Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

NHỮNG CÁI TẾT NĂM XƯA- - Phạm Khắc Long

 

Mới đó mà tôi xa quê hương đã 35 năm. Mau thật, hơn nửa đời sống nơi xứ người ! Trong một hai năm đầu mới định cư ở Canada, vào dịp Tết Nguyên Đán, nếu ngày mùng một Tết trúng vào ngày phải đi làm thì tôi thường xin phép nghỉ. Tết nhất vợ chồng tôi cũng đủ lễ bộ giống như thời còn ở bên nhà, đêm giao thừa làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, cúng xong, hai vợ chồng ăn uống qua loa, dọn dẹp rồi đi ngủ. Không có tiếng pháo đón giao thừa nhưng nội nghĩ đến ngày mai không phải đi làm, được ngủ nướng là trong lòng tôi đã thấy vui như Tết ! Sáng dậy, được vợ pha sẵn cho ly cà phê ngồi nhâm nhi trong khi chờ đợi vợ sửa soạn các món ăn đầu năm như bánh chưng, giò chả, củ kiệu dưa món v.vv... tất cả đều mua sẵn ở tiệm thực phẩm Việt Nam từ mấy hôm trước. 
<!>
Thường khi ăn xong, tôi hay ra phòng khách nằm lăn trên chiếc sofa, mở nhạc nghe. Có mấy chục cái băng cassette nhạc Việt mua từ lúc mới qua, nghe tới nghe lui gần như thuộc làu, thế nhưng vào ngày Tết, nghe bài nào thì nghe chứ tôi không dám mở bài "Xuân Này Con Không Về". Có một lần vô tình mở trúng bài này, nghe ca sĩ Duy Khánh hát mới có vài câu là tôi đã ứa nước mắt, tôi nhớ đến gia đình còn kẹt lại nơi quê nhà, nhớ đến cái không khí xum họp đầm ấm trong những ngày đầu xuân.
Những năm về sau, càng sống xa quê hương, cái hương vị ngày Tết càng phai nhạt dần, tôi chẳng còn xin phép nghỉ để ở nhà ăn Tết nữa. Tuy thế, cứ mỗi độ xuân về là tôi lại nhớ đến những cái Tết ngày xưa, nơi quê nhà, lúc gia đình còn đầy đủ cha mẹ, chị em. Ngày đó, xa thật xa, và mỗi lần nhớ đến, buồn thật buồn !!!          
 *****
Lúc bé, đối với tôi, những ngày Tết có lẽ là những ngày vui nhất trong đời. Vui là được ba mẹ sắm sửa cho quần áo mới, rồi được ăn uống đủ thứ thức ăn, bánh mứt ngon miệng và nhất là được nhiều tiền lì xì để rồi sau đó tha hồ chơi bầu cua cá cọp, bài cào, các tê, xì dách v.v...Lúc ba chưa theo vợ nhỏ, gia đình còn sung túc, mỗi dịp Tết, nhà tôi bánh trái ê hề. Ba quen biết nhiều cho nên nhà tôi rất đông khách khứa đến chúc Tết. Tôi luôn luôn tình  nguyện bưng trà nước lên mời khách, tôi thường được khách khen ngoan và giỏi, lời khen càng nhiều thì tiền lì xì càng khẳm ! Mỗi khi khách hỏi tôi có bao nhiêu anh chị em để phát tiền lì xì, lúc nào tôi cũng kê khai luôn cả em Tú, đứa em út, lúc đó chỉ mới một tuổi, dĩ nhiên phần lì xì của em sẽ vào tay tôi chứ còn ai trồng khoai đất này ! Đến khi nào được bộn tiền lì xì rồi là tôi lo "bàn giao" ngay nhiệm vụ bưng trà nước cho hai bà chị, dĩ nhiên tôi không quên dặn dò các chị phải nhớ giữ phần của tôi. Sau đó là tôi bắt đầu "xuất hành", trực chỉ các sòng bầu cua và ở đó chơi cho tới khi nào đói bụng, hoặc thua hết tiền thì mới mò về nhà. Bình thường đánh bầu cua, mười lần tôi thua hết chín ! Nhớ có năm, mới qua mùng 2 là tôi đã thua sạch túi, về nhà tôi không dám xin tiền mẹ vì sợ mẹ hỏi tiền lì xì hôm trước tiêu đâu mà đã hết. Ba thì lại không có nhà để tôi lén móc ví chôm tiền của ông cụ. Đang buồn vì hết tiền tôi càng buồn hơn khi nghe tiếng cười nói rổn rảng của lũ bạn trong sòng bài cào bên nhà hàng xóm. Tôi đang rầu rĩ nằm thừ trên giường thì chợt thấy cánh cửa tủ của chị Vân Anh, người chị cả, chỉ khép hờ. Có lẽ vì quá vội vàng khi bạn bè đến rủ đi chơi nên chị quên khóa tủ chăng ? Thế là máu gian của tôi nổi dậy! Quả đúng là đói ăn vụng túng làm liều, tôi mở tủ, lục thấy có hộp đựng tiền, xấp tiền mới toanh của bạn chị tặng, có viết lời chúc Tết và ký tên. Tôi bèn "chôm" ngay vài tờ, rồi chạy vội qua nhà hàng xóm, vào sòng bài cào, nhất quyết thua me... gỡ bài cào ! Gỡ đâu không thấy, chỉ gỡ ghẻ, chưa đầy một tiếng đồng hồ sau tôi thua sạch số tiền ăn cắp của bà chị. Ngày hôm sau chị Vân Anh khám phá ra bị mất tiền, chị nghi tôi lấy, tra khảo mấy tôi cũng chối bai bải, chị dậm chân khóc sướt mướt vì mất tờ giấy năm đồng của anh H...viết tặng. Anh H có tình ý với chị và hình như chị cũng thích anh ấy. Tôi hối hận vì đã làm chị khóc, tôi nhận tội nhưng năn nỉ chị đừng mách mẹ. Tôi biết trong mấy ngày Tết mẹ "kiêng" không đánh đòn con cái, nhưng tôi chỉ sợ mẹ "để dành" lại sau Tết mới đánh thì khổ ! Tôi mếu máo đề nghị chị cho tiền đi "chuộc" lại những tờ giấy bạc đã thua. Chị đưa tiền cho tôi ngay, tôi chỉ tìm được có hai tờ vẫn còn luân lưu trong sòng bài, may sao lại có tờ giấy năm đồng của anh H. Chị Vân Anh mừng quá cho nên chẳng những không mắng tôi về cái tội ăn cắp tiền mà lại còn dúi cho tôi mấy chục bạc. Chị tôi lúc nào cũng thế, thương em út vô cùng. Viết đến đây, tôi không cầm được nước mắt vì nghĩ đến chị. Sau 19 năm xa cách, tôi mới về lại Việt Nam thăm chị hôm tháng 3 năm 2014 vừa rồi, chị bị bạo bệnh, tôi qua lại Canada một tháng sau thì chị mất. Người chị yêu dấu của tôi đã vĩnh viễn ra đi, còn nỗi đau nào hơn !
Ngoài bầu cua, bài cào, xì dách, cắc tê v.vv... tôi còn ghé nhà chú Hy, em ba tôi, chơi tam cúc với mấy đứa em họ. Chú tôi hay ngâm rượu bách nhật trong hũ khằn kín, chôn sâu dưới đất trong vườn đúng ba tháng mười ngày, Tết đến mới đào lên, khui ra đãi khách. Không rõ chú ngâm với thứ gì mà rượu lại có vị ngọt, tôi rất thích, có năm tôi bị mấy đứa em họ chuốc cho uống gần cả một ly đầy, uống xong tôi lăn đùng ra đất, ngủ một lèo năm sáu tiếng đồng hồ sau mới tỉnh dậy. Báo hại cho mấy đứa em bị chú thím tôi la cho một trận tơi bời vì cái tội dụ dỗ "thằng" anh say sưa. Một kỷ niệm thật khó quên ! 

*******
Năm ba đi theo vợ nhỏ, tôi mới 11 tuổi. Ba bị đổi ra làm việc tuốt ngoài Phù Mỹ, Bình Định, một quận lỵ hẻo lánh cách xa Quy Nhơn, mang theo luôn vợ nhỏ. Sau ngày ba bỏ đi, cảnh nhà tôi sa sút thấy rõ, mẹ và chị em chúng tôi khổ sở vô cùng, tiền trợ cấp ba gửi về tháng có tháng không, mẹ vất vả ngược xuôi, chắt chiu thu vén để nuôi năm đứa con thơ dại. Vắng ba, hình như trong nhà đã vơi hẳn đi tiếng cười vui trong ngày Tết, mẹ cố gắng sắm sửa đầy đủ cho chị em chúng tôi, vẫn quần áo mới, vẫn bánh trái này nọ trong những ngày đầu xuân. Thế nhưng nhìn mẹ chạy đầu này xoay đầu nọ, có nhiều hôm thấy mẹ thức trắng đêm ngồi đan áo cho kịp ngày mai giao hàng để kiếm thêm ít tiền sắm Tết cho con, tuy mới mấy tuổi đầu nhưng tôi đã cảm nhận được sự hy sinh của mẹ đối với chị em chúng tôi. Một hôm thức giấc nửa đêm, thấy ánh đèn le lói dưới bếp, tôi đi xuống thấy mẹ đang ngồi đan bên ngọn đèn dầu, tôi đến ngồi cạnh mẹ, mẹ bảo "Đi ngủ đi con, khuya rồi". Tôi sà vào lòng mẹ, thổn thức : "Sao mợ đan hoài vậy, mợ không đi ngủ, bệnh thì sao ?" Mẹ ôm tôi vào lòng, rưng rưng nước mắt : "Thương quá đi thôi !".

Có năm, chỉ còn một tuần lễ nữa là tới Tết mà vẫn chưa nhận được ngân phiếu ba gửi về, mẹ phải đi xe đò ra Phù Mỹ để "đòi" ba tiền. Mẹ nói đi chừng ba ngày nhưng qua đến ngày thứ tư mẹ vẫn chưa về. Chiều chiều, cơm nước xong là tôi dắt em Tú ra bến xe Nguyễn Hoàng đón mẹ. Mẹ vẫn biền biệt, hai anh em tôi ra bến xe trông ngóng, có khi chờ đến chuyến xe chót, trời tối mịt tôi mới lếch thếch dắt em về nhà. Đến ngày 28 tháng chạp mà vẫn chưa thấy tăm hơi mẹ đâu. Ở bến xe em Tú cứ mếu máo : "sao mợ chưa về ?", tôi phải vỗ về em : "mợ sắp về rồi". Để dỗ cho Tú bớt khóc tôi dắt em đi xem những gian hàng hội chợ quanh khu vực bến xe. Lúc đến gian hàng quay xổ số, móc trong túi có một đồng bạc, tôi đưa cho Tú và bảo em đặt vào chỗ nào em thích. Không ngờ số quay rơi đúng vào ngay ô em đặt,  trúng giải "độc đắc" một tút thuốc lá Ruby, tôi không lấy thuốc, đổi lấy tiền được đâu hai chục đồng. Có tiền tôi dắt em vào tiệm chè ngay trước bến xe. Tú vừa ăn vừa khóc thút thít, tôi phải dỗ dành mãi em mới nín. Bỗng nhìn ra ngoài thấy mẹ đang chen chúc giữa đám hành khách từ chiếc xe đò mới cập bến, tôi kéo em Tú chạy vội ra ngoài. Sực nhớ là chưa trả tiền chè tôi quay vào lại tiệm, chưa kịp móc tiền ra thì ông chủ tiệm ngoắc tay ra dấu khỏi trả. Có thể ông ta đã nghe những mẩu đối thoại giữa anh em tôi, nên thương tâm, không lấy tiền ?! Gặp mẹ, hai anh em tôi mừng quá, em Tú khóc òa, ôm riết lấy mẹ. Trên đường về nhà, Tú líu lo kể chuyện trúng số, mẹ mắng yêu tôi : "Con bày em cờ bạc, hư lắm nha !".
Ngày hôm sau mẹ dậy thật sớm để đi chợ sắm Tết. Đi chợ về mẹ tất ta tất tưởi dắt tôi và hai thằng em đến ông thợ may gần nhà, mẹ năn nỉ ông may gấp cho ba anh em tôi mỗi đứa một bộ quần áo. Ông ta đang bận lắm nhưng vì thương cho hoàn cảnh của mẹ con tôi nên ông mới chịu may cấp tốc, xong nội trong ngày. 
Năm đó, ban đầu những tưởng rằng tết nhất chị em tôi sẽ không có gì nhưng rốt cuộc vẫn đầy đủ, đã vậy lại còn được ba cho tiền lì xì, tôi được ba cho nhiều nhất, lúc nào cũng thế tôi luôn là thằng con trai cưng của ba !   
Mấy năm sau ba đổi về lại Nhatrang làm việc, thật ra trước đó ba có viết thư năn nỉ mẹ cho phép ba "hồi hương", ba nại lý do : "Long bắt đầu lớn, cần có ba ở gần" ! Ba về lại Nhatrang, tuy vẫn tiếp tục ở với "phòng nhì" nhưng mẹ tôi và người vợ hai của ba đã sống chung hòa bình và có qua lại với nhau. Mẹ tôi hiền lành và vị tha như thế đấy ! Kể từ đó, mùa xuân đã trở lại trong gia đình tôi !!! 

******
Khi qua học Võ Tánh, năm đệ tam C, tôi kết thân với Nguyễn Văn Quang, thằng bạn học có nhiều sở thích và tính đam mê giống tôi. Nhà Quang ở khu Xóm Máy Nước, ngay sau ga xe lửa, xóm nghèo nhưng cờ bạc quanh năm.
Một hôm đến lớp Quang rủ tôi sau giờ tan học đi đánh bầu cua. Quang cho biết mới khám phá ra cách đánh bầu cua "hở", chắc ăn như bắp! Quang giải thích là các tay xóc bầu cua thường dùng một tay ôm cái chén nhôm và dĩa nhôm để lắc hột. Do thói quen, hoặc do mỏi mệt hay bất cẩn, lúc lắc chén dĩa lên xuống, đôi khi họ vô tình để hở một kẽ nhỏ giữa chén và dĩa, cho thấy hột bầu cua nhẩy lưng tưng bên trong; khi nhìn được mặt ngang của con hột, Quang sẽ suy ra mặt trên để đặt tiền. Quang nói lúc ban đầu phải đem theo con hột mẫu để lén so chiếu nhưng dần dần, nghề dậy nghề, Quang đã thuộc nằm lòng con hột. Mỗi hột có tất cả 6 mặt hình (bầu, cua, tôm, cá, gà, nai), mỗi mặt hình có 4 vị thế (ngược, xuôi, trái, phải), Quang thuộc tất cả 24 vị thế (4 x 6 mặt hình). Chẳng hạn nhìn qua kẽ hở thấy hình con bầu, nều là bầu "đứng" thì mặt trên là con cua, bầu "chổng ngược" là nai, bầu "nằm quay đầu về phải" là gà, về "trái" là cá. 

Lúc ban đầu đi theo Quang tôi chỉ đứng trên và đặt tiền theo "chỉ thị" của Quang đang ngồi dưới "canh me" nhà cái xóc hở. Khi Quang ra dấu, nếu 1 ngón tay là tôi biết phải đặt con tôm, 2 ngón là con gà, 3 ngón là con cá, 4 ngón là con nai, 5 ngón là con cua, ngón cái chụm với ngón trỏ thành vòng tròn là con bầu. Lần nào hai đứa tôi cũng thắng lớn. Ít lâu sau tôi được Quang truyền nghề và chẳng mấy chốc tôi đã không thua gì "sư phụ". Năm 63, 64, vào dịp Tết, hai đứa tôi "hành nghề" bầu cua hở ở khắp nơi khắp chốn, từ các sòng trước rạp xi nê, qua tới các khu Chợ Đầm, Xóm Lò Heo, Xóm Cồn, Chợ Mới, Phú Vinh, Thành, Chụt, Cửa Bé  v.vv..., có khi còn đi xe đò ra tận ngoài Ninh Hòa, Dục Mỹ. Càng về các vùng quê, càng dễ gặp mối bở ! Tụi tôi kiếm được rất nhiều tiền, Quang sắm sửa quần áo, ăn mặc láng cóng cứ y như con nhà giàu, còn tôi sắm được cây đàn guitar cáu cạnh, mua đầy một tủ sách và chưa bao giờ ăn Tết rủng rỉnh như hai năm ấy !!! Qua năm 65, môn đánh bầu cua hở càng ngày càng phổ thông, đa số các tay xóc đều rõ trò gian lận này nên đã đề phòng, vì làm ăn khó khăn nên Quang và tôi bắt buộc phải "giải nghệ" !   

*******
Năm 68, lợi dụng tình trạng hưu chiến trong dịp Tết Mậu Thân, cộng quân đã mở trận tổng tấn công trên toàn lãnh thổ VNCH. Đêm 30 tháng chạp, như thông lệ hàng năm, tôi cùng nhóm bạn thân rủ nhau qua Tháp Bà xin xăm, rồi sau đó tính lên chùa Long Sơn cúng Phật và hái lộc. Từ Tháp Bà trở về, chúng tôi thấy có một số thanh niên chạy xe gắn máy, cột những lon nhôm phía sau xe, kéo lê trên đường, gây náo động cả khu phố, chúng tôi bực mình lấy đá ném theo xe. Sau này chúng tôi mới vỡ lẽ, mấy tên đó chính là bọn nằm vùng chạy xe làm ám hiệu dẫn đường cho đám đặc công cộng sản tấn công các địa điểm quân sự, hành chánh trọng yếu trong thành phố.

Khi đi đến ngã tư Độc Lập - Quang Trung, một thằng bạn bị đau bụng tỏ ý muốn đi về, cả bọn tôi đang lết bộ quá mỏi chân, thấy vậy bèn quyết định chia tay, mạnh ai về nhà nấy chứ không ghé chùa Long Sơn nữa. Lúc tôi về đến nhà thì gần giao thừa, mẹ đang sửa soạn mâm cơm cúng, tôi hơi lạ khi thấy có ba trong nhà. Vừa thấy tôi, cả nhà đều tỏ vẻ mừng rỡ. Ba ở đường Vạn Kiếp gần bên, vừa qua cho việt cộng đang tấn công khắp thành phố, nhân viên thuộc cấp của ba đang trực đêm tại ty CSQG Khánh Hòa đã đến tận nhà báo cáo tình hình đang xảy ra; ba dặn chúng tôi đóng cửa, tắt bớt đèn trong nhà và ngày mai, mùng một Tết chớ nên đi bất cứ đâu. Đêm hôm đó, tiếng pháo xen lẫn tiếng súng nổ vang, đón một mùa xuân tang thương của dân tộc ! 

Thật hú vía ! nếu bọn tôi tiếp tục ghé chùa Long Sơn, thế nào rồi cũng sẽ đi lên Phật đài, thì đã lãnh đạn AK, chết oan mạng rồi ! Quả là nhờ phước đức ông bà nên bọn tôi mới thoát hiểm. Sau này nghe nói một số Phật tử trên đường đi lên viếng Phật đài đã bị VC phục kích ở sườn đồi bắn chết.   
Tuy ba dặn đừng đi đâu nhưng trưa mùng một tôi cũng xách xe chạy lên xóm Phan Đình Phùng thăm "cô bé" của tôi, ngồi chơi nhà em một đỗi, tôi chạy qua nhà thằng bạn gần đó đánh bài xì lác. Sòng bài ở trên lầu, thỉnh thoảng nghe tiếng súng nổ gần là mọi người thất kinh hồn vía, nằm sát xuống sàn nhà. Vừa chơi, vừa run, nhưng vui thật là vui, nhất là có mấy cô em gái của bạn, xinh xắn và dễ thương đang vây quanh !

*******     
Lúc học trong Saigon, năm nào tôi cũng về Nhatrang ăn Tết. Ở Nhatrang tôi có nhiều bạn, đã vậy lại còn cô bồ nhí, cho nên tuy mang tiếng về ăn Tết với gia đình nhưng ít khi nào tôi có mặt ở nhà, tối ngày, không đàng đúm với bạn bè thì "sát rạt" bên người tình . Nhưng đến ngày ba mẹ tôi làm bánh chưng là tôi luôn luôn ở nhà. Ba tôi gói bánh rất khéo, gói bằng tay mà vẫn đẹp hơn gói bằng khuôn, bởi thế năm nào cũng phải "rước" ba qua nhà. Ba mẹ lo phần gói bánh, chị Vân và chị Yến sửa soạn lá gói,nếp, đậu xanh, thịt thà; tôi và các em Hùng, Trang, Tú chỉ lanh quanh, chờ được sai vặt. Đối với tôi, cái hình ảnh cả nhà quây quần xum họp trong ngày gói bánh chưng có lẽ là cái hình ảnh đẹp nhất, muôn đời không quên !   
Gói bánh xong mẹ hay luộc bánh qua đêm, tôi thức khuya giỏi cho nên ngồi canh bánh chưng với mẹ, thật ra canh bánh chỉ là phụ, cái chính là tôi muốn được hàn huyên tâm sự riêng với mẹ, những lúc bình thường có mấy khi tôi có dịp chuyện trò lâu với mẹ ! Tôi thường kể cho mẹ nghe về chuyện học hành trong Saigon, về người con gái tôi đang yêu, về dự tính trong tương lai v.vv...

Mẹ hay kể chuyện ngày xưa cho tôi nghe, nào là lúc mẹ sinh ra tôi ba đã làm tiệc ăn mừng đãi cả họ, nào là lúc còn bé ở Hà Nôi tôi bị hen suyển nặng nên mẹ mua cắc kè sao khô, tán ra cho uống (eo ơi, thấy mà ghê !). Mẹ thường dắt tôi về lại cái thời thơ ấu ở phố Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Tre, Phủ Doãn, Lò Xũ... , mẹ nhắc đến rạp xi nê Olympia ở chợ Hàng Da nơi đó chị người làm đã để tôi đi lạc và tôi xém bị mẹ mìn bắt cóc. Rồi mẹ kể chuyện về ông nội tôi, đại điền chủ ở Ý Yên, Nam Định, ruộng nương thẳng cánh cò bay, về bà cố ngoại tôi, cụ Ký Hàng Gai nổi tiếng giàu có ở Hà thành. Mẹ còn nhắc nhớ đến những món ăn khoái khẩu của tôi lúc ở Hà Nội như cốm vòng, bánh đa kê v.vv...  
Kỳ rồi về Nhatrang tôi có ghé lại căn nhà xưa ở đường Hùng Vương nối dài (nay thuộc Phố Tây). Sau 75 gia đình tôi bị đuổi đi kinh tế mới ở trong Cam Ranh và căn nhà đã bị nhà nước cộng sản chiếm đoạt. Cảnh vật nay đã hoàn toàn đổi thay. Căn nhà đã xây lên hai ba tầng lầu. Bãi cát trước nhà, nơi ngõ cụt, nay đã được trải nhựa, phóng rộng, ăn thông ra tận ngoài đường Duy Tân. Tôi cố mường tượng ra chỗ ngày xưa mẹ thường để cái lò nấu bánh chưng, tôi bỗng nhớ đến mẹ và không sao cầm được giòng lệ tuôn rơi !   

*********      
Sau cuộc đổi đời năm 75, tôi đã ăn hai cái Tết trong trại tù cộng sản, một ở Xuân Lộc, Long Khánh và một ở KaTum, Tây Ninh.
Lúc ở Xuân Lộc, tôi bị giam ngay trong căn cứ cũ của bộ tư lệnh Sư đoàn 18 Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, kế bên trại giam là kho đạn cũ của sư đoàn do cộng quân trấn giữ. Mấy ngày trước Tết, nhóm vệ binh canh gác đốt cỏ tranh khai quang khu vực chung quanh , bất cẩn để lửa cháy lan đến kho đạn, gây nổ lớn. Lúc kho đạn bắt đầu nổ, vào xế trưa, tôi đang vun mấy luống rau trong khu canh tác nằm gần cuối trại, nghe đạn nổ, hốt hoảng, không rõ chuyện gì đã xẩy ra tôi vội chạy về hướng khu nhà ở thì thấy một số đông bạn tù đang chạy ngược về phía tôi. Hiền, thằng bạn tù ở chung đội chận tôi lại, kéo chạy theo đám đông về hướng khu vườn rau. Hiền vừa chạy vừa nói không ra hơi: "Kho đạn đang phát nổ, phải chạy cho xa tầm đạn nổ"

Có mấy ụ đất trong khu vườn rau, đám tù nhân đến trước chiếm chỗ, nằm chen chúc bên nhau. Vài người muốn chỗ an toàn hơn, chui xuống giếng nước thường ngày dùng để tưới rau. Có người quá kinh hoàng, lấy luôn chiếc nón sắt dùng múc phân bón đội lên đầu. Có người, hai tay ôm lấy đầu, nằm co quắp giữa các luống rau, run rẩy làm dấu cầu nguyện. Càng lúc tiếng nổ càng dữ dội, đạn đủ cỡ đủ loại bị sức nổ ép tung lên cao, có cái nổ ngay trên không trung, có cái chạm đất mới phát nổ, có cái không nổ. Những đạn pháo 105, 175 ly, dù không nổ nhưng rơi xuống từ trên cao, lỡ trúng phải, không chết cũng bị thương ! Cả gần ngàn tù nhân nằm rải rác trong khu vườn trống, dựa lưng nỗi chết, kinh hoàng và khiếp đảm đến tột cùng !!!  Kho đạn nổ tới khuya mới dứt. "Quản giáo" (cai tù) ra lệnh tập họp để kiểm điểm nhân số. Đội tôi có anh chàng Hàm bị quả đạn pháo rớt trúng chân, bị tét mắt cá. Toàn trại có hơn chục người bị tử thương. Vài dãy nhà ở bị nổ tanh banh. Ngày hôm sau một toán tù nhân được cử đi đào huyệt chôn cất các bạn vừa thiệt mạng, tất cả số còn lại được huy động đi dọn dẹp nhà cửa đổ nát để sửa soạn ăn Tết ! Đúng ngày mùng một Tết, tên chính ủy, đại diện ban chỉ huy trại, tập họp tất cả tù nhân để chửi rủa "bom đạn của Mỹ Ngụy đã giết hại các anh em" (Sic!), và sau đó loan báo tin vui trong ngày Tết : mỗi đội sẽ được cung cấp một bánh thuốc lào và một ký đường tán để vui xuân ! 

Vết thương của Hàm đáng lẽ không sao cả nhưng vì không được băng bó cẩn thận và không có thuốc trụ sinh chữa trị cho nên đã bị nhiễm trùng nặng, Hàm bị giải phẩu 2 lần, chân bị cắt lên tới quá đầu gối. Bọn y sĩ "rừng" của trại lúc cưa chân Hàm chỉ cho Hàm uống rượu để say quên đau chứ không dùng thuốc tê hay thuốc mê. Ngồi trong lớp học tập ở gần chỗ giải phẫu, chúng tôi nghe rõ mồn một tiếng la hét đau đớn của Hàm, ai nấy đều nổi da gà, thương xót cho thằng bạn tù nổi tiếng đẹp trai, nhẩy đầm giỏi.
Năm đó, cái Tết đầu tiên tôi xa nhà, trong cảnh ngục tù đầy bi thảm !
Ít lâu sau, trại tù Xuân Lộc đóng cửa, các tù nhân bị phân tán đến các trại tù khác, tôi bị chuyển đến trại Katum, trong rừng sâu, gần biên giới Việt Miên, thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh. Trong thời gian ở Katum chúng tôi mới chính thức nếm mùi tù "cải tạo", đói triền miên và lao động mệt nghỉ ! Ngày Tết, tù nhân khỏi phải đi lao động, và được "bồi dưỡng" mỗi người hai miếng thịt mỏng trong bữa cơm đặc biệt đầu năm. Con heo của trại, mua bằng tiền cơm của đám tù, do tù "quản heo" chăn nuôi, được xẻ thịt, chia cho toàn trại. Đêm giao thừa, nhóm tôi, năm thằng bạn thân, có được dĩa thịt gà luộc, nồi cháo và hai bi đông rượu đế để đón xuân. Gà và rượu, mua từ mấy ngày trước, lúc đi lao động ngang qua làng kinh tế mới. Mua phải lén lút, ăn cũng phải lén lút vì nội quy trại cấm "liên hệ" với dân bên ngoài, cấm ăn nhậu trong trại ...
Cái Tết thứ hai trong tù, buồn thảm không kém cái Tết năm trước, trong lòng tôi trăm nỗi tơ vò, buồn cho thân phận tù đầy, thương nhớ gia đình ...

***********
Tháng 8 năm 77 tôi được trả tự do sau đúng 2 năm 1 tháng 4 ngày ở tù. Sau mấy năm kế tiếp sống "bầm dập" dưới chế độ CS tôi đã vượt thoát tới bến bờ tự do. Ngày 31 tháng 01 năm 1980 vợ chồng tôi vượt biển. Sau hai ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi đã được tàu Hòa Lan vớt và đưa vào trại tị nạn Singapore. Ở trại không bao lâu thì đến Tết. Ban đại diện trại tổ chức đêm văn nghệ đón giao thừa rất trọng thể, ngoài đông đủ các trại viên còn có các viên chức chính quyền sở tại và các nhân viên ngoại giao của một số tòa đại sứ tại Singapore tham dự. Tôi đã khóc ròng khi nhìn thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay trước khán đài và khi nghe bản quốc ca VNCH trổi dậy lúc mở đầu chương trình văn nghệ. Tôi có cảm tưởng như đã tìm lại được những gì trân quý nhất sau 5 năm bị đánh mất !

Sáng mùng một Tết tôi rủ bác Quang, ông bạn già đi chung ghe, xuất hành ra thị trấn Sambawang ở gần trại tị nạn. Sau khi ăn uống no say, sẵn còn ít tiền trong túi tôi rủ bác Quang vào sòng bạc trên phố thử thời vận. Ghé bàn tài xỉu, tôi nói với bác Quang : "Cháu chỉ chừa tiền mua vé xe buýt cho hai bác cháu, còn lại sẽ đặt hết vào bên "tài", nếu ra "xỉu" thì mình đi về nha bác". Tôi trúng hơn chục lần đặt "tài", đến ván cuối cùng ra "xỉu" mới chịu đi về. Tôi được khá bộn, cả gần hai trăm dollars Singapore, một số tiền khá lớn đối với dân tị nạn lúc bấy giờ. Dạo ấy, mỗi người được Cao Ủy Tị Nạn phát cho 2.50 dollars Singapore một ngày để ăn uống, trong khi thời giá 1 kati / 1 cân (tương đương với 600 gr) gạo, thịt heo hay tôm cua đều chỉ có một dollar. Năm quả táo, hai chai nước ngọt 1 lít, một chai bia 750 ml, một cái vé xi nê... giá cũng chỉ có một dollar. Nhóm tôi sáu người chung góp tiền đi chợ nấu nướng, hàng ngày ăn uống phủ phê vậy mà vẫn còn dư tiền cuối tuần đi xi nê.

Ngoài sáu chỉ vàng (nhẫn) và mấy trăm dollars Mỹ đem theo lúc vượt biên, tôi còn được các anh chị em vợ, bạn bè ở Mỹ gửi tiền qua cho. Chưa bao giờ tôi ăn cái Tết huy hoàng và sung sướng đến thế, nhất là lại vừa mới thoát ra khỏi cái địa ngục trần gian CHXHCN ! Đó là chưa kể đến nỗi vui mừng "chết đi sống lại" lúc vượt biển. Ghe tôi đi mới qua ngày thứ hai là gặp bão, máy ghe bị hỏng, ghe sắp chìm, nhờ người lái ghé bắn phát hỏa pháo cuối cùng cầu may mà chiếc tàu Hòa Lan đang trên hải trình gần đó mới thấy và tới cứu vớt kịp thời, đúng vào lúc 12: 10 giờ đêm, rạng ngày 02 tháng 02 năm 1980 ! Cám ơn Trời Phật !!! 

Nhìn lại quãng đời đã qua, hoài niệm những cái Tết năm xưa, tôi ngậm ngùi nhớ đến cha mẹ và chị em đã khuất bóng. Em Tú, đứa em út tôi yêu thương nhất, ngoan ngoãn, đa tài và học rất giỏi, sau 75, xong trung học nhưng không vào được đại học chỉ vì lý lịch gia đình "ngụy", đi làm đo đạc thủy lợi trong rừng Ban Mê Thuột, bị sốt rét ác tính, mất lúc tôi còn trong tù. Tôi đến Canada được ba năm thì nơi quê nhà ba tôi qua đời đúng vào hôm Giáng Sinh, ngày 25 tháng 12 năm 1983. Rồi mẹ tôi năm 2002, chị Yến năm 2010, chị Vân Anh năm 2014, đã lần lượt nằm xuống.   

Phạm Khắc Long
15/12/2014   

Không có nhận xét nào: