Từ ngàn xưa, những tục lệ ngày Tết làm cho cái Tết trở nên có ý nghĩa và làm tăng thêm niềm vui trong lúc Xuân về. Đối với người Việt chúng ta, ngày Tết Nguyên đán là ngày trọng đại và cũng là nét văn hóa độc đáo. Tết Nguyên đán là một tục lệ cổ truyền cao quý nhất của dân tộc ta. Ai cũng thiết tha với Tết, nhất là ở vùng nông thôn, vì sau một năm làm việc cực nhọc thì đây là dịp để nghỉ ngơi. Năm mới đến, những sự may mắn mới cũng đến và bao nhiêu những điều xui xẻo, không may mắn của năm cũ đều theo năm cũ mà biến mất. Bao nhiêu điều lo nghĩ được gác lại một bên để đón Tết một cách trịnh trọng, vui Tết một cách nồng nhiệt. Những người đi làm ăn xa, dù thu nhập thấp kém, cũng ráng dành dụm để về quê ăn Tết.
Vì thế, ờ nước ta hiện nay trước ngày Tết, các phương tiện giao thông công cộng đều được tăng cường mà vẫn không thỏa mãn được nhu cầu. Tuy ngày nay, lễ tục ngày Tết đã có phần đơn giản, ở nhiều nơi vẫn còn giữ lề thói cũ theo những nghi lễ truyền thống.
Ngày cuối tháng chạp âm lịch năm trước mới bắt đầu Tết nhưng người ta đã sửa soạn Tết từ một tháng trước. Các chợ hoa, bánh trái, thực phẩm, quần áo và đồ trang trí đã mở bán ở từng địa phương. Nhà nhà đều lo mua gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, lá dong hay lá chuối để nấu bánh chưng hay bánh tét. Người ta còn làm những hũ dưa hành củ kiệu, làm các loại bánh mứt, mua sẵn gà vịt thả nuôi trong vườn để vỗ béo, cả xóm rủ nhau mua heo về xẻ thịt chia nhau v.v… Bây giờ ở thành thị đã có bán các loại bánh trái và các loại thịt nên khỏi phải lo sắm sớm như ngày xưa. Người ta còn lo đi mua sắm những bộ áo quần, giày dép mới, đặc biệt cho trẻ con. Người ta còn phải gởi thiệp chúc mừng hoặc mua quà biếu cho các bậc họ hàng có vai vế trên, cho cấp chỉ huy, cho người ban ơn, cho thầy dạy, cho bạn bè, cho thân tộc v.v… Cũng trong thời gian này, các cơ sở thương mại, các nhà tiểu thủ công nghiệp… thường kết toán lời lỗ cuối năm và mở tiệc tất niên thết đãi khách hàng và bạn bè. Nợ nần cũng lo thanh toán trước cuối năm vì con nợ sợ bị xui nếu để nợ 2 năm và chủ nợ không dám đòi vì sợ con nợ kiêng cử. Các công sở, các trường học cũng tổ chức tiệc tất niên để họp mặt chúc Tết và chia tay trước khi nghỉ Tết. Ngày 23 tháng chạp âm lịch có lệ sắm áo mão, con cá chép (để ông Táo cỡi về Trời) bằng giấy và lễ vật cúng đưa ông Táo về trời vì người ta tin rằng trong ngày ấy, Thần Táo sẽ lên chầu Trời để báo cáo những điều thiện ác ở trần gian (Bây giờ toàn nấu bằng bếp điện và bếp ga, không còn sợ ông Táo lên chầu Trời báo cáo chuyện nhà mình nên các điều Ác đã xảy ra đầy rẫy ở khắp mọi nơi!!!).
Gần đến ngày Tết, mọi nhà đều lau chùi, quét vôi lên tường, sơn phết và trang trí nhà cửa cho có một khung cảnh sáng sủa, sạch sẽ và đẹp đẽ. Con cháu phải lau chùi đồ chưng trên bàn thờ tổ tiên, đánh bóng các bộ lư đèn bằng đồng và các câu liễn đối …Bàn thờ tổ tiên được chưng bình hoa tươi và các dĩa trái cây. Các con cháu, những người đã có gia đình riêng hoặc thuộc các chi nhánh thứ mua lễ vật đến nhà nhánh trưởng hoặc nhà thờ Tộc để dâng cúng tổ tiên.
Chiều ngày cuối tháng chạp âm lịch, sau khi đi tảo mộ về, mọi nhà đều sắm sửa mâm cỗ cúng gia tiên gọi là lễ rước ông bà và sau đó, giữ nhang đèn sáng trong suốt những ngày Tết vì người ta tin rằng những người đã khuất luôn hiện diện trên bàn thờ trong những ngày này. Suốt trong những ngày này, mỗi ngày người ta đều dâng mâm cỗ cúng tổ tiên. Trước kia, mỗi ngày dâng cúng đủ ba bữa nhưng ngày nay, có nhà đã giảm bớt chỉ còn một bữa. Giữa khuya ngày chót tháng chạp âm lịch, người ta làm lễ cúng giao thừa. Giao thừa nghĩa là “cũ giao lại, mới thừa tiếp lấy”. Lễ giao thừa có ý nghĩa “tống cựu nghinh tân” nên được cử hành rất trịnh trọng từ các tư gia đến các đình chùa. Cúng lễ cốt ở tâm thành và cúng vào lúc nửa đêm nên có vẻ thần bí và trang nghiêm. Ngày xưa vào giờ phút này, chuông trống đánh vang, pháo nổ liên hồi truyền từ
nhà này đến nhà khác. Tại các tư gia, chủ nhà lập bàn thờ ở giữa sân hoặc trước cửa nhà với một mâm lễ vật đơn giản gồm có một con gà trống, bánh chưng hoặc bánh tét, hoa quả, trầu cau, trà rượu… và nhang đèn. Trong đêm giao thừa không cúng gia tiên nữa vì đã cúng rước ông bà lúc ban chiều rồi. Có người đi dự lễ cúng giao thừa tại các chùa chiền hoặc nhà thờ. Sau lễ giao thừa, người ta thường rước nhang và hái lộc rồi chọn giờ tốt và hướng tốt để xuất hành. Ra đi theo hướng tốt bằng một lối và đi về bằng lối khác chứ không đi ngược hướng sợ gặp điều không may trong năm. Trên đường xuất hành, người ta gặp nhau chào hỏi, nói cười vui vẻ và chúc tụng lẫn nhau.
Bước sang năm mới, người ta vui mừng vì có thêm được một tuổi: người già thì thêm tuổi thọ, trẻ nhỏ thì thêm tuổi để thêm lớn. Bởi lẽ đó, người ta có lệ mừng tuổi vào dịp Tết. Sáng mồng một Tết, các cụ già thường ngồi nhà chờ con cháu nội ngoại đến, trước để dâng hương lên bàn thờ cúng lạy tổ tiên, sau để chúc mừng và gởi quà biếu Tết cho các cụ và các cụ cũng chúc lại các con cháu những điều tốt đẹp. Sau đó, trong những ngày Tết, người ta ăn mặc chỉnh tề rồi lần lượt đi chúc Tết từng nhà của họ hàng nội ngoại gần xa, các bậc trưởng thượng, các bà con xóm giềng, các bạn bè, các thầy dạy v.v… nên mới có câu: “mồng một tết cha, mồng ba tết thầy”. Đến mỗi nhà, người ta đều phải thắp nhang lễ bái bàn thờ rồi chúc tụng nhau và ăn uống chuyện trò. Nhờ vậy mà tình thân tộc rất bền vững và biết nhau theo tôn ti trật tự. Cũng vì thế mà Tết đến thật vui mà cũng thật mệt nhọc. Ngày nay, người ta chúc Tết vì xã giao nhiều hơn chứ không cố chấp như ngày xưa nên lớp trẻ rất hời hợt trong mối liên hệ thân tộc và bằng hữu!
Trước kia, từ lúc giao thừa đến hết những ngày Tết thì pháo nổ vang khắp nơi, các nhà thi nhau đốt pháo nên bọn trẻ rất thích và kéo nhau đi lượm pháo tịt ngòi về đốt đì đùng. Trong xóm làng, người ta tổ chức những lễ hội tại đình làng hoặc tổ chức những đêm văn nghệ ngoài trời để giúp vui. Và rải rác đó đây có những sòng bài bầu cua cá cọp, xì dách, tứ sắc, tam cúc v.v… Đến chiều mồng 3 hoặc sáng mồng 4 âm lịch, tùy mỗi nhà, sẽ làm một mâm cỗ thịnh soạn để cúng tiễn đưa ông bà!
Trong ngày Tết còn có lệ xông nhà. Người ta tin rằng đầu năm mới, người nào bước vào nhà mình trước nhất mà người đó có tính nhanh nhẹn, dễ dãi thì năm đó, mình sẽ làm ăn phát đạt và gặp nhiều điều may mắn; còn ngược lại thì sẽ gặp phải toàn những chuyện rủi ro như làm ăn thua lỗ, gặp tai nạn v.v…Bởi vậy, sáng mồng một Tết không ai vội đến nhà ai vì sợ trong năm đó, họ gặp rủi ro, xui xẻo thì sẽ đổ lỗi cho mình. Những người còn đang thọ tang cũng kiêng cử không đi chúc Tết vì sợ sẽ đem tang tóc đến cho người khác.
Ngày xưa, lễ Tết có khi kéo dài đến hết tháng giêng âm lịch nên mới có câu: “Tháng giêng là tháng ăn chơi…”. Sau Tết Nguyên đán, người ta còn làm lễ Động Thổ và cúng Thổ Công để xin động đất bắt đầu một năm mới, làm lễ Khai Hạ tức là lễ hạ nêu vì trước ngày Tết, người ta thường dựng cây nêu để trừ ma quỉ, làm lễ cúng Thần Tài để cầu xin mua mau bán đắt, làm lễ cúng Thần Nông để cầu xin được mùa trong năm và nghề nông được phát đạt v.v…
Ngày nay, ở trong nước ta, việc tổ chức Tết vẫn còn rầm rộ nhưng so với trước thì đã đơn giản rất nhiều. Cũng vẫn còn những người quá nghèo không có đủ miếng ăn hàng ngày thì lấy gì mà vui Tết nên gần như họ không biết Tết là gì! Đặc biệt ở hải ngoại, Tết Nguyên đán đến với chúng ta trong những ngày làm việc và lạnh lẽo nhưng các tổ chức cộng đồng cũng cố gắng giữ tục lệ Tết và dành thời gian chung vui với nhau, gặp nhau chúc tụng những lời tốt đẹp và cùng hướng về quê hương đất tổ để tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những anh hùng dựng nước và giữ nước cũng như cầu mong có ngày thanh bình cho quê hương xứ sở và no ấm cho toàn dân.
Mọi người ở mọi nơi đều vui vẻ đón Xuân mới, xóa bỏ mọi tị hiềm, lòng chứa chan hy vọng ở những sự may mắn mới. Ai ai cũng hân hoan nên hễ gặp nhau là “chúc mừng năm mới” hoặc cầu cho nhau những điều tốt đẹp: PHƯỚC, LỘC, THỌ, KHANG, NINH.
TẾT QUÊ NGƯỜI
Tết nhứt gì đâu rõ chán phèo,
Không nghe tiếng pháo, chẳng đèn treo,
Thiên hạ đi làm trong sở hết,
Ngoài ngõ trong nhà thấy vắng teo!
Bánh chưng, bánh tét, thiếu mai vàng,
Hàng xóm, bạn bè chẳng thấy sang
Chúc nhau đôi tiếng trong ngày Tết
Cho đỡ u buồn, đỡ xốn xang!
Nơi đây ăn Tết, Tết quê người,
Lạnh lẽo ngoài trời, có tuyết rơi!
Nhớ về quê mẹ, buồn da diết,
Quê người ăn Tết khó mà vui!
Biết đến bao giờ mới trở về
Thăm hết thị thành đến chốn quê
Trong cảnh thanh bình, không áp bức.
Cảnh ấy Xuân về, Tết đẹp ghê!
Phan Lục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét