Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

Nóng: Luật Sư Hoàng Duy Hùng Vừa Bị Trục Xuất Khỏi Việt Nam! và Kính Chuyển Tin Việt Nam Hôm Nay, Theo Dòng Thời Sự- Lê Văn Hải


Tin Việt Nam hôm nay - Nóng: Thêm Một Gương, Với Kết Quả Cay Đắng. Nghe Lời Ngon Ngọt, Kêu Gọi Hòa Hợp Hòa Giải Với Cộng Sản, Về Nước “Bưng Bô!” Giờ Thì, Luật Sư Hoàng Duy Hùng, Vừa Bị Trục Xuất Khỏi Việt Nam! *Trục xuất là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội (người không có quốc tịch Việt Nam) buộc người đó trong thời hạn nhất định, phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
<!>
-Hôm qua, ngày 28 tháng 3, tại phi trường Tân Sơn Nhất, nhiều người chứng kiến cảnh tiễn đưa Luật sư Hùng bị trục xuất khỏi việt Nam, có cảnh người vợ mới, khóc sướt mướt! trong giây phút chia tay. Chuyến bay trục xuất sẽ ngừng, quá cảnh bên Nhật, và sẽ có mặt tại Houston, Texas hôm nay! Lý do lúc này chưa biết và không biết về đến Mỹ, có ai ra đón ông hay không?


Đây lại thêm một bài học cay đắng cho những người chống cộng ngu ngơ, không hiểu rõ về bản chất gian ác của Cộng Sản, cứ tưởng là mình có công, thì chúng sẽ dùng. Đúng như thế, nhưng chúng chỉ dùng vào mục đích có lợi cho chúng, xong chúng sẽ “vắt chanh, bỏ vỏ” ngay! Chúng là vua nghi ngờ, đồng chí trong Đảng cũng chẳng tin, hướng chi những kẻ theo đuôi! Cha mẹ còn mang ra đấu tố, thì việc gì ác, mà chẳng làm được! Cố TT Nguyễn Văn Thiệu để lại một câu, đúng muôn đời: “Đừng nghe những gì CS nói, hãy nhìn kỹ những điều chúng làm!”


Để hiểu biết thêm, nắm rõ trường hợp gương Hoàng Duy Hùng hơn, sau đây là bài báo (nguyên văn) của Công An Thành Phố, cách đây 3 năm, trong thời gian chiêu dụ, đưa ông Hùng, người chúng muốn hợp tác…lên tận mây!..xanh!


Ðường Về Tổ Quốc Vinh Quang Của Luật Sư Hoàng Duy Hùng!


(CATP)- Ông kêu gọi hòa hợp, hòa giải dân tộc và lập ra kênh YouTube "Góc nhìn Hoàng Duy Hùng" để trao đổi, bình luận các vấn đề thời sự, muốn là nhịp cầu nối giữa ông với số đông người Việt ở hải ngoại và trong nước theo dõi. Ông muốn truyền tải cảm xúc của mình về những thành tựu lớn lao của đất nước...

Từng là thành viên cốt cán của tổ chức phản động "đảng Đại Việt", năm 1992, luật sư (LS) Hoàng Duy Hùng về Việt Nam (VN) hoạt động, bị bắt giam 16 tháng rồi bị trục xuất về Mỹ. Năm 1998, LS này thành lập đảng chính trị riêng tại Mỹ để chống cộng; năm 2001, xâm nhập về VN để đặt bom khủng bố tại TPHCM và Cần Thơ...

Không ai ngờ đến năm 2020, một người chống cộng "cực đoan, bền bỉ” như LS Hoàng Duy Hùng lại treo "cờ cộng sản" trong văn phòng của mình tại Mỹ và có nhiều hoạt động mạnh mẽ phản đối các cá nhân, tổ chức người Việt chống cộng tại Mỹ.

Ông kêu gọi hòa hợp, hòa giải dân tộc và lập ra kênh YouTube "Góc nhìn Hoàng Duy Hùng" để trao đổi, bình luận các vấn đề thời sự, muốn là nhịp cầu nối giữa ông với số đông người Việt ở hải ngoại và trong nước theo dõi. Ông muốn truyền tải cảm xúc của mình về những thành tựu lớn lao của đất nước.

Ngày 25-01-2022, dịp giáp Tết Nhâm Dần, ông đã đến Hà Nội, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói một câu làm rất nhiều người phải rơi nước mắt vì sự chân thành, lòng kính yêu, ngưỡng mộ của ông đối với Bác Hồ và Đảng Cộng sản VN mà ông từng coi là... "kẻ thù không đội trời chung!".

Hoàng Duy Hùng là ai?

20 năm nay, từ khi VN có Internet, cái tên Hoàng Duy Hùng không xa lạ với nhiều người trong nước. Ông là thủ lĩnh của nhiều tổ chức, phong trào chống cộng cực đoan ở Mỹ, như ông tự nhận: "Tôi là tên cực phản động, ở hải ngoại tìm người thứ hai không có!"... Còn ông Nguyễn Thanh Sơn - cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài từng đánh giá: "Nói về tội lỗi chống phá đất nước thì ông Ngô Kỷ (người chống cộng cực đoan nổi tiếng nhất ở Mỹ suốt mấy chục năm qua) làm sao bằng Hoàng Duy Hùng. Vì Ngô Kỷ chỉ nói mồm, còn Hoàng Duy Hùng thì chống cộng bằng hành động cụ thể, mà chỉ nhờ những biện pháp bảo vệ đất nước từ xa, lực lượng an ninh chúng ta mới ngăn chặn được mưu đồ đánh bom khủng bố của Hoàng Duy Hùng" (trích từ bài phỏng vấn của nhà báo Vũ Hoàng Lân với cựu Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, đăng trên "Phố BolsaTV" 26-02-2022).

Hoàng Duy Hùng sinh năm 1962 tại Phan Rang, Ninh Thuận, xuất thân từ gia đình Thiên Chúa giáo, cha là sĩ quan chế độ cũ. Năm 1975, ở tuổi 13, ông theo gia đình vượt biên sang Mỹ, định cư tại tiểu bang Pennsylvania. Sau này (năm 1983), ông chuyển về Houston, bang Texas. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Triết học, ông về VN hoạt động chống phá, với tư cách thành viên "đảng Đại Việt". Năm 1992, ông bị bắt giam 16 tháng rồi trục xuất vào tháng 7-1993.

Trở về Mỹ, ông tiếp tục chống cộng điên cuồng, thành lập tổ chức chính trị phản động và làm chủ tịch cộng đồng người Việt quốc gia. Ông lấy bằng tiến sĩ luật của Đại học Nam Texas vào năm 1996. Năm 2003, Hoàng Duy Hùng ra tranh cử chánh án tòa 190 nhưng thất bại vì chỉ được 7,7% phiếu. Đến năm 2009, ông mới thành công khi đạt 53% số phiếu trong khu vực 350.000 dân có 10% cử tri gốc Việt.


(Ảnh: Luật sư Hoàng Duy Hùng chụp ảnh cùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết)

Năm 2001, Hoàng Duy Hùng trở lại VN để đánh bom khủng bố ở Cần Thơ, TPHCM. Nhưng trước khi ra tay, ông lên Đền Hùng (Phú Thọ) để cầu xin Quốc tổ phù hộ soi đường chỉ lối. Dọc đường, ông nhìn thấy cuộc sống yên bình và sự phát triển nhộn nhịp của VN thời đổi mới, hội nhập nên phân vân. Khi đến thắp nhang Đền Hùng, nhìn núi đồi hùng vĩ, ông bỗng ngộ ra "tình dân tộc, nghĩa đồng bào" nên bỏ kế hoạch đánh bom.

Khi từ Thái Lan quay trở lại Mỹ, Hoàng Duy Hùng được một số nhân viên tình báo Mỹ ở sân bay Bangkok yêu cầu ngừng các kế hoạch tấn công khủng bố vì Mỹ và VN đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Từ đó, Hoàng Duy Hùng tìm kiếm đối thoại thay bạo lực. Ông may mắn được gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn. Tháng 3-2013, Hoàng Duy Hùng là Trưởng phái đoàn nghị viện TP.Houston đến thăm VN theo lời mời của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn.

Chính chuyến đi này và những lần về nước sau đó đã thay đổi nhận thức của LS Hoàng Duy Hùng, nhưng ông vẫn chưa ngã hẳn sang lập trường cộng sản, mặc dù đã thấm thía và mạnh dạn vạch trần những trò ma giáo, bịp bợm của "Việt Tân"; Những trò đấu đá tranh giành danh lợi của các đàn anh trong tổ chức "Đại Việt cách mạng đảng" mà ông là "ủy viên trung ương"; vạch mặt lừa đảo của Nguyễn Hữu Chánh, Đào Minh Quân...

Từ "cực phản động" thành... chống phản động

"...Để củng cố thêm nhận thức mới, năm 2019, về VN lần nữa với tư cách du lịch, tôi chứng kiến sự phát triển vùn vụt của VN, được người dân đón tiếp, thương yêu, chấp nhận trở về. Tôi may mắn được gặp các vị nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Các ông thân tình đón tiếp, cung cấp thông tin chính xác về người cộng sản, dặn dò tôi phải dưỡng tâm một cách chân thành thì sự trở về mới ý nghĩa...".

Từ cả quá trình dài được tiếp cận với nhiều thông tin chân thật, thuyết phục về đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN, được gặp gỡ, đối thoại với những người cộng sản, Hoàng Duy Hùng đã tuyên bố từ bỏ con đường chống cộng để quay về với Tổ quốc. Đúng dịp 30-4-2020, ông gây chấn động trong giới chống cộng cực đoan ở hải ngoại khi treo cờ đỏ sao vàng ngay trong văn phòng LS của mình ở TP.Houston - bang Texas, tuyên bố "Đây là Quốc kỳ của Tổ quốc tôi"!

Lập tức, những người chống cộng cực đoan phản ứng mạnh mẽ. Ngoài xuyên tạc, chửi bới, xúc phạm LS Hoàng Duy Hùng, họ còn bày nhiều trò khủng bố tâm lý để vợ, con ông phải lo sợ, như: đâm thủng lốp ôtô đậu trước nhà, đặt súng trước cửa để hăm dọa...

Nhưng theo một chương trình được phát trên "Phố BolsaTV" ngày 04-5-2020, ông Trịnh Quốc Thiên, chủ kênh YouTube "Thiên Trinh" cho biết: "Qua khảo sát hơn 2.000 người ở khắp nơi thì 91% ủng hộ việc treo cờ đỏ sao vàng của LS Hoàng Duy Hùng, 7% giữ quan điểm chung chung và chỉ có 2% người phản đối...". Điều đó cho thấy các chính sách của Đảng, Nhà nước VN về kiều bào, nhất là Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị (ngày 26-3-2004), cùng với sự trở về quê hương hàng năm của rất đông các cá nhân, tổ chức, văn nghệ sĩ Việt kiều khắp nơi thế giới, đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, cuộc sống ấm no, tươi vui của bà con ở mọi miền, đã tác động sâu sắc đến kiều bào trở về.

Họ đã dần dần làm thay đổi nhận thức của các cộng đồng người Việt, để ai cũng thấy yêu thương quê hương, hướng về Tổ quốc. Đại đa số kiều bào đã ủng hộ chính quyền trong nước, chỉ còn một thiểu số rất nhỏ bé (2%) là còn suy nghĩ cực đoan, lạc hậu!



(Ảnh: Luật sư Hoàng Duy Hùng treo cờ Tổ quốc trong văn phòng của mình ở Houston, Texas, Mỹ)

Chính sự ủng hộ mạnh mẽ như vậy, nhất là sự đón tiếp chân tình, vị tha của bà con trong nước làm LS Hoàng Duy Hùng tin tưởng trở về Tổ quốc của mình là chính nghĩa. Ông bất chấp phản ứng từ những người chống cộng cực đoan để tiếp tục chứng minh con đường đã chọn. Ngày 25-01-2022, Hoàng Duy Hùng ra biên giới phía Bắc và tuyên bố trên kênh "Góc nhìn Hoàng Duy Hùng" của mình: "Tôi đi biên giới để hải ngoại hiểu thể chế này đã chiến đấu, hy sinh, bảo vệ đất nước như thế nào!"..., "Đến Nghĩa trang Vị Xuyên của những người nằm xuống cho đất nước, không có ai "quốc gia", mà toàn cộng sản ở đây. Nếu không có những người cộng sản thì đất nước ta thế nào?"...

LS Hoàng Duy Hùng đã xúc động mạnh mẽ trước anh linh các liệt sĩ đã xả thân bảo vệ biên cương, lãnh thổ; xúc động khi hiểu ra sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước với núi xương, sông máu của các thế hệ người Việt dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ suốt thế kỷ đã qua, nên ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022, ông đã đến Hà Nội, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắp cho Người một nén hương lòng và khấn: "Thưa Cụ, con về đây xin tạ lỗi với Cụ, với Đảng Cộng sản VN. Trước đây, vì ngộ nhận về quá khứ, con đã hiểu sai về Cụ, về Đảng Cộng sản VN. Nay con xin tạ lỗi và xin phép Cụ cho con được gọi Cụ là "Bác Hồ" như triệu triệu người VN từng gọi...". Lời tạ tội ông khấn đã có người nghe và họ phỏng vấn ông, LS Hoàng Duy Hùng (quê gốc ở Nghệ An) với tâm hồn thanh thản, đã trả lời rất xúc động: "Tôi nghe trong đầu là... "Hùng ơi! Bác tha thứ cho con, Đảng tha thứ cho con, đại đa số người dân VN tha thứ cho con, con có quyền gọi Bác Hồ như mọi người dân khác...". Khi clip này được đăng ngày 25-01-2022, đến nay đã có gần 25 ngàn lượt xem và bình luận. Ai cũng xúc động trước sự chân thành của Hoàng Duy Hùng.

Hạnh phúc trên quê mẹ

Trong lần trả lời phỏng vấn "Phố BolsaTV" của Vũ Hoàng Lân ngày 26-02-2022, ông Nguyễn Thanh Sơn - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao VN, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài - người có những tác động, hỗ trợ quan trọng để Hoàng Duy Hùng được về nước và chứng kiến sự phát triển của kinh tế, xã hội VN làm thay đổi nhận thức của Hoàng Duy Hùng.

Ông Sơn nhận xét, Hoàng Duy Hùng đã phát biểu nhiều vấn đề bằng tình cảm thật sự và lương tâm trách nhiệm với quê hương, đất nước. Ông Sơn mong Hoàng Duy Hùng và những người có chí hướng muốn đóng góp xây dựng đất nước cứ nói bằng sự thật khách quan, trung thực. Điều đó sẽ thuyết phục hơn là nói quá hay xuyên tạc sự thật... Ông còn khuyên Hoàng Duy Hùng nên theo gương của người bạn là nhà báo Etcetera Nguyễn Quang Trường - chủ kênh YouTube "Vietnam Today" - Việt kiều từ Mỹ về lấy vợ và định cư luôn ở Yên Bái...

Một lần nữa cho thấy ông Nguyễn Thanh Sơn đã cho Hoàng Duy Hùng những lời khuyên rất hợp lý. Vì thế, vào ngày 07-8-2022, từ căn hộ của mình ở TPHCM, LS Hoàng Duy Hùng đã cùng người thân, bạn bè mang lễ vật đến đám hỏi cô Lê Thị Kim Ngân (năm 1994, Hoàng Duy Hùng kết hôn ở Mỹ, có 3 người con và đến 2020 thì ly hôn). Đoàn nhà trai đã đến nhà gái thực hiện nghi lễ rất trang trọng, sau đó hai họ và bạn bè cô dâu, chú rể đã ra nhà hàng dự tiệc rất vui trong sự chúc phúc của nhiều người (trong đó có cả những "trùm" chống cộng cực đoan ở Mỹ, nay đã giác ngộ như: bà N.T.T - chủ tịch một tổ chức chống cộng "khét tiếng" ở TP.Houston - Texas). Đây có lẽ là bước đầu tiên trong kế hoạch dành cả phần đời còn lại để nghỉ hưu trên quê hương mình mà ông đã bày tỏ tâm nguyện.

Chiều 13-8-2022, tác giả bài này đã được LS Hoàng Duy Hùng mời đến trao đổi và thăm căn hộ của ông mới mua trong một chung cư rất đẹp ở phường Phú Hữu, TP.Thủ Đức. Ông trẻ và gầy hơn so với hình ảnh trên báo, YouTube... Ông rất hạnh phúc bên cô vợ đôi mươi đẹp như hoa hậu và sự mến mộ của hàng vạn "fan" theo dõi kênh "Góc nhìn Hoàng Duy Hùng". Chúc LS Hoàng Duy Hùng tiếp tục kiên định với "đường về Tổ quốc" và đóng góp tuyên truyền để có thêm nhiều kiều bào hải ngoại hiểu được sự thật về quê hương, đóng góp cho hòa hợp, hòa giải, đại đoàn kết dân tộc. Chúc ông hạnh phúc và đạt nhiều thành công, trên Đất Mẹ, Tổ Quốc mến yêu.


Tòa Giám Mục Kon Tum Lên Án Hành Vi Phạm Thánh của Cán Bộ Xã


(Hình: Linh mục Phanxico Xavie Lê Tiên đang dâng lễ bị cán bộ xã, công an và dân quân tự vệ... ngăn trở, xúc phạm.)

-Vào ngày 27/3/2023, Tòa Giám mục Kon Tum ra thông báo lên án hành vi phạm Thánh của một số cán bộ xã Đắc Nông, huyện Ngọc Hồi.

Thông cáo đề ngày 27/3 do Linh mục Chánh văn phòng Tòa Giám mục Phê rô Lê Văn Hùng ký gửi đến chính quyền Kon Tum và huyện Ngọc Hồi.

Thông báo nhắc lại sự việc xảy ra vào lúc 18 giờ 15 phút ngày 22 tháng 3 vừa qua tại nhà nguyện Giáo họ Phao lô thuộc Giáo xứ Đắc Giấc, xã Đắc Nông, huyện Ngọc Hồi tỉnh Kontum.

Như tin RFA loan hôm 24/3, chính quyền xã Đắc Nông (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) tiếp tục ngăn cản linh mục và giáo dân thuộc giáo họ Phaolo thực hiện nghi lễ trong tuần thứ ba liên tiếp trong nỗ lực ngăn chặn việc sinh hoạt tôn giáo của 20 gia đình trong giáo họ này.

Theo một số video giáo dân cung cấp, khi thánh lễ do linh mục Phanxico Xavie Lê Tiên đang tiến hành tại nhà nguyện của giáo họ, công an và dân quân tự vệ cùng một số người mặc thường phục đến vây quanh vị tu sĩ. Trong một video, người đàn ông mặc thường phục tự xưng tên là Thạch - Phó Chủ tịch xã Đắc Nông chỉ ngón tay vào vị linh mục và chất vấn "ông này là ai" và yêu cầu dừng làm lễ để lên Uỷ ban Nhân dân xã làm việc. Tuy nhiên, vị linh mục tiếp tục thực hiện nghi lễ của mình.

Sau đó, một phụ nữ, được giáo dân xác định là một Phó Chủ tịch xã, tiến đến bàn thờ tế lễ tự ý gấp cuốn kinh thánh mà linh mục đang đọc ôm vào người và bỏ đi nhưng bị giáo dân phản đối. Một người mặc thường phục khác tắt đèn của nhà nguyện trong tiếng đọc kinh của giáo dân.

Thông báo của Tòa Giám mục Kon Tum ngày 27/3 nêu rõ việc làm đó đã gây bức xúc và làm tổn thương anh chị em giáo họ Phao lô, cũng như đối với các linh mục, giáo dân trong và ngoài giáo phận Kon Tum.

Tòa Giám mục Kon Tum kiến nghị chính quyền sớm công nhận Nhà nguyện của giáo họ Phao lô và các nhà nguyện khác trong các buôn làng thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum.


HRW Kêu Gọi CSVN Hủy Cáo Buộc Đối Với Nhà Hoạt Động Trương Văn Dũng


(Hình: Ông Trương Văn Dũng trong một cuộc biểu tình mini ở Hà Nội đòi tự do cho các tù nhân lương tâm.)

-Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Right Watch-HRW) vào ngày 27/3 ra kêu gọi Chính phủ Việt Nam hãy hủy mọi cáo buộc đối với nhà hoạt động nhân quyền Trương Văn Dũng. Lý do chỉ vì ông này lên tiếng phê phán chính quyền.

Thông cáo báo chí của HRW cho biết một tòa án tại Hà Nội dự kiến vào ngày 28/3 sẽ đưa ông Trương Văn Dũng, thường được biết đến với tên Trương Dũng, ra xét xử theo cáo buộc "Tuyên truyền chống Nhà nước". Nếu bị kết tội, ông Dũng phải đối diện với bản án lên đến mức cao nhất là 20 năm tù.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của HRW được trích lời trong thông báo nói: "Ông Trương Văn Dũng là trường hợp mới nhất trong chuỗi dài danh sách các nhà bảo vệ nhân quyền bị chính phủ Việt Nam dập tắt tiếng nói vì họ phản đối các vi phạm nhân quyền và vận động cho cải cách tại Việt Nam".

Ông Trương Văn Dũng, 65 tuổi, trở thành một nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai từ thập niên 2000; khi ông vận động việc phản đối quyết định trưng thu chính căn nhà của ông. Đến đầu thập niên 2010, ông Dũng cùng tham gia với các nhà hoạt động khác và vận động cho các quyền cơ bản như tự do biểu đạt, lập hội và nhóm họp. Từ giữa năm 2011 đến 2018, ông tham gia nhiều cuộc biểu tình chống hành động gây hấn, hiếu chiến của Trung Quốc và bảo vệ môi trường. Ông cũng tham gia biểu tình chống Luật An ninh mạng hồi năm 2018 và công khai tẩy chay các cuộc bầu cử quốc gia do đảng cộng sản Việt Nam tổ chức.

Ông luôn bị lực lượng chức năng sách nhiễu, đe dọa, và cả đánh đập. Ông bị cấm xuất cảnh. Vào tháng 3/2014, ông bị những kẻ mặc thường phục tấn công và gây thương tích. Khi trả lời Đài Á Châu Tự do về sự việc này, ông Trương Văn Dũng khẳng định: "Tôi không khuất phục, và họ càng hành xử như thế này thì tinh thần tôi càng ngày càng tăng thêm thôi, tôi không bao giờ giảm sút tí nào… Tôi thấy rất vinh dự về bản thân, không làm điều gì hổ thẹn với lương tâm".

Ông bị bắt vào giữa tháng 5/2022 và bị cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài trong hơn chín tháng. Đến tháng 3/2023, ông mới được phép gặp luật sư bào chữa; tuy nhiên gia đình ông vẫn chưa được thăm gặp.


Việt Nam Điều Tàu Theo Dõi Hoạt Động Tuần Tra của Trung Quốc Tại Bãi Tư Chính


(Hình: Cảnh sát biển Việt Nam theo dõi tàu của Trung Quốc ở Biển Đông hồi năm 2014.)
-Vào ngày 25/3/2023, Việt Nam cử tàu theo dõi hoạt động của một tàu Tuần duyên Trung Quốc trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở khu vực giếng dầu do Nga điều hành tại Bãi Tư Chính.

Reuters loan tin ngày 27/3, dẫn dữ liệu theo dõi tàu biển do tổ chức Dự án Đại Ký sự Biển Đông đưa ra.

Cụ thể, tàu tuần duyên Trung Quốc vào ngày 25/3 đã đi qua hai lô 06-01, 05-03 và hai lô khác. Tàu Kiểm ngư 278 của Việt Nam theo sát tàu Trung Quốc, có lúc ở cự lý chỉ vài trăm thước.

Lô 06-01 do hãng Zarubezhneft của Nga vận hành và là cổ đông; lô 05-03 có cổ phần của đại công ty Nga Gazprom và do một chi nhánh của Petrovietnam vận hành.

Hoạt động của Tuần duyên Trung Quốc như vừa nêu được cho là mới nhất từ phía Bắc Kinh theo cách thức đã kéo dài hơn một năm qua. Dữ liệu cho thấy trong năm qua số lần tàu Trung Quốc đi vào Bãi Tư Chính theo lộ trình gần như giống nhau ít nhất 34 lần.

Reuters cho biết cả Zarubezhneft, Gazprom, Bộ Ngoại giao Nga và Đại sứ quán Nga ở Hà Nội chưa phản hồi yêu cầu bình luận của hãng về tin vừa nêu.


VinGroup Đang Chờ Tin Từ Vụ Mua Ngân Hàng Credit Suisse


(Hình: Ngân hàng Credit Suise của Thuỵ Sĩ hôm 24/3/2023.)

-Tập đoàn VinGroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đang chờ thông tin cập nhật từ vụ Ngân hàng UBS mua lại Credit Suisse.

Nikkei Asia vào ngày 27/3/2023 loan tin vừa nêu và dẫn phát biểu của VinGroup với hãng tin này là việc Credit Suisse bị mua lại chắc hẳn không có tác động tiêu cực đến tập đoàn này tại Việt Nam. Tuy nhiên VinGroup không nói rõ có liên lạc với Ngân hàng UBS để tiếp tục các dịch vụ do Credit Suisse đảm trách đối với vấn đề VinFast ở Hoa Kỳ hay không.

Phát ngôn nhân của VinGroup trong thư điện tử gửi Nikkei Asia cho biết Tập đoàn đang thực hiện tất cả những biện pháp cụ thể cần thiết trong nội bộ vào khi chờ đợi phúc đáp chính thức từ Ngân hàng UBS sau khi mua lại Credit Sussie.

Phát ngôn nhân của VinGroup còn nói thêm, ngoài Credit Suisse, lâu nay Tập đoàn này cũng có quan hệ dài lâu với nhiều ngân hàng quốc tế; và tiếp tục tìm kiếm đối tác với các định chế tài chính quốc tế khác.

VinFast của Tập đoàn VinGroup nhắm đến việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại Hoa Kỳ. Hồi tháng 12 năm 2022, VinFast thông báo Credit Suisse là một trong những ngân hàng giúp cho công tác này. Trước đó vào tháng 7/2022, Credit Suisse cho biết sẽ giúp khoản tài chính hai tỉ Mỹ kim cho VinFast trong việc hình thành nhà máy sản xuất xe điện tại tiểu bang North Carolina.


Bình Dương: Hơn 36 Ngàn Lao Động Bị Tạm Chấm Dứt Hợp Đồng Hoặc Nghỉ Không Lương


(Hình: Công nhân tại một nhà máy may ở Hà Nội.)

-Vào ngày 27/3/2023, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam thông báo hơn 36 ngàn lao động tại tỉnh Bình Dương trong quý I năm nay bị hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương. Số lao động phải nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp trong quý là hơn 12.100 người.

Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương - cho biết tình hình tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp vào thời điểm từ cuối năm 2022 đến đầu năm nay không có tín hiệu khả quan như các năm trước. Thực tế khó khăn được ông Tuyên thừa nhận đến nay chưa có dấu hiệu dùng lại.

Số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, số lượng tuyển dụng không nhiều, chỉ từ vài người đến vài chục người; trong khi đó đa số các doanh nghiệp lớn hầu như không có nhu cầu tuyển dụng lao động mà ngược lại còn cắt giảm.

Cũng theo trình bày của ông Phạm Văn Tuyên, dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý hai/2023 chỉ cần khoảng từ 8.000 đến 10.000 lao động, trong đó lao động có tay nghề chiếm tứ 75%-80%. Các lịnh vực cần công nhân lành nghề gồm may quần áo, ba lô, túi xách, gỗ nội thất, cơ khí, ngũ kim…


Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung Bị Công An Kết Luận "Thiên Vị" Cho Công Ty Thân Hữu


(Hình: Cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Pháp hôm 26/10/2019.)

-Vào ngày 27/3/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C03) thuộc Bộ Công an cho truyền thông nhà nước biết đã ban hành kết luận nêu rõ cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung "thiên vị" dành ưu ái cho các công ty thân hữu để trục lợi.

Kết luận được ban hành cho vụ án "Buôn lậu và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), Ban duy tu các công trình kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội".

C03 đề nghị truy tố bị can đối với ông Nguyễn Đức Chung về tội "Lợi dụng, chức vụ/quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Cơ quan này cũng đề nghị truy tố 13 người khác, trong đó có các ông Nguyễn Xuân Hanh, cựu Tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội; Đỗ Quang Tiến, cựu Giám đốc Xí nghiệp Cây xanh cây hoa cây cảnh, và nhiều cán bộ thuộc Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội.

Cơ quan công an xác định trong quá trình thực hiện hai hợp đồng (trong số 15 hợp đồng giữa Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội), các bị can đã nâng khống giá một số loại cây (chủ yếu là cây chà là và cây bàng lá nhỏ, trong tổng số hơn 17 loại cây theo hợp đồng), gây thiệt hại tài sản nhà nước khoảng 30 tỉ đồng.

Đây là vụ án thứ tư của ông Nguyễn Đức Chung. Ông Chung đang thi hành tổng cộng 12 năm tù trong 3 vụ án khác bao gồm: Chiếm đoạt tài liệu mật, mua sắm chế phẩm Redoxy-3C và can thiệp đấu thầu tại Sở KH-ĐT thành phố Hà Nội.


Tiếp Viên Thứ Năm của Vietnam Airlines Trong Vụ Xách Hơn 11 Kg Ma Túy Về Nước


(Hình: Tang vật trong vali các tiếp viên Vietnam Airlines bị Hải quan phát giác hôm 16/3/2023.)
-Một tiếp viên Vietnam Airlines thứ năm có dính líu vụ 4 tiếp viên khác xách về nước hơn 11 kg ma túy từ Pháp.

Mạng báo Zing loan tin ngày 27/3/2023 cho biết tiếp viên có tên viết tắt B.T.P.T là người cung cấp số điện thoại đầu mối gửi hàng tại Pháp cho bốn nữ đồng nghiệp khác để nhận số hàng chứa ma túy và chia nhau mang về Việt Nam.

Tin nói người này cũng bị tạm giữ ngay sau khi Hải quan phi trường Tân Sơn Nhất phát giác sự việc. Đến nay tất cả đều được Cơ quan Điều tra thuộc Công an Tp. HCM cho phép gia đình bảo lãnh tại ngoại.

Như tin đã loan, vào ngày 16/3, cơ quan chức năng phát giác nhóm nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines mang hơn 11 kg ma túy các loại trong vali trên chuyến bay từ Pháp về phi trường Tân Sơn Nhất.

Theo thông tin được Hải quan và Công an cung cấp cho báo chí, trong bốn vali của các tiếp viên, ngoài các vật dụng cá nhân, có tổng cộng 327 tuýp kem đánh răng (chưa mở nắp, nhiều nhãn hiệu khác nhau, mỗi tuýp được đựng trong một hộp giấy riêng lẻ) và 17 chai nước súc miệng.

Trong các tuýp kem đánh răng bị kiểm tra, cơ quan chức năng phát giác 157 tuýp chứa tổng cộng hơn 11 kg ma tuý các loại là ketamine và MDMA.

Trong cuộc họp báo hôm 17/3, Hải quan Tp. HCM cho biết nhóm tiếp viên, sau khi bị phát giác mang chất cấm về nước, khai rằng khi ở Pháp họ được một người nhờ xách tay số hàng về nước với tiền trả công là 10 triệu đồng. Do quá bận việc, họ chỉ kiểm tra vài tuýp kem, không thấy có gì bất thường.

Theo cơ quan công an, vì các tiếp viên không biết bên trong các tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển có chứa ma túy nên chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.


Đắc Lắc: Khởi Tố, Cấm Đi Khỏi Nơi Cư Trú 3 Đối Tượng Hủy Hoại 19.000 Mét Vuông Rừng


(Hình: Hiện trường vụ hủy hoại rừng.)

-Ba người trong vụ án hủy hoại hơn 19 ngàn mét vuông rừng sản xuất tại tiểu khu 29 thuộc lâm phần do Công ty Lâm Nghiệp Chư Phả quản lý đã bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú.

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ea H'leo cho truyền thông hay tin trên trong ngày 27/3/2023, ngay sau khi phê duyệt Quyết định khởi tố bị can.

Ba người bị khởi tố để điều tra về tội "Hủy hoại rừng", theo quy định tại Điều 243 BLHS gồm Nguyễn Văn Vinh (SN 1994, trú tại xã Ea H'Leo được xác định chủ mưu phá rừng); Hoàng Phi Hùng (SN 1965) và Kpă Y Thak (SN 1993, cùng trú tại xã Ea Sol, huyện Ea H'leo).

Vào tháng 11/2022, Hạt kiểm lâm Ea H'Leo - Krông Búk nhận được tin báo của Lâm Nghiệp Chư Phả về việc có đối tượng sử dụng cưa máy cắt hạ nhiều cây rừng tại các lô 14, 15, khoảnh 12, tiểu khu 29 thuộc lâm phần do Công ty Chư Phả quản lý. Qua tiến hành khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định, diện tích rừng bị huỷ hoại là 19.690 mét vuông.

Ngay sau đó, Hạt kiểm lâm Ea H'Leo - Krông Búk chuyển vụ hủy hoại rừng nói trên đến Công an huyện Ea H'Leo để điều tra, xử lý theo quy định. Qua điều tra, Công an xác định Nguyễn Văn Vinh là người trực tiếp thuê Hoàng Phi Hùng; Kpă Y Thak; Hoàng Quốc Việt (SN 1984) và Nay Vang (SN 1991, cùng trú tại xã Ea Sol, huyện Ea H'leo) huỷ hoại rừng tại Lô 14, lô 15, khoảnh 12, tiểu khu 29.

Hiện ba ông Vinh, Hùng và Y Thak còn bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Riêng các ông Hoàng Quốc Việt và Nay Vang bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cũng trong ngày 27/3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định đã có báo cáo về kết quả ban đầu điều tra, xử lý vụ khai thác rừng trái pháp luật tại khoảnh 6, tiểu khu 316, xã Canh Liên (huyện Vân Canh).

Chi cục cho biết tổng khối lượng gỗ bị khai phá hơn 11, 4 m3, vượt khung xử phạt vi phạm hành chính, có dấu hiệu tội phạm. Hiện chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh đưa sự việc vào tin báo tội phạm, thực hiện các trình tự, thủ tục tổ chức điều tra, xác minh và xử lý vụ vi phạm theo quy định của pháp luật.


Hoãn Phiên Xử Phúc thẩm Chủ tịch Alibaba Nguyễn Thái Luyện Vì Vắng Luật Sư


(Hình: Bị cáo Nguyễn Thái Luyện.)

-Viện Kiểm sát Nhân dân Tp. HCM đề nghị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố hoãn phiên xử Phúc thẩm vụ án Chủ tịch Công ty địa ốc Alibaba do vắng mặt nhiều luật sư.

Ngày 27/3/2023, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Tp. HCM mở phiên xử Phúc thẩm vụ án Chủ tịch Công ty CP địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện (37 tuổi) và đồng phạm lừa đảo hơn 2.400 tỉ đồng của hơn 4.500 người. Truyền thông nhà nước loan tin trên trong cùng ngày.

Tuy nhiên ba trong số sáu luật sư bào chữa cho vợ chồng ông Luyện vắng mặt. Một số luật sư bào chữa cho các bị cáo còn lại cũng vắng mặt.

Do đó, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để bảo đảm quyền lợi cho các bị cáo. Cũng theo tòa, các luật sư đề nghị hoãn phiên tòa vì chưa có thời gian tiếp cận hồ sơ và bận phiên tòa khác, đây là lý do không chính đáng. Vụ án sẽ được mở lại từ ngày 8/5 đến 19/5.

Trước đó, trong phiên xử Sơ thẩm diễn ra vào cuối năm 2022, Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Võ Thị Thanh Mai (vợ ông Luyện đồng thời cũng là Giám đốc Tài chính Công ty CP địa ốc Alibaba) 20 năm tù về cùng tội danh, 12 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.

Sau phiên xử Sơ thẩm, Nguyễn Thái Luyện và vợ là Võ Thị Thanh Mai kháng cáo kêu oan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội rửa tiền; 15 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt trong đó có bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực (cả hai là em trai của Nguyễn Thái Luyện). 97 bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có đơn kháng cáo xem xét lại về phần thiệt hại.


Cựu Chủ Tịch Dược Phẩm Cửu Long Chết Trước Ngày Xử Phúc Thẩm!


(Hình: Ông Lương Văn Hóa tại phiên Tòa Sơ thẩm.)

-Cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Dược phẩm Cửu Long – Lương Văn Hóa đã tử vong trước khi phiên xử Phúc thẩm vụ án "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty dược phẩm Cửu Long và các đơn vị liên quan trong ngày 27/3/2023.

Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho truyền thông hay tin trên trong cùng ngày đồng thời cho biết ông Hóa đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng đã chết tại Bệnh viện Bạch Mai trong ngày 6/3. Do đó Tòa quyết định đình chỉ xét xử Phúc thẩm đối với ông Hóa.

Nguyên nhân tử vong được cho biết do ông Hóa viêm phổi sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, ung thư biểu mô di căn hạch theo dõi nguồn gốc từ phổi.

Tại phiên Phúc thẩm, tòa phán quyết bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu kế toán trưởng Công ty dược phẩm Cửu Long) được giảm từ sáu năm tù xuống còn năm năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bị cáo Nguyễn Nam Liên (cựu vụ phó Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, Phó trưởng ban Quản lý thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A H5N1) được giảm từ 24 tháng tù xuống còn 15 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, cuối tháng 11/2022, TAND thành phố Hà Nội xét xử Sơ thẩm, tuyên phạt ông Lương Văn Hóa 9 năm tù và Nguyễn Văn Thanh Hải sáu năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Nguyễn Nam Liên bị tuyên 24 tháng tù giam về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Sau phiên Sơ thẩm cả ba ông Hóa, Hải và Liên đều có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Trong năm người chấp nhận mức án Sơ thẩm, còn có cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang. Ông Cao Minh Quang lãnh mức án 30 tháng tù nhưng được cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.


Bắc Giang và Đà Nẵng Xử Cán Bộ Giao Thông Sai Phạm


(Hình: Công an Bắc Giang thực hiện thủ tục tố tụng với Hoàng Văn Quý (đứng ngoài cùng bên phải)

-Một chuyên viên Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Bắc Giang đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Đưa hối lộ, nhận hối lộ".

Công an tỉnh Bắc Giang cho truyền thông hay tin trên trong ngày 27/3/2023, ngay sau khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Văn Quý, sinh năm 1986, chuyên viên Sở Giao thông-Vận tải tỉnh về tội Đưa hối lộ, theo quy định tại khoản 2, Điều 364 Bộ luật Hình sự.

Công an cho biết từ năm 2019 đến năm 2022, Quý đã nhận tiền của các chủ phương tiện có xe cải tạo để lập khống hồ sơ thiết kế, thi công cải tạo xe cơ giới.

Sau khi hồ sơ thiết kế được Sở Giao thông-Vận tải tỉnh thẩm định, cấp Giấy chứng nhận thiết kế, Hoàng Văn Quý đã liên hệ và chi tiền cho đăng kiểm viên thuộc Trung tâm Kiểm định kỹ thuật phương tiện, thiết bị giao thông cơ giới Bắc Giang (Trung tâm Đăng kiểm 98-01S) để thực hiện việc nghiệm thu xe cải tạo không đúng quy định.

Trong cùng ngày, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết đã bắt tạm giam bốn người liên quan sai phạm trong đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Trong đó có hai đăng kiểm viên thuộc Chi cục Thủy sản Đà Nẵng là Ngô Văn Hai và Lê Văn Láng.

Hai người này đồng thời bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".


Thông Tin Mới Về Ấn Vàng "Hoàng Đế Chi Bảo"


(Ảnh: Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".)

-Ngày 24/3/2023, Cục phó Cục Di sản Văn hóa, ông Trần Đình Thành cho truyền thông nhà nước hay Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" có thể sẽ về đến Việt Nam trong khoảng tháng 4 và tháng 6/2023.

Ông Thành cũng khẳng định dù ấn này thuộc sở hữu cá nhân, cũng sẽ không có chuyện cổ vật quý giá này bị bán ra ngoại quốc lần nữa.

Hiện ông Nguyễn Thế Hồng, một doanh nhân tại Bắc Ninh đã ký hợp đồng mua ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" với nhà đấu giá Millon (Pháp), trị giá hơn 6,1 triệu Euro.

Ông Thành nói thêm, theo thông tư số 19 (năm 2012) của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, danh mục di vật cổ vật không được đưa ra ngoại quốc bao gồm di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc các giai đoạn lịch sử Việt Nam trước tháng 9 năm 1945 trong đó bao gồm ấn tín.

Ngoài ra theo Điều 44 Luật di sản, việc đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra ngoại quốc để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản phải có sự bảo hiểm từ phía tiếp nhận di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa bảo vật quốc gia ra ngoại quốc; quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch cho phép đưa di vật, cổ vật ra ngoại quốc.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được Hãng đấu giá Millon công bố đem đấu giá công khai vào ngày 19/10 với giá khoảng ba triệu Mỹ kim. Tuy nhiên hãng này sau đó đã phải hoãn đấu giá đến hai lần do yêu cầu đàm phán từ phía Chính phủ Việt Nam. Dự kiến bảo vật sẽ được đem bán đấu giá vào ngày 18/11 nhưng vào ngày 15/11, Hãng Millon đã thông báo chính thức việc huỷ bỏ đấu giá do đàm phán thành công với phía Việt Nam.


Bộ Văn Hóa Thể Thao & Du Lịch Nêu 2 Nguyên Nhân Khiến Hãng Phim Truyện Việt Nam Tiêu Điều


(Hình: Trụ sở Hãng Phim truyện Việt Nam xuống cấp trầm trọng.)

-Những vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa kéo dài năm năm qua tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đến từ sự bất hợp tác của cổ đông chiến lược -Tổng công ty Vận tải thuỷ (Vivaso).

Vụ phó Vụ Kế hoạch-Tài chánh, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, Phan Linh Chi cho biết như trên tại cuộc họp báo diễn ra ngày 24/3/2023 và được truyền thông nhà nước loan trong cùng ngày.

Theo bà Chi, từ năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo về công tác cổ phần hóa VFS gồm: Thu hồi cổ phần đã bán tại VFS, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược Vivaso, cũng như trả lại đất cho VFS. Tuy nhiên, "Đến thời điểm này những bất cập ở Hãng phim truyện Việt Nam chưa có giải pháp chuyển biến tích cực như mong muốn. Vivaso chưa đưa ra văn bản tính toán chi phí hợp lệ, tiến hành các thủ tục liên quan đến cổ phần hóa và đề xuất số tiền nhận lại khi hoàn trả cổ phần cho Nhà nước", bà Linh Chi được tờ Pháp luật dẫn lời xác nhận.

Ngoài ra, cũng theo bà Chi, do Vivaso không cung cấp con số cụ thể về nguồn tiền chi trả. Trong khi đó Nghị định 148/2021/NĐ-CP Về quản lý sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn Nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp - đã quy định rất rõ về việc chi trả các nguồn tiền này.

Trước đó, ngày 17/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về việc trụ sở VFS hoang tàn, đổ nát, tìm giải pháp phù hợp với tình hình mới và có phương án giải quyết tồn tại trước ngày 23/3.

Hiện theo Bộ Công an, Vivaso đang vướng nhiều sai phạm khác trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước dẫn đến mất vốn hơn 16 tỉ đồng và nguy cơ lãng phí vốn đầu tư gần 135 tỉ đồng.

Hôm 10/3 Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã tiếp nhận hồ sơ về sai phạm trong việc cổ phần hóa, thoái vốn, sai mất vốn nhà nước tại Tổng công ty Vận tải thuỷ.


Bắt Ba Người Mã Lai Á Lừa 30 Công Dân Nam Dương Sang Việt Nam Cưỡng Ép Hoạt Động Lừa Đảo


(Hình: Sáu người quốc tịch Mã Lai Á bị công an Tp. HCM bắt.)

-Ba mươi công dân Nam Dương bị lừa nhập cảnh vào Việt Nam bị giam giữ tại tòa nhà 455 Bình Quới quận Bình Thạnh (Sài Gòn).

Công an Tp. HCM ngày 24/3 xác nhận với truyền thông tin trên.

Theo Công an, 30 người Nam Dương còn bị nhóm lừa đảo cưỡng ép giả danh Công tố viên, cảnh sát, gọi điện thoại cho nhiều người ở Nam Dương yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt.

Hiện Công an Tp. HCM đã khởi tố hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam ba người quốc tịch Mã Lai Á tham gia nhóm lừa đảo trên, gồm: Leaw Boon Kiat, Thong Joon Kin, Gan Ban Lee về hành vi "tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép".

Cũng theo Công an, trước đó hôm 12/3, Công an Tp. HCM nhận được thông báo của Sở Ngoại vụ về việc 30 công dân Nam Dương đến Tòa tổng Lãnh sự Nam Dương tại Sài Gòn trình báo bị một số nghi phạm đưa sang Việt Nam, "giam lỏng" tại một tòa nhà và cưỡng ép thực hiện việc giả danh cơ quan chức năng Nam Dương, nhân viên ngân hàng… gọi điện thoại cho nhiều người ở Nam Dương yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an Tp. HCM phối hợp các đơn vị có liên quan xác minh, điều tra sự việc. Qua điều tra, Công an xác định số người trên bị giữ tại tòa nhà 455 Bình Quới. Khám xét địa điểm trên, Công an bắt giữ sáu nghi phạm quốc tịch Mã Lai Á.

Nhóm người này khai, Leaw Boon Kiat thông qua một công ty du lịch tại Nam Dương để quảng cáo, giới thiệu việc làm "dịch vụ khách sạn, nhà hàng" nhằm dụ dỗ 30 công dân Nam Dương trên đến Việt Nam. Sau khi những người này nhập cảnh vào Việt Nam, họ bị các nghi phạm giữ sổ thông hành, điện thoại và bị đưa về tòa nhà 455 Bình Quới yêu cầu thực hiện hành vi vi phạm như nêu trên.

Công an xác định, Leaw Boon Kiat, Thong Joon Kin, Gan Ban Lee đã có hành vi thuê nhà, chứa chấp, cưỡng ép 30 công dân Nam Dương để huấn luyện và thực hiện hoạt động lừa đảo, mặc dù biết nhiều người trong đó đã quá hạn lưu trú theo diện miễn thị thực nhằm mục đích hưởng lợi.

Hiện Công an Tp. HCM đang củng cố chứng cứ, phối hợp Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và Hiệp hội Tư lệnh Cảnh sát các nước Đông Nam Á mở rộng điều tra vụ án để giải quyết theo quy định của pháp luật.


Lạng Sơn và Lai Châu Xử Lãnh Đạo và Đăng Kiểm Viên Nhận Hối Lộ

(Ảnh: Trụ sở Cục Đăng kiểm tại Hà Nội.)

-Giám đốc Công ty Cổ phần Đăng kiểm Xe Cơ giới Lạng Sơn, ông Nguyễn Văn Khiêm, vào ngày 24/3/2023 bị khởi tố và bị tạm giam theo cáo buộc "nhận hối lộ".

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lạng Sơn thông báo như vừa nêu. Các biện pháp khởi tố, khám xét nơi làm việc/chỗ ở và bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Khiêm được tiến hành sau khi cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn tiến hành khám xét Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 12- 01D (số 52, Lê Đại Hành, phường Vĩnh Trại, Thành phố Lạng Sơn); và Trung tâm đăng kiểm 12- 02D (xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc).

Lực lượng chức năng phát giác nhiều hồ sơ cải tạo xe cơ giới có dấu hiệu lập khống để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Hầu hết các xe hơi đã được cải tạo trước khi làm hồ sơ cải tạo để thực hiện đăng kiểm tại Công ty Cổ phần đăng kiểm xe cơ giới Lạng Sơn. Số tiền thu cho mỗi xe được nói là 11 triệu đồng/chiếc.

Cũng tin liên quan, tại Lai Châu, vào ngày 23/3, Công an tỉnh này tạm giữ hình sự đối với ông Nguyễn Văn Chiến - đăng kiểm viên tại Trung tâm Đăng kiểm Xe Cơ giới tỉnh, về hành vi "nhận hối lộ".

Công an Lai Châu cho biết ông Chiến từ năm 2020-2022 được giao nhiệm vụ nghiệm thu xe hoán cải và kiểm định xe cơ giới. Trong cương vị này, ông Nguyễn Văn Chiến đã thu từ 7 triệu đến 8,5 triệu đồng mỗi xe để hoàn thành thủ tục, hồ sơ cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho xe cải tạo dù chưa đủ điều kiện, chưa đạt yều cầu.

Vụ án tại Cục Đăng kiểm và các trung tâm đăng kiểm trên cả nước tiếp tục được mở rộng điều tra và thuộc diện do Ban Chỉ đạo Phòng/Chống Tham nhũng trực tiếp giám sát.

Tính đến trung tuần tháng ba vừa qua, đã có hơn 400 lãnh đạo, đăng kiểm viên tại gần 70 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới bị khởi tố, bị tạm giam.

Cục trưởng Cục Đăng kiểm Đặng Việt Hà và nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Trần Kỳ Hình bị bắt vào tháng 1 vừa qua.


Việt Nam Đứng Đầu Thế Giới Về Sử Dụng Tiền Ảo

-Tuần san L'Express nói về những sân chơi mới của tiền kỹ thuật số: Việt Nam, Phi Luật Tân, Ấn Độ…. Theo cơ quan tư vấn Chainalysis, các quốc gia mới nổi thống trị bản danh sách sử dụng tiền ảo trong năm 2022, trong đó Việt Nam đứng đầu.

Bản báo cáo của cơ quan này nhận định tiền kỹ thuật số mang lại lợi ích cho những người sống trong các điều kiện kinh tế không ổn định, nhất là các nước bị lạm phát phi mã như Á Căn Ðình, Venezuela. Đồng bitcoin chưa chứng tỏ là giá trị tin cậy, nhưng những stablecoin (tiền ảo ổn định) rất được ưa chuộng. Nhiều người dùng để chuyển tiền cho thân nhân ở ngoại quốc. Tại Việt Nam, những trò chơi để kiếm tiền ảo tỏ ra hấp dẫn đối với những người thu nhập thấp: 1/4 dân số đã sử dụng dịch vụ này.

Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, tiền kỹ thuật số có thể hỗ trợ cho những cư dân bị đàn áp hoặc bị xâm lăng hay không? Cuộc chiến tranh Ukraine đã mang lại những câu trả lời bước đầu: blockchain giúp chuyển nhanh chóng 65 triệu Mỹ kim viện trợ cho Ukraine, ngược lại cũng giúp một số người Nga né được trừng phạt. Cho dù giảm tiêu thụ năng lượng (Ethereum giảm được đến 99%) và quản lý tốt hơn những giao dịch lớn, tiền ảo hiện vẫn chưa có giá trị thực sự, tại những nước có chế độ chính trị ổn định và đồng tiền mạnh như Pháp.


Đại Diện Meta, Công Ty Mẹ của Facebook, Nói Đang Hợp Tác Chặt Với Chính Phủ Việt Nam


(Ảnh: logo của Facebook, Google, Apple trên màn hình máy điện toán.)

-Giám đốc chính sách công của Meta khu vực Đông Nam Á và Nam Á, ông Rafael Frankel, vào ngày 22/3/2023 nói với truyền thông trong nước công ty này đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam về việc việc giải quyết những nội dung bị cho không phù hợp trên các nền tảng như Facebook.

Mạng báo Tuổi Trẻ loan tin ngày 23/3 như vừa nêu. Theo đó, Meta sẽ chủ động giải quyết những trường hợp bị cho vi phạm quy định do người dùng báo cáo. Meta cũng đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ liên quan trong vấn đề này và sẽ có những biện pháp giải quyết thích hợp đối với nội dung bị cho vi phạm.

Một trong những quy định được nêu ra để giải quyết là "vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng"; tuy nhiên nhiều trường hợp bị người dùng phản ánh là thiếu chính xác; đặc biệt đối với những trình bày về vấn đề chính trị, xã hội mà chính phủ Hà Nội không đồng tình.

Ông Rafael Frankel cũng cho biết Meta tuân thủ quy định về thuế của Việt Nam và đã nộp thuế đầy đủ cho Việt Nam.

Tổng Cục Thuế Việt Nam vào ngày 5/3 vừa qua cho biết tính đến ngày 17/2 năm nay từ khi Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ngoại quốc được vận hành vào thời điểm 21/3/2022; Meta đã nộp khoảng 37 triệu Mỹ kim tiền thuế cho Việt Nam.

Thống kê của Facebook cho thấy hiện có khoảng 76 triệu người dùng có tài khoản mạng xã hội này tại Việt Nam.

Cũng tin liên quan lĩnh vực kỹ thuật thông tin, Cục Viễn Thông thuộc Bộ Thông tin- Truyền thông Việt Nam thông báo tính đến chiều ngày 22/3 mới có hơn 1 triệu thuê bao di động chuẩn hóa thông tin cá nhân theo yêu cầu.

Số còn lại gần 3 triệu thuê bao chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin có thể sẽ bị khóa vào ngày 31/3 tới đây.

Cụ thể, số thuê bao di động chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin cá nhân mạng VinaPhone là hơn 1,1 triệu; mạng Viettel khoảng 1,3 triệu….


Netflix Đang Làm Thủ Tục Lập Đại Diện tại Việt Nam


(Hình: Logo của Netflix tại một nhà hát ở Los, Angeles, Mỹ hôm 14/9/2022.)

-Phó Chủ tịch về Chính sách Công Khu vực Á Châu-Thái Bình Dương của Netflix, bà Josephine Choy, vào ngày 23/3 cho biết đang tiến hành các thủ tục để thành lập đại diện pháp nhân tại Việt Nam.

Thông tin này được bà Josephine Choy đưa ra tại cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Lâm, ở Hà Nội.

Theo lời bà Josephine Choy được truyền thông Việt Nam dẫn lại thì việc tiến hành thủ tục lập đại diện pháp nhân tại Việt Nam là để tuân thủ Nghị định 71 năm 2022 của chính phủ Hà Nội về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Theo quy định của Nghị định 71, các doanh nghiệp ngoại quốc tham gia thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam với loại hình dịch vụ OTT mà không có kênh, chỉ có nội dung theo yêu cầu phải được cấp giấy phép như doanh nghiệp trong nước, do đó phải làm thủ tục hình thành pháp nhân tại Việt Nam.

Vào ngày 24/2 vừa qua, Reuters dẫn hai nguồn giấu tên cho biết Netflix chuẩn bị mở văn phòng đại diện tại Việt Nam sau nhiều năm đàm phán.

Đó sẽ là văn phòng đại diện đầu tiên của các ông lớn kỹ thuật Mỹ được mở chính thức tại Việt Nam, đất nước với 100 triệu dân và được đánh giá là thị trường hấp dẫn bất chấp những quy định về internet ngặt nghèo.

Theo Reuters, Netflix hiện vẫn ở giai đoạn ban đầu lên kế hoạch cho một thể nhân ở Việt Nam sau khi hoàn tất việc đánh giá về các mối nguy an ninh và chính trị liên quan đến việc mở văn phòng ở Việt Nam, trong đó có việc giải quyết các dữ liệu nhạy cảm của người dùng.

Văn phòng của Netflix có thể mở sớm nhất vào cuối năm 2023 và sẽ đòi hỏi phải qua quá trình xét duyệt thủ tục mất nhiều thời gian, các nguồn tin cho Reuters biết.


VinFast Lại Nói Sẽ Giao Xe SUV Điện Trong Tháng Này tại Việt Nam


(Hình: Một công nhân vận hành dây chuyền lắp ráp trong nhà máy xe hơi của VinFast tại Hải Phòng vào ngày 14/6/2019.)

-Vào ngày 23/3/2023, hãng xe điện VinFast của ông tỉ phú Phạm Nhật Vượng thông báo sẽ bắt đầu giao xe điện SUV do hãng này sản xuất cho khách hàng trong nước vào tuần này.

Thông cáo của VinFast nói rõ đó là dòng xe SUV VF9 và sẽ được giao cho khách hàng bắt đầu từ ngày 27/3. Lễ giao xe sẽ được tổ chức đồng thời tại ba nơi là Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn.

Hãng này còn cho biết thêm sẽ giao dòng xe VF5 Plus vào tháng tư tới đây.

Hãng này cũng kỳ vọng sau khi giao dòng xe SUV VF9 cho khách hàng trong nước, hang sẽ đưa ra ngoại quốc.

Vào ngày 17/3 vừa qua, VinFast3 ra thông báo cho biết 3 lãnh đạo cấp cao phụ trách bán hàng, marketing và phục vụ khách hàng vừa nghỉ việc.

Reuters dẫn thông báo của VinFast cho biết, Gareth Dunsmore - Phó Giám đốc phụ trách bán hàng và marketing toàn cầu của hãng đã nghỉ việc vì "lý do cá nhân và hãng tôn trọng quyết định này".

Hai lãnh đạo khác ở thị trường Mỹ là Gregh Tebbutt - trưởng ban marketing, và Craig Westbrook - Trưởng ban phục vụ khách hàng. Cả hai người đều nghỉ vì "những thay đổi trong mô hình quản lý và các yêu cầu kinh doanh cụ thể" - thông báo của VinFast viết.

Thông tin về ba quản lý cấp cao VinFast nghỉ việc xuất hiện vào khi VinFast đang trong giai đoạn bắt đầu thâm nhập thị trường Bắc Mỹ với việc xuất cảng 999 xe điện đầu tiên sang Mỹ từ tháng 11 năm 2022 nhưng đã bị trì hoãn cho đến tận cuối tháng 2 vừa qua mới giao 45 xe điện đầu tiên.

Hồi tháng hai vừa qua, VinFast tuyên bố hợp nhất hoạt động của hãng tại Gia Nã Ðại và Mỹ đồng thời cắt giảm khoảng 80 người, trong đó có phụ trách tài chánh thị trường Mỹ là Rodney Haynes.

Hồi tháng sáu năm 2022, VinFast cũng chấm dứt hợp đồng với một phụ trách bán hàng toàn cầu khác là Emmanuel Brett. Ba lãnh đạo cấp cao khác của hãng cũng rời đi trong thời gian này.

Huy Chieu, một cựu Kỹ sư tại General Motor và gia nhập VinFast vào tháng 11/2021, phụ trách mảng phát triển sản phẩm xe điện, cũng xin nghỉ việc vào tháng 12 năm 2022 trước khi các xe điện đầu tiên của hãng đến Mỹ.

Không có nhận xét nào: