Hung tin Thầy Nguyễn Tá qua đời ngày 16 tháng 4, 2022, hưởng thọ 100 tuổi đã được chuyển nhanh trên email, Facebook của các cựu học sinh các trường Chu Văn An, Nguyễn Trãi từ năm 1947 tới năm 1954 tại Hà Nội và hai trường Hồ Ngọc Cẩn, Hưng Đạo tại Sài gòn những năm 1954-1975. Tin buồn cũng lan rộng nhanh chóng và gây xúc động tới các nhóm cựu học sinh Trưng Vương khắp nơi trên thế giới vì Thầy Tá chính là phu quân của một người mà nếu ai từng là học sinh của trường Trưng Vương Hà Nội cho tới Sài Gòn từ Năm 1947 tới năm 1980 đều phải biết; đó là cô Tổng Giám Thị Vũ Thị Nguyệt Minh.
Các bạn tôi muốn làm một điều gì để cám ơn hai nhà giáo suốt đời tận tụy dạy dỗ và chăm sóc các học sinh như chính con cái của họ và chia buồn với cô Nguyệt Minh về sự mất mát to lớn của cô và gia đình. Và tôi rất hân hạnh được đề nghị viết một bài nói về hai nhà giáo đã đóng góp cho việc giáo dục nhiều thế hệ thanh niên, thiếu nữ trong một giai đoạn ngặt nghèo của lịch sử Việt Nam từ năm 1947 tới hiện tại.
Thầy Nguyễn Tá sinh năm 1922, Thầy học tại trường Albert Sarraut, năm 22 tuổi, thầy lập gia đình với cô Nguyệt Minh lúc đó vừa tròn 18 tuổi. Hai người có 3 người con trai là các ông Nguyễn Nhân (1944), Nguyễn Hiệp (1949) và Nguyễn Khôi (1951)đã quá cố, và 2 cháu nội và 2 chắt.
Năm 25 tuổi thầy Tá vào nghề giáo và dạy tại môn Toán tại trường Chu Văn An và Nguyễn Trãi tại Hà Nội. Sau khi di cư vào Nam lánh nạn Cộng Sản, thầy tiếp tục dạy Toán tại trường Hồ Ngọc Cẩn và tư thục Hùng Vương. Ngoài dạy học Thầy còn viết sách Toán Hình Học và Đại số cùng với Thầy Vũ Đình Mẫn. Thầy và cô còn kẹt lại tại Việt Nam sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam. Thầy và cô tiếp tục việc dạy học. Thầy mở những lớp toán riêng cho tới năm 1980. Cô ở lại trường Trưng Vương để làm việc. Người con trai thứ hai, ông Nguyễn Hiệp du học trước năm 1975 đậu kỹ sư và sinh sống tại Montreal, Canada bảo lãnh Thầy cô. Từ đó đến nay đã 43 năm,Thầy Cô sống ở thành phố hiền hòa này.
Trái: Thầy Nguyễn Tá và cô Tổng Giám Thị trường Trưng Vương Nguyệt Minh. Phải: Cổng trường Trưng Vương.
Được hỏi về việc cô có gặp khó dễ gì tại trường Trưng Vương dưới xã hội Chủ Nghĩa không? Cô cho biết:
“ Nói chung thì không có gì quan trọng vì cô làm Giám thị khi họ vào tiếp thu trường, cô được lưu dụng nhưng không còn chức vụ gì nữa, chỉ được gọi là công nhân viên cùng với những người còn ở lại như chị Nụ, ông Xích, ông Ngọc làm lao công và tùy phái trước đây. Họ mới vào nên không biết gì về trường nên cái gì họ cũng phải hỏi cô”.
Được hỏi cuộc sống của cô ngày ấy ra sao? Cô trả lời:
“Thì cũng như mọi người. Được một điều là con cái của cô đã sống tại ngoại quốc nên nhu cầu cũng không nhiều. Cô đi làm thì họ đối sử cũng bình thường vì mình không tranh đua hay làm hại gì ai cả. Khi cô đi đoàn tụ thì họ cũng làm một tiệc trà tiễn cô”.
Nói về cuộc sống của Thầy Cô tại Montreal cũng rất tốt. Vì cả hai người đã vào tuổi hưu nên không đi làm. Thầy mải mê với việc chăm sóc vườn cây và vui vầy với con cháu.
Cô Nguyệt Minh chia sẻ về Thầy, người chia vui sẻ buồn, cùng nhau gánh vác gia đình với cô trong 80 năm, thật là hiếm có. Với giọng bùi ngùi và đầy thương yêu cô chia sẻ:
“Thầy rất ít nói, rất ít biểu lộ tình cảm, rất nghiêm nghị, nhưng không nghiêm khắc hay khắc khổ. Tính tình kín đáo và trang nghiêm. Thầy nói gì, làm gì cũng rất mẫu mực, không thờ ơ, nhưng cũng không thái quá”.
Chị Phượng Liên một cựu học sinh Trưng Vương sống gần và thân thiết với cô chia sẻ:
“Thầy rất ít nói nhưng rất say mê làm vườn. Khu vườn của Thầy là một nước Việt Nam thu hẹp. Mỗi một vùng là có những thắng cảnh tiêu biểu như miền Bắc có chùa một cột, miền trung có chùa Thiên Mụ, miền nam thì có chợ Bến Thành được thiết kế và xây dựng một cách độc đáo thật đẹp và thật Việt Nam nên Thầy được nhiều giải thưởng địa phương cũng như quốc gia như giải Notre Dame de Garden, Gardennette du Monreal và đã được đăng trên các báo nổi tiếng của Montreal như NBC…”
Thầy Nguyễn Tá và những tòa nhà lịch sử tí hon của Việt Nam thầy làm nên để tô điểm cho những vườn hoa tí hon của Thầy tại Momtreal, Canada.
Thầy không giao du nhiều, chỉ có một ít bạn tâm giao. Thầy rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe. Thầy đọc rất nhiều sách, đặc biệt là sách chăm sóc sức khỏe, thầy đọc và áp dụng một cách nghiêm chỉnh những lời khuyên của bác sĩ hay chuyên viên về chăm sóc y tế cộng đồng. Thầy cũng thường hàn huyên tâm đắc về y khoa và sức khỏe mỗi khi có dịp gặp gỡ hàn huyên với Bs. Thành Quang Lân, phu quân của chị Phượng Liên, người cũng vừa mất cách đây không lâu.
Có lẽ vì vậy mà Thầy không chỉ là sống thọ 100 tuổi mà Thầy còn sống rất khỏe mạnh. Cô Nguyệt Minh cho biết là Thầy rất ít khi bị ốm. Hầu như không phải đi Bác sĩ hoặc là nhà thương. Đôi khi có vấn đề về bao tử thì Bs. Lân đem y cụ về khám cho thầy. Thầy sống 100 tuổi, sức khỏe có yếu đi nhưng vẫn đi lại bình thường và nhất là sáng suốt cho tới phút cuối. Cô Nguyệt Minh nhớ lại những ngày cuối của Thầy:
“ Thầy kêu mệt, cô cố dỗ Thầy uống một chén súp nước, Thầy cắn một miếng Fomai rồi đi ngủ không ăn uống gì thêm. Sáng cô thấy trễ rồi nhưng thầy không dậy, cô vào phòng lay thầy dậy, vừa lay vừa gọi nhưng Thầy vẫn nằm yên. Cô lo quá nên gọi y tá. Y tá đến khám và nói mạch của Thầy yếu quá. Cô sợ quá gọi cho Hiệp. Hai vợ chồng Hiệp và Ánh, con dâu thứ hai của cô và cũng là con gái của Thầy Tổng Giám Thị trường Võ Trường Toản ngày trước, vội vã đến ngay và đưa Thầy vào bệnh viện Royal Victoria là bệnh viện lớn và tối tân nhất tại Montreal. Tại đây bác sĩ khám và cho biết Thầy bị viêm phổi, Cô ngạc nhiên vì Thầy đâu có đi ra ngoài sương gió gì đâu mà bị chứng bệnh này? Nhưng Bs. Giải thích là Thầy mệt, cơ thể bị xáo trộn, khi ăn, thức ăn thay vì vào thực quản lại đi vào khí quản và làm phổi bị viêm, họ cho nước biển và thuốc hạ sốt vì Thầy sốt cao lên tới trên 40 độ. Nhiệt độ sau đó xuống còn 39 độ. Thầy ngủ thiếp đi. Bệnh viện còn ở trong mùa dịch nên không cho cô vào vì sợ lây bệnh. Cô chỉ biết ở nhà, niệm Phật xin Phật phù hộ. Cô luôn nghĩ rằng sống ở tuổi Thầy 100, cô 96 tuổi mà vẫn còn minh mẫn, tuy yếu và mệt nhưng không bị mê mệt là đã được Phật độ rồi, cô luôn có niềm tin như thế nên không quá yếm thế, đau thương mà chỉ biết mang ơn và chấp nhận.
Montreal còn bị ảnh hưởng từ đại dịch. Nhà thương cũng rất đông người nhưng may mắn là có phòng trống nên Thầy được đưa vào phòng chứ không phải nằm ngoài hành lang. Vợ chồng Hiệp ngũ luôn trong nhà thương với Thầy. Mỗi sáng khoảng 8 giờ cô gọi vào vì biết giờ đó đã có Bs. vào thăm nên biết tình trạng của Thầy ra sao. Ngày thứ nhất rồi ngày thứ hai, vợ chồng Hiệp trả lời điện thoại cho cô biết là Thầy đỡ đôi chút. Nhưng ngày thứ ba cô gọi rất nhiều lần mà không có ai trả lời, cô sốt ruột quá. Một chốc sau Hiệp về nhà cùng với cháu trai, không ai nói với ai điều gì. Yên lặng trong nặng nề. Rồi cháu trai ôm lấy cô và Hiệp nói trong tiếng nghẹn ngào:
“C’est fini”. Thế là hết!
Cô đau nhói trong tim như muốn ngất đi. Trong phút chốc cô mất người bạn đời 80 năm của mình. Người sống bên cô chăm sóc, quan tâm, chia sẻ thật nhẹ nhàng, nhưng cũng thật đằm thắm. Sống 80 năm nhưng không bao giờ cô phải lo cho những chuyện vệ sinh cá nhân của Thầy cho đến giờ cuối cùng. Thầy không chỉ sống thanh bạch của đời nhà giáo mà còn thanh sạch, nề nếp của một kẻ sĩ không phiền lụy tới ai. Buồn lắm Tước ạ!”
Tôi giật mình khi nghe cô gọi tên cúng cơm của mình trong lúc cô đau buồn nhất. Tôi thấy thương cô quá! Tôi muốn ôm lấy cô như ôm người mẹ thân yêu của mình. Cô sinh năm 1926, cũng chính là năm sinh của mẹ tôi. Mẹ tôi đã mất cách đây 7 năm. Nghe những lời chia sẻ của cô qua đường dây viễn liên từ Austin tới Montreal cách xa vạn dặm mà tôi xót xa và như thấy mình thiếu sót bổn phận với mẹ mình, người mẹ không sinh, nhưng góp phần dưỡng dục và việc tạo nên nhân cách con người của tôi.
Tôi cũng cảm nhận được rằng cô coi tôi như con gái của cô như cô hằng tâm sự:
“ Cô lập gia đình từ năm 18 tuổi lúc đó còn ở ngoài Bắc. Cô sanh một lèo 3 người con trai. Đến khi vào nam thì cô không sanh nở gì nữa dù cô cũng rất mong có được một cô con gái để hủ hỉ, nhưng trời Phật chỉ cho có thế. Ngược lại cô có hàng ngàn con gái là học trò của cô tại trường Trưng Vương. Thế là cô đã mãn nguyện rồi”.
Ở tuổi 96 giọng nói của cô vẫn còn trong và mạch lạc, nếu chỉ nghe tiếng cô thì người nghe có thể đoán tiếng nói của người 50 hoặc quá lắm là 60 tuổi. Cô nhớ tất cả mọi việc của Trưng Vương chúng tôi ngày xưa, và cả Trưng Vương từ thuở “sơ khai lập địa”. Cô kể:
Năm 1943 khi ấy chiến tranh lan tràn tại Hà Nội, mọi người chạy loạn tứ tung, bom đạn khắp nơi kinh lắm. Gia đình cô chạy về làng Mỹ Hóa tỉnh Thanh Hóa để lánh nạn. Năm 1947 tình hình khá hơn nên gia đình cô trở lại Hà Nội. Cô lo lắng lắm vì lúc đó cô đã có anh Nhân người con trai cả, cô không biết liệu mình có thể sinh sống bằng cách nào? Lúc đó có ông chú là bác sĩ thân cận của gia đình thường hay đến săn sóc sức khỏe cho ba mẹ cô có xem chỉ tay cho cô và nói cô sẽ có việc làm và nơi ăn chốn ở tại một nơi mà luôn có rất đông người. Thế mà lời tiên đoán này đã xảy ra. Chỉ vài tháng sau đó cô đi xin việc và được nhận vào trường Trưng Vương lúc đó trường chỉ mới có 4 lớp; từ đệ thất đến đệ tứ, cô được sắp cho dạy pháp văn và làm cả giám thị, là người giật chuông và làm cả việc lao công (cười).
Khi trường di cư vào nam thì nhờ Thầy Tăng Xuân An có tài giao dịch, trường được cấp dãy nhà trước đây là một bệnh viện. Rồi bà Tăng Xuân An làm Hiệu Trưởng, bà Nguyễn Thị Phú làm Giám học và cô làm Tổng Giám thị. Cô được cấp nhà ở tại lầu 3 và ở cho đến khi mất nước. Em thấy lời tiên đoán có đúng hay không? Và có phải số phận của cô được an bài hay không?
Khi nhắc đến chuyện khám guốc là chuyện độc đáo mà nữ sinh Trưng Vương nào cũng chết khiếp khi bị bắt gặp phải bỏ guốc để đi chân không vào mỗi buổi sáng thứ hai hoặc có khi khám bất chợt, cô cười và nhắc lại. Vì trường từng là bệnh viện, nên hai bên cầu thang làm bằng gỗ, khi các học sinh đi những đôi guốc hiệu Phúc Khánh đế nhọn bằng sắt mà nện trên nền gỗ thì nó đinh tai nhức óc không chịu được nên cô phải có luật cấm đi guốc và học sinh vi phạm sẽ bị phạt phải bỏ guốc mà đi chân không.
Cô còn nhớ đến những luật lệ khác mà học sinh Trưng Vương phải tuân thủ như mặc áo dài phải mặc áo lót, không được hở eo hai bên, không được đi guốc cao…Dù bị cấm nhưng mỗi khi bị khám guốc, hàng trăm những đôi guốc bị bỏ lại dưới góc sân trường và rất nhiều cô học sinh điệu, trong đó có bản thân tôi cũng có lần phải đi chân đất suốt buổi học cho nhớ đời.
Cô còn nhớ đến rất nhiều học trò với cả tên và những học sinh và các Thầy cô khác với những kỷ niệm đẹp. Cô nhắc lại năm Trưng Vương Bắc Cali làm đại hội có màn kịch có luôn cổng trường Trưng Vương trên sân khấu rồi có 3 người đóng vai Bà Hiệu Trưởng Tăng Xuân An, bà Nguyễn Thị Phú là Giám học và em Phương Quỳnh đóng vai cô Tổng Giám Thị là cô. Cô kể:
“Phương Quỳnh đã gọi điện thoại cho cô để hỏi chi tiết về màu áo, kiểu giầy, loại vải may áo dài, kiểu tóc…Năm đó vui lắm!”
Không chỉ được học sinh thương mến, kính trọng và ái mộ, các đồng nghiệp của cô cũng quý mến cô không kém. Cô Nại trong bài diễn văn của một đại hội đã ví von: “Chúng ta có bà Hiệu trưởng, bà Giám học như hai cây cổ thụ đứng hai bên, và cô Nguyệt Minh như đóa hoa tươi đứng giữa. Cô Cao Hương dạy Anh Văn thì ví cô Nguyệt Minh như là linh hồn của trường Trưng Vương vì cô sống ngay tại đó, lúc nào cũng có cô, áo dài tha thướt, thẳng tắp, không một vết nhăn, thanh nhã, sang trọng, tóc ngắn chỉnh tề như một người mẫu cho học sinh của trường”.
Nhưng tất cả chỉ còn là kỷ niệm dù là đẹp như gấm, như hoa, nhưng với cô Nguyệt Minh hôm nay cô đang phải phác họa cho những ngày dài trước mắt. Cô tâm sự:
“Cô tin là Phật sẽ độ cho cô như đã độ cho Thầy dù cô biết là những ngày tới cô sẽ rất buồn và lẻ loi, nhưng cô hiểu đời sống con người có hợp, có tan, cô phải chấp nhận và đi tới. Thứ hai ngày 2 tháng 5 này lúc 9 giờ sẽ có lễ phát tang, sau đó là cầu Siêu rồi di quan ra hỏa táng. Tro của Thầy sẽ được đặt tại chùa Quan Âm 49 ngày. Sau cùng thì tro sẽ được rắc trên núi như ý nguyện của Thầy. Cát bụi lại trở về với cát bụi em ạ.
Cô sẽ trở về căn nhà già mà cô và Thầy đã sống có nhau trong nhiều năm qua. Cô sẽ có bàn thờ của Thầy với hoa tươi. Khi đến bữa cơm cô sẽ làm đúng những gì như lúc Thầy còn sống. Cô sẽ xới 2 bát cơm, một cho cô, và một cho Thầy như vẫn còn Thầy ngồi đối diện. Thầy thích uống cà phê và sữa ensure, cô sẽ sắp lên cho Thầy. Và cô sẽ sống như thế cho đến ngày được gặp Thầy Tước ạ.”
Tôi cố nén lòng nhưng nước mắt vẫn chảy ra. Ôi thế hệ Thầy Cô của chúng tôi sống như thế đó; Thầy sống trong sạch và êm ả như dòng sông không dợn sóng, đem nước mát và những chất bồi dưỡng cho những thế hệ cây non vươn lên xanh tươi hữu ích cho đời. Cô của chúng tôi sống đẹp và hiền hòa như vườn hoa tươi thắm, tô điểm cho đời bằng những nụ non hương sắc, hết thế hệ này, tới thế hệ khác và sẽ được tiếp nối đến ngàn sau.
Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên đăng trên tạp chí Tinh Hoa năm 1936 mà bùi ngùi thương tiếc cho thế hệ Thầy Cô của mình; biết bao giờ Việt Nam có lại những thế hệ Thầy Cô như Thầy Cô của chúng tôi?
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Thành Kính Phân Ưu tới cô Nguyệt Minh và Tang quyến. Kính chúc Thầy sớm về nơi Tiên cảnh và Cô Nguyệt Minh yêu thương của chúng em sớm tìm được sự bình an.
Triều Giang
(Viết thay các bạn Trưng Vương ngày 30 tháng 4, 2022)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét