Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

Một Bầy Con Gái - Mây Lang Thang

(hình minh hoạ)
Viết về một bầy con gái Trưng Vương đầu óc tôi như bồng bềnh trở về những ngày tháng cũ. Con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm như trải dài trước mặt tôi với hai hàng cây sao cao vời vợi hai bên đường chụm đầu vào nhau để che nắng. Hình ảnh những nữ sinh áo trắng điệu đàng trên những chiếc Velo, ríu rít giăng hàng ngang, cười đùa trên những chiếc xe đạp, những bước chân sáo tung tăng trên vỉhè, hay bằng những phương tiện khác cùng tiến đến cổng trường trong buổi sáng tinh khôi với nắng sớm vàng tươi.  Rồi hình ảnh những tà áo trắng túa ra khỏi cửa trường khi giờ tan học.
<!>
Tôi là chị lớn của một bầy em gái, tổng cộng chín nàng. Một bầy con gái mà Ông Bố tôi luôn gọi là những con chào mào mổ khế.  Bố Mẹ tôi cũng lác đác cho ra đời ba cậu con trai nên Bà Nội tôi bảo là Mẹ chúng tôi thật khôn, có tràng pháo lẹt đẹt lâu lâu lại điểm quả pháo đùng.  Bố tôi đặc biệt thích Trưng Vương, trường nữ trung học nổi tiếng đã di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, vì vậy cả bầy con gái của Bố đã là những nữ sinh Trưng Vương ngoại trừ cô bé út khi mất nước mới lên bẩy.  Ngôi trường này đã ấp ủ chị em tôi trong suốt thời thơ ấu.  Chúng tôi luôn ghi nhớ công ơn những Thầy Cô đã tận tâm uốn nắn, dậy dỗ chúng tôi về cả trí dục lẫn đức dục, đã cho chúng tôi một hành trang để sẵn sàng vững bước vào đời.
Sở dĩ hồi ở TV các giáo sư không biết đến dây chị em hùng hậu chúng tôi vì tên chẳng vào một bộ và mặt mũi, hình dáng cũng chẳng giống nhau, đứa cao, đứa thấp, đứa trắng, đứa đen, mặc dù đứa nào cũng có những nét hoặc của Bố hoặc của Mẹ.  Tôi là chiếc đầu tầu, vào TV đầu tiên, khi tôi lên Đệ Tứ học buổi sáng Minh Thuận mới vào Đệ Thất học buổi chiều.  Hai cô Thuận, Hạnh học liền nhau rồi cách bốn năm sau Phương Nam mới đến tuổi vào trường, dẫn đầu dây năm chị em liên tiếp nhau, Phương Nam, Quỳnh Mai, Anh Thư, Tuyết Minh, Thiên Hương.  Tám chị em chúng tôi là những TV được Thày Cô thương yêu, bạn bè quý mến nhưng mãi đến sau này qua những kỳ hội ngộ, có nhắc đến, có gặp mặt chung, các Cô mới biết đến liên hệ chị em ruột một nhà của chúng tôi.
Thỉnh thoảng trong các dịp tụ họp đại gia đình, khi nhắc lại những kỷ niệm vui chúng tôi cũng phải rũ ra cười với nhau.  Bố Mẹ tôi dành riêng cho các cô con gái một căn phòng dài, rộng trên lầu hai. Một dẫy giường đơn kê liên tiếp nhau bên phía tường không cửa sổ và một dẫy bàn học kê sát tường có cửa sổ phía đối diện, như một trại nữ binh.  Bên trong là phòng riêng của Bố Mẹ và em bé nhỏ nhất.  Bố tôi là nhà binh nên luật lệ cũng theo kiểu nhà binh. Khăn trải giường lúc nào cũng phải phẳng phiu, gối màn ngay ngắn, sàn nhà sạch sẽ, bóng loáng, không được vứt rác rưởi lung tung.  Hễ đứa nào thấy chiếc xe Jeep đưa Bố về đậu xịch ngay trước cửa là hô lên “Bố về!”.  Thế là mấy đứa răm rắp kéo giường cho thẳng, bao nhiêu đồ đạc ngổn ngang được tống hết vào gầm bàn và đứa nào đứa nấy ngồi ngoan ngoãn trên ghế hoặc dưới sàn gạch đá hoa.  Mấy đứa nhỏ thì ríu rít sà vào lòng Bố.
Khi anh Dũng đi du học tôi được thừa hưởng phòng riêng của anh trên sân thượng, Mẹ tôi sắp xếp lại trại nữ binh, bỏ bớt giường và đẩy sát các giường nhỏ vào nhau, chỉ còn lối đi xung quanh để nhìn cho rộng hơn.  Mẹ vào Chợ Lớn mua một xúc vải tuyn màu hồng để tôi may một tấm màn lớn bao phủ nguyên cả mấy chiếc giường đã kê sát vào nhau và may cho tôi một chiếc màn mới.
Bấy giờ lại có luật riêng giữa những con chào mào. Đứa nào dậy trễ nhất phải gấp màn, làm giường. Thế là buổi sáng thức dậy hí hí mắt nhìn nhau để canh me và khi thấy đã thức hết là cả lũ tung màn chạy.  Đứa nào chậm chân đứa đó phải dọn giường.  Những đứa thắng thì cười rinh rích trêu chọc đứa thua đang mặt mày bí xị.  
Năm tôi học Đệ Nhất (1964 – 1965) được đề cử làm trưởng ban báo chí, cùng các bạn thực hiện Đặc San Mê Linh.  Khi báo in xong Vân Bằng và tôi được bà Hiệu Trưởng Nguyễn Thị Phú phái bác tài xế lấy xe hơi của bà chở hai cô sang các trường bạn để dán bích chương quảng cáo.  Vân Bằng rất khéo nói và vì các anh chị lớn của Vân Bằng trong ngành giáo dục nên thường đến trường nào cũng có giáo sư quen, được giúp đỡ rất tận tình.  Đến ngày phát hành tôi nhờ các đại diện lớp phụ trách bán báo ở trường mình và chia nhóm đi bán ở các trường bạn.
Tôi tốt nghiệp trung học thì vừa lúc Bố được mua phân phối một chiếc Suzuki cho tôi, thế là chiếc Velo Solex của Bà Nội thưởng cho anh Dũng khi thi đỗ Tú Tài, qua tay tôi, bây giờ được chuyền lại cho Thuận và Hạnh. Một buổi sáng từ sân thượng tôi đang thả hồn theo những cụm mây trắng lờ lững nhẹ bay trong bầu trời xanh trong.  Chợt nhìn xuống phía dưới, hai nhỏ em đang đẩy chiếc Velo ra khỏi cổng, chở nhau đi học.  Hai tà áo trắng tung bay trong nắng sớm, hai cặp ống tay áo phất phơ như những cánh bướm. Hai con nhỏ mặc hai chiếc áo dài tôi vừa mới chế kiểu. Tôi chế ra áo cổ tròn, xẻ một đoạn sau lưng đủ để chui đầu qua lọt, như vậy chỉ phải đơm khuy một bên từ nách tới eo thật giản dị. Hai ống tay xòe rộng. Dạo đó quần áo cả nhà đều do tôi may, kể cả áo dài đi học.
Các cụ thường nói có con gái trong nhà như chứa bom nổ chậm.  Vậy mà Bố Mẹ tôi có tới chín quả bom. Bố Mẹ yêu chín cô con gái của Bố Mẹ và yêu luôn cả bạn của các con.  Nhà chúng tôi luôn rộn ràng tiếng cười đùa và bạn bè tụ họp đông đảo thường xuyên. Khi Bố tôi làm việc tại Viện Bài Lao Ngô Quyền Thủ Đức, được cấp một căn biệt thự xinh xắn có vườn cây trái xung quanh trong khuôn viên nhà thương, mỗi khi nghỉ hè chúng tôi lại về đó chơi với Bố và tiện đường xe đò thỉnh thoảng lại kéo nhau đi Vũng Tàu tắm biển.  Hè năm 1967 tôi bận thi lên năm thứ hai trường Dược, Thuận thi Tú Tài nên chúng tôi được ở lại Sài Gòn để học thi.  Năm đó Ngân đến học với tôi, ở cả ngày, thỉnh thoảng ngủ lại đêm; Thuận có Bích Nga, Nguyệt Viên, Hoàng Nga; Hạnh có bạn thân là Kim Thục, Vượng.  Mẹ giao tiền chợ mỗi ngày cho Hạnh.  Cả một bầy con gái không có người lớn ở nhà, vui như Tết. Hai cô Hạnh và Thục không phải học thi nên đảm nhiệm việc cơm nước. Hai cô tính rất  khéo, thịt kho thêm cả một quả dừa khô bào mỏng.  Cá kho thì độn củ cải hay đậu hũ. Bữa ăn nào cũng có rau, có thịt, có cá, lại còn có cả nồi chè đậu xanh hay đậu đen lai rai cả ngày. Một bầy con gái lo học thi, nghe tiếng chuông báo hiệu bữa ăn thì chạy ào ào xuống, vừa ăn vừa rúc rích cười đùa rất là vui. May là các thí sinh năm đó đều thi đỗ.
Thuận liền tôi, kém tôi hai tuổi, hiền lành, ít nói và rất chăm học.  Các bạn của Thuận cũng hiền như Thuận, hồi đó Bích Nga hay đến nhà học cùng, Hoàng Nga có cặp mắt tròn to màu hạt dẻ, Ngọc Thanh, Minh Toán... những cô bạn TV thật dễ thương.  Thuận thích làm cô giáo nên  vào Đại Học Sư Phạm, có người yêu ngay khi đang là sinh viên. Thuận sinh hoạt hướng đạo ở ấu đoàn Bạch Đằng.  Người yêu của Thuận là một chàng tráng sinh Bạch Đằng lém lỉnh.  Bên nhà trai xin làm đám hỏi rồi đợi khi Thuận ra trường sẽ làm đám cưới.  Bố tôi nói để khi gần cưới sẽ làm đám hỏi luôn.  Khi thấy tôi mãi chưa quyết định chọn ai, Mẹ tạo áp lực lên tôi rất nhiều vì Mẹ cho rằng phải gả cô chị rồi mới tính tới cô em. 
Năm 1971 tôi lập gia đình.  Năm 1972 Thuận ra trường là làm đám cưới ngay và được bổ nhiệm về dậy tại trường Trung Học Vĩnh Long.  Đến năm 1974 Thuận được chuyển về Sài Gòn theo nhiệm sở của chồng và được trở về làm giáo sư Trưng Vương.  Năm 1975 Thuận di tản sang Mỹ theo nhà chồng.
Vân Hạnh sau Thuận, cao lớn hơn hai cô chị, đặc biệt là hai chị em Hạnh và tôi trông chẳng giống nhau, đứa cao, đứa thấp nhưng số cân hai đứa luôn bằng nhau và Hạnh mặc áo của tôi rất đẹp.  Khi nào đi chơi thì Hạnh cứ vào tủ áo của chị mà chọn, thích chiếc nào xỏ chiếc ấy, mặc vừa như in. Hạnh rất thông minh, học giỏi và như thần hộ mạng của tôi. Khi tôi đi thi Bố luôn bắt Hạnh phải chở đi và đến khi đi xem bảng tôi cũng đùn Hạnh đi xem trước.  Chắc ăn rồi tôi mới đi xem kết quả sau. 
Tôi còn nhớ trong một chương trình Văn Nghệ Học Sinh của các trường trung học ở Sài Gòn được chiếu trên màn ảnh truyền hình.  Trường Marie Curie có Thanh Lan, Trưng Vương có Vân Hạnh.  Vân Hạnh đơn ca bài Bên Bờ Đại Dương.  Cả nhà ngồi xúm xít quanh chiếc TV, nhìn Hạnh hát mà mọi người như ngưng thở. Bố tôi chăm chú xem và thỉnh thoảng lại:  “Cố lên con, cố lên con...” như sợ em bị đứt hơi mặc dù đã biết không phải là truyền hình trực tiếp. 
Vân Hạnh học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt, ra trường đậu Thủ Khoa ngành Tiếp Thị và được sang Mỹ học tiếp lên cao học.  Thời sinh viên Vân Hạnh hay hoạt động xã hội, từng tổ chức các buổi văn nghệ tại Viện Đại Học Đà Lạt để gây quỹ cứu trợ nạn lụt miền trung. 
Đám lau nhau từ Phương Nam trở xuống hay được tôi dắt vào trường những dịp tất niên hay những ngày Đại Hội, khi đủ tuổi đi thi lại trở thành nữ sinh TV.
Tôi ra trường được một năm Nam mới vào Đệ Thất (1966) Nam thông minh, học giỏi, thi Tú Tài đậu Bình nên được lên trường lãnh huy chương đặc biệt cho những người đi thi đậu hạng Bình trở lên năm đó.  Trông Nam hiền, ít nói, làm gì cũng kỹ càng và tính toán cẩn thận.  Lũ em nhỏ luôn nói chị Nam tầm ngầm mà chết người. Nhà con đàn nên Mẹ tôi thường mua trái cây cả cần xé và cà rem thì mua nguyên ký.  Khi ăn Mẹ để nguyên kí lô kem trong cái đĩa sâu lớn bầy ngay giữa bàn, mỗi đứa lấy muỗng tự ăn. Thường thì dùng muỗng nhỏ để ăn kem, cùng lắm là dùng muỗng súp.  Cô nàng chơi luôn cái sạn để chiên xào, xắn ngay một tảng  để vào chén riêng, ra một góc ngồi ăn ngon lành rồi cười ha hả trong khi mấy con nhỏ kia dùng cái muỗng ăn kem nhỏ xíu chổng mông lên mà chúi đầu vào đĩa kem.  Bạn thân của PN có Bích Hạnh, Tạ Nga, Thanh Loan, Bích Thúy, Diệu Trang... Năm PN ứng cử chức Phó Tổng Thư Ký toàn trường, Lê Bích Hoà là Tổng Thư Ký, cả nhà tôi được dùng làm trụ sở cho ban vận động, lo bích chương, soạn tờ quảng cáo, bàn thảo về các chương trình, sách lược... Không khí tranh cử cũng sôi nổi không kém dịp bầu cử Tổng Thống Mỹ.  Cuối cùng liên danh của PN đã đắc cử.
Sau khi ra trường Nam học Nha,  vượt biên sang đây Nam học lại và tốt nghiệp tại Hoa Kỳ, sau đó em mở  văn phòng ở Houston, Texas cho đến ngày nay.
Cô em Quỳnh Mai“Em là con gái trời cho đẹp. Tuổi mới mười ba đã đẹp rồi” (Một cây si đã mượn câu thơ này để ca tụng cô nàng).  Ngay từ hồi bé Mai luôn được tôi dắt vào trường những lúc có dịp vui. Con nhỏ mặt lúc nào cũng tươi, da trắng nõn.  Mai cũng học giỏi, thi vào TV đứng hạng 36 và có khiếu văn chương, ngay khi học đệ nhất cấp đã là phó trưởng khối báo chí toàn trường.  Mai cũng tham gia văn nghệ trong trường, có một năm bộ ba Quỳnh Mai, Tuyết Mai và Liên Tâm đóng vở kịch Trần Văn Ngu, Quỳnh Mai đóng vai chàng Trần Văn Ngu, Tuyết Mai làm bà già và Liên Tâm làm cậu bé bán lạc rang, thật vui.   Mai chơi thân với Nam Hồng, Diễm Thi, Minh Châm.  Về sau Mai làm kinh doanh vì cho là “Phi Thương Bất Phú”
Hồi nhỏ, cô bé Anh Thư học rất giỏi, đứng hạng 22 trong danh sách trúng tuyển TV.  Thư chăm và ngoan nhưng tính tình hơi nhút nhát.  Chỉ củ mỉ, cù mì sinh hoạt trong phạm vi lớp nhỏ của mình. Liên tiếp mấy năm Thư được các bạn bầu là trưởng lớp, mỗi đầu niên học Thư cắm cúi làm bản đồ lớp, phụ với bà giám thị soạn học bạ cho các bạn và thông báo đến các bạn những tin tức từ ban giám hiệu.  Năm 1978 Thư tiên phong đi vượt biên một mình.  Sang đây Thư thay đổi hẳn, vào UC Berkeley làm chủ tịch hội sinh viên và dạn dĩ, linh hoạt hẳn ra.  Thư tốt nghiệp BS về Computer Science, rất thích làm việc thiện và những việc lợi ích xã hội.  Bạn của Thư có Ngô Nga, Ngân, Lan Anh, Thuỷ, Đoan Trang...
Nhắc đến Tuyết Minh lại ngậm ngùi.  Minh xinh đẹp, khôn khéo, giỏi dang nhất nhà nhưng Tài Hoa Bạc Mệnh nên vắn số.  Em vượt biên cùng PN năm 1978, đi sau Anh Thư nhưng sang đến Bidong thì ba chị em gặp lại nhau và cùng sang Mỹ một lượt.  Minh học UC Berkeley ngành Kỹ Sư Cơ Khí, tốt nghiệp Cao Học, làm cho hãng Lockheed.  Sau sinh nhật thứ năm mươi, qua một cơn bạo bịnh em trút hơi thở cuối cùng để lại sự xót thương cho bao người thân.  Bạn thân của Minh có Bùi Hoàng Yến, Khánh Hoàn, Ngọc Tân, Hạnh, Hiền... Minh có giọng hát hay tuyệt nên đã được mệnh danh là "Họa Mi của đại học Berkeley".
Thiên Hương là cô em thứ mười trong nhà. Thiên Hương vào TV xếp hạng 10 trong danh sách trúng tuyển. Đó là đợt nữ sinh cuối cùng của TV trước 1975. Em vừa thông minh, chăm chỉ, lại yêu văn nghệ, thích viết văn.  Mới vào Lớp Sáu em đã cùng bạn là Đinh Lưu Phương Khanh làm bích báo, Võ thị Lý múa bài Lý Con Sáo. Bạn TV thân nhất bây giờ em còn giữ liên lạc là Đỗ Thu Mê Linh.  Em còn nhớ giáo sư chủ nhiệm là cô Vĩnh Thanh và bà phó tổng giám thị thời đó là bà Mỹ.  Tiếc thay thời cuộc đảo điên, sau 1975 mọi chuyện đổi thay.  Trưng Vương không còn là Trưng Vương yêu dấu của những ngày tháng cũ. Tuy phải xa trường rất sớm, TH vẫn luôn tự hào là nữ sinh TV. Hiện nay TH là Bác Sĩ Nhãn Khoa, Trưởng sáng lập Liên Đoàn Hướng Đạo Hướng Việt ở Irvine, đoàn trưởng đoàn Du Ca Nam Cali.  Mấy năm gần đây TH được các chị lớn của Hội Cựu Nữ Sinh TV Nam Cali giao cho nhiệm vụ làm MC của hội.
Cô Út Đoan Thùy sinh sau đẻ muộn nên không được hân hạnh làm nữ sinh Trưng Vương nhưng em cũng có tinh thần Trưng Vương nhờ dòng máu Hai Bà của "một bầy chị gái".  Em hay được theo các chị đến trường và em cũng được sống trong môi trường sống của các chị, sinh hoạt ké với các chị.  Út thích âm nhạc từ bé nên có những đêm khuya em lên gõ cửa phòng chị:  “Dung ơi, cho em ngủ với Dung để em nghe music!”.  Chả là vì trong phòng riêng của tôi, Ông Bố sắm cho con gái rượu một bộ máy Akai để nghe nhạc.
Các anh chị đi hết còn mình Út ở lại với Mẹ để chờ Bố đi tù cải tạo trở về.  Sang Mỹ  cùng bố mẹ năm 1990, học UC Berkeley về Kế Toán và Út Thuỳ có bằng CPA.  Em có điều kiện thực hiện được những ước vọng của Bố Mẹ.  Em lập nên Đỗ Gia Trang, một toà nhà thật rộng ở Colfax, California, nơi cả đại gia đình chúng tôi kéo nhau về quây quần ít nhất mỗi năm một lần vào dịp Thanksgiving, để mãi mãi giữ được mối dây thân ái cho đời này và nối tiếp những đời sau.
 Đôi nét về chín chị em gái chúng tôi đó
Tôi thật may mắn và hạnh phúc có một thời thơ ấu sống bình yên bên cha mẹ, anh chị em trong đất nước Việt Nam thuở thanh bình.
Vì thời cuộc đổi thay chị em chúng tôi cũng đã trải qua những nỗi thăng trầm, đau chung với nỗi đau của dân tộc, chia ly, tan tác.  Từng đứa xuống tàu vượt biên rồi đoàn tụ lại hết trên đất nước Hoa Kỳ, đã cố gắng để vươn lên.  Ngày nay chị em chúng tôi đều có gia đình riêng. Dung, Thuận, Hạnh, Mai đã thành bà nội, bà ngoại. Các con của Nam, Thư,  Minh, Hương, Thuỳ cũng đã đến tuổi trưởng thành.  Chị em chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ, đùm bọc nhau trong tinh thần “chị ngã em nâng”. 
Năm nay tôi đã bước sang tuổi bẩy mươi, sống an bình, thanh thản, luôn hãnh diện là chị lớn của Chín Chị Em Gái, trong đó có Tám Nàng Con Gái Trưng Vương.

MLT

Không có nhận xét nào: