Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

Bài Thi Đệ Thất - Hoàng Nguyên Linh


Trong đời học sinh đối với tôi có 2 lần đáng ghi nhớ là Buổi Học Đầu Tiên và Kỳ Thi Vào Lớp Đệ Thất.  Buổi học đầu tiên thì không bài văn nào hay bằng “Tôi Đi Học” của Thanh Tịnh. “Hằng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đuờng rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu truờng. Tôi không thể nào quên đuợc những cảm giác trong sáng ấy nẩy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cuời giữa bầu trời quang đãng…. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương Thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đuờng làng dài và hẹp. Con đuờng này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”…
<!>
Lời văn nhẹ nhàng và trong sáng, đọc lên như một bài thơ trữ tình mà tất cả chúng ta ai cũng nhớ và yêu thích. Chỉ cần đọc mấy câu đầu: “Hằng năm cứ vào cuối thu…” là ai cũng biết bài “Tôi Đi Học” của nhà văn Thanh Tịnh.

Ngày nay đọc lại bài này tôi thấy thán phục ông Thanh Tịnh. Sao ông có thể nhớ đuợc những kỷ niệm đẹp như thế. Riêng tôi không còn nhớ gì nữa. Buổi học đầu tiên và những kinh nghiệm với những đứa trẻ chung quanh như con tôi và em trai út của tôi thì thật khác. Với chúng không phải là kỷ niệm đẹp mà là sự sợ hãi. Chúng khóc lóc suốt cả tuần lễ.

Làm sao không sợ đuợc khi đang ở nhà với gia đinh thì phải đến một nơi xa lạ, nhìn thấy ông thầy mặt nghiêm nghị luôn luôn cầm cái roi khi chúng mới 5, 6 tuổi. Nhớ lại sự sợ hãi của những đứa trẻ chung quanh tôi càng thán phục ông Thanh Tịnh, sao ngày đầu đi học ông không sợ mà còn vui thích và nhớ đuợc những chi tiết của ngày đầu. Đôi lúc tôi tự hỏi đây có phải là cảm nghĩ của một đứa trẻ 5, 6 tuổi không, hay là cảm nghĩ của nguời lớn rồi gán ghép cho đứa bé một cách tài tình…

Nhưng kỳ thi Đệ Thất vào truờng Trung Học Nguyễn Trãi thì tôi nhớ rất rõ. Lúc thi vào đệ thất tôi đã khá lớn, lớn hơn những nguời cùng lớp 2,3 tuổi vì ở ngoài Bắc tôi đã học hết lớp nhất, khi vào Sài Gòn không xin đuợc vào lớp đệ thất, lớp nhất hết chỗ nên bố tôi xin cho tôi lớp nhì truờng tiểu học di chuyển Tôn Thọ Tuờng. Thế là tôi học chậm lại 2 năm.

Hồi đó tôi ở trọ nhà bà cô trên đuờng Gia Long. Tôi chỉ biết có truờng Nguyễn Trãi và Chu Văn An vì những nguời quen, phía con trai thì học Nguyễn Trãi hoặc Chu Văn An, phía con gái thì học Trung Vương. Truờng Chu Văn An quá xa, ở mãi bên Chợ Lớn nên tôi quyết định nộp đơn thi vào truờng Nguyễn Trãi (lúc đó còn học nhờ truờng tiểu học Lê Văn Duyệt ở đuờng Phan Đinh Phùng, Đa Kao). Tôi tự nhủ nếu may mắn trúng tuyển vào truờng Nguyễn Trãi cũng là một điều hãnh diện. Cụ Nguyễn Trãi là một nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn, nhà thơ, 10 năm gíup vua Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, “Bình Ngô Đại Cáo” là bản văn chuong rất có giá trị trong đời Lê. ( Cũng xin mở thêm dấu ngoặc ở đây: Từ năm 1980, cụ Nguyễn Trãi đã đuợc UNESCO công nhận là danh nhân thế giới. Mấy năm gần đây có một Giáo Sư Việt Nam dạy tại Đại học Lavel, Quebec đã dịch cuốn “Ức Trai Thi Tập” của cụ Nguyễn Trãi rồi đưa cho thị trưởng thành phố Quebec xem và thuyết phục đuợc ông này cho phép xây dựng tuợng cụ Nguyễn Trãi tại công viên nghệ thuật ngay trung tâm thành phố. Ngày nay tại công viên Parc de L’artie Lerie, một công viên nổi danh của thành phố Quebec bên Canada đã có tuợng cụ Nguyễn Trãi. Trả lời báo chí, nguời có công dựng lên tuợng cụ Nguyễn trãi cho biết chính ông là di duệ của cụ Nguyễn Trãi…).

Kỳ thi đệ thất quan trọng với tôi và có lẽ cũng quan trọng với khá nhiều nguời khác. Nó quan trọng vì nếu không đậu sẽ phải học truờng tư hay nghỉ học luôn. Khi di cư vào Nam gia đinh tôi phải bỏ lại tất cả tài sản ngoài Bắc, vào Nam trong những ngày cuối cùng của thời hạn di cư nên chúng tôi ra đi với hai bàn tay trắng, nếu không vào đuợc truờng công, bố mẹ tôi không đủ tiền cho đi học truờng tư . Năm đó tôi đuợc miễn thi Tiểu học nên khi học xong lớp nhất, 2 tháng hè tôi tập trung tất cả vào luyện thi đệ thất. Thầy Điềm dạy luyện thi đệ thất tại truờng Đông Tây Học Đuờng, thầy dạy rất hay, các học sinh học luyện thi với thầy đa số đều thi đậu. Thầy rất tốt và tính tình dễ dãi, một vài học sinh đã lợi dụng lòng tốt của thầy nên không đóng học phí, nhưng đa số thương thầy nên chúng tôi đã đặt ra câu hát để cảnh tỉnh những nguời lợi dụng lòng tốt của thầy: “ Học trò thầy Điềm, ai không đóng tiền, đi thi không đậu”, “Học trò thầy Điềm, ai không đóng tiền, đi thi không đậu”… cứ thế chúng tôi hát, và hát đi, hát lại nhiều lần, nhờ vậy thầy đã thâu gần đủ số tiền.

Đến ngày thi, tôi thức dậy thật sớm để sửa soạn. Ăn sáng qua loa vì tôi lo sợ nên không thấy đói. Tôi đi bộ đến truờng. Khi tới nơi sân truờng mới lác đác vài nguời nhưng nhìn trên nét mặt ai cũng có vẻ rụt rè lo sợ. Sân truờng mỗi lúc một đông nhưng đặc biệt là không có tiếng ồn ào dù số đông đã lên tới 6,7 trăm nguời, trái hẳn những giờ ra chơi, số học sinh chỉ trên duới 200 nhưng rất náo nhiệt. Một bà mẹ dẫn con đi thi đứng gần tôi, bà ôm vai con nhắn nhủ: “ Con cứ bình tĩnh làm bài, đừng có sợ, con mẹ học giỏi thế nào cũng đậu.”… Rồi không ai bảo ai, chúng tôi nhìn theo giấy huớng dẫn để đi tìm phòng thi và lần luợt vào lớp. Nhìn mấy thầy giám thị chúng tôi vừa hồi hộp vừa lo, nhưng rồi giờ quan trọng đã đến và bài thi bắt đầu…

Bài thi vào lớp Đệ Thất có 2 môn là toán và luận văn. Toán có 2 bài tôi không nhớ đuợc bài toán như thế nào nhưng bài thi luận văn thì thật là đặc biệt với đề thi Đệ Thất năm đó: “Tả mùa nắng năm nay. Trò thích hay không thích mùa nắng này? Tại sao ?”. Đọc xong đầu đề bài thi tôi thấy lạnh cả nguời. Mùa nắng có gì mà tả. Nó không có hình dáng, không kích thuớc, ngay cả màu sắc cũng không biết màu gì thì làm sao tả. Ngày đi học chúng tôi chỉ đuợc nghe lời thầy dạy là tả con vật gồm có đầu, mình và tứ chi, tả loài chim thì gồm có mỏ, lông, cánh, tả nguời sẽ gồm có đầu, tóc, mắt, mũi, tai, miệng, mình và chân tay, giọng nói, dáng điệu cao thấp, tả cảnh gồm có cây cối, màu sắc, trời mây, sông nuớc …

Nhưng đề thi đã ra dù có thích hay không thì cũng phải làm, làm cho xong không đuợc mà phải làm cho hay vì là kỳ thi tuyển.

Tôi thuộc như con vẹt, bài luận văn gồm có 3 phần: nhập đề, thân bài và kết luận. Nhập đề có 2 cách là trực khởi và lung khởi. Tôi vẫn thích lối nhập đề trực khởi nên thuộc lòng mấy câu mẫu: Tả con gà thì nhập đề: “Cục ta cục tác…”, tả đứa trẻ chăn trâu thì “Ngé ngọ nghé ơi. Thằng Tửu ngồi trên mình trâu…”. Đối với tôi phần nhập đề rất quan trọng, “đầu xuôi, đuôi lọt”. Nhưng tả mùa nắng nhập đề như thế nào? Tôi loay hoay khoảng 10 phút rồi bắt đầu nháp thử: “ Một năm có bốn mùa là Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mỗi mùa có một đặc tính riêng, nhưng mùa nắng năm nay thật là khủng khiếp với cái nóng nung nguời …”. Nhưng đọc đi đọc lại câu nhập đề này tôi vẫn không cảm thấy thích vì nó không theo lối “trực khởi” như sở thích của tôi nên cố gắng tìm cách khác, rồi bất ngờ như có một tia sáng lóe lên và tôi viết đuợc câu nhập đề đúng ý: “ Con ơi vào trong nhà lấy cho mẹ cái quạt không em con nóng quá. Tôi vâng lời đi lấy quạt cho mẹ”. Thế là xong đuợc phần nhập đề, và tôi bằng lòng với lối nhập đề này, đến phần thân bài thì dễ hơn, Tôi bắt đầu tả từ sáng sớm, trưa, chiều và tối. Nào là giàn muớp sau vuờn đã khô héo, con chó nằm thè luỡi truớc cửa mỗi ngày, rất nhiều nguời bị bệnh vì có dịch cúm. Hồi đó những khu nhà sàn vùng Khánh Hội bị cháy hết, tôi theo báo chí và đài phát thanh nên cũng bắt chuớc để đả kích Việt cộng: “ Mùa nắng đã làm ruộng vuờn khô héo, nguời dân bị bệnh truyền nhiễm, học sinh phải nghỉ học ở nhà, thế mà có những nguời thiếu lương tâm lợi dụng mùa nắng để đi đốt nhà của dân khiến bao nguời nghèo túng nơi Khánh Hội lâm vào cảnh màn trời chiếu đất”...

Trong kỳ đại hội của nhóm Nguyễn Trãi 57 cũng có 2 bạn lên nói về kỷ niệm với bài thi này, có nguời nói rất thích mùa nắng này vì ở Sài Gòn nóng quá nên đuợc cha mẹ cho về quê chơi để tránh cái nóng và cậu bé đuợc sống thoải mái những ngày vui nơi thôn giã. Cậu mong có những mùa nắng như thế nữa để đuợc về quê chơi. Đây là ý nghĩ chân thật của một đứa trẻ, chứ không “ông cụ non” như bài của tôi, nhưng dù sao bài thi luận văn đặc biệt này đã ghi nhớ cho bao đứa trẻ thời đó. Bộ Quốc Gia Giáo Dục ra đề thi này cho tất cả các truờng trung học vùng Sài Gòn, Gia Định. Sở di bộ giáo dục ra đề thi này vì năm đó nóng khủng khiếp, nên đã phát sinh ra bệnh cúm, rất nhiều nguời bị ốm, có gia đinh ốm cả nhà. Mùa nắng năm đó như là một thiên tai…

Tôi may mắn đậu hạng 19 trong số 35 học sinh đủ tiêu chuẩn xin học bổng. Tôi đuợc học bổng toàn phần 3 năm liên tiếp (thất, lục và ngũ) và dùng tiền học bổng này để học nhẩy. Học xong lớp đệ lục, 3 tháng hè tôi học toán lý hóa đệ ngũ, vào niên học truờng Nguyễn Trãi tôi học đệ ngũ, ngoài truờng tư tôi học đệ tứ. Sau này tôi biết thời gian đó cũng có một số bạn học nhẩy như tôi. Chúng tôi học nhẩy là học lén không cho truờng công biết, nhưng ngày thứ hai tại truờng tư, đến giờ vạn vật, thầy Bùi Thái Trừu buớc vào lớp, tôi sợ quá nhưng không biết làm sao. Thầy Trừu nhìn tôi ngạc nhiên trong giây lát nhưng rồi thầy bắt đầu giảng bài như không có chuyện gì xẩy ra. Buổi chiều về truờng Nguyễn Trãi gặp thầy Trừu tôi rất sợ, mấy lần định gặp riêng thầy để xin thầy đừng nói với thầy hiệu truởng Vũ Đức Thận, nếu thầy nói ra tôi sẽ bị đuổi, nhưng tôi vẫn chần chờ không dám ngỏ lời và rồi hết năm, truờng Nguyễn Trãi không ai nói gì cả và tôi đậu trung học phổ thông năm đó, rồi tôi bỏ đệ tam và học luôn đệ nhị, đệ nhất truờng tư. Tôi bị mất 2 năm nhưng lên Đại học sớm đuợc 2 năm, như vậy là không bị mất năm nào ...

Cách nay hơn một năm lúc đến viếng linh cửu thầy Trừu tại miền nam California, tôi thầm cám ơn thầy đã giúp tôi giữ kín việc học nhẩy của tôi và cũng học thêm nơi thầy cách xử thế ở đời, ngoài môn vạn vật.

Mới ngày nào còn là một đứa trẻ vào thi vào lớp đệ thất, nay chúng tôi tuổi đã nhiều, tóc đã bạc, đa số đã về hưu trí và một số bạn cũng đa ra đi. Các thầy dạy tôi giờ đây như thầy Quýnh, thầy Trừu, thầy Hiền, thầy Hoạch, Thầy Chung Quân, Thầy hiệu truởng Vu Đức Thận, Cụ Tổng Giám Thị Phác… không còn nữa.

Đại Hôi Nguyễn Trãi Toàn Thế Giới lần đầu tại Houston, Texas năm 2012 để chúng ta gặp lại nhau sau mấy chục năm trời xa cách, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vui buồn của một thời cắp sách đến truờng…

“ Cuộc đời như thể bể dâu,
Mai kia liệu có còn nhau mà tìm ?”

Hoàng Nguyên Linh

Không có nhận xét nào: