Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

Chủ Nhật Tuần Này: Mừng Ngày Của Cha (Happy Father’s Day!) - Lê Văn Hải


Chủ Nhật Tuần Này: Mừng Ngày Của Cha (Happy Father’s Day!)

Ngày Của Cha (Father's Day) Bắt Nguồn Từ Đâu? Là một ngày lễ quốc tế! tôn vinh quyền, thiên chức làm cha, gắn kết tình gia đình, cũng như nhắc nhở ảnh hưởng của những người cha quan trọng trong xã hội ra sao. Tại các quốc gia Công giáo ở Châu Âu, hầu hết được tổ chức vào ngày 19 tháng 3 (Ngày Thánh Cả Giuse). Kể từ thời Trung cổ, Lễ kỷ niệm này được người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mang sang Châu Mỹ Latinh, và ngày 19 tháng 3 vẫn thường được sử dụng làm ngày lễ, mặc dù nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Mỹ, cùng nhau lấy ngày theo nước Mỹ, đó là Chủ nhật thứ ba của tháng Sáu.
<!>
Ngày kỷ niệm được tổ chức vào các ngày khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng ngày phổ biến nhất, vẫn là vào các tháng 3, tháng 4 và tháng 6 theo phong tục của mỗi quốc gia.


Ngoài Ngày Của Cha, còn có Ngày Quốc tế Nam Giới, được tổ chức tại nhiều quốc gia, vào ngày 19 tháng 11, bao gồm cả những người đàn ông không phải (hoặc chưa phải) là cha.


Lịch Sử Ngày Lễ Cha Tại Hoa Kỳ

Năm 1909, bà Sonora Smart Dodd, người sống ở Spokane, Washington, Hoa Kỳ đã nghĩ sau khi tham dự Ngày của Mẹ tại Nhà thờ: '"Tại sao không có Một ngày lễ tương tự như Ngày của Mẹ, để tưởng nhớ những người cha thân yêu của tôi?”

Khi bà Dodd 13 tuổi, người mẹ không may qua đời trong khi sinh con, để lại 6 đứa con. Sau khi cha của bà, ông William Smart trở thành người goá vợ và không tái hôn. Ông đã thay vợ, nuôi dưỡng sáu đứa con của mình. (bao gồm một đứa trẻ sơ sinh), tại một trang trại nông thôn ở miền đông tiểu bang Washington, Hoa Kỳ. Năm 1909, ông Smart qua đời. Sau lễ Tạ ơn vào Ngày của Mẹ, Bà Dude đã chia sẻ với mục sư nhà thờ Reimas về tình yêu và nỗ lực của cha mình, trong việc nuôi dạy con cái. Bà hy vọng sẽ có một ngày đặc biệt, để tỏ lòng tôn kính với cha mình. Và cũng để tưởng nhớ người cha chung vĩ đại của cả thế giới. Bà đã đưa ra một đề nghị thành lập Ngày Của Cha, hy vọng rằng sẽ có một ngày lễ này trên toàn thế giới, để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn tới người cha.

Sau khi nghe câu chuyện của bà Dodd, Mục sư Reimas vô cùng xúc động, trước tinh thần ông Smart và ủng hộ những nỗ lực của bà, để thúc đẩy việc thành lập Ngày của Cha. Vào mùa xuân năm 1910, bà bắt đầu khởi xướng Ngày Của Cha, sau đó nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức nhà thờ khác nhau. Bà cũng viết để bày tỏ suy nghĩ và đề nghị của mình, với thị trưởng và chính quyền bang. Với những nỗ lực của bà Dodd, Thị trưởng Spokane và Thống đốc Washington đã đồng ý công nhận, và Washington đã tổ chức bữa tiệc mừng Ngày Của Cha đầu tiên trên thế giới, vào ngày 19 tháng 6 năm 1910.

Năm 1924, Tổng thống Mỹ Calvin Coolidge đã ủng hộ Ngày Của Cha, như một ngày lễ quốc gia.

Năm 1966, Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson, đã thông báo chọn tháng sinh nhật của ông Smart, là tháng 6 năm đó, ngày thống nhất Mừng Ngày Của Cha ở Hoa Kỳ.

Năm 1972, Tổng thống Hoa Kỳ Nixon đã chính thức ký văn bản, đánh dấu ngày Chủ nhật thứ ba của tháng 6 hàng năm, là Ngày Của Cha tại Hoa Kỳ và từ đó trở thành ngày lễ kỷ niệm quốc gia vĩnh viễn của Mỹ.


Ngày Của Cha Ở Các Quốc Gia Trên Toàn Thế Giới

Những nơi có ăn mừng Ngày của Cha là: thế giới Ả Rập, Argentina, Úc, Brazil, Canada, Costa Rica, Đan Mạch, Đức, Hồng Kông, Ireland, Pakistan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Seychelles, Nepal, New Zealand, Philippines, Romania, Singapore, Tây Ban Nha, Đài Loan, Vương quốc Anh, Mỹ...

-Ở Việt Nam, ngày này chưa được phổ biến rộng, ít ai biết, nhưng cũng có một vài gia đình ở thành phố, có tổ chức ngày này. để tôn vinh các người cha.

-Tại Ý, Ngày Của cha ("Festa del Papa"), tổ chức vào ngày lễ Thánh Giuse (19 tháng 3) theo truyền thống Công giáo, như là một kỳ nghỉ của gia đình. Các trẻ nhỏ thực hiện hoặc mua những món quà nhỏ cho người cha, học thuộc những bài thơ, hay thực hiện những vở kịch nhỏ nói về ý ngĩa tình cha, ở trường mẫu giáo và trường trung học.

-Tại Đức, Ngày Của Cha (Vatertag) được tổ chức một cách khác với các nơi khác trên thế giới. Luôn luôn tổ chức vào Lễ Thăng Thiên (ngày thứ 40 sau lễ Phục Sinh, vào tháng 5 hoặc tháng 6), và là một ngày lễ liên bang, còn được gọi là Ngày của đàn ông (Männertag) hoặc Ngày quý ông (Herrentag).

-Tại Hoa Kỳ, thông thường, các gia đình tụ tập để kỷ niệm, vinh danh vai trò của người cha trong cuộc sống của họ. Trong những năm gần đây, các nhà bán lẻ đã thích nghi với ngày lễ này, bằng cách tung ra đủ loại thiệp chúc mừng và quà tặng truyền thống nam tính, như kìm búa, dụng cụ là vườn, thiết bị điện tử và dụng cụ của thợ sửa chữa nhà cửa, xe hơi. Trường học và các chương trình trẻ em khác, thường có các hoạt động để làm quà tặng Ngày của Cha. Vào ngày này, nam giới thường tổ chức các sinh hoạt thể thao, hay là cắm trại ngoài trời, uống bia, ăn nhậu.

-Tại Trung Quốc, vào thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc (1912-1949), ngày của cha, được tổ chức vào ngày 8 tháng 8, số 8 trong tiếng Hoa đọc âm gần giống như "Ba!" (Bạt! Bạt! Bạt!) Ngày nay, vẫn được tổ chức trong khu vực vẫn còn dưới sự kiểm soát của Trung Hoa Dân Quốc, bao gồm cả ở Đài Loan.

-Tại Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Li-băng, Uganda, Syria, Jordan, mừng lễ là ngày 21 tháng 6.

-Tại Úc, New Zealand, Papua New Guinea, lại mừng là ngày Chủ nhật đầu tiên, trong tháng 9.

-Tại Thái Lan, Ngày Của Cha, được thiết lập theo ngày sinh nhật của nhà vua, ngày 05 tháng 12 là ngày sinh của vua Bhumibol Adulyadej. Theo truyền thống, người Thái ăn mừng bằng cách tặng cha, hay ông nội của họ, một đóa hoa có tên “Canna Chi Dong”. Được coi là một bông hoa nam tính, tuy nhiên, đây không phải là điều thường được thực hiện. Ngày này, người Thái sẽ mặc màu vàng, để tôn trọng nhà vua, bởi vì màu vàng, là màu của ngày vua Bhumibol Adulyadej ra đời!

Tóm lại, Ngày Của Cha đã dần trở thành một ngày lễ kỷ niệm quốc tế, vượt khỏi phạm vi tôn giáo. Nhưng nhiều giáo xứ Công Giáo, vẫn còn giữ tục lệ tôn vinh "người cha tinh thần!" Thường là những linh mục chăn dắt đàn chiên trong giáo xứ.


Những câu nói hay về Tình Cha nhiều ý nghĩa

1. “Tấm lòng của người cha là một tuyệt tác của tạo hóa”– Abbe’ Pre’vost

2. “Tình yêu đích thực đầu tiên của một cô gái chính là người cha” – Marisol Santiago

3. “Cha là núi con hoài xanh cỏ dại, Cha là trời cho mây trắng con bay!”

4. “Cha không hoàn hảo, nhưng cha vẫn yêu thương con theo cách hoàn hảo nhất”

5. “Đức hạnh và uy tín của người cha, là di sản quý giá nhất của người con”– Roger Bacon

6. “Cha tôi lắm nỗi gian nan. Vì con cơ cực chẳng màng tấm thân”.

7. “Bạn không cần phải đắn đo phân tích cha chúng ta là người như thế nào, vì lúc nào lòng cha cũng thật vĩ đại” – Anne Sexton

8. “Trên trái đất này, không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương, của người cha cho con mình” – Cicero

9. “Mỗi cô gái có thể không phải là nữ hoàng của chồng mình, nhưng luôn là công chúa của cha họ” -Embed from Getty Images

10. “Cha ơi bóng cả cây cao, chở che con những lao đao cuộc đời”.

11. “Người cha luôn khiến con gái nhỏ bé của mình trở thành một người phụ nữ nhỏ. Và khi cô đã là một người phụ nữ, ông lại muốn biến cô trở lại như xưa” – Enid Bagnold

12. “Người cha nghiêm khắc nhất, rất nặng lời khi khiển trách, nhưng vẫn là người cha tốt trong mọi hành động”– Menandre

13. “Phía sau mỗi cô con gái tuyệt vời, là một người cha thực sự tuyệt vời”.Embed

14. “Cha không nói với tôi phải sống như thế nào, cha sống và để tôi chứng kiến điều đó”– Clarence Budington Kelland

15. “Chỉ khi bạn lớn lên và bước khỏi cha, hay rời cha để đến với gia đình của riêng mình, chỉ tới lúc đó bạn mới hiểu được sự vĩ đại của cha và thực tâm biết ơn điều đó”– Margaret Truman

16. “Cha là bóng mát giữa trời. Cha là điểm tựa bên đời của con”

17. “Tình thương cho con là tất cả, là nỗi niềm ấp ủ cuộc đời. Tấm lòng cha, một đời con đâu hiểu. Bởi tình cha luôn lắng dịu ngọt ngào”

18. “Những điều bạn học được từ cha mình, nhiều hơn rất nhiều, so với những gì mà bạn đã học ở trường” – Ngạn ngữ Anh

19. “Cha đưa cả tấm lưng gầy, chở che con được tới ngày hôm nay”

20. “Tôi không hổ thẹn khi nói rằng, không có người đàn ông nào tôi từng gặp tốt bằng cha tôi và tôi cũng không yêu bất kỳ người đàn ông nào khác nhiều như thế” – Hedy Lamarr


Con Nghĩ Về Người Cha

1 Bóng lưng

Trong trí nhớ tôi vẫn còn đọng lại hình ảnh khi bố đưa tôi đi học. Đường từ nhà tôi đến trường có một cái dốc khá cao, bố phải còng lưng mà đạp, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, chân run run, nhưng bố nhất quyết không cho tôi xuống đi, mà mà đạp cho qua. 9 năm rồi, bóng lưng ấy càng ngày càng nhỏ đi trong mắt tôi, nhưng vẫn vững chãi, vẫn chắn mọi gió mưa bão bùng cho tôi. Cho dù bây giờ tôi trưởng thành, vẫn không quên bóng lưng ấy!

2 Lời cha dạy

Khi cô con gái đi lấy chồng, người cha đã kéo cô đến bên và nói với cô: "Con gái, con nhất định phải tôn trọng chồng con. Con thậm chí còn có thể tôn sùng cậu ta nữa! Nhưng con phải nhớ một điều, những bất hòa, tranh cãi giữa hai đứa, đừng kể với cha. Bởi cuối cùng, con vì yêu rồi sẽ tha thứ cho cậu ta, còn cha thì không!"

3 Cuộc gọi lúc 3 giờ sáng

3 giờ sáng ngủ không được, cầm điện thoại lên không ngờ gọi nhầm vào số bố, tôi lập tức cúp máy. Không ngờ bố tôi gọi lại ngay, hỏi tôi sao vậy, cãi nhau với chồng à, tôi nói tôi không sao, bố tôi: "Không sao là tốt rồi, bố buồn ngủ quá, con cúp trước đi." Cúp điện thoại xong, tôi ôm gối khóc. Có lẽ trên đời này, bố là người duy nhất, tôi vừa cúp máy đi, mà lại gọi ngay cho tôi, dù rằng đã khuya như thế nào!

4 Điều bố chưa bao giờ nói

Bố tôi là một người nghiêm túc, tôi và bố hầu như chẳng bao giờ nói chuyện với nhau. Tôi vẫn cảm thấy bố không yêu tôi, cho đến một lần nghe mẹ nói: "Bố mày đỏ cả hai mắt, sang than vãn với mấy ông hàng xóm, là mày đi học về được nghỉ hai ngày, mà không nói chuyện với bố câu nào, ngay cả gọi bố một câu cũng không!"

5 Đánh đòn

Khi còn bé tôi nghịch lắm, nên thuờng bị bố đánh. Nhưng tôi vẫn còn nhớ, mỗi buổi đêm, lúc mơ mơ màng màng ngủ rồi, sẽ lờ mờ thấy bố nhẹ nhàng, ngồi bên giường xoa dầu cho tôi. Tôi cũng cứ im lặng nằm trên giường, để bố tôi xoa như thế, rồi nhận sai trong lòng!

6 Chuyển đồ

Có lần nhà tôi phải chuyển đồ từ trên tầng xuống, ba tôi nói: "Cái này nặng lắm, con không bê được đâu, để ba bê, con bê mấy cái nhẹ nhẹ kia thôi". Năm ấy, tôi 22 tuổi, ba tôi 49 tuổi. Hóa ra dù chúng ta có lớn tới đâu, trong mắt ba, chúng ta mãi mãi là một đứa trẻ con!

7 Đôi bàn tay của bố

Ám ảnh nhất là đôi bàn tay thô và nứt nẻ đến bật máu của bố, rồi cả làn da đen xạm vì nắng. Tất cả cũng chỉ vì mục đích kiếm tiền nuôi con. Chưa bao giờ con nói yêu bố, nhưng tận trong tâm, lúc nào bố cùng là người đàn ông tuyệt vời nhất, mà không ai có thể thay thế được!

8 Ngã xe

Một ngày còn học lớp 6, bố chở tôi bằng xe máy. Đến đoạn gần trường, một cái xe tải, lùi vào xe, hai bố con bị ngã, tôi thì không sao, nhưng áo bố bị trầy, quần thủng một lỗ. Vậy mà bố cười, hỏi tôi có sao không. Sau đó chở tôi đến trường cho kịp giờ học. Giờ nghĩ lại, vừa thấy xót xa, cùng vừa ấm áp trong tim!

9 Đi làm

Vẫn còn nhớ hồi mới học xong đại học, chưa xin được việc làm, đi làm thu ngân ngoài khách sạn của bác. Hôm ấy đang là mùa đông, vừa 6 giờ kém, nên trời vẫn tối đen lại còn mưa tầm tã, con bé đeo cái kính cận dày cộm, ngán ngẩm dậy chuẩn bị đi làm, mà hồi ấy còn mới biết đi xe máy nữa chứ. Đánh răng rửa mặt xong chuẩn bị đi làm, đã thấy bố mặc áo mưa chờ sẵn trước cửa, bảo lên xe bố… chở đi!

10 Bánh bao

Bố tôi mắc chứng Alzheimer, trí nhớ càng ngày càng kém, đến con trai mình cũng chẳng nhận ra. Một hôm tôi đưa ông đi ăn hàng, trong đĩa còn lại hai cái bánh bao, bố liền cầm lấy cho vào túi. Tôi rất sững sờ. Rồi bố nói: "Hai cái này để dành cho con trai tôi, nó thích ăn nhất cái bánh này!" Dù rằng đứa con trai đang ngồi bên cạnh ông!

Các bạn ơi, thời gian trôi đi, cha mẹ rồi cũng sẽ già, và đổ bệnh. Có lúc, dù bản thân họ chẳng nhớ, quên đi tất cả, nhưng tình yêu đối với con cái thì luôn thường trực trong tim, cho dù họ…mất trí nhớ!


Văn Nghệ: Vài Truyện Thật Ngắn, Về Lòng Hiếu Thảo Của Con, Đối Với Người Cha Thân Yêu!

- Nghỉ lễ

Cha nó xuôi ngược buôn bán trên chiếc ghe nhỏ để lo cho nó ăn học. Xong đại học, nó ở lại thành phố đi làm.

Tết vừa rồi, tiễn nó đi, ông dặn:

– “Con đi làm, ít về. Cha nhớ con lắm. Nhưng ráng… đến dịp lễ rảnh, con về thăm cha nhé.”

Nó hứa: “Chắc chắn con sẽ về! nhất là ngày Lễ Của Cha!”

Tháng sáu! lễ Cha đến, ông hớn hở chờ nó về. Nó điện thoại bảo không về được, vì kẹt sinh nhật của bạn gái!

Nghe xong, ông trầm ngâm, lát sau nói nhỏ với mẹ nó:

– “Vậy là tết thằng nhỏ nó mới về. Mình phải chờ, còn đến sáu tháng nữa lựng…!”

- Ngày cưới của cha

Anh hai làm ở thành phố, tổ chức đám cưới luôn trên ấy. Ba vượt hơn 200 dặm đường, gánh quả các thứ lỉnh kỉnh, lo đám cưới cho anh.

Anh kế, rồi đến tôi đám cưới, ba lo lắng đến từng chi tiết, chỉ bảo cả đến cách lạy bàn thờ tổ tiên hai họ, cách đi đứng như thế nào cho phải đạo…

Mẹ mất sớm, ba sống cô đơn gần 20 chục năm! Khi các con đã có nghề nghiệp vững vàng, yên bề gia thất, ba ước mong tuổi già, bên cạnh cũng có bạn, nên quyết định đi thêm bước nữa.

Ngày cưới của ba, cả ba anh em tôi đều viện cớ vắng mặt! Đưa cho ba một thông điệp rõ ràng: “Phản đối chuyện cưới, cuối đời còn đòi đèo bồng mất nết này! Quên cả mẹ!”

- Lời hứa

Tết, anh chở con trai đi chơi. Về nhà, thằng bé khoe ầm với lũ bạn cùng xóm. Trong đám trẻ có thằng Linh mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo, lặng lẽ dõi theo với ánh mắt thèm thuồng. Thấy tội, anh nói với nó:

– “Nếu con ngoan, tết năm sau, chú sẽ chở con đi chơi!”

Mắt thằng Linh sáng rỡ!

Ngày lại ngày. Cuộc đời lại lặng lẽ trôi theo dòng thời gian. Thoắt mà đã hết năm.

Lại tết. Đang ngồi cụng vài ly với đám bạn, thì thằng Linh cứ thập thò. Vẫy tay đuổi, nó đi được một chốc, rồi trở lại lượn lờ. Cáu tiết, anh quát nó. Thằng Linh oà khóc nức nở, nước mắt trào ra như suối! Tiếng nói, hòa lẫn trong tiếng nấc đứt đoạn:

– “Chú có hứa Tết chở con đi chơi!… cả năm qua, con cố gắng ngoan ngoãn… không dám hư một lần nào…cả!”

- Ba

Xưa, nội nghèo, Ba đi ở đợ cho ông bá hộ, chăn trâu để chú được đi học.

Thành tài, chú lên phố cưới vợ, ra riêng.

Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người cùng hãng của chú. Ai cũng “com lê,” “cà ra vát”, còn có cả xe hơi kết hoa đón dâu.

Nhìn Ba, Chú bảo:

– “Anh Hai hay đau bao tử, hay anh ở nhà nghỉ cho khỏe!”

Ba ừ! gật đầu! im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi nhỏ như mưa, đổ đầy người.

Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa thì mặn nồng, ngọt ngào biết chừng nào, mà bây giờ, sao nghe đắng chát cả bờ môi của Ba!

- Khoe

Ngày xưa, khi có ai hỏi con: “Bố làm nghề gì?” Bố thấy con không vui, muốn giấu, và không bao giờ chịu trả lời thẳng thắn, là bố tôi “làm nghề thợ hồ!” Nghề nào cũng quý mà con ạ. Tuy biết thế, bố cũng không buồn, chỉ biết cố gắng làm việc nhiều hơn, để nuôi con ăn học và mong sau này con có được một nghề, mà mọi người nể trọng trong xã hội.

Con thành đạt rồi lấy chồng. Mỗi lần khách đến chơi, câu đầu tiên bố thường nghe con khoe là: “Chồng em làm luật sư! Công việc ở tòa án mà, nên anh ấy lúc nào cũng bận lắm!”

Lắng nghe cả đời, chỉ ao ước được một lần, được nghe con khoe, về nghề của bố!

Nhờ nghề này, con mới có ngày hôm nay. Nhưng uớc mong nhỏ nhoi đó, bố cũng không được nghe và đã mang niềm đau ấy…xuống mồ!


- Nhạt

Người đàn bà vội vã ra đi, vào một chiều mưa tầm tã.

Ngày ngày, chỉ còn lại người đàn ông lầm lũi bên xe mì gõ đầu hẻm.

Chẳng hiểu vì lý do gì, khách đến ăn ngày một thưa dần rồi vắng hẳn!

… Ngày nọ, có người đàn bà sang trọng tìm về lại con hẻm xưa. Không ai còn nhận ra bà. Người đàn ông và xe mì gõ cũng không còn ở đó nữa!

Hỏi thăm, người ta bảo, kể từ cái dạo vợ bỏ đi, mì ông nấu không còn ngon như trước và quá nhạt, nhạt như nước ốc!

Nên người ta, không ai thèm ăn mì của ông nữa! Nghe nói, ông đã bỏ xứ, đi xa, và đã qua đời từ lâu!


- Cha tôi

Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngoài 60, bỗng cha tôi thay đổi! thường hay “làm dáng” trước gương, muốn như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn.

Chúng tôi nghĩ ông có cô nhân tình! và đối xử có phần nghi ngại. Tôi có hỏi, nhưng ông vẫn không nói.

Nghe có người thông báo nơi ông xuất hiện! tôi vội vã tìm đến bệnh viện, quyết định bắt gặp và cho cô nhân tình của cha tôi, một trận chửi, cho đỡ tức!

Chợt tôi lặng người đi, trước hình ảnh cha tôi đang dút cơm, chăm sóc là mẹ! Thấy tôi, ông cười gượng nói:

– “Ba sợ các con còn giận mẹ, vì đã bỏ cha đi! Bỏ bê bà trong lúc ốm đau như vầy, tội nghiệp!”


- Mồ côi

Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm:

– “Giá như mẹ đừng ‘đi xa,’ thì giờ này con được nằm giữa Ba Má thì ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.”

Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói:

– “Con đừng lo, mẹ xa rồi, ba sẽ cưới dì mới thay mẹ chăm con, con ngủ ở giữa sẽ ấm thôi!”

Cu Hải không hiểu, nhưng cũng thấy mừng, vì nhà có thêm người đỡ vắng lạnh.

Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ:

“Giá như đừng có dì nhỉ, thì bây giờ mình, cũng không phải lạnh…. cả hai bên!”


- Lát nữa về

Anh chị lấy nhau được 5 năm. Gia đình bất hòa, nhưng có đứa con cũng đỡ phần nào.

Ngày ngày, khi chị đi làm, đứa con nhỏ ba tuổi thường khóc đòi chị ở nhà chơi với nó. Chị dỗ dành:

– “Nín đi con! Lát mẹ về!”

Năm sau, anh chị ly dị. Tòa cho anh nuôi đứa bé. Chị ôm nó khóc. Nó nhìn chị, ngây thơ:

– “Nín đi mẹ! Con đi chơi với ba tí thôi mà. Lát con về!”


- Cần thiết

Ngày cô theo gia đình đoàn tụ, định cư ở nước ngoài. Anh làm nghề Thầy giáo, buồn nhiều, vì cảm thấy trống vắng, cô đơn. Nhiều năm trôi qua, Thầy vẫn ngày hai buổi ăn cơm tiệm, một mình một bóng đi về. Đã bao lần cô gợi ý đón Thầy sang, nhưng Thầy nhất quyết từ chối. Không muốn mang tiếng, đàn ông mà phải nhờ phụ nữ. Thầy trả lời khéo: “Cuộc đời gắn bó với trường lớp đã bao năm, học sinh thương mến, làm sao nỡ dứt bỏ!”

Một lần gọi điện thoại về thăm, cô dè dặt hỏi:

– “Anh có cần gì cứ nói, em sẽ gởi về liền.”

Cười buồn, Thầy ôn tồn đáp:

– “Anh chỉ cần em!”


- Ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng!

Chưa đến ngày sinh nhật, còn đến khoảng cả hai, ba tháng, vợ đã lo nghĩ đến sinh nhật của chồng, rồi đến con. Rồi chồng lo sinh nhật của vợ con. Duy chỉ một người, không ai lo đến, là ông nội già yếu. Và cho đến một ngày…ngày ông nội mất!

Chồng hỏi vợ: Sinh nhật ông ngày nào vậy?

Vợ hỏi lại chồng: Ngày nào là ngày sinh của ông?

Con cái hỏi cha mẹ: Ông sinh ngày tháng nào?

Thôi thì cả con ruột, dâu, cháu, chắt, phải lục lọi, đi tìm lại giấy tờ, có ghi ngày sinh của cha, của ông mình, để còn phải làm bia mộ cho ông nữa chứ! Quên ngày này, phải làm sao khắc vào bia!

Đó là ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng của ông! Sau đó, ngày này, được xóa tên trong ký ức mọi người! không còn ai nhớ đến ông cả!



Không có nhận xét nào: