Sau khi xem bộ phim «The Vietnam War» của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, tôi có nhiều băn khoăn, kỷ niệm, suy nghĩ về cuộc chiến dù chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm, muốn chia sẻ rộng rãi để cho cuộc thảo luận thêm sôi nổi và có ích.
<!>
Đã có nhiều nhà bình luận đến nay vẫn còn nêu lên vấn đề: «Trong cuộc chiến tranh Việt Nam phía Hoa Kỳ có thể nào thắng không?». Và thắng như thế nào? vào lúc nào?
Cũng có ý kiến khẳng định đây là cuộc chiến mà Hoa Kỳ không có cách nào, không bao giờ thắng được. Đã có cuốn sách viết theo đề tài «Một cuộc chiến bất khả chiến thắng » nói lên sự bế tắc của phía Hoa Kỳ, các nhà làm chính sách Hoa Kỳ đã chọn nhầm đối thủ, do không am hiểu lịch sử lâu dài của Việt Nam.
Đã có ý kiến nêu lên 2 sự kiện có tính chất rủi ro, đáng tiếc ở phía Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ đã xảy ra, việc Hoa Kỳ chủ trương loại bỏ 2 anh em ông Diệm và ông Nhu cuối năm 1963 và sự kiện Watergate dẫn đến tổng thống R. Nĩxon bị mất chức năm 1974, khi cuộc chiến tranh ở thời kỳ gay gắt nhất.
Theo tôi có những khả năng chiến tranh sẽ diễn ra một cách khác, rất có thể Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ không bị thua hoàn toàn như đã xảy ra.
Xin kể một kỷ niệm khó quên để dẫn chứng và minh họa.
Năm 1963 - 1964 tôi tham gia đoàn nghiên cứu dài ngày của Bộ quốc phòng -Tổng tư lệnh kéo dài hơn 1 năm. Đoàn vào địa bàn Quân khu V và vùng Tây Nguyên, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Ban Mê Thuột, đi qua nhiều binh trạm trên đường mòn Hồ Chí Minh. (Năm 1961 tôi đã vào đường mòn HCM khi mới mở ở Trị - Thiên. Lúc ấy vận chuyển chính là thồ bằng vai và lưng người, mỗi người khoảng trên dưới 50, 60 kg, rất vất vả).
Năm 1963 đường HCM đã vào sâu tới Nam bộ, chủ yếu là thồ bằng hàng vạn xe đạp đẩy bằng chân tay, tay lái nối dài bằng một chiếc gậy. Mỗi xe thồ được chừng trên dưới 1 tạ. Khi đi thì đẩy, khi trở về trạm cũ thì đạp cho nhanh. Đã có vài binh trạm ở Trường Sơn Tây đường mở rộng, chạy được ô tô.
Khi trở ra chúng tôi nghỉ chân ở thị xã Đồng Hới/Quảng Bình. Tại đây tôi dự cuộc họp có mặt đại tướng Võ Nguyên Giáp với đại tá Đồng Sỹ Nguyên, tư lệnh của đường Hồ Chí Minh. Cuộc họp bàn kỹ đến mở rộng, hiện đại hóa, cơ giới hóa đường mòn, lập các trạm đỗ xe, sửa xe tải lớn, mở rộng đường ra 6 - 7 mét để tránh nhau, lắp đường ống cho xăng dầu, lập thêm các ụ cao xạ, trạm thông tin, điện thoại, rađa, các nhà nghỉ, trạm xá ở mỗi binh trạm. Bản đồ các binh trạm cũ và mới được phác họa.
Tướng Giáp rất băn khoan lo nghĩ vì cái thế của đường mòn có vẻ rất mong manh, như một sợi chỉ căng ra, nhỏ bé, đơn độc, dễ bị cắt đứt, không có thế bề ngang để dựa vào nhau. Khi hỏi về khả năng bảo vệ, duy trì lâu dài thường xuyên đường vận chuyển chiến lược, mạch máu chủ duy nhất nối liền Bắc Nam, (tuy cũng có đường vận chuyển ven biển, nhưng còn nhỏ bé lắm) vị tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thú nhận rằng: «Nếu đối phương chỉ dùng không quân bắn phá thả bom, dù tăng cường gấp bội B52 thả bom thảm thì không đáng lo. Vì cho đến nay, theo thống kê bom B52 thả từ rất cao, 4.000 đến 6.000 mét, máy bay lại bay rất nhanh, nên bom tản mạn lớn, trung bình chỉ có 3/1.000 trái bom đụng đến đường HCM. Bom phá, đất đá có sẵn để sửa đường rất nhanh.»
Nhưng đáng lo nhất là nếu như phía Hoa Kỳ dùng hẳn 1 vài lữ đoàn hay 1 sư đoàn chiếm hẳn 1 hay 2 binh trạm thì thành vấn đề rất lớn, rất đáng lo.
Vì địa bàn một binh trạm chỉ lớn bằng 1 xã. Binh trạm lại có quá nhiều đầu mối. Kể ra có đến gần 30 cơ quan, tổ chức. Mỗi binh trạm có 1 Chỉ huy trưởng, 6, 7 chỉ huy phó mà vẫn không nắm được hết tình hình. Nào là bãi đóng quân cho các đơn vị ra vào, đơn vị công binh và Thanh niên xung phong mở đường, sửa đường, nhà khách cho cán bộ ra vào, các nhà kho, hầm kho đủ thứ, kho súng đạn, kho quân nhu, kho thuốc men, kho lương thực, kho gạo, kho nhu yếu phẩm, trạm giao liên chuyển công văn, không thể nhận chuyển thư riêng vì không kham nổi, rồi còn ụ cao xạ, kho đạn cao xạ, các trạm gác quân báo bảo vệ xung quanh, dự kiến đường ống chuyển xăng dầu, bãi xe tải, trạm sửa xe, hệ thống thông tin điện tử, điện thoại, rađa, trạm thông tin…
Mỗi chỉ huy trưởng là một chỉ huy các binh chủng hợp thành, công việc phải quán xuyến, giải quyết hàng ngày trong các mối quan hệ với cấp trên, với các binh trạm kề bên, với các đơn vị đi qua, với chính quyền và đảng ủy cấp tỉnh, huyện, xã địa phương…
Chỉ nhìn sơ đồ tổ chức một binh trạm là đã đủ để hoa mắt.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên tỏ ý rất lo âu, kết luận rằng cho đến nay đối phương có vẻ chỉ ưu tiên dùng không quân. Về bộ binh chỉ có những tốp thám báo nhỏ, vài chục người, chưa có trận nào dùng hàng tiểu đoàn, trung đoàn hay lớn hơn chiếm lĩnh hẳn 1 binh trạm. «Xin nói thật rằng tôi lo nhất nếu điều đó xảy ra, khi ấy cả binh trạm sẽ như bầy ong vỡ tổ, mỗi đơn vị chạy đi một hướng, rất khó liên lạc với nhau để khôi phục tình hình. Tôi lo đến mất ngủ vì khi ấy liên lạc chỉ huy nắm tình hình sẽ mất ổn định lâu dài, vận chuyển chiến lược sẽ bị đình đốn một thời gian chưa ước đoán được.»
Sau này nhiều lần gặp lại tướng Giáp, tôi thấy ông vẫn giữ một nỗi lo âu dai dẳng, tỏ ý rất băn khoăn lo ngại phía Hoa Kỳ dùng 1 hay 2 lữ đoàn chiếm giữ hẳn 1, 2 binh trạm thì sẽ khó khăn lớn, phức tạp lớn, ảnh hưởng nhiều đến mọi chiến trường ở miền Nam. Có lần, vào năm 1970, ông dặn chúng tôi, - tổ chuyên viết bình luận quân sự trên báo Quân Đội Nhân dân - là không nên nói nhiều đến tầm quan trọng quyết định của đường HCM, không được nói đến tổ chức phức tạp của các binh trạm, không được để lộ cái có thể tạm gọi là gót chân A-sin của quân đội miền Bắc, vẽ đường cho hươu chạy… Chúng tôi theo đúng như thế.
Đầu năm 1971 Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 trên đừơng 9 – Nam Lào, đụng đến đường HCM nhưng lúc này đường đã mở rộng xuống phía Nam, lại thất bại ngay, vì rơi vào trúng kế chuẩn bị sẵn của bộ tổng tư lệnh ở Hà Nội, trong vòng một tháng rưỡi phải rút lui khỏi Khe Sanh – Tchepone – Bản Đông, không có ảnh hưởng gì đến đường HCM đã hiện đại hóa, cơ giới hóa, mở rộng, kéo dài về phía Nam.
Cho đến năm 1974, 1975, Hoa Kỳ chuyển sang chiến lược Việt Nam hóa, giảm đáng kể chi phí, rút dần quân Hoa Kỳ, tôi nghĩ Tổng tư lệnh Giáp và tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên mới thở dài khoan khoái, nhẹ nhõm khi thấy đường HCM sẽ an toàn, thành đại lộ dẫn đưa đại quân vào miền Nam.
Tôi nhắc lại nỗi lo âu dai dẳng của tướng Giáp suốt gần 10 năm (1963 – 1971) để nói rằng nếu như Hoa Kỳ và VN Cộng hòa mở một cuộc tấn công lớn chiếm hẳn 1, 2 binh trạm, một đoạn dù nhỏ con đường HCM, hậu quả sẽ là đình đốn kéo dài việc vận chuyển quân lính, vũ khí, quân nhu quân dụng ra các mặt trận, diễn biến chiến tranh sẽ diễn ra khác hẳn thực tế đã diễn ra, cuộc chiến có thể giằng co kéo dài và kết thúc một cách khác.
Tôi đã kể qua chuyện này với tướng Westmoreland hồi 1998 ở Washington DC, ông buồn bã nói rằng, chúng tôi có nghĩ đến cắt đứt đường đó bằng đơn vị bộ binh hay thủy quân lục chiến cỡ sư đoàn, nhưng Lầu Năm góc không duyệt. Họ tin tưởng ở lực lượng không quân, nhất là B52 rải thảm bom, theo quan điểm vũ khí luận, cốt làm sao tiết kiệm tính mạng binh lính, điều hết sức nhạy cảm ở hậu phương nước Mỹ hồi ấy. Ông cũng phàn nàn là tình báo quân sự Hoa Kỳ không biết gì về đối phương, nhất là về những điều cơ mật ở đại bản doanh.
Cũng có anh bạn nhà báo Mỹ thổ lộ với tôi rằng, đó là vì phía Hoa Kỳ có những nhà chiến lược lo đánh lớn vào đường HCM sẽ đụng chạm với Trung Quốc, vì có tin đoàn xe tải trên đường là do Trung Cộng đảm nhiệm, với xe tải Bát Nhất, người lái là sỹ quan Quân Giải phóng Nhân dân Trung quốc, đường ống dẫn xăng dầu cũng do Trung Cộng giúp điều hành. Một sự phán đoán vu vơ, suy diễn do nghèo về tin tức tình báo chuẩn xác, vì thật ra không hề có lính Trung quốc nào trên đường HCM.
Xin chớ ai chụp mũ cho tôi là phản động, chỉ đường cho hươu chạy khi tôi nói lên điều này. Vì chiến tranh không thể làm lại từ đầu. Lịch sử đã sang trang.
Chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm. Nay nhìn lại có thể nói lên những bí mật quân sự thời chiến để cùng nhau nhìn lại cuộc chiến một cách chuẩn xác nhất, khi 2 bên đã bình thường hóa, kết bạn về mọi mặt, nhìn đến tương lai một cách tin cậy nhau trong mối quan hệ chiến lược lâu bền, hai bên đều có lợi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét