Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

Ăn Tết ở quê- - Vũ Thanh Hòa

 

Chuyện cũng chẳng có gì to tát. Chỉ là chuyện về quê ăn Tết. Tết đến thì về quê thăm ông bà, bố mẹ, chúc Tết họ hàng người thân, năm nào mà chả vậy. Trải qua vài cái Tết ở quê, Huyền bỗng dưng sinh ra sợ Tết. Năm nay cô trở chứng bảo chồng: “Kể từ ngày làm dâu, năm nào em cũng đều theo anh về quê ăn Tết, năm nay ông bà ngoại cái Chíp bảo em ở lại thành phố ăn Tết cùng ông bà. Nhà neo người, ông bà cũng muốn năm nay có cô con gái về ăn Tết cho vui cửa vui nhà. Như vậy đi anh nhé”. Đấy là lý do duy nhất mà Huyền có thể nghĩ ra và vin vào để được Quân chấp thuận.

<!>

Hồi mới yêu nhau, khi ấy còn là sinh viên, mỗi năm Huyền về quê Quân đôi ba lần. Dạo ấy, sao mà Huyền thấy háo hức lắm. Quê anh rất đỗi yên bình với vườn tược, cây cối, rau màu mướt mát xanh tươi. Về chơi, Huyền không có việc gì khác ngoài ngắm cảnh và chụp hình, rồi mang rổ đi hái đỗ giúp mẹ anh hôm sau đem ra chợ bán. Có muốn vào bếp để nấu nướng thì mẹ Quân cũng nằng nặc xua tay vì nhà đun bếp rạ, bếp than bà sợ Huyền bụi bặm, khói vương vào cay mắt. Ở nhà anh lên trường thế nào Huyền cũng có vài kiểu ảnh để khoe với lũ bạn. Bạn bè xem đứa nào cũng xuýt xoa thích thú. Lúc ra sân giếng rửa rau, xắn quần lưng gối, nghe mẹ chồng tương lai và mấy bà cô rủ rỉ tai nhau, cứ luôn miệng tấm tắc khen “Thằng Quân nhà mình lấy vợ đẹp nhất họ còn gì. Miệng xinh, da trắng, môi đỏ. Con gái thành phố có khác”, Huyền thấy hãnh diện, trong lòng cơ hồ tựa như có muôn vàn đóa hoa xuân nở cùng một lúc.

Đấy là dạo còn là người yêu của Quân. Từ ngày với danh phận con dâu, cứ mỗi Tết chỉ chờ Huyền về là đã có sẵn cả núi công việc ngập đầu đợi cô xắn tay vào làm. Từ dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua đồ, sắp cỗ, vo gạo đãi đỗ, rửa lá dong và ngồi bên cái nia rõ to ngổn ngang nào lá, nào khuôn dừa mất đến hàng tiếng đồng hồ để cùng các bà cô gói bánh. Xong xuôi là phải trực, đợi trông nồi bánh chưng đến lúc được vớt ra. Năm ấy, Huyền mới có thai sang tháng thứ hai, nghén lên nghén xuống, năm đầu lại phải ra mắt họ hàng, mẹ chồng dẫn đi một lượt khắp nhà cô dì chú bác để chào hỏi, mỏi nhừ chân, muốn rụng luôn cả đầu gối. Đã thế, điệp khúc nấu nướng- dọn dẹp, nấu nướng- dọn dẹp, diễn ra suốt cả mấy ngày, không còn có thời gian để vui Tết đón xuân. Huyền có cảm tưởng bắt đầu về nhà chồng là tuổi xuân của cô cũng bắt đầu lặng lẽ rời xa. Quân cũng quên ngay cả lời hứa đưa cô xuống xã cuối huyện ngắm cánh đồng hoa ngạt ngào đơm hương thơm ngày Tết. Nào quất, nào đào, thược dược, đồng tiền rung rinh rạng ngời phô sắc khoe hương. Mà Huyền lại yêu hoa vô cùng.

Tết năm thứ hai, cái Chíp còn nhỏ, vừa bế con vừa ninh xương, nấu cháo nấu bột cho con, nựng con ăn, lúc giặt giũ cho cả nhà cũng đã thấy bận, thế mà bà cô bên chồng còn thì thào nhỏ to: “Dâu thời nay sướng thật. Về quê ăn Tết chẳng mấy khi phải mó tay vào việc gì. Cứ tới bữa là ngồi xuống mâm”. Huyền chịu không nổi, bữa sau kiểu gì cô cũng phải dúi con cho mẹ chồng trông để lao vào làm cỗ bàn, dọn dẹp. Báo hại, mẹ chồng dắt cháu đi chơi không kiêng gió máy làm con bé ốm, ho hết cả tuần. Buổi trưa, vợ chồng nằm trong gian buồng muốn nghỉ ngơi cũng không được yên. Cứ lát lại có khách đến chơi, ai cũng hỏi: “Vợ chồng thằng Quân năm nay có về ăn Tết không mà không thấy chúng nó đâu?”. Bà mẹ chồng lại đánh tiếng vọng vào: “Gớm người thành phố chúng nó quý báu giấc ngủ trưa lắm chứ. Chúng nó còn nghỉ ngơi, biết gì đến họ hàng”. Thế là từ hôm đó, lúc nào Huyền cũng phải nụ cười thường trực nở sẵn trên môi, cứ khách vào là ra tiếp. Mà khách ở quê đến nhà Huyền chơi và chúc Tết thì nhiều lắm, họ hàng, người thân và xóm láng. Kể cũng lạ, họ đi chơi bất kể thời gian, như chẳng hề biết đến có giờ nghỉ trưa là gì. Trời rét cóng, nằm trong chăn, cô chỉ ước giá mà có căn phòng riêng yên tĩnh.

Chập chuội Tết, cánh chị em văn phòng bàn về Tết nhất rôm rả lắm. Chuyện mua sắm thực phẩm cần những gì. Mâm ngũ quả thắp hương trong mấy ngày Tết ra sao, đến chuyện thời trang đầu tóc, diện váy áo, trang phục gì trong những ngày nghỉ. “Chợ zời nhóm VP” trên Zalo hoạt động cũng sôi nổi chẳng kém những lúc đầu giờ ở cơ quan. Bán mua hàng Tết, buôn chuyện trên giời dưới biển làm sóng Zalo lúc nào cũng nhộn nhịp. Ấy là bởi vì trong nhóm có chị em tìm được nguồn hàng giá rẻ lấy từ tận gốc mang về kinh doanh kiếm thêm mấy đồng ra vào trong dịp này. Thời trang, thực phẩm măng miến, đỗ, dừa, gạo nếp. Đủ cả. Có mặt hàng nào mới về chỉ chưa đầy phút sau đã được up lên “chợ giời”. Có hôm, đến gần nửa đêm vẫn còn nghe tiếng tút tút báo có tin mới, đang bực trong người anh giằng phắt lấy máy cô bảo:

- Tết nhất không về quê, còn hàng hàng họ họ làm gì chi nữa cho mệt. Ngủ đi!

Đồng lương, tiền thưởng Tết ở cơ quan Huyền chẳng có nhiều nhặn gì, so với các cơ quan khác còn thua xa, so với giá cả thị trường chẳng mua sắm được bao nhiêu nên chuyện chi tiêu thế nào cho hợp lý được đem ra bàn nhiều nhất:

- Ôi, chị em mình giàu có được với ai. Thế mà về quê, họ hàng lại nhìn bằng con mắt kê ngang hàng với đại gia đấy.

- Ai bảo chúng ta sống ở thành phố làm chi. Người thành phố váy dài váy ngắn, móng tay nhũ hồng nhũ đỏ, người ta lại chả nghĩ thế à?

- Ngại nhất là khoản tiền lì xì. Họ hàng đông con lắm cháu, ít thì mang tiếng phố xá chỉ bấy nhiêu thôi, tươm tất một chút thì lấy đâu ra. Mà các ông các bà cao tuổi cũng nhiều.

Như mọi năm, những câu chuyện thế này Huyền tham gia hào hứng lắm, có bao nhiêu cảm xúc là mở lời, gạn hết tâm tư. Huyền nghe chuyện của đồng nghiệp chỉ tủm tỉm cười. Năm nay mẹ con Huyền ở lại thành phố tha hồ tự do siêu thị, công viên, vui chơi giải trí. Tất cả quà cáp Huyền đã lo liệu đâu vào đấy cả, dặn dò anh đủ thứ. Phong bao lì xì có hình hai em bé đứng cạnh cây mai là dành cho trẻ nhỏ, loại ngắn là cho các cháu người nhà mình, loại dài là cho các cháu họ xa. Phong bao có hình Tiên lão là quà mừng tuổi các cụ ông cụ bà. Chẳng vui vẻ gì, nghe Huyền nói một thôi một hồi, anh cũng vẫn chỉ điệp khúc “Nhớ rồi, nhớ rồi”. “Không hiểu em có biết nghĩ không, ông bà nội cái Chip sẽ nghĩ sao đây? Tết nhất các cụ nhìn thấy cháu con nhà người ta về nườm nượp sum vầy, đoàn tụ, bữa cơm gia đình vui vẻ, ấm cúng, thế nào cũng không khỏi chạnh lòng. Rồi các bác lại trách cho mà xem”. Anh vừa nói vừa quan sát thái độ của Huyền. “Ông bà ngoại cũng ở ngay trong thành phố chứ đâu xa, thế mà từ ngày em đi làm dâu, đã năm nào giao thừa, mùng một em được về ăn Tết với bố mẹ đâu. Hơn nữa, năm nay, cậu mợ út vẫn đang ở bên xứ Đài. Anh biết rõ còn gì?”. Huyền chống chế, nghĩ cũng hơi áy náy với quyết định của mình. Nhưng rồi Huyền lại tự trấn an “Mấy năm rồi mới mạnh dạn làm cuộc cách mạng này. Một năm không về cũng có sao đâu. Ăn Tết ở quê mà suốt ngày chỉ quẩn quanh nơi góc bếp, không ra khỏi cái cổng làng còn gì là chơi Tết, vui xuân”. Quân đột nhiên ra quyết định khiến Huyền chưng hửng:

- Thôi được rồi, tùy em vậy. Bố con anh sẽ cùng về quê.

Ngày Tết, phố xá vắng thưa hẳn. Khu phố này đa phần là dân ngoại tỉnh, cơ hồ ngày Tết ai nấy đều tìm về với quê hương, nguồn cội. Huyền sang bên ngoại buổi sáng thì chiều tối lại trở về nhà. Nhà ngoại cũng ở trong thành phố này nên bình thường mỗi tháng cô cũng cho con về thăm ông bà được đôi lần. Vắng bố con cái Chip vừa vặn là sang ngày thứ ba mà cảm giác trống trải, vắng lạnh bao trùm khắp ngôi nhà. Tủ lạnh chật thức ăn, toàn thực phẩm chế biến sẵn Huyền mua ở siêu thị, cứ mở ra rồi lại đóng vào. Làm lễ, thắp nén hương xong, dán mắt vào ti vi xem chương trình hài Tết mà lòng dửng dưng thấy nhạt nhẽo. Trời lạnh hơn, có mấy hạt mưa bụi bay. Một mình tha thẩn loanh quanh siêu thị, dạo công viên, thấy vợ chồng con cái người ta ríu rít tung tăng trong nếp áo xinh, Huyền chạnh lòng nghĩ đến chồng con. Ở dưới quê, bố con cái Chip đi đâu, làm những gì? Giúp ông bà chẻ củi, chạy ra đồng tát thôi nước hay quét vôi ve, dọn vườn, tỉa hộ ông mấy chậu cây cảnh? Chẳng cần Huyền phải nghĩ lâu, hình dung đủ thứ chuyện thì đã có tiếng chuông điện thoại. Từ hôm Quân về, tuyệt nhiên không một lần gọi điện, bắt máy của Huyền dù chỉ một lần. Chỉ có cái Chip là liên lạc với mẹ thường xuyên. Mở máy ra là đã thấy tiếng con ríu rít:

- Mẹ ơi, mẹ có ngửi thấy mùi chả nướng thơm phức không mẹ? Sáng nay bố đi mổ lợn ở bên nhà bác Dương mẹ ạ. Mỗi nhà được mang về cả một rổ thịt đầy lẫn một xoong lòng nữa. Bố đánh tiết canh ngon lắm. Ai cũng khen bố “Giai thành phố sao mà đảm”. Lát nữa, con sẽ ra vườn cắt hoa cùng với chị My, anh Thuận mang cắm lọ để bàn trang trí. Vườn nhà bà năm nay có bao nhiêu là hoa đẹp…

- Mẹ ơi, ông gói riêng cho con 3 chiếc bánh chưng bé tí xíu. Một cho con, một cho chị My và một cho anh Thuận. Ông bảo thỉnh thoảng đùn củi vào bếp cho ông, mấy hôm nữa ông cho một cặp mang về. Còn vài tiếng nữa mới được vớt bánh cơ mẹ ạ.

Huyền nghe con nói, thấy cả tiếng của anh vọng vào nghe rõ mồn một:

- Chà quất năm nay đẹp lạ, quả sai lúc lỉu. Lộc tha hồ mà vào nhà. Bõ công anh em mình kéo xe ba gác lên tận thị trấn để chở về. Khênh giúp em một tay nào. Nhè nhẹ thôi, các bác nhé.

Bỗng dưng, Huyền thấy trong lòng chộn rộn lạ. Đan xen trong lời của chồng, Huyền thấy tiếng oang oang quen thuộc của bà nội cái Chip:

- Bố cái Chip này, hôm nào về thành phố nhớ mang theo đôi gà u đã để dành, nhốt riêng ở cái chuồng bé cạnh đống rơm nhé. Mang về cho mẹ nó bồi dưỡng. Năm tới nhà mình lại có thêm một “chú gà công nghiệp”, cái Chip là cứ phải bế em đến vẹo cạnh sườn rồi. Rõ khổ, người thành phố bụng mang dạ chửa đâu được khỏe mạnh như người nhà quê.

Vẫn là cái giọng lanh lảnh nhưng lúc này Huyền bỗng nhận ra một điều, cái tình thân ấm áp, giản dị, mộc mạc, chân chất, thương con, thương cháu thì chẳng thể nào lẫn vào đâu được. Phải rồi, mà cũng tại mọi khi cô cũng hay khép nép, e dè, ít chịu chia sẻ, giãi bày, chỉ ôm lấy cái ấm ức không đâu. Nếu biết sống cởi mở hơn thì chẳng phải cô sẽ tạo được không khí vui vẻ, thuận hòa, đầm ấm đó sao. Huyền nhìn ra ngoài đường, chuyến xe khách cuối cùng trong ngày cũng vừa chạy qua ngõ. Trên nóc xe, những cành đào, cành quất chở mang theo mùa xuân được chằng bó cẩn thận. Nhưng không sao, trên chuyến xe ngày mai, sẽ có một vị khách ẵm mang một “chú gà công nghiệp” tí hon đang nằm ngoan trong bụng mẹ. Về thôi, ít nữa bụng to lấn bấn còn về sao được nữa. Nghĩ thế, cô thấy mình phấn chấn hẳn. Thế nào bố con cái Chip cũng sẽ rất bất ngờ.

 Vũ Thanh Hòa

Không có nhận xét nào: