạo các loại pin cho ô tô điện ». Thỏa thuận song phương này còn cho phép tăng cường trao đổi những sản phẩm thiết yếu cho chuyển đổi năng lượng, mà cho đến lúc này Trung Quốc vẫn thống trị.

Trong một thông cáo, Katherine Tai, đại diện thương mại Hoa Kỳ, cho rằng thỏa thuận này sẽ « tạo thuận lợi cho các hoạt động trao đổi, xúc tiến cạnh tranh tự do và không gian lận, đồng thời thiết lập các chuẩn mực xã hội và môi trường vững chắc » đối với những sản phẩm liên quan. Văn bản này cũng cho phép thiết lập các chuỗi cung ứng « an toàn, chắc chắn và công bằng » giữa hai nước.

Thông cáo của đại diện thương mại Hoa Kỳ còn khẳng định « Nhật Bản là một trong số các đối tác quan trọng nhất của Mỹ và thỏa thuận này cho phép siết chặt hơn nữa mối quan hệ song phương. Đây là một thời điểm quan trọng cho thấy là Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác nhằm tăng cường các chuỗi cung ứng thông qua Đạo Luật Giảm Lạm Phát – IRA ».

Theo nhận định của AFP, văn bản này đánh dấu bước khởi đầu cho việc đưa ô tô điện của Nhật Bản được hưởng trợ cấp 7500 đô la nếu sử dụng các loại pin được chế tạo trong khuôn khổ thỏa thuận này.

Xin nhắc lại, hồi mùa hè năm 2022, tổng thống Mỹ Joe Biden ký Đạo Luật Giảm Lạm Phát (IRA). Phần liên quan đến vấn đề Khí hậu của đạo luật quy định việc tài trợ 7500 đô la cho các loại ô tô điện được chế tạo tại Mỹ, Canada hoặc Meehicô.

AFP nhắc lại, thỏa thuận Nhật – Mỹ rất gần với đề xuất mà Liên Hiệp Châu Âu hy vọng đến phiên mình cũng được ký kết với Mỹ để các nhà sản xuất ô tô điện của châu Âu cũng được hưởng nguồn tài trợ này. Các cuộc đàm phán giữa hai bờ Đại Tây Dương hiện đang được tiến hành.

Ukraina đã nhận được những chiến xa hạng nặng đầu tiên của phương Tây


Bộ trưởng Quốc Phòng Anh Ben Wallace (thứ hai phải) cùng các binh sĩ Ukraina đang học điều khiển xe tăng Challenger 2, tại Dorset, Anh Quốc, ngày 22/02/2023. AP - Ben Birchall
Thùy Dương
Ukraina hôm 27/03/2023 thông báo đã nhận được những chiếc xe tăng chiến đấu hạng nặng đầu tiên của Anh và Đức.

Trên Facebook, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina, Oleksiï Reznikov, thông báo những xe tăng « Chalenger của Anh, Stryker và Cougar của Mỹ, Marders của Đức » đã được trang bị bổ sung cho các đơn vị Ukraina. Bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina cũng đăng tải một bức ảnh chụp các chiến xa nhưng không nêu rõ ngày các xe tăng này được chuyển đến Ukraina.

Về phía Berlin, sau khi thủ tướng Olaf Scholz hôm qua thông báo chiến đấu cơ tối tân Leopard 2 của Đức đã được giao cho Kiev, bộ Quốc Phòng Đức nêu con số 18 chiến xa Leopard 2.

Liên quan tới Pháp, trong bài phỏng vấn được Le Figaro hôm nay 28/03 đăng tải, bộ trưởng Quân Lực Sébastien Lecornu thông báo kể từ cuối tháng 03 này, Pháp tăng gấp đôi số đạn pháo 155 ly giao hàng tháng cho Ukraina lên thành 2.000/tháng.

Về tình hình chiến sự, hôm nay chính quyền quân sự thành phố Kiev cho biết thủ đô Ukraina hôm qua lại hứng chịu một đợt oanh kích của Nga, nhưng không có thiệt hại nhân mạng.

Trong khi đó, theo tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraina, đêm qua Nga đã phóng tổng cộng 15 drone chiến đấu vàoUkraina và không quân Ukraina đã tiêu diệt được 14 drone.

Cũng trong ngày hôm qua, Nga đã phóng nhiều tên lửa vào thành phố Sloviansk, miền đông Ukraina, khiến 2 người thiệt mạng và 30 người khác bị thương, nhiều tòa nhà bị phá hủy.

Ba Lan muốn trở thành một trong những nước sản xuất vũ khí hàng đầu trong Liên Âu


Cuộc họp báo của ủy viên thị trường nội địa EU Thierry Breton (P) và thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki (T) tại một nhà máy sản xuất đạn pháo ở Nowa Deba, Ba Lan, ngày 27/3/2023. © Patryk Ogorzalek/Agencja Wyborcza.pl via Reuters
Minh Anh
Rất tích cực trong việc gởi trang thiết bị quân sự cho Ukraina, Ba Lan giờ đây muốn tăng tốc sản xuất vũ khí để trở thành một trong số cường quốc quân sự hàng đầu tại châu Âu. Thủ tướng Ba Lan đã khẳng định tham vọng này trong cuộc gặp ủy viên châu Âu Thierry Breton, phụ trách thị trường nội địa, nhân chuyến thăm một xưởng sản xuất vũ khí của Ba Lan hôm qua, 27/3/2023.

Thông tín viên đài RFI, Martin Chabal, từ Vacxava tường thuật :

« Chính tại một trong số các nhà kho của xưởng sản xuất mà Mateusz Morawiecki, thủ tướng Ba Lan và Thierry Breton, ủy viên châu Âu về thị trường nội địa đã bắt tay nhau. Cùng nhau, họ muốn thúc đẩy ngành sản xuất vũ khí của Liên Hiệp Châu Âu.

Thủ tướng Ba Lan phát biểu : Chúng tôi biết rất rõ là không có đủ loại đạn dược này trên khắp châu Âu, và có thể thậm chí là toàn khối NATO. Chính vì thế mục tiêu số một là phải tái bổ sung số đạn này.

Và cả hai bên đều muốn sản xuất phải nhanh hơn nữa. Ông Thierry Breton đã khởi động chuyến đi thăm các nhà máy sản xuất đạn dược của châu Âu và muốn tìm kiếm các giải pháp cho từng nhà máy. Hôm qua, kết thúc một chuyến thăm kín, ông đã có vài hướng.

Ông nói : Hiện đã áp dụng chế độ 3 ca luân phiên 5 ngày trong tuần. Có thể chuyển sang chế độ ba ca luân phiên trong 6 hoặc 7 ngày, đối với những người lao động chấp nhận nhịp độ này. Bởi vì ngành công nghiệp quốc phòng đang hoạt động trong một nền kinh tế chiến tranh.

Đối với Ba Lan, đây còn một cách để hâm nóng quan hệ với Bruxelles. Trong mọi trường hợp, đó là điều mà thủ tướng Mateusz Morawiecki nhận thấy qua chuyến công du của ông Thierry Breton.

Ông Morawiecki phát biểu tiếp : Điều mà chúng tôi đã trông đợi từ lâu : Đó là những nỗ lực của Ba Lan trên phương diện vũ khí và Bruxelles đánh giá rất cao việc chuyển giao vũ khí cho Ukraina.

Nếu như Ba Lan muốn có một quân đội lớn nhất châu Âu, nước này cũng hy vọng trở thành một trong số các nhà sản xuất vũ khí lớn nhất châu lục. »

Belarus sẽ đón tiếp vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga nhằm đáp trả áp lực của phương Tây


Ảnh minh họa: Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Belarus Alexander Lukashenko, cùng theo dõi một cuộc tập trận qua truyền hình trực tuyến tại Matxcơva, ngày 19/02/2022. AP - Alexei Nikolsky
Minh Anh
Hai ngày sau thông báo của tổng thống Nga Vladimir Putin về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus, hôm nay, 28/03/2023, chính quyền Minks đã có phản ứng. Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Belarus khẳng định sẽ nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm đáp trả các « áp lực chưa từng có » của phương Tây.

Theo giải thích của bộ Ngoại Giao Belarus, « từ hai năm rưỡi qua, Belarus phải đối mặt với những áp lực lớn chưa từng có từ phía Mỹ, Anh và các nước đồng minh », đồng thời tố cáo những nước này « can thiệp trực tiếp và quá đáng » vào nội bộ của Minsk.

Các lệnh trừng phạt kinh tế và chính trị chống lại cựu thành viên Liên Xô, đồng minh thân thiết với Nga, còn đi kèm với việc « tăng cường khả năng quân sự » của NATO trên lãnh thổ các nước láng giềng của Belarus, thành viên của liên minh NATO.

Trong bối cảnh này, theo bộ Ngoại Giao Belarus, Minsk « buộc phải có những biện pháp đáp trả », đồng thời cũng bảo đảm rằng sẽ không kiểm soát những loại vũ khí này và việc triển khai chúng « không đi ngược dưới bất kỳ hình thức nào các điều khoản I và II của hiệp ước không phổ biến hạt nhân ».

Về phía Nga, hôm qua, điện Kremlin một lần nữa khẳng định sẽ không thay đổi kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật như dự trù tại Belarus bất chấp những lời chỉ trích từ phương Tây.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên kêu gọi tăng cường sản xuất « vật liệu hạt nhân quân sự »


Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (thứ 3 từ trái qua) tham dự buổi khánh thành vũ khí mới trước một phiên họp toàn thể của đảng Lao Động cầm quyền, tại Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA công bố ngày 01/01/2023 via REUTERS - KCNA
Thùy Dương
Tăng kho vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã kêu gọi tăng cường sản xuất « vật liệu hạt nhân quân sự » và các loại vũ khí mạnh hơn.

Hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay 28/03/2023 loan tin, sau khi trao đổi với các lãnh đạo của Viện vũ khí hạt nhân, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un nhấn mạnh cần phải chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân « ở bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào » và kêu gọi các quan chức của Viện vũ khí hạt nhân « phát triển lâu dài việc sản xuất vật liệu hạt nhân quân sự để thực hiện một cách sâu rộng kế hoạch (...) gia tăng theo cấp số nhân kho vũ khí hạt nhân » của Bình Nhưỡng.

Ông Kim còn khuyến khích tiếp tục sản xuất các loại « vũ khí hạt nhân mạnh », bởi vì khi Bình Nhưỡng đã chuẩn bị một cách « hoàn hảo » các hệ thống vũ khí hạt nhân thì « kẻ thù sẽ sợ hãi và không dám thách thức chủ quyền của Nhà nước chúng ta, hệ thống của chúng ta và nhân dân chúng ta ».

Những phát biểu của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un được đưa ra ngay trước khi một hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ theo dự kiến ghé một căn cứ hải quân của Hàn Quốc ở thành phố cảng Busan, miền đông nam, vào hôm nay 28/03.

Hồi năm ngoái, Bình Nhưỡng tuyên bố Bắc Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân « không thể đảo ngược ».

Theo KCNA, quân đội Bắc Triều Tiên hôm nay cũng đã tiến hành cuộc thử nghiệm thứ hai « drone tấn công hạt nhân dưới nước », sau cuộc thử nghiệm đầu tiên hồi tuần trước. Lần này, drone Sóng Thần đã di chuyển dưới nước trong vòng 41 giờ 27 phút theo lộ trình mô phỏng dài 600 kmtrước khi phát nổ nhắm vào một mục tiêu ngoài khơi tỉnh Bắc Hamgyong vào sáng sớm hôm qua 27/03.

Vẫn theo nguồn tin trên, quân đội Bắc Triều Tiên đã tiến hành một cuộc tập trận vào thứ Hai 27/03, mô phỏng một cuộc tấn công hạt nhân bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật.

Pháp: Hàng trăm ngàn người lại biểu tình khắp nơi nhân ngày hành động thứ 10 chống cải tổ hưu trí


Ảnh minh họa : Một cuộc biểu tình tại Paris phản đối luật cải tổ hưu trí, ngày 23/03/2023. AP - Thomas Padilla
Trọng Nghĩa | Chi Phương
Những người phản đối luật cải cách hưu trí tại Pháp lại xuống đường biểu tình trên khắp nước Pháp vào hôm nay, 28/03/2023 nhân ngày hành động thứ 10. Các cuộc đình công trong một số ngành vẫn tiếp diễn trong lúc chính phủ phải huy động một lực lượng cảnh sát và hiến binh hùng hậu để bảo đảm trật tự.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, có ít nhất 150 cuộc biểu tình lớn nhỏ được lên kế hoạch trên toàn nước Pháp cho ngày hành động thứ 10 hôm nay. Bị bất ngờ trước số người xuống đường rất đông đảo nhân ngày hành động thứ 9 hôm thứ Năm 23/03 vừa qua - 1,09 triệu người tham gia theo bộ Nội Vụ, hơn 3 triệu người theo các công đoàn – chính quyền lần này dự trù đối phó với từ 650.000 đến 900.000 người biểu tình trên toàn quốc, trong đó có thể có từ 70.000 đến 100.000 riêng tại thủ đô Paris.

Theo tiết lộ của bộ trưởng Bộ Nội Vụ Pháp, Gérald Darmanin vào hôm qua, một lực lượng an ninh hùng hậu, bao gồm 13.000 cảnh sát và hiến binh, trong đó có 5.500 người ở thủ đô, đã được huy động. Mối lo của chính quyền là nguy cơ có “hơn 1.000 phần tử cực đoan” trà trộn trong đoàn biểu tình ở Paris để sẵn sàng tiến hành bạo động.

Như thông lệ, ngành chuyên chở công cộng chịu tác hại nặng nề của phong trào đình công chống cải tổ hưu bổng, từ các tuyến tàu cao tốc TGV, các tuyến đường sắt liên tỉnh TER, cho đến hệ thống xe buýt hay xe metro.

Di chuyển bằng ô tô không nhất thiết dễ dàng hơn, với 15% trạm xăng bị hết nhiên liệu, hậu quả của việc đóng cửa 5 trong số 7 nhà máy lọc dầu trên toàn quốc. Ngay cả khi đi bộ, người dân một số thành phố cũng gặp khó khăn vì phải lách qua các đống rác thải, đặc biệt ở Paris, nơi 7.300 tấn rác không được thu gom vẫn còn vương vãi trên vỉa hè.

Trên toàn quốc, tình hình phong trào phản đối ở Paris có lẽ được theo dõi rất kỹ. Theo chương trình, cuộc biểu tình tuần hành tại Paris bắt đầu từ 14g00, và sẽ di chuyển từ quảng trường Cộng Hòa (Place de la République) đến quảng trường Quốc gia (Place de la Nation).

Từ quảng trường Cộng Hòa, đặc phái viên Chi Phương gửi về phóng sự sau đây:

Trái ngược với những hình ảnh bạo lực do đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát như những gì được đưa tin trong cuộc huy động tuần trước, không khí ở quảng trường Cộng Hoà, Paris, hôm nay náo nhiệt như lễ hội trong những giờ đầu tiên của ngày huy động lần thứ 10. Người cầm cờ, người thổi kèn, người hoá trang, hầu hết đều thể hiện biểu tình ôn hoà. Các sạp hàng bán đồ ăn đã mở ra từ sáng, những người biểu tình đứng nhún nhảy cạnh tiếng nhạc phát ra từ các đoàn xe tuần hành. Ông Yann và bà vợ, cả hai đã nghỉ hưu, nhưng có mặt tại đây để ủng hộ những người trẻ, phản đối cải cách hưu trí. Ông cho biết không khí của các cuộc tuần hành thường nhộn nhịp và nhất là“đi biểu tình không đáng sợ, nguy hiểm và bạo lực như những gì mà chính quyền muốn chúng tôi tin như vậy”.

Lối vào quảng trường Cộng Hòa được lực lượng an ninh giám sát nghiêm ngặt, dù đi bộ hay đi xe đạp đều phải dừng lại, mở túi xách để kiểm tra xem có mang những đồ cấm hay không. Ông Marc làm việc trong ngành bưu điện. Đây là lần thứ 8 ông có mặt tại các cuộc biểu tình từ gần hai tháng qua. Ông khẳng định sẽ không bỏ cuộc : “trước chính sách của chính phủ cánh hữu, đi ngược lại với nguyên lý của lưới bắt cá, họ để lọt những con cá to nhưng bắt lại những con cá nhỏ”. Người lao động phải làm việc nhiều hơn nữa để các ông chủ được hưởng lợi thêm. Theo ông, công đoàn sẽ dùng mọi cách để phản đối đến cùng.

Đoàn tuần hành bắt đầu di chuyển từ đại lộ Voltaire, đến quảng trường Nation từ lúc 14 giờ. Trước giờ khởi hành 15 phút, công đoàn của ngành đường sắt thu hút sự chú ý của mọi người bằng những tiếng pháo nổ, vốn để cảnh báo sự nguy hiểm trong giao thông đường sắt, như để cảnh báo sự nguy hiểm của cải cách hưu trí đối với xã hội.

Israel : Thủ tướng Netanyahu tạm đình chỉ dự luật cải cách tư pháp


Biểu tình chống cải cách tư pháp ở Tel Aviv, Israel, ngày 25/03/2023. © REUTERS / OREN ALON
Minh Anh
Sau một ngày chần chừ tránh né, trước áp lực của đường phố, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu tối ngày 27/03/2023, cuối cùng thông báo tạm ngưng dự án cải cách tư pháp để tham vấn. Dự luật sẽ được đưa ra bàn thảo tiếp vào phiên họp Quốc Hội mùa hè này.

Từ Jerusalem, thông tín viên Michel Paul cho biết thêm chi tiết :

« Benyamin Netanyahu thông báo tạm đình chỉ cải tổ hệ thống tư pháp cho đến phiên họp Quốc Hội mùa hè tới, nghĩa là được vài tháng. Ông phát biểu : "Chúng ta đang trên một quỹ đạo có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Chính vì lý do này mà tôi đưa ra quyết định như thế !"

Thủ tướng Israel chỉ trích vấn nạn lương tâm trong quân đội. Ông khẳng định đây là một mối nguy hiểm thật sự cho Israel, nhưng ông cũng hoan nghênh hàng nghìn thành viên cánh hữu đã xuống đường biểu tình ở Jerusalem và Tel Aviv để ủng hộ dự luật cải cách. Ông nói, "tôi tự hào về các bạn".

Nhưng thủ tướng Israel không một lời nào về việc bãi nhiệm bộ trưởng Quốc Phòng Yoav Galant, cũng như không giải thích việc thành lập đội vệ binh quốc gia dưới quyền kiểm soát trực tiếp của bộ An Ninh Quốc Gia. Một món quà an ủi ban tặng cho Itamar Ben Gvir. Một điểm quan trọng khác : Các lãnh đạo phe đối lập Benny Gantz và Yaïr Lapid tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Netanyahu. »

Amnesty International : Phương Tây « nhất bên trọng, nhất bên khinh » về nhân quyền


Ảnh minh họa : Một hội nghị của Amnesty International tại Palais de Chaillot, Paris, Pháp, năm 2022. © Anne Bernas/RFI
Thùy Dương
Trong báo cáo được công bố hôm nay 28/03/2023, tổ chức nhân quyền Amnesty International tố cáo cách hành xử « nhất bên trọng, nhất bên khinh »của Tây phương, theo đó Tây phương chỉ quan tâm đến hồ sơ nhân quyền trong chiến tranh Ukraina mà làm ngơ các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong các cuộc xung đột khác, ở những nơi khác trên thế giới.

Mặc dù khen ngợi phản ứng mạnh mẽ của Tây phương trước cuộc tấn công của Nga xâm lược Ukraina và xem đó là hình mẫu để xử lý các cuộc khủng hoảng nhân đạo khác trong hiện tại và tương lai, nhưng khi trả lời phỏng vấn AFP, bà Agnès Callamard, tổng thư ký tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Amnesty International, cũng lưu ý là chiến tranh Ukraina đã làm bộc lộ thái độ « đạo đức giả » của chính quyền các nước phương Tây : phản ứng dữ dội trước cuộc tấn công của Nga nhưng lại « nhắm mắt làm ngơ » trước tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở nhiều nước khác, chẳng hạn Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Israel, Ethiopia …

Một ví dụ về cách hành xử trái ngược nhau của Châu Âu : Liên Âu « mở rộng cửa » tiếp đón người tị nạn Ukraina, nhưng lại « đóng cửa » đối với các di dân trốn chạy khỏi Afghanistan, Syria. Tương tự, nước Mỹ đã đón tiếp hàng chục ngàn người tị nạn Ukraina từ tháng 09/2021 đến tháng 05/2022, nhưng lại trục xuất 25.000 di dân Haiti sau khi đưa họ vào trại giam và thậm chí tra tấn họ.

Tổ chức nhân quyền Amnesty International cũng lấy làm tiếc là chiến tranh Ukraina đã khiến quốc tế sao nhãng, lơ là nhiều hồ sơ khác như về tài nguyên, cuộc khủng hoảng khí hậu, trong khi các thiên tai, thảm họa tự nhiên liên quan đến tình trạng Trái đất bị hâm nóng có xu hướng vượt khỏi tầm kiểm soát. Quyền của phụ nữ ở nhiều nước như Afgnanistan, Iran, Mỹ đều có những « bước ngoặt tệ hại ».

Theo tổ chức Ân Xá Quốc Tế, năm 2022 là năm các quyền dân sự và chính trị xuống cấp, thậm chí bị trấn áp cả ở những nước Tây phương. Riêng về Pháp, tổng thư ký Amnesty International chỉ trích tình trạng cảnh sát và hiến binh sử dụng « vũ lực bất hợp pháp » chống người biểu tình.

Không có nhận xét nào: