Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

Người Công Giáo Mùa Chay Thánh và Kính Chuyển Tin Việt Nam Hôm Nay - Lê Văn Hải


Mùa Chay Thánh, Mùa Tử Nạn 2023: “Chúa Buồn Trên Thập Giá!” Quỷ Phá Nhà Chúa! Kontum: Nhà Cầm Quyền CS, Công An Xông Lên Cung Thánh, Giựt Thánh Kinh! Yêu Cầu Linh Mục Đang Làm Lễ, Dừng Thánh Lễ, Về Xã 'Làm Việc!'
(Khánh An)
<!>

(Hình: Đoạn video trên YouTube vào ngày 22/3/2023 cho thấy nhóm cán bộ ở xã Đắc Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum, xông vào lấy sách, buộc Linh mục phải dừng cử hành thánh lễ.)

-Ngày 22/3/2023, trên mạng xã hội tại Việt Nam xuất hiện nhiều đoạn video quay lại cảnh một nhóm bao gồm công an mặc sắc phục và lãnh đạo ở xã Đắc Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum, xông vào một địa điểm đang diễn ra thánh lễ của giáo dân Công giáo và giựt sách lễ, rút điện, lớn tiếng yêu cầu vị Linh mục đang cử hành thánh lễ "về làm việc" với lý do "chưa có giấy phép" làm lễ.


"Mời Lịch Sự"

"Mời ông này về xã làm việc", một người mặc thường phục lớn tiếng chỉ đạo các công an, dân phòng. "Tôi, Thạch, Phó Chủ tịch xã nè, chịu trách nhiệm buổi làm việc hôm nay nè. Tôi tôn trọng mời ông xuống xã làm việc nè", người đàn ông này tự xưng.

"Ông này ở đâu ra? Tôi hỏi ông này ở đâu?", "Giấy phép đâu?"…, người đàn ông tự xưng tên Thạch tiếp tục quát vào Linh mục dâng lễ và các giáo dân.

Trong khi đó, vị Linh mục được cho biết là Linh mục Lê Tiên nhỏ nhẹ yêu cầu "các anh muốn làm gì thì đợi sau thánh lễ" và "các anh cứ lập biên bản đi rồi chúng tôi ký", nhưng một phụ nữ đã sỗ sàng xông lên bàn thờ, đóng sập cuốn sách lễ Linh mục đang đọc và đem đi, trong khi một người đàn ông khác trong nhóm cán bộ đi ra phía cột cắm điện rút các dây điện ra.


Các đoạn video còn cho thấy bất chấp lời yêu cầu ôn tồn của Linh mục, người đàn ông tên Thạch tiếp tục tỏ thái độ hung hăng và quát "Kệ ông, tui đang làm việc…", và la lối chỉ đạo cán bộ "đưa ông này về xã làm việc", không quên khẳng định nhiều lần rằng tôi "mời lịch sự".

"Đây không phải là lần đầu tiên. Đã có nhiều sự kiện tương tự xảy ra và điều này cho thấy, thứ nhất, chính quyền Việt Nam không đào tạo, hướng dẫn cho cán bộ địa phương; thứ hai, cũng không hề có biện pháp nào để kỷ luật những cán bộ như vậy. Chúng ta có thể hiểu là nếu không phải khuyến khích, thì nó có sự che chắn cho địa phương để làm những hành vi hết sức xem thương những nghi thức quan trọng của một tôn giáo", Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của "Ủy ban cứu người vượt biển" (BPSOS), một tổ chức có trụ sở ở Mỹ chuyên hoạt động về dân sự, chính trị, tôn giáo Việt Nam, nhận xét với VOA.


VOA hiện chưa liên lạc được với chính quyền địa phương và giáo phận Kontum để lấy ý kiến về sự việc.

Ngoài các trang tin tôn giáo như Truyền thông Thái Hà, Amen TV… truyền thông nhà nước chưa đưa thông tin và Giáo phận Kontum cũng chưa lên tiếng chính thức hay thông báo gì về sự việc.

Theo các trang tin Công giáo, sự việc quấy rối thánh lễ diễn ra vào lúc 6:15 chiều 22/3 tại một giáo điểm ở xã Đắc Nông, huyện Ngọc Hồi, thuộc giáo xứ Đắc Giấc, giáo hạt Đắc Mót, giáo phận Kontum.


Câu Chuyện "Giấy Phép" và Những "Túp-Lều-Thờ-Tạm"

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chính phủ, Bộ Ngoại giao và Uỷ hội Tôn giáo Hoa kỳ đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Việt Nam về yêu cầu "giấy phép" với những quy định phức tạp, khắt khe, khó khăn kéo dài đối với việc thực thi tôn giáo của người dân.

"Đấy chính là cản trở quyền tự do tôn giáo", Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói.

Trong một văn bản gửi giáo dân vào ngày 22/3/2015, Giám mục Giáo phận Kontum khi đó là Giám mục Hoàng Đức Oanh giải thích về những "túp-lều-thờ-tạm" trong giáo phận mà chính quyền liên tục tìm cách tháo dỡ.

"Ở Việt Nam, mỗi làng đều có đình, có miếu mạo; ở vùng cao, buôn làng nào cũng có nhà rông; còn làng có đạo thì có nơi thờ phượng. Tại Đắc Tô trước năm 1975, các buôn làng có đạo đều có nhà thờ, nhà nguyện. Những nơi thờ tự này, chiến tranh đã tàn phá hết trừ ở Thị xã Kontum", văn bản nói và cho biết trong hơn 30 năm sau 1975, giáo dân ở khu vực này đã phải đi bộ có khi hàng trăm cây số để đến nơi có nhà thờ để cử hành các nghi thức tôn giáo. Chính quyền chỉ bắt đầu "cởi mở", cho phép một số ít Linh mục tới đây để dâng lễ.

"Trước nhu cầu tôn giáo quá lớn, xin phép nhiều lần không được đáp ứng, thì giáo dân chẳng còn cách nào hơn là 'làm chui'", văn bản nói thêm.

Giáo mục Hoàng Đức Oanh trong văn bản đề nghị giải quyết những vướng mắc trên một cách "hài hòa, có tình có lý". Trong đó, ông nói "Trước hết, Luật pháp là phải công bằng" và "Quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, phải được tôn trọng. Mọi người phải chấp hành, nhất là các cán bộ chính quyền phải làm gương!".

Ông cũng đề nghị chính quyền "chấm dứt chế độ xin-cho và tham nhũng", nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo dân phải 'làm chui' và sự tồn tại của những "túp-lều-thờ-tạm" trong giáo phận.

Giáo phận Kontum cũng là nơi đã xảy ra vụ sát hại Linh mục Trần Ngọc Thanh vào đầu năm 2022 gây chấn động dư luận.

Cùng với các khu vực như Nghệ An, Phú Yên, Đắc Lắc…, Kontum được xem là "điểm nóng" liên tục xảy ra những vụ trấn áp tôn giáo, không chỉ riêng Công giáo, mà còn đối với các nhóm tôn giáo Tin Lành, Phật giáo… do các hoạt động về tôn giáo, truyền giáo phát triển khá mạnh.


"Họ thấy rằng đây là một mối lo cho chế độ, thành ra nó có chính sách ngầm bên trong để ngăn cản sự phát triển của tôn giáo", Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói thêm.


Nhân Bản Tin, CSVN Đàn Áp Tôn Giáo. Nhắc Nhở Người Công Giáo: Ngày 26 Tháng 3, Chúa Nhật Thứ V Mùa Chay!


*Mùa Chay là thời gian thuận lợi nhất cho việc canh tân đạo đức, ở phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn, hầu dẫn đưa chúng ta đến mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh.


Phúc Âm:

-Khi ấy, hai chị em của Ladarô sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt”. Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển”.

Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: “Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa”.

Đến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

Người xúc động và hỏi: “Đã an táng Ladarô ở đâu?” Họ thưa: “Thưa Thầy, xin đến mà xem”. Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: “Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!” Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: “Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?” Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ.

Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: “Hãy đẩy tảng đá ra”. Martha là chị người chết, thưa: “Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày”. Chúa Giêsu lại nói: “Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con. Nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con”. Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: “Ladarô! Hãy ra đây!” Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: “Hãy cởi ra cho anh ấy đi”.

Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.

Đó là lời Chúa.

Xét Mình Mùa Chay:

*Tôi có biết tính kiêu ngạo, khinh ngưới, làm cho tâm hồn tôi nguội lạnh, khô khan, buồn chán, sống mà như chết không? Đó là hành động từ chối Chúa! Mùa chay này, có phải là cơ hội cho tôi rời bỏ tính kiêu căng, để tôi trở về với Chúa, tìm hạnh phúc với gia đình, với vợ con, bạn bè và tha nhân.

*Chúa luôn chống lại kẻ kiêu ngạo, và chỉ ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Mọi tai họa, đều do lòng kiêu ngạo mà ra! (CSVN phải đọc dòng này)

*Tôi có biết, khi tôi tìm được Chúa, là tôi tìm được sự bình an, hạnh phúc với Ngài không? Cả đời này, lẫn đời sau.


Tháng 4 Này, Dân Số Việt Nam Chính Thức Đạt 100 Triệu: Đối Mặt Với Nhiều Thách Thức, Khó Khăn Trước Mắt!


(Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 31/12/2022.)

-Việt Nam sắp chào đón công dân thứ 100 triệu ra đời vào tháng tới. Việc chào đón công dân này theo Thông tấn xã Việt Nam, sẽ được nhà nước tiến hành cùng với một chiến dịch quảng bá cho việc tăng dân số và phát triển kinh tế.

Tính đến tháng tư năm 2022, theo số liệu từ Tổng điều tra dân số và nhà ở cùng năm, dân số Việt Nam là 99,2 triệu và Việt Nam hiện là nước đông dân thứ 15 trên thế giới và là nước đông dân thứ ba ở Đông Nam Á.

Vấn đề dân số tăng sẽ đặt ra cho Việt Nam những cơ hội và thách thức gì? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nhận định với RFA về vấn đề này hôm 24/3:

“Việc dân số Việt Nam tăng lên đến 100 triệu vừa đem lại cơ hội là có thêm lao động, nhưng cũng đem lại thách thức rất lớn. Bởi vì diện tích nông nghiệp không tăng lên, mà dân số thì tăng lên hơn gấp đôi từ năm 1975 cho đến nay. Cho nên nông nghiệp cần phải hết sức nỗ lực để bảo đảm an ninh lương thực. Ngoài ra cũng phải cải thiện trình độ giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay ưu thế về lao động giá rẻ ngày càng giảm sút, bởi cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi những nguồn nhân lực được đào tạo tốt. Cho nên những lao động giản đơn được trả lương thấp sẽ mất dần ưu thế. Đấy là các thách thức mà dân số tăng lên ở Việt Nam cần phải xử lý.”

Việc dân số Việt Nam vượt qua con số 100 triệu đem lại nhiều thách thức cho đất nước. Thách thức lớn nhất là việc chính phủ phải tạo ra nhiều công việc mới có chất lượng.

-TS. Nguyễn Huy Vũ

Đặc biệt ông Doanh nhấn mạnh vấn đề dân số tăng lên không đồng đều ở Việt Nam, dân số tăng lên ở các thành thị, trong khi đó vùng núi và vùng cao dân số tăng chậm hơn rất nhiều... đó là một thách thức cần giải quyết. Ông Doanh nói tiếp:

“Việt Nam có cải thiện về tăng trưởng kinh tế sau đổi mới, hiện nay Việt Nam đã hội nhập rất sâu vào kinh tế khu vực và kinh tế thế giới, ký kết 17 hiệp định thương mại tự do và hiện nay có quan hệ thương mại với 159 nền kinh tế trên thế giới. Thế nhưng việc tăng dân số cần phải được kiểm soát một cách hợp lý. Chúng ta thấy chính sách kiểm soát dân số quá ngặt nghèo của Trung Quốc cũng không đem lại mọi ưu điểm, hiện nay cũng gây ra các thách thức. Mặt khác để dân số tăng quá nhanh như Ấn Độ để trở thành một nền kinh tế có có dân số cao nhất thế giới, cũng là một thách thức cho nền kinh tế Ấn Độ.”

Cho nên theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, phải chọn một mức tăng trưởng dân số vừa phải, để phù hợp với sự phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội, bảo đảm hạnh phúc của người dân và chất lượng của lao động... đó là một thách thức không nhỏ đối với nhà nước Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này hôm 24/3, nói:

“Nếu dân số đông lên thì sẽ cần rất nhiều chính sách xã hội để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Tôi nghĩ cần nỗ lực rất lớn từ phía chính phủ. Trong thời gian qua những chính sách an sinh xã hội của Việt Nam cũng đã có những cải tiến đáng kể so với trước đây, tuy nhiên nếu để một đất nước phát triển lên, sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Vì nếu nền kinh tế không vượt lên được, thì khả năng để đáp ứng được những nhu cầu về an sinh xã hội sẽ khó khăn hơn. Nói bình thường, một nhà đông con thì điều kiện để nuôi dạy, nếu kinh tế eo hẹp sẽ khó khăn hơn một nhà ít con. Cho nên nếu dân số đông mà chính sách về giáo dục, đào tạo nghề không có những bước tiến đáng kể, thì tôi thấy đó là một điều e ngại.”

Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, thời gian gần đây rõ ràng giáo dục đào tạo có rất là nhiều vấn đề. Nếu như hiện nay giáo dục đã là một điểm yếu, mà dân số lại còn tăng lên, thì gánh nặng lại tăng lên. Bà Hương cho rằng, khả năng để mà nhà nước đáp ứng được, cũng là một điều bà cảm thấy lo lắng.

Việc dân số Việt Nam tăng lên đến 100 triệu vừa đem lại cơ hội là có thêm lao động, nhưng cũng đem lại thách thức rất lớn.

-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Dân số Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1975, khi đó dân số Việt Nam là 46,97 triệu người. Nền kinh tế của Việt Nam đã chuyển đổi như thế nào trong thời gian từ lúc đó đến nay? Liệu sự phát triển kinh tế có đủ đáp ứng cho quy mô dân số hiện tại?

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 24/3 cho rằng, việc dân số Việt Nam vượt qua con số 100 triệu đem lại nhiều thách thức cho đất nước. Thách thức lớn nhất là việc chính phủ phải tạo ra nhiều công việc mới có chất lượng. Điều này theo Tiến sĩ Vũ tùy thuộc vào khả năng điều hành kinh tế của chính phủ. Ông Vũ nói tiếp:

“Kể từ năm 1975, chính sách kinh tế Việt Nam có thể chia ra làm ba giai đoạn.

Giai đoạn từ 1975 đến 1986 là giai đoạn thực thi chính sách kinh tế kiểu xã hội chủ nghĩa. Giai đoạn từ 1986 đến giữa thập niên 1990s thực thi chính sách mở cửa trong nước và thay thế nhập khẩu. Giai đoạn sau đó cho đến nay là giai đoạn mở cửa ra bên ngoài, thực hiện nền kinh tế mở và hướng đến xuất khẩu.

Bằng cách dần dần cởi trói và mở cửa, nền kinh tế có một số thành tựu. Hiện tượng đói nghèo tràn lan đã không còn nữa. Ngày nay chuyện đói ăn chỉ còn ở những làng bản xa xôi.”

Từ năm 1986 nhà cầm quyền Hà Nội tiến hành chính sách mở cửa kinh tế. Họat động này đã đem lại những thay đổi đáng kể cho quốc gia này. Cũng theo số liệu từ Tổng điều tra dân số và nhà ở, dân số Việt Nam năm 1986 là 61,22 triệu người. GDP khi đó đạt 26,34 tỷ USD.

Khi dân số Việt Nam tiến gần con số 100 triệu người, vào năm 2022 GDP của Việt Nam đạt 409 tỷ USD, là một thành tựu đáng kể của Việt Nam. Tuy vậy theo ông Vũ, cho đến nay tốc độ phát triển bắt đầu chậm lại, trong khi thu nhập của người dân chưa đủ cao để đảm bảo một đời sống sung túc. Việc kiếm được một công việc để đảm bảo một cuộc sống tốt là chuyện không phải dễ, nếu không muốn nói là rất khó với nhiều người. Tiến sĩ Vũ cho biết thêm:

“Thách thức thứ hai đó là cơ sở hạ tầng. Việc tăng dân số tạo ra một áp lực lớn lên nhu cầu xây dựng mới đường xá, nhà cửa, bệnh viện, trường học v.v. Cho đến nay đây là những vấn đề mà chính phủ hiện nay đang bế tắc và vẫn chưa tìm ra giải pháp.

Thách thức thứ ba đó là tình trạng dân số già nhanh. Điều này đòi hỏi việc chính phủ phải xây dựng một hệ thống phúc lợi, an sinh xã hội để đảm bảo người già được chăm sóc. Một hệ thống như vậy hiện nay vẫn còn ở dạng rất sơ khai và chưa đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội.”

“Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Khoảng thời gian mà tỷ trọng người già tăng từ 7% lên 14%, được dự báo kéo dài trong hai thập kỷ 2015 đến 2035.” Đó là thông tin có trong báo cáo quốc gia ‘Việt Nam một xã hội đang già hóa’... được công bố hôm 15/4/2021.


Gia Nã Ðại Tố Cáo Chính Phủ Việt Nam Vi Phạm Quy Định Về Lao Động của CPTPP!


(Hình: Tổng hợp các vụ công nhân đình công dịp Tết Nguyên đán 2022.)

-Chính phủ Gia Nã Ðại đồng ý xét đơn tố cáo Chính phủ Việt Nam vi phạm Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc và Chương 19 (Lao động) của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trên trang web của mình, Chính phủ Gia Nã Ðại cho biết Ottawa đưa ra quyết định trên sau khi nhận được một bản đệ trình dưới dạng "Thông tin Công cộng" theo Chương 19 (Lao động) của Hiệp định CPTPP vào ngày 15/3/2023 vừa qua.

Bản đệ trình này là của Liên hội Người Việt Gia Nã Ðại (VCF) với sự trợ giúp của các hiệp hội thành viên VCF tại Gia Nã Ðại, Cộng đồng Người Việt tại Nam Úc, và Cộng đồng Người Việt Tỵ nạn Chính trị tại Âu Châu có trụ sở tại Pháp.

Theo đó, bản đệ trình cáo buộc rằng Bộ luật Lao động của Việt Nam không tuân thủ các nghĩa vụ trong Chương 19 (Lao động) của CPTPP liên quan đến "quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể" theo Tuyên bố năm 1998 của ILO về Các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc.

Trong đệ trình, VCF đề nghị Văn phòng Hành chánh Quốc gia Gia Nã Ðại (NAO) thuộc Bộ Lao động và Phát triển Xã hội Gia Nã Ðại thực hiện một số hành động, bao gồm cả việc xem xét việc Việt Nam tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của Chương 19 của CPTPP.

Chính phủ Gia Nã Ðại cho biết NAO sẽ kiểm tra nội dung bản đệ trình và báo cáo về các vấn đề được nêu ra trong vòng 180 ngày kể từ ngày nội dung "Thông tin Công cộng" được chấp nhận để xem xét hoặc ngày gửi bất kỳ nội dung bổ sung nào.

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã gọi điện cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về quyết định trên của Chính phủ Gia Nã Ðại, nhưng không ai nghe máy. Chúng tôi có gửi email cho cơ quan này nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trong thông cáo báo chí công bố cùng ngày 21/3, VCF cho rằng Nhà nước Việt Nam không chấp nhận bất kỳ quyền tự do nào, kể cả quyền tự do lập hội, và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức công đoàn duy nhất được phép hoạt động hợp pháp lại do nhà nước điều hành và kiểm soát. Điều này vi phạm trắng trợn quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể theo Tuyên bố của ILO, hạn chế khả năng của người lao động trong việc thành lập các công đoàn độc lập và đàm phán với người sử dụng lao động theo các điều khoản của riêng họ.

VCF cho rằng việc cải thiện quyền tự do lập hội của người lao động Việt Nam chắc chắn sẽ nâng cao mức sống của họ, tuy nhiên, những người lao động có ý định thành lập tổ chức công đoàn độc lập có thể bị trả thù, bao gồm sa thải hoặc quấy rối.

VCF cũng cho rằng khi một quốc gia trong CPTPP không tôn trọng quyền lao động có thể tác động tiêu cực đến sân chơi bình đẳng trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia thành viên của Hiệp định.

Lấy minh chứng về việc Việt Nam tăng xuất cảng sang Gia Nã Ðại và giảm nhập cảng từ quốc gia này sau khi tham dự CPTPP năm 2019, VCF cho rằng Việt Nam hưởng lợi nhiều từ Hiệp định trên, tuy nhiên, Việt Nam lại không không đưa Luật Lao động và thông lệ của mình tuân thủ các nghĩa vụ của Chương Lao động của Hiệp định.

CPTPP là Hiệp định thương mại tự do giữa 11 quốc gia, trong đó Gia Nã Ðại tham gia từ năm 2018 và Việt Nam tham gia 1 năm sau đó. Đây là Hiệp định thay thế Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump rút ra khỏi Hiệp định này.


Tù Nhân Lương Tâm Đặng Đình Bách Kêu Gọi Nhà Nước CSVN Chấm Dứt Đàn Áp Xã Hội Dân Sự


(Hình: Nhà hoạt động Đặng Đình Bách trước khi bị bắt giữ.)

-Nhà hoạt động Đặng Đình Bách, người đang thụ án tù 5 năm ở Trại giam số 6 kêu gọi Nhà nước Cộng sản Việt Nam chấm dứt đàn áp xã hội dân sự và những người hoạt động, đồng thời bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong buổi thăm gặp tại trại giam ở Nghệ An vào ngày 17/3/2023, bà Trần Thị Thảo được chồng chuyển lời kêu gọi tới ban lãnh đạo Cộng sản Việt Nam hiện nay.

Bà đọc lại thông điệp của ông Đặng Đình Bách:

"Tôi khẩn thiết yêu cầu Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam cân nhắc lại việc coi các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động xã hội là mối đe dọa an ninh chính trị để từ đó dừng việc bắt bớ vô cớ và khép tội oan sai.

Đồng thời bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững một cách thực chất và có trách nhiệm, bao gồm và không giới hạn về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, và quyền con người".

Cũng trong buổi gặp này, người từng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) thông báo về kế hoạch tuyệt thực của mình từ ngày 24/6, là dịp kỷ niệm 2 năm ngày ông bị bắt.

Ông tuyên bố sẽ nhịn ăn đến chết để đòi được trả tự do vô điều kiện vì ông cho rằng bản thân bị kết tội "trốn thuế" một cách oan ức trong một vụ án chính trị. Kể từ ngày 17/3 tới thời điểm tuyệt thực, ông sẽ giảm ăn, chỉ ăn một bữa tối thay vì 3 bữa mà trại giam cung cấp.

Ông Bách bị bắt ngày 24/6/2021 với cáo buộc "trốn thuế" liên quan đến các khoản tài trợ cho các dự án thực hiện bởi LPSD. Trong phiên tòa vào cuối tháng 1 năm 2022, ông bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án 5 năm tù giam và nộp phạt khoảng 1,3 tỉ đồng mà tòa xác định là số tiền trốn thuế.

Bà Thảo cũng cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã phong toả tài khoản ngân hàng của cá nhân ông Bách, và đe dọa sẽ tịch thu căn nhà của hai vợ chồng để bán đấu giá lấy tiền trừ vào khoản nộp phạt trên. Đây là nơi cư trú duy nhất của bà và con nhỏ gần 2 tuổi.

Phóng viên gọi điện thoại cho Cục Thi hành án Dân sự Hà Nội để xác minh sự việc, tuy nhiên nhân viên trực máy yêu cầu đến làm việc trực tiếp và không cung cấp thông tin qua điện thoại.

Ông Bách là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA. Mạng lưới này bao gồm bảy tổ chức xã hội dân sự và hình thành vào tháng 11 năm 2020. Mục đích của Mạng lưới VNGO-EVFTA được cho biết nhằm phổ biến thông tin về Hiệp định Mậu dịch Tự do Liên Hiệp Âu Châu-Việt Nam (EVFTA), sự hình thành các xã hội dân sự Việt Nam, và Ban Tư vấn trong nước (DAG).

DAG được thiết lập theo quy định tại Chương Mậu dịch và Phát triển Bền vững của EVFTA.

Một thành viên khác của VNGO-EVFTA là nhà báo Mai Phan Lợi cũng bị kết tội "trốn thuế" và bị kết án 45 tháng tù vào tháng 1 năm 2022.

Một số chính phủ dân chủ và nhiều tổ chức quốc tế đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho hai ông Bách và Lợi.

Nhà Báo Tự Do Lê Mạnh Hà Rút Đơn Kháng Cáo Bản Án Sơ thẩm

Trong khi đó, nhà báo tự do Lê Mạnh Hà, người bị kết án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 117 vì các hoạt động trực tuyến, đã rút đơn kháng cáo và bị chuyển đi thi hành án tại Trại giam Nam Hà (tỉnh Hà Nam) từ ngày 7/3.

Ông Hà (53 tuổi) bị bắt ngày 10/1/2022 cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". Ông bị kết án bởi Tòa án Nhân dân tỉnh Tuyên Quang trong phiên tòa vào cuối tháng 10 năm 2022.

Ngay sau phiên tòa, ông có kháng cáo vì cho rằng mình vô tội và chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, gần đây ông thay đổi ý định, vì cho rằng khó có khả năng thay đổi bản án với nền Tư pháp không độc lập hiện nay.

Bà Ma Thị Thơ, vợ của ông Hà, cho biết RFA trong ngày 23/3:

"Anh ấy không tin là mình sẽ được giảm án cho nên là anh ấy rút đơn (kháng cáo - PV) để xin đi cải tạo sớm".

Ông Hà sở hữu kênh YouTube Tiếng Dân TV Lê Hà và tài khoản Facebook có tên là "Tiếng dân TV - Tiếng nói người dân Việt" chuyên tư vấn pháp lý cho người dân bị mất đất trong việc đòi quyền lợi chính đáng của họ và đưa tin về dân oan khắp cả nước.

Cáo trạng nói ông làm 21 video clip và 13 bài viết có nội dung "tuyên truyền chống nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam" đăng tải trên 2 trang Facebook "Dân oan và Nhà báo" và "Dân oan Thuỷ điện", và kênh YouTube "Tiếng Dân TV Lê Hà".


Ra Vẻ Oan Ức! Việt Nam 'Lấy Làm Tiếc' Vì Báo Cáo Nhân Quyền 2022 của Mỹ 'Thiếu Khách Quan'


(Hình: Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - Phạm Thu Hằng.)

-Hôm 23/3/2023, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên án báo cáo nhân quyền 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói rằng phía Mỹ đưa ra nhận định "thiếu khách quan" về tình hình Việt Nam, nhưng Hà Nội nói thêm rằng Việt Nam "sẵn sàng trao đổi thêm".

Truyền thông nhà nước dẫn lời Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói tại cuộc họp báo ngày 23/3: "Việt Nam lấy làm tiếc vì báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam".

Vẫn như những lần trước, bà Hằng nói rằng việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là "chính sách nhất quán" của Việt Nam, nói rằng "các quyền tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cũng như khai triển trong thực tiễn".

Bà Hằng nói thêm: "Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn và cởi mở trên tinh thần xây dựng với Mỹ về những vấn đề còn khác biệt để tăng cường hiểu biết, cũng như đóng góp vào phát triển quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước".

Như VOA đã đưa tin, hôm 20/3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022, trong đó ghi nhận hàng loạt các vi phạm, từ việc cho rằng có ít nhất vụ 6 người tử vong trong khi bị giam giữ, nhưng nhà chức trách cho rằng những cái chết này là do "tự tử hoặc do các vấn đề sức khỏe", đến việc "bắt bớ và giam giữ tùy tiện" những người thực thi các quyền được quốc tế công nhận, chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội.

Giới hoạt động cho nhân quyền Việt Nam đồng tình với báo cáo của phía Mỹ, cho rằng chính quyền Việt Nam "vi phạm nhân quyền ngày càng nghiêm trọng".

Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân ở Hà Nội viết cho VOA hôm 20/3: "Các tiếng nói đối lập vẫn bị bóp nghẹt và không gian xã hội dân sự đang bị co lại rất lớn so với giai đoạn 2010-2018".

Luật sư Quân ghi nhận một xu hướng đáng quan ngại gần đây: "Nhà nước đã mạnh tay hơn trên tất cả các khía cạnh, từ việc bắt giữ những tiếng nói ôn hòa hơn và tuyên án với mức án cao hơn đến việc giải tán các tổ chức xã hội dân sự độc lập tự phát và bắt giữ các thành viên chủ chốt của các tổ chức được thành lập chính thức bằng các điều khoản mơ hồ như "Trốn thuế" hay "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ".

Một nhà hoạt động có tên nêu trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan điểm với VOA hôm 23/3 rằng Việt Nam nên cho những ai có tên trong báo cáo này được đối chứng trên báo chí Việt Nam.

"Tại sao chính quyền Việt Nam không cho phép những người có tên trong danh sách bị đàn áp nhân quyền trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ được lên tiếng trên báo chí chính thống trong nước?", nhà hoạt động này bày tỏ sự bất bình.

Người này tiếp tục đặt vấn đề: "Tại sao chính quyền Việt Nam vẫn kiểm soát chặt chẽ báo chí, nói thẳng là bịt miệng, và dùng những điều luật mơ hồ như điều 331 Bộ luật Hình sự, để bắt bớ những người có ý kiến khác với đảng Cộng sản? Nếu thông tin chỉ được đưa ra từ phía chính quyền thì đâu thể bảo đảm thông tin đó khách quan và công bằng?".


Việt Nam Kiểm Duyệt Câu Chuyện Tị Nạn của Ke Huy Quan: 'Đó Là Vết Đen Trong Lịch Sử!'


(Hình: Câu chuyện tị nạn của Ke Huy Quan được Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn vinh danh nhưng không được Việt Nam nhắc tới sau khi nam diễn viên sinh ra ở Việt Nam giành tượng vàng Oscar.)

-Câu chuyện thành công của Ke Huy Quan từ "một chiếc thuyền" đến "sân khấu lớn nhất của Hollywood" đã truyền cảm hứng cho nhiều người và được Liên Hiệp Quốc nhắc tới như là một câu chuyện tiêu biểu của người tị nạn.

Cao ủy Tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đã chúc mừng Ke Huy Quan ngay sau khi diễn viên được sinh ra ở Việt Nam và tới Mỹ tị nạn đoạt giải Oscar của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ cho vai diễn phụ xuất sắc nhất trong bộ phim "Everything Everywhere All at Once" hôm 12/3.

Tổ chức này đăng tải hình ảnh Ke Huy Quan cầm tượng vàng Oscar và trích dẫn câu nói của anh khi nhận giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh: "Hành trình của tôi bắt đầu trên một chiếc thuyền. Tôi đã ở trại tị nạn 1 năm và không biết thế nào tôi lại đến được đây đứng trên sân khấu lớn nhất của Hollywood".

Kèm với lời chúc mừng và hình ảnh cùng câu chuyện tị nạn của Ke Huy Quan, tổ chức của Liên Hiệp Quốc nói rằng "với hơn 100 triệu người bị buộc phải rời khỏi nhà cửa của mình trên toàn thế giới, ông là một ví dụ tỏa sáng cho những gì mà những người tị nạn và những người bị buộc phải di tản có thể đạt được khi có cơ hội".

Hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng khi vượt biển sau chiến tranh Việt Nam trong cuộc khủng hoảng "thuyền nhân" được cho là lớn nhất trong lịch sử. Có khoảng 800.000 người tị nạn Việt Nam vượt biển bằng thuyền trong thời gian từ 1975 đến 1995 đến được một nước khác an toàn. Mỹ tiếp nhận hơn 400.000 thuyền nhân Việt Nam sau chiến tranh, trong đó có gia đình Ke Huy Quan.

Bà Tana Thai Ha, từng là một thuyền nhân sau chiến tranh Việt Nam và hiện sinh sống ở Montreal, Gia Nã Ðại, nói rằng bà "rất hãnh diện" về "câu chuyện một cậu bé vượt biên tị nạn thành công trên xứ Mỹ tạo một tấm gương sáng, nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ". Bà Tana cho biết bà "đã trải qua một chuyến đi chết đi sống lại" khi vượt biển sau chiến tranh Việt Nam nên bà "rất trân trọng cuộc sống và tất cả những thành tựu của từng thuyền nhân đã tạo dựng được nơi xứ người".

Câu chuyện của Ke Huy Quan cũng khiến một người Việt từng là thuyền nhân giờ đang sinh sống ở Úc Ðại Lợi tự hào.

Anh Tuan Le, sống ở thành phố Brisbane, nói rằng Ke Huy Quan "là người đầu tiên" đã làm anh "hãnh diện với câu nói đi vào lịch sử Hollywood".

"Anh (Ke Huy Quan) đã làm rạng danh hàng triệu người mang thân phận Boat People (thuyền nhân) với lời phát biểu của anh. Anh đã đem lại niềm vui, hãnh (diện) cho hàng trăm ngàn người kém may mắn khi cánh cửa tự do khép lại. Anh đã không quên bản thân là Thuyền nhân (Started on a boat), anh đã không giấu thân phận là người tỵ nạn (spent a year in a refugee camp)", anh Tuan Le viết trong đăng tải trên trang Facebook cá nhân.

'Lịch Sử Tang Thương'

Ngay sau khi Ke Huy Quan nhận giải thưởng Oscar, truyền thông Việt Nam đồng loạt gọi diễn viên này là người "gốc Việt". Nhưng cùng lúc đó, các trang mạng xã hội thân chính phủ lại chỉ trích việc diễn viên này tự hào về "cuộc hành trình trên những chiếc thuyền vượt biên" đến nước Mỹ và thành công ở Hollywood.

Một đăng tải trên trang Facebook có tên "Quân đội Nhân dân Việt Nam" hôm 12/3 viết rằng "Quan Kế Huy có bố là người gốc Hoa, mẹ là người Hong Kong, điều duy nhất mà ông này dính đến Việt Nam là ông này sinh ở Việt Nam năm 1971 – dưới chế độ ngụy quyền".

Đăng tải này kết luận rằng: "Báo chí cách mạng thì nên biết chọn lọc, đừng nên cái gì cũng vơ vào rồi cứ thấy 'gốc Việt' là nở mũi".

Đăng tải kể trên được các trang mạng xã hội khác, được cho là thuộc Lực lượng 47 "vừa hồng vừa chuyên" của Bộ Quốc phòng Việt Nam chuyên đả kích các thông tin mà chính phủ cho là "sai lệch" trên mạng, đăng lại và được các "dư luận viên" chia sẻ cũng như viết ý kiến đồng tình trên Facebook.

Ngày hôm sau, nhiều trang tin của báo chí chính thống do nhà nước Việt Nam kiểm soát, đã thay đổi các tựa và bài viết của họ về Ke Huy Qua từ "gốc Việt" sang "gốc Á" và không nhắc tới việc diễn viên này nói về quá khứ thuyền nhân và tị nạn sau chiến tranh Việt Nam trong bài phát biểu khi nhận giải. Các bài viết này chỉ đề cập ngắn gọn việc Ke Huy Quan sinh ra tại Sài Gòn, có bố mẹ là người gốc Hoa và theo gia đình sang Mỹ năm 7 tuổi.

"Vì đó là một vết đen trong lịch sử", anh Bùi Sơn, một Kỹ sư sinh sống ở Hà Nội nói khi giải thích lý do vì sao chính phủ Việt Nam không muốn nhắc tới quãng lịch sử sau năm 1975 khi nhiều người vượt biên "bỏ xứ mà đi" trong khi những người từng làm việc cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bị đi cải tạo trong điều kiện sống khắc nghiệt ở trại giam, nhiều trong số đó bỏ mạng.

Ke Huy Quan sinh ra ở Việt Nam năm 1971 trong một gia đình gốc Hoa làm ăn sinh sống ở khu Chợ Lớn của Sài Gòn lúc đó. Tuy nhiên, gia đình anh phải rời Việt Nam năm 1978 trong bối cảnh chính quyền Cộng sản Việt Nam lúc đó thực hiện chính sách "nạn kiều" khiến khoảng 30.000 doanh nghiệp lớn nhỏ của người gốc Hoa bị quốc hữu hóa nhằm giành lại sự kiểm soát nền kinh tế từ hàng triệu người gốc Hoa. Gia đình anh sống trong một trại tị nạn ở Hong Kong 1 năm trước khi tới Mỹ năm 1979.

Nhưng nhiều người Việt đã không may mắn đến được bến bờ an toàn như gia đình Ke Huy Quan sau hành trình vượt biển. Theo UNHCR, ước tính có khoảng 200.000 đến 400.000 thuyền nhân mất mạng trên biển vì hải tặc, chìm thuyền hoặc bão tố.

Còn theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, cũng từng là một thuyền nhân và hiện đang là Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Y tế thuộc Đại học Kỹ thuật Sydney ở Úc Ðại Lợi, câu chuyện thuyền nhân tị nạn vào thập niên 1970 và 1980 "là một chương sử lớn và tang thương của dân tộc" Việt Nam. Trong một đăng tải với tựa đề "'Tị nạn' là kị húy?", vị Giáo sư của Đại học New South Wales này thắc mắc "tại sao báo chí Việt Nam khi viết về hai diễn viên Quan Kế Huy và Hồng Châu đều không đề cập đến nguồn gốc 'tị nạn' của họ. Có báo sửa tài tử Quan Kế Huy từ 'gốc Việt' thành 'gốc Á' hay 'gốc Hoa'".

Hong Chau cũng là một diễn viên gốc Việt được đề cử cho giải Oscar năm nay cho vai nữ phụ xuất sắc nhất nhưng không đoạt giải. Nữ diễn viên này được sinh ra trong một trại tị nạn ở Thái Lan trước khi cùng gia đình tới Mỹ nhờ sự bảo trợ của một Nhà thờ Công giáo ở New Orleans.

'Hòa Hợp, Hòa Giải'

Theo anh Sơn cho biết, nhiều người dân Việt Nam không biết về câu chuyện của những người vượt biên đi tị nạn sau chiến tranh vì báo chí và sách giáo khoa không nhắc tới.

"Lịch sử dù màu hồng hay màu đen thì cũng phải cho thế hệ trẻ biết", anh Sơn nói.

Chính phủ Việt Nam gần đây kêu chính phủ Nam Hàn "tôn trọng sự thật lịch sử khách quan" khi nước này kháng cáo yêu cầu bồi thường cho nạn nhân bị thảm sát ở Việt Nam dưới tay binh lính Nam Hàn trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Trước đó, Việt Nam cũng kêu gọi các nhà làm phim Nam Hàn tôn trọng lịch sử khi ra mắt bộ phim "Little Women" mà chính quyền Hà Nội nói là "xuyên tạc cuộc chiến chống Mỹ" của họ.

"Tôi thiết nghĩ nếu mình kêu gọi người ngoài tôn trọng lịch sử thì mình trước tiên hãy tôn trọng lịch sử của nước mình", Giáo sư Tuấn nói.

Nhưng theo nhà nghiên cứu Lương Nguyễn An Điền thuộc chương trình Truyền thông, Kỹ thuật và Xã hội tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở ở Tân Gia Ba nhận định trong một bài viết trên Fulcrum, việc khơi dây ký ức chiến tranh vẫn là điều 'kỵ húy' ở Việt Nam.

Ông Điền, người từng là một nhà báo ở Việt Nam, còn cho rằng việc "thể hiện sự bất an" với những "đề cập nhỏ đến bóng ma chiến tranh" của chính quyền, như câu chuyện thuyền nhân tị nạn chiến tranh Việt Nam của Ke Huy Quan, có thể làm "suy yếu các nỗ lực hòa giải dân tộc" vốn nhằm để khuyến khích cộng đồng người Việt ở hải ngoại trở về và đóng góp cho quê hương đất nước.

Chính phủ Việt Nam vẫn luôn kêu gọi kiều bào ở ngoại quốc, nhất là ở Mỹ nơi họ mỗi năm gửi hơn 10 tỉ kiều hối về quê hương, về việc "hòa hợp, hòa giải" dân tộc và gọi họ là "khúc ruột ngàn dặm".

"Nếu không thừa nhận những gì đã xảy ra cũng như những sai lầm của mình thì không thể hòa giải thành công", anh Sơn nói khi đề cập tới việc Việt Nam không muốn nhắc tới hay đưa vào giảng dạy cho thế hệ trẻ về quãng lịch sử của thuyền nhân và người tị nạn Việt sau chiến tranh. Theo anh Sơn, thế hệ trẻ khi biết được những bài học lịch sử sẽ biết cách "hòa giải dân tộc".


HRW Cáo Buộc CSVN Dối Trá Khi Trả Lời Liên Hiệp Quốc Về Vụ Ông Đổng Quảng Bình Mất Tích!


(Hình: Ông Đổng Quảng Bình và tòa nhà ở Hà Nội nơi ông lánh nạn trước khi mất tích.)

-Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) cho rằng, chính phủ Việt Nam là bên biết rất rõ nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc - Đổng Quảng Bình ở đâu, tuy nhiên lại nói "không có thông tin gì" khi trả lời Liên Hiệp Quốc.

Ông Đổng Quảng Bình (Dong Guangping), năm nay 65 tuổi, bị chính quyền Trung Quốc bỏ tù 3 lần vì các hoạt động đòi hỏi nhân quyền và dân chủ ở trong nước, trong đó có việc vận động tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

Ông được cho là bị lực lượng an ninh Cộng sản Việt Nam bắt giữ vào cuối tháng 8/2022 sau gần 3 năm lánh nạn ở Hà Nội để chờ được định cư ở Gia Nã Ðại như một người tị nạn và đoàn tụ với gia đình ở đó.

Trong công văn đề ngày 15/3/2023 phản hồi chất vấn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) về ông Đổng Quảng Bình, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Geneva viết:

"Sau quá trình xác minh, cơ quan chức năng Việt Nam không có thông tin gì liên quan đến việc ông Đổng Quảng Bình có mặt tại Việt Nam".

Hà Nội cho rằng, ở quốc gia này không có việc "giam giữ tùy tiện" hay "mất tích cưỡng bức" và lặp lại lời khẳng định quen thuộc: "Ở Việt Nam, chỉ những người vi phạm pháp luật mới bị tạm giữ và truy tố theo thủ tục tố tụng được quy định trong các bộ luật; các quyền của họ được bảo đảm đầy đủ theo pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên".

HRW nói Chính phủ Việt Nam dối trá

Trong công văn chất vấn Chính phủ Việt Nam vào tháng 12 năm 2022, ba Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc cho biết, họ nhận được thông tin nói rằng ông Đổng Quảng Bình bị công an Cộng sản Việt Nam bắt giữ tùy tiện, lần cuối người ta thấy ông ở Hà Nội trong tình trạng bị còng tay và bịt mắt, bước vào một chiếc xe cảnh sát và bị áp giải bởi hơn một chục nhân viên an ninh CSVN.

Bình luận về phản hồi của Chính phủ Việt Nam, ông Phil Robertson - Phó Giám đốc Phân ban Á Châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong tin nhắn ngày 21/3:

"Trên thực tế, Việt Nam đã tham gia đàm phán với một số chính phủ khác về việc cho phép Đổng Quảng Bình rời khỏi đất nước và nhận được sự bảo hộ ở một nước thứ ba.

Vì vậy, tất cả những lời phủ nhận này của Cộng sản Việt Nam là những lời dối trá trắng trợn nhằm che đậy sự thật rằng chính quyền đã bắt giữ và đưa ông đi mất tích, có lẽ bằng cách đưa ông ta trở lại Trung Quốc, nơi ông ta sẽ phải đối mặt với sự đàn áp và trừng phạt hà khắc".

Theo ông Phil Robertson, bất chấp tinh thần chống chính phủ Trung Quốc của người dân Việt Nam "Đảng Cộng sản Việt Nam dường như không thể cưỡng lại việc thực hiện các thỏa thuận bí mật với nước láng giềng phương Bắc, thường vi phạm nhân quyền khi làm như vậy".

"Đã đến lúc Gia Nã Ðại phải có lập trường vững chắc về các vấn đề nhân quyền của Việt Nam"

Bà Sheng Xue, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng người Gia Nã Ðại và là Phó Chủ tịch Liên đoàn Dân chủ Trung Quốc, Tổng biên tập Tạp chí China Spring, lên án chính phủ Cộng sản Việt Nam thiếu trách nhiệm và minh bạch trong việc mất tích của ông Đổng Quảng Bình, một nhà hoạt động chính trị và là bạn thân của bà.

Theo Sheng Xue, ông Đổng đã được lên kế hoạch tái định cư ở Gia Nã Ðại cùng vợ và con gái vào tháng 11 năm 2015, nhưng đã bị cưỡng chế đưa về Trung Quốc từ một nhà tù Thái Lan. Sau đó, ông bị bỏ tù 4 năm ở Trung Quốc trước khi được trả tự do vào tháng 8/2019. Trong tháng 1/2020 ông đến Việt Nam, sau đó mất tích vào ngày 24/8/2022.

Trong email gửi cho RFA vào ngày 21/3, bà bày tỏ sự thất vọng sâu sắc với phản ứng của chính phủ Cộng sản Việt Nam đối với sự biến mất của người bạn thân của mình.

"Tôi vô cùng thất vọng về câu trả lời của Chính phủ Việt Nam. Phản hồi này lờ đi các bằng chứng.

Bảy tháng sau khi đưa Đổng Quảng Bình ra khỏi phòng trọ, Chính phủ Việt Nam nói họ không biết ông ta ở đâu. Chính phủ Việt Nam cần có thái độ trách nhiệm trước việc này".

Sheng Xue cho RFA biết một ngày sau khi ông mất tích, đích thân bà nhờ 3 người bạn tới tòa nhà mà ông tạm trú để hỏi thăm thì được chủ nhà và cư dân ở đó cho biết ông bị hơn một chục công an Cộng sản Việt Nam bắt đi.

Ông ta được cho là đã bị còng tay và trùm đầu bằng một chiếc mũ trùm đầu màu đen. Kể từ đó, không có thêm thông tin nào được cung cấp về nơi ở của ông Đổng.

Sheng Xue đã cung cấp thông tin cụ thể mà bà có được cho Bộ Ngoại giao Gia Nã Ðại và kêu gọi Gia Nã Ðại bảo vệ quyền lợi của Đổng Quảng Bình và có hành động chống lại cách giải quyết của Chính phủ Việt Nam trong trường hợp này.

Bà cho rằng phản ứng của Chính phủ Việt Nam là không thể chấp nhận được và Gia Nã Ðại phải nói rõ rằng hành động của Việt Nam sẽ phải chịu hậu quả.

Bà Sheng Xue nhấn mạnh rằng năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Gia Nã Ðại và Việt Nam, và đã đến lúc Gia Nã Ðại phải có lập trường vững chắc về các vấn đề nhân quyền.

Hội Toronto vì Dân chủ ở Trung Quốc (TADC), một tổ chức xã hội dân sự ở Gia Nã Ðại, cho biết nếu bị trả về Trung Quốc, ông Đổng Quảng Bình có thể sẽ phải đối mặt với việc bắt bớ tùy tiện, bỏ tù bất công, xét xử bất công, điều kiện nhà tù vô nhân đạo, tra tấn và ngược đãi.

Theo tổ chức Safeguard Defenders có trụ sở ở Tây Ban Nha, ông Đổng Quảng Bình là một trong 3 nhà hoạt động Trung Quốc bị chính quyền Cộng sản Việt Nam bắt giữ khi họ lánh nạn ở quốc gia này và trục xuất họ về nước trong vài năm gần đây.


Xin Hương Hồn 64 Liệt Sĩ Gạc Ma Về Vặn Cổ Một Số Những Thằng Này!
(Trần Mai)


(Hình: Lễ tưởng niệm 35 năm ngày 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh tại đảo Gạc Ma, ngày 13/3/2023 tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.)

-Năm nay, sự kiện Gạc Ma được nhà nước tổ chức tưởng niệm long trọng và tuyên truyền rầm rộ hết mức. Trong khoảng mấy chục năm nay, theo tôi biết, tổ chức long trọng như thế có lẽ là lần đầu tiên.

Với không ít người Việt Nam, Gạc Ma là cái tên lạ lẫm. Vì cho đến tận năm 2018, tức 30 năm sau sự kiện Gạc Ma, nó mới được những người chủ biên sách giáo khoa môn lịch sử dự kiến đưa vào chương trình học cho học sinh. Thông tin chính thống trên báo chí trước kia cũng không nhiều lắm. Sự trì hoãn khó hiểu này rõ ràng là nghịch chiều với quy mô long trọng của buổi lễ năm nay. Có lẽ do lần này là con số tròn 35 năm - theo truyền thống thì những năm tròn số luôn được tổ chức trang trọng hơn năm lẻ. Nhưng có lẽ cũng còn nhiều lý do khác.

Buổi lễ năm nay có sự tham gia của các vị nguyên là nguyên thủ quốc gia như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và toàn bộ các lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Kịch bản buổi lễ rất long trọng, bao gồm nhiều phần: thả hoa đăng tưởng niệm tại hồ nước tròn tượng trưng cho "Vòng tròn Gạc Ma" nơi 64 chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến không cân sức ngày 14/3/1988; dâng hương tại khu mộ gió, trao quà, trao học bổng, trao quà tặng thân nhân các chiến sĩ Gạc Ma, trồng 64 cây mai vàng và 64 cây kèn hồng trong Khu tưởng niệm. v.v

Xin Các Anh Bật Mồ Vùng Dậy!

Nhưng tôi nghĩ, nếu các chiến sĩ Gạc Ma linh thiêng, hoặc nếu gia đình của họ có theo dõi báo chí, hẳn các anh, các chú sẽ không thể an lòng mà nghỉ ngơi như lời khấn vái của các vị đại biểu. Mà chắc chắn họ sẽ bật mồ vùng dậy và lao vào bóp cổ đến chết những kẻ dám xưng danh là đồng đội của họ, hơn nữa, là những tướng lãnh chỉ huy cả một lực lượng quân đội được giao trọng trách bảo vệ biển nhưng đã nhẫn tâm đánh chén trên xương máu những người lính thuộc quyền mình.

Tôi đang nói đến vụ án các tướng lĩnh Cảnh sát Biển, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng các tỉnh, các vùng biển đã hè nhau tham ô, ăn hối lộ, bảo kê buôn lậu trên biển… vừa được xét xử Sơ thẩm cuối năm 2022 vừa qua.

Theo cáo trạng, vào năm 2019, Cục Kỹ thuật của Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển được phân bổ 150 tỉ đồng để tổ chức mua sắm tập trung vật tư thiết bị cung cấp cho các đơn vị. Ai ngờ chính người anh cả của lực lượng Cảnh sát Biển-Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Tư lệnh Cảnh sát Biển, đã nhắm vào số tiền này định ngoạm một miếng kha khá. Ông ta yêu cầu Cục trưởng Kỹ thuật phải rút 50 tỉ trong số này để "chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng".

Bị cấp dưới đáp rằng điều này chưa từng có tiền lệ và số tiền này rất lớn-chiếm đến 1/3 tổng số ngân sách được phân bổ cho yêu cầu kỹ thuật của toàn ngành - do vậy phải thống nhất trong thủ trưởng Bộ Tư lệnh thì mới thực hiện, vị anh cả đã thẳng tay chơi một trò kinh hoàng chưa từng thấy. Ông ta cắt toàn bộ nguồn kinh phí bảo quản, sửa chữa trang bị của 4 Vùng Cảnh sát Biển và phân bổ thêm 29 tỉ đồng cho Cục kỹ thuật để từ đó rút ruột 50 tỉ đồng.

Kinh phí bảo quản, sửa chữa trang bị của tất cả 4 vùng Cảnh sát Biển là gì?

Nói dễ hiểu, đó chính là máu của chiến sĩ Cảnh sát Biển.

Máu của Người Chiến Sĩ

Theo pháp luật, Cảnh sát Biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Mọi hoạt động của lực lượng Cảnh sát Biển đều liên quan đến phương tiện, tàu thuyền, vũ khí, trang bị kỹ thuật hoạt động với cường độ cao, dài ngày, trong điều kiện môi trường khắc nghiệt. Họ phải luôn luôn tuần tra, chiến đấu bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển như phát giác, bắt giữ, điều tra, giải quyết tội phạm hay những vi phạm pháp luật theo quy định, thực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm đánh bắt hải sản hợp pháp theo các công ước quốc tế đã ký kết….

Cụ thể, các phương tiện của họ là tàu thuyền, ca nô, xuồng cơ động, máy bay tuần thám, xe gắn máy, xe hơi, thiết bị bay không người lái, súng, pháo, các hệ thống báo cháy, dập lửa, phao cứu sinh trên các tàu, ra đa, các thiết bị kỹ thuật cao nhằm thông tin, trinh sát, chỉ thị mục tiêu, sử dụng trong chiến thuật tác chiến…

Tất cả những phương tiện, thiết bị của Cảnh sát Biển đều có tính chất đặc thù, đắt tiền và phải được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để bảo đảm vận hành thông suốt trong mọi tình huống. Đặc biệt trong môi trường ẩm ướt và muối mặn rất mau chóng làm hỏng hóc máy móc thì việc bảo quản, sửa chữa thiết bị kỹ thuật chính là để bảo đảm sinh mạng của chiến sĩ Cảnh sát Biển khi làm nhiệm vụ trên đại dương. Cũng là giữ vững chủ quyền của đất nước trên biển.

Dễ hiểu nhất, ví dụ như khi tuần tra mà gặp "tàu lạ" đầy đủ súng pháo và sẵn sàng va chạm, rượt đuổi ngư dân Việt Nam đang hoạt động hợp pháp trên biển thì Cảnh sát Biển phải bảo vệ dân mình, bảo vệ chủ quyền tổ quốc mình trên biển. Cách bảo vệ hữu hiệu nhất là tàu phải mạnh, nhanh hơn tàu địch, trang bị đầy đủ vũ khí tốt có đủ sức mạnh để đuổi những kẻ xâm phạm ra khỏi lãnh hải, hoặc chiến đấu trực diện khi cần.

Cứ hình dung các chiến sĩ đang căng thẳng rượt đuổi những kẻ xâm nhập vùng biển nhưng súng, pháo hư hỏng kẹt đạn, tàu cạn dầu, động cơ cháy vì quá tải và không được sửa chữa bảo dưỡng đúng hạn, máy bay tuần thám thiếu xăng để bay, ra đa hỏng… Nếu thế, không chóng thì chầy, những Gạc Ma khác chắc chắn sẽ tái diễn.

Sự kiện Gạc Ma được truyền thông Việt Nam gọi bằng nhiều danh xưng oai hùng như Vòng tròn bất tử, Khúc tráng ca bất tử… nhưng về bản chất, đó là một cuộc thảm sát, như nhiều nhà nghiên cứu đã gọi tên. Đó là cuộc thảm sát khủng khiếp giữa 64 chiến sĩ tay không trên biển và bè lũ tàu địch vũ khí súng đạn rụng rời.

Nếu tàu của ta đông và mạnh hơn, nếu các chiến sĩ được trang bị vũ khí đầy đủ, sẽ không có đến 64 người con, người cha, người chồng đứng đó làm bia sống cho kẻ thù nã đạn, và 35 năm sau, thi thể của họ tan hòa trong biển mà mãi mãi không về được với đất mẹ.

Xương máu của những người lính tiền tiêu. Đó chính là cái giá của những đồng tiền mà bảy vị tướng tá cao nhất của lực lượng Cảnh sát Biển đã thống nhất cướp lấy, gọn nhẹ chỉ trong một bữa ăn trưa. Dễ dàng, bình thản, quen tay như việc rủ nhau đi đánh một trận cầu lông.

Đó cũng là những buổi chơi golf "tháng tốn trăm triệu, có tháng 150 triệu, không nhớ hết" của cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Cảnh sát Biển vùng 4 Lê Văn Minh, "Biết có tiền đưa cho vợ mình nhưng không hỏi" của cựu Thiếu tướng cựu Tư lệnh Cảnh sát Biển vùng 3 Lê Xuân Thanh, những yêu sách đòi tiền của cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang - Nguyễn Thế Anh khi nhận bảo kê cho đường dây buôn lậu xăng dầu trên biển.


(Hình: Cựu Thiếu tướng - Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4 Lê Văn Minh (áo đen) tại phiên tòa hôm 12/7/2022.)

Những Loạt Đạn Bắn Từ Sau Lưng

Bảo kê là làm ngơ cho tất cả các chuyến tàu buôn lậu được tự do ra vào trong vùng biển mà chủ tàu đã "mua", không bị kiểm soát gì.

Nếu trong các chuyến tàu đó không chỉ là xăng dầu buôn lậu, mà còn có ít chục hộp kem đánh răng chứa ít viên Ketamine hay "bột trắng" như trong hành lý của bốn cô tiếp viên hàng không VNA trong chuyến bay từ Pháp về mấy ngày nay, hoặc vũ khí, súng ống, những hàng hóa hoặc con người không được kiểm soát khác… với vô số nguy cơ cho an ninh, trật tự xã hội Việt Nam….

Hậu quả sẽ không thể lường nổi.

Vì thế, phải gọi đúng tên, xác định đúng bản chất của sự việc tham nhũng, ăn hối lộ của những cựu tướng tá nói trên. Đó không chỉ là sự tham lam thông thường. Đó là sự phản bội tàn nhẫn, dã man không tả xiết. Sự phản bội này đau đớn hơn cả những loạt đạn bắn thẳng từ tàu Trung Quốc vào 64 chiến sĩ Gạc Ma, vì nó bắn vào lưng những người lính đang ở tuyến đầu, bắn ra từ hậu phương, từ chính những vị chỉ huy cao nhất của họ.

Báo chí Việt Nam khi tường thuật hai vụ án vô tiền khoáng hậu này đã tập trung vào những chi tiết gây phản ứng tức thời của người đọc như việc bàn bạc thống nhất chỉ trong một bữa ăn trưa của các tướng lĩnh; việc tướng Minh hỏi tiền bảo kê để làm nhà thờ họ, đi chơi golf, việc đại tá Thanh mới hôm trước tuyên bố "kêu oan suốt đời" thì hôm sau răm rắp nhận tội… Hành vi tham nhũng 50 tỉ đồng bằng cách cắt bỏ toàn bộ chi phí bảo quản, sửa chữa trang thiết bị kỹ thuật của tất cả bốn vùng Cảnh sát Biển chỉ được nhắc tới qua loa trong một bài báo, không được phân tích kỹ để người đọc nhận thức hết mức độ nguy hiểm của nó.

Cho dù long trọng đến mấy thì tháng Ba gắn với sự kiện Gạc Ma cũng sẽ mờ dần trong dòng chủ lưu thời sự hàng ngày. Và nếu gốc rễ của nạn tham nhũng ở Việt Nam vẫn chưa bị nhận đúng bản chất và đào trốc thì sự hy sinh của 64 chiến sĩ Gạc Ma và sự ca ngợi tôn vinh họ, cho dù đẹp đẽ đến mấy cũng sẽ chỉ khoét sâu vào nỗi đau xót và thương cảm tột cùng nhưng không tạo ra thay đổi nào. Thậm chí có nguy cơ lặp lại.


Tin Việt Nam Hôm Nay

Tàu Hộ Tống Pháp Prairial Sắp Thăm Cảng Hải Phòng Để Tăng Cường Hợp Tác Quốc Phòng Với Việt Nam

-Tàu hộ tống Pháp Prairial dự kiến thăm cảng Hải Phòng, Việt Nam, từ ngày 2 đến 6/4/2023 để khẳng định quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Sự kiện nằm chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp-Việt Nam được Ðại sứ Pháp tại Việt Nam, Nicolas Warnery, thông báo trong buổi họp báo ngày 14/3.

Đại sứ Nicolas Warnery nhấn mạnh rằng Pháp và Việt Nam có chung quan điểm về an ninh và quốc phòng ở Biển Đông:

"Tôi không nói dài về vấn đề này nhưng lĩnh vực quốc phòng và an ninh là một lĩnh vực chiến lược trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp và Việt Nam, hai nước chia sẻ cùng quan điểm về an ninh và quốc phòng ở Biển Đông và việc cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, luật biển ở Biển Đông. Mỗi lần chiến hạm Pháp ghé thăm hoặc đi qua khu vực này cũng góp phần củng cố và tái khẳng định quan điểm chung đó của hai nước.

Chương trình chuyến ghé thăm cảng đang trong quá trình được thảo luận nên tôi không cung cấp thông tin chi tiết. Nhưng đại dịch đã kết thúc nên chuyến ghé thăm lần này sẽ không khép kín như hai, ba lần trước, mà sẽ là chuyến ghé thăm truyền thống với các hoạt động giao lưu, thăm tàu dành cho công chúng theo kiểu lễ hội nhỏ quanh tàu như những lần trước khi có đại dịch".

Theo trang Le Petit Journal, trích thông tin từ Tòa Ðại sứ Pháp ở Cam Bốt, trước khi đến Việt Nam, tàu hộ tống Prairial ghé thăm cảng Sihanoukville từ ngày 24-28/3 để thắt chặt quan hệ giữa quân đội Pháp và Cam Bốt. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2016, một tàu hộ tống Pháp cập cảng Cam Bốt sau khi các chuyến thăm dự kiến cho năm 2020-2021 bị hủy vì đại dịch Covid-19.

Tàu Prairial là tàu hộ tống lớp Floréal, đóng tại Papeete và trực thuộc Lực lượng vũ trang ở Polynésie của Pháp. Tàu thường xuyên thực hiện nhiệm vụ ở Á Châu trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp để khẳng định quyết tâm bảo vệ luật pháp quốc tế và quyền tự do lưu thông hàng hải ở những vùng biển chung. Ngoài một số nước ASEAN, tàu hộ tống Prairial cũng dự kiến tương tác với quân đội Nam Hàn và Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng tương tác quân sự với Hải quân các nước đối tác.


Ngả Theo Tầu Cộng, Nhưng VN 'Luôn Coi Hoa Kỳ Là Một Trong Những Đối Tác Quan Trọng Hàng Đầu!'


(Hình: “Mẹ nó! Đéo sợ! Sòng phẳng!” Thủ tướng Phạm Minh Chính.)

-Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu rằng Việt Nam 'luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu' khi ông gặp phái đoàn các doanh nghiệp Hoa Kỳ hôm 22/3/2023, theo Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam (VGP News).

VGP News còn dẫn lời ông Chính "hoan nghênh Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng" và "mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng thực chất, ổn định, đi vào chiều sâu trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau".

"Thời gian tới, Việt Nam mong muốn thúc đẩy Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục phát triển trên cơ sở cùng có lợi, mang lại tăng trưởng và việc làm cho nhân dân cả hai nước, góp phần duy trì, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới", ông Chính nói, theo Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam.

VGP News cũng dẫn lời ông Ted Osius, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa KỳASEAN, nói rằng các doanh nghiệp Hoa Kỳ "coi Việt Nam là thị trường chiến lược" với cam kết đầu tư dài hạn, ủng hộ mạnh mẽ các mục tiêu của chính phủ Việt Nam về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao…

Trong khi đó, Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper cũng được cổng thông tin này dẫn lời khẳng định "cam kết" của chính phủ và khu vực tư nhân Hoa Kỳ trong việc "ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, thúc đẩy các hoạt động hợp tác vì sự thịnh vượng của hai quốc gia".

Trong cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội hôm 23/3, ngoài việc nêu quan điểm của Việt Nam "lấy làm tiếc vì báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một số nhận định thiếu khách quan", Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng còn nói trong cuộc họp rằng "không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại đầu tư, trong các lĩnh vực khác như ứng phó với dịch bệnh COVID-19, phục hồi sau đại dịch, khoa học kỹ thuật, giáo dục, môi trường, hai bên cũng có những tiến triển hết sức tích cực", theo báo Pháp luật Tp. HCM.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác từ ngày 21 tới 23/3. SpaceX, Netflix và Boeing nằm trong số các công ty tham gia phái đoàn doanh nghiệp được coi là "lớn nhất từ trước đến nay" của Hoa Kỳ tới Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Chuyến đi này, theo nhận định của Reuters, là một dấu hiệu cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với Việt Nam, vốn đang được xem là một trong những trung tâm sản xuất được hưởng lợi từ khuynh hướng rời khỏi Trung Quốc của các công ty toàn cầu giữa bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung.


Chưa Được Phép Của Quan Thầy: Việt Nam Chưa Sẵn Sàng Nâng Cấp Quan Hệ Với Mỹ!

-Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 23/3/2023, khi được hỏi về khả năng nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ, từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược, phó phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, cho biết Việt Nam "mong muốn và sẵn sàng hợp tác với chính quyền của Tổng thống Joe Biden để thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới".

Có thể diễn giải phát biểu trên của đại diện bộ Ngoại Giao Việt Nam như sau: Việt Nam "muốn" nhưng chưa đến lúc.

Theo giới chuyên gia, được Reuters trích dẫn, những nỗ lực của Mỹ nhằm nâng cấp quan hệ song phương đã vấp phải sự dè dặt của Việt Nam bởi vì Trung Quốc sẽ nhìn nhận việc này như là một sự thù địch vào thời điểm quan hệ Mỹ-Trung đang rất căng thẳng.

Dường như Hoa Kỳ đã mong muốn nâng cấp quan hệ song phương nhân dịp kỷ niệm 10 năm hai nước ký Hiệp định quan hệ đối tác toàn diện. Hiện nay, Hoa Kỳ là nhà đầu tư số một tại Việt Nam và trong tuần này, một phái đoàn doanh nghiệp hùng hậu của Mỹ tới Việt Nam.

Cho dù là thị trường xuất cảng số một của Việt Nam, Hoa Kỳ chỉ là đối tác ngoại giao hạng ba đối với Hà Nội. Hiện nay, đối tác ngoại giao hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Nam Hàn. Đứng hàng thứ hai là các nước Âu Châu và Nhật Bản. Và hiện nay Hoa Kỳ muốn gia nhập nhóm thứ hai này.

Theo nhiều chuyên gia, dựa trên các nguồn tin từ các viên chức Việt Nam, thì cho dù quyết định nâng cấp quan hệ chủ yếu mang tính biểu tượng, nhưng giới lãnh đạo Việt Nam chưa muốn, lo ngại Trung Quốc trả đũa.

Chuyên gia Bich Tran, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tại Hoa Thịnh Ðốn, nhận định "do mức độ cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc và sự gần gũi giữa Trung Quốc và Việt Nam, chính quyền Hà Nội có thể lưỡng lự nâng cấp quan hệ toàn diện với Hoa Thịnh Ðốn".

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là nguồn nhập cảng mang tính sống còn đối với lĩnh vực chế biến của Việt Nam.

Phát ngôn viên Tòa Ðại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết hai nước đang cùng nhau làm việc theo hướng nâng cấp thiện quan hệ song phương.

Theo chuyên gia Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện l'ISEAS-Yusof Ishak, ở Tân Gia Ba, thì chắc chắn là Việt Nam mong muốn cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ nhưng ít có khả năng Việt Nam chấp nhận nâng cấp trong năm nay. Thế nhưng, "trong tương lai, có thể việc nâng cấp quan hệ lại không còn là mối ưu tiên của Mỹ nữa".


Bộ VH-TT-DL: Chưa Rõ Ngày ấn "Hoàng Đế Chi Bảo" Về VN, Sẽ Không Bị Bán Cho Ngoại quốc Nữa


(Hình: Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".)

-Hôm 24/3/2023, một viên chức Bộ Văn hóa-Thông tin-Du lịch Việt Nam nói với báo giới rằng hiện chưa thể xác định cụ thể khi nào ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" sẽ từ Pháp trở về Việt Nam nhưng mọi chuyện có thể sẽ rõ ràng hơn trong vòng 3 tháng tới.

Ông Trần Đình Thành, Cục phó Cục Di sản Văn hóa, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ của bộ rằng từ tháng 4 đến tháng 6 tới sẽ có kết quả về chuyến hồi hương mang tính lịch sử của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".

Như VOA đã đưa tin, hồi giữa tháng 11/2022, Việt Nam loan báo đã đàm phán thành công với nhà đấu giá Millon của Pháp để ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", con dấu truyền đời của các vua Nguyễn thế kỷ 19, được chuyển giao cho Việt Nam. Trước đó, Millon đã có kế hoạch bán đấu giá chiếc ấn tại Paris.

Ấn vàng này được các chuyên gia xác định là hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mạng thứ tư tức năm 1823. Quai ấn đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; trán rồng có khắc chữ "vương" (vua). Ấn đúc bằng vàng, nặng xấp xỉ 10,8 kg.

Nói với các phóng viên hôm 24/3 về thông tin là một nhà sưu tập người Việt đã mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", Cục phó Trần Đình Thành cho hay rằng cục của ông chưa thể công bố thông tin chính thức bởi quá trình đàm phán, thương lượng về thủ tục hồi hương vẫn đang diễn ra, và phải tuân thủ một số cam kết giữa các bên liên quan.

Vẫn ông Thành khẳng định rằng dù ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" có thuộc sở hữu cá nhân, sẽ không có chuyện cổ vật quý giá này lại bị bán ra ngoại quốc một lần nữa, căn cứ vào một Thông tư hồi năm 2012 của Bộ Văn hóa-Thông tin-Du lịch quy định về danh mục di vật, cổ vật không được đưa ra ngoại quốc bao gồm di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học.

Những cổ vật thuộc diện đó chỉ có thể đưa ra ngoại quốc để trưng bày, triển lãm để quảng bá văn hóa Việt Nam hoặc nghiên cứu, bảo quản, phục chế do điều kiện kỹ thuật trong nước chưa đáp ứng được, ông Thành nói.


Người Ngoại Quốc Không Hài Lòng Với Chính Sách Thị Thực của Việt Nam


(Hình: Khách du lịch Nam Hàn ở phi trường Phú Quốc hôm 20/11/2021.)

-Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia dưới cùng của bảng xếp hạng chỉ số về mức độ hài lòng của người ngoại quốc, do chính sách thị thực.

Đó là kết quả của cuộc khảo sát được thực hiện bởi trang web InterNations vừa được công bố trên tờ VnExpress hôm 22/3.

InterNations đã yêu cầu 11.970 người ngoại quốc thuộc 177 quốc tịch sống ở 181 quốc gia và vùng lãnh thổ cung cấp thông tin về các khía cạnh khác nhau của cuộc sống người ngoại quốc.

Tổng cộng có 52 quốc gia và vùng lãnh thổ đáp ứng yêu cầu này và Việt Nam lọt vào top 10, xếp thứ 46 trong chỉ số tổng thể, bao gồm bốn hạng mục phụ là Cuộc sống số, các vấn đề hành chính, Nhà ở và Ngôn ngữ.

Đối với vấn đề hành chính, Việt Nam được xếp thứ 51 trong số 52 điểm đến. 48% người ngoại quốc được khảo sát cho biết họ gặp khó khăn trong việc xin thị thực để đến Việt Nam, gấp đôi mức trung bình toàn cầu là 24%.

Gần hai phần ba, tương đương 66%, cho biết rất khó đối phó với bộ máy hành chính địa phương, so với 39% trên toàn cầu. Và 41% gặp khó khăn khi mở tài khoản ngân hàng địa phương, so với 21% trên toàn cầu.

"Bộ máy quan liêu khiến những công việc đơn giản trở nên khó khăn", một người Anh sống ở Việt Nam cho biết, theo cuộc khảo sát.

Việt Nam xếp hạng cuối cùng về các dịch vụ trực tuyến của chính phủ trong thể loại Cuộc sống số, nơi Việt Nam xếp thứ 49. Khoảng 1/4 người ngoại quốc (23%) mô tả họ gặp khó khăn trong việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, so với 8% trên toàn cầu.

Tuy nhiên, 65% số người được hỏi cho biết có thể dễ dàng sống ở Việt Nam mà không cần nói tiếng địa phương, so với 51% trên toàn cầu.

Tuy vậy, gần 7/10 người ngoại quốc (69%) cho rằng nhà ở tại Việt Nam là hợp túi tiền (so với 39% trên toàn cầu) và 76% cho biết rất dễ tìm được nhà ở đây (so với 54% trên toàn cầu).

Thông qua cuộc khảo sát, Bahrain là điểm đến tốt nhất thế giới cho người ngoại quốc và Đức là điểm đến tồi tệ nhất. Tân Gia Ba đứng thứ ba trong danh sách và Nam Dương đứng thứ sáu nhờ nhà ở được nói có giá phải chăng.


Việt Nam Đang Điều Tra Minh Quốc Nguyễn - Người Bị FBI Truy Nã


(FBI: Hình truy nã ông Minh Quốc Nguyễn của FBI.)

-Các cơ quan chức năng Việt Nam đang xác minh, điều tra làm rõ sự việc ông Minh Quốc Nguyễn bị Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) truy nã vì tham gia trực tiếp rửa tiền.

Phó phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng trả lời truyền thông tại cuộc họp báo chiều ngày 23/3 tại Hà Nội như vừa nêu.

Bà Phạm Thu Hằng cho rằng Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm trong đấu tranh, phòng/chống sử dụng kỹ thuật cao và tội phạm xuyên quốc gia. Mọi hành vi sử dụng không gian mạng để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bị điều tra, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Vào trung tuần tháng Ba vừa qua, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thông báo ông Minh Quốc Nguyễn, 49 tuổi, quốc tịch Việt Nam bị cơ quan này truy tố với tội danh rửa tiền, đánh cắp thông tin cá nhân liên quan đến hoạt động của nền tảng mã hóa ChipMixer. Thông báo được đưa ra sau khi nền tảng này bị đánh sập với cáo buộc cho phép tội phạm mạng rửa hơn ba tỉ Mỹ kim.

Thông cáo của cơ quan chức năng của Mỹ cũng cho biết, ông Minh Quốc Nguyễn trong ngày 15/3 bị tòa án ở Philadelphia buộc tội rửa tiền, điều hành một doanh nghiệp chuyển tiền không có giấy phép và đánh cắp danh tính, có liên quan đến hoạt động của ChipMixer.

Trên trang chủ của FBI có cập nhật trạng thái truy nã đối với ông Minh Quốc Nguyễn. Ông này được cho biết có bằng Tiến sĩ Kỹ sư điện tử do Đài Loan cấp.


Bốn Tiếp Viên Vietnam Airlines Mang Ma Tuý Sẽ Không Được Làm Trong Ngành Hàng Không


(Hình: Hải quan kiểm tra các tuýp kem đánh răng có chứa ma túy do các tiếp viên Vietnam Airlines mang về nước hôm 16/3/2023.)

-Cục Hàng không Việt Nam vào ngày 23/3/2023 cho báo chí Nhà nước biết bốn nữ tiếp viên mang ma tuý lậu về nước vừa được trả tự do sẽ không được làm việc trong ngành hàng không

Bốn người này bị phát giác mang hơn 11 kg ma túy các loại trong vali trên chuyến bay từ Pháp về phi trường Tân Sơn Nhất, hôm 16/3 vừa qua.

Cả bốn người sau đó đã bị tạm giữ nhưng được trả tự do vào ngày 22/3 vừa qua. Bộ Công an cho biết lý do trả tự do là chưa đủ căn cứ để giải quyết hình sự.

Nhóm tiếp viên, sau khi bị phát giác mang chất cấm về nước, khai rằng khi ở Pháp họ được một người nhờ xách tay số hàng về nước với tiền trả công là 10 triệu đồng. Do quá bận việc, họ chỉ kiểm tra vài tuýp kem, không thấy có gì bất thường.

Báo Nhà nước dẫn thông tin từ lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc không cho các tiếp viên này làm việc trong ngành hàng không là theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải về kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.

Quy định này nêu rõ: "không sử dụng làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng đối với hành vi lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa".

Thông tấn xã Việt Nam trích lời một lãnh đạo Cục Hàng không (không nêu tên) thừa nhận vẫn còn có lỗ hổng trong công tác phòng, chống buôn lậu qua đường hàng không, trong trường hợp này nằm ở khâu phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua đường hàng không tại doanh nghiệp.

Phú Yên: Khởi Tố Thêm 2 Người Trong Vụ Án Nhận Hối Lộ Tại Trung Tâm Đăng Kiểm 78-02D


(Hình: Công ty TNHH đăng kiểm Bách Việt và cũng là Trung tâm đăng kiểm 78-02D.)

-Thêm hai người trong vụ án "nhận hối lộ" tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 78-02D thuộc Công ty đăng kiểm Bách Việt có trụ sở ở huyện Sơn Hòa, Phú Yên đã bị khởi tố.

Tờ Công an nhân dân điện tử trong ngày 23/3 cho biết Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Ngô Thị Thu Hằng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty TNHH đăng kiểm Bách Việt và Nguyễn Châu Kim Long - nguyên Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 78-02D.

Hai người này đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Lắk khởi tố, bắt tạm giam trong một vụ án khác.

Theo công an, trong quá trình hoạt động dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới, các Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 78-02D cùng nhân viên thống nhất với Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH đăng kiểm Bách Việt nhận hối lộ từ 100.000 đến 400.000 đồng đối với những trường hợp xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật về đèn chiếu sáng, lốp, phanh, khí thải và nhận hối lộ từ một đến ba triệu đồng đối với những trường hợp xe cơ giới tự ý cải tạo cơi nới thêm thân xe.

Trước đó, công an Phú Yên đã khởi tố và bắt tạm giam năm người liên quan đến vụ án nhận hối lộ tại trung tâm này gồm Phan Trung Hiếu – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH đăng kiểm Bách Việt; Phạm Xuân Hưng – Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 78-02D, Lê Tự Trị - nguyên Giám đốc Trung tâm cùng đăng kiểm viên Võ Quốc Nhiên và thủ quỹ Nguyễn Thị Phấn.

Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên, từ giữa tháng 10/2020 đến giữa tháng 10/2022, bảy bị can nêu trên đã nhận hối lộ của nhiều chủ xe hơi với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng để cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.


Bắc Giang: Công An Kiểm Tra 18 Điểm Kinh Doanh của Công Ty F88


(Hình: Công an kiểm tra tại một chi nhánh F88 ở thành phố Bắc Giang.)

-Mười tám địa điểm kinh doanh của chi nhánh Công ty CP kinh doanh F88 tại Bắc Giang đã bị phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh đồng loạt kiểm tra hành chính.

Việc kiểm tra diễn ra trong ngày 23/3/2023 và được truyền thông nhà nước loan trong cùng ngày.

Công an cho biết chủ yếu tập trung kiểm tra về một số nội dung liên quan như giấy phép kinh doanh, việc chấp hành các điều kiện về an ninh trật tự theo quy định đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của Chi nhánh công ty cổ phần kinh doanh F88 tại Bắc Giang.

Trước đó, Công an Tp. HCM, Công an thành phố Cần Thơ, Công an các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang, An Giang và Đồng Tháp cũng đã tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh của công ty này.

Qua kiểm tra, công an phát giác một số phòng giao dịch có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật như: hoạt động cầm đồ khi chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện về an ninh, trật tự, không bảo quản tài sản cầm cố; chưa thực hiện đầy đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy…

Hôm 16/3, Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Tp. HCM thống nhất đưa vụ án liên quan Công ty cổ phần kinh doanh F88 vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Công ty F88 được thành lập vào năm 2013, có mạng lưới 830 chi nhánh trên toàn quốc, cung cấp không chỉ dịch vụ cho vay cầm cố mà còn phân phối bảo hiểm, thanh toán và chuyển tiền.

Việc kiểm tra hàng loạt chi nhánh của F88 liên quan đến các nhóm đòi nợ, khủng bố con nợ và cưỡng đoạt tài sản đang diễn ra tại nhiều tỉnh, thành. Riêng tại Tp. HCM, Công an Tp. HCM phối hợp Cục Cảnh sát hình sự liên tiếp triệt phá các đường dây tổ chức, núp bóng dưới hình thức các công ty để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản, khủng bố, đòi nợ thuê gây nhức nhối.


Bắt Nguyên Tổng Giám đốc Công Ty Vốn Nhà Nước Về Tội Làm Trái Quy Định


(Hình: Tòa nhà VP6 Linh Đàm.)

-Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội vào ngày 23/3/2023 đã thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Lê Huy Lân, 61 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Coma 18. Ông này bị cáo buộc tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí" quy định tại điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Truyền thông Nhà nước dẫn nguồn tin từ Công an thành phố Hà Nội cho biết, vào cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố đã ra Quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự từ tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" sang tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty Cổ phần Coma 18.

Vào cuối tháng 3 năm 2018, ông Lê Huy Lân bị công an khởi tố về tội "Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo báo Nhà nước, ông Lân bị điều tra về các sai phạm liên quan đến dự án tòa nhà VP6 Linh Đàm, Hà Nội.

Cụ thể, Khu đất VP6 Linh Đàm có diện tích hơn 2.000 mét vuông do Coma 18 nhận chuyển giao từ Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD). Coma 18 sau đó chuyển nhượng dự án trên dưới hình thức hợp tác đầu tư cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên thuộc Tập đoàn Mường Thanh.

Theo quy hoạch cũ, khu đất được phép xây dựng tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao 25 tầng. Tuy nhiên dự án sau khi chuyển nhượng, xây dựng đã bị thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm.

Theo đó, tòa nhà VP6 Linh Đàm được đưa vào sử dụng từ năm 2015 nhưng đến nay nhiều căn nhà chưa được cấp sổ hồng. Thanh tra kết luận, tại tòa nhà hỗn hợp dịch vụ văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao cấp đã xây vượt quy hoạch 10 tầng.

Ngoài ra, từ tầng hai đến tầng 9 của tòa nhà đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng từ dịch vụ thương mại, văn phòng thành căn nhà. Các tầng từ 26 trở lên đều không nằm trong quy hoạch được phê duyệt nhưng chủ đầu tư tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng.

Không có nhận xét nào: