Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

Một cơn đau tim - Bạch Dương


Tối thứ ba tuần truoc, sau khi gửi ý kiến về Lá Diêu Bông vào Diễn Đàn, tôi đi ngủ rất ngon đến hơn 6 giờ sáng, dậy đi tắm và sửa soạn đi làm, cảm thấy thoải mái bình thường, không có triệu chứng gì khác lạ. Khoảng 7 giờ hơn, khi với tay tắt ngọn đèn trên đầu tủ (hơi cao), tôi bỗng thấy mặt nóng bừng, mồ hôi toát ra, hai cánh tay rã rời như vừa khiêng vác vật nặng quá sức. Khi đó, tôi hơi nghi là bị stroke (đứt hoặc nghẽn mạch máu dẫn vào óc), liền lấy máy đo huyết áp,thấy rất cao, khoảng 180/100. Tôi vội lấy 2 viên thuốc chống cao máu uống liền một lúc. (Tiếc rằng nhà không có sẵn aspirin).
<!>
Ngay sau đó, tôi xuống cầu thang thì bắt đầu thấy tức ngực, đau khoảng giữa lồng ngực, nửa như đau bao tử (xót bao tử khi đói), nửa như bị ai đấm vào chấn thủy.
Nhìn vào gương, cười, nói, dơ tay lên xuống thì không thấy có gì biến đổi hay khó khăn, không nhức đầu chóng mặt, hát thử vài câu vẫn thấy dở như thường, nghĩa là không có những triệu chứng của stroke.

Tôi liền nghĩ ngay đến heart attack (cơn đau tim), chứ không phải stroke.

Không chần chờ nữa, tôi gọi số cấp cứu 911 ngay ( ở Úc gọi số cấp cứu 000 ).

Lúc đó vào khoảng 7 giờ 20, chỉ chừng 10 phút sau khi tôi nhận thấy triệu chứng khó chịu đầu tiên.

Qua điện thoại, nhân viên cấp cứu bảo tôi ngồi hoặc nằm ở tư thế nào thấy thoải mái nhất, nhờ người nhà lấy tất cả những thứ thuốc tôi đang uống để sẵn, và để ngỏ cửa vào nhà.

Khi đó tôi vẫn tỉnh táo, đọc tên từng loại thuốc và liều lượng đang uống cho họ, nhưng rất khó thở và hai cánh tay rất mỏi.

Vẫn không thấy nhức đầu và không nói líu lưỡi (không phải stroke).

Chừng 5 phút sau, xe cấp cứu tới. Người paramedic cho tôi nhai ngay chừng 5 hay 6 viên baby aspirin (loại 81 mg), nhai rồi nuốt trửng chứ không chiêu với nước để cho thuốc thấm theo nước miếng vào các mạch máu nhỏ dưới lưỡi, mục đích là làm cho máu loãng ra.

Đồng thời họ xịt Nitroglycerin lỏng vào dưới lưỡi tôi ba lần, mỗi lần cách nhau chừng 5 phút, để cho các mạch máu giãn nở (không được dùng quá 3 lần, kẻo sự giãn nở mạch máu quá đáng, có thể gây stroke). Tôi thấy bớt tức ngực, thở dễ hơn, nhưng hai cánh tay vẫn rã rời. Trái lại, đầu óc tỉnh táo, không nhức đầu, và chân đi vẫn vững vàng (không stroke).
Chừng 5 phút sau, xe cứu thương tới. Tôi đã cảm thấy dễ thở hơn và có thể tự đi ra trèo lên băng-ca cấp cứu. Trên đường vào vào bệnh viện, tôi để ý thấy xe không hụ còi - có nghĩa là không có gì khẩn cấp lắm.
Trên xe, người paramedic hỏi chuyện tôi liên tục, mục đích là coi tôi có tỉnh táo, có bị stroke khiến nói ngọng không. Có người vừa bị heart attack vừa bị stroke, rất nguy hiểm.
Khoảng 15 phút sau đến bệnh viện, họ đưa tôi vào khu cấp cứu, có bác sĩ chăm sóc ngay lập tức. Họ tiếp "nước biển" hòa thuốc làm loãng máu và làm tan máu đông (blood clots), morphine làm bớt đau, chụp quang tuyến X lồng ngực để tìm dấu vết sưng phổi nếu có (pneumonia), đo tâm động đồ (EKG). Đồng thời họ cho thử máu để tìm chỉ số enzyme định bệnh tim. Khi tim bị thiếu máu, tim sẽ tiết ra loại enzyme này. Nếu chỉ số enzyme cao tức là bệnh nhân đã bị heart attack. Lần đầu, có lẽ vì thử nghiệm quá sớm, nên chỉ số không cao. Họ chờ 2 tiếng sau thử lại, thì mới rõ ràng là bị heart attack. Vì nhịp tim của tôi đập không quá nguy cấp, nên bác sĩ không mổ ngay. Trong thời gian đó, tuy vẫn nằm ở khu cấp cứu, nhưng tôi rất tỉnh táo, bớt đau ngực và tay, và còn có thể lấy smart phone ra trả lời ngắn gọn một hai emails.

Lạ một điều là tâm động đồ làm mấy lần đều không có dấu hiệu heart attack rõ ràng.

Sau này bác sĩ giải thích rằng bắp thịt tim tôi chưa bị hư hại và còn hoạt động mạnh dù bị attacked, có lẽ nhờ vào việc tôi bơi lội thường xuyên (tôi thường bơi 40 đến 60 chiều dài hồ bơi trong một giờ, một hai lần mỗi tuần - nhưng từ sáu tháng nay bận nhiều việc quá nên chuồn, không bơi, không tập thể dục gì hết!).
Khoảng 3 giờ chiều thì bác sĩ chuyên khoa tim quyết định làm phẫu thuật thông mạch máu tim (angioplasty). Theo kỹ thuật này, bác sĩ cắt một lỗ rất nhỏ ở mạch máu gần háng hay cổ tay - trường hợp của tôi bác sĩ cắt ở cổ tay - rồi luồn một camera cực nhỏ ở đầu một catheter (ống mềm rất mảnh) đưa vào đến động mạch tim. Camera sẽ chiếu lên màn ảnh computer lớn như TV cỡ 60" để cho thấy chỗ bị tắc nghẽn.

Khi đó tôi vẫn tỉnh, chỉ hơi mơ mơ buồn ngủ do được chích thuốc an thần, không làm mê hoàn toàn, và không cảm thấy đau đớn gì hết. Khi tìm ra chổ mạch máu nghẽn, bác sĩ sẽ "bắn" cho cục máu đông (blood clot) tan ra, rồi đẩy một "bong bóng" (balloon) vào chỗ đó, xong bơm cho bong bóng căng lên, làm phồng khúc mạch máu nghẹt khiến cho máu thông dễ dàng, trước khi xì hơi bong bóng, còn để lại một "giàn lưới" (stent) hình ống, nằm lót bên trong nhằm căng khúc mạch máu đó ra. Lưới sẽ nằm vĩnh viễn trong mạch máu tim, nên bệnh nhân sẽ phải uống thuốc làm loãng máu dài dài, nếu không, máu đông có thể kẹt vào đó làm heart attack nữa!
Cuộc giải phẫu, ban đầu dự tính chừng 45 phút, đúng hai giờ mới xong! Mà vẫn còn hai mạch máu nữa chưa được thông, nên vài tuần nữa tôi sẽ phải vào bệnh viện làm tiếp. Tuy nhiên, lần sau sẽ dễ dàng hơn nhiều, có thể làm xong trong ngày, trừ khi tôi để cho bị heart attack nữa.
Sau khi mạch máu tim được thông, tôi cảm thấy dễ chịu ngay lập tức. Hai cánh tay hết mỏi rã rời, ngực hết tức, nhịp thở gần bình thường trở lại.
Bác sĩ đã mổ từ mạch máu ở cổ tay tôi, luồn vào tim, nên tôi mau hồi phục hơn là mổ từ dưới háng. Sau ba ngày, mở băng ra, cổ tay tôi chỉ còn vết đóng vảy cỡ như bị con kiến lửa cắn rồi mình gãi ra mà thôi! Tuy nhiên, dọc theo cánh tay có vết bầm phía bên trong, chắc là do đường ống luồn qua gây nên. Không đau đớn gì cả. Tim không có cảm giác gì mới lạ, vẫn yêu, thương, hờn, giận... như thường! Đặc biệt là sau khi được thông mạch máu tim, huyết áp của tôi xuống và nằm ở mức rất tốt, rất ổn định.
Bác sĩ giải thích là do mạch máu được thông nên tim đỡ phải làm việc nhiều, không cần bơm máu mạnh như trước nữa, nên áp suất nén vào thành mạch máu cũng giảm đi. Thật là một công đôi việc!
Qua tai biến này, tôi rút ra được vài kinh nghiệm quý báu như sau, xin được chia sẻ cùng Diễn Đàn:

Thứ nhất : BÌNH TĨNH MÀ RUN! Đúng vậy, ai mà không run khi nghĩ đùng một cái mình đang bị một trong hai chứng bệnh giết người nhiều nhất và nhanh chóng nhất: Heart attack đứng đầu, stroke thứ ba, chỉ sau ung thư.
Nhưng phải thật bình tĩnh và tỉnh táo để không lãng phí từng giây phút và làm bệnh thêm trầm trọng.

Thứ hai :NGƯNG MỌI HOẠT ĐỘNG VÀ ĐỂ Ý NGAY KHI CÓ TRIỆU CHỨNG LẠ THỨ NHẤT. (trường hợp tôi là toát mồ hôi dù buổi sáng khá lạnh). Nếu đang lái xe, cần phải tìm chỗ an toàn đậu lại ngay. Chú ý: Nếu có cell phone, luôn luôn mang bên mình, không để trong cặp hay giỏ đàng sau cóp xe.


Thứ ba: GỌI CẤP CỨU NGAY KHI CÓ NHIỀU HƠN MỘT TRIỆU CHỨNG Lạ của stroke hay heart attack (thí dụ: cánh tay mỏi rã, tức ngực, ngay sau khi toát mồ hôi).
Ở Mỹ: Không nên nhờ người nhà chở vô nhà thương, mà phải gọi 911. Lý do: bệnh viện có bổn phận phải cấp cứu ngay lập tức khi tiếp nhận một bệnh nhân do 911 đưa tới.

(Ở Úc thì phải gọi ba số không: 000). Người paramedic đưa mình tới phải chờ cho đến khi thấy mình được chăm sóc bởi bác sĩ, rồi mới đi được. Nếu mình tự tới xin cấp cứu, trừ khi bị thương máu me đầm đìa như bị đụng xe, còn không sẽ phải làm nhiều thủ tục và chờ đợi trước khi được cấp cứu. Nếu bị stroke hay heart attack mà mất chừng 15 phút là nguy lắm rồi.


Thứ tư: Cố gắng PHÂN BIỆT CÁC TRIỆU CHỨNG GIỮA STROKE VÀ HEART ATTACK.

Khi chuyên viên cấp cứu đến nhà, cố gắng trả lời rõ ràng sao cho họ có thể hướng sự cấp cứu về một loại tai biến: Stroke hay Heart Attack. Lý do: những giây phút cấp cứu đầu tiên là cực kỳ quan trọng. Nếu không phải stroke vì máu nghẽn, mà vì đứt mạch máu, nhức đầu mạnh, mạch máu chính trên đầu bị bể, mà nhân viên cấp cứu cho thêm aspirin làm loãng máu, nitroglycerin làm giãn mạch... thì tiêu luôn tại chỗ! Theo các bác sĩ, khi thiếu máu vào nuôi, tế bào óc sẽ chết mau hơn tế bào tim nhiều. Do đó, nếu nhân viên cấp cứu tin là bệnh nhân bị stroke do đứt, bể mạch máu thì nhiều phần là họ sẽ lo chở bệnh nhân vào bệnh viện thật sớm (bây giờ ở Mỹ và các nước tiên tiến có thuốc chích có thể hồi phục stroke, nếu được chích trong vòng một, hai giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên, càng sớm càng tốt.) Nếu tin là heart attack thì họ sẽ thử làm cho máu loãng và mạch nở tại chỗ, mất chừng 10 phút trước khi họ chở đi. Mười phút phù du đầu tiên đó quý giá bằng 10 năm hay có thể bằng cả quãng đời còn lại!

Thứ năm: Trong bệnh viện, cần TỈNH TÁO (khi còn có thể), NÓI CHUYỆN NHÌỀU với y tá, bác sĩ (không hiểu thì yêu cầu người thông dịch). Đặt câu hỏi mỗi khi nhân viên y tế làm bất cứ thủ thuật nào trên cơ thể mình.
Thí dụ: Chích thuốc này làm gì? Tại sao cần chụp X-ray ngực hai lần trong vòng vài giờ khi tình trạng không có gì thay đổi? - Nhờ hỏi mà tôi tránh được 1 lần X-ray vô ích do lỗi của y tá, người ca trước đã làm, người ca sau lại định làm nữa!

Thứ sáu: Khi đã lên bàn phẫu thuật mà không bị đánh thuốc mê thì hãy quên hết mọi sự, mà chỉ NGHĨ VỀ CHUYỆN VUI, như chuyện trên Diễn Đàn “BÀ NGOẠI” LÊ TRANG, “BÀ NỘI” LISA PHẠM, mặc kệ họ làm gì thì làm!
Chẳng có gì phải lo lắng nữa!

Kính mến



10 dấu hiệu thường gặp trước cơn đau tim 30 ngày

Bệnh tim có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho người bệnh. Tuy nhiên nhiều người thường bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo ban đầu trước khi cơn đau tim xảy ra.
Bệnh tim là nguyên nhân gây ra cái chết của 40% những trường hợp tử vong ở Mỹ, nhiều hơn tất cả các trường hợp tử vong do ung thư cộng lại. Tuy nhiên nếu để ý bạn sẽ phòng tránh được căn bệnh này, bởi có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo trước khi cơn đau tim thực sự xảy ra.
Trái tim là bộ phận làm việc miệt mài nhất trong cơ thể, nó liên tục bơm máu có oxy và chất dinh dưỡng đi nuôi các bộ phận. Điều không may là một trong những cơ quan vận chuyển máu (động mạch) lại dễ gặp vấn đề nếu chúng ta không có một sức khỏe tốt, mắc các bệnh mạn tính, như mỡ máu, tăng huyết áp....
Bệnh động mạch vành được cho là nguyên nhân phổ biến gây ra các cơn đau tim, nhưng thực tế, có rất nhiều loại bệnh tim gây ra các cơn đau. Bất kể là nguyên nhân gì, các chuyên gia tim mạch cho biết, trong vòng 30 ngày hoặc ít hơn trước khi xảy ra một cơn đau tim, người bệnh thường xuất hiện những triệu chứng cảnh báo. Nhưng không phải ai cũng để ý và thường bỏ qua những dấu hiệu này.
Nhồi máu cơ tim thường bắt đầu từ từ, triệu chứng có thể từ nhẹ đến mạnh, tần xuất ít đến nhiều các cơn đau. Riêng những người bị bệnh tiểu đường thường không có triệu chứng hoặc các biểu hiện rất nhẹ. Triệu chứng của một cơn đau tim mỗi người một khác, các bác sĩ tim mạch cho biết, nếu có ít nhất 5 triệu chứng dưới đây, bạn cần phải đi gặp bác sĩ ngay.

1. Khó thở
Khó thở khi gắng sức, khó thở khi nằm, đặc biệt vào ban đêm khiến bạn phải tỉnh dậy, ngồi dậy là những dấu hiệu ban đầu của bệnh tim. Giáo sư Nieca Goldberg, Trung tâm y tế NYU Langone ở New York, Mỹ cho biết: “Đôi khi người ta bị một cơn đau tim nhưng không đau ngực hoặc đau kết hợp khó thở. Giống như người bệnh vừa mới chạy marathon ngay cả khi họ không đi lại." Trong một cơn đau tim, khó thở thường đi kèm với khó chịu ở ngực.
2. Chóng mặt, vã mồ hôi
Khi dòng máu đến não không đủ, nó ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể. Nhồi máu cơ tim có thể gây choáng váng và mất ý thức, ngoài ra chóng mặt còn do nguyên nhân rối loạn nhịp tim gây ra. Khi không vận động và môi trường không quá nóng, mà bạn vã mồ hôi như tắm, điều này báo hiệu một cơn đau tim sắp đến.


Rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến chóng mặt, choáng váng và mất ý thức.

3. Mệt mỏi
Khi bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức mỗi ngày, điều này kéo dài hàng tuần, đó có thể là dấu hiệu thiếu máu đến tim, não và phổi. Bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động thường ngày, bởi lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, ngay cả với những công việc đơn giản, nhẹ nhàng. Đối với phụ nữ, mệt mỏi bất thường hãy nghĩ tới một cơn đau tim sắp xảy ra, nhưng nếu cảm thấy lúc nào cũng mệt mỏi, đó có thể là triệu chứng của bệnh suy tim.

4. Đau ngực, lưng, vai, cánh tay và cổ
Triệu chứng phổ biến nhất trước mỗi đau tim là đau ở ngực. Cơn đau này thường báo hiệu một cơn đau tim thực sự sắp xảy ra. Khi cơn đau ngực đầu tiên xảy ra, hầu hết mọi người đều hoảng sợ, nhưng khi nó hết, người bệnh bỏ qua dấu hiệu ban đầu này và không đi bệnh viện kiểm tra. Thường sau các cơn đau ngực , người bệnh sẽ thấy xuất hiện những cơn đau lan đến vai, cánh tay, và lưng. Nhồi máu cơ tim thường có liên hệ với đau cánh tay, có thể đau cả hai bên hoặc giữa hai xương bả vai.

5. Sưng, phù
Suy tim là do sự tích tụ dịch trong cơ thể. Điều này có thể gây ra sưng (thường ở bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân, hoặc bụng), nhiều khi người bệnh thấy có cảm giác mình tăng cân đột ngột và mất cảm giác ngon miệng
.
6. Điểm yếu không rõ nguyên nhân
Khoảng 1 vài tuần hoặc vài ngày trước khi cơn đau tim xảy ra, người bệnh thường cảm thấy yếu trong người. Phó trưởng khoa nghiên cứu Đại học y Arkansans, Mỹ, Jean C. McSweeney cho biết: "Một bệnh nhân nói với tôi, cô ấy cảm thấy như không thể giữ nổi một mảnh giấy giữa các ngón tay". Nó giống như việc bị cúm có hoặc không có chút sức lực nào nữa. Triệu chứng cảnh báo sớm này rất nhiều người găp phải nhưng cũng nhiều người bỏ qua. Thực tế đây là một biểu hiện sớm của một cơn đau tim trong tương lai.

7. Nhịp tim nhanh hoặc không đều
Các bác sĩ thường cho rằng không có gì đáng lo ngại nếu một người có một nhịp tim đập nhanh một thời điểm nào đó rồi trở lại bình thường. Nhưng một mạch nhanh hoặc không đều - đặc biệt là khi đi kèm với kiệt sức, chóng mặt, hoặc khó thở - có thể là bằng chứng sắp tới của một cơn đau tim, suy tim, hoặc rối loạn nhịp. Nếu không điều trị, một số rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến đột quỵ, suy tim, hoặc đột tử.

8. Tiêu hóa
Đau bụng không phải là triệu chứng hiếm gặp, trước những cơn đau tim, nhiều người thường cảm thấy khó chịu ở bụng, thậm chí nhiều trường hợp xuất hiện sưng bụng – thường là dấu hiệu liên quan đến suy tim. Vì suy tim thường ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, có cảm giác chán ăn, khó tiêu, hay ợ nóng.
9. Thay đổi tâm trạng
Nhồi máu cơ tim có thể gây ra sự lo lắng và căng thẳng hay thậm chí là một nỗi sợ hãi về cái chết cận kề. Những người sống sót cơn đau tim thường nói chuyện về việc “chết đi sống lại”, họ có cảm giác lo lắng về tính mạng của mình nhiều hơn.

10. Ho
Ho dai dẳng hoặc khò khè có thể là một triệu chứng của suy tim - đây được cho là nguyên nhân do sự tích tụ chất dịch trong phổi do bệnh suy tim gây nên. Trong một số trường hợp, người bị suy tim ho ra đờm có máu.
Theo Bạch Dương/Báo Sức Khỏe Đời Sống


Yêu nhau đi

Không có nhận xét nào: