Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

Một thoáng thơ tình thời chinh chiến điêu linh - Cao Thoại Châu

22489909_859500550877624_6615690875206802621_n
Thời yên ổn ở miền Nam trong vùng VNCH không dài lắm. Đến khoảng 1963 chính quyền VNCH đã có lệnh tổng động viên. Nhiều lớp thanh niên sinh viên phải gọi vào lính, trong đó không thiếu những nhà thơ tuổi đời còn trẻ. Bắt đầu xuất hiện rầm rộ một dòng thơ tình thời chiến. Sống động, nóng bỏng, không hùng tráng mà nhiều bi tráng nhưng rất chân thật, viết tự lòng mình .<!>
“Tặng cho em trái lựu đạn cay

Hạch nước mắt của thời đại mới
Tặng cho em cuộc chiến tranh đang tàn
Trên quê hương của bao nhiêu bà mẹ
Nơi đồng bào ta ăn bom đạn thay cơm
Nơi vải xô không đủ để chít đầu con trẻ”
(Trần Dạ Từ).

Lần đầu tiên những thứ dùng để hạ sát được nhà thơ mang làm tặng vật như tặng cho nhau một tâm trạng thừa mứa những vô vọng nghịch lý của một thời. Bài thơ này dường như thay lời muốn nói cho cảm quan nghệ thuật trước cuộc sống bị đắp bờ bao của phẫn nộ. “Tặng vật tỏ tình” không ít người có thời đã coi như bài thơ viết cho mình, thậm chí “ứng” vào mình. 
Bài mà tôi thích nhất là bài thơ của Trần Hoài Thư, anh bạn bị động viên cùng khóa với tôi, bởi nó nói những gì có thật, sự thật cay đắng làm sao!:

“Xin cô hàng thêm một két bia 
Hôm nay lãnh lương tôi dành đãi hết 
Cô hàng ơi, một mai tôi chết 
Ai tiêu dùm, ba tháng tiền lương 

Hôm qua tôi dừng chợ Bồng Sơn 
Mẹ thằng bạn ôm tôi mà khóc 
Tôi nói làm sao qua giòng nước mắt 
Thị trấn này vừa mất thằng con 
Cô hàng ơi cho một ly không 
Tôi rót mời một người lính Bắc 
Hắn nằm banh thây dưới hầm bí mật 
Trên người vẫn còn sót lại bài thơ 

Trên đồi cao, mây vẫn xanh lơ 
Có con bướm vàng dịu dàng dưới nắng 
Tôi với hắn, đâu có gì thống hận 
Bài thơ nào cũng viết để yêu em 
Khi tôi buồn tôi nói trăm năm 
Có nghĩa là tôi vẫn còn muốn sống 
Đừng nhắc cùng tôi người tôi yêu dấu 
Kẻo tôi lại sầu, mửa hết mật xanh”


nguoi_yeu_cua_linh*
Chiến tranh ngày một khốc liệt và dai dẳng, nó động đến từng gia đình. Một cuộc chiến tranh mà cả những người không thích nó cũng phải mặc áo lính như một bổn phận công dân. Nguồn xúc cảm của thi ca có ngay một bối cảnh mới là những cuộc chia ly- chia ly thời chiến. Thứ chia ly này hàm chứa một hy vọng ngày về hết sức mong manh

“Kỷ vật đây viên đạn màu đồng/
Cho em làm kỷ niệm sang sông/
Đời con gái một lần dang dở”
(Linh Phương).
Tình yêu và hạnh phúc thường xuyên trong tình trạng khẩn cấp như một thành phố bị thiết quân luật!
Còn không thì lối về cũng chẳng hanh thông gì

“ Tôi về ngơ ngác đôi tay
chân đi hồn rã áo bay lạ người
vẫn mình trên phố ngược xuôi
nghe trong cơn rộn tiếng đời héo hon 
mai đây bỏ lại phố phường
bụi se cát mỏi trên đường tôi đi”
(Lâm Chương) –
lính và cây đàn
ở đâu về và rồi đi đâu trong những năm tháng dang dở mộng chưa thành ấy?
Khi 25 tuổi tôi bị động viên và mất một mối tình chưa kịp tỏ cũng trong tình cảnh chung đó, nên tôi hiểu và trọng sự vội vã và cái quyền bị lung lay này của bạn mình:


“… em hỡi em
người anh yêu
anh có quyền hôn em lúc này
bởi ngày mai anh trở ra mặt trận
ở đó, anh không thiếu một thứ gì
kể cả máu
chỉ duy có thứ này
hãy viện trợ cho anh
đó là giọt lệ em xanh biếc…”

nhà thơ bị mất một chân vì mìn nổ Luân Hoán đã viết như tiên tri thế ấy. Không thiếu một thứ gì, máu thì nhiều không kể xiết giống như cái chết lởn vởn xung quanh, trong cảnh tượng đó, những “giọt lệ em xanh biếc” bỗng trở thành một thứ khát khao dù rằng lệ hay máu thì cũng là bi thương thôi. Tôi nghe một sự lẩn quẩn giữa hai dòng nước này của con người. 

Nhiều lúc anh tự hỏi không biết chiến tranh để làm gì/ 
không biết để làm gì nhưng dù không biết để làm gì đi nữa
hãy nhớ hôn anh một lần đi/

em nhé”
. Nhỏ nhoi thậm chí nhạt nhẽo một nụ hôn “trăn trối” không có nghĩa gì!
(Triều Uyên Phượng)
Ngày mãn lính trở về? Mấy câu của Hồ Minh Dũng

“Còn ba năm nữa anh sẽ về
Anh biết chắc không còn quê hương để ở
Em gắng sắm cho anh một cây đàn bầu
Làm bằng nắp hòm người lính nghèo
Chết ngoài mặt trận”

nghe có vẻ như báo động một tương lai khi nhà thơ hết hạn kỳ đối diện với chết chóc, nhưng sao đó lại không là thơ tình viết bằng trái tim người làm thơ bị cuốn vào cuộc chiến ?
Chiến tranh là hòa bình bị dán đè lên một mảnh giấy, ai cũng biết thế và ai cũng nuôi trong lòng một hy vọng ngày mảnh giấy rơi xuống. Nhà thơ vốn là người bén nhạy hơn “Và có thể nào đêm nay không còn tiếng súng

Không còn nghe tiếng còi hụ giới nghiêm
Ba giờ sáng xuống Ngã tư quốc tế 
Ăn một tô mì thơm ngát bình yên”
(Phạm Cao Hoàng).

Thật tuyệt vời cho tô mì ăn vào phút đầu tiên của hòa bình! Nó như một niềm hân hoan bé mọn không ít lần bị hụt hẫng. Phải đã từng có mặt ngoài phố , đứng ở một gốc cây, sau một tảng đá, trong giờ giới nghiêm mới hình dung ra được ảo ảnh một phút giây hòa bình là thế nào.
Rồi như Nguyễn Bắc Sơn

“đời đã bắt kẻ làm thơ đi làm lính
mang trong đầu những ý nghĩ trong veo 
xem cuộc chiến như tai trời ách nước”
nha-tho-nguyen-bac-son-lam-tho-ben-duongmg111-1390758303109

ìhì đấy là tiếng nói thực của nhiều người lứa tuổi tôi khi đó. Và tôi, CTC, có vẻ buông xuôi hơn, kết thúc một tình yêu sắp ngỏ
” Hãy cứ đi lấy chồng
Hoặc yêu một người nào khác
Rất có thể anh không về 
Tỷ lệ không về ngày một cao hơn
Đừng dại dột sống chờ làm góa phụ”.

Thơ tình thời chiến miền Nam trước 1975- thường được gọi là “thơ Sài Gòn” – thật sự thiếu không khí hào hùng nhưng đó là một nét đẹp bởi nó chân thật, điều hết sức cần thiết của thi ca, làm nên một giai đoạn thi ca đáng lưu giữ và trân trọng, nó có tính lịch sử rõ ràng. Tuy nét đó là một nỗi buồn có phần bị động, khó lòng nói hết.


Cao Thoại Châu
Cao Thoai Chau
(cựu lính và GS/THPT Kontum)

Không có nhận xét nào: