Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

Cho nhau thì giờ - Bài KIỀU MỸ DUYÊN - Additional images : Andy Van


Andy Van
Hãy học cách sắp xếp thời gian hiệu quả trong 1 ngày, cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nhiều người thường nói: tôi không có thì giờ, tôi bận quá, tôi bận quá. Thượng Đế rất công bằng, mọi người trong chúng ta ai cũng có 24 giờ một ngày và người nào cũng phải chết. Vậy thì khi người nào đó nói với bạn rằng tôi không có thì giờ hoặc tôi bận quá, bạn hãy tự hỏi mình người đó thân với bạn như thế nào? Khi một người nói với bạn tôi không có thì giờ thì bạn phải nghĩ rằng người đó không có thì giờ cho bạn, trong con mắt của người đó hoặc trong trái tim của người đó, bạn không phải là người thân. 
<!>
Nếu là người thân thì không bao giờ nói câu tôi bận quá, tôi không có thì giờ. Thì giờ người nào cũng bằng nhau, 24 giờ một ngày. Với 24 giờ, làm sao sử dụng cho hết: làm việc, ăn, ngủ, chơi, xem tivi, nghe radio, đọc sách, điện thoại, hoặc email cho người này hay người nọ. Nên bạn phải biết mình là ai khi nghe người nào nói rằng tôi có đọc email của bạn hay nhận điện thoại của bạn, nhưng rất tiếc tôi bận quá, tôi không có thì giờ trả lời.

Người trên trái đất này nhiều lắm hơn 6 tỉ, trời đất bao la nhưng tìm tri kỷ khó lắm. Tìm người hiểu mình, tìm người thương mình, xem mình như người thân thật khó. Nhiều khi mình tưởng người đó là bạn của mình nhưng chưa chắc người đó xem mình là bạn. Nếu bạn muốn biết người nào là bạn của mình thì hãy đợi xem khi bạn bệnh hoạn hay khốn khó, người đó có ở bên cạnh bạn hay không?

Người nào cũng có việc làm, có bổn phận, trách nhiệm, không phải ai cũng có thì giờ nghĩ đến người khác, có thì giờ quan tâm đến những người xung quanh mình, nhưng nếu biết sắp xếp thì mọi chuyện đều có thể làm được.

Có những chuyện trong cuộc sống xảy ra rất đỗi bình thường nhưng lại có kết thúc bất ngờ. Một cụ bà nằm trong viện dưỡng lão, con cháu không có thì giờ đến thăm, chỉ riêng có cô y tá chăm sóc cho cụ bà hàng ngày. Vào những ngày nghỉ hoặc ngày lễ, cô nhớ cụ bà, cô vào viện thăm cụ. Cụ bà cũng rất thương cô y tá này. Rồi một ngày kia, cụ bà qua đời. Luật sư của cụ bà gọi cô y tá đến văn phòng luật sư để nghe di chúc của cụ bà ở viện dưỡng lão. Cô y tá ngạc nhiên và vô cùng xúc động, không ngờ cụ bà để lại tài sản cho cô thay vì để lại cho con cháu của mình.


Đối xử với người xung quanh một cách chân thành, bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng.

Một câu chuyện khác về một cụ ông trong viện dưỡng lão. Ai cũng tưởng ông cụ rất nghèo, không thấy ai đến thăm, chỉ có những người làm từ thiện đến thăm người bệnh mà thôi. Một ngày kia, ông cụ gọi luật sư đến làm di chúc, để lại tài sản cho mấy con chó của cụ. Chó trung thành với chủ, chó không bao giờ bỏ chủ của mình. Chỉ có người ăn thịt chó chứ đâu ai nghe chó ăn thịt người bao giờ?

Tuổi già hiu quạnh, chỉ còn chú chó trung thành bên cạnh.
Thương người như thể thương thân, nói dễ nhưng làm khó lắm. Cho nhau nụ cười, tiếng cười, cho nhau một chút thì giờ và sự quan tâm, có bao nhiêu người làm được việc này?

Nhiều người thường nói:

- Tôi bận quá, tôi bận quá, tôi không có thì giờ.

Mọi người đều có thì giờ bằng nhau 24 giờ một ngày. Tôi bận quá, tôi bận quá, chỉ là một cách nói, một cách nói cho qua để khỏi làm mất lòng người nghe. Khi người ta quan tâm đến nhau, gần trút hơi thở cuối cùng, người bệnh vẫn gọi tên người mà họ yêu thương nhất và họ vẫn muốn gặp người này. Có nhiều người không muốn đi, cứ đợi chờ gặp một người nào đó lần cuối trong cuộc đời. Hơi thở đứt quãng, mệt nhọc nhưng không chịu nhắm mắt, vẫn chờ đợi bước chân của người mình thương xuất hiện trước cửa phòng bệnh.

Đó là người sắp chết, sắp thở hơi thở cuối cùng, còn người còn sinh tiền thì sao? Một chút thì giờ cho người khác có phiền lắm không? Có thương nhau thì hãy quan tâm đến người xung quanh ngay bây giờ, đừng chờ người đó sang bên thế giới thì hối tiếc cũng muộn quá rồi?

Một cô gái trẻ đã tâm sự: ba con bị thấp khớp, xương đau nhức, chân bị teo cơ không đi được nhưng ba nằm trên giường không một tiếng than. Niềm vui của ba là mỗi ngày chờ con cháu đi làm về ghé thăm, nghe ba nói chuyện. Vậy mà, con cứ cuốn vào cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền, con không dành thời gian nhiều bên ba. Ba mất vào lúc sáng sớm, không kịp nhìn thấy mặt con lần cuối. Con chạy về, mặt ba còn hồng hào, thân thể còn ấm, mắt khép lại như muốn con cháu an tâm là ba ra đi thanh thản, không oán trách ai. Nhưng trong lòng con là một sự ăn năn, hối lỗi, ray rứt khôn nguôi. Khi ba cần con nhất, con đã không ở bên cạnh...


Khi biển sâu và trời rộng bao la, chẳng đo được công lao cha vun đắp.
Nghe cô gái kể, tôi nhớ ba mình vô cùng. Ngày tôi chuẩn bị vượt biên, tôi về thăm ba tôi. Tôi nắm tay ba tôi và nói:

- Con chuẩn bị vượt biên.

Mắt ba tôi sáng lên, ánh mắt thương yêu và hy vọng. Ba má tôi chỉ biết cầu nguyện cho con đi bình yên. Ba tôi là người ít nói, lắng nghe nhiều nhưng mỗi lời nói của ba tôi rất sâu sắc và đầy ý nghĩa, chúng tôi phải lắng nghe.

Thế rồi tôi đi, chỉ một lần là thoát. Thuyền ra khơi, sóng to gió lớn, hết thực phẩm và nước uống. Mọi người chỉ cầu nguyện và cầu nguyện. Trước cái chết gần kề chỉ có sự cầu nguyện là linh thiêng nhất.

Chiếc thuyền đánh cá mỏng manh như chiếc lá ngoài biển khơi mênh mông được tàu Mỹ cứu, đưa vào Phi Luật Tân. Tôi được về Cali. Tôi vừa làm vừa học, bận tối tăm mặt mũi nhưng vẫn liên lạc thường xuyên với cháu tôi ở Pháp để nhờ chuyển thư về Việt Nam thăm gia đình.

Vài tháng sau khi tôi vượt biên, ba tôi qua đời, nhưng mọi người giấu không cho tôi hay sợ ảnh hưởng đến việc học của tôi. Lúc đó, Mỹ đang cấm vận Việt Nam không có liên lạc được phải qua một quốc gia khác như Pháp hay Canada để gởi thư.

Tôi thương ba má tôi lắm. Hồi nhỏ, tôi không được ở gần ba má tôi, vì phải đi học xa, ở xa mới có trường học tốt. Ba má tôi chú trọng đến việc học của con, cho đó là điều ưu tiên.


Nghĩa mẹ như biển rộng. Công cha như trời cao.
Ơn sinh thành dưỡng dục. Vời vợi tựa trăng sao

Bây giờ nhìn những người trẻ được ở gần cha mẹ, tôi ao ước vô cùng. Hãy dành thì giờ bên cạnh cha mẹ và hãy chăm sóc cha mẹ bằng cả tấm lòng. Được ở gần cha mẹ lúc cha mẹ lâm chung là điều hạnh phúc, không có cha mẹ làm sao có mình. Ba má tôi đã ra đi mấy chục năm rồi mà tôi tưởng chừng ba má tôi còn ở đâu đây, ở quanh chúng tôi.

Lúc người thân của mình còn hiện hữu hãy quan tâm, hãy cho họ thì giờ, nếu không sau này hối tiếc cũng không còn kịp nữa. Khi cha mẹ nhờ chở đi đâu, đi nhà thờ, đi chùa, đừng bao giờ nói: con không có thì giờ, con bận lắm,... thì sau này sẽ ân hận suốt đời.

Con sẽ không đợi một ngày kia
Khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
Mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
Ai níu nổi thời gian?
Ai níu nổi?
Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.

(Mẹ, thơ Đỗ Trung Quân)

Cho nhau tiếng cười, cho nhau một chút thì giờ có gì quá đáng? Hãy tự hỏi mỗi ngày mình bỏ bao nhiêu thì giờ xem tivi, nghe radio, đọc sách báo, nghe nhạc thì tại sao cho người khác một chút thì giờ thì lại phiền? Chỉ có lòng mình chưa đủ để quan tâm đến người bạn của mình mà thôi?


Hãy dành thời gian bên gia đình, người thân và bạn bè.

Xin đừng bao giờ nói: tôi bận quá, tôi không có thì giờ, tôi không có thì giờ. Mỗi ngày 24 giờ là nhiều lắm, nếu mình sử dụng hết 24 giờ này ngoài việc ăn, ngủ, làm việc thì còn thì giờ nhiều lắm. Nếu mình quan tâm đến người khác thì xin đừng bao giờ nói: tôi bận quá, tôi không có thì giờ.

Hãy bao dung, hãy rộng lượng, hãy thương người như thể thương thân, thì chúng ta có 24 giờ một ngày là nhiều lắm.

Thương người, đây là giá trị tinh thần quan trọng lắm. Thương người không phải chỉ cho họ thức ăn. Ở đây thức ăn nhiều quá, ai cũng sợ ăn nhiều rồi mập. Mập thì dễ sinh bệnh, cao mỡ, cao máu, cao đường. Thương người nên cho họ những gì thuộc về tinh thần: một lời cầu nguyện chân thành, những nụ cười hiền lành, tiếng cười giòn tan. Thương người nên quan tâm đến họ nhất là những lời an ủi trong lúc bệnh hoạn. Thương người nên cho họ niềm tin, hy vọng, lạc quan. An ủi bằng lời cầu nguyện, sự nhiệm mầu của sự cầu nguyện, lời cầu nguyện rất linh thiêng. Vì vậy, có những người vẫn đứng ngoài trời lạnh buốt giá trước tượng Phật Bà Quan Âm hay Đức Mẹ Maria mà cầu nguyện một cách chân thành.

Tôi được biết nhiều người có niềm tin vào Đấng Tối Cao dễ sống vui vẻ, vượt qua những khó khăn giữa mùa dịch cúm Covid-19 này.

Hy vọng người thương người, cho nhau một chút thì giờ trong cuộc sống hàng ngày. Mong rằng sẽ không bao giờ phải nghe câu tôi bận quá, tôi không có thì giờ. Thì giờ nhiều lắm, thì giờ mênh mông, ban phát nó hay không là do ở mỗi người chúng ta.

Orange County, 24/02/2021
(kieumyduyen1@yahoo.com)

Không có nhận xét nào: