Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2022

Anh Mười Sử! - Đoàn Xuân Thu


Tui quen anh Mười Sử hồi còn ở trong nước lận. Anh Mười là người có ăn học, tốt nghiệp Ðại học Sư phạm đàng hoàng. Ảnh dạy môn Sử Ðịa nên có cái biệt danh là Mười Sử. Sau 75, tui bị đuổi về quê chăn trâu thì anh Mười vẫn còn được ‘Vi Xi’ cho lưu dụng, cho ảnh tiếp tục dạy thêm một khoảng thời gian nữa. Không phải tụi nó tốt lành gì mà để câu giờ, chờ cái đám sinh viên Luật, Văn khoa chuyển qua học Sư phạm. Xong xuôi đâu đó, nó nắm đầu thầy Mười Sử đuổi cũng giống hịt tui thôi. Vì Việt Cộng nói mấy tay giáo Ngụy, nhứt là dạy Sử Ðịa rất phản động! Không thể nào cải tạo được nữa. 
<!>
Cách đây 47 năm, nếu không là giáo mà là lính, nghe nói không cải tạo được nữa là 100% phải dựa cột. Mấy bữa chiều mưa rỉ rả, dắt trâu ngoài đồng về ngang nhà, anh Mười Sử hay kêu tui ghé vô đụt mưa, tiện thể lai rai ba sợi, nói dóc chơi!
Chuyện tình như trúng số độc đắc của anh Mười Sử trong lúc cả nước ăn độn bo bo, nó ẩm ướt ‘ca dao’ lắm nhe.

Có lần học trò mời anh Mười đi ăn đám gả, đám vu quy. Khách đến phụ nấu nướng đêm nhóm họ toàn là đàn bà, con gái nên ảnh dắt tui theo cho đỡ khớp.
Khuya hơi ngơi tay một chút, thì mấy anh chưa vợ, mấy chị chưa chồng xúm lại cái bàn gần bếp vừa lai rai, nối dòng lá thắm để sớm se chỉ luồn kim, kẻo ‘ế chồng’ bất tử!
Một em bèn thử tài Sử Ðịa của thầy Mười như vầy: “Thấy thầy hay chữ, em đây hỏi thử đôi lời. Ðường từ Châu Ðốc, Hà Tiên. Kinh nào chạy thẳng nối liền hai nơi? Thầy Mười biết nói nghe chơi! Còn lỡ không biết? Một lời chịu thua!”.
Gặp tui, thua là cái chắc. Nhưng anh Mười là dân cự phách, giáo sư Sử Ðịa trường làng chớ bộ. Dễ gì chịu thua nè?!
Anh Mười bèn tằng hắng lấy giọng, đáp lại rằng: “Nghe em hỏi tức, anh đây nói phứt cho rồi. Ðường từ Châu Ðốc, Hà Tiên có kinh Vĩnh Tế nối liền hai nơi”.
Em đưa vạt áo bà ba lên miệng nhai nhai rồi ỏn ẻn gật đầu nói: “Ðúng vậy!”. Anh Mười nghe người đẹp ụt ịt như cái hột mít, xấu hoắc hè nhưng bù lại giàu nứt đố đổ vách, khen khoái quá, hỉnh mũi, méo mó nghề nghiệp giảng thêm rằng: “Cả 100 ngàn lượt dân công, binh lính đào bằng tay. Kinh Vĩnh Tế dài tới 87km, rộng 30m và sâu 2.55m. Ðào ạch đụi mất tới 5 năm. Từ 1819, thời Gia Long, tới năm 1824, thời Minh Mạng mới xong.

Sách xưa có ghi: Công đầu là của ông Thoại Ngọc Hầu chỉ huy. Bà Châu Thị Vĩnh Tế đã giúp chồng nhiều việc nên mới được vua lấy tên bà đặt cho con kinh đào dài hết biết này!
Anh Mười nhấn nhấn: “Tui nói ra điều nầy không có chủ ý phủ nhận công lao của ông Thoại Ngọc Hầu và bà Châu Thị Vĩnh Tế. Nhưng đời mà! Sự thực bao giờ cũng là: “Nhứt tướng công thành vạn cốt khô!”. Bởi công việc đào kinh ở chốn đồng không mông quạnh, nhiều sơn lam chướng khí, nên việc ăn uống, thuốc men thảy đều thiếu thốn. Số dân phu chết vì thú dữ như sấu, rắn rít; chết vì kiệt sức, bịnh tật nhiều lắm. Rồi số người bỏ trốn bằng cách vượt thoát qua sông Vàm Nao rồi bị bỏ mạng cũng nhiều. Vì thế kinh đào xong, ông Thoại Ngọc Hầu có làm bài tế cô hồn kinh Vĩnh Tế, dưới thể thơ song thất lục bát, khóc những người lính không bỏ mạng ở sa tràng mà lại bỏ mạng lúc đào kinh, đọc lên nghe oái oăm, bi thiết lắm:

“…Đào kênh trước, mấy kỳ khó nhớ?
Khoác nhung y chống đỡ biên cương.
Xông pha máu nhuộm chiến trường
Bọc thây da ngựa, gửi xương xứ này
Quê cách trở, lấy ai hộ tống,
Sống làm binh, thác chống quỷ ma.
Than ôi, ai cũng người ta,
Mà sao người lại thân ra thế này?
…Giờ ta vâng lệnh bệ rồng,
Dời ngươi an táng nằm chung chốn nầy.
Chọn đất tốt thi hài an ổn,
Cảnh trời thanh vui nhộn cùng nhau.
Hằng năm cúng tế dồi dào,
Tràn trề lễ trọng dám nào để vơi…”.

Bài biên khảo bằng mồm về Kinh Vĩnh Tế của anh Mười Sử thao thao diễn thuyết thiệt là hay. Nhưng cử tọa là mấy em, tóc dài em cài hoa thiên lý không thèm để ý nghe gì hết ráo?! Ai nấy cũng đều ngáp dài ngáp vắn.
Thức khuya để thả dê nhưng coi bộ không êm, tui nháy mắt anh Mười ra sau hè nói nhỏ: “Ðám nhóm họ để rủ ra bụi chuối, se chỉ tình ta, mà cha lại đi giảng bài Sử địa? Thiệt làm ‘ọt rơ’ hết trơn, hết trọi hè!”
Anh Mười Sử có vẻ giận lời phê bình như tát nước vào mặt ảnh của tui. Nên từ đó về sau, mỗi chiều mưa, dắt trâu về ngang lối cũ, anh Mười không còn kêu tui vô nhà đụt mưa và nhậu nữa. Hai đứa tui xa nhau từ độ ấy.
Rồi mãi tới 20 năm sau, mới biết ảnh lấy được em hỏi câu đố đó, tức chị Mười bây giờ. Gia đình bên vợ giàu cho được mấy cây vàng để ảnh chỉ vượt biên qua tới Mỹ. Anh Mười Sử hay không bằng hên, đúng là thằng cha đẻ bọc điều.


Kinh Vĩnh Tế

Tui bèn gởi thơ coi ảnh còn giận tui hông? “Chuyện đã hai chục năm rồi! Giận gì?” Ảnh trả lời. Vậy là hai đứa tui lại ‘tao đàn, mầy đàn’. Lại Bá Nha, Tử Kỳ như năm cũ dẫu cách nhau tới hơn hai chục giờ bay. Khi viết bài có dính về Sử Ðịa là tui hỏi ảnh, một cuốn bách khoa toàn thư chạy bằng rượu cho nó gọn; để khỏi mất công tra cứu trên Google!

Hôm rồi nè; tui đọc trên báo mạng, có một ông viết vầy: “Ngồi trên xe, chạy dọc theo kinh Vĩnh Tế lúc hiện ra, lúc mất… Lòng tôi bất chợt nhận ra con ‘kênh’ do công lao của ông Thoại Ngọc Hầu và người vợ chính là bà Châu Thị Vĩnh Tế với cái Tâm lớn, cái Tầm nhìn xa, cái Trí thật rộng… Những dãy nhà phố cao tầng khang trang, những nhà máy xay xát lúa, những cánh đồng ruộng mênh mông uống dòng nước phù sa, những con thuyền, ghe tàu lớn nhỏ giương hai con mắt to tròn, vẽ màu đỏ rạng rỡ trước mũi, đang ngày đêm xuôi ngược chở đầy hàng hoá của miền Tây sông nước đi khắp nơi…Cuộc sống phồn vinh, sôi động được bắt nguồn từ đây, tất cả những hy sinh, những công ơn to lớn đó…”

Ðọc xong thấy ngứa miệng quá, nên tui hỏi anh Mười Sử nghĩ sao? Thì anh Mười trả lời tui hai chuyện như vầy: Một là: Kinh Vĩnh Tế chớ không có cái vụ hồi ‘Kinh’, hồi ‘Kênh’ gì hết ráo. Tiếng địa phương là phải tôn trọng như nó có! Nhứt là cái ‘địa danh’. Phải là ‘Kinh Vĩnh Tế’ chớ không phải là ‘Kênh Vĩnh Tế’. ‘Kinh Xáng Xà No’ chớ không được quyền viết ‘Kênh Xáng Xà No’ cho được. Không thể tự tiện muốn viết sao thì viết.
Hai là: Việc đào kinh là do Bộ Binh (Bộ Quốc Phòng) của triều đình nhà Nguyễn thời Vua Gia Long đề ra mục đích chánh là phòng thủ biên cương. Cũng như kinh Bảo Ðịnh đào trước đó. Nói đào kinh là vì kinh tế như các nhà biên khảo Ba Ke 75 nói là tán phét!
Lúc đó, đồng bằng sông Cửu Long bao la! Dân số không bao nhiêu! Ðất giồng làm còn không xuể! Thì đào kinh để làm thuỷ lợi, để có thêm đất điền để làm cái giống gì? Ai làm?

Mãi thời Tây, di dân từ ngoài Bắc, ngoài Trung vào, việc đào Kinh Xáng Xà No, Kinh Quản Lộ, Kinh Phụng Hiệp (Ngã Bảy) v.v. mục đích chính mới là kinh tế.
Tui hoàn toàn đồng ý với anh Mười Sử là viết một bài về địa phương chí cũng giống như viết một bài Sử về miền Thất Sơn Châu Ðốc. Phải cẩn trọng như nhà biên khảo Sơn Nam mới đặng. Nếu viết ẩu là: đào Kinh Vĩnh Tế là do cái tâm, cái tầm, cái trí…của một quan võ (về kinh tế) thì cố tình viết không chánh xác Cộng thêm cái chuyện chế độ CS bây giờ luôn có ác cảm, không ghi công gì cho triều Nguyễn suốt 300 năm ở phương Nam? Ðó là sự lập lờ trong lịch sử. Nên tránh! 

Viết sử không có cái vụ khi thương trái ấu cũng tròn. Khi ghét trái bồ hòn cũng méo! Viết Sử là chụp hình chân dung! Có sao để vậy! Không được dùng ‘photoshop’ để chỉnh sửa theo chánh kiến của riêng mình. Quen thói lập lờ lịch sử suốt bấy lâu nay bằng cách tán phét thì kỳ lắm đó nhe!

Đoàn Xuân Thu

Không có nhận xét nào: