Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

MINH ĐỨC HOÀI TRINH & Mộng ngoài cửa lớp - Lý Tòng Tôn

Minh Đức Hoài Trinh là cái tên mà tôi hằng ngưỡng mộ từ lâu, từ thập niên 60. Khi ấy tôi chỉ biết nhà văn Minh Đức Hoài Trinh qua những người bạn văn nghệ mà thôi chứ chưa từng được gặp, một lần nào đó tôi có dịp gặp gỡ và nói chuyện với nhà văn Mai Thảo, anh đã ca ngợi Bà tận mây xanh….và bài thơ mà tôi nhớ hoài là: “ Mẹ bảo con đừng nhìn qua cửa sổ” , bạn bè chúng tôi hay đùa nhau rằng, sao đừng nhìn qua cửa sổ, mà phải khuyên con nhìn thường xuyên qua cửa sổ chứ, để xem có thằng ăn trộm nào lai vãng không, để biết đời đổi trắng thay đen như thế nào và quan trọng nhất là xem mặt và bắt những cây si hiện hữu chung quanh nhà mình đang ở.
<!>

 Chính vì thế mà khi đi dạy học, tôi thường hay đùa mấy cô học trò của tôi khi đang ngồi học mà cặp mắt thì mơ huyền, tôi liền bảo:” Thôi tập trung học đi, đừng mộng ngoài cửa sổ chứ”.

MINH ĐỨC HOÀI TRINH

    Vào đề bài thơ Mẹ bảo ta đừng nhìn qua cửa sổ, Bà viết thật nhẹ nhàng: 

Mẹ bảo ta đừng nhìn qua cửa sổ

Khi hoàng hôn đang chầm chậm bước chân

Đừng ngước mắt theo lũ chim về tổ

Khi trăng tàn nhẹ trải lối quanh sân

   Nhưng lối vào đề nhẹ nhàng của Bà tìm ẩn một cơn giông sắp đến, giống như ngày xa xưa Ông Bà ta thường hay không thích cho con gái đi học vì ” Con gái học để làm gì? Công Dung ngôn Hạnh là đủ rồi, học để biết viết chữ, để đọc tiểu thuyết, viết thư cho trai, aí tình lăng nhăng rồi cuối cùng nhiều đứa phải chửa hoang….” . Chính vì thế sau khi vào bài nhẹ nhàng Minh Đức Hoài Trinh  đã đi ngay vào đề tài chính: Tại sao con không được nhìn qua cửa sổ, nhưng thử nghĩ xem, đọc tiểu thuyết hay nhìn qua cửa sổ thì có thể thấy một chân trời mở rộng để tìm một hướng đi thật tốt cho đời mình, có nhiều người chẳng nhìn qua cửa sổ, chẳng đọc một quyển tiểu thuyết nào, một bài thơ nào, thậm chí cỏn không biết chữ để viết thư tình, thế mà bụng ngày cứ lớn lên thì sao??? Cho nên đừng nên đổ thừa cho văn học, vì chính văn học sẽ làm cho con người thông minh hơn, khôn ngoan hơn, Minh Đức Hoài Trinh đã ghi lại như sau: 

Mẹ dặn ta đừng nhìn qua cửa sổ

Khi niềm tin lỗi hẹn vắng đi về

Khi đã trót giao bôi không đúng chỗ

Mà cuộc đời là một cõi u mê

    Chắc tại ngày xưa nhũng lời đồn  không đúng sự thật về những truyện như Hồng Lâu Mộng, Kim Bình Mai qua lời chuyển dịch từ truyện Tàu rồi những chuyện như Truyện Kiều, Hồn Bướm Mơ Tiên, Lục Vân Tiên hay Chinh Phụ Ngâm Khúc….Nhưng về sau này những chuyện trên và những truyện của nhóm Tự Lực Văn Đàn đã được đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh, do đó ta thấy qua câu văn, lời thơ, ý nghĩa có thể sai lạc khi đầu óc mình tơ tưởng những chuyện ngoài cửa sổ, chứ thật ra văn chương không đầu độc mình mà chính mình tự đầu độc  mình, Mẹ không cho con nhìn qua cửa sổ, nhưng  chính Mẹ đã đầu độc con thơ bằng những lời ru con qua ca dao, tục ngữ, những bài hát đồng dao: “ Ai phụ  tôi có đất trời chứng giám, phận tôi nghèo tôi không dám phụ ai, Tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài, ai ngờ giếng cạn, tiếc hoài sợi dây”. “Thò tay mà bứt cọng ngò, thưong em đứt ruột giả đò ngó lơ” hay “Ai về có nhớ ta chăng ,ta về ta nhớ hàm răng mình cười” hoặc “Ba đồng một mớ trầu cay, sao anh không hỏi những ngày còn không? Bây giờ em đã có chồng, như chim vào lồng, như cá cắn câu, cá cắn câu biết đâu mà gỡ, chim vào lồng biết thuở nào ra” “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền, anh thương em cho bạc cho tiền, Đừng cho lúa gạo, xóm giềng cười chê” “Chi Quyên ăn trái nhãn lồng, Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi” “Con gà cục tác lá chanh, con Lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”  ….Còn nhiều và rầt nhiều không thể kể hết được. Thói thường thì những gì càng bị cấm thì người ta càng tò mò, muốn tìm hiểu nhiều hơn và sau đó lại nhớ dai hơn những gì không cấm đoán, dù ai có khuyên bảo thế nào đi chăng thì những chuyện, nhất là chuyện tình, chuyện trai gái vẫn lôi cuốn lứa tuổi mới lớn hay còn gọi là Lứa tuổi thích Ô Mai lao vào để xem. 

Mẹ cấm ta không cho nhìn qua cửa sổ

Không cho nghe âm đoản, giọng trầm buồn

Khi đã biết rừng đời nhiều trái khổ

Tô đậm làm chi bóng lẻ dưới trăng suông

   Những đoạn thơ trên làm tôi liên tưởng đến truyện Cuốn Theo Chiều Gió, với Scarlett O’Hara là một người phụ nữ can đảm, dám đương đầu trong mọi hoàn cảnh, nàng không biết yêu là gì, tàn bạo trong tình yêu với rất nhiều người đàn ông rồi cuối cùng nàng vẫn yêu tha thiết Ashley Wilkes chân tình dù trước đó nàng chủ động tỏ tình để chinh phục Ashley chỉ vì Ashley dám từ chối tình nàng và rồi Scarlett vẫn không chinh phục được Ashley như ý muốn, nhưng phải công nhận Scarlett là con người rất thực tế, dám nghĩ và dám làm, không sợ người đời dị nghi, lời qua tiếng lại, Yêu say đắm, điên cuồng, dù Ashley đã là chồng của cô em gái mình. Trái lại với Minh Đức Hoài Trinh qua bài thơ trên, mặc dù vẫn còn e ấp theo truyền thống của người con gái Á Đông, nhưng Bà cũng đã tỏ thái độ sống cho tự do như những người đàn Bà Âu Mỹ, nhà thơ bảo con đừng nhìn qua cửa sổ mà lại mô tả những hình ảnh ngoài cửa sổ cho con thấy rồi lại dạy con chữ yêu thương, giận hờn khi nhà thơ viết lên những dòng này.

Mẹ xin ta đừng nhìn qua cửa sổ

Nghĩa lý gì đâu, những hình ảnh vô thường

Một kiếp người không bằng viên đá nhỏ

Hãy gạt sang bên những hờn giận với yêu thương 

   À! Thì ra Mẹ cấm con nhưng Mẹ luôn nhìn ra cửa sổ để dạy con sống nên người và còn có lời nhắn nhủ như khuyến khích ngầm, con hãy nhìn đi để biết mà sống. 

Nhưng ta vẫn lén nhìn qua cửa sổ

Thả tâm tư về cuối nẻo chân trời

Tìm trong ánh sáng một vì sao bé nhỏ

Nói với sao:

Trần gian này còn một kẻ đơn côi. 

   Do đó dù xưa hay nay, dù Đông hay Tây thì quyền làm người cũng vượt qua hàng rào xa cách, những tư tưởng, sự tự do yêu đương không ai dạy, đều giống nhau khi so sánh những thơ, truyện của Minh Đức Hoài Trinh với Cuốn Theo Chiều Gió(Gone With The Wind) của  Margaret Mitchell (1936), với Đỉnh Gió Hú (Wuthering Heights) của Emily Bronté (1846), với Romeo et Juliet của William Shakespeare (1597), ta thấy tất cả đều cùng một ý tưởng như nhau, tình yêu là sự tự nguyện trao nhau không ai định nghĩa được, mỗi người định nghĩa tình yêu mỗi khác vì thế con người đã tốn nhiều tranh cãi và nhiều bút mực để định nghĩa chữ yêu cho đến bây giờ cũng chưa ai đồng ý với ai vì tình yêu có thiên hình vạn trạng, tình yêu đến bất chợt như mưa nắng và cũng đi bất chợt dù có giông bão hay không và cũng không phân biệt tuổi tác như  Juliet đến với Romeo trong lúc cô mới 13 và Romeo vừa 18, khi cả hai chui xuống gầm bàn nắm tay nhau một cách run rẩy và trao nhau nụ hôn đầu tiên thì đã sao? Vi phạm pháp luật chăng? Vì thế, cuối cùng dù Mẹ cấm con nhìn qua cửa số, nhưng rồi con vẫn lén nhìn qua cửa sổ, giống như chuyện tình giữa Marilyn Monroe và Joe DiMaggio, chỉ nhìn thấy hình nàng trên trang báo San Francisco chụp với cầu thủ bóng chày tại trại huấn luyện mùa xuân ở California vào năm 1951, ngay từ cái nhìn ban đầu Joe đã yêu Marilyn, ông đã tìm mọi cách để được gặp cô và sau lần gặp đầu tiên, Marilyn đã nói như sau: “Ngồi kế Joe DiMaggio tôi có cảm giác như ngồi kế một vị thần”

   Đó, tình yêu là cái gì không ai định nghĩa được và không ai có thể diễn tả được, cho nên dù Mẹ cấm con, khuyên con, van xin con, dặn bảo con…

Mẹ khuyên ta đừng nhìn qua cửa sổ

Sau những đêm quằn quại ngủ không mơ

Ngoài gió siết run từng cơn lá đổ

Hãy xuống hàng, chấm dứt một bài thơ

   Nhưng rồi cuối cùng con vẫn lén nhìn qua cửa sổ, có thể nói đây là ý tưởng nổi loạn chăng?  Nhưng theo tôi nghĩ thì nhà văn Minh Đức Hoài Trinh chỉ muốn nói lên tâm trạng của người con gái mà Bà là hiện thân để phá vở bức tường xưa củ làm cho người con gái trở nên nô lệ của người đàn ông hay người chồng sau này vì phụ nữ không được đi học, không được biết những gì ngoài căn nhà mình đang sống và rồi  sau đó qua căn nhà thứ hai sống cuộc đời còn lại là nhà Chồng….Bà đã được rèn luyện qua môi trường từ Á sang Âu cho nên Bà rất phóng khoáng, Bà muốn lên tiếng nói dùm cho người phụ nữ Việt Nam nhưng Bà vẫn còn trong cái vỏ bọc Công Dung Ngôn Hạnh của người phụ nữ Việt Nam chứ chưa hoàn toàn tự do như Scarlett với Ashley trong Gone with the Wind hay Ana với Alexei Vronsky trong Anna Karenina của Leon Tolstoy vì xã hội quý tộc Nga thời đó trọng Nam khinh Nữ, che chở những tội lỗi của phe nam và khắc nghiệt với phái nữ. Sự đam mê cháy bỏng giữa Alexei và Ana chưa phải là tình yêu mà Leon Tolstoy đã diễn tả kín đáo mối tình của Levine dành cho Kitty mới là mối tình bền bĩ, dù trong chuyện Levine chỉ là nhân vật phụ  mà thôi. Cái hay trong cả hai cốt truyện là dám nói lên sự thật, Ana là một phụ nữ đẹp nhưng kiêu sa, Vronsky sẽ yêu nàng dài lâu nếu nàng đừng xiêu lòng vì Vronsky cũng như Scarlett chỉ thích đi chinh phục, chinh phục xong là xong một cuộc tình, vì thế Minh Đức Hoài Trinh kêu gọi con đừng nhìn qua cửa sổ chứ ý Bà muốn con cứ nhìn để biết đâu là chân, đâu là thật.

  Dù sao khi đọc bài thơ Mẹ bảo con đừng nhìn qua cửa sổ, tôi đã cảm phục Bà và từ đó tôi nhớ nằm lòng bài thơ này, một bài thơ vượt trên những bài thơ từ vần điệu, lời thơ cũng như tư tưởng của nhân vật trong bài thơ. Vì những thay đổi, những đau khổ hay hạnh phúc trong cuộc đời có ai nào biết được, tại sao mình không học, không đọc, không “NHÌN QUA CỬA SỔ” để rút lấy kinh nghiệm cho chính bản thân mình, để thấy trần gian còn nhiều điều hay chứ không phải toàn là những điều xấu xa, tội lỗi. Trần gian không  những có người xấu xa, đê tiện, tàn ác…. bên cạnh đó cũng còn có những tấm lòng vĩ đại, những tình người….Con người sống chỉ lo trách đời, trách người mà không nhìn lại bản thân mình đã làm điều gì sai để cho đời lên án, chính vì thế cho nên Thiên đàng hay Địa ngục chẳng ở đâu xa, ngay trước mắt của mình và sẽ tùy mình lựa chọn, Nhà văn Minh Đức Hoài Trinh đã lựa chọn lối sống Thiên đàng cho mình và cũng muốn nói lên những tâm tư qua những bài văn, bài thơ cho nhiều người, nhất là phụ nữ Việt Nam thấy được Thiên đàng. Xin một bông hồng tặng cho một nhà văn nữ Việt Nam đã nói lên được tất cả những gì mà người phụ nữ Việt Nam cần được biết để mà sống, đó là Minh Đức Hoài Trinh.

Lý Tòng Tôn 
ME KHUYÊN TA ĐỪNG NHÌN QUA CỬA SỔ

Mẹ bảo ta đừng nhìn qua cửa sổ
Khi hoàng hôn đang chầm chậm bước chân
Đừng ngước mắt theo lũ chim về tổ
Khi trăng tàn nhẹ trải lối quanh sân

Mẹ dặn ta đừng nhìn qua cửa sổ
Khi niềm tin lỗi hẹn vắng đi về
Khi đã trót giao bôi không đúng chỗ
Mà cuộc đời là một cõi u mê

Mẹ khuyên ta đừng nhìn qua cửa sổ
Sau những đêm quằn quại ngủ không mơ
Ngoài gió siết run từng cơn lá đổ
Hãy xuống hàng, chấm dứt một bài thơ

Mẹ cấm ta không cho nhìn qua cửa sổ
Không cho nghe âm đoản, giọng trầm buồn
Khi đã biết rừng đời nhiều trái khổ
Tô đậm làm chi bóng lẻ dưới trăng suông

Mẹ xin ta đừng nhìn qua cửa sổ
Nghĩa lý gì đâu, những hình ảnh vô thường
Một kiếp người chưa bằng viên đá nhỏ
Hãy gạt sang bên hờn giận với yêu thương

Nhưng ta vẫn lén nhìn qua cửa sổ
Thả tâm tư về cuối nẻo chân trời
Tìm trong ánh sáng một vì sao bé nhỏ
Nói với sao:
Trần gian này còn một kẻ đơn côi

Minh Đức Hoài Trinh

Không có nhận xét nào: