Bốn quan chức Bộ Ngoại giao VN bị bắt về tội nhận hối lộ liên quan đến "chuyến bay giải cứu", 27/1/2022. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 31/1 (tức 29 Tết) biểu dương lực lượng công an về việc “phát hiện, khởi tố, điều tra” vụ án trong đó 4 quan chức Bộ Ngoại giao bị cáo buộc “nhận hối lộ” liên quan đến các chuyến bay đưa người Việt về nước trong đại dịch, thường được gọi là “chuyến bay giải cứu” Trên mạng xã hội, nhiều người dân lên án các quan chức lợi dụng dịch bệnh để “móc túi”, “hút máu” dân, đồng thời bày tỏ rằng họ thấy “hả hê” khi các quan chức bị bắt.
<!>
Trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam hôm 31/1 viết rằng bên cạnh lời biểu dương công an, Thủ tướng Chính cũng yêu cầu “khẩn trương điều tra để đưa ra xét xử vụ án này bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.
Những phát biểu kể trên do thủ tướng Việt Nam đưa ra khi ông thăm, chúc Tết công an Hà Nội, theo trang Thông tin Chính phủ.
Trước đó, vụ bê bối nhận hối lộ liên quan đến “chuyến bay giải cứu” được khui ra hôm 27/1 khi cổng thông tin của chính phủ và báo chí nhà nước Việt Nam loan tin Bộ Ngoại giao đình chỉ công tác 4 cán bộ và Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam 4 người đó.
Họ gồm nữ Cục trưởng Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao, Nguyễn Thị Hương Lan, 48 tuổi; ngoài ra là một cục phó, một chánh văn phòng và một phó phòng của cục này.
Bốn người này bị nhà chức trách cáo buộc “nhận hối lộ” và trục lợi cá nhân trong quá trình xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước.
Các bài tường thuật dẫn lời Bộ Ngoại giao nói rằng bộ và các nhà chức trách liên quan đang xử lý vụ bê bối này “với tinh thần vi phạm đến đâu sẽ đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bao che, không dung túng, bất kể người đó là ai”.
Kể từ khi tình hình đại dịch COVID-19 trở nên căng thẳng ở Việt Nam và trên thế giới, dẫn đến các nước đóng cửa biên giới với nhau từ đầu năm 2020, VOA đã nhiều lần đưa tin về tình trạng các công dân Việt Nam phải bỏ ra chi phí cao gấp 5 đến 8 lần so với trước đại dịch để có thể bay về nước trên các chuyến bay do nhà nước Việt Nam đứng sau.
Một số nhân chứng hiện chưa sẵn sàng công bố đầy đủ danh tính - gồm chị Nguyễn H. cư trú ở bang Virginia, anh Nguyễn M. và chị Trần L. ở bang Maryland, chị Trần H. ở bang California, và hai cháu du học sinh ở Hà Nội - mới đây xác nhận với VOA họ phải “cầu cạnh”, “xin xỏ” và bỏ ra số tiền từ 82 triệu đồng đến gần 120 triệu đồng mới có thể bay từ Mỹ về Việt Nam hồi cuối năm 2020 và trong năm 2021.
Theo thống kê được Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố hồi tháng 12/2021, bộ này và các cơ quan liên quan đã thực hiện “800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước”.
Sau khi tin tức về 4 quan chức Cục Lãnh sự bị bắt được loan ra, theo quan sát của VOA, trên mạng xã hội nhiều người đưa ra ước tính rằng nếu mỗi công dân phải hối lộ cho các quan chức dàn xếp các chuyên bay ít nhất 1.000 đô la, tổng số tiền hối lộ lên đến 200 triệu đô la.
Số tiền này tương đương với khoảng 4 nghìn 600 tỷ đồng, gấp khoảng 6 lần số tiền hối lộ được chia chác trong vụ bê bối thổi giá các bộ xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á, một vụ việc cũng gây chấn động và căm phẫn trong dư luận Việt Nam về tình trạng có những kẻ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi từ người dân khốn khó.
Các nhân chứng về việc phải trả tiền với mức “trên trời” để có thể bay từ Mỹ về Việt Nam nói với VOA rằng họ đã phải “xin xỏ rất nhục nhã” qua các mối quan hệ cả ở cơ quan đại diện ngoại giao ở Mỹ lẫn qua một số cơ quan ở Việt Nam, và mỗi khi nghĩ lại họ vẫn “giận sôi người”, “tức phát điên”.
“Núp bóng hoạt động nhân đạo để trục lợi từ đại dịch là việc làm rất khốn nạn”, anh Nguyễn M. ở Maryland nói với VOA.
Vẫn các nhân chứng nói họ thấy “hả hê”, “hả dạ” khi đọc tin 4 quan chức Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, bị bắt và bị điều tra.
Đây cũng là lời bình luận được hàng nghìn người đưa ra trên mạng xã hội về vụ bê bối này, theo quan sát của VOA.
Bài đăng về vụ này của các Facebooker có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội như Phương Ngô, Lê Hoài Anh, Đào Tuấn… nhận được hàng nghìn ý kiến và được hàng trăm người lan truyền tiếp qua chức năng “share”.
Đa số các ý kiến đều lên án những quan chức liên quan đến “chuyến bay giải cứu” là những kẻ “táng tận lương tâm”, “hút máu đồng bào không biết tanh”, hay “là loài ký sinh trùng đáng ghê tởm hơn cả COVID”, “tham lam”, “độc ác”.
Trong số hàng nghìn người tham gia bình luận về vụ việc, không ít người đưa ra bằng chứng họ phải trả tiền cao gấp nhiều lần bình thường để được lọt và “chuyến bay giải cứu” đi từ châu Âu, Nhật… để về Việt Nam trong gần 2 năm qua.
Các nhân chứng và dư luận đưa ra đề nghị rằng nhà chức trách Việt Nam cần xử án nặng đối với các quan chức bị xác định phạm tội ăn hối lộ, đồng thời phải mở rộng điều tra để đưa những kẻ phạm tội khác ra trước pháp luật, vì dư luận cho rằng 4 quan chức vừa bị bắt không phải là những kẻ duy nhất gây ra vụ bê bối vừa bị phanh phui.
VOA cố gắng liên lạc với một số cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam để nghe ý kiến phản hồi từ phía họ, nhưng không kết nối được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét