GS Trần Huy Bích và nhà văn Nguyễn Đình Toàn
Trước khi bay một ngày, hãng hàng không gửi email, hỏi muốn nâng cấp ghế ngồi không? Thêm hai trăm đồng, trên hình quảng cáo, thấy ghế rộng rãi, co chân duỗi cẳng dễ dàng hơn, thôi thì cũng đáng để ưu ái tấm thân già, bay mười mấy tiếng chứ ít sao. OK và trả tiền rụp rụp. Chồng con la toáng, nếu đổi chỗ ngồi, chỉ trả thêm vài chục, sao tới hai trăm, bị lừa rồi. Không thèm cãi cọ nhiều lời. Nâng cấp khác với đổi chỗ. Kệ, nếu bị lừa mà được ghế ngon, cũng đáng.
Á à. Ghế rộng rãi, không phải thu lu dời qua, nhích lại, tránh đụng người bên cạnh, màn hình xa tầm mắt một chút, dễ nhìn, quất ba bốn bộ phim mà không lộn gan lộn ruột, thích nhất là nệm ghế mềm, dày, êm đít, êm cả cái lưng còm, muốn gì nữa?
Từ rày về sau, rút kinh nghiệm, trước ngày bay, cứ hỏi hãng vé xem có thể nâng cấp ghế lên “tầm cao danh vọng” được chăng, cuối giờ có người bỏ vé hay còn ghế trống, chỉ cần nhín hai trăm là đủ tậu một ngai vàng. Nếu chọn vé hạng nhì ngay từ phút đầu, đi đứt vài ngàn như chơi, quên đi!
Mọi lần qua thủ tục hải quan Mỹ, phát ớn! Self service từng cột từng ngăn, biết đường đâu mà mò, chả ai chỉ dẫn, đỡ là con gái đi cùng, máy móc, đơn từ nó nhanh nhẹn nên tôi chỉ cần nhắm mắt đưa chân. Hôm nay đơn thân độc mã ( có con mã không hén?) , khôn hồn đi sớm vài ngày, lỡ trễ nải cũng không hụt ngày ra mắt sách của ông cụ - tính kỹ còn hơn Tào Tháo – Qua hải quan, mấy cột self service đã dẹp bỏ - mừng quá ể - từng người một trình diện trước mặt nhân viên, đưa passport, giấy chích ngừa…
Hỏi: Chị có đem theo thức ăn không?
Đáp: Có, mấy hộp hải sản.
Hỏi: Đến Mỹ làm gì?
Đáp: Thăm cha mẹ.
Hỏi: Cha mẹ ở đâu?
Đáp: Westminster.
Hết hỏi. Chị đi được rồi.
Nhướng mày, chu mỏ, sao hải quan Mỹ năm nay hiền thế, dạo trước qua đây, đến hộp bút chì màu họ cũng hạch sách “ Thăm cha mẹ, cầm theo bút chì màu làm gì ?”, mắt họ dò xét như mình sắp sửa đánh bom nước Mỹ, ghét!
Ra băng chuyền lấy hành lý, chuẩn bị tinh thần sẽ qua máy dò va li va lủng, qua máy quét tròn tròn phủ trọn thân người, rồi rờ rẫm, bóp nắn..Nhưng hôm nay hành lý lôi xuống xong, lần theo hướng mũi tên chỉ dẫn, tôi lọt ra ngoài cổng đợi cái một, không qua trạm kiểm soát nào nữa, lạ!
Trên xe, em bảo, bố ra vào trông ngóng chị mãi. Cách đây hai ba hôm, bố hỏi “ Mới thấy con Bé đây, đâu rồi?”, “ Sao tụi bay không đi đón chị ?” . Hai ngày trước, ông te te chạy từ phòng ngủ ra, bảo con Bé tới, mở cửa cho nó. Thắt ruột.
Tôi bước vào nhà chưa kịp đặt giỏ xách lên ghế, gọi vang “ Bố”. Ông lật đật đứng dậy, vịn bàn vịn ghế ra đón. Tôi ôm chầm lấy bố, áp má vào mặt ông, dụi đầu lên cổ ông. Bố tôi xương xẩu, lưng cong vòng, da nhăn nheo, mềm ẻo. Tiếng nấc khô khốc trong lồng ngực, trong cổ họng khiến vai và người ông run từng hồi, tôi nghe như bố nói “ Mẹ mất rồi con. Bố chắc chả còn được bao lâu, may mà bố vẫn kịp nhìn thấy mày lần nữa…” Trông bố yếu ớt, mồm móm sọm, tóc tai thưa thớt, đứng không vững, khác xa với bố với đêm nhạc ba năm trước.
- Quần áo bố đâu, con soạn sẵn ủi iếc cho đàng hoàng.
- Mua cho bố đồ mới đi. Mai mốt chết, bố mặc luôn – Ông khẽ khàng.
- Bộ complet lần trước con mua cho bố đâu? Mặc vừa không?
- Bố chưa bao giờ thấy bộ complet đó.
- ???
Tôi vào phòng, lục tủ áo quần, đồ của mẹ vẫn còn nguyên: áo dài, áo ấm, cả đồ mặc nhà, khăn mũ…
Đây nè, bộ complet đen tôi mua cho ông hồi “ Đêm Nhạc Một Ngày Sau Chiến Tranh” còn nguyên trên móc, thêm bộ xanh dương nữa. Vậy mà…
Lúc tỉnh táo, bảo mua áo mới thì lắc đầu nguầy nguậy. Giờ quên quên nhớ nhớ, mặc quần mặc áo phải có người phụ, ông run rẩy nhấc từng bàn chân, tay xọt tới xọt lui mãi mới mặc được áo thì lại đòi đồ mới. Các em bàn, đem bộ complet của bố giấu qua phòng bên kia, bọc nylon, trước giờ hoàng đạo, đem cho bố mặc là thành đồ mới. Đã đến lúc bố dễ bị phỉnh như trẻ nít, y như mẹ hôm nào, bảo ngồi yên cắt tóc, lát con dẫn đi chơi…
Bữa cơm, các con gắp thịt cá vào bát cho bố, hỏi nhà hàng cho mượn cái kéo để cắt nhỏ đồ ăn kể cả rau hành vậy mà bố sặc hoài, hết đứa này đến đứa kia phải vỗ lưng ông cho trôi thức ăn, chốc chốc phải để bố uống ngụm nước chữa sặc. Tay cụ cầm đũa run bần bật, cơ mặt co giật, làm cơm thịt chưa đưa tới miệng đã rơi vãi trên áo, dưới sàn. Bố tôi cả đời uống trà nóng thay nước, nay tay chân vụng về, cầm ly nước sóng sánh, bỏng như chơi đành uống nước nguội hay nhịn khát khơi khơi.
Khi các con trò chuyện, cười ha hả, ông ngồi ngây người im lặng. Bố không còn bắt kịp mạch chuyện, chưa kể thính giác đã kém nhạy. Muốn nói gì, bố phải suy nghĩ lâu, lắp bắp mãi mới kiếm ra chữ, kiếm được rồi lại quên điều định nói. Cả ngày ông bật máy tính nghe tin tức từ đông sang tây, từ cổ chí kim, đọc sách báo là việc khó khăn vì mắt kém.
Hỏi sao còn đống sách bố chưa ký tên ? Các em dặn, chị phải để bố ngồi vào bàn, lật sách ra đúng trang mình cần, đưa bút cho bố ký. Bố không nhớ đâu.
Tôi lau bàn, kéo ghế, dặn bố ngồi đây, đặt từng quyển sách trước mặt cụ, lật trang, bảo bố ký chỗ này. Bố cầm bút, ngập ngừng, dợm viết. Tôi hỏi, sao bố không đeo kính vào, nhìn cho rõ? Bố chùng vai, thở hắt, đeo cũng chả thấy gì. Bạn đọc muốn nhận cuốn sách có bút tích của ông, viết xấu hoắc, coi sao đặng? Mi ông chớp chớp, xua bóng mờ nhập nhoạng, ông đặt tay lên trang sách, cây bút kẹp giữa các ngón run lẩy bẩy, ông đã ký vài trăm cuốn sách mấy hôm nay, trong mịt mùng và mờ ảo như thế đó.
Anh Đinh Quang Anh Thái đến, bảo nhà sách sẽ lo phần này, này…Các em lo phần này, này… nhớ đổi tiền lẻ, nhớ đem ghế dựa cho bố….Lần đầu tiên được nói chuyện với đại ca, ngài ưu ái tặng tôi ba quyển “Ký” dày cộp, hân hạnh ghê luôn. Tiếc là mình không đem theo “kho báu” để “lại quả”, cư trơ mắt ếch ra dòm. Quê dễ sợ ! Nhưng thôi, bánh Quy của tôi chỉ bằng vỏ bánh Ít của đại ca, nhí nhố chi cho mệt.
Khách đến mua sách, tôi báo trước ông cụ đã ký sẵn, đây chị xem, nhưng bạn đọc vẫn muốn bố viết thêm mấy chữ tại chỗ và được chụp hình với ông. Bố lại chớp mắt, nhíu mày, lẩy bẩy ghi xuống “ Bản của…” Bạn đọc choàng vai, bá cổ, kẻ đứng người quỳ quanh bố rộn ràng. Bố cười tươi rói.
Bạn văn thay nhau lên kể những mẩu chuyện vui giữa ông và họ.
Ông Đỗ Quý Toàn bảo xưa, khán giả nữ hay nhầm ông với bố vì cái tên (Giống sao được? Đỗ Quý và Nguyễn Đình khác như xanh và đỏ, mắt mũi các cô các bà thật là…) nên ông tha hồ ba hoa chích chòe.
Bác Doãn Quốc Sỹ lớn tuổi, bệnh quên khiến bác thành người thầm lặng. Cả ngày bác ngồi cạnh cửa cái, chỗ nắng ấm, như bức tượng, đôi khi ngủ quên, đầu gục xuống, thân nghiêng một bên nhưng không ngã, mệt quá thì bước vài bước tới ghế sa lông, nằm thẳng đơ, ngáy khì khì. Con bác kể, job quan trọng của bác hiện nay là cầm kéo cắt giấy. Các chị thu lượm báo, bác cứ tẩn mẩn cắt ngang cắt dọc, cắt to cắt nhỏ, lặng lẽ. Bữa nào hứng, bác ra sân cắt hoa lá ngoài vườn.
Mấy anh chị dẫn bác đến dự buổi ra mắt sách, quên gì thì quên nhưng khi con trai ghé tai bác, nói to:
- Bố. Bố đọc bài thơ của bố và bác Toàn đi.
Như cái máy, bác ngồi thẳng lưng, đọc rõ ràng, mạch lạc:
“ Lúa Thủ Thiêm ngọn chìm ngọn nổi”
“ Gió xa lộ lúc thổi lúc ngừng”
“ Gặp nhau tay bắt mặt mừng”
“ Vui thì vui vậy biết chừng nào xa”
Xưa, dưới chân hai đầu cầu Sài Gòn, ai đã đi qua thì biết, lúa trổ mênh mông, xanh ngắt, gió lùa đám mạ non đổ ngang đổ dọc thành từng đợt sóng rập rờn chạy xa tít tắp. Bố dẫn xe đạp lên cầu, nhìn sóng lúa nô đùa, bảo đẹp lắm, thế là xuất khẩu thành thơ.
Một bữa bác Doãn Quốc Sỹ đạp xe đến nhà tôi chơi, bố đọc cho bác nghe bốn câu trên, bác chợt nhớ mấy năm trước bác từng đặt sáu câu này:
“ Đỉnh trời vằng vặc gương nga”
“ Long lanh soi tỏ lòng ta lòng mình”
“ Gương trong mình lại soi mình”
“ Thầy tình thăm thẳm thấy hình phù du”
“ Nẻo đời gió bụi kỳ khu”
“ Biết ai còn mất tình thu võ vàng”
Rất hợp với bốn câu của bố.
Hai ông đọc qua đọc lại, đắc ý ghê luôn. Vậy mà tôi chỉ biết đến bài thơ khi qua Mỹ thăm ông bà già rồi ghé bác Sỹ chơi, đâu khoảng mười năm về trước. Mỗi lần ghé, anh chị bảo “ Uyển, con bác Nguyễn Đình Toàn nè bố” là miệng bác bật ra mười câu thơ này. Hễ đến thăm bố, bác cũng đọc, ngân nga, trầm bổng, thật hay.
Suốt từ lúc bố mẹ tôi định cư trên đất Mỹ, mọi sự kiện quan trọng của bố: ra mắt sách, đêm nhạc… bác đều đến tham dự.
Bao nhiêu thập kỷ trôi qua, vợ của các cụ đã về với đất, bạn bè cùng thời với họ nhắm mắt xuôi tay gần hết, miền quên xâm chiếm miền nhớ, vậy mà trong cõi mơ hồ, nhùng nhằng vẫn còn đó những điểm sáng trong não bộ, có lẽ do cái tình của đôi tri kỷ dành cho nhau, giúp bác Doãn hôm nay, giữa đám đông bạn bè gần xa, lại dõng dạc nhấn câu nhả chữ đúng bóc bóc:
“Lúa Thủ Thiêm ngọn chìm ngọn nổi” …..
“Biết ai còn mất tình thu võ vàng”
Vài hôm trước, bạn bè nhắn tin loạn xạ “ Bận quá, không đến buổi ra mắt được, để cho mình hai cuốn, vài bữa ghé lấy” “ Muốn sách gửi qua Pháp, có chữ ký của bác, phải làm sao?” “Gửi dùm Thơ và Ca Từ cộng hai cuốn Bông Hồng Tạ Ơn qua Canada nhé” ….
Vài hôm sau, khách khứa đến chơi, bố tặng sách, khách mua thêm mấy cuốn, tôi cầm tiền nhét ngay vào ví của mình, vị khách nhìn tôi hơi lạ lạ.
Tôi khoe cậu em: Tiền bán sách nè, lát đưa Phi ( em dâu, thủ quỹ)
Em khoát tay: Đưa cho bố đi.
Tôi: Lỡ bố làm mất, sao?
Em nhăn mặt: Cứ đưa đi mà.
???
Tôi đến gần, đặt cọc giấy bạc vào tay bố, ông xòe ra, đếm đếm, vuốt vuốt, vỗ cho ngay ngắn, để sát chân màn hình, dằn cây bút lên trên, cười nhẹ.
Trời ơi, tôi quên khuấy các cụ cũng thích tiền bạc rủng rỉnh, muốn mua gì thì mua, cho ai thì cho, khỏi xin xỏ, nhờ vả con cái. Hồi còn con nít, mình cũng y vậy, bố mẹ sợ con ăn tầm bậy, sợ đểnh đoảng rơi tiền, không cho cắc nào trong túi, bảo muốn gì, nói, bố mẹ mua. Đâu phải các cụ sẽ mua mọi cái mình muốn, nói ăn đau bụng, nói đắt quá, nói chưa rảnh…lần sau đâu dám đòi, ước ao lớn nhanh, đi làm, có tiền riêng, tha hồ vung vít. Ai sống không cần tiền? Bố mẹ già cũng thế thôi.
Chợt nhớ đến vị khách nhìn mình lạ lạ hôm trước, e họ nghĩ tôi “diếm” tiền ông cụ. Hì!
Bữa tiếp theo bạn mua sách, tôi cầm một trăm đưa bố, ông lại đếm, vuốt, vỗ…cẩn thận, khoái chí. Tôi hỏi:
- Tiền hôm qua bố để đâu?
- Con nhặt được bốn chục ngoài phòng khách, tiền bố cất chỗ nào? Cậu em nhanh nhẩu xen vô
Ông cụ ừ à, chau mày, nghiêng mặt:
- Hình như trong ví.
- Ví đâu?
- Không biết, chắc trong phòng.
Cả đám xúm vào lục tủ áo quần, kiếm được ví nhưng tiền thì không. Biết ngay. Lục nữa, nữa, thấy cọc tiền bị nhét vào hũ đựng dầu xanh, đồ cắt móng tay ngay đầu giường.
Sẵn, cắt móng tay cho bố luôn. Móng ông méo mó, xẹo xọ. Hỏi ai cắt cho, ông nói tự xử, còn móng chân thì dài ngoẵng. Cắt móng cho bố, nhớ mẹ quá chừng. Mới mấy năm trước mẹ còn sống, đụng vào tay vào chân, mẹ cứ co dúm, giằng giật, sợ mình hãm hại. Bố hiền hơn vì còn tỉnh táo, xòe từng ngón cho mình cắt. Xưa tay bố to lắm, giờ còn nhỏ hơn bàn tay con gái.
Tôi ra về, ôm lấy mảnh vai gầy guộc của bố vào lòng, vỗ vào lưng ông mấy cái, ông bật khóc, đưa bàn tay xương xẩu lên vuốt tóc tôi, chả nói được lời nào. Chuyện gì sẽ xảy ra? Còn bố để tôi ôm, tôi nói, tôi trò chuyện nữa không? Tấm bia trên mộ mẹ để trống một nửa, chỗ điền tên tuổi bố sau này. Sau này là bao giờ? Hai bàn chân bố lết sát đất mỗi khi đi lại, chít chít chiu chiu, không co được gối để nhấc từng bước, chả còn bạn bè lui tới hỏi han, chả còn mẹ nói năng vu vơ, mọi thứ dần xa bố ngày một nhanh, đến con chữ, đến nốt nhạc cũng bỏ bố mà đi…
Con quay lưng, lòng trĩu nặng, mong mỏi gì đây…
Bố ơi, bình an nhé.
Nguyễn Đình Phượng Uyển
(*) Lấy tựa theo lời thơ của bố
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét