Nhắc Nhở Chủ Nhật Tuần Này: Happy Mother’s Day 2022!
*Hãy ôm Mẹ mình, nói lời yêu thương bất cứ lúc nào có thể! 365 ngày đều là Ngày Của Mẹ! Hướng chi Ngày Hiền Mẫu. Người Phụ Nữ Quý Báu, Duy Nhất trong cuộc đời của mỗi người! Chỉ biết cho, chứ không biết nhận! Con đau một, Mẹ đau mười! Đừng để người Mẹ yêu thương của mình, khi qua đời, mình mới nhận ra điều này! thì đã trễ! không còn cơ hội nữa! *Tin Vui: Trong buổi Lễ Chào Cờ đầu tháng, Thứ Bảy tuần này, tại Vườn Truyền Thống Việt, lúc 9 giờ sáng. Để Vinh Danh Những Bà Mẹ Việt Nam tại San Jose, một vị ẩn danh, sẽ tặng mỗi Bà Mẹ tham dự, một hộp bánh và một chai rượu. Có nhãn “Mừng Ngày Của Mẹ Năm 2022” để kỷ niệm. Cũng như thay lời cảm tạ đã nuôi những đứa con ngoan ngoãn, thành công trên xứ người! mà vẫn nhớ quê hương việt Nam.
Đặc biệt hơn nữa, trong bữa cơm phục vụ Khách Không Nhà (homeless) hàng tuần, những Bà Mẹ cô đơn không nhà, không phân biệt quốc tịch, cũng nhận được món quà ý nghĩa trên.
Ý Nghĩa Ngày Của Mẹ!
-Mẹ là món quà yêu thương đặc biệt nhất, mà Thượng Đế ban cho mỗi con người.
-Mẹ là dòng suối dịu hiền, Mẹ là bài hát thần tiên, là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm, khi lạc lối.
-Mẹ là tất cả! Mẹ là người có thể thay thế tất cả những ai khác, nhưng không ai có thể thay thế được Mẹ!
-Mẹ chăm sóc ta cả cuộc đời, làm những việc cực nhọc nhất, mà không cần trả lương! Mẹ nắm tay những đứa con mình không phải chốc lát, mà giữ trong trái tim suốt cả cuộc đời! cho dù con lớn bao nhiêu tuổi cũng thế!
Nên Tình Mẹ Con, Mẫu Tử là một tình cảm vô cùng thiêng liêng, cao quý nhất. Tất cả mọi người mẹ trên cõi đời này, đều thương yêu con của mình, đấy là bản tính, là thiên tính Trời ban cho người phụ nữ. Chính nhờ tình thương của mẹ, mà người con được lớn lên. Tình thương yêu của mẹ, đã giúp cho người con quân bình, thành người, về các phương diện tâm sinh lý. Người Mẹ tuy âm thầm, nhưng có ảnh hưởng rất lớn trong mỗi cuộc đời con người!
Lịch Sử Ngày Lễ Hiền Mẫu Mother's Day
Ngày của Mẹ (Mother‘s Day) ấn định mừng vào ngày Chủ Nhật thứ nhì của tháng 5 hằng năm. Đây là ngày để tôn vinh các bà mẹ, bà nội, bà ngoại, vì những đóng góp to lớn của họ cho gia đình, cộng đồng và xã hội
Nguồn gốc ngày của Mẹ có từ rất lâu, vào thời kỳ cổ Hy Lạp và La Mã. Nhưng cái gốc lịch sử Ngày Của Mẹ, có thể tìm thấy ở Anh Quốc, nơi đó Chủ Nhật Ngày của Mẹ, đã được tổ chức tưng bừng, trước khi lễ mừng này được “di cư” thành hình, bên Hoa Kỳ.
Dầu vậy, việc ăn mừng liên quan của ngày này, lại được coi là một hiện tượng, chỉ mới gần đây, mới hơn một trăm năm.
Thật ra, phải cảm tạ công khó của những phụ nữ tiền phong, như Julia Ward Howe và Anna Jarvis, mà "ngày này" mới được chính thức thành hình.
Ngày nay, việc tổ chức, tiệc mừng cho Ngày của Mẹ, đã được trên 50 quốc gia của thế giới công nhận. (Mặc dầu vào những ngày khác nhau) Trở thành những Ngày Lễ ý nghĩa, mà mọi người yêu thích nhất! Hàng triệu người trên khắp thế giới, dùng cơ hội này để nhớ đến, kiếm cách trả ơn bà mẹ của mình, tri ân họ về việc sanh thành, dưỡng dục, để họ thành người.
Ngày của Mẹ, được tổ chức tưng bừng nhất ở những quốc gia như: Mỹ, Nga, Anh Quốc, Ấn Độ, Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Thổ Nhị Kỳ, Úc Đại Lợi, Mễ Tây Cơ, Gia Nã Đại, Trung Hoa, Nhật Bản, và Bỉ. Người ta dùng cơ hội của ngày này, để tỏ lòng tôn kính mẹ của mình và tri ân họ về tình yêu thương, sự nâng đỡ của Mẹ trong đời sống.
Nhưng ngày này, càng ngày càng phai mờ ý nghĩa, vì bị thương mại hóa. Đường giây điện thoại thì bận rộn, kẹt cứng nhất trong năm. Tiêu thụ hoa, quà, card, nhiều nhất! Nhà hàng cũng có khách đông nhất vào ngày lễ này. Ngày của Mẹ trở thành ngày làm ăn hốt bạc, cho những tiệm cắm hoa, những nhà làm thiệp và người bán quà tặng, cho cả dịch vu du lịch. Cơ hội hiếm có để kiếm tiền trong ngày này. Bằng chứng qua những cuộc quảng cáo quy mô, trước đó vài ba tháng, để thu hút khách hàng.
Thật là tiếc để ghi nhận rằng, bà Anna Jarvis đã bỏ hết cuộc đời, cho việc vinh danh ý nghĩa cao đẹp ngày của Mẹ. Giờ chỉ còn là dịp để vui chơi, quà cáp, ăn uống, trong ngày lễ. Những bà mẹ già, vẫn cô đơn mừng ngày này, trong các viện dưỡng lão. Trong khi các con của mình, tưng bừng hội hè ăn chơi phía ngoài, chẳng còn nhớ gì đến Mẹ của mình cả. Thật chua xót về tính cách thương mại hóa của ngày này. Mà đâu phải một lễ này đâu, lễ nào trên đất Mỹ này cũng thế!
Những câu danh ngôn về Mẹ nổi tiếng và ý nghĩa nhất
1. Với mẹ, dù lớn bao nhiêu, con mãi là một đứa trẻ! trong trái tim mình.
(Khuyết danh)
2. Chúa không thể ở khắp mọi nơi, để ban tình thương, ơn lành, nên Ngài sinh ra người mẹ!
(Proverbe Yiddish)
3. Khi bạn nhìn vào mắt của một người mẹ, bạn sẽ nhận biết được, tình yêu tinh khiết nhất, tuyệt vời nhất, mà bạn có thể tìm thấy trên trái đất.
(Mitch Albom)
4. Mẹ là người có thể thay thế bất kỳ ai khác, nhưng không ai có thể thay thế được mẹ.
(Gaspard Mermillod)
5. Tương lai của đứa con, luôn là công trình, tuyệt phẩm! hãnh diện nhất của người mẹ.
(Napoleon)
6. Tình thương của người mẹ, không bao giờ bị già nua, khi năm tháng trôi qua.
(Tục ngữ Đức)
7. Vũ trụ có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt diệu, quý báu nhất, là trái tim người mẹ!
(Bernard Shaw)
8. Không tình yêu nào vĩ đại, như tình yêu của người mẹ, dành cho đứa con của mình.
(Khuyết danh)
9. Người mẹ thật sự chẳng bao giờ rảnh rỗi, hình bóng con, luôn luôn hiện diện trong đầu và trái tim của Bà suốt cả đời!
(Balzac)
10. Tình yêu của người mẹ là yên bình, bình đẳng. Nó không cần bạn phải thông minh, đẹp đẽ, giỏi giang. Nó không cần bạn phải xứng đáng hay không! Nhiều khi khuyết tật, bạn còn nhận được nhiều hơn nữa!
(Erich Fromm)
11. Mẹ hiền sinh con ngoan, cây tốt sinh trái ngọt, lúa tốt cho gạo ngon.
(Ngạn ngữ Trung Quốc)
12. Người ta không bao giờ hiểu hết, nói hết về Thượng Đế, cũng như nói hết về người Mẹ.
(Ngạn ngữ Ấn Độ)
13. Mẹ nuôi con biển bờ lai láng, con nuôi mẹ kể tháng kể ngày.
(Tục ngữ Việt Nam)
14. Con đi ngàn dặm mẹ lo âu, Mẹ đi ngàn dặm con chẳng sầu.
(Ngạn ngữ Trung Quốc)
15. Khi bạn là một người mẹ, bạn không bao giờ thực sự cô độc trong suy nghĩ của mình. Một người mẹ luôn phải nghĩ hai lần, một lần cho bản thân và một lần cho con cái.
(Sophia Loren)
16. Một người mẹ vẫn mãi là một người mẹ, luôn luôn quan tâm đến những đứa con. Cho dù những đứa con đó đã lớn lên, vẫn là những đứa trẻ của riêng mình.
(Khuyết danh)
17. Trái tim của người mẹ là vực sâu muôn trượng, mà ở dưới đáy, bạn sẽ luôn tìm thấy sự tha thứ.
(Balzac)
18. Làm mẹ là một thái độ sống, thiêng liêng, không chỉ là mối liên hệ về sinh học.
(Robert A Heinlein)
Phong tục “Happy Mother’s Day!” tại các nước trên thế giới
Đa số các quốc gia trên thế giới ngày nay, ăn mừng Ngày của Mẹ, với các phong tục bắt nguồn từ Bắc Mỹ và Châu Âu. Khi được phổ biến tại các nước khác, ngày của mẹ đôi khi được thay đổi đôi chút, để phản ảnh nền văn hóa từng nơi. Một số nước để hợp nhất ngày lễ này, với những sự kiện quan trọng của nhiều phong tục bản xứ (ví dụ như tôn giáo, lịch sử, và truyền thuyết)
*Ngày của mẹ ở Anh
Ngày của mẹ ở Anh cũng trùng vào ngày Chủ Nhật, bởi vậy mọi người thường tới nhà thờ làm lễ, sau đó mới trở về nhà của mình. Các thành viên trong gia đình, dù ở xa cũng sẽ cố gắng họp mặt đông đủ trong ngôi nhà của cha mẹ. Họ thường tổ chức một buổi tiệc có thiệp mừng, bánh gato, hoa quả, rượu và tặng quà cho những người mẹ.
*Ngày của mẹ ở Mỹ
Ngày của mẹ được khởi xướng trở lại sau thế chiến thứ hai tại Mỹ, do bà Anna Marie Jarvis đấu tranh xác lập, tại phố Grafton, tiểu bang Tây Virginia, Hoa Kỳ. Bà Anna Marie Jarvis quyết tâm thực hiện di nguyện của người mẹ quá cố. Người mẹ của bà Anna khi còn sống là một nhân viên an sinh, luôn đấu tranh không ngừng để làm rạng danh các bà mẹ, tri ân công sức của họ trong đời sống và vì hòa bình. Sau khi người mẹ mất, cộng thêm thái độ thờ ơ lãnh đạm của người dân Hoa Kỳ với thân mẫu của mình, càng thôi thúc quyết tâm của bà. Sau nhiều năm đấu tranh quyết liệt, vào năm 1911, Ngày Của Mẹ được tổ chức ở hầu hết các tiểu bang ở Mỹ. Vào ngày 8/5/1914, tổng thống Mỹ đã ký quyết định ấn định ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm hàng năm là Ngày của Mẹ. Dần dần trở thành, một trong những ngày lễ được yêu thích nhất. Tiệc tùng cũng linh đình nhất!
*Ngày của mẹ ở Ấn Độ
Người Ấn Độ gọi ngày của mẹ là Durga Puja, trong đó “Durga” là tên của một nữ thần bảo vệ cho người dân Ấn Độ, khỏi mọi nguy hiểm trong cuộc sống. Họ tổ chức Ngày của mẹ như một lễ hội lớn vào tháng Mười, trong vòng… mười ngày! Đồng thời, với những người mẹ thật sự trong cuộc sống, mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, cũng sẽ được người con vào bếp trổ tài nấu ăn và tặng quà cho mẹ.
*Ngày của mẹ ở Tây Ban Nha
Ngày của Mẹ được tổ chức vào ngày Chủ Nhật đầu tiên của tháng năm ở Tây Ban Nha. Người lớn thường tặng mẹ sôcôla, thiệp chúc mừng hay một số món quà ý nghĩa khác. Còn trẻ em thì tự tay làm tặng mẹ những tấm thiệp, hoặc làm món quà đơn giản.
*Ngày của mẹ ở Nhật Bản
Trong ngày của mẹ, trẻ em sẽ vẽ những bức tranh dành tặng cho mẹ của mình và tập hợp những bức ảnh đó thành một cuộc triển lãm nhỏ, với chủ đề tình cảm mẹ con và sự hi sinh thầm lặng của các bà mẹ Nhật.
*Ngày của mẹ ở Úc
Hoa cẩm chướng là loài hoa biểu trưng cho ngày của mẹ ở Úc. Bông hoa cẩm chướng vàng dùng để tặng người mẹ đang còn sống. Còn hoa cẩm chướng trắng được dành tặng một người mẹ đã quá cố. Vào ngày này, trẻ em thường dậy sớm, làm tặng mẹ đồ ăn sáng và mang đến bên giường ngủ, để mẹ thức dậy và thưởng thức.
Nghiên cứu khoa học xã hội: Các bà mẹ nuôi con thành công, nên người, hay nhất!
Theo suy xét nhìn nhận từ xã hội, những đứa trẻ không cha, không mẹ thường gặp phải rắc rối trong cuộc sống. Chúng sẽ bị khinh bỉ, chọc ghẹo khi tới trường.
Vì thế, mà khó làm chúng thành công trong cuộc sống trưởng thành. Nhưng theo thống kê, đứa trẻ ở với Mẹ, lại dễ thành công trong cuộc đời, hơn ở với người cha.
Hãy xét về trường hợp thành công ngoài sức tưởng tượng, như trường hợp của cựu tổng thống Barack Obama, vận động viên bơi lội Olympic Michael Phelps và rất nhiều người danh tiếng khác, khi chỉ sống với mẹ.
Rồi tương tự như trường hợp của nhà vô địch môn xe đạp giải Tour de France Lance Armstrong, thị trưởng Massachusetts Deval Patrick và diễn viên Benjamin Bratt, đều thật sự trưởng thành như một người đàn ông chững chạc, ngay khi còn thanh niên dù cuộc sống không có cha, chỉ ở với mẹ!
Nhiều người cho rằng: “Sở dĩ những bà mẹ đó làm được điều kỳ diệu ấy, vì người mẹ nhạy bén, biết cách khuyến khích tài năng của con mình, kiên trì dùng tình thương định hướng, tập cho con sự tư duy độc lập và cảm giác phiêu lưu, muốn được chinh phục.”
Nên khi gia đình tan vỡ, đứa trẻ tốt hơn khi ở với mẹ, hơn là ở với cha.
Nghiên cứu: Thời gian 8 giờ sáng, là thời gian căng thẳng (stress) nhất với các bà Mẹ thế kỷ thứ 21
Một cuộc khảo sát cho thấy 8 giờ sáng là thời gian căng thẳng nhất, trong ngày của các bà mẹ bận rộn thế kỷ 21.
Tracey Hyem, giám đốc chi nhánh tại Anh, của công ty trang sức Bỉ Uniroyal cho biết: Qua cuộc khảo sát 2.000 bà mẹ nước này, cho thấy, việc chuẩn bị để đưa trẻ đến trường (đánh thức trẻ dậy, cho chúng ăn sáng và kiểm tra cặp sách của chúng) thường khiến các bà mẹ mất bình tĩnh, bối rối ngay cả trước khi rời nhà. Rồi còn kẹt xe…
Điều tra cũng cho thấy đa số các bà mẹ vừa lo đi làm, vừa lo quán xuyến việc gia đình hàng ngày, khiến họ luôn trong tình trạng stress, đặc biệt cao điểm nhất vào buổi sáng, lúc 8 giờ!
Một vài Truyện Ngắn, Câu Thơ Của Nhiều Tác Giả Về Mẹ
Nó
Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó, đau khổ và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất bà ngoại. Thiếu hơi bà, nó thút thít khóc cả đêm, mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái dỗ dành:
- Ngoại có đi đâu! Ngoại ở đây mà!
Vậy là nó nín.
Rồi mẹ cũng theo bà! Hôm tang mẹ, nó thấy dì khóc, nó bảo:
- Mẹ có đi đâu, Mẹ ở đây mà!
Rồi lấy tay đặt lên ngực trái, chỗ trái tim.
Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn nữa.
Lần này, nó không nghe lời mẹ nó, tay vẫn để ở trái tim, nhưng khóc theo dì! Gào lên Mẹ ơi!
Quà sinh nhật
Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất, chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn nhau nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mỗi bàn bao nhiêu người.
Chị lặng lẽ đến bên má:
- Má ơi, má thèm gì? Để con nấu cho má ăn!
Chưa tan tiệc, má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi:
- Sao má chẳng ăn gì?
Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn tô canh chua lá me và đĩa cá bống kho tiêu mà chị mang đến.
Khóc
Vừa sinh ra đời, không biết vì sao, chồng tôi đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm một lần nào nữa.
Năm 20, qua nhiều khó khăn, anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa, bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.
Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói:
- Tội nghiệp mẹ! Chắc 40 năm qua mẹ còn khổ tâm hơn cả anh nhiều lắm.
Nhớ mẹ
Dưới quê học hành khó khăn, nên mới lớp 2, thằng Út đã được gởi lên thành phố ở với chị Hai.
Lâu lắm mẹ mới ra thăm. Lần nào chị Hai cũng nhằn, vì mẹ cứ nhai trầu bỏm bẻm suốt ngày, lại vứt bã trầu lung tung. Lần nào cũng vậy.
Đưa mẹ ra bến xe về quê xong, chị Hai về thấy nhà vắng ngắt. Tìm mãi mới thấy thằng Út đứng sau kẹt cửa, tay cầm mấy cái bã trầu khô, nước mắt nhạt nhòa trên má! Thấy chị, nó òa lên khóc!
Con gái
Ngoại hấp hối, cả nhà dắt díu nhau về quê thăm ngoại. Ngoại mất. Từ thành phố, anh Ba đang dở mùa thi cũng vội về chịu tang.
Chị Hai lấy chồng quê ngoại, nhà cách có vài quãng đồng mà lại không về được.
Bố chép miệng xót xa:
- Con gái là con người ta.
Mẹ gục đầu nức nở. Hơn hai mươi năm theo chồng xa xứ, đây mới là lần đầu tiên mẹ được về với ngoại. Mẹ cũng là con gái…
Lòng mẹ
Nhà nghèo, chạy vạy mãi mới được suất hợp tác lao động, Thanh coi đó như cách duy nhất để giúp đỡ gia đình. Nhưng ảo mộng chóng tan, xứ người chẳng phải thiên đường, Thanh chỉ còn biết làm quần quật và dành dụm từng đồng. Để nhà khỏi buồn, trong thư Thanh tô vẽ về một cuộc sống chỉ có trong mơ.
Ngày về, mọi người mừng rỡ nhận quà, Thanh lại tiếp tục nói về cuộc sống trong mơ.
Đêm. Chỉ còn mẹ. Hết nắn tay nắn chân Thanh rồi mẹ lại sụt sùi. Thanh nghẹn ngào khi nghe mẹ nói:
- Dối mẹ làm gì. Giơ xương thế kia thì làm sao mà sung sướng được hở con!
Lễ Mẹ, Sao Con Khóc!
Thui thủi mình con giữa chợ đời
Chiều nay nhớ Mẹ quá đi thôi
Hải hà công đức như sông biển
Thiên địa thương yêu tựa đất trời
Suốt kiếp chỉ lo con trượt ngã
Một đời quên mất Mẹ thân côi
Bao người Lễ Mẹ mừng vui chúc
Thơ thẩn con ngồi khóc Mẹ thôi
Nhớ Mẹ!
Cơm nghèo Mẹ nấu vậy mà ngon
Giọng nói thân thương mãi chẳng còn
Ước được sum vầy như thuở trước
Nụ cười ấm áp cõi lòng con.
Không màng đánh mất tuổi thanh xuân
Vất vả đắng cay mẹ đã từng...
Tất cả cho con không hoàn lại
Thương người khóe mắt trẻ rưng rưng.
Nhân Ngày “Lễ Mẹ”, Nghĩ Gì Về Những Bà Mẹ Cô Đơn?
Trong giờ lễ Chủ Nhật, nhằm ngày Lễ Mẹ, tại nhà thờ Saint Columban, linh mục T. đã làm nhiều người nghe phải nhỏ lệ khi ông kể một câu chuyện về một người Mẹ đã nuôi cả mười đứa con thành công về tài chánh, đứa Bác Sĩ, đứa Kỹ Sư, Dược Sĩ, nhưng rồi cả mười đứa con ấy, không nuôi nổi một bà Mẹ già. Đứa nào cũng có lý do để từ chối không muốn ở với Mẹ. Linh mục T. cũng kể lại lúc ông còn ở Chicago, có một lần trong thời tiết lạnh giá, đến thăm một bà Mẹ, thấy căn nhà rộng mông mênh, không có ai, vì hai vợ chồng đứa con đi làm cả.
Điều ông quan tâm là thấy trong nhà rất lạnh, bà Mẹ phải mặc hai áo nhưng vẫn lạnh cóng. Ông có hỏi bà mẹ tại sao không mở máy sưởi, thì bà Mẹ cho biết là không dám mở vì sợ khi con đi làm về, sẽ càm ràm là “tốn tiền điện quá!” Những đứa con sang trọng kia, có thể chờ đến ngày Lễ Mẹ, thì đưa mẹ ra ăn tô phở, hoặc gọi điện thoại về nhà, nói: “I love you, mom!” Thế là đủ bổn phận của một đứa con thành công ở Mỹ đối với người mẹ yêu dấu của mình.
Những Bà Mẹ ở đây là hiện thân của Mẹ Việt Nam đau khổ, đã hy sinh cả cuộc đời cho con cái, nhưng khi con cái phụ rẫy, bỏ bê, cũng im lặng chấp nhận cho đến hết cuộc đời.
Có biết bao nhiêu trường hợp như thế trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại? Biết bao nhiêu bà mẹ âm thầm, lặng lẽ chịu đựng tất cả những đau khổ từ khi lấy chồng, sinh con, rồi ráng nuôi dậy con nên người, sau đó lại chấp nhận những đứa con bất hiếu như một định mệnh mà không hề thốt lời than vãn?
Một bà mẹ đã dành dụm bao năm buôn gánh bán bưng để cho con vượt biên một mình, sau đó, khi qua đến Mỹ, thằng con sợ vợ quá, không dám để mẹ ngủ trong phòng, mà bảo mẹ phải ngủ dưới đất trong phòng khách. Một lần, con chó xù của hai vợ chồng đứng đái ngay vào đầu mẹ. Bà mẹ kêu lên, thì đứa con dâu cười ha hả trong khi thằng chồng đứng yên, chẳng dám nói gì.
Bà mẹ khác, không được ở chung với con trai, phải thuê một phòng của người bạn, vì sức khoẻ yếu, lúc nào cũng lo là chết không có ai chôn. Khi nghe nói về bảo hiểm nhân thọ, bà có năn nỉ thằng con trai đứng tên mua giùm, để bà bớt chút tiền già và đóng hàng tháng để mai sau, con có tiền lo hậu sự cho bà, nhưng đứa con dâu nhất định không chịu, cho rằng “tốn tiền vô ích, chết thì thiêu, liệng tro xuống biển là xong, chôn làm quái gì cho mất thời giờ đi chăm sóc.” Bà cụ uất quá, phát bệnh và qua đời. Không biết rồi bà có được chôn cất đàng hoàng theo ý muốn, hay lại bị cô con dâu vứt tro ra biển.
Không thiếu những bà mẹ khi đến thăm con trai, phải ngồi nhìn vợ chồng chúng nó ăn uống ríu rít với nhau, vì con dâu không chịu dọn thêm một chén cơm mời mẹ. Một bà mẹ nhớ con nhớ cháu quá, đến thăm con, nhưng sợ con dâu sẽ nhiếc móc thằng chồng, nên vừa vào tới cửa đã vội thanh minh: “Mẹ không ăn cơm đâu! Mẹ vừa ăn phở xong, còn no đầy bụng. Mẹ chỉ đến cho thằng cháu nội món quà thôi!”
Không thiếu những bà mẹ vì lỡ đánh đổ một chút nước trên thảm mà bị con nhiếc móc tơi bời. “Trời đất ơi! Cái thảm của người ta cả vài ngàn bạc mà đánh đổ đánh tháo ra thế thì có chết không?” Có bà mẹ bị bệnh ung thư, biết là sắp chết, mong được con gái đưa về Việt Nam, nhưng con đổ thừa cho chồng không cho phép về, rồi biến mất tăm, sợ trách nhiệm. Mẹ phải nhờ người đưa ra phi trường, nhờ người dưng đi cùng chuyến bay chăm sóc cho đến khi về tới nhà. Từ lúc đó đến lúc mẹ mất, cả con gái lẫn con rể, cháu chắt cũng chẳng hề gọi điện thoại hỏi thăm một lần.
Một bà mẹ già trên 70 tuổi rồi, có thằng con trai thành công lẫy lừng, bốn năm căn nhà cho thuê, nhưng bà mẹ phải lụm cụm đi giữ trẻ, nói đúng ra là đi ở đợ vì phải lau nhà, rửa chén, nấu cơm, để có tiền tiêu vặt và để gộp với tiền già, đưa cả cho.. con trai, một thanh niên ham vui, nhẩy nhót tung trời, hai, ba bà vợ. Mỗi khi gặp bà con, chưa cần hỏi, bà đã thanh minh: “Ấy, tôi ngồi không cũng chả biết làm gì, thôi thì đi làm cho nó qua ngày, kẻo ở nhà rộng quá, một mình buồn lắm!”
Trong một cuộc hội thoại, một bà mẹ đã khóc nức nở vì chỉ đứa con gái phụ rẫy, bỏ bà một mình cô đơn. Bà chỉ có một đứa con gái duy nhất, chổng chết trong trại cải tạo. Trong bao nhiêu năm, bà đã gồng gánh nuôi con, rồi cùng vượt biên với con, tưởng mang hạnh phúc cho hai mẹ con, ai ngờ cô con chờ đúng 18 tuổi là lẳng lặng sắp vali ra đi. Nước mắt bà đã chẩy cho chồng, nay lại chẩy hết cho con.
Tại những nhà dưỡng lão gần trung tâm Thủ Đô Tị Nạn, có biết bao nhiêu bà mẹ ngày đêm ngóng con đến thăm nhưng vẫn biệt vô âm tín. Một bà cụ suốt ba năm dài, không bao giờ chịu bước xuống giường, vì biết rằng chẳng bao giờ có đứa con nào đến thăm. Bà đã lẳng lặng nằm suốt ngày trên giường như một sự trừng phạt chính mình vì đã thương yêu con cái quá sức để đến tình trạng bị bỏ bê như hiện tại. Sau ba năm, bà mất vì các vết lở, vì nỗi u uất, mà những người chăm sóc bà vẫn không biết gia cảnh bà như thế nào, vì bà không hề nhắc đến. Có điều chắc chắn là khi bà còn là một thiếu nữ, bà phải là một mẫu người làm cho nhiều người theo đuổi, quyến luyến, tôn sùng. Chắc chắn bà đã trải qua bao năm tháng thật tươi đẹp, vì cho đến khi mất, khuôn mặt bà, những ngón tay bà, và dáng dấp bà vẫn khoan thai, dịu dàng, pha một chút quý phái. Nhưng tất cả những bí ẩn đó đã được bà mang xuống mồ một cách trầm lặng.
Một buổi chiều tháng 5, tại một tiệm phở Việt Nam, một mẹ già đứng tần ngần bên cánh cửa. Khi được mời vào, mẹ cho biết mẹ không đói, nhưng chỉ muốn đứng nhìn những khuôn mặt vui vẻ, để nhớ đến con mình, đứa con đã bỏ bà đi tiểu bang khác, để mẹ ở với đứa cháu là một tên nghiện rượu, đã hăm doạ đánh mẹ hoài. Hắn đã lấy hết tiền trợ cấp của mẹ, lại còn xua đuổi mẹ như cùi hủi. Hôm nay, hắn lái xe chở mẹ đến đầu chợ, đẩy mẹ xuống và bảo mẹ cút đi! Mẹ biết đi đâu bây giờ?
Trong một căn phòng điều trị tại bệnh viện Ung Thư, một bà cụ đã gào lên nức nở khi người bệnh nằm bên được chuyển đi nơi khác. “Bà ơi! Bà bỏ tôi sao? Bà ơi! Đừng đi! Đừng bỏ tôi nằm một mình! Tôi sợ lắm, bà ơi!” Những tiếng kêu, tiếng khóc nấc nghẹn đó lặp đi lặp lại làm người bệnh sắp chuyển đi cũng khóc theo. Người y tá cũng khóc lặng lẽ. Anh con trai của người sắp đi xa, không cầm được giọt lệ, cũng đứng nức nở. Cả căn phòng như ngập nước mắt. Mầu trắng của những tấm trải giường, mầu trắng của tấm áo cánh của bà cụ như những tấm khăn liệm, tự nhiên sáng lên, buồn bã. Bà cụ nằm lại đó đã không có đứa con nào ở gần đây. Chúng đã mỗi đứa mỗi nơi, như những cánh chim không bao giờ trở lại.
Trên đại lộ Bolsa, thỉnh thoảng người ta thấy một bà mẹ già, đẩy chiếc xe chợ trên chứa đầy đồ linh tinh. Mẹ chỉ có một cái nón lá để che nắng che mưa. Khuôn mặt khắc khổ của mẹ như những đường rãnh bùn lầy nước đọng, đâu đó ở chợ Cầu Ông Lãnh, Thủ Thiêm, gần bến Ninh Kiều, Bắc Mỹ Thuận hay ở gần cầu Tràng Tiền, Chợ Đông Ba? Mẹ đi về đâu, hỡi Mẹ? Những đứa con của mẹ giờ chắc đang vui vầy trong nhà hàng nào đó, đón mừng ngày Lễ Mẹ, “Happy Mother Day!”
(C T Tiến)
Lời Chúc
Kính chúc tất cả Quý Vị và Quý Quyến,
Những ai còn Mẹ, một Ngày Lễ Mẹ, An Lành, Tràn Ngập Hạnh Phúc, Vui Vẻ, Bên Người Mẹ Yêu Của Mình.
Những ai mất Mẹ! Xin thắp một nén nhang tưởng nhớ!
Happy Mother’s Day 2022!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét