Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

NỢ ĐỜI MỘT NỨA - MỘT NỬA NỢ EM - Phạm Tín An Ninh


Nhà văn Phạm Tín An Ninh và Quan Dương chụp tại tượng đài Việt Mỹ ở Cali năm 2013 .-  Chắc trên Trang Hoài Niệm Miền Nam này không ít thì nhiều cũng có một số bạn đã từng đọc những câu chuyện của nhà văn Phạm Tín An Ninh . Nhất là các anh cựu quân nhân của VNCH đa số đều biết anh là một cựu sĩ quan của VNCH sau 75 ở tù 8 năm tận miền Bắc xa xôi. Nhân vật trong những câu truyện của anh thường là nạn nhân của những oan khiên và sai lầm của lịch sử . Những nhân vật oai hùng khí phái nhưng vô cùng nhân bản đặc thù của những người lính của phía miền Nam .
<!>
Tình cảm giữa tôi và anh Phạm Tín An Ninh khá là thân thiết . Ngoài chuyện hai anh em hạp ý về thơ văn về tình chiến hữu , tôi còn là bạn nối khố với chị Trương Thu Thức là bà xã của anh Ninh ... Tình bạn của tôi và chị bắt đầu năm 1962 khi cả hai cùng 12 tuổi thi đậu vào lớp đệ thất ( lớp 6) Trường Trung học Trần Bình Trọng Ninh Hoà . Chúng tôi có bốn năm trung học đệ nhất cấp với nhau
Năm 1966 lên đệ tam (lớp 10) tình hình chiến sự có vẻ bắt đầu sôi động lan rộng đến quận lỵ Ninh Hoà . Một hôm có một đại đội kéo quân về trấn thủ tại sân vận động . Đối diện với sân vận động là nhà của Thu Thức . Bữa nọ ông thiếu uý đại đội trưởng trong khi đang giở bản đồ ra nghiên cứu tình hình chung quanh thì cô nữ sinh lớp đệ tam Thu Thức đang đạp xe đi học về vô tình lọt vô tầm ngắm . Thế là sét nổ cái đùng đánh trúng trái tim . Ông thiếu uý đó là nhà văn Phạm Tín An Ninh . Năm đó cô nàng Thu Thức mới 16 tuổi nghĩa là tuổi đang còn vị thành niên . Sét đánh trúng thiếu uý sẵn trớn đánh trúng luôn Thu Thức . Thế mới biết sét ái tình đã không đánh thì thôi chứ đã đánh rồi thì không phân biệt tuổi tác .

Còn nhớ năm cuối đệ tứ trường tổ chức cấm trại tôi được phân công chở Thu Thức đi chặt tre . Thu Thức ngồi sau ỷ lại gọi tôi bằng mày xưng tao nên hai tay bám chặt hai bên hông làm tôi như bị điện giật. Mới 16 mà trông tròn trịa ngon lành như thiếu nữ đang xuân. Không biết ăn gì mà mau lớn vậỵ Tôi nói : bà kiểu này tui nghi chắc có chồng sớm quá . Thu Thức giãy nãy : Thằng quỉ nói tầm bậy ... Nói tầm bậy mà trúng tầm bạ. Một đám cưới nhà binh chớp nhoáng diễn ra . Đám con trai cùng lớp không đứa nào được mời vì bị chê còn con nít mặc dù đứa nào cũng đều ngang tuổi với cô dâu .

Thuở đó bạn bè cùng lớp nói chuyện xưng hô với nhau bằng mày tao bất kể con trai hay con gái . Tuy nhiên đám con gái gọi đám con trai bằng thằng trước mặt , còn đám con trai chỉ dám gọi con gái bằng nó khi ở sau lưng . Đang mày tao ngon lành như vậy tự nhiên một đứa lấy chồng nên cách gọi được điều chỉnh lại . Tôi không gọi Thu Thức bằng nó nữa mà gọi bằng bà xưng tui . Thế là đứa nào lấy chồng thì lấy chồng đứa nào còn đi học thì cắm đầu vô việc học

Để rồi 6 năm sau tức là năm 1972 lúc này tôi đã 22 và đã cũng là thiêu uý của quân lực VNCH . Trong một lần về phép Ninh Hoà thì tôi gặp lại cô bạn cùng lớp giờ đã tay xách nách mang hai đứa con và người hùng của hai đứa con đó chính là đại uý Phạm Tín An Ninh . Tôi không còn nhỏ nữa và giờ cũng là chiến binh giống như anh Ninh cùng chung nhiệm vụ cầm súng để bảo vệ miền Nam này . Nhưng chúng tôi chỉ gặp thoáng qua và chỉ chào nhau theo quân cách vì anh Ninh phải vội vã vì đơn vị đang đi hành quân . Sau đó thì năm 75 ập đến . Anh Phạm Tín An Ninh trở thành tù nhân lao động khổ sai ở tận ngoài Bắc và cô bạn năm xưa của tôi bao phen làm thân cò lặn lội bờ sông vất vả gánh gạo nuôi chồng .

Năm 1983 anh Phạm Tín An Ninh được thả về sau 8 năm tù ngục , hai vợ chồng tổ chức vượt biên đến Na uy thành công . Năm 1993 tôi cũng theo HO qua được Mỹ . Nếu cuộc sống bình lặng cứ vậy mà trôi qua thì không có gì để kể . Nhưng sau khi qua Mỹ rồi có không khí tự do để thở , có thời gian nghiền ngẫm lại và thấy thấm thía đau . Rồi suy nghĩ bị cộng sản tát đau như vậy tại sao mình không bật tiếng kêu đau . Thế là tôi đem đau bỏ vào thơ văn . Ở bên kia trời tây Na Uy anh Phạm Tín An Ninh cũng thế . Từ duyên nợ thơ văn này mà một người ở tận Na Uy một người ở tận bên Mỹ quen nhau mà không hề biết nghiệp nợ đã đến với họ từ lâu trước đó 20 năm . Anh Phạm Tín An Ninh tìm cách liên lạc với tên Quan Dương mà không hề biết Quan Dương chính là Dương Quan đọc theo kiểu Mỹ cho đến khi bà xã anh phát giác ra điều đó . 

Chị Thức nói với chồng hắn chính là người thiếu uý bạn em năm 1972 anh đã gặp ở Đại Lãnh . Té ra bấy lâu nay nghe đồn trái đất tròn là có thật . Mãi sau này tôi vẫn thường tự hỏi đó có phải là điều kỳ diệu hay không . Hai anh em tôi đã thân lại càng thân hơn . Từ sự thân thiết này cũng chính tôi là người xúi giục anh cho ra đời tác phẩm đầu tay “ Ở cuối hai con đường “ mà hiện nay đã từng lấy nhiều nước mắt của người đọc . Có một điều hơi tếu lâm là mặc dù tôi và bà xã anh Ninh đã lên chức nội ngoại hết rồi nhưng nói chuyện với nhau tôi vẫn gọi bạn tôi bằng bà xưng tui giống như 50 năm về trước khi còn đi học. 

Bà xã anh Ninh tiến bộ hơn không gọi tôi bằng mày xưng tao nữa mà cũng đã gọi tôi bằng ông xưng tui cho đúng phép lịch sự . Sau tập truyện “ Ở cuối hai con đường “ anh Phạm Tín An Ninh còn có “ Rừng khóc giữa mùa xuân “ Truyện nào của anh cũng đầy tính nhân bản không chứa hận thù nhưng không qui luỵ và nhất là không có sự thoả hiệp với cái ác mà đám cộng sản trong nước đang nhân danh để khủng bố người dân . Bên cạnh trong những tác phẩm của anh viết về đời lính, tình chiến binh , tình đồng đội sẳn sàng hy sinh cho nhau mà chúng ta thường bắt gặp vẫn còn có những câu chuyện anh kể về một nửa kia của đời mình

Quan Dương

NỢ ĐỜI MỘT NỨA - MỘT NỬA NỢ EM
Phạm Tín An Ninh

Nhà văn Phạm Tín An Ninh và bà xã Trương Thu Thức hình chụp năm 1973
Thời còn đi học, lang thang từ Nha Trang đến Sài Gòn, dù con nhà nghèo, học tàm tạm, và nhan sắc dưới trung bình, tôi cũng đã mang tiếng đào hoa. Cho nên có muốn kéo dài thêm cái đời học trò để được mơ mộng đủ thứ chuyện dưới biển trên trời thiên hạ cũng đâu có cho. Rồi có phải thuộc dòng hào kiệt gì đâu, tôi cũng xếp bút nghiên theo việc kiếm cung. Nói kiếm cung cho nó vẻ văn chương và lãng mạn, chứ thực ra tôi vào lính, mà lại là thứ lính hạng bét thì làm gì có kiếm với cung. Có phải lính tàu bay tàu thủy gì đâu, mà là lính đi bộ. Lúc băng rừng lội suối, mặc bộ đồ trận hôi hám cả tuần không tắm, tôi ghét cay ghét đắng cái ông nào là tác giả cái câu ” Bộ Binh là nữ hoàng của chiến trường ” mà tôi đã đọc được ngay từ khi mới vào quân trường, đếm bước một hai để hát bài “đường trường xa”.

Khổ thì khổ vậy, chứ mấy cô gái bé bỏng hậu phương lại mê lính trong mấy bản nhạc của ông Nhật Trường. Vì “nếu em không là người yêu của lính, ai thương nhớ em chiều rừng hành quân, ai băng gió sương cho em đợi chờ, và giữa chốn muôn trùng ai viết tên em lên tay súng? .. “. Nhờ vậy trong mấy năm đóng quân dọc đường số 1, nơi nào tôi cũng để lại vài mối tình con. Tôi nghĩ đời lính như vậy mà vui, thì thôi chớ tính chuyện vợ con làm gì cho nó vướng chân vướng cẳng. Hơn nữa, tôi cũng hiên ngang với đám con gái lắm, nên làm gì có chuyện “chết trong mắt em”. Vậy rồi trời xuôi đất khiến thế nào, sau mấy năm đánh đấm ở Quảng Ðức, Ban Mê Thuột rồi Bình Định, Phú Yên, đơn vị tôi được mấy cái tàu há mồm chở vào bỏ xuống bãi biển Nha Trang vào lúc đường phố mới lên đèn. Tôi thấy lòng lâng lâng sung sướng vì không khí yên bình của thành phố biển, mà cũng vì tưởng mình đã được trở về với những “hang động tuổi thơ ” của ông Nguyễn Xuân Hoàng. Nào ngờ, khi còn mải mê với mộng mị, tôi bị đánh thức lúc nửa đêm cùng đơn vị leo lên một đoàn xe mấy chục chiếc để tiếp tục “hát khúc quân hành “. Ðoàn xe ra khỏi thành phố, qua Ty Thông Tin, ra quốc lộ 1, trực chỉ hướng bắc. Tôi lại mừng thầm, nghĩ là sẽ được về dưỡng quân ở Dục Mỹ. Nhưng tôi đã “ước tính tình hình” sai bét. Ðoàn xe dừng lại tại bùng binh, ngã ba Ninh Hòa. Một tiểu đoàn lính đổ xuống cái thị trấn còn đang say ngủ. Ðại đội tôi nhận lệnh vào đóng quân trong sân vận động. Sáng hôm sau tôi rủ mấy thằng bạn, quần áo chỉnh tề, ra phía trước ” thăm dân cho biết sự tình”.

Thấy một ngôi nhà mở cửa, bọn tôi bước vào làm quen. Chủ nhà là một cô gái nho nhỏ dễ thương, mời đón mấy thằng lính trời ơi đất hởi mà miệng vui cười, e thẹn nhìn tôi bằng cặp mắt nai tơ. Vậy mà thằng lính ngang tàng như tôi lại chết trong đôi mắt ấy. Bắt đầu từ một chuyện tình cờ như vậy đó, mà tôi trở thành chú rể của Ninh Hòa hơn một năm sau. Trường Trần Bình Trọng cũng vừa có một cô học trò bỏ trường, bỏ lớp, bỏ bạn bè và bỏ cả đội múa Trăng Mường Luông

Bây giờ cứ mỗi lần đọc bài thơ của ông nhà thơ Quan Dương, người Ninh Hòa, là tôi nhìn thấy có tôi trong đó

Hồi nhỏ tôi rất anh hùng
Một mình dám nhảy cái đùng xuống sông
Bơi nghiêng, bơi ngửa giữa dòng
Hiên ngang trấn giữ một vùng tuổi thơ

Lớn lên trở chứng ngu khờ
Mắt em nào phải bến bờ sông sâu ?
Cớ sao chưa kịp lộn nhào
Ðành chịu chết đuối, thiệt đau đúng là..

Nàng làm vợ lính đúng tám năm. Tám năm khốn khổ lo âu. Vì lúc nào cũng có thể trở thành góa phụ. Ðã vậy đứng ở Ninh Hòa lúc nào nàng cũng nhìn thấy hòn núi vọng phu sừng sững cuối chân trời! Nhưng rồi nàng không trở thành góa phụ mà lại trở thành tù phụ. Cơn sóng bất ngờ phủ xuống miền Nam, cuốn nàng theo cùng những người có chung số phận. Thân phận bọt bèo với một đàn con dại, cô học trò Trần Bình Trọng bé nhỏ ngày nào bây giờ phải một mình chống chọi với phong ba.

Riêng tôi, một thằng lính bất ngờ thua trận thì chuyện tù đày nào có than chi. Chỉ tội nghiệp cho “người tình bé nhỏ ” ngày xưa. Tôi tự trách mình, giá mà ngày đó tôi đừng ra khỏi cái sân vận động, không gặp nàng, thì biết đâu nàng chẳng tìm lại một cố nhân nào đó – mà tôi thường nghe nàng nhắc đến với lòng ngưỡng mộ – bây gìờ đã là một ông quan hải quân, sẽ đưa nàng xuống tàu ra khơi đi tìm vùng đất hứa.

Rồi nàng bỗng dưng trở thành con cò lặn lội bờ sông của ông Trần Tế Xương, để nuôi đủ sáu con với một chồng – ông chồng gần tám năm biền biệt ở các trại tù Lào Cai, Yên Bái.

Tôi còn nhớ lúc ở trong tù, tôi may mắn nằm bên cạnh nhà thơ lớn Tô Thùy Yên. Tôi rất quý Anh vì Anh là một người tù có tư cách. Thấy tôi dốt nát mà cũng thích thơ văn, Anh làm tặng tôi một bài thơ khá dài và hay lắm. Nhưng lúc bị cai tù kiểm tra, tôi nhát gan nên bỏ cả bài thơ vào miệng nhai nát rồi nuốt vào cái dạ dày đang đói. Vì vậy tôi không còn nhớ hết mà chỉ thuộc lòng mấy câu viết về nàng:

Tám năm áo rách bao nhiêu lượt
Em vá chồng lên những nỗi niềm.
Từ thuở anh đi nhà tróc nóc
Con thơ đâu còn biết vui cười

Cô gái Ninh Hòa, thương quá đỗi
Một mình chèo chống giữa phong ba

Ra khỏi trại tù, dường như tôi chỉ đem về cho nàng thêm những đắng cay. Với một người chồng còn mang đầy những vết thương cả trên thể xác lẫn tâm hồn, một đàn con thơ dại, giữa một xã hội chất chồng thù hận, nàng biết xoay sở làm sao? Cuối cùng, nàng phải cùng chồng con, đem sanh mạng đánh một canh bạc cuối cùng.

Có lẽ ông trời không phụ lòng nàng. Chuyến đi vội vã, chuẩn bị chưa xong, rồi cũng đến được bến bờ... Trong lúc bao nhiêu người tìm cách tận hưởng hạnh phúc của một điều tưởng chừng may mắn nhất của con người, hoặc ít ra cũng ngơi nghỉ để hoàn hồn từ cõi chết, nàng lại tiếp tục làm kiếp con cò trong một vùng tuyết lạnh mênh mông, lo lắng cho con, để cho chồng học thêm vài chữ và vác ngà voi chạy đủ thứ chuyện bao đồng..

Bây giờ những đứa con đã trưởng thành. Nàng chiều chồng để cho mỗi đứa tự chọn quốc gia nào nó thích mà dung thân. Mỗi đứa một phương trời. Nàng lại là một hậu phương cho các con đi vào trận mới. Ngôi nhà trở nên trống vắng. Cuối cùng nàng cũng chỉ còn có tôi, ngưới lính thất trận năm nào đã mang đến cho nàng biết bao là hệ lụy. Dư âm cuồng nộ của những cơn giông bão năm nào dường như vẫn còn đâu đó trong giấc ngủ của riêng nàng.

Tuổi sắp già, mà tôi còn mang nhiều món nợ. Biết làm sao trả cho xong. Nợ núi sông, nợ máu xương bè bạn. Mà tôi thì cứ mãi là thằng lính hèn mọn, bạc tình . Và tôi còn nợ nàng, nợ Ninh Hòa. Mảnh đất hiền hòa đã cho tôi một người vợ chung tình, cùng tôi qua bao cuộc biển dâu.

Phạm Tín An Ninh

Không có nhận xét nào: