Tôi gặp Thầy Mạnh vào những ngày mới bước chân vô lớp Đệ Thất Trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu. Lúc đó vào giữa thập niên 1950, học sinh Nguyễn Đình Chiểu hầu hết mặc quần xà lỏn áo bà ba hay áo tay cụt mang guốc mà đi học. Riêng tôi khi sắp tới cổng trường mới xỏ chân vô đôi guốc, còn suốt con đường từ nhà tới trường thì đi chân không cho nó đở mòn guốc và thoải mái hơn. Với đứa trẻ con như tôi thì chuyện lội bộ chân trần đi học hay đi chơi vài ba cây số là chuyện thường, đa số trẻ con lúc đó đâu có xe đạp. Vậy mà trong lớp học của tôi có một anh bạn đi học mặc quần tây trắng, áo chemise trắng bỏ vô quần, đi giày trắng, nhìn anh thấy trắng từ đầu tới chân, khi sắp hàng vô lớp nhìn anh y như con cò trắng lạc trong bầy quạ đen.
<!>
Anh là con của một ông giáo. Xin độc giả lưu ý là tuy nhan đề là thầy Mạnh và tôi, nhưng thực ra cũng có thể lấy nhan đề là hình ảnh một học sinh vào đầu thập niên 1950.
Một sáng Chủ nhật đẹp trời tôi đi từ nhà đến nhà lồng chợ Mỹ Tho con đường dài khoảng một cây số. Khi đi đến góc đường Thủ Khoa Huân và Lê Lợi (tên đường trước năm 1975), vừa quẹo qua đường Lê Lợi tôi gặp ngay Thầy Mạnh đang đứng chấp tay sau lưng trước nhà (do nhà nước cấp cho giáo sư ở), hồn vía lên mây, tôi khoanh tay cúi đầu miệng nói: “Thưa thầy”. Học trò thời tôi gặp thầy giáo là chào kiểu nầy hay ít ra là vì trước đó tôi đi học ở nhà quê nên quen rồi. Quí bạn trẻ không biết chớ ngày xưa học sinh sợ thầy lắm, sợ tự nhiên, không phải tại ông Thầy dữ dằn đâu (ờ mà ngẫm lại quí thầy giáo ngày xưa dữ thiệt chớ chẳng chơi). Bao giờ học trò cũng “né” đến những chỗ dễ gặp quí thầy, thấy dáng thầy đi từ xa là chuồn liền. Tôi “đụng” thầy Mạnh là vì tình cờ mới quẹo ngay góc đường, chớ nếu mà tôi thấy trước thì làm gì thầy thấy tôi nổi, tôi lặn liền.
Thầy Mạnh hỏi: “Đi đâu đó mậy?” Thầy đâu có biết tôi, tôi đâu có học với thầy trong Trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu, tôi học Pháp Văn với thầy Dinh mà, tại tôi khoanh tay chào mới ra nông nổi. Tôi trả lời: “Dạ con đi chợ”. Thầy bảo: “Vô ngồi đây mầy”. Tôi riu ríu bước qua ngạch cửa thấy có ba bốn chú nhóc con như tôi đang ngồi đó mặt mày buồn hiu, thầy chỉ ghế tôi ngồi xong bước ra cửa đứng “canh” tiếp. Tôi thắc mắc trong lòng sao ông Thầy kêu vô đây ngồi mà chẳng nói lý do. Một lúc sau thầy bắt được một đứa nữa, vào ngồi xong rồi thầy lấy ra một xấp giấy tây gạch hàng sẳn trắng mịn, đặt trước mặt mỗi đứa môt tờ. Xong đưa mỗi đứa một cây viết với vài cái bình mực để trên bàn (lúc đó chưa có viết BIC). Ôi nhìn tờ giấy trắng tinh nhìn lại đôi bàn tay bùn đất đen đúa của tôi thấy thiệt là tréo ngoe, tay tôi mà đụng tới đâu là lem tới đó.
Đang phân vân trong lòng thì thầy nói bây giờ thầy đọc “đít tê” cho các trò viết. Trời đất quỉ thần ơi, chết tôi rồi, cái môn mà tôi sợ gần chết giờ đây hiện ra chình ình trước mặt, khổ quá chừng. Thầy Mạnh mở sách ra đọc. Tiếng Tây của ổng nghe rôm rốp mà tôi nghe y như nghe tiếng “Ma Rốc”, biết viết sao đây. Khổ một nỗi là ổng đứng sau lưng tôi vừa đọc vừa nhìn tôi viết, lập lại vài lần mà viết còn sai là ổng gỏ cây thước vuông gổ mun lên đầu cái cốc. Thầy nói đọc “đít tê” mà, sao bây giờ đầu con cũng tê luôn. Run ơi là run, trống ngực đánh thùng thùng. Đó là cuộc gặp gở đầu tiên của tôi với ông Thầy, thiệt là hãi hùng. Sau nầy những lần đi ta bà về hướng nhà lồng chợ tôi đâu có dại để cho ông thấy nhìn thấy nữa.
Rồi từ đó trở đi tôi gặp ông Thầy hoài, lần nào cũng vui y như vậy, ngay khi qua Mỹ nầy rồi cũng còn gặp thầy trong hoàn cảnh nửa cười nửa mếu. Xin tạm dừng chuyện thầy Mạnh và tôi ngang đây để tôi kể thêm cho quí độc giả trẻ biết hoàn cảnh của học trò ở đồng (nhà quê) như tôi thời thập niên 1940 và vì sao tôi sợ môn tiếng Pháp. Tôi vốn là “dân ruộng chân phèn” đâu có học hành chi đâu, làng tôi ở làm gì có trường học. Cha mẹ phải cho đi học ABC tại một ngôi Chùa. Mới có năm sáu tuổi sợ ma gần chết mà bị bắt nhét vô Chùa chung quanh toàn là lùm bụi mả mồ tứ tung, học hành làm sao cho nổi. Nhớ lại mỗi khi trời chiều thấy mây đen bao phủ chân trời là lòng hồi hộp lo âu. Số là cách Chùa một khoảng ngắn, trên đường về, có cái mả đá với hai cây dương cổ thụ thật cao, đây là nơi tôi sợ nhất, cây cao ắt có quỉ ở trên đó. Con đường trải đá đỏ từ Chùa về nhà chừng non một cây số, chung quanh là đồng ruộng, chiều tới là nhái bầu kêu ngắc nga, nghe thật thê lương. Người lớn đi một mình chắc còn thấy ơn ớn, nói chi trẻ con mới 5 tuổi như tôi.
Một chiều nọ mưa giông sấm chớp vang trời, bổng nghe tiếng nổ kinh hồn như sát bên tai. Người lớn chạy ra cửa Chùa nhìn một chút rồi vào bảo: “Cây dương ở gò mả đá bị Trời đánh tét làm hai rồi, chắc Trời đánh con quỉ ở trên đó”. Nghe vậy tôi càng run, chút nửa tan học ra về, biết tính sao đây. Trường học chi mà chỉ có mình tôi là học trò, phải chi có năm ba đứa cùng về thì đở sợ biết bao nhiêu. Rồi thì cũng phải về. Cởi cái áo ra, bó cuốn vở vào trong cái áo, mình trần dông ra khỏi Chùa, mưa rơi trên đầu. Quí độc giả trẻ không biết chớ chuyện dầm mưa với cái quần cụt chân đất là cái thú của trẻ con nhà quê như tôi. Tụi tôi coi mưa nắng như pha, sống y như cục đất. Đường vắng hoe, mưa rơi rả rít, trời âm u, mây đen kịt. Tôi vừa đi vừa chạy, nghe trống ngực đánh thình thịch vì sợ ma. Khi đến gần ngôi mả đá ven đường thì tôi nhắm mắt lại, cắm đầu chạy một mạch, càng qua nhanh càng tốt. Ủa mà hình như có ai rượt sau tôi thì phải, tôi nghe tiếng chân ai chạy theo mà. Biết vậy nên tôi càng chạy nhanh thêm, không dám nhìn lại, không dám mở mắt. Lạ là sao tôi không té, không lọt xuống ruộng. Chạy mấy phút mà lâu như cả giờ, mở mắt ra thấy vừa qua khỏi khu mả đá, phía trước lại có bóng người đi tới, mừng ơi là mừng. Đến gần té ra là ba tôi thấy trời mưa đi đón tôi về. Đó là hoàn cảnh học hành của trẻ con ở đồng tại Gò Công vào thập niên 1940. Đầu thập niên 50 chạy giặc lên thành phố Mỹ Tho, vì to đầu bị đẩy vô lớp Sơ Đẳng (lớp ba) trường Cầu Bắc Mỹ Tho (do thầy Nguyễn Văn Đạt làm hiệu trưởng, hiện định cư tại Little Saigon). Chữ Quốc Ngữ chưa đọc thông, nói chi chữ Tây chữ U.
Nhớ kỹ hình như tôi không có học Pháp Văn chánh thức với thầy Mạnh, nhưng khi tôi về dạy học tại Trung Học Kiến Hoà (năm 1962) thì thầy Mạnh làm hiệu trưởng. Thầy trò đều có nhà ở Mỹ Tho, mà phải đi dạy ở Bến Tre nên thường gặp nhau trên cùng một chuyến bắc, cùng một chuyến xe lôi hoặc xe lam nên càng thêm thân tình. Lúc đó Tổng Thống Ngô Đình Diệm phát động phong trào Thanh Niên Cộng Hoà cùng lúc lấy Bến Tre làm thí điểm về Ấp Chiến Lược, Tổng Thống thường đi kinh lý về đây. Chiều tối hôm trước ngày Tổng Thống xuống, học sinh và giáo sư được lịnh tập trung tại sân dinh tỉnh trưởng Bến Tre. Học sinh mặc đồng phục, giáo sư mặc đồng phục xanh của Thanh Niên Cộng Hoà. Tất cả vừa ngồi dưới đất vừa coi “văn nghệ” vừa đập muổi. Thôi đừng đập muỗi nữa bà con ơi. Mấy anh chị nghệ sĩ nghe tiếng đập muổi tưởng là tiếng khán giả vổ tay sẽ hứng chí biểu diễn suốt đêm thì “chết cả đám”. Khi chương trình văn nghệ dứt thì trời đã khuya, nhiều người ngồi dựa lưng nhau mà ngủ gà ngủ gật. Đến gần sáng thì xe nhà binh chở vào một khu Ấp Chiến Lược nào đó. Ngồi xe nhà binh cũng run lắm, ban đêm ban hôm rất dễ bị tai nạn vì mìn nổ. Trời vừa bình minh là học sinh và giáo sư cùng dân cán chính đã có mặt dàn chào ngay hàng thẳng lối, đứng ngay vị trí phơi nắng ngóng cổ chờ Tổng Thống tới làm lễ.
Thường thì máy bay trực thăng của Tổng Thống đến khoảng 10 giờ sáng. Sau nghi lễ đọc diễn văn, đi diễn hành, là Tổng Thống lên máy bay ra về. Đây cũng là dịp để tôi cùng các em học sinh được nhìn Tổng Thống thật gần. Tan buổi lễ học sinh, giáo sư và dân cán chính đi rải ra mọi chỗ để tránh nắng chờ xe nhà binh lần lượt chở về. Thầy Mạnh lúc đó cũng sồn sồn rồi, thức một đêm, dang nắng nguyên buổi sáng đâu chịu thấu cho nên lò dò lại cái chợ chồm hổm, leo lên thớt thịt, trải cái áo mưa nằm dài, trông thật buồn cười. Dưới mắt học sinh và giáo chức, hiệu trưởng phải oai lắm chớ đâu nằm dài trên thớt thịt. Thật ra thì chẳng ai cười thầy cả, vì thầy rất được lòng giáo sư và học sinh, phải nói là thầy quá hiền. Gọi là thớt thịt chớ thiệt ra trong làng có mấy khi bán thịt heo, do vậy chẳng có chi là dơ bẩn.
Trong thời gian tôi dạy học ở trường Trung Học Kiến Hoà có rất nhiều chuyện vui về ông Thầy Mạnh của tôi. Xin kể thêm một chuyện. Anh Trần Công Danh (hiện ở Mỹ Tho) được bổ nhiệm về dạy ở trường Trung Học Kiến Hoà. Sáng hôm đó anh Danh mặc quần xanh áo trắng y như đồng phục nam sinh vào thời nầy, chỉ khác là anh Danh không bỏ áo vào quần theo nội qui bắt buộc. Ông hiệu trưởng Mạnh niềm nở đón tiếp ông giáo sư trẻ, hỏi thăm gia cảnh có vẻ thân tình lắm rồi dẩn anh Danh qua phòng kế toán giới thiệu để làm thủ tục giấy tờ.... Sau đó anh Danh một mình đi quanh trường cho biết. Đang lang thang trong sân trường thì chuông báo hiệu giờ chơi rung lên, học sinh túa ra sân. Anh Danh đang đi bị ông Hiệu Trưởng đứng trước văn phòng ngoắc lại và nói: “Ê trò, trò có biết nội qui trường phải mặc bỏ áo vô quần không, coi chừng tui phạt trò đó nghe”. Anh Danh nhỏ nhẹ nói là anh mới vừa trình diện với ông xong. Ông Hiệu Trưởng tỉnh bơ: “Ủa vậy hả, xin lổi ông giáo sư”. Từ đó có một số bạn bè giáo chức gặp anh Danh dùng hai chữ Ê Trò thay cho lời chào. Không biết ông Thầy Mạnh muốn “chọc quê” anh Danh hay sao, mới gặp mươi phút trước đó sao mà quên được.
Sau nầy khi qua Mỹ định cư rồi, mỗi lần gặp ông Thầy là mỗi lần có chuyện vui, xin kể tiếp. Lần nọ tôi có dịp lên San Jose chơi, muốn thăm thầy Mạnh ở tại thành phố Fremont, cách San Jose 20 miles. Tôi gọi điện thoại gặp thầy ở nhà. “Ê bồ có rảnh lên tôi ăn cơm đi”. “Tụi em không có xe, có cách nào đi xe bus lên thầy được không”. “Không sao đâu. Bồ đi xe bus lên ga xe BART, xong lên chuyến xe bus số x, xuống tại góc đường y, xong đi vô khu apartment tên z, tìm căn số vvv, ở đường nầy nầy, dễ tìm lắm”. Tôi ghi hết vô giấy. Sáng bữa sau hai cha con theo lời mua vé xe bus lên nhà thầy Mạnh. Lạ không, cái số nhà rành rành ghi trên giấy đây mà sao vô cái khu apartment của ông Thầy đi mỏi chân vẫn tìm không ra, vậy mà trong điện thoại ông Thầy nói dễ tìm lắm. Sao mà hàng ngang dãy dọc căn nào cũng giống y nhau.
Cuối cùng rồi cũng gỏ cửa được nhà ông Thầy. Ăn cơm trưa xong thầy phụ cô dọn dẹp, cha con tôi đâu thể làm khách, nhào vô dọn phụ. “Ê bồ, bây giờ mình đi xe BART lên San Francisco chơi đi bồ”. Nghe nói xe chạy qua đường hầm dưới biển cha con tôi cũng muốn biết coi ra sao, có ông Thầy là dân địa phương ở đây lâu hướng dẫn thì an tâm biết bao nhiêu. Hai cha con tôi theo thầy cô đi xe bus ra bến xe BART, vào mua giấy đi San Francisco, cách Fremont 40 miles. Tới nơi cha con theo chân thầy cô đi dạo phố San Francisco, ngớ ngẩn y như Tư Ếch đi “Thầy Gòn”. Chợt thấy chiếc “xe lửa treo” chạy tới, ông Thầy nói: “Bây giờ mình leo lên xe nầy đi ra bờ biển chơi đi bồ”. Khi chiếc xe dừng lại trạm thầy cô leo lên xe, cha con tôi hết chỗ, không “đeo” lên xe kịp. Ông thầy nhắn vói lại: “Thôi bồ chờ chuyến sau đi, tụi tôi lên đó trước, xuống xe chờ bồ”. Còn biết nói sao bây giờ. Cha con tôi lên chuyến xe kế, chừng 5 phút sau, ra tới bờ biển (chỗ hẹn) leo xuống. Người đi đông nghẹt, nhìn tới nhìn lui chẳng thấy thầy cô đâu cả. Cảnh đẹp hàng quán chung quanh đâu còn lòng dạ nào ngắm nhìn tới nổi, chỉ lo lắng cố kiếm cho ra ông Thầy.
Cả giờ đi tới đi lui mỏi chân chẳng gặp. Thôi thì cha con đành vừa đi dạo phố vừa tìm thầy cô, chắc hai ông bà cũng đi loanh quanh ở đây chớ đâu, thế nào rồi cũng gặp, ông Thầy đã nhắn vói như vậy mà. Đi một hồi gặp cái điện thoại công cộng, cha con góp bạc cắc bỏ vô, sao nó đòi nhiều quá vậy cà, quay số điện thoại về nhà ông Thầy cầu may. Nghe giọng ông Thầy trong điện thoại “Alô” tôi tá hoả: “Ủa thầy về nhà rồi sao?”. “Ừ, về rồi nãy giờ, thôi bây giờ chiều rồi, bồ lên xe BART trở về nhà tui ngủ đi, sáng mai hãy về San Jose. Giờ nầy không còn xe bus về San José đâu bồ”.
Ông Thầy ơi ông Thầy, sao ông đành đem tụi em bỏ giữa chợ San Francisco vậy thầy, tụi em mới qua Mỹ còn khờ câm giờ biết làm sao tìm được đường về tới San Jose đây! Lúc nảy thầy cô dẫn đâu cha con tôi đi đó, bây giờ nhìn lại đường xá chằng chịt biết bến xe BART nằm nơi đâu mà tìm đến. Có về được tới Fremont thì cũng hết xe bus về San Jose. Cuối cùng cha con cũng mò tới được bến xe BART để mua vé về Fremont. Ngồi trên xe BART vừa lo sợ xuống xe không đúng trạm vừa lo sợ hết xe bus trở về San Jose. Mà chiếc xe BART nầy cũng kỳ, lúc đi muốn mầy chạy chậm để ngắm cảnh thì mầy chạy mau quá, giờ đây muốn mầy chạy nhanh nhanh may ra còn xe bus thì mầy lại cà rịch cà tang. Khi xe BART tới bến thì còn chuyến xe bus cuối cùng về San Jose. Đi chơi với ông Thầy thiệt là đứng tim!
Một lần nọ ông Thầy từ vùng San José xuống Los Angeles thăm con. Ông gọi anh Kiều Văn Chương (giáo sư trung học Kiến Hoà cùng thời với tôi, ở gần đây) lên Los chở thầy xuống thăm tôi. Nghe điện thoại mà cảm động biết bao nhiêu. Ba thầy trò ngồi ăn cơm chiều nhắc chuyện xưa lúc còn ở dạy tại Trung học Kiến Hoà vui lắm. Ông thầy chêm tiếng Anh um sùm y như lúc đọc “đít tê” bằng tiếng Pháp. Tôi hỏi thầy già rồi học tiếng Anh làm chi cho cực, ông Thầy nói: “Mình phải học chớ bồ, học cho đầu óc trẻ trung. Tui gặp mấy bà đầm Mỹ tui nói chuyện bằng tiếng Anh mấy bả phục tui lắm”. Ông thầy dạy tôi rằng với ngoại ngữ muốn nói giỏi thì phải nói to lên chớ nói lí nhí thì không được. Xong ông Thầy biểu diễn liền mấy câu tiếng Anh um sùm lối xóm. Ổng mà chêm thêm hồi nữa hàng xóm Mỹ nghe không ra cứ tưởng trong nhà tôi gây lộn gây lạo dám kêu cảnh sát lắm.
Đến khoảng 10 giờ đêm, ông Thầy bảo anh Kiều Văn Chương về đi, ông Thầy ngủ lại với tôi, sáng đến rước rồi chở ổng về. Tôi giựt mình nghĩ bụng chết em rồi thầy ơi, sao lúc gọi điện thoại ông Thầy không cho hay sớm để em thu xếp. Căn apartment của tôi ở Anaheim nhỏ xíu, không có giường, gia đình tôi bốn người nằm ngủ trên nệm mua garage sale bỏ trên sàn nhà. Bây giờ biết để ông Thầy ngủ nơi đâu coi cho được đây. Nhớ lại lần nào gặp thầy Mạnh đều lâm vô cảnh miệng cười méo xẹo hết, vui thiệt. Mà đâu đã hết chuyện. Cả nhà thu dọn để ông Thầy có chỗ nằm coi cho được. Nằm một lúc, chưa kịp ngủ, ông Thầy trờ dậy gọi: “Ê bồ, bây giờ bồ lấy xe chở tui về Los đi bồ”. Mèn đét ơi, gần 12 giờ khuya rồi, chiếc xe của tôi lại thuộc loại “đồ cổ” bán chưa tới năm trăm, chạy xa đâu được. Vả lại ban đêm ban hôm dễ gì tìm ra căn nhà của con thầy. Còn nếu nghe theo chỉ lời dẫn của ông Thầy mà chạy, chắc “tới Tết” cũng chưa tới nhà, ông Thầy đâu phải dân địa phương ở đây, hơn nữa tôi có bao giờ chạy xe lên Los đâu. “Bây giờ khuya rồi thôi thầy ngủ ở đây với em đi, sáng kêu anh Chương chở thầy về”. Ông thầy nói “Hỏng được đâu bồ, tui phải về”. Tôi chẳng biết làm sao đưa được ông Thầy về, ủa mà sao ông Thầy không gọi người nhà đến rước. Không lẽ ông Thầy nhớ cô, thầy mới xuống tôi hồi chiều đây mà, có lâu lắc chi đâu mà nhớ. (Sau nầy tôi mới biết qua một thân hữu là thầy cô rất khắn khít nhau). Cuối cùng phải quay điện thoại gọi anh Kiều Văn Chương dậy, tôi nghiệp ảnh bỏ ngủ đến đưa ông Thầy về Los, xong ảnh từ Los trở về nhà chắc mất trọn một đêm quá.
Trên đây là vài chuyện khá khôi hài giữa tôi và thầy Bùi văn Mạnh. Còn nhiều chuyện vui khác trong thời gian ba năm tôi đi dạy ở Trung Học Kiến Hoà mà thầy Mạnh làm Hiệu trưởng, xin để dịp khác sẽ kể tiếp. Buổi đầu thầy trò gặp nhau còn ghi rõ ràng trong ký ức thế mà giờ đây Thầy đã ra đi về miền miên viễn. Thời gian qua nhanh tương lai vô định. Ai có ngờ được giòng đời đưa đẩy tôi, một đứa bé sợ ma đi học ABC tại ngôi chùa ở làng quê hẻo lánh bùn lầy, tới thành phố Mỹ Tho để rồi gắn chặt phần lớn cuộc đời với ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu lúc là học trò cũng như khi làm thầy đứng trên bục giảng và sau cùng tới một thành phố tráng lệ huy hoàng tại Mỹ. Nhưng dù ở đâu, tình thầy trò giữa thầy Mạnh và tôi cũng lớn dần theo năm tháng. Tôi viết mấy hàng nầy gọi là để tưởng nhớ Thầy Bùi Văn Mạnh, một nhà giáo mẫu mực trước mặt học trò lẫn ngoài đời.
Huỳnh Chiếu Đẳng (15-Jun-2005)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét