Những dị nhân săn ong khoái mùa này có thể kiếm cả triệu đồng/ngày nhờ kiếm được những tổ ong khổng lồ chứa từ vài lít đến cả chục lít mật ong. Với giá từ 500-700 nghìn đồng/lít mật bán tại cửa rừng, những “dị nhân” săn ong khoái mùa này có thể kiếm được triệu đồng/ngày nhờ kiếm được những tổ ong “khổng lồ” chứa từ vài lít đến cả chục lít mật. Vào thời điểm sau Tết, các loài hoa bắt đầu nở rộ cũng là lúc từng đàn ong rừng kéo nhau về làm tổ, hút mật hoa để luyện thành mật ong. Đặc biệt, đây là mùa của ong khoái, loài ong mật có kích thước khổng lồ của Đông Nam Á.
Mùa mật ong khoái kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. (Ảnh: Ong rừng Đông Bắc).
Thời gian này, những “dị nhân” săn ong rừng cũng đổ về các cánh rừng, tìm kiếm những tổ ong khổng lồ để lấy mật bán, bởi theo họ, mùa này mật ong rừng có chất lượng nhất và ngon nhất.
Anh Hà Thanh (bên trái) cùng người bạn đồng hành của mình bên cạnh tổ ong khoái chuẩn bị thu hoạch. (Ảnh: Ong rừng Đông Bắc).
Được coi là “dị nhân” săn ong rừng vì những người này không chọn công việc nhàn hạ mà lựa chọn việc nguy hiểm, trèo đèo, leo núi, ăn ngủ giữa rừng và “chui” vào giữa tổ ong cả nghìn con chứa đầy nọc độc để kiếm nguồn mật về bán.
Chọn công việc khó khăn mà ít ai làm được, những người thợ săn ong treo mình lên vách đá, ngọn cây để lấy mật. (Ảnh: Ong rừng Đông Bắc).
Hơn 10 năm đi khắp các cánh rừng già khu vực phía Bắc trở vào Tây Nguyên để kiếm mật ong rừng, anh Hà Xuân Thanh, trú tại phường Sông Cầu, thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn cho biết, ong khoái là loài ong mà thợ săn ong thích nhất nhưng cũng “sợ nhất”.
Tổ ong khoái nằm cheo leo trên nhánh cây rừng. (Ảnh: Ong rừng Đông Bắc).
“Sợ là vì chúng thường làm tổ ở vị trí rất cao. Khi thì cheo leo trên vách đá, khi thì lơ lửng ở cành cây. Bản tính của chúng cũng rất hung dữ và tấn công theo bầy đàn. Phát hiện ra nguy hiểm, cả bầy hàng ngàn, hàng vạn con ong xông vào đốt nên nếu không cẩn thận thì thợ săn ong có thể bị ong đốt hoặc ngã xuống đất”, anh Thanh kể.
Công việc lấy mật ong khoái rất khó khăn và nguy hiểm, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ có thể đánh đổi cả tính mạng. (Ảnh: Ong rừng Đông Bắc).
Với bản tính hung dữ, con người chưa thể thuần hoá được ong khoái. Trong khi đó, mật ong khoái lại cực kỳ thơm ngon và bổ dưỡng do chúng hút các loại mật hoa rừng về làm tổ. Vì vậy, giá của loại mật này cũng cao hơn các loại mật thông thường, từ 500-700.000 đồng/lít tại cửa rừng và có thể lên tới hơn 1 triệu đồng nếu bán lẻ ra thị trường.
Ngoài ra, tổ của chúng cũng rất to, có tổ to bằng cái nong, nặng cả chục cân, vắt được cả chục lít mật. Vì vậy, thợ săn ong rất thích.
Thợ rừng sau khi đuổi ong thợ và ong chúa đi bằng khói sẽ trèo lên khai thác mật. (Ảnh: Ong rừng Đông Bắc).
Theo anh Thanh, ở phía Bắc, mùa lấy mật ong khoái được tính theo vụ lúa, là vụ chiêm và vụ mùa. Vụ chiêm từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch. Sau đó, ong nghỉ tránh mưa 1 tháng rồi vào vụ mùa từ tháng 7 đến tháng 10.
Ong khoái được coi là loại ong mật khổng lồ Đông Nam á vì kích thước tổ của chúng rất lớn. (Ảnh: Ong rừng Đông Bắc).
“Chúng tôi đi thành đoàn 3 người. Mỗi chuyến đi “săn ong” kéo dài cả tuần, thậm chí là nửa tháng. Trung bình mỗi tuần kiếm được từ 70-80 lít mật. Tuần nào may mắn, kiếm được cả trăm lít. Sau khi trừ chi phí, mỗi người có thể kiếm được cả triệu đồng/ngày”, anh Thanh cho hay.
Mỗi tổ ong khoái có thể cho thu hoạch từ 3-15 lít mật, tuỳ to hay nhỏ. (Ảnh: Ong rừng Đông Bắc).
Thu nhập cao nhưng không phải ai cũng làm được công việc này bởi theo anh Thanh, thợ săn ong đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm và mất rất nhiều công sức. Nếu mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm có thể đi cả tháng cũng không được lít mật nào.
Ong khoái đi lấy về đến đâu được mua hết đến đó với giá từ 500-700 nghìn đồng/lít tại cửa rừng. (Ảnh: Ong rừng Đông Bắc).
Cũng theo anh Thanh, tổ ong khoái cho nhiều mật nhất trong các loài ong mật. Tổ nhỏ thu được từ 3-5 lít, tổ to được tầm 7-8 lít, thậm chí có tổ đặc biệt có thể cho 15 lít mật.
Nhiều tổ ong to có thể cho cả chục lít mật. (Ảnh: Ong rừng Đông Bắc).
“Tuỳ vào nguồn hoa mà mật ong khoái có màu sắc khác nhau. Chúng tôi đi nhiều năm nên có thể xác định được thời gian nào tổ ong cho mật và địa điểm nào có tổ ong. Đặc biệt, khi khai thác mật, chúng tôi chỉ lấy tổ, không bắt ong chúa hay ong thợ. Đồng thời để lại cuống tổ để chúng làm mật cho mùa sau”, anh Thanh chia sẻ.
Theo Hồng Cảnh/Dân Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét