Ngày Từ Phụ, xin ghi lại vài câu chuyện về tình cha con: Chuyện thứ nhất: Hai cha con đang ngồi trên ghế đá công viên. Người con trai đọc báo. Ông bố ngồi yên lặng, ngắm nhìn đàn chim sẻ đang nhẩy nhót tìm mấy hạt vụn. Bỗng nhiên, ông bố hỏi: -Tại sao chim sẻ lại nhẩy mà không đi? Người con không ngẩng lên, trả lời cụt ngủn: “Không biết” rồi tiếp tục đọc báo.Một lúc. Ông bố lại hỏi: -Bố thắc mắc “sao chim sẻ lại nhẩy mà không đi?” Người con sẵng giọng: -Không biết!
<!>
Vài phút sau, ông bố lại hỏi:
-Con không biết thật sao?
Người con giận dữ, ngẩng lên, quát bố:
-Sao bố hỏi gì mà hỏi lắm thế? Bố không biết là con đang bận sao?
Ông bố cúi đầu, thở dài:
-Hồi con còn nhỏ, suốt ngày con bám theo bố, hỏi hoài một câu gì đó, và bố đã phải ngưng tay làm việc, và trả lời con, cho dù con hỏi đi hỏi lại cả trăm lần. Lúc đó, bố vui lắm.
Người con giật mình, nhìn bố, đột nhiên, hai mắt đẫm lệ. Anh ta nghiêng người qua, lắp bắp: “Con.. con xin lỗi bố!” và ôm lấy cha. Hai cha con cùng khóc.
Chuyện thứ hai:
Tại một nhà dưỡng lão ở một thành phố lạnh, có một ông cụ Việt Nam luôn luôn ngồi quay mặt vào tường, không bao giờ nhìn ra ngoài. Một hôm, có anh A., một nhân viên thiện nguyện cũng người Việt, đến làm việc. Thấy thái độ khác thường của ông cụ, anh hỏi người thư ký thì biết là ông cụ người Việt mà con trai ông cụ đã bỏ cụ ở đây hơn 10 năm rồi không đến thăm. Biết ông cụ là người Việt, anh đến hỏi chuyện. Khi nghe thấy tiếng Việt, ông cụ mừng rỡ quay lại, nhìn anh. Câu đầu tiên, cụ nói là “Anh có biết nấu bún không?” Anh A. vui vẻ đáp: “Có, cụ ạ! Để ngày mai cháu mang bún đến cho cụ.” Ngày hôm sau, anh mang đến cho cụ một tô bún nóng. Cụ mừng lắm, cầm đũa ăn liền. Từ đó, anh A. đến thăm cụ thường xuyên hơn và vẫn mang bún đến, nhưng thay đổi, hôm nay bún này, mai bún kia. Từ lòng xúc động, cụ cho anh biết là cụ là một nhà thầu, sang Mỹ từ 1975, có một thằng con trai duy nhất. Trời cho làm ăn khấm khá, nhưng lại không may là vợ cụ mất sớm, nên cụ dành hết tình thương cho thằng con. Khi thằng con muốn đi học ở đại học xa, cụ bán hết cơ sở kinh doanh, theo con.
Con ra trường, cụ mừng lắm, lo cho con cưới vợ và trao hết tiền dành dụm cho vợ chồng nó có cơ sở làm ăn. Một hôm, nó bảo cụ là đưa cụ đi chơi xa, và bất ngờ nó thả cụ ở nhà dưỡng lão này rồi biến mất.
Vì thế mà cụ không muốn nhìn cuộc đời nữa mà suốt ngày quay mặt vào tường! Xúc động trước câu chuyện thương tâm, anh A. lại thăm cụ thường xuyên hơn. Nhưng rồi cũng đến lúc anh phải đi làm xa, nhưng thỉnh thoảng vẫn gửi thư thăm cụ. Một ngày kia, anh nhận được lá thư từ viện dưỡng lão, báo tin cụ ra đi. Trước khi cụ nhắm mắt, có nhắn anh lại nhận đồ đạc của cụ. Anh mua vé máy bay lại ngay và nhận gói đồ cụ để lại, gồm có chiếc đồng hồ và vài tấm hình gia đình cụ và chữ: “Cám ơn ông!”
Chuyện thứ ba:
Hôm đó, theo chương trình thường được tổ chức hàng năm, tôi hướng dẫn một nhóm người tập khí công đến thăm nhà dưỡng lão Garden Grove. Sau khi trao một chút quà cho các vị “định cư” tại đây, tôi đến chỗ bàn của một số vị đã từ lâu không gặp gia đình, ngồi hàn huyên một chút. Một vị chừng khoảng 80 tuổi, không nói được vì bị méo miệng, lấy ngón tay chấm nước trong ly trà tôi rót cho cụ, viết nguyệc ngoạc lên mặt bàn: “Ô…ng… đến… thăm, tôi…vui lắm!” Nhìn cụ, tôi không thể tưởng tượng được cụ từng là Giám Đốc một công ty lớn, nhiều tài sản, nhưng vì suy nghĩ quá, nên cụ bị xuất huyết não. Bệnh viện cứu sống được cụ, nhưng cụ bị liệt cả tứ chi. Con trai và con dâu đưa cụ vào đây mấy năm rồi, thỉnh thoảng có ghé một chút rồi lại đi ngay. Đang trao đổi vài câu với cụ, bất ngờ một ông lão ngồi xe lăn, chạy tới, gọi tôi: “Ông! Ông! Đẩy tôi ra bến Bắc Mỹ Thuận đi! Con tôi nó hẹn đến đón tôi mà!” Tôi vội vàng đẩy xe cho ông theo tay ông chỉ: “Quẹo! Quẹo! Trái! Trái!...” Đẩy tới cửa chính, ông lão nhìn ra cửa, thở dài, nói như mếu: “Thôi! Hôm nay nó lại bận rồi! Chắc mai nó tới! Ông đẩy tôi về nhà!”
Tôi vừa đẩy xe vừa nuốt nước mắt chẩy dàn dụa trên môi. Cùng lúc đó, một người phụ nữ trung niên đi tới, chỉ tay vào một vị ngồi xe lăn, ngóng ra ngoài, nói lớn: “Thôi! Ông ơi! Vào đi! Không có đứa nào đến đâu!” Quay lại tôi, chị thở dài: “Ngày nào cũng như ngày nào, cứ ra đó ngồi, rồi khóc đến ướt hết áo rồi mới chịu vào!”
Thật ra, hôm đó, không chỉ mình ông cụ ướt áo, mà chiếc áo sơ mi tôi mặc cũng đẫm mầu nước mắt.
Chu Tất Tiến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét