Bước xuống phi cơ, tôi vội vã thuê xe về xóm Chùa, thăm Ba, Dì và các em. Đức và Hiền còn nhỏ, chỉ ngơ ngác nhìn tôi như người xa lạ. Ba tôi đi làm, chưa về. Còn Dì, tất bật, chạy tới chạy lui, thăm hỏi đủ điều. Cuối cùng, dì cắp nón ra chợ, mua thức ăn cho buổi cơm chiều. Tôi muốn lên gác, thắp cho ông bà một nén hương tưởng niệm. Lâu rồi, tôi không có dịp tham dự ngày giỗ trong gia đình. Lâu rồi, tôi như đứa con hoang đàng, mãi lang bạt đầu núi cuối sông. Tôi tiến tới bàn thờ, vừa đưa tay cầm bó nhang, bỗng một xấp phong bì rơi xuống, nằm sóng soải dưới chân. Dòng chữ quen thuộc trên bì thư đập vào mắt tôi. Trời ơi! thư của Út.
<!>
Mấy chục lá thư của em gởi cho tôi, lâu rồi, tôi chưa bao giờ nhận được. Tại sao thư lại nằm đây, nơi góc bàn thờ ông bà, trên căn gác ba tôi? Tôi run rẩy lật từng trang. Lá thư cuối cùng, cách nay đã hai năm, Út đau khổ viết "...Em gởi cho anh rất nhiều, rất nhiều thư. Nhưng vẫn chưa bao giờ nhận được hồi âm, dù chỉ là đôi dòng ngắn ngủi. Em biết, hình bóng em bây giờ đã phai nhạt trong anh, đã vĩnh viễn phai nhạt trong anh. Vậy thì, bức thư này là bức thư cuối cùng em viết cho anh. Nếu không thương nhau nữa, thì hãy coi đây như những kỷ niệm, cho tình yêu chúng mình..." Tôi úp mặt vào hai lòng tay, ngậm ngùi. Cố nén buồn đau cho chìm xuống đáy tim, nhưng sao nước mắt của tôi vẫn lặng lẽ lăn dài.
Chiều xuống dần. Dì tôi còn ở trong bếp, cố làm món ăn cuối cùng. Tôi cầm xấp thư, vẫy trước mặt dì.
- Thư của bạn con. Sao dì cất, không đưa cho con?
Dì buông đũa, chăm chú vào các lá thư.
- Ô, thư này lâu rồi. Lúc con còn đi học. Ba giấu, sợ con bận tâm đến yêu đương sớm, chẳng học hành được.
Tôi lặng thinh, không nói được nên lời. Hình như cha mẹ nào cũng muốn con thành tài, trước khi có một mái ấm riêng tư. Tôi đành ậm ực tôn trọng ý nghĩ trong sáng đó. Chỉ còn cách trở về Cà Mau, gặp Út. Thành thật kể cho nàng nghe tất cả sự tình.
Buổi sáng, phi cơ cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhứt, vài giờ sau, nó đã có mặt ở phi trường Cà Mau. Quê hương tôi vẫn không thay đổi. Vẫn nghèo nàn, mộc mạc và cúi mặt âm thầm. Tôi vội vã về nhà. Má tôi cũng còn bán cà phê và bánh mì xíu mại cho trại lính ở đây. Gặp nhau, chưa đủ thỏa lòng, má vội bỏ buôn bán, đi thẳng ra chợ, tìm món ngon vật lạ để đãi đứa con yêu. Má về, tôi xin phép ra phố thăm bạn. Tôi hăm hở đến nhà Út. Địa chỉ như khắc trong trí, như tạc trong tâm, dễ chi phai được. Dưới dốc cầu quây, có lối rẽ chạy thẳng. Ngôi nhà nằm bên trái. Mái hiên với chiếc ghế dài bằng gỗ. Nơi, tôi và Út đã từng hôn nhau dưới ánh trăng đêm.
Cửa nhà Út đóng im lìm. Đám bông mười giờ phía trước quéo khô. Tôi gõ cửa. Gõ cửa. Gõ cửa liên tục. Cánh cửa vẫn bất động. Chẳng nghe ai trả lời. Tôi nôn nóng ngồi xuống chiếc ghế ngày xưa, chờ đợi. Như đã từng chờ Út trở về, dưới dốc cầu này, trên con đường này. Buổi chiều đã tàn. Ngoài kia, phố xá đã thắp đèn. Những ngọn đèn mù mờ, lạc lõng giữa hoàng hôn mới chớm. Tôi tuyệt vọng, cố gắng đứng lên, gõ cửa lần cuối. Lần này, tôi gõ lớn, rồi đập mạnh. Tiếng động rầm rập vang lên, vang lên khắp xóm. Cánh cửa nhà Út vẫn im lìm, nhưng cánh cửa nhà kế bên chợt bật tung. Một mái tóc đàn bà hiện ra, giọng chua lét. Không còn ai trong nhà. Người ta đi Biên Hòa hết rồi.
Đi Biên Hòa? Tại sao lại đi Biên Hòa? Năm nay, Út đang học thi tú tài II kia mà? Tôi vội vàng tìm đến bạn Út, những cô gái ngày xưa biết rõ chuyện tình của chúng tôi. Tôi gặp Huyền giữa phố, người bạn học thân thiết, thường về chung với Út, sau buổi tan trường. Thấy tôi, Huyền dừng lại, lạnh nhạt, trách móc. Ra đi mấy năm trời, không thèm viết cho người ta một chữ. Bây giờ, về đây, bày đặt kiếm tìm để làm gì? Tôi tiếp tục năn nỉ Huyền. Hãy cho tôi địa chỉ, tôi sẽ đến bên Út, tạ lỗi cùng nàng. Huyền bắt đầu quay lưng, sau khi hét lớn. Tôi chỉ biết Út ở Biên Hòa, và chỉ biết bấy nhiêu đó thôi!
Tôi quảy ba lô lên vai, chờ anh Nghĩa chở qua Nhà Bè. Hải vận hạm 401 đang neo ở đó. Tôi phải quá giang tàu về Năm căn, trình diện đơn vị là Giang đoàn 47 ngăn chận, hiện đang hoạt động vùng này. Đêm qua, tôi say khướt. Chỉ có vài chai la-de, lai rai với sò huyết ở chợ Phú Nhuận mà tôi đã thấy trời đất quay cuồng. Anh Nghĩa tiễn em ra chiến trường bằng những câu nói hào hùng, bằng chí khí qua thơ của các tráng sĩ thời xưa. Tôi hiểu, tôi đi lính là để bảo vệ tự do, gìn giữ đất nước, trước sự xâm lăng điên cuồng của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng anh Nghĩa đâu hiểu được tâm tư tôi bây giờ. Chua xót lắm! Út đã thật sự bay khỏi đời tôi. Bay mất, như một cánh chim.
Hải vận hạm 401 đang lướt sóng trên mặt đại dương mênh mông. Biển êm đềm. Chỉ có những gợn sóng nhè nhẹ, vỗ lụp bụp dưới mạn tàu. Phía xa, mũi Cà Mau nhô ra nước. Cửa Bồ Đề thấy mồn một. Con tàu tiến về Năm Căn. Tôi đứng bên hông tàu, ngó cảnh vật bao la. U Minh ngút ngàn. Rừng nối rừng dày đặc. Mùi bông tràm, bông đước hăng hắc trong gió, nhưng không thể xua tan mùi tử thần đang rình rập đâu đây. Một ông trung úy xuất hiện, lôi tôi vào khoang tàu.
- Vô đây, vô đây đi cha nội! Đứng ngoài đó, nguy hiểm lắm!
Tôi dùng dằng. Tỏ ý bất mãn.
- Sao? Sao nguy hiểm?- Tụi nó bắn bất tử. Đây là vùng U Minh. Địa ngục đấy, tân binh!
Ông trung úy gọi tôi là tân binh. Lính mới. Đúng quá! Lính mới chẳng biết cái chi chi. Lính mới như thằng điếc. Mà điếc thì không bao giờ sợ súng.
Chưa kịp phản ứng với ông trung úy, tôi đã thấy từng bầy chim xao xác trong rừng. Chúng hoảng loạn bốc lên cao, đua nhau kêu thét vang rân. Tiếp theo là một tràng súng còng-còng nổi lên, cùng với những trái B.40 phụp ra. Nó rớt lõm bõm bên hông, đằng sau và phía trươc tàu. Nó rơi lung tung, nhưng chưa có trái nào trúng đích. Lúc này, Hải vận hạm bắt đầu tăng tốc, chạy nhanh, thoát vùng đạn pháo. Lúc này, tôi mới nhìn thấy một toán giang đỉnh của mình, quay đầu, ủi thẳng vào bờ, bắn tan nát đám rừng. Nơi, có những trái B.40 vừa khai hỏa.
Căn cứ hải quân Hàm Rồng như một tiền đồn, trấn giữ phần đất Năm Căn. Trước căn cứ, là con sông Cái Lớn. Bên kia là rừng U Minh. Sông chảy tới đâu, rừng bạt ngàn tới đó. Cái Lớn còn gọi là Cửa Lớn, vì nó nối biển Đông và biển Tây bởi hai cửa : Bồ Đề và Mũi Ông Trang. Đây là bãi chiến trường gay go và đẫm máu nhất. Giặc bắc phương đã lợi dụng địa thế kinh rạch chằng chịt nơi này, nên thường chở vũ khí từ miền bắc đến, chi viện cho chiến trường miền nam. Và dân chúng ở đây rất phức tạp. Người lính không thể biết: ai theo quốc gia, ai theo việt cộng? Căn cứ còn có một phi trường nhỏ, dành cho trực thăng chiến đấu. Bọc vòng ngoài, có các tiểu đoàn: biệt động quân, địa phương quân và một vài đơn vị của sư đoàn 21 bộ binh.
Không biết tôi có là vị khách đặc biệt của địch quân không? Mà vừa bước chân vào chiến trường, họ đã chào đón tôi bẳng tràng đạn ác liệt, và những trái B.40 dữ dằn. Chưa đã, đêm đó, họ chơi thêm một trận pháo kích tưng bừng. Pháo nổ như pháo tết. Đạn rớt khắp nơi. Tiếng động rung rinh cả căn cứ, khiến trực thăng phải bốc cao, đoàn tàu phải rồ máy, phản kích, dọc theo dòng Cái Lớn. Như các đồng đội khác, tôi cũng khoác nhanh chiếc áo giáp vừa lãnh, chạy theo sĩ quan trưởng toán xuống giang đỉnh. Trời tối như mực. Chỉ có những vòng lửa vàng rực, khạc ra từ các họng súng đen ngòm.
Buổi sáng trở lại. Sông Cái Lớn vẫn mơ màng sương khói. Căn cứ vẫn rực vàng dưới ánh nắng ban mai. Trực thăng phi trường vẫn phì phạch bay lên, tuần tiễu trên bầu trời. Tất cả đều hoạt động bình thường. Hình như chuyện pháo kích đêm qua chỉ là chuyện nhỏ thường tình, giống như chuyện những chú lùn gảy ngứa một ông khổng lồ. Tôi lủi thủi xuống câu lạc bộ kiếm ly cà phê, bỗng gặp Hùng từ bến tàu đi lên. Hùng là bạn đồng khóa với tôi. Hắn về đây hồi nào, sao tôi không biết?
- Ê! Đi đâu đây, thằng quỉ?
Hùng ôm tôi, hét lớn.
- Trời đất! Không hẹn mà gặp nơi địa ngục này. Đi. Đi xuống câu lạc bộ, cà phê.
Câu lạc bộ là một căn nhà mái tole, dài thòng như chuồng ngựa. Những cái bàn lè tè, gập ghềnh trên nền đất ẩm thấp. Vậy mà lính đông nghẹt, vây quanh. Khói thuốc mịt mùng như khói nhang của mấy chùa Tàu thành phố.
- Này, ngồi xuống đây. May quá, còn một cái bàn ở trong kẹt.
Hùng chọn đơn vị và về đây trước tôi một tuần. Trước chỉ một tuần mà xem hắn phong sương quá! Đôi mắt dường mệt mỏi. Hậu quả của những đêm thức trắng.
- Ở đây chỉ có cà phê đen và mì ăn liền. Chịu khó nuốt vô cho đầy bụng. Hãy quên những bữa ăn Mỹ đi nhá!
Tôi thở dài, nhớ đến khẩu phần đồ hộp ở Slough. Những miếng thịt hộp ở đó còn hương vị hơn mì ăn liền nhiều. Vậy mà có lúc tôi chê trách, tôi hậm hực với khẩu phần đặc biệt này. Tôi chợt thương người lính Việt Nam Cộng Hòa. Họ vào lính với đồng lương quá ít, với lương thực quá thiếu, nhưng cũng quyết cầm súng, đứng lên, anh dũng bảo vệ tự do cho miền nam.
- Mày có biết thằng Tấn không? Nó cũng ở đây.- Tấn già? Có vợ và con nheo nhóc trước khi vô lính, phải hông?- Ừ. Đơn vị nó là hải đội 5 duyên phòng. Lát về, tau dẫn mày gặp nó.
Tấn đứng trước cửa PCF, chờ lệnh khởi hành. Máy tàu đang nổ, mũi hướng về Vàm Lũng. Chỗ, kết thúc của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Chúng tôi mừng nhau, trong tiếng vang lụp bụp của máy tàu. Tự dưng, không hẹn, chúng tôi ngó cặp lon trên vai. Đù má, mới đây cái quai chảo còn vàng hực. Bây giờ, chưa chi, nó đã phai màu, giống hệt như cái quai dính lọ, đen xì. Tấn cười hì hì. Hắn đưa tay về chúng tôi,vẫy vẫy.
- Thôi, tau vọt. Tuần sau, gặp lại. Tụi mình sương sương vài xị!
Tuần sau, chúng tôi sương sương vài xị tại chợ Hàm Rồng, nơi quán cô Chọn. Nhưng không có mặt Tấn. Và vĩnh viễn không thấy mặt Tấn. Chiếc PCF hôm đó đã chở hắn đi mất biệt. Địch quân đã hèn nhát núp lùm trốn bụi, ôm B.40 bắn lén Tấn. Máu thịt Tấn đã hòa với dòng Vàm Lũng, trộn với đất nước Năm Căn, viết thành trang lịch sử bi hùng. Cuộc rượu chưa tàn. Hùng chưa say. Tôi chưa quỵ. Nhưng, vài xị sương sương đã làm tôi nóng máy. Cái chết lãng nhách của đồng đội đã làm tôi điên cuồng. Tôi ngó cô Chọn đăm đăm. Một cô gái nhà quê hiền lành? Hay một giao liên việt cộng, sẵn sàng lấy máu chúng tôi, bất cứ lúc nào? Những dấu hỏi liên tiếp nhảy múa trong đầu tôi. Tại sao nguyên cái ấp Hàm Rồng này, tìm không ra một người đàn ông? Ở đây chỉ có đàn bà và con nít. Và chiến tranh. Cái chiến tranh kỳ cục. Kẻ ẩn người hiện. Địch quân như một bóng ma. Chuyên môn khuấy rối, rồi trốn chạy. Tôi bắt đầu hừng hực, dằn mạnh chai rượu xuống bàn, lớn tiếng.
- Cô Chọn.- Dạ, thiếu úy gọi em.- Cho thêm xị nữa. Mà này, tôi có câu hỏi. Cô phải trả lời thành thật, không được nói láo, nghe chưa?- Dạ, thiếu úy hỏi gì?- Tại sao cái ấp Hàm Rồng này không có đàn ông, mà lại có con nít?
Cô Chọn đỏ mặt, bẽn lẽn nói.
- Cái đó...chuyện của người ta. Em đâu có biết?
Tôi nốc nguyên một ngụm rượu vào họng, rồi chỉ ngón tay vào đám rừng bên kia sông.
- Đàn ông vô bưng hết phải không? Lâu lâu họ lội về thăm vợ? Chớ không lẽ con nít từ trên trời rớt xuống?
Cô Chọn không trả lời được câu hỏi vừa đùa vừa thật của tôi. Những người đàn bà Năm Căn không trả lời nổi câu hỏi của tôi. Vì U Minh như vậy đó. Vì chiến trường như thế đó. Và vì lửa đạn đã biến cuộc đời học trò nhu mì của tôi thành một người lính tính toán, có quyền hoài nghi tất cả. Về đây, tôi không còn thời gian để làm thơ, mơ mộng. Không nơi nào an toàn để nghỉ ngơi, nhớ lại cái quá khứ vô tư của mình. Kể cả cầm viết, viết đôi dòng cho Kaylee. Kể cả một thoáng bâng khuâng, chạnh lòng với hình bóng Út.
Lần lữa mãi, giang đoàn 47 ngăn chận cũng được lệnh trở về Mỹ Tho dưỡng quân, tiếp tục cuộc ngăn chận mới. Trước khi rời U Minh, giang đoàn chúng tôi phối hợp với tiểu đoàn Biệt Động Quân, khám phá được hầm vũ khí của địch ở đoạn kinh Cái Nháp. Hầm vũ khí rất lớn. Hai giang đoàn luân phiên nhau đưa vũ khí về căn cứ, ròng rã một ngày dài, vẫn chưa xong. Cuộc hành quân này, tôi lại mất thêm một thằng bạn, thiếu úy Tuấn, đại đội phó Biệt Động Quân.
Sáng sớm, tôi và Hùng gặp nhau cuối cầu tàu, giữa tiếng phình phịch huyên náo của các chiến đỉnh. Chúng tôi chia tay mà nước mắt rưng rưng. Tôi chúc Hùng ở lại bình an. Bắt chước tiền nhân, tôi vái đất đai thổ trạch nơi đây che chở hắn. Hùng cũng mong tôi thuận buồm xuôi gió, lộ trình an toàn, về căn cứ Đồng Tâm vui vẻ.
Đúng như lời cầu mong của Hùng, giang đoàn chúng tôi về Mỹ Tho an toàn, không tốn một viên đạn. Lúc tới Năm Căn, tôi được địch quân chào đón tưng bừng. Ngày rời Năm Căn, sao chúng nó lại buồn bã im re, không kèn trống ồ ạt tiễn đưa? Có lẽ, địch đã bị ê càng, từ cuộc hành quân của những ngày trước?
Trên dòng Tiền Giang êm đềm, trước khi vào thành phố Mỹ Tho xinh đẹp, chúng tôi đã thấy con kinh Xoài Hột cất đầu, chỉa thẳng ra sông. Căn cứ Đồng Tâm nằm phía trong con kinh này. Là một cái hồ rộng, được nạo vét sâu để làm bến cảng, cầu tàu, và các ụ sửa chửa cho những chiến đỉnh hư hỏng. Giang đoàn chúng tôi cặp bến, trước bộ chỉ huy giang đoàn 21 xung phong. Phía sau bộ chỉ huy bạn, còn vài ba căn nhà tiền chế bỏ trống. Hôm nay, tạm dành cho giang đoàn 47 ngăn chận.
Ở rừng lâu quá, thèm được về Sài Gòn, chỉ để nghe bước chân của mình nện dài trên hè phố. Những bước chân thoải mái, tự do nơi vạt đất yên bình. Những bước chân cơ cực, nhưng đầy kỷ niệm của thời sinh viên buồn bã. Bây giờ về đây, Sài Gòn trong gang tấc, chẳng lẽ ngồi bó gối chôn chân, tưởng nhớ mông lung? Tôi lật đật vọt ra bến xe, sau khi nói với chỉ huy trưởng vài ba điều.
Ba tôi vẫn vậy. Vẫn còng lưng mỗi ngày bên chiếc máy đánh chữ, gõ lộc cộc. Dì tôi vẫn chăm sóc thức ăn hàng bữa cho gia đình. Anh Nghĩa đã về Long An, đóng đồn ở Tân Trụ. Muốn thăm anh, rất khó. Phải chờ toán lính địa phương quân mở đường, vào sáng hôm sau. Tôi đành từ giã chị Nghĩa. Luôn tiện, ghé thăm Lan một chút. Tôi vẫn nhớ người hàng xóm nghĩa tình, cô gái đã cho tôi ngủ nhờ hàng hiên, năm xưa. Chiều đó, tôi dẫn Lan đi lòng vòng Phú Nhuận. Tôi muốn có những bước chân đồng hành, cho đời khô khan này, thêm hương vị lãng mạn.
Giang đoàn chúng tôi, sĩ quan trẻ rất đông. Mỗi người có mỗi cá tính riêng, rất đặc biệt. Nhưng tôi chỉ chơi thân với Duyến. Có lẽ, hắn biết làm thơ và hay ngao du với tôi trên khắp nẻo đường. Tôi mất Út. Còn Kaylee thì xa xôi. Biết chừng nào nàng mới qua đây, giúp tôi bảo vệ đất nước thân yêu? Duyến cũng vậy. Theo lời hắn kể, có những mối tình đã ra đi biền biệt. Đời lính, truân chuyên với lửa đạn, chúng tôi rất cần bóng dáng giai nhân an ủi tinh thần. Về đây, Đồng Tâm có nhiều bóng dáng giai nhân, tha hồ chọn lựa. Các bóng dáng làm cho Mỹ, cho văn phòng quân đội...thì không được rồi. Vào đó, tranh giành với mấy ông quan lớn, chắc chắn sẽ ôm con tim đẫm máu chạy về. Chỉ còn mấy bóng dáng ở khu thương mãi, ở những tiệm may, quán ăn, quán cà phê...họa may mới kiếm được một người tình hộ thân. Duyến dẫn tôi đi khắp các quán cà phê. Nhạc Trịnh Công Sơn vang dội. Tiếng hát Khánh Ly xoáy vòng, đưa tâm hồn người lính lao đao, chìm ngập nỗi buồn trong khói thuốc và men rượu. Nhưng tiếng hát đó lại làm tôi cảm thấy cô đơn, lẻ loi hơn bao giờ. Và trong nỗi lẻ loi tận cùng, tôi bỗng cảm thấy có ánh mắt của một giai nhân, bên kia góc quán, đang ngó về tôi, như muốn thầm thì, chia sớt những điều chi?
Mỗi ngày, tôi dành một ít thời giờ, có khi buổi sáng, có khi buổi tối, đến quán Xuân Mai thăm ánh mắt lạ thường này. Đôi khi, tôi ngồi tới khuya, tới không còn một người khách nào trong quán. Bà chủ phải tắt nhạc, như đuổi khéo tôi ra khỏi quán. Tôi vẫn ngồi lì với chai bia và điếu thuốc trong tay, cho đến khi giai nhân tới gần, rót nhẹ vào tai.
- Anh về đi, khuya rồi. Mai, hãy đến nữa. Em buồn ngủ lắm!
Lúc đó, tôi mới chịu rời quán, nhưng hồn như vẫn còn lâng lâng ở lại, quấn quít theo bóng dáng giai nhân.
Ngày qua ngày, cuối cùng, tôi và Tuyết cũng quen nhau. Rồi có những lần, chúng tôi hẹn nhau ra thành phố Mỹ Tho. Ra đó, tự do hơn, không còn ai dòm ngó, hoặc ganh tỵ với tình yêu của mình. Buổi sáng, tôi dẫn Tuyết đi lòng vòng thành phố. Mỹ Tho đẹp và yên lành. Những hàng me cao vút, lung linh bóng hai đứa. Lá me bay trong gió, rớt xuống mái tóc dài của em, lấm tấm như những đóa hoa nhỏ, trong truyện cổ tích thần tiên. Buổi trưa, chúng tôi vào một quán ăn gần vườn hoa Lạc Hồng, chọn cái bàn ngó ra sông Tiền, để nhìn sóng gió lênh đênh ngoài kia, một cách lãng mạn. Canh chua cá bông lau là món canh Tuyết thích nhất. Tôi cũng vậy. Tháng năm ở Năm Căn ăn uống cực khổ. Suốt ngày sống trong hồi hộp, trong không khí lửa đạn bao quanh. Bây giờ, ngồi thảnh thơi giữa một phố thị yên bình, với cô gái đẹp, ăn bữa cơm ngon lành như thế này, làm sao mà không sung sướng, không hạnh phúc cho được?
Thời gian vàng son bên Tuyết, không lâu, chúng tôi phải chia tay nhau. Đêm đó, ông chỉ huy trưởng cầm lệnh công tác, nhá nhá trước mặt tôi và Duyến.
- Hai ông được biệt phái về căn cứ hỏa lực Phước Long. Chuẩn bị, ngày mai lên đường. Ở đây, có xe đưa các ông tới phà Hàm Luông. Từ phà về căn cứ, tụi tuần thám lo tiếp. Về đấy, hai ông tha hồ thơ với thẩn.
Tôi bàng hoàng, trước cái lệnh công tác bất ngờ này. Bây giờ, khuya rồi. Quán Xuân Mai đã đóng cửa. Tôi không thể từ giã Tuyết được. Tôi cũng không có gì để chuẩn bị trước. Chỉ có vài bộ quân phục, vài bộ thường phục. Và một cái túi quân trang, sẵn sàng quảy lên vai, bất cứ lúc nào.
Trước khi rời Đồng Tâm, tôi bảo tài xế chạy vòng ra quán Xuân Mai, cho tôi gặp Tuyết một chút. Trời Đồng Tâm đang lún phún mưa. Những hạt mưa như bụi, bay trong gió, mát lạnh. Tôi ôm Tuyết trong vòng tay, như che mưa cho em, và che một nụ hôn thật dài. Tôi hứa sẽ trở lại một ngày gần đây. Tuyết nhè nhẹ gật đầu, với đôi mắt đỏ hoe, đầy nước mắt.
Căn cứ hỏa lực Phước Long nằm ven bờ sông Hàm Luông, cách tỉnh Bến Tre khoảng hơn mười cây số. Đối diện với bờ bên kia là Cồn Ốc thênh thang, cây lá xum xuê. Căn cứ này là bản doanh của trung đoàn 10, sư đoàn 7. Tôi và Duyến về đây làm trong phòng hành quân của hải quân, vì hải quân và bộ binh thường phối hợp tác chiến với nhau. Vừa đút đầu vào phòng trực, chưa kịp đặt ba-lô xuống, địch quân lại chào đón bằng một trận pháo kích kéo dài. Khác với Năm Căn, nó "chơi" luôn ban ngày, giữa thanh thiên bạch nhật. Nó pháo từng hồi. Hết hồi này, nghỉ ngơi một chút, rồi mới làm hồi tiếp. Cứ thế, kéo dài cả ngày. Mỗi hồi pháo, nó thay đổi tọa độ bắn, khiến pháo binh bên ta, mệt nhoài với những vị trí phản pháo.
Làm việc ở đây thoải mái. Chúng tôi chỉ thay phiên nhau trực "ca". Ngoài giờ trực, tôi có dư thời gian nhàn rỗi. Muốn khỏa lấp khoảng trống này, chỉ biết ngồi làm thơ hoặc nghĩ về Tuyết, hay quá giang qua Cồn Ốc, hít thở không khí cây xanh. Cồn Ốc, bề ngoài có vẻ yên lành, nhưng bên trong là trái bom rất nhạy, có thể nổ tung bất cứ lúc nào. Dân quê, ở đâu, cũng vậy. Không có yếu tố cân đo nào để đo lường sự lương thiện nơi họ. Có thể, ban ngày, họ là những nông dân hiền lành. Đến đêm, họ biến thành ác quỷ, hùng hổ xách mã tấu chặt đầu mấy ông viên chức trong làng. Vì thế, khi trời bắt đầu chạng vạng, mấy ông viên chức các ấp, vội vã khăn gói lên xã, ngủ nhờ. Tuy vậy, Cồn Ốc cũng chẳng thiếu những gia đình gương mẫu, những cô giáo lịch thiệp, những học trò lễ phép với người lính Cộng Hòa. Tôi và Duyến ngao du khắp làng, đi đến đâu, cũng được các em bé khoanh tay chào hỏi. Chúng tôi ghé chợ làng. Những quán cóc dọc ngang. Những cái sạp đầy rau quả. Những đám đông bu quanh một đoàn hát cải lương. Đào, kép mỗi người mỗi góc. Họ có vẻ buồn bã, chán nản một điều gì? Tôi chợt nhớ má tôi. Ngày xưa, má cũng là một tay ghiền cải lương. Bất cứ gánh nào đến Cà Mau, má cũng đều có trong tay tấm vé thượng hạng. Riêng tôi, tôi rất thích và cảm thông với đào kép gánh hát. Họ có vẻ phong trần, cực khổ, chỉ mong đem tiếng hát của mình phục vụ cho niềm vui quần chúng.
- Mời hai ông thiếu úy vô đây, lai rai, nghỉ chân một lát.
Tiếng gọi phát ra từ quán cóc. Một người đàn ông trung niên, lạ hoắc, ngoắc ngoắc chúng tôi. Duyến e dè đẩy tôi vô quán.
- Chào thiếu úy. Tôi là Viễn Khách, bầu gánh đoàn Sông Xanh. Kính mừng hai vị.
Vừa nói xong, ông trút nguyên ly rượu vào miệng, rồi rót lại đầy ly, đưa cho tôi.
- Từ từ ông bầu. Chúng ta ngồi xuống, chuyện trò giây lát.
Duyến ngăn lại, cầm vội ly rượu, đặt nhẹ xuống bàn. Tôi móc gói capstan ra khỏi túi áo, lịch sự mời Viễn Khách. Những sợi khói ngoằn ngoèo bay lên, cùng với tiếng rít thuốc của người bạn mới.
- Gánh hát ông sao có vẻ buồn quá! Tôi thấy đào kép mỗi người mỗi góc. Hình như họ đang suy tư việc gì?- Ừ, tụi tui sắp "dẹp tiệm". Hát, không đủ sở hụi.
Tôi nhấc ly rượu, nốc cạn.
- Nguyên cái Cồn Ốc này, không ai ủng hộ gánh hát ông sao?- Có chứ! Nhưng chỉ lúc đầu. Lúc sau, trời cứ mưa dầm. Có khi, đang hát, pháo kích tùm lum. Riết rồi, ế nhệ. Chúng tôi đành húp cháo rùa. Mấy tháng nay, cả đoàn, toàn ăn cháo cầm hơi.
Ông bầu lại rót rượu, trao cho Duyến.
- Mấy ông đừng nghĩ gánh Sông Xanh này là gánh bù tèo nha! Nó là hậu thân của đoàn Hoa Sen đấy! Kép Bảy Cao về hưu, giao gánh lại cho tui.
Tôi ngó ra gánh hát. Lèo tèo vài trang phục đang phơi nắng trên hàng rào. Lác đác các đạo cụ, các phông cảnh đã bạc màu theo thời gian, nằm ngổn ngang trên sàn diễn.
- Gánh Hoa Sen ngày xưa rất nổi tiếng. Bầu Bảy Cao đã có sáng kiến đem điện ảnh đầu tiên vào sân khấu. Bây giờ, giao lại cho ông, sao tệ thế này?
Anh kép ngồi bàn kế bên, thốt lên.
- Hát được bao nhiêu tiền, ổng cứ nhậu riết. Gánh nào mà lên cho nổi? Tệ là cái chắc.
Ông bầu vỗ vai tôi, mếu máo.
- Buồn thời cuộc thiếu úy ơi! Ở thành phố, chúng tôi hát không lợi với các gánh đại bang. Về thôn quê thì gặp chiến tranh, lâu lâu trút xuống đầu. Dân không dám giải trí. Nên buồn quá, đành mượn rượu tiêu sầu.
Duyến đưa ly qua tôi, sau khi đẩy nguyên ngụm rượu vào họng, rồi hắn đứng lên, dốc túi ra, đặt hết số tiền lên bàn. Tôi cũng bắt chước, làm y chang như Duyến.
- Đây, số tiền này chúng tôi tặng, giúp gánh hát ông. Với điều kiện, hôm nay ông sẽ đờn ca tài tử với chúng tôi cho vui. Chịu hông?
Chúng tôi tụ tập trên sân hát. Đào kép quây quần nhau, thành một vòng tròn. Viễn Khách ngồi trên ghế con, ôm cây guitar, bấm phím rao dây. Bóng dáng trầm tư của cô đào chánh Mộng Thu đập vào mắt tôi, mắt Duyến một mối thương cảm sâu đậm. Nàng duyên dáng nhất đoàn. Nhưng có lẽ phong sương cuộc đời đã vùi dập nàng đến tận cùng đau khổ, nên đôi mắt lá răm kia, lúc nào cũng ươn ướt lệ sầu. Dây rao vừa dứt, tiếng hát Mộng Thu cất lên cao vút, trong trẻo vang lên giữa đất trời Cồn Ốc, làm trái tim tôi rộn rã từng hồi. Tiếng hát tiếp tục thênh thang. Nó lướt nhanh trên những hàng cây, rồi chìm ngập trong sóng nước Hàm Luông, làm lận đận, lao đao từng cánh chim giang hồ. Ngón đàn Viễn Khách cũng tuyệt luân. Lúc bay bổng, lúc trầm sâu. Lúc ấm áp, lúc giá băng. Lúc chia ly, lúc sum họp.
Tiếng đàn tài tình của ông bầu và giọng hát thần sầu của đào chánh Mộng Thu, rốt cuộc, cũng quá vãng. Cồn Ốc bạc đãi họ. Chiến tranh hất tung họ khỏi sân khấu. Và đồng tiền của những tên lính trận như tôi và Duyến, nào phải là đồng tiền của đại gia, tha hồ rộng rãi. Ngày rã gánh, Mộng Thu nhìn tôi đắm đuối. Tôi nhất định, cắn môi quay sang chỗ khác. Bởi tôi biết, nếu không cứng rắn, chắc chắn tôi sẽ quỵ ngã, trước đôi mắt lá răm lãng mạn này.
Gánh hát Sông Xanh tan rã, buồn quá, tôi không muốn ghé qua Cồn Ốc nữa. Ngày qua ngày, tôi và Duyến cứ loanh quanh trong câu lạc bộ căn cứ. Mượn cà phê và khói thuốc, khỏa lấp khoảng trống tâm hồn. Hoặc hai đứa rút vào phòng làm thơ, nghe chữ nghĩa thăng hoa đến thượng tầng ngôn ngữ. Hay tôi thẫn thờ trên các lối đi, phóng tầm mắt qua các vòng kẽm gai lạnh lùng, chỉ để đưa tâm sự về Tuyết, chỉ để nhớ từng góc phố, in dấu chân tình yêu. Rồi một ngày, Tuyết lặn lội đến thăm tôi. Nơi vùng hỏa tuyến hắt hiu này, hiếm có một tình nhân đến thăm một tình nhân? Tình yêu đã bắt cô gái nhu mì trở nên gan dạ? Tình yêu bất chấp chuyện tử sinh, vượt mọi rào cản cuộc đời? Chuyến đò khách vừa tách bến, tôi đã thấy chiếc áo bà ba của Tuyết phất phới trên cầu tàu. Cảm động quá, tôi chạy một mạch ra bờ sông, nhào tới ôm Tuyết, trong vòng tay vô tận thương yêu.
- Trời ơi! Sao em gan quá vậy? Dám mò vào đây để thăm anh?- Lâu quá, anh không về. Em đi thăm anh chớ sao? Nói chuyện với anh một chút, em sẽ trở lại Mỹ Tho.
Tôi ngó ra Hàm Luông. Con nước êm đềm. Một dòng sông dáng vẻ hiền lành, nhưng thực chất, chứa đầy đe dọa. Những dề lục bình trôi nhẹ nhàng, biết đâu bên trong đang tàng trữ một quả mìn, sẵn sàng nổ tung khi chạm đúng mục tiêu. Chiến tranh không từ bỏ bất cứ điều gì. Kể cả tình yêu. Kể cả ân huệ.
- Làm sao có đò để em về? Chiều rồi, em không thấy sao?
Tuyết nắm chặt tay tôi.
- Thì em ở đây với anh, mai về.- Trời ơi! Không được đâu. Tụi nó pháo kích vô, chết cả đám. Ở đây không có hầm trú ẩn, em à!
Tuyết ôm chầm tôi, âu yếm.
- Thì...tụi mình chết chung.
Tôi đưa hai tay lên trời, đầu hàng. Tình yêu đã làm em khờ khạo quá. Bất chấp mạng sống. Bất chấp lẽ sinh tồn của một đời người. Nhưng, tôi là lính chiến. Tôi không thể xuôi tay, chấp nhận điều vô lý đó. Tôi đi lính là muốn bảo vệ em, bảo vệ đồng bào, bảo vệ tự do cho đất nước này.
- Đi. Anh đưa em về Mỹ Tho.
Tuyết tròn xoe đôi mắt, ngạc nhiên.
- Hả? Anh đưa em về? Bây giờ?
Trong tích tắc, tôi đã cởi quân phục, thay vào đó là bộ thường phục bèo nhèo. Tôi lên cò khẩu colt 45, rồi giắt nó trong lưng quần. Đợi hoàng hôn xuống dần, tôi dẫn Tuyết ra bờ sông, ngoắc một ghe thương hồ đang chạy tới, quá giang về bến phà Hàm Luông. Trước khi lên ghe, tôi nhã nhặn nói với người chủ.
- Vợ chồng chúng tôi muốn về Bến Tre gấp. Gia đình đang có chuyện buồn. Xin anh vui lòng thông cảm và giúp đỡ. Rất cám ơn anh.
Tôi trở về căn cứ hỏa lực Phước Long an toàn, sau vài ngày bên Tuyết ở Mỹ Tho. Duyến thay tôi trực phiên bơ phờ, nên nét mặt héo khô như một lá cải thiếu nước. Nhưng khi bạn cất lời, tôi mới biết Duyến buồn vì hai sĩ quan trong giang đoàn vừa mới ra đi.
- Thằng Viễn bị B40 ở kinh Giao Hòa. Xui xẻo, đạn trúng ngay Viễn, làm bạn mình bị văng xuống nước và mất tích. Chiến đỉnh ủi vào bờ, phát hiện hố bắn B40 của tụi nó nằm sát bờ kinh. Thế là, một trái lựu đạn quăng xuống, chôn xác quân thù.
Hình ảnh Viễn bỗng hiện ra trong tâm trí tôi. Người bạn với dáng dấp thư sinh. Mái tóc luôn bềnh bồng trước gió. Mới hôm nào đây, bạn tôi đã ẵm trọn trái tim của cô hàng sách Bến Tre. Có ngờ đâu, hôm nay, thân xác đã chìm xuống lòng nước, chưa biết trôi giạt phương nào?
- Còn thằng Tuấn mập? Hắn thế nào?- Tuấn mập thì bị nó đánh mìn ở kinh Chợ Gạo. Chiếc Tango chìm lỉm. Tuấn theo tàu đi luôn.
Tôi đứng chết trân, ngó Duyến. Tôi muốn hét lên thật lớn, muốn kiếm rượu uống để quên đời, để nhớ tới những thằng bạn đã hy sinh. Đồng đội tôi lần lượt ngã xuống. Những vành khăn tang lần lượt quấn lên đầu dân tộc tôi. Chiến tranh bùng nổ khắp nơi. Địch quân có mặt mọi chỗ. Chúng hèn hạ bắn lén hoặc điên cuồng tấn công theo kiểu biển người. Chúng lao vào mục tiêu như những con thiêu thân khờ dại. Lớp trước gục xuống, lớp sau tiến lên, nối đuôi tiến lên. Chúng cố tình xâm lược miền nam. Nhất quyết bóp chết nền dân chủ miền nam.
Vài ngày sau, tôi và Duyến trở lại Đồng Tâm, thay thế Viễn và Tuấn mập. Tuy về bến cũ, gần Tuyết, nhưng vẫn thấy cách xa vời vợi. Tôi dẫn tàu đi kích và hành quân liên miên, không có thời gian ra quán cà phê, nhìn khói thuốc vờn bay quanh nhan sắc người tình. Địa bàn hoạt động là những dòng sông, con kinh tỉnh Bến Tre. Nơi, ngày trước, Viễn đã từng dẫm chân qua. Bây giờ, tới lượt tôi. Có nhiều lần, tôi ghé hàng sách chợ tỉnh, định nói cho cô gái biết, Viễn đã hy sinh. Nhưng cớ sao, tôi vẫn mãi e dè. Thôi, hãy để dòng đời trôi qua một cách êm đềm. Hãy để cô gái sống an lành, trong những giấc mơ đẹp.
Trở lại Kinh Giao Hòa mịt mù khói lửa. Nơi, Viễn đã nằm xuống, đã hòa thân xác vào nước, đất, đã noi gương tiền nhân giữ bờ cõi cho đến giây phút cuối cùng. Trở lại kinh Giao Hòa phối hợp hành quân với sư đoàn 7. Buổi sáng, chiến đỉnh chúng tôi đã có mặt ở An Hóa với nhiệm sở tác chiến 100/100, với nhiệm vụ chận đường rút lui của địch, thoát từ các con rạch nhỏ thông ra kinh Giao Hòa. Lệnh cấp trên ban ra, tập trung hỏa lực tối đa tiêu diệt địch tại chỗ, không có điều kiện để bắt từng tên. Sư đoàn 7 sẽ giăng hàng ngang tấn công vào mục tiêu, lùa giặc từ phía đông xuống. Buổi trưa, chúng tôi chong súng chờ trong im lặng. Và ở phía đông, súng đang nổ long trời, lửa đạn đang ngùn ngụt. Chẳng bao lâu, xuồng, ghe trong rạch bắt đầu túa ra. Tôi thấy lố nhố người trên đó. Tất cả đều lọt vào tầm hoạt động hiệu quả của các xạ thủ trên tàu. Chỉ cần lệnh của tôi phát ra, hàng trăm loạt đạn sẽ cất lên, tàn sát mục tiêu. Nhưng không, tôi chụp vội ống dòm, quan sát thật kỹ. Trời ơi! toàn là đàn bà, cụ già, con nít nheo nhóc trên xuồng. Họ là địch đây sao? Hay họ là thân nhân của địch? Hay họ là dân, tản cư vì chiến cuộc đang bùng nổ? Những câu hỏi liên tiếp đập vào đầu tôi. Rồi, mỗi câu hỏi, tự nó, đều không có câu trả lời. Lúng túng, tôi bóc ống điện đàm, gọi về bộ chỉ huy.
- A lô! Làm ơn trình bày với mặt Tango. Chuột đã xuất hiện đúng nơi, đúng lúc. Nhưng ngó kỹ, chỉ toàn chuột cái, chuột mới đẻ và chuột già. Tui nghi là phe ta, không dám oanh kích.
Tiếng ồ ồ phát ra từ phòng hành quân.
- Chuột đó, chơi xả láng đi Alpha.
Tôi bực dọc.
- A lô! Làm ơn hỏi lại Tango cho chắc ăn. Tôi chờ.
Vài phút sau, tiếng chỉ huy trưởng hét vang.
- Tại sao phải thắc mắc? Thấy chuột thì phải lẹ nhổ lông đi chứ! Trước khi đi, ông có đọc lệnh hành quân không?- Dạ thưa, có. Nhưng, họ đông quá. Tôi nghi là dân tản cư. Họ không phải chuột.- Ở trong vùng oanh kích tự do, sống trong mật khu vi-xi. Không là chuột, chớ là cái gì?
Tôi băn khoăn vài giây. Hình ảnh những em bé nheo nhóc vì binh lửa, bám cứng vào thị giác tôi.
- Họ chỉ toàn trẻ em, đàn bà với cụ già. Tango ơi!
Tiếng hét oang oang, bỗng dịu lại.
- Hả? Trẻ em, đàn bà với cụ già? Chờ chút, tôi sẽ hỏi ý kiến mặt trời.
Sau một lúc, tiếng nói lại oang oang.
- Tôi sẽ gọi một sĩ quan khác ra thay ông. Về đây, trình diện Tư Lệnh nhé!
Sau trận đó, tôi bị "tống" vô Mộc Hóa, theo một phân nhánh tác chiến của giang đoàn ngăn chận. Tôi lại xa Tuyết. Xa quán Xuân Mai có nhiều kỷ niệm. Xa Đồng Tâm thân yêu, mỗi sáng mỗi chiều, ngồi gõ nhịp bên cốc cà phê đong đầy dòng nhạc Trịnh Công Sơn. Xa tất cả để về Mộc Hóa. Một tỉnh lỵ tân lập, hoang sơ, nhỏ bé như cái mu rùa. Trèo lên tuột xuống, chỉ lòng vòng vài con đường đầy bụi và ổ gà, là hết. Phố xá nghèo nàn. Chợ búa chật chội. Mùa nước nổi, người ta phải chống xuồng ra quán, uống cà phê. Sông Vàm Cỏ Tây sát chợ. Lúc nào cũng trong xanh, có thể thấy cả đàn cá lội lờ đờ. Nhưng nước quanh năm nhiễm phèn, vị chua như nước chanh. Chiến tranh đe dọa nơi đây. Biến mảnh đất quê mùa thành mảnh đất đầy hố bom, lỗ đạn.
Chúng tôi tá túc trong một trại của giang thuyền. Túm năm tụm ba như gánh cải lương. Buổi tối, chở địa phương quân đi kích ở những nơi hiểm yếu. Hoặc áng ngữ dọc theo bờ, canh chừng, không cho kẻ thù băng sông. Đôi khi, tôi cũng về Tuyên Nhơn, phối hợp với giang đoàn tuần thám, tham dự các cuộc hành quân lớn cùng bộ binh.Trong khi tôi về Mộc Hóa như một tên lính bị đày, thì Duyến ở lại Đồng Tâm, leo lên chức nội vụ. Mừng cho Duyến, nhưng lại tủi cho thân phận mình. Ở đây, quá quạnh hiu. Không Duyến, không Tuyết, tôi cảm thấy cô đơn ngút ngàn. Lúc nhàn rỗi, chỉ biết mượn rượu giải sầu. Túi thơ, hầu như đã bị binh lửa trút sạch. Thê lương và chết chóc như một ngọn lửa tàn khốc, thiêu rụi ngôn từ. Tôi tự đóng thập giá cho mình, giải tội cho bầy thơ đang mang bản án bởi chiến tranh xâm lược.
Rồi cũng có một hôm, Tuyết mò đến thăm tôi. Tuyết thăm tôi vào buổi trưa mưa lầy lội. Chiếc xe đò từ Mỹ Tho đến Mộc Hóa khó khăn. Khi vượt qua tiểu lộ gập ghềnh đá cục và lải rải mìn bẩy hai bên vệ đường. Tuyết gặp tôi bình an, là một phước hạnh cho tình yêu chúng tôi. Buổi chiều xuống nhanh. Mưa vẫn lất phất trên con phố đìu hiu này. Mưa vùi bụi đỏ xuống đất, bện chặt chúng vào nhau, tạo thành lớp bùn nhão như keo. Dù mưa gió não nề, tôi không thể để Tuyết trong cái trại giang thuyền hỗn tạp này được, tôi phải ra phố mướn khách sạn cho nàng, trước khi lên tàu đi kích đêm nay. Tôi che dù dẫn Tuyết ra mưa, đạp trên lớp bùn nhão, đi tới.
Mộc Hóa chỉ có một khách sạn duy nhất. Lính tráng ở đây gọi là khách sạn ổ chuột. Vì nó là một ngôi nhà cũ kỹ, tồi tàn, thường bị mấy ông lính bộ binh say rượu đến đây quậy phá, tìm điếm. Chẳng trách được. Vì họ từ chiến trường, từ cõi chết trở về. Chỉ muốn mua vui ở thành phố vài giờ phù du, để rồi trở lại cái nghiệp binh lửa khốn khổ của họ. Đêm đó, người chủ khách sạn phải đưa Tuyết trốn trong ngôi chùa bên cạnh, tránh sự quấy rối của mấy ông thần lưu linh, bất chợt, xuất hiện.
Một thời gian sau, động lòng trước tình yêu chân thật của Tuyết, tôi đưa nàng về Cà Mau ra mắt má tôi. Thế là, hai đứa thành vợ chồng, trước khi tôi nhận giấy thuyên chuyển về hải đội 4 duyên phòng.
PHẠM HỒNG ÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét