Đồng tiền mất giá, rủi ro quá lớn so với tiềm năng lợi nhuận, hầu hết các hãng hàng không quốc tế đã rút khỏi Venezuela, khiến đất nước này dần rơi vào thế cô lập. Nhiều người bị mắc kẹt lại trong chính đất nước của họ, không thể đi nước ngoài do chưa có hộchiếu hay hộ chiếu đã hết hạn mà chưa được thay vì chính phủ hết giấy in và mực.
<!>Không còn đủ giấy và mực để in mới hộ chiếu
Mới đây, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã ký một sắc lệnh khẩn cấp để gia hạn hiệu lực thêm hai năm cho các Hộ chiếu hết hạn của người dân, nguyên nhân được cho là vì chính phủ đã cạn giấy và mực để in mới hộ chiếu.
Ít nhất một triệu người Venezuela đã phải chờ đợi hàng tháng trời để xin cấp mới hộ chiếu, và không thể đi nước ngoài công tác hoặc du lịch.
Nhu cầu về hộ chiếu đã gia tăng ở mức cao kỷ lục tại đất nước này khi người dân tìm cách tháo chạy khỏi cuộc khủng hoảng chính trị và suy thoái sâu ở đây.
Khi giá dầu thế giới sụt giảm vào năm 2015, Venezuela không có đủ tiền để nhập khẩu các mặt hàng cơ bản như thực phẩm và dược phẩm, gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng và làm khuấy động sự giận dữ của người dân đối với Tổng thống Maduro. Tỷ lệ lạm phát hiện tại ởVenezuela là khoảng 700 phần trăm.
Thêm vào đó là sự gia tăng mạnh mẽ của tội phạm bạo lực, đặc biệt ở thủ đô Caracas, đã liên tục gây ra tình trạng mất điện cũng như những cuộc biểu tình đẫm máu chống lại chính phủ. Đã có thương vong ở cả hai phe của các cuộc biểu tình và có nhiều cáo buộc từ cộng đồng quốc tế về việc lạm dụng nhân quyền cũng như áp bức chính trị.
Nhiều người dân cho rằng sự chậm trễ thay thế hộ chiếu là bởi vì chính phủ ông Maduro đang cố gắng để hạn chế người dân rời khỏi quốc gia đang ngày càng bị cô lập này.
Các hãng hàng không ồ ạt tháo chạy
Hãng hàng không của Argentina đã vừa rút khỏi Venezuela (Ảnh: Wikipedia)
Ngày 9/10, hãng hàng không Argentina (Argentine Airlines) vừa trở thành hãng mới nhất ngừng các chuyến bay tới Thủ đô Venezuela – Caracas vì lo ngại tình hình bất ổn và khả năng sụp đổ kinh tế tại quốc gia Nam Mỹ này, theo tin từ BBC.
Trong giai đoạn 2014-2015, các hãng hàng không: Air Canada, Aeromexico, Alitalia, LAN từ Chile, TAM và Gol của Brasil, Tiara từ Aruba bắt đầu hạn chế dịch vụ. Năm ngoái, hãng hàng không Dynamic từ Mỹ và Lufthansa của Đức cũng tháo chạy khỏi Venezuela. Và từ đầu năm 2017 đến nay, đã có thêm Avianca, Delta và United rút khỏi Venezuela để tránh rủi ro.
Theo ông Peter Cerdá, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), lưu lượng giao thông tại Venezuela đã giảm khoảng 75% trong 4 năm qua: “Tình hình hiện nay vô cùng khó khăn, hầu hết các thành viên trong IATA đều đã rời Venezuela. Chỉ có 6-7 hãng hàng không vẫn còn hoạt động với tần suất thấp”.
“Venezuela dần dần đứt kết nối so với phần còn lại của thế giới, hơn hết là ngành Hàng không và chúng tôi chưa nhìn thấy bất cứ giải pháp nào với Venezuela trong thời gian ngắn”, ông Cerdá nói.
Venezuela đang dần bị cô lập với thế giới theo đúng nghĩa đen. Ngoài vấn đề lợi nhuận, một số lý do khác khiến các hãng hàng không phải dừng dịch vụ và rời khỏi Venezuela là rủi ro nhân viên có thể bị ảnh hưởng đến tính mạng, trộm cắp hành lý, tình hình bảo trì đường băng yếu kém, và chất lượng nhiên liệu máy bay thấp.
Hiện nay, Venezuela đang đối mặt với sự phân cực sâu sắc với một bên với sự hỗ trợ của quốc tế và một bên với sự hậu thuẫn của quân đội Venezuela. Vào tháng 7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xem xét các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela. Các chuyên gia nói rằng khả năng vỡ nợ sẽ tăng lên đáng kể nếu Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp chế tài rộng rãi.
Tuệ Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét