Ở giữa ảnh từ trái sang phải: tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Ý Mario Draghi và thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm Irpin, ngoại ô Kiev, Ukraina ngày 16/06/2022. AP - Ludovic Marin - Thanh Hà
Vào lúc Bruxelles chuẩn bị quyết định về đơn xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của Ukraina, sáng nay 16/06/2022 lãnh đạo ba nền kinh tế hàng đầu trong khối là Đức, Pháp và Ý cùng với tổng thống Rumani viếng thăm Irpin, sát cạnh thủ đô Kiev, trước một cuộc họp với tổng thống Zelensky. Đây là lần đầu tiên từ khi Ukraina bị Nga xâm lăng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Kiev giải tỏa bất hòa giữa Pháp với Ukraina sau tuyên bố của ông về việc để ngỏ đối thoại với Matxcơva.
<!>
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Olaf Scholz và thủ tướng Ý Mario Draghi sáng sớm nay đã đáp xe lửa đến Kiev và đã cùng với tổng thống Rumani Klaus Iohannis tham quan Irpin, ngoại thành Kiev, trước cuộc hội kiến chiều nay với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky.
Hàng trăm thường dân đã bị sát hại tại các thành phố Irpin, Boutcha và Borodiankagần thủ đô Ukraina, trong thời gian bị quân Nga chiếm đóng tháng 3/2022. Theo giới quan sát, sự hiện diện của bốn nhà lãnh đạo châu Âu báo trước khả năng Bruxelles khó có thể từ chối đơn xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của Ukraina.
Trong cương vị chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, tại nhà ga Kiev, Emmanuel Macron tuyên bố mang đến một thông điệp về sự đoàn kết của Liên Âu với Ukraina hỗ trợ chính quyền nước này « trong hiện tại và tương lai ».
Về quan hệ giữa Paris và Kiev, đôi khi căng thẳng, ông Macron khẳng định Pháp « luôn đứng về phía người dân Ukraina, ủng hộ Ukraina dưới mọi hình thức một cách lâu dài. Hiện tại Ukraina cần kháng cự để giành lấy chiến thắng ». Trước đó, một quan chức ngoại giao Pháp nhấn mạnh Paris « mong muốn Ukraina giành được thắng lợi về mặt quân sự để chinh phục lại những phần lãnh thổ đã rơi vào tay quân đội Nga ».
Về phía Berlin, thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh: « Chừng nào mà Ukraina còn cần thì Đức sẽ hỗ trợ từ mặt tài chính đến nhân đạo, quân sự ». Thủ tướng Ý Mario Draghi cũng bị chỉ trích « mềm mỏng » với Matxcơva. Cách nay hai hôm, ông tuyên bố « mở đối thoại tìm kiếm một giải pháp hòa bình là điều quan trọng, nhưng đó phải là đối thoại trong những điều kiện mà phía Ukraina có thể chấp nhận được » .
Cuộc họp giữa tổng thống Zelensky với bốn lãnh đạo Liên Âu tập trung vào hai hồ sơ chính. Một là Kiev tiếp tục kêu gọi các đối tác tăng cường viện trợ quân sự, kể cả việc cung cấp vũ khí hạng nặng, và thứ hai là thủ tục kết nạp Ukraina vào Liên Hiệp Châu Âu.
Tại thượng đỉnh trong hai ngày 23-24/06/2022, Liên Âu sẽ quyết định có chấp nhận cho Ukraina quy chế ứng viên gia nhập đại gia đình châu Âu hay không. Đây là điểm khởi đầu cho đàm phán và tiến trình kết nạp Kiev có thể kéo dài nhiều năm.
Mỹ phản ứng gay gắttrước việc Bắc Kinh ủng hộ Nga về « chủ quyền» và « an ninh »
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh ngày 04/02/2022. AP - Alexei Druzhinin
Thanh Hà
Trong cuộc điện đàm hôm 15/06/202022 với tổng thống Vladimir Putin, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố « sẵn sàng tiếp tục ủng hộ Nga về các vấn đề chủ quyền (lãnh thổ), an ninh, những hồ sơ quan trọng khác và những mối quan ngại hàng đầu ». Tại Washington, lập tức bộ ngoại giao Mỹ kêu gọi Bắc Kinh tránh đứng về « phía sai trái của lịch sử ».
Hãng tin AFP cho biết, một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bày tỏ « quan ngại trước việc Trung Quốc đứng về phía Nga (…). Hơn ba tháng sau khi Nga thô bạo xâm chiếm (Ukraina) Bắc Kinh vẫn sát cánh với Matxcơva, tiếp tục phổ biến luận điểm tuyên truyền của điện Kremlin với thế giới, tiếp tục bảo vệ Nga trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế. Bắc Kinh trốn tránh trách nhiệm của một thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, bác bỏ bằng chứng về những hành vi kinh tởm của Nga tại Ukraina và trái lại còn hàm ý đó là những cảnh đã được dàn dựng ».
Phát ngôn viên này nói thêm : « Những quốc gia chọn đứng về phía Vladimir Putin mặc nhiên đứng về phía sai trái của lịch sử. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo trên thế giới cần dứt khoát tố cáo hành vi của tổng thống Vladimir Putin và yểm trợ người dân Ukraina ». Washington một lần nữa cảnh cáo Trung Quốc về mọi ý đồ « hỗ trợ Nga về quân sự » hay giúp Matxcơva lách các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Trong cuộc điện đàm hôm qua, cuộc trao đổi thứ nhì giữa hai ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraina, cụ thể chủ tịch Trung Quốc đã tuyên bố những gì để khiến Hoa Kỳ phản ứng gay gắt như vậy ? Thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh cho biết :
« Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc bày tỏ sự thông cảm và ủng hộ Nga trước những quan ngại về an ninh, đặc biệt là đối với khối NATO. Nhưng đến nay, nếu đúng như thông tin báo chí chính thức Bắc Kinh thuật lại, chưa bao giờ Trung Quốc công khai tuyên bố hỗ trợ Nga về ‘chủ quyền’.
Ông Tập Cận Bình khẳng định: ‘Liên quan đến khủng hoảng Ukraina, Trung Quốc luôn căn cứ vào lịch sử và thực chất vấn đề để đánh giá tình hình một cách độc lập. Tất cả các bên cần có trách nhiệm để tìm kiếm một giải pháp thích hợp cho cuộc khủng hoảng này’.
Chủ tịch Trung Quốc tránh sử dụng cụm từ ‘chiến tranh’, mà chỉ nói đến một cuộc ‘khủng hoảng’ theo thông tin của Hoàn Cầu Thời Báo trên mạng xã hội Twitter. Vẫn nguồn tin này cho biết thêm ông Tập Cận Bình cam kết: ‘Trong viễn cảnh đó, Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò thích hợp’.
Trong bài diễn văn hôm 07/03/2022, bên lề khóa họp Quốc Hội tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề cao tình hữu nghị Nga và Trung Quốc ‘vững như bàn thạch’ nhưng không đả động đến vấn đề ‘chủ quyền’ của Nga.
Cuộc điện đàm vừa qua phải chăng là cách để chủ tịch Trung Quốc trấn an tổng thống Nga và khuyến khích điện Kremlin đàm phán ? Cho đến giờ ông Tập Cận Bình chưa lần nào điện đàm với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ».
Trung Quốc điều khu trục hạm mạnh nhất đến tập trận ở Biển Nhật Bản
Ảnh tư liệu : Các chiến hạm Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận chung với Nga trên biển Nhật Bản. Ảnh chụp ngày 03/07/2013. AP
Trọng Nghĩa
Với mục đích được cho là nhằm thị uy với Tokyo và đồng minh, Bắc Kinh vừa cho một trong những chiến hạm lớn và hùng mạnh nhất của Trung Quốc đến tập trận ở Biển Nhật Bản, áp sát vùng đặc quyền của Nhật Bản ngoài khơi Nagasaki. Theo hãng tin Mỹ AP hôm nay, 16/06/2022, đó là chiếc khu trục hạm Lạp Tát (Lhasa) Type 055, vừa được hạ thủy vào năm ngoái.
Theo AP, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc vào hôm nay nhấn mạnh rằng đây là nhiệm vụ đầu tiên của chiếc Lạp Tát từ khi được đưa vào hoạt động. Trích dẫn bộ Quốc Phòng Nhật Bản, tờ báo cho biết thêm là tháp tùng theo chiếc Lạp Tát, còn có tàu khu trục Thành Đô, lớp Lữ Dương Type 052D và tàu tiếp liệu Động Đình Hồ Type 903.
Theo bộ Quốc Phòng Nhật, đoàn tàu Trung Quốc đã bị phát hiện vào hôm Chủ Nhật 12/06 cách đảo Fukue ngoài khơi phía tây Nagasaki khoảng 200 km (120 hải lý) di chuyển theo hướng đông về phía Biển Nhật Bản. Ngoài ra, một chiếc tàu do thám lớp Đông Điều của Trung Quốc cũng hoạt động gần eo biển Tsushima vào hôm Chủ Nhật trước khi đi vào Biển Nhật Bản.
Theo AP, khu trục hạm Type 055 (còn được gọi là lớp Nam Xương) của Trung Quốc thuộc loại rất tối tân, có tính năng tàng hình được trang bị các loại tên lửa dẫn đường phòng không, chống hạm và tấn công trên bộ. Khu trục hạm Type 055 được coi là có sức mạnh thứ hai thế giới, chỉ sau tàu tàng hình Type Zumwalt của Mỹ.
Trích dẫn các chuyên gia quân sự, Hoàn Cầu Thời Báo cho biết tàu khu trục này là một phần trong hoạt động xây dựng quân sự của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công vào Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh đe dọa thôn tính bằng vũ lực.
Một cuộc xung đột như vậy gần như chắc chắn sẽ kéo theo Hoa Kỳ, quốc gia cung cấp vũ khí cho Đài Loan, và các đồng minh của Mỹ, mà gần Đài Loan nhất về vị trí địa lý là Nhật Bản.
Hoa Kỳ: Lãi suất chỉ đạo tăng cao kỷ lục từ năm 1994 để chống lạm phát
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Washington, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 04/05/2021. AP - Patrick Semansky
Thùy Dương
Trong bối cảnh lạm phát tháng 5 tăng đột biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất chỉ đạo lần thứ 3 liên tiếp. Với mức 0,75%, đây là lần tăng lãi suất mạnh nhất tính từ năm 1994. Trong buổi họp báo hôm thứ Tư, 15/06/2022, Jerome Powell, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nhấn mạnh đây là mức tăng « cao bất thường ».
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin giải thích :
Tăng lãi suất 0,25% vào tháng Ba, 0,5% vào tháng Năm rồi 0,75% vào tháng Sáu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang ngày càng đạp phanh mạnh hơn. Ngân hàng trung ương Mỹ chưa từng tăng lãi suất thêm 0,75% trong suốt 27 năm qua. Xin nhắc lại rằng FED đang phải đối mặt với lạm phát vẫn ở mức cao nhất tính từ 40 năm trở lại đây.
Theo các số liệu được công bố hôm thứ Sáu tuần trước, lạm phát tháng 5 đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lạm phát tăng tốc trở lại so với tháng trước đó. Đây là mức tăng cao, rất cao so với mức 2% thường niên, hiện vẫn là chỉ tiêu chính thức được đặt ra.
Giải pháp là nâng giá đồng tiền và các khoản vay để làm giảm nhu cầu. Và cơ quan do Jerome Powell lãnh đạo đã sẵn sàng từ nay đến cuối năm nhấn phanh thêm nhiều lần nữa với tỉ lệ tương tự. Thách thức hiện nay là phải biết hãm phanh vừa đủ để tránh nguy cơ nền kinh tế đình trệ hoàn toàn.
Sau khi GDP quý đầu năm sụt giảm, FED không cho rằng suy thoái sẽ diễn ra trong quý 2. Nhưng điều này không ngăn cản họ điều chỉnh, hạ thấp mức tăng trưởng dự báo cho năm nay và năm sau. FED cũng dự báo tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhẹ từ nay đến cuối năm.
Nói cách khác, các thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ biết rằng họ đang « đi trên dây ». Thế nhưng, trong tất cả các sứ mệnh, ưu tiên của họ vẫn rất rõ ràng : kềm chế lạm phát .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét