Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :17/05 /2022 Pháp : Emmanuel Macron chọn một phụ nữ xuất thân cánh tả làm thủ tướng, phe đối lập phản ứng mạnh mẽ


Tân thủ tướng Pháp, bà Elisabeth Borne, trong lễ chuyển giao quyền lực, điện Matignon, Paris, Pháp, ngày 16/05/2022. AFP - LUDOVIC MARIN - Minh Anh -  Sau nhiều tuần im lặng, hôm qua, 16/05/2022, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định bổ nhiệm bà Elisabeth Borne, làm thủ tướng chính phủ, kế nhiệm ông Jean Castex. Với thông báo này, đây là lần thứ hai trong vòng 31 năm của nền đệ ngũ cộng hòa, nước Pháp có một nữ thủ tướng. Giống như Edith Cresson, nữ thủ tướng duy nhất của Pháp cách nay 30 năm (1991-1992), Elisabeth Borne cũng tự nhận mình như là « một phụ nữ mang tư tưởng cánh tả » mà trọng tâm cuộc chiến của bà chính là « công bằng xã hội và bình đẳng các cơ hội ».
<!>
Sinh ngày 18/04/1961, ElisabethBorne, một kỹ sư tốt nghiệp trường Bách Khoa danh tiếng của Pháp. Là công chức cao cấp, giám đốc phụ trách chiến lược của Công ty đường sắt quốc gia Pháp (SNCF), tỉnh trưởng vùng Poitou-Charentes, chủ tịch Công ty Giao Thông Công Cộng Paris (RATP), rồi chánh văn phòng cho bộ trưởng Môi trường Segolene Royal dưới thời tổng thống đảng Xã Hội François Hollande.

Trong suốt nhiệm kỳ đầu của tổng thống Macron, bà Elisabeth Borne lần lượt được bổ nhiệm làm bộ trưởng Giao Thông và đã thực hiện cải cách SNCF (Công ty Đường Sắt Quốc Gia Pháp).

Năm 2019, bà thay ông François de Rugy giữ chức bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái và Liên đới. Một năm sau, bà được bổ nhiệm làm bộ trưởng Lao Động, ngayđúng giữa cơn khủng hoảng dịch tễ, và nhất là bà phải xử lý hồ sơ cải cách bảo hiểm thất nghiệp bị hầu hết các nghiệp đoàn lao động phản đối và lên án gay gắt.

Ngay khi tổng thống Macron thông báo tên tuổi người thay thế ông Jean Castex ở điện Matignon, phe đối lập, từ cực tả sangđến cực hữu đã có những phản ứng, chỉ trích mạnh mẽ. Đặc biệt là một bộ phận cánh tả và phe cực tả, vì lý do tranh cử lập pháp, nhất quyết không thừa nhận bà thuộc cánh tả và cáo buộc nữ thủ tướng Pháp là « một người đối xử tệ xã hội », « một người phá hủy xã hội Pháp »…

Năm hồ sơ chờ tân thủ tướng Pháp


Tân thủ tướng Pháp Elisabeth Borne tại điện Matignon, Paris, ngày 16/05/2022. AP - Christian Hartmann
Thu Hằng
Trong bài diễn văn tại lễ bàn giao ở điện Matignon, Paris, ngày 16/05/2022, bà Élisabeth Borne, nữ thủ tướng mới của Pháp, hứa « sẽ hành động nhanh hơn và mạnh hơn » để giải quyết « thách thức về khí hậu và sinh thái », một trong những ưu tiên của ông Emmanuel Macron khi tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai.

Trang Télégramme nhấn mạnh đây chỉ là 1 trong 5 thách lớn trong nhiệm kỳ của nữ thủ tướng Pháp đầu tiên từ hơn 30 năm qua. Ưu tiên chính trị đầu tiên là bà Élisabeth Borne phải điều phối để đảng Renaissance (Phục Hưng) và liên minh giành được đa số ở Hạ Viện trong cuộc bầu cử lập pháp ngày 12 và 19/06. Như vậy, chính phủ của bà mới tiếp tục tồn tại. Nếu thất bại sẽ mở ra thời kỳ « chung sống chính trị » (cohabitation) với việc chính phủ và chức thủ tướng nằm trong tay phe đối lập.

Thứ hai, bà Élisabeth Borne giữ trọng trách triển khai « phương pháp mới » dựa trên đồng thuận và đối thoại, được tổng thống Pháp hứa với người dân Pháp. Tân thủ tướng được cho là người hội tụ đủ tiêu chí, về kinh nghiệm quản lý, cũng như khuynh hướng xã hội trong chính quyền Macron, để tiến hành các kế hoạch cải cách, đặc biệt là kéo dài tuổi nghỉ hưu, từ giờ đến cuối nhiệm kỳ là 64 tuổi, sau đó là 65 tuổi đến năm 2031.

Hồ sơ thứ ba là tăng sức mua và chống lạm phát. Bà Élisabeth Borne sẽ phải cụ thể hóa các biện pháp, như kéo dài thời hạn khống chế giá khí đốt và điện đến cuối năm 2022, tăng lương hưu và trợ cấp xã hội… Kế hoạch này sẽ được trình lên Hội Đồng Bộ Trưởng sau kỳ bầu cử lập pháp để được áp dụng vào mùa hè này.

Hồ sơ thứ tư là lập kế hoạch sinh thái. Tân thủ tướng Pháp có hai kinh nghiệm trong lĩnh vực này do từng làm chánh văn phòng của bộ trưởng Môi Trường, Ségolène Royal, năm 2014 và giữ chức bộ trưởng bộ Chuyển đổi Năng lượng trong vòng một năm, cho đến tháng 07/2020.

Hồ sơ lớn cuối cùng, cũng là hồ sơ khó khăn nhất : Làm thế nào để triển khai kế hoạch chi tiêu thêm trong môi trường kinh tế đang xấu đi. Nền kinh tế Pháp tăng chậm lại, có thể chỉ đạt 0,2% trong quý 2 do tác động của lạm phát.

Ukraina : Tiếp tục sơ tán các chiến binh Azovstal, điểm kháng cự cuối cùng ở Mariupol


Một binh sĩ Ukraina bị thương được đưa ra khỏi nhà máy Azovstal và được chuyển đến Novoazovsk, ngày 16/05/2022. REUTERS - ALEXANDER ERMOCHENKO
Thụy My
Tại Ukraina, hôm nay 17/05/2022, đang diễn ra cuộc sơ tán các chiến binh ở nhà máy thép Azovstal, thành trì kháng cự cuối cùng với quân Nga ở thành phố cảng Mariupol, miền nam Ukraina. Chính quyền Kiev loan báo 260 người đã được đưa ra, khẳng định họ đã « chu toàn nhiệm vụ ».

Bộ tổng tham mưu Ukraina cho biết đã ra lệnh cho các chỉ huy « cứu mạng sống » những người còn trụ lại. Bộ Quốc Phòng Ukraina giải thích trên Telegram : « Rất tiếc là hiện nay Ukraina không thể giải tỏa Azovstal bằng phương tiện quân sự ». Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng : « Đất nước cần những người hùng còn sống ».

Nga đã 3 lần ra tối hậu thư cho các chiến binh tử thủ lâu nay trong hệ thống đường hầm của nhà máy Azovstal, trong thành phố Mariupol bị vây hãm và bị oanh kích tàn bạo, nhưng họ đều từ chối ra hàng.

Về phía Nga, bộ Quốc Phòng hôm nay khẳng định 265 chiến binh Ukraina ở Azovstal đã đầu hàng và bị bắt làm tù binh, trong đó có 51 người bị thương nặng. Theo phía Kiev, các chiến binh này sẽ được đưa trở về Ukraina «trong khuôn khổ một chương trình trao đổi».

Ở miền đông, tại Sievierodonetsk, thành phố đang bị quân Nga bao vây, ít nhất 10 người thiệt mạng trong các trận oanh kích. Thành phố Lyssytchank, nằm đối diện, chỉ cách một con sông, cũng thường xuyên bị đánh bom, nhưng vẫn còn 20.000 thường dân ở lại dù chính quyền kêu gọi di tản.

Kharkov : Hàng trăm người vẫn sống trong métro
Tại Kharkov, quân Nga bị đẩy lùi về phía biên giới, ít có những vụ oanh kích xung quanh thành phố lớn thứ nhì Ukraina. Nhưng hàng trăm người vẫn phải sống trong métro vì nhà cửa đã bị bom đạn phá hủy, chẳng còn biết đi đâu.

Từ Kharkov, các thông tín viên Murielle Paradon và Sami Boukhelifa gởi về bài phóng sự :

« Ngồi trên một tấm nệm với chú chó nhỏ, bà Elena, 49 tuổi, vừa nhìn hình ảnh gia đình mình trên điện thoại di động vừa khóc. Hôm nay là sinh nhật của bà, và bà rất nhớ các con. Những người con của bà đã ra nước ngoài, nhưng Elena phải ở lại Kharkov vì cha mẹ bà bị kẹt trong một ngôi làng bị quân Nga chiếm đóng.

Bà nói : "Tôi không thể bỏ cha mẹ lại được, như vậy không đúng đắn chút nào. Tôi sẽ rất hạnh phúc khi cả gia đình được tụ tập".

Elena và đa số những người hàng xóm bất đắc dĩ vẫn ở lại trong métro dù rất chật chội, vì họ không biết đi đâu. Nhà của họ đã bị các cuộc oanh kích phá hủy.

Đó là trường hợp người láng giềng của Elena, phải sống trong một toa tàu điện ngầm từ hai tháng rưỡi qua. Người này cho biết: "Chúng tôi đã mất nhà, căn hộ của tôi hoàn toàn bị thiêu rụi. Cũng không có cả việc làm, và chẳng còn tiền để thuê nơi ở khác".

Những ai còn ở lại trong métro là những người có cuộc sống bấp bênh nhất. Một số có sức khỏe kém, như bà cụ Zoya, 75 tuổi. Bà nói : "Ồn ào lắm, ở đây có rất đông người và không đủ khí trời".

Bà Zoya quyết định trở về nhà, cho dù căn hộ của bà không còn cửa sổ. Vào lúc thu thập đồ đạc, bà bực tức nói : "Tôi muốn hỏi ông Putin: Tại sao lại làm chúng tôi ra nông nỗi này ?"

Bà cụ đã kiệt sức, cũng như nhiều người ở đây. Đã gần ba tháng họ phải sống dưới lòng đất ».

Trừng phạt Nga : Liên Âu bế tắc về cấm vận dầu khí


(Ảnh minh họa) - Cờ Liên Hiệp Châu Âu tung bay bên ngoài trụ sở Ủy ban Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 09/05/2011. AP - Yves Logghe
Minh Anh
Hôm nay, 17/05/2022 là đúng hai tuần sau khi Ủy Ban Châu Âu đề nghị với 27 nước thành viên chuỗi trừng phạt thứ 6 nhắm vào Nga, nhưng vẫn chưa được thông qua. Nguyên nhân là các đề xuất trừng phạt này liên quan đến vấn đề nguồn cung cấp dầu khí ở nhiều nước Trung - Đông Âu.

Nhiều cuộc họp kỹ thuật đã được tổ chức với các nhà cung cấp dầu khí cũng như là nhiều hãng lọc dầu, nhưng ở đây còn có vấn đề về vận chuyển do thiếu các đường ống dẫn khí. Trong cuộc họp hôm qua, 16/05, tại Bruxelles, ngoại trưởng của 27 thành viên Liên Âu vẫn chưa đạt được đồng thuận, khiến một số nước tỏ thái độ bực tức.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet giải thích :

Hungary yêu cầu có những bảo đảm nguồn cung như đối với cộng hòa Séc, Bulgari và Slovakia, nhưng theo các nước trong Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ mạnh mẽ việc cấm vận dầu hỏa, thì chính Hungary mới là quốc gia gây ra tình trạng bế tắc hiện nay.

Hai mươi bảy ngoại trưởng đã tiếp đồng nhiệm Ukraina Dmyro Kuleba, và theo ngoại trưởng Ukraina, Hungary là nước duy nhất gây cản trở.

Ông nói : « Nga xuất khẩu dầu và khí đốt cũng như là nhiều loại nguyên nhiên liệu khác như quặng sắt chẳng hạn càng lâu dài chừng nào thì nước này càng có nhiều tiền để tiếp tục cuộc chiến chừng ấy. Để chặn cỗ máy chiến tranh của Nga, cần phải tước bỏ nguồn tài chính của Putin vì điều duy nhất mà ông ấy quan tâm, chính là quyền lực và tiền. Thời gian không còn nhiều vì mỗi ngày Nga vẫn thu được tiền và tiếp tục đầu tư vào chiến tranh. Nhưng tôi không lao vào một cuộc khẩu chiến với Hungary, đây là một vấn đề mà Liên Hiệp Châu Âu phải xử lý vì đó là chuyện gia đình họ. »

Cũng nên nói rõ rằng bế tắc này là vấn đề duy nhất cản trở việc thông qua loạt trừng phạt thứ 6 bởi vì mọi chuyện khác đã được thông qua, chẳng hạn các trừng phạt nhắm vào các cá nhân. Vẫn theo Dmytro Kuleba, 27 nước thành viên đã hứa với ông chuẩn bị loạt biện pháp trừng phạt thứ 7 một khi loạt biện pháp thứ 6 được thông qua.

Không có nhận xét nào: