Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

Người Ăn Thì Còn … - Sông Hương


Năm đó cả miền Nam đói meo sau lần đổi tiền kinh thiên động địa. Qua một đêm toàn dân thức dậy thấy mình trắng tay. Nhà nhà cầm cự bằng cách ôm đồ ra chợ trời, khi cần đong gạo thì giá nào cũng bán. Gần Tết. Nghĩ tới bầy con, làm sao để may cho mỗi đứa một bộ đồ mới. Nghĩ tới Tết nhất với mâm cúng gia tiên. Ít ra cũng phải có cái bánh chưng, đòn bánh tét, hủ dưa hành củ kiệu, chút ít thịt kho với trứng. Nghĩ tới nghĩ lui, bấn cả ruột gan, biết bán cái gì nữa đây cho đủ chi tiêu ba ngày Tết.
<!>
Rốt cuộc sau nhiều màn “chà đồ nhôm” thì năm đứa trẻ trong nhà, đứa lớn nhất 13 đứa nhỏ nhất 4 tuổi cũng được tíu tít, rộn ràng bên thau đậu, thau nếp và mấy miếng thịt heo mỡ và da nhiều hơn nạc. Mấy mẹ con “hồ hỡi” xúm nhau rửa lá, đãi đậu, ngâm nếp, rộn ràng xếp xếp, gói gói được 6 cái bánh chưng lớn, 4 đòn bánh tét và 5 cái bánh chưng nhỏ xíu đặc biệt phần mỗi đứa một cái.

Thấy bầy con lăng xăng sung sướng, đứa bé nhất cũng ngoan ngoãn ngồi bên cạnh đưa dây cho mẹ cột bánh, nhìn bàn tay bé xíu, ốm nhom vì không đủ dinh dưỡng, thỉnh thoàng sờ sờ, vuốt ve những cái bánh với đôi mắt sáng trưng thèm thuồng mà lòng đau như cắt. Chỉ mới mấy năm tuyệt đại đa số dân miền Nam đã rơi xuống gần chạm đáy vực thẳm thê thảm đến vậy rồi !!!

Tối đó cơm nước xong bầy trẻ nhất định xin thức để cùng canh nồi bánh. Nhà không có vườn sau, chỉ có sân trước với cây ngọc lan, cây khế ngọt và chỗ đậu của chiếc xe hơi chưa bán được. Hai đứa lớn lăng xăng bên nồi bánh được đào lỗ bắt ông táo dưới gốc ngọc lan, ba đứa nhỏ ngồi xích đu trên thềm nhà chọc ghẹo nhau nói cười như nắc nẻ, cả nhà hân hoan bên nồi bánh cho tới gần nửa đêm thì bầy trẻ bắt đầu ngủ gục. Cả ngày vất vả tới một giờ sáng cha mẹ cũng nhíp mắt. Lửa đang cháy liu riu, cổng đã khóa kỹ, tự nhủ mình chợp mắt một chút cho đỡ mệt rồi ra canh tiếp. Vậy nhưng ngủ quên cũng gần 2 tiếng đồng hồ.

Giật mình choàng dậy nhớ tới nồi bánh, thôi chết không biết lửa củi ra sao rồi. Ra sân thật mừng thấy than vẫn còn hồng dưới bếp dã chiến, vừa quay qua hông nhà lấy thêm củi khi ông xã dở nắp nồi định châm thêm nước thì bỗng nghe “ủa” một tiếng thật to, tiếp theo là tiếng nắp nồi rơi loảng xoảng trên sân xi-măng.
- Sao vậy bố?
- Em coi nè, bánh mất tiêu hết rồi.
- Trời đất ơi, thiệt không?
- Thiệt, cái nồi trống rỗng.

Nồi bánh, công trình và tâm huyết của cả nhà, có cả 5 chiếc bánh chưng be bé xinh xinh của năm đứa trẻ đã không cánh mà bay. Hai vợ chồng ngồi xệp xuống hiên, nghĩ tới gương mặt thất vọng của các con mà đau thắt ruột. Phải chi mình đừng vô ý ngủ quên. Phải chi người ta vớt hết bánh lớn, làm ơn làm phước chừa lại 5 cái nhỏ xíu cho bầy con nít. Đã ba mươi rồi, chỉ còn một ngày nữa là Tết, đào đâu ra bánh chưng bánh tét cho con ăn tết. Thời gian đó làm gì có hàng quán bình thuờng, cái gì cũng hợp tác xã, cũng nhà nước, từ cây kim sợi chỉ, từ cọng rau cho tới củ hành, chút tiêu chút muối nhất nhất đều phải sắp hàng trước cửa hợp tác xã …
Cả đời chưa hề tưởng tượng có ngày chỉ vì mất chục cái bánh chưng mà mình phải rơi nước mắt. Cả đời chưa hề nghĩ tấm bánh, miếng ăn, lại trở thành quan trọng nhường ấy. Vậy mà khuya đó, giữa đất Saigon, giữa một xã hội dở tờ giấy nào ra cũng thấy đập vào mắt “độc lập, tự do, hạnh phúc” có người ngồi trước bếp lửa, than vẫn còn hồng, trước cái nồi đen thui trống rỗng mà khóc ngon lành.

Khóc chán. Lửa tàn. Muỗi bắt đầu tấn công. Thì cũng phải thất thểu đứng dậy vào nhà. Cũng may là người ta không lấy luôn cái nồi. Mà cũng đâu phải may mắn gì, người ta không lấy vì nó chỉ là nửa cái thùng phuy nhỏ cắt ra một năm chỉ dùng một lần để nấu bánh. Thôi thì tự an ủi bằng câu nói của người xưa “Người ăn thì còn, con ăn thì hết”, chắc con người ta còn đói hơn con mình … nghĩ thì nghĩ vậy nhưng cả cha lẫn mẹ lại nhìn nhau ngơ ngẩn, sáng ra biết an ủi các con bằng cách nào đây?

Cái Tết năm đó thật là xui hết biết. Mất nồi bánh làm lũ trẻ chưa hết buồn thì sáng mùng ba mới bảnh mắt đã nghe con gái lớn kêu hoảng “Bố mẹ ra coi nè”. Bước ra trước thềm thấy con gái đang chỉ tay vào chiếc xe Ford Taurus từ lâu nay vẫn nằm một chỗ chờ được bán. Thoáng nhìn thấy có gì kỳ kỳ, nhìn kỹ thì ra cái xe bỗng nhiên lùn tịt … 4 bánh xe đã bị gỡ mất tiêu. Kẻ trộm rành nghề chắc tay chân không hề bối rối trong khi chủ nhân của chiếc xe thật tình bối rối không biết giải thích với con trẻ ra sao trước những hành vi “bần cùng sinh đạo tặc” của một xã hội mới mẻ, hết mất mát này đến mất mát kia, với cuộc sống hoàn toàn đảo ngược mà những tâm hồn non trẻ chưa thể nào hiểu được.

Bầy trẻ năm đứa mặt mũi buồn hiu một ngày Tết năm nào bây giờ đã là những trung niên với đời sống vui vẻ thoải mái nhờ bao nhiêu năm được hấp thụ không khí “độc lập, tự do, hạnh phúc” thật sự chứ không chỉ trên những mảnh giấy. Những gương mặt trẻ thơ mếu máo ngày nào bây giờ mỗi lần nhắc lại kỷ niệm cũ ở Saigon không bao giờ quên được “chiếc xe cụt bốn giò” và “nồi bánh chưng không bánh” mùa Tết năm đó. Có khi chúng còn đùa đùa đổ lỗi cho cha mẹ, phải chi bố mẹ cho tụi con thức canh lửa thì mình đã không mất tiêu nồi bánh chưng bánh tét ít thịt nhiều đậu đó rồi !!!

Sông-Hương

Không có nhận xét nào: