Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 23/10 - Lê Minh Nguyên

Đến Trung Quốc, Trump sẽ áp lực vấn đề Triều Tiên
Tổng thống Donald Trump, khi tới Trung Quốc vào tháng sau sẽ thúc giục Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, thực thi đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc chống lại Triều Tiên và có thêm các bước áp lực Bình Nhưỡng, một giới chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc ngày 23/10 loan báo.<!>
Cô lập thêm Triều Tiên là mục tiêu chính của ông Trump trong chuyến công du Châu Á lần này.

Chuyến đi từ ngày 3 đến ngày 11/11 của Tổng thống Mỹ bao gồm các chặng dừng: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, và Philippines.

Trung Quốc, đồng minh chính duy nhất của Bình Nhưỡng, từng tuyên bố thực thi triệt để các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an cấm nhập khẩu than đá, dệt may, thủy sản và cắt giảm các chuyến tàu vận chuyển dầu tới Triều Tiên. Trung Quốc chiếm hơn 90% trao đổi thương mại với quốc gia cộng sản cô lập này.

Một giới chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc trao đổi với truyền thông về chuyến đi cho hay Trung Quốc cần phải nỗ lực hơn tuân thủ hai nghị quyết của Hội đồng Bảo an vốn được Hội đồng thông qua áp đảo trong đó có sự tán đồng của Trung Quốc.

Dù Bắc Kinh phẫn nộ với các cuộc thử nghiệm phi đạn và hạt nhân của Triều Tiên và yêu cầu Bình Nhưỡng chấm dứt, nhưng Trung Quốc cũng cho rằng Mỹ và Hàn Quốc có trách nhiệm trong vụ căng thẳng leo thang ở bán đảo Triều Tiên vì các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn trong khu vực.

Tổng thống Trump từng đe dọa ‘tiêu diệt hoàn toàn’ Triều Tiên và yêu cầu Trung Quốc giúp chế ngự lãnh tụ Triều Tiên, nhưng chiến thuật này chưa đạt kết quả.

Không đương đầu và đảo ngược đe dọa hạt nhân và phi đạn từ Triều Tiên sẽ dẫn tới một ‘kỷ nguyên đen tối hơn,’ vị giới chức Tòa Bạch Ốc không muốn nêu danh nhận định.

Tổng thống Mỹ tin rằng Chủ tịch Trung Quốc có quyền hạn thực hiện những bước chống lại Triều Tiên, các giới chức chính quyền Trump cho biết.

Nguồn tin của Reuters cũng cho biết Tổng thống Trump sẽ ‘cứng rắn’ về lĩnh vực thương mại trong các cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập với nỗ lực giảm thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc. - VOA

2.
Anh chắc chắn thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ tồn tại

Hoàn toàn không nghi ngờ gì rằng thỏa thuận giữa các cường quốc phương Tây và Iran nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran sẽ tồn tại cho dù Mỹ đã quyết định không tái xác nhận thỏa thuận đó, theo Ngoại trưởng Anh, Boris Johnson.

Lời tuyên bố được đưa ra hôm 23/10 trong bài phát biểu về đối ngoại tại London.

Trong tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến các bên ký thỏa thuận hạt nhân Iran thất vọng khi từ chối xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận JCPOA dù các thanh sát viên quốc tế khẳng định điều được lại. 

Sau quyết định của ông Trump, Quốc hội Mỹ giờ đây có 60 ngày để quyết định nên hay không nên tái ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế với Tehran vốn được dỡ bỏ theo thỏa thuận JCPOA.

Phát biểu tại cuộc họp Liên hiệp quốc ở New York, đại sứ Mỹ về giải trừ quân bị, Robert Wood, ngày 23/10 tuyên bố Mỹ ‘sẽ tiếp tục đáp ứng các cam kết dưới thỏa thuận JCPOA và sẽ buộc Iran chịu trách nhiệm nghiêm ngặt đối với mỗi một cam kết của họ.’ - VOA

3.
Ngoại trưởng Tillerson củng cố mối quan hệ giữa Ả-rập Xê-út và Iraq --- Ngoại trưởng Mỹ thất bại trong hòa giải Ả Rập Xê Út và Qatar

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm Chủ nhật 22/10 thúc đẩy mối quan hệ đang tiến triển tốt giữa Ả-rập Xê-út và Iraq như là một cách để chống lại thế lực quân sự đang ngày càng mạnh của Iran trong khu vực.

Tham dự cuộc họp của Ủy ban Điều phối Ả Rập Saudi và Iraq tại Riyadh, ông Tillerson nói với Quốc Vương Saudi Arabia Salman và Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi rằng các mối quan hệ đang tiến triển cho thấy có "tiềm năng lớn."

Ông Tillerson nói: "Cả hai bên đều cho thấy sự khởi đầu của những gì chúng tôi hy vọng sẽ là một loạt các hành động thực tế hơn nhằm cải thiện mối quan hệ và tăng cường hợp tác trong hàng loạt vấn đề."

Ông Salman nói: "Chúng tôi đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng trong các hình thức chủ nghĩa cực đoan, khủng bố cũng như những nỗ lực gây bất ổn cho các quốc gia của chúng ta ... Chúng tôi tái khẳng định việc ủng hộ đoàn kết và ổn định của đất nước Iraq anh em."

Ông Abadi lên tiếng đồng ý với quan điểm "mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước anh em, chúng tôi rất cởi mở và chúng tôi muốn thoát khỏi quá khứ.”

Iraq có đa số dân theo phái Hồi giáo Shiite và Ả-rập Xê-út do người Sunni lãnh đạo đã làm mặt lạnh với nhau mấy chục năm qua, sau khi lãnh tụ độc tài của Iraq Saddam Hussein chiếm Kuwait vào năm 1990.

Ông Tillerson hôm Chủ nhật 22/10 nói các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn và các cố vấn Iran phải ra khỏi Iraq.

Ông nói: "Các chiến binh này phải về nước của họ. Bất cứ chiến binh nước ngoài nào đều phải trở về nước của họ."

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã đáp lại trên Twitter, nói rằng chính sách đối ngoại của Mỹ là "đáng xấu hổ" và "bị các đồng đôla dầu mỏ chi phối."

Ông Tillerson công du tới Qatar, nơi ông không kỳ vọng sẽ chấm dứt xung đột ngoại giao kéo dài bốn tháng qua giữa Qatar và một nhóm các quốc gia gồm Ảrập Xêút, Ai Cập, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất. Ông nói rằng Hoa Kỳ vẫn quan ngại về những hậu quả kinh tế và quân sự.

Ông Tillerson nói: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan hãy tiếp tục làm việc để thảo luận và đối thoại, và tìm ra cách giải quyết những khác biệt."

Ả-rập Xê-út, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ với Qatar, cáo buộc rằng Qatar dung dưỡng khủng bố và thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Iran, tuy nhiên Doha đã từ chối cáo buộc này.

Ông Tillerson cũng đến thăm Pakistan, Ấn Độ và Thụy Sĩ trong chuyến công du sáu ngày. - VOA

***
Trong những ngày cuối tuần qua, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã công du Ả Rập Xê Út và Qatar. Mục tiêu của chuyến đi này là thúc đẩy hòa giải giữa Ryad và Doha, giảm bớt ảnh hưởng của Iran trong khu vực, nhất là tại Irak.

Trước khi rời vùng Vịnh để sang Pakistan và Ấn Độ, trong cuộc họp báo ngày hôm qua, 22/10/2017, tại Doha, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết là Ả Rập Xê Út và Qatar chưa sẵn sàng đối thoại với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài từ nhiều tháng qua.

Nhận định của thông tín viên Jean Louis Pourtet từ Washington : 

« Một trong những mục tiêu của chuyến công du Trung Đông của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson là cô lập Iran. Vậy thì ít ra ông cũng hài lòng là đã tham dự vào cuộc họp đầu tiên của ủy ban phối hợp Ả Rập Xê Út - Irak, được tổ chức tại Ryad. Hoa Kỳ đã góp phần vào việc thành lập cơ chế này và tỏ ra vui mừng về sự xích lại gần nhau giữa hai nước, vốn có quan hệ lạnh nhạt trong một thời gian dài.

Thế nhưng, liệu mối quan hệ mới này có làm giảm bớt ảnh hưởng của Iran đối với Irak, như Hoa Kỳ mong muốn hay không ? Ngoại trưởng Tillerson đã đòi lực lượng dân quân Iran rút ra khỏi Irak ; lực lượng này đã cùng với quân đội Irak chiến đấu đánh đuổi tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo.

Thế nhưng, điều này sẽ rất khó bởi vì nhóm dân quân Iran Hachd Al Chaabi đã nhập vào quân đội Irak. Hơn nữa, chính quyền Teheran khẳng định chỉ có các cố vấn quân sự tại Irak và không dễ dàng từ bỏ ảnh hưởng của mình đối với Bagdad.

Có một việc mà Rex Tillerson đã thất bại, đó là không thực hiện được ý định hòa giải giữa Ả Rập Xê Út và Qatar. Chính quyền Ryad đã bác bỏ khả năng đối thoại cho dù Doha tỏ ra sẵn sàng”. - RFI

4.
Nhật: vấn đề Triều Tiên phải có phản ứng chung từ Mỹ, Nhật và Hàn

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật bản hôm thứ Hai 23/10 nói nguy cơ hạt nhân của Triều Tiên là rất nghiêm trọng và đòi hỏi phải có phản ứng chung từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói với người đồng cấp Hoa Kỳ và Hàn Quốc qua lời phiên dịch, mở đầu cuộc họp ở Philippines rằng: “Mối đe doạ của Triều Tiên đã tăng lên đến mức chưa từng có, rất cấp thiết và sắp xảy ra. Do đó, chúng ta phải có phản ứng thận trọng và đa dạng để đáp lại mối đe dọa này.”

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis nhận xét dè dặt hơn, nhưng đã lên tiếng chỉ trích Triều Tiên không tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt Bình Nhưỡng về các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Ông nói: "Những lời khiêu khích của Triều Tiên đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu, bất chấp sự nhất trí lên án của Hội đồng Bảo an LHQ.”

Căng thẳng giữa Bắc Triều và Hoa Kỳ đang leo thang sau cuộc thử hạt nhân gần đây nhất của Bình Nhưỡng vào tháng trước. Cho đến nay, đây là lần thử nghiệm thứ sáu. Triều Tiên cũng đã liên tục tiến hành các cuộc thử nghiệm mà các quan chức tình báo đánh giá là tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa.

Khả năng hạt nhân của Triều Tiên cũng đã được thảo luận tại Nhật Bản, nơi Thủ tướng Shinzo Abe tái đắc cử với lập trường cứng rắn chống lại Bình Nhưỡng.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới khu vực này chỉ diễn ra vài tuần trước chuyến công du đầu tiên của Donald Trump tới châu Á với tư cách là tổng thống Mỹ. - VOA

5.
Bộ trưởng quốc phòng ASEAN họp bàn gây áp lực lên Triều Tiên --- Mỹ cam kết duy trì ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á

Bộ trưởng Quốc phòng các quốc gia Đông Nam Á hôm thứ Hai 23/10 bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế và nối lại đối thoại.

Triều Tiên đang tìm cách chế tạo tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới đại lục Hoa Kỳ và đã phớt lờ tất cả mọi yêu cầu, thậm chí từ đồng minh duy nhất là Trung Quốc, để củng cố các chương trình vũ khí mà nước này đang theo đuổi, bất chấp các nghị quyết của LHQ.

Các Bộ trưởng Quốc phòng của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong một tuyên bố chung, nhấn mạnh "nhu cầu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực" và kêu gọi “tự kiềm chế và nối lại đối thoại để giảm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên."

Các bộ trưởng quốc phòng ASEAN sẽ họp với các bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Nga và New Zealand vào thứ Ba 24/10 về các chủ đề như Triều Tiên, Biển Đông và đe dọa khủng bố.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis nói rằng ông sẽ nói chuyện với các đồng minh châu Á về vấn đề Triều Tiên và cuộc khủng hoảng do sự khiêu khích "liều lĩnh" của Bình Nhưỡng gây ra.

Chuyến công du Châu Á của ông Mattis, cũng bao gồm các chặng dừng ở Thái Lan và Hàn Quốc, diễn ra chỉ vài tuần trước chuyến thăm đầu tiên của ông Donald Trump tới châu Á với tư cách là tổng thống Mỹ.

Trong cùng một tuyên bố, các bộ trưởng nhắc lại tầm quan trọng của "an toàn, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực Biển Đông" và kêu gọi "kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động."

Các bộ trưởng cũng cam kết hợp tác chống khủng bố, lên án cuộc tấn công của nhóm phiến quân Maute ở thành phố Marawi, miền nam Philippines.

Philippines đã công bố kết thúc 5 tháng hành quân tại thành phố Marawi, sau một cuộc chiến khốc liệt, đánh dấu cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất của đất nước trong nhiều năm qua. - VOA

***
Hôm nay 23/10/2017, Hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng Đông Nam Á ADMM tại Philippines. Theo Associated Press, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis được kỳ vọng sẽ lên tiếng kêu gọi các nước Đông Nam Á đoàn kết chống sự bành trướng của Trung Quốc.

Trong một cuộc họp với báo giới tại Philippines, dù không nhắc đích danh Trung Quốc, song tướng Mattis nhấn mạnh rằng mối quan hệ giữa các quốc gia cần phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, mà không phải dựa trên tiềm lực kinh tế hay quy mô quân sự. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng tái khẳng định là Hoa Kỳ vẫn luôn kiên quyết ủng hộ các nước Đông Nam Á trong vấn đề tự do hàng hải, đồng thời, coi sự đoàn kết của của khối ASEAN giống như một thành lũy chống lại tham vọng bành trướng của chính quyền Bắc Kinh.

Đông Nam Á, với vùng Biển Đông giàu tài nguyên và khoáng sản, luôn là nơi mà cả Washington và Bắc Kinh tranh giành tầm ảnh hưởng. Song quyết định rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của chính quyền tổng thống Donald Trump đã làm suy giảm phần nào ảnh hưởng của Washington với vùng biển này. Thêm vào đó, việc Trung Quốc theo đuổi chính sách đối thoại song phương với từng thành viên ASEAN khiến nội bộ khối này bị chia rẽ. Trong bối cảnh trên, phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ có thể được xem như một lời trấn an và cam kết duy trì ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á-Thái Bình Dương nói chung. - RFI
6.
Washington xin lỗi vụ tướng quân đội Indonesia bị Mỹ không cho nhập cảnh

Một nhà ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Hai 23/10 cho biết "hoàn toàn không có vấn đề gì" về việc lãnh đạo quân đội Indonesia công du đến Hoa Kỳ, sau khi ông bị từ chối nhập cảnh trong chuyến đi tham dự một hội nghị tại thủ đô Washington.

Tổng tư lệnh quân đội Indonesia Tướng Gatot Nurmantyo cùng với vợ đang chuẩn bị đáp máy bay tới Hoa Kỳ vào ngày thứ Bảy 21/10 thì hãng hàng không báo cho ông rằng Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (USCBP) không cho ông nhập cảnh.

Phó Đại sứ Mỹ tại Indonesia Erin McKee hôm thứ Hai đã xin lỗi về việc này và nói sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi rằng vấn đề đã được giải quyết.

Ông McKee nói: "Tướng Gatot có thể thực hiện chuyến công du, không bị hạn chế gì cả. Đại sứ quán đang làm việc để tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra xung quanh vụ việc này, và chúng tôi hy vọng rằng sự cố này sẽ không tái diễn."

Ông Marsudi cho biết Đại sứ Hoa Kỳ Joseph Donovan trong cuộc điện thoại với Tướng Gatot cũng đã chuyển lời "lấy làm tiếc và xin lỗi" và nói thêm rằng chỉ loại bỏ có những hạn chế nhập cảnh đối với Tướng Gatot thôi thì vẫn chưa đủ.

Ông Marsudi nói: "Chúng tôi vẫn cần làm rõ thêm tại sao vụ việc lại xảy ra."

Ông Nurmantyo được Tổng Tham mưu trưởng Joseph Dunford của Hoa Kỳ mời tham dự một hội nghị về các tổ chức cực đoan.

Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Indonesia nhìn chung là thân thiện. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir nói rằng phản ứng của Jakarta đối với vụ việc sẽ phụ thuộc vào lời giải thích của Washington. - VOA

7.
Tòa án Malaysia cố đưa ra ánh sáng vụ ám sát Kim Jong Nam

Tám tháng sau vụ ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, bị ám sát tại Kuala Lumpur, một tòa án Malaysia đang cố đưa mạng lưới lừa đảo này ra ánh sáng.

Đây là một mưu đồ chính trị tàn bạo bị nghi là do một mạng lưới những người Triều Tiên chỉ đạo. Những kẻ máu lạnh tàn bạo điều hành mạng lưới đó chưa bao giờ, và gần như chắc chắn sẽ không bao giờ bị mang ra tòa án ở Malaysia.

Tin tức ông Kim Jong Nam bị giết chết tại ga hàng không của sân bay quốc tế Kuala Lumpur nhanh chóng lan truyền trên mạng Internet tới hàng triệu người trên thế giới. Video do camera an ninh ghi được cho thấy ông Kim Jong Nam bị hai phụ nữ bất ngờ tấn công. Ông ra dấu cần giúp đỡ sau khi bị chất độc bôi vào mặt và khi đến bệnh viện thì ông đã chết.

Tuy nhiên, đoạn video đó chỉ mới chỉ là một hé lộ nhỏ trên bề mặt của một âm mưu đầy bí ẩn ở bên dưới.

Thứ Ba 24/10, hội đồng xét xử vụ án sẽ lần đầu tiên đến hiện trường ở sân bay khi các công tố viên tiến hành các thủ tục tố tụng đối với hai nữ nghi can Đông Nam Á. Hai nghi can này tuyên bố đã bị lừa vì họ tưởng là đang tham gia vào một trò đùa vô hại.

Các chi tiết khi ông Nam bị ám sát ngày 13/2 như ông dùng hộ chiếu tên Kim Chol, 46 tuổi và trong balô ông mang theo có 100.000 đôla tiền mặt vẫn tiếp tục là những điều bí mật trong những phiên xử tiếp theo.

Nhà cầm quyền Malaysia chưa chính thức cáo buộc Bình Nhưỡng tham gia vào vụ ám sát này. Và họ đã nói rõ rằng họ không muốn phiên toà bị chính trị hóa.

Hai nữ nghi phạm Siti Aisyah, người Indonesia và Đoàn Thị Thương, người Việt Nam hiện nay phải mặt áo chống đạn, và bị còng khi được dẫn vào tòa án. Nếu bị kết tội, hai nghi phạm có thể nhận án tử hình.

Nhà chức trách Malaysia nghi ngờ một vài người Triều Tiên có vai trò trong vụ án này, nhưng những nghi phạm Triều Tiên đó đã rời khỏi Malaysia ngay sau ông Nam chết.

Viện công tố Malaysia nói những người Triều Tiên đó đã sử dụng hai nữ nghi phạm này và đã cung cấp chất độc cho họ.

Malaysia cũng đã triệu tập nhân viên ngoại giao ở Bình Nhưỡng. Việc ám sát ông Nam và việc Malaysia cáo buộc Triều Tiên có những hành động sai trái đó đã khiến chó mối quan hệ tương đối thân thiện trước đây giữa hai nước trở nên ghẻ lạnh. - VOA

8.
Hàn Quốc hoàn tất việc xây dựng cho Olympic mùa đông Pyeongchang 2018

Các nhà tổ chức Olympic mùa đông Pyeongchang 2018 đã hoàn thành công việc xây dựng tất cả các công trình phục vụ cho đại hội thể thao mùa đông 4 năm một lần này, Giám đốc Thế vận hội Lee Hee-beom cho biết hôm thứ Hai 23/10 trước khi bắt đầu cuộc rước đuốc Olympic.

Thành phố Pyeongchang đã gấp rút hoàn thành một số dự án bao gồm khách sạn và các địa điểm tổ chức sự kiện, dù trước đó công tác chuẩn bị bị trễ một số năm.

Ông Lee cho biết việc hoàn tất này là một tin vui cho các nhà tổ chức, những người giờ đây có thể tập trung vào những gì ông nói sẽ là một Thế vận hội mùa đông lớn nhất trong lịch sử.

Ông Lee đang đến núi Olympia cổ để nhận lửa cho đuốc Olympic tại địa điểm của Olympic cổ đại, khởi động cuộc đếm ngược thời gian cho đến ngày khai mạc Thế vận hội 2018.

Ngọn lửa sẽ được rước đến thủ đô Seoul vào ngày 1/11 để bắt đầu cuộc hành trình rước đuốc kéo dài 3 tháng trên toàn quốc.

Ông Lee nói với các phóng viên một ngày trước lễ thắp đuốc: "Tôi có thể thông báo rằng kể từ ngày hôm nay tất cả các địa điểm thi đấu và phục vụ Olympic đều đã hoàn chỉnh."

Thế vận hội mùa đông bắt đầu ngày 2 đến 25 tháng 2, 2018 là thế vận hội lần đầu tiên được tổ chức tại châu Á ngoài Nhật Bản và là thế vận hội đầu tiên trong ba sự kiện liên tiếp ở châu Á, hai sự kiện kia là Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 và Thế vận hội mùa đông năm 2022 ở Bắc Kinh. - VOA

9.
Đài Loan hướng nam, giảm lệ thuộc vào Trung Quốc

Đài Loan đang áp dụng miễn thị thực nhập cảnh và mở các văn phòng đầu tư nước ngoài ở các quốc gia phía nam trong khu vực được xem là những động thái mới nhất đẩy mạnh nỗ lực tái cân bằng quan hệ kinh tế, nhằm giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, quốc gia thù nghịch chính trị với Đài Loan.

Các quan chức ở Đài Loan hy vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác du lịch, thương mại và giáo dục đại học với 18 quốc gia bao gồm hầu hết các nước Nam và Đông Nam Á, cũng như với Australia và New Zealand. Mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các quốc gia này sẽ làm giảm vai trò của Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Đài Loan hiện nay, khi hai bên đối mặt với những khác biệt chính trị.

Trong nỗ lực gần đây của Đài Loan, được gọi là Chính sách hướng Nam Mới, bắt đầu thí điểm vào tháng tới cho đến hết tháng 7/2018, các công dân Philippines có thể lưu lại Đài Loan trong 14 ngày mà không cần thị thực. Vào tháng 8/2016, Đài Loan cũng đã tuyên bố miễn thị thực cho công dân Brunei và Thái Lan.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói trong một bài diễn văn Quốc khánh vào đầu tháng này: “Mục đích của Chính sách hướng Nam Mới là để chúng ta giữ một vị thế thuận lợi hơn trong cộng đồng quốc tế.”

Bất ổn với Trung Quốc

Bà Thái đã công bố Chính sách hướng Nam Mới sau khi nhậm chức vào tháng 5/2016 để tái cân bằng các mối quan hệ của nền kinh tế trị giá 529 tỷ đôla của Đài Loan.

Theo truyền thống, doanh nhân Đài Loan chọn Trung Quốc để đầu tư vì chi phí tương đối thấp, lực lượng lao động lành nghề và có cùng nền văn hoá. Từ năm 1988 đến năm 2016, theo Hiệp hội các nhà quan sát Mỹ về Quan hệ Đối ngoại, có hơn 93.000 doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Trung Quốc.

Nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan, bất chấp nền tự trị dân chủ của hòn đảo. Chính quyền của Tổng thống Thái Anh Văn đã phẫn nộ trước động thái đó của Trung Quốc, và ngừng đối thoại với Bắc Kinh.

Chính sách hướng Nam Mới

Bộ Ngoại giao Đài Loan đã thành lập các văn phòng đầu tư tại Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Philippines để giúp các nhà đầu tư tìm các dự án ở những nước này, dựa trên nhu cầu của từng địa phương.

Chính phủ Đài Loan đang cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ hơn hướng tới thị trường Đông Nam Á, nơi viện trợ từ Đài Bắc sẽ giúp phát triển cơ sở hạ tầng và các dự án lớn khác. Ngoài ra, việc miễn thị thực sẽ tạo điều kiện phát triển ngành du lịch Đài Loan, một lợi thế khác cho nền kinh tế.

Vào năm ngoái, Ủy ban Đầu tư của Đài Loan đã phê duyệt 252 đơn lập dự án ở Trung Quốc, giảm 21,5% so với năm 2015.

Một quan chức kinh tế của Đài Loan cho hay hồi đầu năm rằng Indonesia là một điểm sáng để tìm kiếm các dự án đầu tư mới, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ năm 2010 đến năm 2015, Thái Lan đã chấp thuận 274 đơn xin đầu tư của Đài Loan, trị giá 1,39 tỷ đôla.

Khoảng 3.500 nhà đầu tư Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam vào đầu năm 2011 do chi phí ở Trung Quốc gia tăng trong khi Việt Nam đang có ưu đãi để thu hút vốn nước ngoài.

Theo ông Liang Kuo-yuan, Chủ tịch Viện nghiên cứu Polaris có trụ sở ở Đài Bắc, việc khởi động lại nhà máy thép Formosa Việt Nam vào tháng 5 có thể thu hút một "cụm" các công ty liên quan đến Đài Loan. Trước đó, nhà máy đã ngừng hoạt động do nghi ngờ thải chất độc ra biển làm chết cá hàng loạt.

Ông Jonathan Ravelas, chiến lược gia thị trường thuộc ngân hàng Banco de Oro UniBank tại Manila nói Philippines cũng đang tích cực tìm kiếm các công ty Đài Loan.

Ông Ravelas nói các công ty điện tử Đài Loan xem Philippines như là một cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu, trong khi các công ty y tế có thể tìm được các đối tác như các bệnh viện.

Ông Ravelas cho biết: "Chúng tôi biết các doanh nhân từ Đài Loan đang tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Philippines, vì đó là một thị trường bán lẻ rất lớn.” - VOA

10.
Ông Tập: 'nhà lãnh đạo quyền lực nhất TQ' sau Mao Trạch Đông

Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa biểu quyết, nhất trí đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào điều lệ Đảng, khiến ông trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông đến nay.

Ông Tập đã liên tục tăng dần việc siết chặt quyền lực kể từ khi ông trở thành lãnh đạo hồi 2012.

Việc bỏ phiếu với kết quả hoàn toàn nhất trí với việc đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình" vào diễn ra vào lúc đại hội Đảng Cộng sản kết thúc.

Hơn 2.000 đại biểu đã về dự kỳ họp chính trị quan trọng nhất nước, được tổ chức tại Bắc Kinh.

Đại hội khai mạc hồi cuối tuần trước với bài diễn văn kéo dài ba tiếng đồng hồ của ông Tập, trong đó ông lần đầu tiên nêu ra ý tưởng của mình, "chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung Quốc trong thời đại mới".

Các quan chức hàng đầu và truyền thông nhà nước sau đó bắt đầu nhắc đi nhắc lại ý tưởng này, gọi đó là "Tư tưởng Tập Cận Bình", một chỉ dấu cho thấy ông Tập đã củng cố được ảnh hưởng của mình trong Đảng.

Biên tập viên chuyên về Trung Quốc của BBC, Carrie Gracie nói việc đề cao "Tư tưởng Tập Cận Bình" trong điều lệ Đảng có nghĩa là các đối thủ của ông nay không thể thách thức nhà lãnh đạo quyền lực của Trung Quốc mà không bị coi là vi phạm quy định Đảng.

Một số nhà lãnh đạo trước đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã từng được đưa ý tưởng vào Điều lệ Đảng, tuy nhiên trừ Mao Trạch Đông ra thì không có ý tưởng của ai được mô tả là "tư tưởng", tức là mức cao nhất trong thứ bậc ý thức hệ. - BBC

11.
Thắng cử lập pháp giúp thủ tướng Nhật đẩy nhanh sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa

Trong cuộc bầu cử được tổ chức ngày hôm qua, 22/10/2017, theo các thẩm định của truyền thông Nhật Bản, liên minh giữa đảng bảo thủ Tự Do Dân Chủ (PLD) của thủ tướng Shinzo Abe và đảng Komeito (trung hữu) đã dẫn đầu, giành được thắng lợi rõ nét, chiếm hai phần ba số ghế tại Hạ Viện, ít nhất là 310 dân biểu trong tổng số 465 ghế. Thắng lợi này cho phép thủ tướng Shinzo Abe đẩy nhanh tiến trình sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa.

Từ Tokyo, thông tín viên Frederic Charles giải thích :

« Shinzo Abe muốn là bản Hiến Pháp chủ hòa, do Mỹ soạn thảo và áp đặt từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, thừa nhận sự tồn tại của quân đội Nhật Bản, một trong những quân đội hiện đại nhất thế giới và để cho nước này lại được quyền tham chiến. Ông thủ tướng muốn sửa lại điều 9 trong bản Hiến Pháp cấm Nhật Bản tiến hành chiến tranh để giải quyết các xung đột.

Shinzo Abe đã diễn giải lại Hiến Pháp để cho phép quân đội Nhật Bản được tham gia vào các chiến dịch ở nước ngoài, cùng với quân đội Mỹ. Một nửa dân Nhật vẫn muốn duy trì bản Hiến Pháp chủ hòa, vì theo họ, Hiến Pháp hiện nay giúp ngăn cản giới lãnh đạo tìm cách tiến hành chiến tranh.

Liên quan đến Bắc Triều Tiên, Shinzo Abe muốn củng cố liên minh với Hoa Kỳ, và cũng như Donald Trump, không loại trừ khả năng can thiệp quân sự, nếu cần. An ninh của Nhật Bản phụ thuộc vào ô hạt nhân của Mỹ”. - RFI

12.
Chuyên gia Pháp: Thế giới bất ổn chưa từng có

“Một thế giới bất ổn chưa từng có » là nhận định của chuyên gia Arnaud Danjean, phụ trách tạp chí chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia Pháp của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. RFI tiếng Việt trích dịch bài phỏng vấn chuyên gia Arnaud Danjean trên tuần báo l’Express tuần qua.

Thế giới giờ đây nguy hiểm hơn trước kia ? 

Viễn cảnh về các nguy cơ và mối đe dọa khá u ám. Người ta có thể suy ra là thế giới trở nên nguy hiểm hơn, nhưng khái niệm đó quá mang tính chủ quan. Môi trường quan hệ quốc tế dường như bất ổn và đang xuống cấp. Một sự xuống cấp kéo dài. Các mối đe dọa được nêu trong Sách Trắng 2013 đang diễn biến nhanh hơn và mạnh hơn nhiều so với dự báo, đặc biệt là các mối đe dọa về khủng bố Hồi Giáo. Đúng là các nhóm Hồi Giáo cực đoan hiện đang gặp nhiều thất bại trên các chiến trường ở Trung Đông, nhưng các lực lượng đó thường xuyên được tổ chức lại. Mối đe dọa này sẽ chuyển hướng, giống như đã từng xảy ra trong quá khứ, và khủng bố có khả năng xâm nhập vào các vùng địa lý khác trên thế giới, từ Tây Phi cho tới Đông Nam Á, với những phương thức hành động khác nhau. Phong trào Hồi Giáo cực đoan sẽ còn dai dẳng.

Còn các mối đe dọa khác thì sao ? 

Chúng ta không nên hy vọng là trong những tháng tới đây sẽ tìm ra những giải pháp kỳ diệu cho các xung đột hiện đang diễn ra ở mạn sườn châu Âu, ở vùng Cận Đông và cả ở châu Phi. Mức độ tập trung nhiều thách thức liên quan trực tiếp tới nước Pháp như vậy là chưa từng có kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc. Tình hình ở nhiều nơi diễn biến phức tạp, gây lo ngại. Các biện pháp quân sự trở nên cứng rắn hơn ở khắp nơi. Sức mạnh quân sự của các nước như Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út tăng một cách đáng ngạc nhiên. Nhiều nước khác cũng gia tăng trang bị quân sự kỹ lưỡng, làm thế cân bằng chiến lược trước đây bị đảo lộn, kể cả về chiến tranh thông thường và chiến tranh hạt nhân. Cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên là một ví dụ điển hình. Hiện tượng tăng cường quân sự liên quan tới tất cả các lĩnh vực : không chỉ lục quân, hải quân, không quân, mà cả không gian vũ trụ và công nghệ số. 

Liệu chúng ta có cần phải lo ngại về khả năng xảy một cuộc xung đột lớn ngay tại châu Âu ? 

Cá nhân tôi thì tôi không cho rằng điều này có nhiều khả năng xảy ra, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng xung đột. Biện pháp răn đe và quan điểm đặt lên hàng đầu tương quan lực lượng của một số quốc gia có thể khiến xung đột leo thang. Chúng ta không thể quên những gì đã xảy ra ở Ukraina năm 2014. Thái độ của nước Nga cũng khiến chúng ta phải nhìn nhận lại về cách bảo đảm an ninh cho châu Âu. Chúng ta không nên chủ quan, nhưng cũng không nên quá lo sợ. Những phân tích rõ ràng và khách quan cho phép chúng tôi khẳng định lập trường là nước Pháp vừa rất đoàn kết với các nước đồng minh, vừa sẵn sàng đối thoại với Matxcơva.

Ông rút ra được điều gì từ sự rút lui của Mỹ thời Donald Trump ?

Chúng ta không thể phủ nhận là hệ thống quan hệ quốc tế đa phương đã suy yếu từ nhiều thập kỷ nay. Đó là một thực tế. Thực tế này được nuôi dưỡng bởi xu hướng toàn cầu hóa, sự xuất hiện của các yếu tố mới, cũng như thái độ của các cường quốc công khai tranh cãi về nguyên tắc ngoại giao đa phương, đề cao sự lựa chọn đơn phương. Đáng tiếc là nhiều ý tưởng của tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đi theo chiều hướng này, chẳng hạn trong hồ sơ khí hậu và hạt nhân Iran. Tất cả những điều đó dẫn tới một sự bấp bênh, nhất là vì nước Pháp rõ ràng là có những lợi ích chung với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bộ máy chính trị của Mỹ không chỉ dựa vào những phát ngôn của tổng thống. Thêm vào đó, một số chính sách vẫn chưa trở thành chính thức. 

Nước Pháp có biện pháp gì để đối phó với các thách thức nói trên ? 

Trong bối cảnh quốc tế ngày càng bất ổn và có nhiều yếu tố bất ngờ, khó đoán định, kể cả từ các đồng minh, nước Pháp cần tự chủ mạnh mẽ về chiến lược. Điều đó không có nghĩa là chúng ta khẳng định một cách phi thực tế và ngạo nghễ là có thể một mình giải quyết mọi việc. Tuy nhiên, chúng ta phải bảo đảm có khả năng duy trì các cam kết của nước Pháp, cho dù là một mình hay cùng với liên minh. Có nghĩa là Pháp phải có một mô hình quân đội đầy đủ và cân đối để bảo đảm duy trì sức mạnh. Quân đội của Pháp hiện đang rất vững mạnh, nhưng nguy cơ quá tải đang rình rập. Thách thức trong những năm tới là thiết lập được sự gắn kết chặt chẽ giữa các mong muốn, tham vọng chính đáng, hợp pháp của Pháp với những điều mà quân đội Pháp có thể đảm đương được. Một khi đã ấn định nhiệm vụ cho các lực lượng, nhà chức trách phải bảo đảm quân đội có đủ phương tiện để hoàn thành nhiệm vụ. Về mặt thể chế, thường thì rất dễ huy động quân đội. Quân đội bao giờ cũng được triển khai nhanh chóng và chuyên nghiệp, nhưng đó chỉ là bước ban đầu. Sau đó, cần bảo đảm cho lực lượng hoạt động được lâu dài và thích nghi với hoàn cảnh.

Ưu tiên chiến lược của Pháp là gì ? 

Năm nhiệm vụ chiến lược của quân đội theo chính sách phòng vệ của Pháp là bảo vệ lãnh thổ, phòng ngừa, răn đe, tình báo và can thiệp. Răn đe hạt nhân từ trên không và từ tàu ngầm là yếu tố then chốt. Chúng ta sẽ phải củng cố, tăng cường công tác phòng ngừa khủng hoảng. Hành động quân sự « đơn thương độc mã » sẽ không thể giúp ổn định lại các khu vực mà chúng ta đang can thiệp quân sự, chẳng hạn ở Sahel và Trung Đông. Mọi nỗ lực quân sự phải đi kèm với các hoạt động ngoại giao và phát triển. Thêm vào đó, Pháp vừa là cường quốc hạt nhân, vừa là quốc gia châu Âu duy nhất là thành viên của cả Liên Hiệp Châu Âu, NATO và Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Chúng ta phải biến điều này thành đặc thù mang tính chiến lược phục vụ cho các quan hệ đối tác quan trọng và bước tiến mới của Liên Hiệp Châu Âu. Việc mở rộng hợp tác với Đức là cần thiết. Là một dân biểu châu Âu, tôi hiểu rằng chính sách phòng vệ của châu Âu chính là « lá bùa bộ mệnh ». Tôi tin rằng giờ là thời cơ thuận lợi cả về chính trị và chiến lược để tiến bước. Để làm được điều này, cần có ý chí mạnh mẽ, sự minh mẫn, sáng suốt cao độ và óc thực tế. - RFI

13.
Thủ tướng Campuchia nói đảng đối lập sẽ bị giải tán

Ông Hunsen Thủ tướng Campuchia nói rằng việc đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc bị giải tán là một chuyện đương nhiên.

Ông nói như vậy nhân buổi lễ kỷ niệm ngày ký Hiệp Định Paris, tái dựng nền dân chủ đa đảng tại đất nước Campuchia vào năm 1991.

Hơn 50 nhóm nhân quyền đã kêu gọi các quốc gia ký Hiệp Định Paris cần phải hành động gấp vì nền dân chủ đang bị đe dọa tại Campuchia.

Hiện nay lãnh tụ của đảng đối lập Kem Sokha đang bị cầm tù với tội danh được cho là âm mưu lật đổ nhà nước với sự giúp đỡ của ngoại bang là Hoa Kỳ.

Nhiều đại biểu quốc hội của đảng này cũng chạy trốn ra nước ngoài vì sợ bị đàn áp.

Ông Hunsen bị chỉ trích là đang định biến Campuchia trở thành một đất nước độc đảng với đảng Nhân Dân Cách Mạng do ông lãnh đạo.

Vào ngày này năm 1991 nhiều quốc gia với sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc đã ký một hiệp định tại Paris, theo đó quân đội Việt Nam đang chiếm đóng Campuchia phải rút quân về nước, đồng thời Campuchia sẽ trở thành một quốc gia quân chủ lập hiến với nhiều đảng chính trị cùng tham gia cạnh tranh chính trị.

Ông Hunsen nói rằng sau Hiệp Định Paris, Liên Hiệp Quốc đã thất bại trong việc đem lại hòa bình cho Campuchia, mà nền hòa bình này chỉ có được là do sự thương lượng của ông với lực lượng du kích Khmer đỏ lúc đó mà thôi.

Trước lời kêu gọi của các nhóm nhân quyền, ông Hunsen nói rằng chuyện kêu gọi các quốc gia đã ký Hiệp Định Paris hành động, là một chuyện lỗi thời và không thể xảy ra, vì một trong những nước ký hiệp định đó là Liên Xô không còn tồn tại nữa.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của đảng cộng sản Trung Quốc, một trong những quốc gia ký hiệp định Paris như vừa nêu thì bình luận rằng nước ngoài không nên can thiệp vào chính trị nội bộ của Campuchia. - RFA

Tin Hoa Kỳ
14.
New York điều tra ‘ông trùm Hollywood’ Harvey Weinstein

Tổng chưởng lý bang New York, Eric Schneiderman, ngày 23/10 loan báo mở cuộc điều tra dân sự đối với công ty The Weinstein sau các cáo buộc quấy nhiễu và tấn công tình dục chống lại đồng sáng lập viên, nhà sản xuất phim Hollywood, Harvey Weinstein.

“Không một cư dân New York nào bị buộc phải bước vào môi trường làm việc bị thống trị bởi hăm dọa tình dục, sách nhiễu hay sợ hãi, Tổng chưởng lý Schneiderman nói.

Công ty The Weinstein có trụ sở tại thành phố New York đã sa thải ông Weinstein hôm 8/10 sau khi tờ New York Times và New Yorker phanh phui các cáo buộc tấn công và sách nhiễu tình dục suốt nhiều chục năm.

Hơn ba chục phụ nữ đã công khai đứng lên tố cáo ông trùm làng giải trí Hollywood sách nhiễu tình dục, nhưng Weinstein bác tất cả tố cáo.

Cảnh sát ở Los Angeles, New York City và London cũng đang điều tra ông Harvey Weinstein liên quan đến các cáo buộc lạm dụng tình dục tại các nơi này.

Người từng đoạt giải Oscar đã bị loại ra khỏi Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh và Hiệp hội các nhà sản xuất phim Mỹ cũng đã khởi sự thủ tục sa thải ông Weinstein. - VOA

15.
Thống đốc vận động ngưng trục xuất di dân

Thống đốc bang New Hampshire, Chris Sununu, ngày 23/10 công khai kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngưng nỗ lực tìm cách trục xuất 69 tín đồ Công giáo gốc Indonesia, những người bỏ nước chạy lánh nạn 20 năm trước tới Mỹ định cư bất hợp pháp.

Nhóm này định cư tại Mỹ theo các điều kiện của một thỏa thuận năm 2010 với Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan cho phép họ lưu lại Mỹ miễn là họ giao nộp passport và trình diện giới chức di trú theo định kỳ.

Thay đổi này bắt đầu từ tháng 8 khi các thành viên trong nhóm, trong buổi trình diện với các giới chức di trú tại văn phòng ở Manchester, New Hampshire, được thông báo phải mua vé máy bay 1 chiều trở về Indonesia, nơi họ đã tháo chạy sau các cuộc bạo động 1998 khiến một ngàn người thiệt mạng.

“Tôi trân trọng đề nghị chính quyền của Tổng thống xem xét lại quyết định trục xuất những ca nhân này, và tôi kêu gọi một giải pháp cho phép họ ở lại Mỹ,” Thống đốc Sununu nêu rõ trong thư ngỏ gửi Tổng thống Trump hôm thứ sáu. Lá thư này được công bố công khai hôm nay 23/10.

Một số thành viên trong nhóm 69 người vừa kể là người gốc Hoa,cho Reuters biết họ sợ sẽ bị kỳ thị và bạo hành khi trở lại quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo Indonesia.

Tòa Bạch Ốc chưa phản hồi về yêu cầu bình luận.

Những người cổ súy cho quyền di dân đã đệ đơn kiện ở Boston nhân danh 47 người trong nhóm, yêu cầu thẩm phán liên bang can thiệp.

Phần lớn các thành viên trong nhóm vào Mỹ bất hợp pháp bằng visa du lịch sau các cuộc bạo động ở Indonesia, rồi họ ở lại Mỹ quá hạn, không nộp đơn xin tị nạn kịp thời. Tuy nhiên, họ được phép lưu lại Mỹ dưới một thỏa hiệp với cơ quan di trú. Thỏa hiệp này được thương lượng nhờ sự giúp đỡ của Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen. - VOA

16.
Kêu gọi Quốc hội Mỹ tiếp tục theo dõi tình báo qua mạng

Các cựu quan chức tình báo Mỹ ngày 23/10 kêu gọi Quốc hội tiếp tục một chương trình theo dõi qua mạng đã từng chặn đứng các âm mưu khủng bố và giúp các nhà hoạch định chính sách lèo lái quốc gia qua các cuộc khủng hoảng quốc tế.

Chương trình chiếu theo Điều 702 trong Đạo luật Theo dõi Tình báo Nước ngoài cho phép các cơ quan tình báo Mỹ do thám nghe trộm và lưu lại các cuộc liên lạc bằng kỹ thuật số của những người tình nghi sống bên ngoài nước Mỹ. Chương trình này sẽ hết hạn vào cuối năm nay nếu Quốc hội không hành động. 

“Đích thân chúng tôi đã báo cáo cho các Tổng thống, kể cả bên Dân chủ lẫn Cộng hòa, và cho Quốc hội chi tiết các âm mưu được phát hiện nhờ vào thông tin từ Điều 702,” các cựu quan chức tình báo nêu rõ tron thư gửi giới lãnh đạo Quốc hội.

“Chúng tôi cực lực kêu gọi Quốc hội cho phép chương trình được vận hành trở lại và tiếp tục cho phép giới tình báo bảo vệ quốc gia,” thư viết.

Thư ngỏ có chữ ký của các cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, CIA, Cơ quan An ninh Quốc gia, và một cựu Bộ trưởng Tư pháp.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền phản đối luật này dưới hình thức hiện hành của nó vì cho rằng đôi khi thu thập nhầm các cuộc liên lạc của công dân nội địa Hoa Kỳ.

Theo dự kiến Ủy ban Tình báo Thượng viện sẽ bỏ phiếu ngày 24/10 về một dự luật cho phép tiếp tục Điều 702 mà các nhà hoạt động bảo vệ quyền riêng tư cho rằng thiếu các ưu tiên cải cách.

Thư ngỏ được gửi tới lãnh đạo phe Dân chủ lẫn Cộng hòa ở Thượng viện, Hạ viện Mỹ; lãnh đạo các ủy ban về tư pháp, và lãnh đạo các ủy ban tình báo ở cả Thượng lẫn Hạ viện. - VOA

Tin Việt Nam
17.
EU cảnh cáo VN vì ngư dân ‘đánh bắt phi pháp’

Đúng như Việt Nam lo ngại, Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/10 đã "rút thẻ vàng", cảnh báo Việt Nam có thể bị xem là "không chịu hợp tác" để ngăn chặn ngư dân đánh bắt hải sản bất hợp pháp.

"Thẻ vàng" ngày 23/10 chưa đi kèm các biện pháp trừng phạt, nhưng EU nói đã mời Việt Nam tham gia đối thoại để giải quyết.

Nếu một quốc gia bị "thẻ đỏ" của EU về vi phạm những quy định về các quy định chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, nước này có thể bị cấm xuất khẩu sản phẩm hải sản.

EU nói Việt Nam thiếu hành động để ngăn chặn hoạt động đánh bắt phi pháp ở vùng biển các nước láng giềng.

Cao ủy phụ trách môi trường của EU, Karmenu Vella, tuyên bố: "Chúng tôi không thể bỏ qua tác động do hoạt động bất hợp pháp của tàu cá Việt Nam lên hệ sinh thái ở Thái Bình Dương."

"Chúng tôi kêu gọi giới chức Việt Nam gia tăng nỗ lực để chúng tôi nhanh chóng đảo ngược quyết định này."

Một báo cáo cuối năm 2016 của EU chỉ ra rằng Indonesia bị ảnh hưởng vì việc đánh cá phi pháp từ Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc.

Hôm 25/9, ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng nông nghiệp Việt Nam, nói nguy cơ bị rút thẻ vàng rất gần với Việt Nam. 

"Quan trọng là cơ quan nhà nước và doanh nghiệp hiểu rằng là phải làm thật, chứ không phải đối phó. Xung quanh chúng ta đã có Thái Lan, Philippines bị thẻ vàng, Campuchia bị thẻ đỏ, để lại những hậu quả nghiêm trọng cho ngành và xuất khẩu," ông Tám cho biết.

EU ban hành quy định IUU (illegal, unreported and unregulated fishing) nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) đã kêu gọi các doanh nghiệp hội viên, cam kết chống khai thác IUU.

Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Việt Nam thừa nhận từ hai năm qua, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm "gia tăng trở lại và diễn biến phức tạp", đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Ngãi, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Bến Tre, Tiền Giang. - BBC

18.
Quan chức Yên Bái đối mặt kỷ luật vì khai tài sản ‘thiếu sót’

Quan chức đứng đầu Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh Yên Bái đối mặt với kỷ luật do kê khai không trung thực về tài sản, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ Việt Nam.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ được công bố hôm 23/10 tại trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái, với sự có mặt của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh.

Trang Facebook chính thức “Thông tin Chính phủ” dẫn lại nội dung báo cáo nói ông Phạm Sỹ Quý đã “kê khai thiếu hàng nghìn mét vuông đất”.

Theo báo cáo, riêng năm 2016 ông Quý đã kê khai thiếu hơn 32.000m2 đất các loại thuộc về hai vợ chồng ông. Ông cũng không kê khai các khoản vay, nợ từ các nguồn khác nhau là trên 9,1 tỷ đồng và 60 cây vàng.

Trước đó, trong các năm 2014 và 2015, ông Quý đã không kê khai tổng cộng 116.000m2 đất các loại thuộc về hai vợ chồng cũng như hơn 7,1 tỷ tiền vay mượn.

Thanh tra Chính phủ khẳng định vị giám đốc sở ở Yên Bái đã kê khai “không đầy đủ, thiếu trung thực”, do đó vi phạm một nghị định năm 2013 của chính phủ về việc quan chức nhà nước phải minh bạch về tài sản và thu nhập.

Việc làm của ông “đã gây nghi ngờ” về tài sản của gia đình ông, và “tạo dư luận không tốt” về cán bộ, Thanh tra Chính phủ nói, và nhấn mạnh rằng những vi phạm của ông Quý “đến mức phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm minh”.

Theo Nghị định 78/2013, hình thức kỷ luật đối với cán bộ kê khai không trung thực gồm các mức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Chưa rõ ông Quý sẽ nhận mức kỷ luật nào.

Luật sư Trần Vũ Hải bình luận với VOA:

“Điều đó chứng minh rằng việc kê khai tài sản của Việt Nam là có vấn đề. Cách đây mấy tháng, có vị nói việc kê khai không đúng tài sản một năm chỉ có vài trường hợp thôi. Theo tôi, để khắc phục vấn đề này, phải thực hiện vấn đề công khai như chúng tôi đã đề xuất”.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng nêu ra việc vợ ông Quý, bà Hoàng Thị Huệ, đã thực hiện mua bán đất với 14 gia đình trong thời gian từ tháng 8/2016 đến tháng 2/2017. Đây là khoảng thời gian ông Quý đã là Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái. Vì vậy, giao dịch mua bán đất của vợ ông có liên quan đến phạm vi, lĩnh vực ông Quý quản lý trực tiếp. Điều đó làm cho ông Quý vi phạm Khoản 4 Điều 37 Luật Phòng, chống Tham nhũng.

Điều luật này quy định rằng người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước “không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con vợ kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp”.

Tuy nhiên, cũng chưa rõ ông Quý sẽ bị kỷ luật như thế nào. Điều 69 của chính luật về phòng, chống tham nhũng chỉ nói ngắn gọn “Người có hành vi tham nhũng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Giữa năm nay, ông Phạm Sỹ Quý bị dư luận chú ý sau khi những hình ảnh về khu nhà hoành tráng của ông bị rò rỉ trên mạng xã hội. Sau đó, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra về ông Quý và kết thúc hồi giữa tháng 7 nhưng nhiều lần hoãn công bố kết quả, dẫn đến nhiều nghi ngờ, thắc mắc trong công chúng. - VOA

19.
Du khách Anh bị tài xế taxi ‘bắt cóc’ ở Hà nội trở về an toàn

Một thanh niên người Scotland bị một tài xế taxi ở Hà nội ‘bắt cóc’ vừa được tìm thấy. Gia đình của Connor Leslie thở phào nhẹ nhõm khi nhận được tin con mình vẫn an toàn sau hơn 20 giờ mất tích, không liên lạc được với người bạn đồng hành và gia đình ở bên Scotland. Tin Connor Leslie mất tích loan truyền rộng rãi trên mạng internet và báo chí ở Anh, đặt ra một số nghi vấn về sự an toàn của khách du lịch tại Việt Nam.

Trong lần đầu tới thăm Việt Nam, và đêm đầu tiên nhóm bạn rủ nhau đi tham quan Hà nội, Connor Leslie và các bạn gọi taxi trở về căn hộ thuê bên Hồ Tây vào khoảng 2 giờ 30 sáng thứ Bảy 21/10. Tới nơi, một cuộc cãi cọ về cước xe nổ ra giữa hai bên, nhận thấy tình hình không ổn, mấy người bạn đã nhanh chân nhảy ra khỏi xe. Tài xế phóng đi trước khi Leslie kịp xuống xe. Thế là anh thanh niên 23 tuổi vừa chân ướt chân ráo đến Việt Nam, bị mất tích trong suốt 22 giờ, gây nhiều lo lắng cho các bạn đồng hành và gia đình ở Scotland.

Thân nhân và bạn bè của Leslie thông báo anh mất tích qua Facebook. Nhóm bạn cùng đi lập tức báo cáo với cảnh sát địa phương, trong khi gia đình Connor ở Scotland lo lắng chờ tin.

Chính phủ Scotland lập tức lên kế hoạch “truy tìm quốc tế” để kiếm công dân của mình. Khuya 22/10, gia đình Connor Leslie báo tin cảnh sát Việt Nam đã tìm thấy Leslie, mặc dù chưa có thông tin anh đang ở đâu và tình trạng ra sao. Báo Sunday Post hôm Chủ nhật tường trình rằng mặc dù Leslie đã được “tìm thấy an toàn”, giới hữu trách ở Hà Nội vẫn chưa cho anh liên lạc với gia đình. 

Ross, anh của Leslie kể lại phản ứng của bà mẹ khi nghe tin con mất tích:

“Bạn của Connor, Matt, gọi tôi vào khoảng 10 g đêm thứ Sáu và kể cho tôi nghe những gì xảy ra. Chờ càng lâu, tôi càng lo lắng. Chúng tôi hy vọng là Connor sẽ trở về, nhưng đến 6 giờ sáng thứ Bảy vẫn chưa thấy tăm tích em tôi, tôi đành phải báo cho mẹ tôi biết. Bà bật khóc, và ngày thứ Bảy trôi qua mà vẫn chưa được tin, thì chúng tôi bắt đầu hốt hoảng.”

Ross và người cha đang đặt vé bay sang Việt Nam tìm Connor thì anh lò dò trở về khách sạn, nói rằng tài xế taxi đã lấy điện thoại cầm tay của anh, nhưng không lấy tiền của anh, anh được thả ở một nơi cách đó độ 20 dặm. Báo The Scottish Sun cho hay tài xế đang bị cảnh sát thẩm vấn.

Connor không nói một chữ tiếng Việt, nên anh bắt đầu đi bộ trở ngược lại thành phố. Anh chỉ biết căn hộ thuê ở cạnh một cái hồ lớn, và cuồi cùng mò về đến nơi. Anh đi bộ cả đêm và ngày gần 20 tiếng đồng hồ. 

Bộ Ngoại Giao Scotland trước đó khuyến cáo rằng trong khi Việt Nam vẫn là một nước “nói chung an toàn”, du khách vẫn có nguy cơ trở thành nạn nhân bị tấn công.

Ngành du lịch Việt Nam trong năm nay đã phát triển mạnh. Theo các số liệu củ Cục thống kê Việt Nam, lượng du khách nước ngoài trong nửa năm đầu tăng hơn 30%, đa số du khách đến từ châu Á. Riêng du khách Trung Quốc ‘tăng gấp đôi’.

Tính chung 9 tháng năm 2017 ước lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 9.448.331 lượt khách, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2016. - VOA

20.
Hủy phạt, xin lỗi bác sĩ chê bộ trưởng vì sức ép dư luận?

Công lý được trả lại cho một bác sĩ ở Huế, người đã bị chính quyền địa phương phạt cách đây 2 tháng sau khi ông chỉ trích bộ trưởng y tế.

Hôm 23/10, ông Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, đã xin lỗi bác sĩ Hoàng Công Truyện, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Phong Điền.

Ông giám đốc sở y tế cũng chỉ đạo Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền thu hồi quyết định kỷ luật khiển trách bác sĩ Truyện.

Trước đó, tối 22/10, ông Lê Sỹ Minh, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Thừa Thiên Huế, nói với các cơ quan báo chí Việt Nam rằng sở của ông sẽ rút lại quyết định xử phạt và xin lỗi bác sĩ Truyện.

Sở đã bàn bạc và đi đến quyết định đó sau khi nhận được chỉ đạo từ Bộ trưởng Thông tin Truyền thông.

Bác sĩ Truyện, 53 tuổi, hồi giữa tháng 7 đăng một ý kiến ngắn trên Facebook, gọi nữ bộ trưởng y tế là "Mụ ni” và cho rằng bà nên để “các giáo sư có kinh nghiệm, chuyên môn y lên thay và dẫn dắt ngành y sang một bước tiến mới”. 

Vị bác sĩ trực ngôn than phiền là bà Nguyễn Thị Kim Tiến không đáng làm bộ trưởng vì “chỉ một việc an ninh bệnh viện mà không tham mưu nổi cho chính phủ can thiệp”. Ý ông nói đến tình trạng đã xảy ra những vụ bác sĩ, y tá bị người nhà bệnh nhân tấn công, đánh đập vì những lý do khác nhau trong thời gian gần đây.

Ông Truyện kết luận bài viết chỉ có 63 từ của mình với câu: “Bà có đi về cơ sở đâu mà hiểu nỗi khổ các y, bác sĩ tuyến cơ sở".

Chỉ một ngày sau khi ý kiến của ông đăng lên, Bộ Y tế đã phản ứng mạnh, gửi một công văn đến Sở Y tế Thừa Thiên-Huế cáo buộc bác sĩ Truyện “bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người đứng đầu ngành y tế”.

Công văn đã dẫn đến việc ông Truyện bị cơ quan "khiển trách" và bị Sở Thông tin phạt 5 triệu đồng hồi tháng 8.

Tưởng chừng tiếng nói của vị bác sĩ nói thẳng bị dập tắt, trái ngược lại, vụ việc của ông lại được khui ra cách đây ít ngày. Ý kiến của ông được lan truyền trên mạng xã hội cũng như đăng nguyên văn trên một số báo mạng.

Về vụ việc này, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn hôm 22/10 yêu cầu rằng nếu bác sĩ Truyện chỉ có ý kiến đã đăng trên Facebook, sở thông tin địa phương cần phải “rút quyết định phạt và xin lỗi ngay” bác sĩ này.

Bộ trưởng Tuấn cho rằng từ bài viết của bác sĩ trên Facebook, “chưa đủ căn cứ quy kết xúc phạm nhân phẩm, danh dự”. 

Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang ở Hà Nội lâu nay thúc đẩy nhân quyền, trong đó có tự do ngôn luận, bình luận với VOA:

“Tôi rất mừng thấy là mạng xã hội chứng tỏ là họ có sức mạnh. Chuyện bác sĩ Truyện cho thấy sức mạnh của mạng xã hội. Những bình luận không phải chỉ là chém gió trên bàn phím cho vui mà chắc chắn là có ảnh hưởng đến chính sách”.

Nhà hoạt động nữ điểm lại các diễn biến từ khi mạng xã hội bắt đầu trở nên phổ biến ở Việt Nam khoảng năm 2007 và nhận định rằng những ý kiến, phản ứng của công chúng đã góp phần ngăn chặn nhiều dự thảo luật, quy định vô lý.

Chị nhấn mạnh khi một người lên tiếng về điều mình cho là đúng, người đó cần kiên định với quan điểm của mình:

“Nếu mình làm đúng, đúng với lương tâm, lẽ phải, thì mình không có gì phải sợ cả. Phải kiên quyết bảo vệ điều mà mình cho là đúng đấy”.

Trường hợp bác sĩ Truyện bị phạt rồi lại được “minh oan” gợi nhớ lại việc cách đây hai năm nhà báo Đỗ Hùng thuộc báo Thanh Niên bị kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo vì viết một bài hài hước trên Facebook điểm lại lịch sử Việt Nam hồi tháng 9 năm 1945.

Nhà hoạt động, từng là nhà báo trong nhiều năm trước đây, so sánh rằng hai trường hợp này về bản chất “giống nhau hoàn toàn”. Chúng đều là sự can thiệp thô bạo của “người đại diện cho chính quyền” vào tự do ngôn luận của công dân bình thường và hình sự hóa vấn đề ngôn luận của cá nhân, theo lời chị. 

Nhưng chị Đoan Trang chỉ ra điểm khác nhau là đã có rất nhiều người trên mạng xã hội “lên án anh Đỗ Hùng”. Cụ thể, nhóm có tên “Đơn vị tác chiến điện tử” - được cho là một diễn đàn trên Facebook của những người thân chính phủ - đã “kích động” và “kêu gọi cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý”. 

So sánh cách nhà chức trách xử lý hai trường hợp, nhà hoạt động cho rằng đã có việc áp dụng “tiêu chuẩn kép”:

“Bộ 4T [Thông tin-Truyền thông] và ông Trương Minh Tuấn lúc đó rất hăng hái, muốn thể hiện mình trước cấp trên và quyết định chơi rắn. Đến năm nay thì ông Tuấn lại có quyết định được nhiều người khen là sáng suốt. Thế nhưng chúng ta phải thấy cả ông Tuấn và cộng đồng mạng đã áp dụng tiêu chuẩn kép. Tức là anh Truyện làm thì không sao, anh Hùng làm thì bị nặng. Tôi rất mong một ngày nào đó cộng đồng mạng ý thức điều này để thống nhất hơn. Đó là không phải tiêu chuẩn kép, đây là chuyện bản chất giống nhau: đều là xâm phạm tự do ngôn luận”.

Tuy đề cao ảnh hưởng ngày càng tăng của tiếng nói công chúng thông qua mạng xã hội, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang cũng cảnh báo có một số lĩnh vực công chúng chưa thể gây ảnh hưởng có tính quyết định.

Chị đặc biệt lưu ý đến các hoạt động, hành xử của ngành công an, cho rằng công luận “rất khó tạo thay đổi” đối với ngành này. - VOA

21.
Thủ tướng Việt Nam yêu cầu xử lý việc lợi dụng dân chủ đưa tin sai lệch

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại cần xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, đưa tin bịa đặt, sai sự thật nhằm kích động, gây bất ổn xã hội.

Tuyên bố vừa rồi của ông Nguyễn Xuân Phúc được đưa ra trong phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa 14. Theo ông thủ tướng Việt Nam thì trong thời gian qua Việt Nam đã xử lý nhiều thông tin mà theo lời ông này là ‘xuyên tạc, phản động’ trên mạng xã hội. Người đứng đầu chính phủ Việt Nam yêu cầu phải quản lý báo chí và việc phát ngôn chặt chẽ hơn. Ông kêu gọi  hải đấu tranh phản bác các thông tin bị cho là thù địch và bảo đảm an toàn an ninh mạng.

Luật sư Võ An Đôn, một người từng nhiều lần bị công an triệu tập vì những bài viết trên mạng xã hội cho biết suy nghĩ về phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như sau:

Theo quan điểm của tôi và theo nghiên cứu luật pháp, thì quyền tự do ngôn luận là quyền căn bản của mỗi người dân. Mỗi người có quyền có quyền thể hiện các quan điểm của mình với các vấn đề xã hội. Câu nói với nội dung trên tôi thấy không phù hợp với xã hội phát triển và luật pháp hiện nay.

Cũng tại phiên họp, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Khanh, cho biết, đến nay Youtube đã gỡ bỏ hơn 4.4 00 clip có nội dung được nói là độc hại. Facebook gỡ bỏ 678 tài khoản vi phạm, trong đó có 110 tài khoản giả mạo, 394 bài viết và tài khoản kinh doanh trái phép, 174 bài viết và tài khoản có nội dung bôi nhọ người khác.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc Hội cho rằng hiện tại công tác bảo đảm an ninh thông tin mạng của Việt Nam còn nhiều bất cập mà chưa có giải pháp hiệu quả.

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa 14 sẽ diễn ra trong vòng 26 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 24 tháng 11 tới đây. - RFA

Link:

Không có nhận xét nào: