Phạm Hà Phú sinh ra và lớn lên ở vùng quê Gia Lai, không có cha bên cạnh. Mẹ của em bươn chải ngoài đường để hai mẹ con có thể sống tạm qua mỗi ngày. Đến lớp 5, không còn cách nào khác, Phú phải nghỉ học để vào Sài Gòn cùng mẹ bán vé số. Từ đó, tuổi thơ của em là những ngày lang thang qua những con hẻm, khu chợ. Có những ngày, hai mẹ con cuốc bộ mười mấy cây số để kịp bán hết cọc vé số. Những đồng tiền lẻ kiếm được cũng chỉ đủ cho Phú và mẹ qua thêm một ngày.
<!>
Không muốn cuộc đời Phú gắn liền hai chữ “thất học”, người mẹ quyết định gửi con trai về Quy Nhơn sống cùng người bà con để có thể tiếp tục đến trường. Bà ở lại chốn thị thành tiếp tục mưu sinh bằng nghề bán vé số. Năm lớp 10, nhân dịp nghỉ học, Phú vào Sài Gòn thăm mẹ, cùng mẹ đi bán vé số. Hai mẹ con đang đi bán ở Quận 12 thì bà bị xe đụng phải. Phú mồ côi mẹ từ đó.
Và cũng từ đó, “Ngày nó sống kiếp lang thang / Ngẩn ngơ như chim xa đàn / Nghĩ mình tủi thân muôn vàn.” Càng tủi thân, anh càng nhất quyết không để cho người đời nghĩ “cái thằng không cha không mẹ thì làm được gì.” Phú làm đủ mọi việc có thể kiếm ra tiền, miễn là đồng tiền chân chính. Từ phụ quán, phát tờ rơi, dạy kèm, giao hàng cho đến mặc đồ các con thú đứng trước siêu thị thu hút khách mua hàng. Phú làm việc để tồn tại và quan trọng là để tiếp tục hoàn thành bằng cao đẳng tại Đại học Ngân hàng.
Ảnh: NVCC/Thanh Niên
Không ít lần mệt mỏi, áp lực cuộc sống đè nặng, chàng trai mồ côi đã muốn bỏ cuộc. Phú tâm sự: “Là con người mà, buồn chứ, cả ghen tị nữa. Thời điểm đó, nhìn thấy bạn bè mình tháng nào cũng được người thân gửi tiền, được cha mẹ gọi hỏi thăm mỗi ngày, tôi chạnh lòng. Áp lực cơm áo gạo tiền cuốn tôi vào vòng xoáy mỗi ngày. Làm thế nào để đăng ký được lớp buổi sáng thì chiều mới đi làm đến đêm được. Làm thế nào để vẫn hoàn thành bài vở, thi cử ngày càng khó, mà vẫn đi làm để có tiền…” (trích Thanh Niên)
Nhưng cuộc sống đã không quật ngã được “thằng bé” Phú. “Nó” tiếp tục đi làm, tiếp tục cố gắng, tiếp tục phấn đấu để không chỉ lấy bằng cao đẳng mà sau đó, thi đỗ và lấy bằng Đại học Tài chính – Marketing. Suốt những năm học là những năm anh chạy đua với thời gian từ sáng đến tối khuya, đi làm rồi đi học. Có khi cả ngày, chỉ có một ổ bánh mì trong bụng.
Niềm vui lớn nhất của Phú ngày tốt nghiệp đại học là anh biết “chắc chắn mẹ sẽ tự hào.”
Thời gian vừa đi học vừa đi làm chính là thời gian Phú từng bước “xây viên gạch đầu tiên” cho ngôi nhà của mình. Biết cách hoạch định chi tiêu trong cuộc sống, sớm phải mưu sinh “đầu đường xó chợ” từ những ngày còn rất nhỏ nên Phú hiểu “tiết kiệm khi hữu sự” là cần thiết như thế nào. Cho dù việc làm nhiều hay ít, Phú luôn để dành một khoản tiết kiệm 30 triệu đồng.
“Có một đợt tôi bị trộm vào phòng lấy mất laptop, điện thoại. Nhờ khoản để dành, tôi khôi phục lại tài chính. Tôi cũng tích cóp dần, phấn đấu làm sao để được 100 triệu đồng để gửi tiết kiệm ngân hàng. Từ 1 cuốn, 2 cuốn sổ tiết kiệm, để có nhiều hơn”, Phú nói. (trích Thanh Niên)
Thời sinh viên, Phú từng đi làm thêm là phục vụ tiệc cưới ở nhà hàng, đi cắm hoa thuê. Yêu công việc này, lại có kinh nghiệm, anh quyết định khởi nghiệp ở lĩnh vực kinh doanh hoa tươi, làm hoa cưới, tổ chức sự kiện. Khởi nghiệp ở một thành phố không phải nơi mình sinh ra, không bà con họ hàng, chàng trai mồ côi tiếp tục tự thân chiến đấu với cuộc đời.
Năm 2019, Phạm Hà Phú mua được căn nhà đầu tiên trong hẻm ở Thủ Đức, hơn 2 tỉ đồng. Ngày bước chân vào nhà mình, Phú đã khóc.“Tôi đã khóc, mừng vui, hạnh phúc, vì những cố gắng không ngừng nghỉ của mình trong suốt nhiều năm qua được đáp đền xứng đáng.”
Khả năng kinh doanh cộng thêm sự nhạy bén, linh hoạt với thị trường, Phú bán căn nhà nhỏ, có lời, mua lại căn khác. Năm 2022, ở tuổi 33, Phú đã mua được căn nhà trong hẻm tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh có giá hơn 6 tỉ đồng.
“Nó” – thằng bé từng “một thân côi cút không nhà” nay đã có mái nhà đi về mỗi ngày. Bữa cơm hàng ngày không khắc nghiệt như xưa, nhưng Phú không bao giờ quên những ngày khốn khổ cùng mẹ lê la, ngủ vật vờ khắp hẻm chợ. Nay mẹ không còn nữa, nhưng trong căn nhỏ của anh và mẹ luôn đầy ắp hình ảnh của mẹ. Phú treo ảnh của mẹ mỗi góc nhà. Mỗi khi đi chơi, đi công tác, Phú đều mang ảnh của mẹ đi cùng, để chụp hình cùng với mẹ.
“Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ” đó là hình ảnh tuổi thơ của Phạm Hà Phú – chàng trai mồ côi đầy nghị lực và ý chí sinh tồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét