Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

Một ngày đáng nhớ với ‘Quái kiệt’ khẩu cầm Tòng Sơn - Trần Đình Phước (Saigonnhỏ)


Người Việt Nam nào yêu và biết về khẩu cầm (Harmonica) đều hay nhắc đến một nghệ sĩ tài danh, nổi tiếng sử dụng loại nhạc cụ này một cách tuyệt vời mà từ xưa đến nay “có một không hai.” Đó là nghệ sĩ khẩu cầm Tòng Sơn – người được Trung Tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là “Người Có Phong Cách Biểu Diễn Khẩu Cầm Độc Đáo Nhất Việt Nam.” Ông vừa qua đời ngày 12 Tháng Sáu, 2022 tại Sài Gòn, hưởng đại thọ 92 tuổi.
<!>
Khẩu cầm (harmonica) là một loại nhạc cụ nhẹ, dễ di chuyển và rất quen thuộc trong các buổi sinh hoạt ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ mọi hoàn cảnh nào. Nhất là trong sinh hoạt lửa trại của Hướng Đạo. Nghệ sĩ Tòng Sơn đã gắn bó với cây khẩu cầm gần 70 năm. Ông biểu diễn trên khắp mọi miền đất nước. Những lần lưu diễn ở nước ngoài, ông được khán giả thưởng ngoạn khâm phục, nhiệt liệt ca tụng, tán thưởng. Ông có tài đặc biệt vừa thổi khẩu cầm, vừa ăn chuối và vừa uống bia. Do đó, ông còn được biết với một nghệ danh khác là “Quái kiệt” Tòng Sơn.


Do một sự tình cờ và may mắn tôi đã có dịp gặp gỡ ông.

Tôi nhớ, hôm đó là sáng Thứ Hai 19 Tháng Sáu, năm 2006. Khi ngồi uống cà phê một mình tại quán bà Chi cũ, số 5 Nguyễn Phi Khanh, Đa Kao thì nghe ba thanh niên ngồi kế bên nhắc tên nghệ sĩ Tòng Sơn, họ dự định sẽ đi thăm ông vào cuối tuần. Nhân cơ hội này, tôi hỏi họ số điện thoại và nơi ông đang ở. Họ thắc mắc tại sao tôi lại hỏi thì tôi nói tôi rất ái mộ ông, rất mong được gặp mặt ông, nhưng không biết ông ở đâu. Thế là họ vui vẻ cho tôi địa chỉ và số điện thoại của nghệ sĩ Tòng Sơn.


Sau khi uống ly cà phê xong, tôi gọi nghệ sĩ Tòng Sơn theo số điện thoại được cho. Đầu dây bên kia có tiếng trả lời là Tòng Sơn. Tôi vội vàng nói, tôi là một khán giả từ lâu ái mộ ông và xin phép được đến thăm ông. Sau khi chờ vài giây, ông trả lời đồng ý và cho biết chỉ gặp ngay trưa nay, vì sau đó ông có học trò đến nhà học và tối phải đi biểu diễn cho một đám cưới tổ chức tại một nhà hàng ở Quận 3.

Thời tiết Sài Gòn giữa trưa Tháng Sáu khi mưa, khi nắng bất chợt. Ngồi trên chiếc xe đạp cọc cạch. Tôi đạp đến cổng xe lửa số 6, nằm trên đường Trương Minh Giảng cũ mà mồ hôi ra nhễ nhại ướt đẫm cả sơ mi. Tạm nghỉ vài phút cho bớt mệt, sau đó quẹo phải khoảng 200 mét. Tôi phải vác xe đạp băng qua đường rày, gặp một cái chợ nhỏ đang nhóm ồn ào có tên cũ là chợ Ga, tên mới là Trần Hữu Trang.

Gửi xe đạp xong, tôi hỏi thăm mấy người bán hàng rong trước chợ về nghệ sĩ Tòng Sơn, nhưng không ai biết. Cuối cùng, có một bác lớn tuổi dắt tôi đến số nhà 86/9. Bác nói “ông Tòng Sơn đang ở đây.”Đó là một căn nhà bằng ván, lợp tôn rất ọp ẹp. Nhìn thấy phía dưới nhà có một phụ nữ đang ngồi đạp máy may. Tôi nói với cô về lý do tôi tìm đến đây. Cô chỉ tay lên trên cái gác lửng nhỏ và nói chú ấy thuê đã nhiều năm nay, nói tôi cứ tự nhiên bước thang lên gác. Hình như chú đang đợi người nào đó…

Khi bước lên tới gác, nghệ sĩ Tòng Sơn bắt tay tôi, rồi ân cần mời ngồi xuống sàn gác vì “phòng” không có ghế. Ông hỏi tôi làm sao biết ông ở đây mà tìm đến. Tôi trả lời là do một sự tình cờ nên hôm nay được gặp ông. Tôi thấy mình quá may mắn và rất mãn nguyện vì ngay từ thuở thơ ấu, tôi rất mê xem ông thổi khẩu cầm, ước ao được gặp một lần. Nay, tôi đã có duyên lành được hàn huyên với ông, xin phép được gọi ông bằng anh và hỏi ông những điều tôi ấp ủ lâu nay. Nghệ sĩ Tòng Sơn đồng ý với yêu cầu “chỉ hỏi những gì liên quan đến harmonica.”

Cuộc bén duyên với harmonica

Buổi hàn huyên giữa người nghệ sĩ thổi khẩu cầm và tôi – một người ái mộ tài năng của ông bắt đầu với câu chuyện đời ông và sự cuộc bén duyên với harmonica.

Tên thật của nghệ sĩ Tòng Sơn và Dương Ngô Tòng. Ông sinh ra ở Vĩnh Long, năm 1930. Nghệ danh Tòng Sơn là do anh ghép tên thân phụ đứng sau tên anh. Năm 15 tuổi, ông nhặt được cây harmonica do ai đó đánh rơi. Ông tìm hiểu nó, nghêu ngao hàng ngày với cây kèn mà hoàn toàn không biết một tí gì về nhạc lý và cách sử dụng. Sau này, được ông anh bà con biết một chút về Harmonica và nhạc lý hướng dẫn, nên ông làm quen dần và có thể thổi vài bản nhạc đơn giản.

Năm 20 tuổi, nghệ sĩ Tòng Sơn rời bỏ quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Lúc này, khả năng thổi khẩu cầm của ông đã tiến bộ hơn nhiều. Ông có thể chơi những bản nhạc khó và phức tạp hơn. Bạn bè thấy vậynên đã khuyến khích ông tham dự cuộc thi tuyển lựa ca sĩ và sử dụng nhạc cụ do Đài Phát Thanh Pháp Á tổ chức. Kết quả, chàng trai Dương Ngô Tòng chiếm giải nhất về sử dụng nhạc cụ. Kể từ đó, duyên nợ giữa ông và khẩu cầm bắt đầu.

Ông mang kèn đi biểu diễn trong các chương trình đại nhạc hội, nhà hàng, đám cưới và lưu diễn khắp nơi, kể cả một số nước ở Đông Nam Á. “Có nhiều chỗ anh được trả cát sê rất cao,” ông nói với tôi.

Nhớ lại những bài đã đưa ông đến gần với khán giả mộ điệu, ông kể một loạt ca khúc Việt lẫn ngoại quốc như: Xóm Đêm của Phạm Đình Chương, Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương, Tôi Đưa Em Sang Sông của Y Vũ và Nhật Ngân, Đồng Xanh (Greenfields-The Brothers Four) Bésamé Mucho, Tình Ca Du Mục, Cách Bướm Vườn Xuân.

Có một kỷ niệm nhỏ trong nghề được ông nhớ lại. Một lần, nghe phần đệm nhạc bằng harmonica trong phim “The Good,The Bad and The Ugly”, ông rất thích và cố gắng bắt chước cho bằng đuợc. Ông phải bỏ ra rất nhiều thời gian tập luyện. Khi trình diễn trước công chúng lần đầu tiên, mọi người đón nhận và rất yêu thích bản “cover” nhạc phim đó.


Nghệ sĩ Tòng Sơn tự nhận mình là một nghệ sĩ luôn trân trọng khán giả. Khi có dịp xuất hiện trước mặt họ, ông luôn luôn trau chuốt, trang phục chỉnh tề và lạ mắt. “Anh đã bỏ ra nhiều tiền để mua sắm, may quần áo hợp thời trang ở những tiệm may nổi tiếng của Sài Gòn để có một dáng bên ngoài hấp dẫn, ngõ hầu khán giả đã ái mộ, càng ái mộ anh hơn,” ông nói.

Tôi hỏi ông ước mơ lớn nhất của ông là gì? Nghệ sĩ khẽ đáp: “Anh chỉ có một ước mơ duy nhất là ơn trên cho anh có sức khoẻ tốt để được đến với khán giả lâu dài. Ngày nào còn thở là ngày đó anh còn cầm cây harmonica đứng biểu diễn trước khán giả. Giống như kiếp tằm phải nhả tơ.”

Không chỉ nổi tiếng với tài thổi harmonica có một không hai, mọi người còn biết ông là người sở hữu nhiều loại khẩu cầm trên thế giới. Ông không ngần ngại mang bảo vật cho tôi chiêm ngưỡng. Ông lấy từ tủ quân áo ra một cái va-li Samsonite nhỏ đã cũ trong đó chứa cả mấy chục cây kèn. Có lẽ đây là gia tài lớn nhất của người nghệ sĩ thổi khẩu cầm có được trong căn gác ọp ẹp này, hoặc là trong cả đời ông.

Ông cầm cây kèn harmonica chỉ có một lỗ khoe với tôi: “Đây là cây kèn rất hiếm mà anh quý nhất. Đã có một người chuyên môn sưu tầm harmonica trả giá rất cao, nhưng anh nhất định không bán, dù đang gặp hoàn cảnh khó khăn.”
“Anh rất quý những cây kèn này. Anh coi chúng như là những đứa con tinh thần, luôn luôn nâng niu, giữ gìn thật kỹ lưỡng. Sau mỗi lần đi biểu diễn về, anh đều lau chùi sạch sẽ và để chúng trở lại trong va-li,” ông nói giới thiệu cho tôi từng cây một, nói vanh vách giá trị và xuất xứ của nó.

Nhìn gia tài harmonica đồ sộ của anh, tôi biết là anh đã bỏ ra nhiều thời gian, tiền bạc, công sức và đi nhiều nơi mới có thể sưu tầm được. Tôi đang mải mê ngắm nhìn các bảo vật của ông, chợt nghe ông nói: “Nếu em thích bất cứ cây kèn nào trong va-li này, trừ cây kèn một lỗ thì anh sẽ tặng em để làm kỷ niệm.” Quá bất ngờ trước tấm lòng của ông, tôi đắn đo, bối rối không biết phải nói gì. Thấy tôi im lặng, ông ân cần nói: “Em đừng ngại. Đây là xuất phát từ tấm lòng của anh đặc biệt dành cho em. Dù em và anh chưa hề quen nhau, chưa hề một lần gặp mặt, nhưng khi vừa tiếp chuyện với em là anh đã có cảm tình liền. Anh cứ tưởng chừng như anh em mình quen biết nhau đã lâu.”

Tôi chọn cây kèn Suzuki 24 lỗ Made in Japan nằm trong hộp. Anh nói với tôi: “Cây kèn này, anh phải lựa đi, lựa lại, thử tới, thử lui cả mấy chục cây mới mua được. Nay em thích thì anh tặng em để làm kỷ niệm cho buổi gặp gỡ bất ngờ này. Từ xưa tới nay, anh chưa bao giờ tặng cho bất cứ ai hết!” Sau đó, anh lấy Permanent Ink Marker ký tên trên hộp kèn và trao cho tôi.



Tác giả và nghệ sĩ Tòng Sơn (ảnh tác giả gửi)

Người nghệ sĩ mà tôi ngưỡng mộ từ nhỏ tận tình chỉ tôi cách cầm kèn, hít thở, giữ hơi và một số kinh nghiệm về khẩu cầm mà anh có được. Chưa hết, ông còn tặng tôi những đứa con tinh thần khác, đó là các CD và DVD của anh. Nghe ông nói, đây là hoài bão mà ông đã ấp ủ nhiều năm mới thành hình.

Cuộc hàn huyên bị cắt ngang bởi tiếng ồn ào dưới chân cầu thang, tôi đoán là học trò của ông đã tới. Không dám ngồi thêm lâu, tôi xin phép ra về, cũng xin được tặng anh chút quà tôi đã chuẩn bị và mang theo.

Bất ngờ anh nói ngay: “Bộ em muốn trả tiền mua cây kèn của anh tặng sao?” và nhất định từ chối, không nhận. Tôi phải năn nỉ nhiều lần, thậm chí “hù doạ” là nếu ông cương quyết không nhận món quà thì tôi xin để lại cây kèn vào va-li của ông. Cuối cùng, cả ông và tôi đều không muốn ai phụ lòng ai nên đã đón nhận tấm lòng trân quý của nhau. Vì thế mà tôi đang có được một trong những bảo vật của nghệ sĩ khẩu cầm Tòng Sơn.

Tôi nói với ông: “Đây là tấm lòng chân thật của một người em dành cho môt người anh mà từ lâu ái mộ, một thần tượng thời thơ ấu của em, một người ở phương xa chưa hề quen biết anh, chưa một lần gặp mặt, một trong hàng triệu khán giả ngưỡng mộ tài nghệ một nghệ sĩ khẩu cầm danh tiếng nhất Việt Nam – nghệ sĩ Tòng Sơn.”

Xin chân thành cảm ơn nghệ sĩ Tòng Sơn đã dành cho tôi một tình cảm đặc biệt. Dù chỉ mới gặp anh lần đầu.

San Jose, California

TĐP______________

ĐỌC THÊM:


Không có nhận xét nào: