EU và nước Anh bắt đầu đàm phán về Brexit
Liên hiệp châu Âu (EU) và Anh đã bắt đầu vòng đàm phán thứ nhất về việc Anh rút ra khỏi EU. Cả hai bên nói đã đến lúc phải nhanh chóng tiến hành tiến trình Brexit.
Ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán EU, chào đón giới chức tương nhiệm Anh, David Davis, tại Berlaymont, trụ sở của Ủy hội Châu Âu ở thủ đô Bruxelles của Bỉ, vào lúc khai mạc phiên đầu tiên của cuộc họp bốn ngày để bàn về các thủ tục để nước Anh rút ra khỏi EU.<!>
Ông David Davis nói:
"Đối với chúng tôi, điều vô cùng quan trọng trong lúc này là đạt tiến bộ - chúng ta phải thương thuyết qua tiến trình này, và xác định những sự khác biệt để chúng ta có thể giải quyết chúng, và xác định những điểm tương đồng để chúng ta có thể củng cố thêm. Bây giờ đã đến lúc chúng ta sắn tay lên làm việc, để cuộc thương thuyết này thành công."
Dự kiến các cuộc thương thuyết trong tuần này sẽ tập trung vào quyền của những người dân ở các quốc gia hậu Brexit; số tiền mà Anh Quốc phải chi để đáp ứng các cam kết hiện hữu; vấn đề biên giới ở Ai Len và tiêu chí của Toà án Công lý EU. - VOA
2.
Việt Nam lôi kéo Ấn Độ vào Biển Đông --- Ấn, Nhật, Mỹ, Việt: Bốn nước ngáng chân Trung Quốc tại Biển Đông
Theo Asia Times, Hà Nội mới đây đã mời gọi New Delhi đóng một vai trò quan trọng hơn tại vùng biển tranh chấp, nhấn mạnh mối quan tâm của cả đôi bên trước tham vọng của Trung Quốc.
Trong một động thái ý nghĩa về địa chính trị, Việt Nam đã chính thức đề nghị Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn tại Biển Đông. Một lời mời mà New Delhi dường như cũng sẵn sàng, với cái nhìn đầy lo ngại về phía Trung Quốc.
Đề nghị của Hà Nội được đưa ra vào tuần trước trong dịp Đối thoại New Delhi lần thứ 9, một cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa Ấn Độ và các nước ASEAN, nhằm tạo thế đối trọng trước sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh trên Biển Đông, mà không phá vỡ nền hòa bình mong manh hiện tại.
Việc Ấn Độ tham gia vào khu vực là phù hợp với chính sách đối ngoại « Hành động Phương Đông » của New Delhi, một nước cờ nhằm đóng vai trò rộng lớn hơn trong những vấn đề khu vực như cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo. Trong cuộc họp trên, Ấn Độ cho biết một sự cam kết mạnh mẽ hơn với ASEAN là phần quan trọng của chính sách này.
Một số nhà phân tích mô tả đây là một kiểu « xoay trục » của Ấn Độ, dành trọng tâm cho châu Á, như cựu tổng thống Mỹ Barack Obama trước đây muốn hướng về các nước ASEAN với việc bố trí 60% lực lượng hải và không quân Hoa Kỳ tại châu Á-Thái Bình Dương. Chính sách này được cho là nhằm đẩy mạnh cạnh tranh ảnh hưởng của Mỹ trước Trung Quốc, đặc biệt là tại Biển Đông.
Trong khi sự cam kết của chính quyền Donald Trump trong chính sách xoay trục vẫn đang bị nghi ngờ, do sự giảm sút những cuộc tuần tra vì tự do hàng hải từ khi ông Trump đắc cử tổng thống năm ngoái, tình hình địa chính trị khu vực luôn mang vẻ đa phương hơn là một cuộc song đấu để tranh giành quyền lực và ảnh hưởng.
Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tuyên bố trong cuộc họp : « ASEAN ủng hộ việc Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn về chính trị và an ninh. Chúng tôi hy vọng Ấn Độ sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ các nỗ lực của chúng tôi vì an ninh chiến lược và tự do hàng hải tại Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thỏa thuận hợp pháp ».
Asia Times nhận xét, có ba động cơ chính đằng sau lời mời của Việt Nam đưa ra với Ấn Độ : tăng cường hợp tác song phương, thúc đẩy nhiều nước lớn tham gia vào thỏa thuận về trật tự dựa trên cơ sở luật pháp tại Biển Đông, và sự can thiệp mạnh mẽ hơn của Ấn Độ vào ASEAN – một nhóm nước khu vực mà Việt Nam được cho là có tiếng nói và mong muốn tăng thêm sức nặng để đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc trong nhóm này.
Đổi lại, Ấn Độ có được sự hỗ trợ ngoại giao cần thiết cho chính sách « Hành động phương Đông », phiên bản mới mở rộng hơn của chính sách « Hướng Đông » trước đây. Đồng thời, New Delhi cũng trở thành đối trọng trước tham vọng Trung Quốc trên Biển Đông, vào lúc Bắc Kinh đang hung hăng dòm ngó Ấn Độ Dương, thông qua các hải cảng mới trong vùng.
Việt Nam cũng ủng hộ ý định của Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chiếc ghế mà từ lâu New Delhi thèm muốn. Ấn Độ gần đây đã tăng cường hải quân ở vùng biển lân cận qua việc gởi chiến hạm đi qua eo biển Malacca, một nút giao thông hàng hải chiến lược mà đa số nhiên liệu và hàng hóa của Trung Quốc phải đi ngang qua.
Ân Độ có các lý do ngoại giao, chiến lược và kinh tế để hành động tích cực hơn trên Biển Đông. Mới đây Hà Nội đã gia hạn thêm hai năm cho tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh có thể tiếp tục hoạt động thăm dò ở lô 128 ngoài khơi bờ biển Việt Nam, có phần chồng lấn với đường lưỡi bò do Bắc Kinh tự vẽ (hợp đồng này lẽ ra kết thúc vào giữa tháng Sáu).
ONGC Videsh thăm dò các lô dầu trong khu vực từ năm 2006, và đã ký một thỏa thuận cùng khai thác với tập đoàn nhà nước PetroVietnam năm 2011, tuy nhiên đã bị ngưng lại vào năm 2012, mà theo công ty này là do các vấn đề vể « vận hành ». Người ta cho rằng một phần là do áp lực từ Trung Quốc.
Ân Độ đã công khai bày tỏ quan ngại về sự hiếu chiến trên Biển Đông, và năng lực hải quân đang gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc. Tư lệnh hải quân Ấn Độ D.K.Joshi hồi năm 2012 tuyên bố : « Việc hiện đại hóa hải quân Trung Quốc thực sự ấn tượng, hiện nay đây là mối quan ngại chủ yếu ». Ông đề nghị New Delhi phải bảo vệ chặt chẽ các tàu của ONGC khỏi sự can thiệp của Trung Quốc.
Từ đó đến nay, Ấn Độ quan sát kỹ càng những vụ Trung Quốc tấn công tàu đánh cá Việt Nam, quấy nhiễu các tàu thăm dò dầu khí tại Biển Đông. Cả New Delhi và Hà Nội đều ủng hộ mạnh mẽ sự cần thiết của các quy định và luật lệ về tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã nêu ra.
Ngoại trưởng Phạm Bình Minh cũng nói rằng ASEAN có thể học hỏi cách ứng xử của Ấn Độ về tranh chấp chủ quyền trên biển. Ông muốn nhắc đến vụ tranh chấp với Bangladesh trước Tòa Trọng tài Thường trực La Haye (PCA) trước đây, mà tòa án đã dành phần thắng cho Dhaka, và New Delhi chấp nhận.
Bắc Kinh thì ngang nhiên bác bỏ phán quyết Biển Đông của PCA hôm 13/07/2016, sau khi tòa công nhận các đòi hỏi của Philippines, tuyên đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc bao trùm lên hầu như toàn bộ Biển Đông là bất hợp pháp. Việt Nam cũng đã nghiên cứu nhưng cho đến nay vẫn do dự chưa muốn khởi kiện tương tự theo UNCLOS để chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, và giữ thái độ im lặng một cách kỳ lạ sau chiến thắng của Manila tháng Bảy năm ngoái.
Để chắc chắn, Việt Nam đề nghị nhiều quốc gia khác nhau đóng vai trò lớn hơn, hay ít nhất là ủng hộ về ngoại giao về Biển Đông. Cho đến nay chủ trương này đã thành công với các mức độ khác nhau. Một đề nghị tương tự với Hàn Quốc hồi đầu năm đã không mang lại kết quả như ý, về mặt hỗ trợ chiến lược.
Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ đều ủng hộ tự do hàng hải và việc tuần tra, được nhấn mạnh thêm bằng một cuộc tập trận hải quân Mỹ-Việt tuần trước tại cảng nước sâu Cam Ranh. Washington vẫn muốn thường xuyên ghé hải cảng chiến lược này - nơi một cảng quốc tế vừa mở cửa cho tàu Nga - nhưng Hà Nội nói rõ là không dành độc quyền cho một nước nào.
Trong khi việc Hoa Kỳ rút lui khỏi khu vực không được Hà Nội hoan nghênh vì vẫn mong có được sự hiện diện hùng hậu của Mỹ bên cạnh, Việt Nam sẵn sàng cải thiện sự hợp tác với Ấn Độ, ưu tiên cho quan hệ với các nước lớn. Do Ấn Độ là một quốc gia không liên kết, ViệtNam tránh được việc phải nối kết với một nước nào khác.
Việt Nam và Ấn Độ đã lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm ngoái. Đây là cấp độ cao nhất, mà Hà Nội cũng đã lập với Trung Quốc và Nga. Quan hệ đối tác chiến lược đã trở thành phổ biến hơn tại châu Á trong những năm gần đây, và không phải lúc nào cũng có ý nghĩa, nhưng trong trường hợp Việt-Ấn lại có giá trị đích thực.
Cả hai nước đều là khách hàng truyền thống mua vũ khí của Nga, và Việt Nam vẫn thường xuyên mua lại các loại thiết bị quân sự đã qua sử dụng của Ấn Độ. Hiện nay đôi bên duy trì hoạt động tương tác mạnh mẽ qua việc mua các tàu ngầm Kilo của Nga, và nhiều lính tàu ngầm của Việt Nam được huấn luyện tại Ấn. New Delhi cung cấp nhiều thiết bị quân sự cho Hà Nội hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác, kể cả vệ tinh để giám sát vùng biển Việt Nam.
Ấn Độ đã bán các hỏa tiễn đất đối không Akash cho Việt Nam, là một phần của chương trình 500 triệu đô la dành cho kỹ nghệ quốc phòng năm ngoái. New Delhi cũng hứa hẹn giao các hỏa tiễn siêu thanh BrahMos có năng lực sát thương mãnh liệt hơn, có thể phóng đi từ tàu ngầm – một năng lực răn đe đáng ngại tại Biển Đông.Việc bán loại hỏa tiễn này khiến Bắc Kinh bực tức, nhưng một nền hòa bình tạm thời đang ngự trị trong khu vực.
Asia Times kết luận, việc Ấn Độ tham gia vào Biển Đông sẽ không giúp giải quyết được những tranh chấp đã có từ lâu, nhưng sự hiện diện của một cường quốc khác sẽ làm giảm bớt nguy cơ nước lớn hà hiếp nước nhỏ tại vùng biển chiến lược này. - RFI
***
Theo tác giả Ralph Jennings trên Forbes, một năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế La Haye, Trung Quốc lại càng thống trị Biển Đông hơn, bất chấp đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan. Đó là vì Trung Quốc bác bỏ phán quyết, nhưng đã tăng cường hợp tác kinh tế với một số nước để chắc chắn rằng không ai có thể gây phiền nhiễu.
Trung Quốc có quân đội đứng thứ ba thế giới và tổng sản phẩm nội địa thứ nhì thế giới, khiến khó thể đối phó với việc Bắc Kinh kiểm soát Biển Đông, đặc biệt đối với các quốc gia Đông Nam Á nhỏ yếu hơn. Nhưng không phải tất cả đều bó tay, mà theo nhà báo Ralph Jennings, có bốn quốc gia sau đây có thể tạt một gáo nước lạnh vào tham vọng kiểm soát vùng biển 3,5 triệu kilomet vuông giàu tài nguyên và mang tính chiến lược này.
1 - Ấn Độ
Ấn Độ không yêu sách chủ quyền Biển Đông, nhưng hy vọng ngăn chận được sự bành trướng của Trung Quốc. Quốc gia đồng minh của phương Tây với trang bị vũ khí hùng hậu, có hai khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc đã đưa ra chính sách Hướng Đông năm 2014 để cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á vốn đang tăng trưởng nhanh chóng. Giả sử rằng Ấn Độ có thể hành động về kinh tế, nhưng có thể còn hơn thế nữa.
Hồi tháng Năm, Ấn Độ đã triển khai một hệ thống cảnh báo sóng thần tại Biển Đông, mặc dù Trung Quốc đã cho vận hành một hệ thống như thế. Năm 2014, chi nhánh hải ngoại của tập đoàn nhà nước ONGC đạt được thỏa thuận với Việt Nam về việc khai thác một vùng biển chồng lấn với “đường lưỡi bò” do Bắc Kinh tự vẽ. Trung Quốc không phản đối hệ thống cảnh báo sóng thần của Ấn Độ, nhưng kém vui hơn về thỏa thuận dầu khí.
2 – Nhật Bản
Là đối trọng của Trung Quốc tại châu Á, Nhật Bản năm 2014 đã tặng cho Việt Nam sáu chiếc tàu và năm ngoái đã đồng ý cho Philippines thuê năm phi cơ quân sự. Đây chỉ là hai trong số những ví dụ về việc Tokyo hỗ trợ các nước có tranh chấp Biển Đông với Bắc Kinh.
Một số người coi Nhật Bản là một quốc gia được phương Tây ủy nhiệm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Từ ngày 1/5, chiếc tàu chở trực thăng Izumo của Nhật bắt đầu hộ tống một tàu tiếp liệu của Mỹ, và có thể hoạt động tại Biển Đông trong tháng Tám với những chuyến cập cảng và tập trận với Ấn Độ, Hoa Kỳ tại vịnh Bengal.
Trung Quốc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Tokyo quản lý, và rất lo lắng trước việc Nhật Bản tăng cường quân sự trong tương lai. Thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc hồi tháng Ba thông qua Tân Hoa Xã đã tuyên bố Nhật Bản không nên gây rắc rối trong khu vực.
3 – Hoa Kỳ
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho đến tháng Tư vẫn có một cách nhìn khác về sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, với hy vọng Tập Cận Bình giúp được một tay trong việc ngăn chận Bắc Triều Tiên triển khai hỏa tiễn đạn đạo. Nhưng sự hợp tác này có vẻ không mang lại được kết quả, nên từ cuối tháng Năm Hải quân Mỹ đã lại tiến hành hai chuyến tuần tra vì tự do hàng hải trên Biển Đông, để chứng tỏ vùng biển này không phải là ao nhà của Trung Quốc. Bắc Kinh phản đối cả hai hoạt động hải hành này.
Hoa Kỳ không hề đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, nhưng Bắc Kinh lo sợ vì nước Mỹ với thực lực quân sự hùng mạnh có thể dễ dàng thành lập các liên minh quân sự với các nước Đông Nam Á. Ví dụ chính là cuộc tuần tra hải quân chung với Philippines kể từ năm 2014.
4 – Việt Nam
Đây là quốc gia tranh chấp chủ quyền Biển Đông duy nhất có khả năng đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc, từ việc bồi đắp đảo nhân tạo cho đến quân sự hóa các đảo. Cũng như các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam giao thương nhiều với Trung Quốc với tổng giá trị trao đổi lên đến 95,8 tỉ đô la trong năm 2015.
Nhưng về cơ bản, Việt Nam không ưa Trung Quốc và không run sợ trước những cơn giận của người láng giềng khổng lồ, dù có quân đội nhỏ hơn. Có thể kể nhiều thế kỷ tranh chấp biên giới, trận chiến Hoàng Sa đẫm máu năm 1974 (nay quần đảo này do Trung Quốc kiểm soát), và sự đối đầu trên biển cách đây ba năm do Trung Quốc cho kéo một giàn khoan đến vùng biển Hoàng Sa. Việt Nam có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của Ấn Độ và Nhật Bản nếu cần. Do vậy Việt Nam vẫn tiến hành xác quyết chủ quyền các đảo nhỏ của mình và khoan dầu tại các khu vực có thể bị dính vào “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra để yêu sách chủ quyền tại Biển Đông. Bắc Kinh rất bực tức – một tướng Trung Quốc đã bỏ ngang chuyến thăm Hà Nội vào tháng trước – nhưng Việt Nam có đủ quyết tâm và sự hỗ trợ để đương cự. - RFI
3.
Lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc: Tham ô trở thành văn hóa
Bằng lời lẽ gay gắt pha chút tuyệt vọng, Trưởng ban Kỷ Luật đảng Cộng Sản Trung Quốc Vương Kỳ Sơn mô tả tình trạng tham nhũng tại Trung Quốc mà ông gọi là « đã trở thành bệnh hoạn ». Sau 5 năm nỗ lực bài trừ, nạn tham ô không giảm mà còn bám sâu, lan rộng, như một thứ « văn hóa chính trị » của Đảng.
Theo Reuters, những lời bình luận trên đây của Vương Kỳ Sơn, người được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao trách nhiệm bài trừ tham nhũng, được công bố vào lúc lãnh đạo đảng Cộng Sản tại Trùng Khánh, Tôn Chính Tài, đột nhiên bị cách chức và bị điều tra tội tham ô. Một nhân vật khác, thân cận với Tập Cận Bình là Trần Mẫn Nhĩ, lên thay.
Trong bài tham luận trên Nhân Dân Nhật Báo, thứ Hai 17/07/2017, ông Vương Kỳ Sơn cho biết, chính sách trong sạch hóa bộ máy Đảng do chủ tịch Tập Cận Bình phát động từ khi lên cầm quyền cách nay 5 năm, thường xuyên đụng phải những vấn đề cố hữu : thanh tra cơ quan nào là phát hiện cơ quan đó có tham ô. Ông chỉ ra ba nhược điểm của đảng Cộng Sản Trung Quốc để giải thích : lãnh đạo suy yếu, tổ chức buông thả, kỷ luật lỏng lẻo. Căn nguyên nguồn cội của tình trạng này, cũng theo Vương Kỳ Sơn, là « sinh hoạt trong Đảng không nghiêm túc và không lành mạnh ».
Nhân vật được xem là có uy quyền đứng hàng thứ hai tại Trung Quốc, chỉ kém chủ tịch Tập Cận Bình, cho rằng cuộc chiến chống tham ô là một cuộc « vạn lý trường chinh ».
Còn theo giới thạo tin tại Bắc Kinh, vây cánh của ông Tập Cận Bình chuẩn bị sắp xếp nhân sự, chọn người thân tín cho đại hội Đảng vào cuối năm. Lãnh đạo Đảng tại Trùng Khánh, Tôn Chính Tài, dường như bị Ủy Ban Kiểm Tra và Kỷ Luật Đảng phê bình là không chu toàn nhiệm vụ bài trừ tận gốc ảnh hưởng « độc hại » của người tiền nhiệm là Bạc Hy Lai. Đối thủ của ông Tập Cận Bình trong đợt tranh giành quyền lực 5 năm trước đây đang thọ án tù chung thân với tội danh tham nhũng. - RFI
4.
Trung Quốc: Tăng trưởng khả quan, Bắc Kinh tập trung vào mục tiêu giảm nợ
Tăng trưởng của Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm 2017 đạt 6,9 %, cao hơn mong đợi. Nhưng giới phân tích lo ngại trước mức nợ đã lên tới 250 % GDP của nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Duy trì ổn định tài chính là ưu tiên của Bắc Kinh.
Theo thống kê chính thức được công bố ngày 17/07/2017, tổng sản phẩm nội địa Trung Quốc trong quý hai tăng nhanh hơn dự kiến 0,01 điểm. Trong quý 1 và 2, GDP nước này tăng 6,9 % thay vì 6,8 % như dự phóng của một số các chuyên gia được Reuters tham khảo và cao hơn dự báo của chính phủ là 6,7 %. Hai chỉ số quan trọng khác là đầu tư và xuất khẩu cũng được đánh giá là khả quan.
Tuy nhiên một số nhà quan sát thận trọng cho rằng, trong sáu tháng cuối năm nay, nhịp độ tăng trưởng có khuynh hướng bị chậm lại, do chính quyền trung ương từng bước hạn chế tín dụng, tránh để tiếp tục thổi phồng quả bóng địa ốc. Trong thông cáo hôm nay, Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc lưu ý : bất ổn trên bình diện quốc tế và lo ngại về tình trạng nợ công của Trung Quốc là hai mối lo ngại vẫn đang tồn tại.
Hãng tin Anh cho biết, nợ của tư nhân và nợ công Trung Quốc hiện tại tương đương với 250 % GDP của nước này. Đây là một mối lo lắng cả đối với các cơ quan thẩm định tài chính lẫn các định chế tài chính đa quốc gia.
Cơ quan thẩm định về mức độ rủi ro tài chính Mỹ Fitch Ratings hôm 14/07/2017 báo động tình trạng nợ nần của Trung Quốc có nguy cơ "gây ra một cú sốc cả về mặt kinh tế và tài chính" cho thế giới. Tháng 5/2017, Moody's lần đầu tiên từ 28 năm qua hạ điểm tín nhiệm đối với tín dụng của Trung Quốc. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế vào mùa xuân vừa qua cũng đã kêu gọi Bắc Kinh nên chú trọng hơn vào mục tiêu "lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngân hàng thay vì chỉ tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn".
Trong hai ngày 14 và 15/07/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì một cuộc họp cấp Nhà nước về chính sách kinh tế. Ông tuyên bố, ổn định tài chính là một yếu tố quyết định đối với an ninh quốc gia. Báo chí Bắc Kinh không đi sâu vào chi tiết, nhưng đưa tin ông Tập Cận Bình kêu gọi các doanh nghiệp Nhà nước giảm bớt nợ, các giới chức ngân hàng cần kiểm soát chặt chẽ hơn trước khi cấp tín dụng cho các chính quyền địa phương. - RFI
5.
Hàn Quốc đề nghị đối thoại quân sự với Bắc Hàn
Hàn Quốc hôm thứ Hai 17/7 đề nghị đàm phán quân sự và đoàn tụ gia đình với Bắc Triều Tiên để giảm nguy cơ xung đột ngày càng tăng về việc Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Seo Joo-seok hôm thứ Hai phát biểu: "Bộ Quốc phòng đề nghị mở đàm phán quân sự giữa hai miền bán đảo Triều Tiên vào ngày 21/7 tại tòa nhà hành chính Tongilgak ở Bắc Triều Tiên, để ngăn chặn mọi hành động thù địch làm gia tăng căng thẳng quân sự ở biên giới."
Đàm phán quân sự
Tongilgak là một tòa nhà Bắc Triều Tiên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở vùng biên giới được trước đây được sử dụng cho các cuộc đàm phán liên Triều. Các cuộc họp cấp chính phủ được tổ chức gần đây nhất là vào tháng 12/2015.
Kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên nắm quyền vào tháng 5 năm nay, chính phủ của ông đã cố gắng tiếp xúc với Bắc Triều Tiên để giảm căng thẳng, kể cả đề nghị viện trợ nhân đạo, trao đổi phi chính trị và khôi phục đường dây nóng quân sự liên Triều mà Bình Nhưỡng cắt đứt hồi đầu năm 2016, sau khi Seoul đóng cửa khu phức hợp công nghiệp Kaesong để trừng phạt Bắc Triều Tiên về các vụ thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa.
Cho tới nay, chính quyền Kim Jong Un đã bác bỏ hầu hết các đề xuất này.
Bắc Triều Tiên kêu gọi đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Nhà phân tích các vấn đề Bắc Triều Tiên Daniel Pinkston thuộc đại học Troy nói khó có khả năng điều này xảy ra bởi vì Bình Nhưỡng liên tiếp thực hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo, kể cả vụ phóng tên lửa hôm 4/7 mà một số chuyên gia cho là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) với tầm phóng có thể vươn tới bang Alaska, mặc dù Mỹ bác bỏ khả năng này.
Ngoài ra tin nói rằng Bắc Hàn đã gia tăng hoạt động tại cơ sở làm giàu uranium Yongbyon, có thể là dấu hiệu cho thấy việc sản xuất plutonium đã được tiến hành trong năm qua để tiếp tục tăng kho vũ khí hạt nhân của miền Bắc.
Đoàn tụ gia đình
Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc hôm thứ Hai đề nghị mở đàm phán với Bắc Triều Tiên vào tháng 8 tới đây để giàn xếp các cuộc đoàn tụ cho các thành viên gia đình bị chia cắt trong Chiến tranh Triều Tiên trong những năm 1950-53, với hy vọng lên kế hoạch cho các cuộc đoàn tụ vào tháng 10, nhân kỳ nghỉ lễ Chuseol, còn gọi là lễ Trung thu Hàn Quốc.
Ông Kim Sun-hyang, quyền chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc, nói: "Gặp mặt những người thân trong gia đình trong khi họ còn sống phải được đặt vào ưu tiên cao hơn bất kỳ mối quan tâm chính trị nào khác.”
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đòi Seoul trao lại cho họ 12 nữ hầu bàn đã đào tị sang miền Nam hồi năm ngoái, trước khi đồng ý tổ chức các cuộc đoàn tụ gia đình. Bắc Triều Tiên nói Hàn Quốc đã bắt cóc 12 người phục vụ và quản lý nhà hàng và đòi họ trả người, nhưng phía Hàn Quốc cho biết nhóm này đã tự nguyện đào tị.
Trừng phạt
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết những đề xuất mới nhất phù hợp với chính sách song song của Tổng thống Moon Jae-in, vừa theo đuổi sự hợp tác với chính quyền Kim Jong Un, vừa hỗ trợ các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ để áp lực Bình Nhưỡng ngưng các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myung-kyun nói: "Không có thay đổi nào trong quan điểm của chúng tôi, chúng tôi sẽ cố thuyết phục Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa bằng cách sử dụng tất cả các biện pháp khả thi, như trừng phạt và đàm phán."
Theo các viên chức Mỹ, trong khi ông Cho nói không có "sự tách biệt" giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc trong việc đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên, Washington vẫn tiếp tục nhấn mạnh giải pháp tăng áp lực hơn là đối thoại và đang chuẩn bị các biện pháp chế tài mới đối với các ngân hàng và các công ty Trung Quốc làm ăn với Bình Nhưỡng. - VOA
6.
Bắn chết 3 huấn luyện viên quân sự Mỹ, binh sĩ Jordan bị kết án sát nhân
Một tòa án quân sự Jordan đã kết án một binh sĩ về tội sát nhân, vì đã giết chết ba huấn luyện viên quân sự người Mỹ trong một vụ nổ súng hối năm ngoái.
Toà án ra phán quyết hôm Thứ Hai 17/7, tuyên án ông Marik al-Tuwayha tù chung thân lao động khổ sai.
Cha mẹ của một trong số ba quân nhân Mỹ bị giết hại, và cha và chị gái của một quân nhân khác ngồi yên lặng khi thẩm phán ra phán quyết tại một phòng xử án có đông người tham dự.
Bị cáo người Jordan trước đó tuyên bố vô tội. Sau khi bị tuyên án, ông này hét lên rằng ông tôn kính nhà vua, tuy nhiên chỉ thực hiện nhiệm vụ của mình.
Luật sư bào chữa của bị cáo cho biết ông sẽ kháng cáo.
Luật sư Subhi al-mawas nói:
"Chúng tôi tôn trọng quyết định của tòa án, vì đó là một tòa án quân sự đặc biệt, và thân chủ tôi sẽ kháng cáo. Một ủy ban khác sẽ xem xét bản án xem liệu có phù hợp với qui định pháp luật hay không, và xem xét những chứng cớ được ủy ban chấp nhận. Nếu không phù hợp với qui định pháp luật thì bản án sẽ được tuyên bố lại."
Vụ nổ súng xảy ra vào tháng 11 năm ngoái tại cổng ra vào một căn cứ quân sự Jordan. - VOA
7.
Lực lượng Afghanistan tái chiếm một quận chiến lược từ tay Taliban
Các lực lượng an ninh Afghanistan, được các cố vấn quân sự và không lực Mỹ yểm trợ, đã đẩy bật phiến quân Taliban ra khỏi một quận miền nam có tầm chiến lược quan trọng, 9 tháng sau khi phiến quân chiếm khu vực này.
Phát ngôn viên quân sự khu vực, ông Wali Mohammad Ahmadzai, nói với VOA rằng Lực lượng An ninh Quốc phòng Afghanistan (ANDSF) đã tiến vào quận Nawa ở tỉnh Helmand, miền nam Afghanistan, vào sáng thứ Hai 17/7 và đã thiết lập hệ thống kiểm soát trên khu vực này sau hai ngày giao chiến dữ dội với quân Taliban.
Ông nói các cuộc không kích của Hoa Kỳ tối ngày hôm trước nhắm vào 3 căn cứ quan trọng của Taliban trong khu vực, đã giết chết hơn 20 quân nổi dậy và tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng Afghanistan tiến chiếm trung tâm quận Nawa.
Phe Taliban chưa lên tiếng về tuyên bố chiến thắng của lực lượng Afghanistan.
Ông Ahmadzai cho biết quân đội chính phủ đang tiến hành một chiến dịch truy lùng phiến quân và gỡ mìn tại quận Nawa, nơi các phần tử nổi dậy cài mìn dày đặc xung quanh các công trình trọng điểm. Ông hứa sẽ tiết lộ chi tiết về số thương vong của cả hai bên. Ông nói hàng chục chiến binh Taliban đã thiệt mạng từ khi lực lượng Afghanistan phát động một chiến dịch tấn công quy mô hôm thứ Bảy để tái chiếm quận Nawa.
Nawa là một khu vực nông nghiệp, nằm cách Lashkarga, thủ phủ tỉnh Helmand, khoảng 30 km về hướng tây. Trước đây Taliban đã phát động hàng loạt cuộc tấn công ở đây nhằm chiếm quyền kiểm soát khu vực.
Trong khi đó, LHQ cảnh báo cuộc xung đột ở Afghanistan tiếp tục gây tử vong cao kỷ lục nơi thường dân vô tội trong sáu tháng đầu năm 2017.
Theo báo cáo giữa năm của Phái bộ Hỗ trợ của Liên hiệp quốc ở Afghanistan (UNAMA) công bố hôm thứ Hai 17/7, có tổng cộng 1.662 thường dân thiệt mạng trong thời gian từ ngày 1/1 đến ngày 30/6, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số tử vong có 174 phụ nữ và 436 trẻ em. - VOA
8.
Tàu sân bay là vũ khí có thể đã lỗi thời
Nga và Trung Quốc đang phát triển các loại vũ khí rẻ tiền – chẳng hạn như công cụ chiến tranh mạng hay tên lửa chống hạm - nhưng lại đe dọa được các phương tiện tối tân và đắt tiền như tàu sân bay của phương Tây. Trên đây là lời cảnh báo của viện tham vấn quân sự Anh Quốc Royal United Services Institute (RUSI) trong một báo cáo được tạp chí Mỹ The National Interest ngày 14/07/2017 phân tích.
Các chuyên gia quân sự Anh Quốc xuất phát từ một thực tế không thể chối cãi : Trong các cuộc chiến chống « nổi dậy » đang tiến hành hiện nay, phương Tây đã phải dùng đến những loại vũ khí cực đắt để phá hủy những thứ mà giá cả chẳng bao nhiêu. Một ví dụ cụ thể : « Một tên lửa trị giá 70.000 đô la, đôi khi được bắn đi từ một chiếc máy bay có chi phí 30.000 đô la một giờ bay, chỉ để tiêu diệt một chiếc xe Toyota pick-up của phiến quân, giá cao nhất là 10.000 đô la ! »
Ngược lại, « tên lửa chống hạm, giá không đầy nửa triệu bảng Anh (642.000 đô la) mỗi chiếc, lại có thể vô hiệu hóa một chiếc tàu sân bay của Anh, giá trên 3 tỷ bảng Anh (khoảng 3,9 tỷ đô la). Một loạt 10 tên lửa chẳng hạn, tốn không đầy 5 triệu đô la ».
Theo The National Interest, bản phúc trình của Viện RUSI là nhằm đáp ứng một chiến lược mới của Mỹ, theo đó Lầu Năm Góc tìm phương cách duy trì ưu thế quân sự trong bối cảnh chiến tranh bất cân xứng ngày càng gia tăng. Khả năng một tên lửa hoặc một con vi-rút máy tính phá hủy hoặc vô hiệu hóa được những vũ khí đắt tiền có từ thời Chiến Tranh Lạnh như tàu sân bay, xe tăng, hoặc vệ tinh và các mạng máy tính hỗ trợ, đã khiến giới hoạch định chính sách Mỹ phải đau đầu trong việc tạo ra những vũ khí mới trong khi vẫn phải tìm cách bảo vệ các loại vũ khí cũ.
Đối với tạp chí Mỹ, điều cần ghi nhận là vũ khí đắt tiền và tốn kém của phương Tây lại không bảo đảm chắc chắn là họ sẽ thắng khi phải chiến đấu chống Nga hay Trung Quốc. Quân đội Mỹ và Anh được thiết kế để chiến đấu ở nước ngoài, trong các lực lượng viễn chinh hoặc hỗ trợ đồng minh. Ngược lại, Nga và Trung Quốc lại tập trung vào cuộc chiến gần biên giới của họ, chẳng hạn như ở Đông Âu hoặc Biển Đông.
Bản báo cáo của các chuyên gia quân sự Anh ghi nhận : « Như vậy, mặc dù chi tiêu nhiều hơn vào phát triển công nghệ quốc phòng so với các đối thủ tiềm năng của mình, công nghệ tốt hơn của Hoa Kỳ không nhất thiết mang lại ưu thế quân sự tương xứng trên hiện trường ».
Bản phúc trình của Viện RUSI cho rằng Anh Quốc – ngầm hiểu là Mỹ cũng vậy – cần áp dụng một phương pháp tiếp cận gọi là bốn T – chữ tắt tiếng Anh của Tolerate, Treat, Transform và Terminate – tạm dịch là Duy Trì, Xử Lý, Biến Đổi và Đình Chỉ. Ba vế đầu tiên liên quan đến việc duy trì hiệu năng của vũ khí hiện có, nâng cấp vũ khí hiện tại để đáp ứng các mối đe dọa trong tương lai và sáng tạo các công nghệ hoàn toàn mới.
Riêng vế thứ tư mà RUSI gọi là Terminate – Đình Chỉ - là đề nghị gây chấn động nhất. Về cơ bản, đó là việc loại bỏ các thứ vũ khí không còn hiệu quả trong chiến đấu, mà không thể hoặc quá đắt để nâng cấp. Đối với Viện RUSI : « Điều cần cân nhắc sẽ là xem liệu việc duy trì các vũ khí đó có hiệu quả tương ứng với giá phải chi ra hay không, hay là một thứ vũ khí đơn giản hơn lại có thể thích hợp hơn. »
Báo cáo cẩn thận không nói rõ là vũ khí cụ thể nào cần phải loại bỏ, nhưng khi kết luận rằng vũ khí của Nga và Trung Quốc đang đe dọa Tây Âu vốn bị lệ thuộc vào một số ít phương tiện phức tạp và không thể thay thế được, thì rõ ràng là theo các chuyên gia Anh, các tàu sân bay lớn uy lực của Hải Quân Mỹ nằm ở đầu danh sách.
Dù đề nghị như vậy, nhưng bản báo cáo cũng thừa nhận rằng việc bỏ hàng không mẫu hạm không phải là một điều dễ dàng. - RFI
9.
Liên Hiệp Quốc: 80 000 trẻ em Rohingya Miến Điện suy dinh dưỡng
Chương Trình Lương Thực Liên Hiệp Quốc PAM, trong một bản báo cáo được công bố ngày 17/07/2017 báo động về tình trạng thiếu ăn của khoảng 80 000 trẻ em thuộc sắc tộc Rohingya, nạn nhân của chính sách kỳ thị người theo đạo Hồi tại Miến Điện.
Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc dựa trên thẩm định tình trạng sức khỏe của 75.000 dân Rohingya ở bang Rakhin, phải bỏ làng đi lánh nạn trước những cuộc đàn áp của quân đội Miến Điện nhân danh chống khủng bố. Những người còn ở lại đang lâm vào cảnh thiếu thực phẩm như trường hợp dân cư ở một quận tên Maungdaw nơi mà một phần ba số hộ gia đình thường xuyên bửa đói bửa no.
Hầu hết các gia đình này đều đơn chiếc vì cha, chồng phải bỏ trốn quân đội.
Không một trẻ nào dưới 2 tuổi có đủ thức ăn và sữa theo chuẩn mực dinh dưỡng tối thiểu. Trong số 220 000 dân cần tiếp tế lương thực có hơn 80 000 trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cần phải được khẩn cấp điều trị trong suốt 12 tháng tới đây.
Một phát ngôn viên của PAM tại Miến Điện giải thích, nếu không có biện pháp khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng, các nạn nhân nhỏ bé này sẽ tiếp tục xuống cân và khó tránh rối loạn hệ thống miễn dịch đưa đến cái chết.
Tuy chính quyền dân cử của bà Aung San Suu Kyi thay thế chính phủ quân sự, nhưng phe quân đội vẫn kiểm sóat Quốc Hội và chính sách đối với các sắc dân thiểu số.
Giải Nobel Hoà Bình 1991 bị chỉ trích sử dụng quân đội đàn áp người Rohingya. Tháng 10/2016, sau vụ một toán chiến binh Rohingya tấn công một số đồn cảnh sát biên giới, quân đội chính phủ đã trả thù không nương tay. Nhiều hình ảnh binh lính đàn áp đánh đập dân làng đã được đưa lên các mạng xã hội. - RFI
10.
Tổng thống Macron nhìn nhận trách nhiệm của Pháp bố ráp Do Thái
Chủ Nhật 16/07/2017, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự lễ tưởng niệm vụ bố ráp người Do Thái cách nay 75 năm. Buổi lễ diễn ra tại quận 15 Paris, nơi mà vào năm 1942, cảnh sát Paris, theo lệnh Đức Quốc Xã, bắt hơn 13.000 người Do Thái, tập trung về đây, trước khi lưu đày vào các trại diệt chủng. Lần đầu tiên, một thủ tướng Israel được Pháp mời tham dự, nhưng thông điệp của tổng thống Pháp là sự kiện ghi dấu ấn lịch sử.
« Vận động trường mùa đông » ở quận 15 Paris là vết thương trong lịch sử của Pháp. Ngày 16/07/1942, chính quyền của thống chế Pétain, theo lệnh Đức Quốc Xã, bố ráp hơn 13 ngàn người Do Thái trong số này có 3.928 trẻ em. Tất cả 415 trẻ em dưới 16 tuổi đều chết trong trại diệt chủng.
Lần đầu tiên, một thủ tướng Israel được mời tham dự. Trong đoạn diễn văn bằng tiếng Pháp, thủ tướng Benjamin Netanyahu cám ơn « nước Pháp, nhân dân Pháp và tổng thống Pháp ».
Tuy nhiên, theo giới quan sát, thông điệp của tổng thống Emmanuel Macron mới ghi dấu ấn trong tâm trí người nghe. Nếu trước đây, hai vị tiền nhiệm là Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy, sau hơn nửa thế kỷ mới nhìn nhận trách nhiệm hay chính xác hơn là « tội » của chính quyền Vichy do thống chế Petain lãnh đạo, thì tổng thống Emmanuel Macron đi xa hơn nữa.
Ông tuyên bố dứt khoát : chính nước Pháp đã tổ chức bố ráp, rồi tổ chức lưu đày và hầu như tất cả 13.152 con người theo đạo Do Thái vào cõi chết. Ông nói tiếp : tôi chống lại những ai giả vờ cho rằng Vichy không phải là nước Pháp. Đúng là Vichy không phải là nước Pháp. Vichy không phải là toàn nước Pháp, nhưng đó là Nhà nước và là guồng máy hành chính nước Pháp.
Tổng thống Pháp nhấn mạnh : không một người Đức nào tham gia vào cuộc bố ráp này. Những lời tuyên bố trên đây là thông điệp nhắm vào bà Marine Le Pen, lãnh đạo phe cực hữu. - RFI
11.
Venezuela: Đối lập tuyên bố thắng lợi sau trưng cầu dân ý chống tổng thống Maduro
Ngày 16/07/2017, hơn 7 trong số 17 triệu cử tri Venezuela tham gia cuộc "tham khảo ý kiến nhân dân" về dự án thành lập Quốc Hội Lập Hiến được tổng thống Madura đề xuất. Hơn 98 % chống đối dự án này. Đối lập Venezuela xem kết quả trên đây là một thắng lợi cho phép đóng lại khủng hoảng chính trị kéo dài từ tháng 4/2017. Chính quyền Caracas phủ nhận tính chính đáng của cuộc trưng cầu dân ý.
Thông tín viên đài RFI từ thủ đô Venezuela, Julien Gonzalez cho biết thêm :
"Đối với các lãnh đạo của phe đối lập, hôm qua là một ngày 'lịch sử'. ngay sau khi kết quả được thông báo, số này đã khẳng định thành công rõ rệt trong việc tham khảo ý kiến người dân. Đối lập Venezuela giải thích là đã chỉ có thể mở được 2.000 phòng phiếu trên toàn quốc. Con số này chỉ bằng 1/6 so với một cuộc bầu cử bình thường.
Căn cứ vào hơn 7,5 triệu lá phiếu của cử tri nhân cuộc cuộc bầu cử Quốc Hội hồi tháng 12/2015 và nhờ thế giành được đa số ở Quốc Hội, đối lập Venezuela cho rằng, cũng đã chiếm được một số phiếu gần bằng trong cuộc trưng cầu dân ý hôm qua. Theo phe này, thì đây là bằng chức cho thấy người dân Venezuela ồ ạt hưởng ứng kêu gọi trưng cầu dân ý. Dù vậy, ban tổ chức đã chờ đợi phải có khoảng 11 triệu người đến các phòng phiếu ngày Chủ Nhật hôm qua, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế của đất nước đang nẫu nát
Ngay từ hôm qua, chủ tịch Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia đã nhắc lại rằng cuộc trưng cầu dân ý do bên đối lập Venezuela tổ chức không có giá trị về mặt pháp lý, và phe này cần tránh tạo ra những ảo vọng trong công luận. Trước mắt, phía tổng thống Maduro chưa lên tiếng, nhưng khó có thể tin rằng tổng thống Venezuela từ bỏ dự án thành lập Quốc Hội Lập Hiến. Nicolas Maduro đã nhắc lại là cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 30/07/2017 và định chế này là một đảm bảo hòa bình cho đất nước". - RFI
12.
Philippines: mặt trái của việc tìm tài trợ Trung Quốc để phát triển hạ tầng
Kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, xây dựng một hệ thống hạ tầng cơ sở tốn kém 167 tỉ đôla để tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế lâu dài, đặt hy vọng vào tình hữu nghị mới giữa ông với Trung Quốc, bất chấp những hoài nghi ở trong nước.
Tổng thống Duterte nói trong “thời hoàng kim” về mặt hạ tầng cơ sở dưới quyền ông, nhiều đường xá, tuyến đường sắt và các cấu trúc hạ tầng khác sẽ được xây dựng trước cuối nhiệm kỳ Tổng thống của ông vào năm 2022.
Philippines, một nước Đông Nam Á nơi có đến 1/5 dân chúng sống trong nghèo khó, đã mất nhiều cơ hội đầu tư và công việc làm ăn, chính vì thiếu các cơ sở hạ tầng.
Đường xá, đường sắt và bến cảng
Trung Quốc đã đề nghị viện trợ cho Philippines tới 24 tỉ đôla, gồm các dự án như vừa kể, trong khuôn khổ tình hữu nghị mà hai nước -từng là đối thủ của nhau- đã theo đuổi sau khi ông Duterte lên nắm quyền vào tháng 6 năm 2016. Trước thời điểm đó, Philippines và Trung Quốc tranh chấp gay gắt với nhau về chính quyền của một số vùng biển trong Biển Đông. Bắc Kinh chiếm thế thượng phong với các công trình lắp đất xây đảo tại quần đảo Trường Sa, và triển khai các tàu tuần duyên tới một bãi cạn mà ngư dân Philippines thường hoạt động.
Ông Song Seng Wun, kinh tế gia chuyên về Đông Nam Á làm việc cho một đơn vị ngân hàng tư của CIMB ở Singapore, nhận định:
“Việc Philippines tiếp tục được tài trợ của Trung Quốc là điều không đáng ngạc nhiên. Duy có điều là các khoản tài trợ đó có điều kiện.”
Ông giải thích:
“Trong trường hợp Philippines, điều kiện của Bắc Kinh là Philippines phải nghiêng về Trung Quốc khi nói tới các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của nước này. Và như vậy, Philippines sẽ bị buộc chặt với Trung Quốc.”
Philippines muốn tăng tính cạnh tranh kinh tế
Một ngân sách đáng kể để xây dựng hệ thống hạ tầng đã bắt đầu tăng lên từ năm 2016, dưới thời của Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino, để xây dựng hệ thống đường xá mới, phát triển các bến cảng và sân bay cho các nhà máy và hãng xưởng do nước ngoài đầu tư sử dụng.
Người phát ngôn văn phòng Tổng thống Philippines, ông Ernesto Abella, hôm 6/7nói trên trang Facebook của Phủ Tổng thống:
“Chúng tôi đã sẵn sàng để tài trợ cho chương trình hạ tầng cơ sở ‘Xây, xây, xây’ nhằm bảo đảm phát triển kinh tế vững mạnh, theo khuôn thức phát triển bao gồm nhiều thành phần xã hội, hầu có thể xóa đói giảm nghèo trước năm 2022.”
Ít nhất có 20 triệu người Philippines được liệt vào thành phần ‘nghèo khó’, dựa trên các dữ liệu của Sở Thống Kê Philippines hồi năm ngoái.
Sở Thống Kê liệt vào thành phần nghèo khó những người phải xoay sở với mức thu nhập ít hơn phân nửa “mức thu nhập tối thiểu” là 1,088 pesos, tương đương với 24.10 đôla/ngày.
Phát ngôn viên của văn phòng Tổng thống cho biết là Philippines cũng tăng thu qua các cải cách thuế má để tài trợ cho các cấu trúc hạ tầng mới. Từ tháng 7 năm ngoái tới tháng Năm năm nay, chính phủ Philippines đã thu về 41 tỉ USD, 7% cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng bên cạnh đó, các giới chức cũng đang dựa vào tài trợ của Trung Quốc. Trong năm ngoái chẳng hạn, Bắc Kinh đã thảo luận việc giúp tài trợ hai dự án xây đường hỏa xa của Philippines, tổng kinh phí lên tới 8,3 tỉ đôla. Trung Quốc hồi tháng Giêng đồng ý hợp tác với Philippines để thực hiện 30 dự án, và cho biết sẽ chi ra 3,7 tỉ đôla.
Ai hưởng lợi nhiều nhất? Philippines hay Trung Quốc?
Các chuyên gia và các chính khách đối lập Philippines đặt nghi vấn về tài trợ của Trung Quốc bởi vì họ lo ngại Bắc Kinh có thể dùng tài trợ để làm xói mòn các tuyên bố chủ quyền của Philippines trong Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên cá và năng lượng ngoài khơi các bờ biển phía Tây Philippines.
Một số người tự hỏi liệu Bắc Kinh có gửi công nhân Trung Quốc và vật liệu cho các dự án do họ tài trợ hay không. Các dự án được Trung Quốc tài trợ tại các nước khác thường đi kèm với lao động Trung Quốc, có nghĩa là sẽ có ít công việc làm ăn cho dân địa phương hơn.
Bà Georgina Hernandez, người phát ngôn của Phó Tổng thống Leni Robedo, nói:
“Chúng tôi muốn biết liệu các dự án hạ tầng cơ sở xây bằng tiền tài trợ từ Trung Quốc có thực sự mang lại việc làm cho người lao động Philippines, dù thuộc thành phần lao động có kỹ năng hay không, cũng như có sử dụng các vật liệu địa phương hay không trong kế hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở mà chính phủ Duterte đang cổ vũ.”
Theo hiến pháp Philippines, Phó Tổng thống được bầu lên riêng biệt. Phó Tổng thống Leni Robedo không thuộc cùng đảng phái của ông Duterte và có nhiều quan điểm bất đồng với ông.
Thượng nghị sĩ Leila de Lima hồi tháng 5 yêu cầu Thượng viện Philippines hãy xem xét bất kỳ đề nghị cho vay tiền nào từ Trung Quốc, có nguy cơ làm nợ công tăng vọt, hoặc phương hại tới chủ quyền của Philippines.
Hoài nghi, nhưng có lý do không?
Đa số người dân Philippines không tin tưởng ở Trung Quốc, theo kết quả cuộc thăm dò do Social Weather Stations, tổ chức nghiên cứu Metro Manila thực hiện trong quý đầu năm 2017.
Tuy nhiên Philippines có thể sẽ thấy các điều kiện cho vay của Trung Quốc cũng tương đương với các điều kiện cho vay của các ngân hàng tư, theo ông Christian de Guzman, Phó Chủ tịch và quan chức tín dụng cấp cao của Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody ở Singapore.
Bắc Kinh đã đưa ra những đề nghị tài trợ tương tự trên khắp vùng Âu-Á, trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai, Con đường” của họ, nhằm bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc, trong khi gặt hái những hợp đồng làm ăn cho các công ty Trung Quốc.
Ông De Guzman của Moody nói:
“Cuộc tranh luận liên quan tới việc mượn tiền của Trung Quốc, theo tôi, là về những kích thước chính trị của nó”.
Ông chỉ ra rằng:
“Theo tôi, đứng từ quan điểm tài chính không mà thôi, thi chi phí vay tiền từ Trung Quốc không rẻ hơn, mà cũng không mắc hơn, việc vay tiền trên thị trường.”
Ông giải thích rằng lý do là vì mượn tiền của Trung Quốc thường được thực hiện qua trung gian các ngân hàng chính sách Trung Quốc. Đó không phải là một ngân hàng tư, mà là các ngân hàng do nhà nước Trung Quốc sở hữu.”
Trung Quốc thao túng sức mạnh tài chính
Brunei, Malaysia, và Vietnam cũng đang tranh chấp những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết diện tích Biển Đông. Các nước này bày tỏ bất bình trước việc Trung Quốc kiểm soát các đảo, đá vào các mục đích quân sự, và đưa tàu tuần duyên của Trung Quốc vào các vùng biển có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với nước họ.
Trung Quốc ỷ y vào nền kinh tế trị giá 11,2 nghìn tỉ đôla của họ và đề nghị đầu tư vào nền kinh tế của 3 nước tranh chấp chủ quyền với họ, Brunei, Malaysia, và Vietnam, để tìm cách xoa dịu sự giận dữ tại các nước này, đặc biệt sau khi tòa án trọng tài quốc tế ra phán quyết cách đây một năm, bác bỏ các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc là “vô căn cứ.” - VOA
Tin Hoa Kỳ
13.
Mỹ: Donald Trump nhờ luật sư biện minh cho con trai
Hôm qua, 16/07/2017, Jay Sekulow, luật sư của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, đã xuất hiện trên 5 chương trình truyền hình Mỹ nhằm biện minh cho cuộc gặp giữa con trai Donald Trump và nữ luật sư Nga Natalia Vesselnitskaya vào hồi tháng Sáu năm ngoái.
Trong suốt ngày hôm qua, luật sư Sekulow đã liên tục khẳng định trên truyền hình là cuộc gặp mặt giữa Donald Trump Jr và vị luật sư Nga là hoàn toàn hợp pháp. Theo ông, đây chỉ đơn giản là việc tìm hiểu đối phương.
Khi được đặt câu hỏi về bản chất đạo đức của cuộc họp tại Trump Tower, vị luật sư đã liên tục đánh trống lảng, đổi chủ đề sang những bê bối trong quá khứ của bà Hilary Clinton, hoặc về cựu giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ James Comey.
Luật sư Sekulow cũng liên tục khẳng định thân chủ của ông là tổng thống Donald Trump, chứ không phải con trai của tổng thống, do đó ông không trả lời những câu hỏi liên quan đến thực chất sự việc từ phía Donald Trump Jr. Ngoài ra, luật sư Sekulow nhấn mạnh thân chủ của ông không dính líu gì đến cuộc tiếp xúc giữa Natalia Vesselnitskaya và Donald Trump Jr : « Tổng thống Hoa Kỳ không tham dự cuộc họp, không biết gì về cuộc họp và hoàn toàn là người ngoài cuộc". - RFI
|
14.
Tuần lễ ‘Made in America’: Tòa Bạch Ốc cổ súy dân Mỹ dùng hàng Mỹ
Tòa Bạch Ốc vừa khơi mào chiến dịch kéo dài ba tuần, nhấn mạnh đến chủ trương của Tổng Thống Donald Trump, trong đó có tuần lễ mang tên “Made in America,” bắt đầu từ Thứ Hai, với sản phẩm sản xuất tại Hoa Kỳ từ tất cả 50 tiểu bang.
Theo hãng thông tấn UPI, ông Trump sẽ duyệt xem các sản phẩm trưng bày tại Tòa Bạch Ốc và trong khuôn viên South Lawn. Ông sẽ nói chuyện với báo chí về việc chính phủ ông ủng hộ các công ty chế tạo sản phẩm tại Hoa Kỳ.
Ông Trump muốn gia tăng việc sản xuất ở Mỹ bằng cách giản lược các luật lệ kiểm soát và tái thương lượng những thương thảo mậu dịch của Hoa Kỳ.
Theo Tòa Bạch Ốc, quyết định của tổng thống nhằm kích thích nền kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm.
Vào ngày Thứ Tư, Tổng Thống Trump sẽ đưa ra lời công bố, nhấn mạnh đến các sản phẩm làm tại Mỹ.
Sau tuần lễ nhấn mạnh đến sản phẩm chế tạo tại Hoa Kỳ, tuần lễ sau đó mang tên “American Heroes Week,” với nội dung trù tập trung vào công việc làm của người dân Mỹ. Và tuần lễ thứ ba dành cho “American Dream,” theo lời một giới chức Tòa Bạch Ốc. - nguoiviet
Tin Việt Nam
15.
Phó tổng thanh tra cảnh báo về thất thoát tài sản nhà nước
Trong một hội nghị mới đây, một quan chức hàng đầu ngành thanh tra Việt Nam cảnh báo về mức độ tài sản nhà nước bị thất thoát lớn.
Kiểm điểm lại công tác thanh tra trong nửa đầu năm nay, hôm 10/7, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh nói thất thoát tài sản nổi bật là trong lĩnh vực đất đai và thoái vốn trong doanh nghiệp nhà nước.
Ông Hạnh chỉ ra rằng chỉ mới thanh tra về quản lý đất đai tại “một vài địa phương” đã phát hiện những sai phạm, mà qua đó ông đánh giá rằng: “Tài sản nhà nước bị thất thoát kinh khủng”.
Những dữ liệu được báo chí đăng tải cho hay trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành thanh tra đã phát hiện các vi phạm với tổng số tiền lên đến hơn 29.500 tỷ đồng và gần 5.000 hectare đất.
Phía thanh tra đề nghị nhà chức trách xử lý hình sự 49 vụ và 113 đối tượng liên quan đến các sai phạm kể trên.
Bên cạnh đó, trong cùng khoảng thời gian, ngành thanh tra cho biết đã phát hiện 47 vụ và 66 đối tượng có hành vi tham nhũng hay liên quan đến tham nhũng.
Tuy nhiên, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh nói ngành của ông “chưa có quyền năng để làm tốt” những vấn đề liên quan đến tham nhũng.
Ông được báo chí dẫn lời nói rằng: “Khi phát hiện ra những dấu hiệu bất minh, thấy có tham nhũng nhưng không ai cho làm vì không có quyết định thì không làm được”.
Cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nói với VOA rằng thực trạng này ở Việt Nam là do đảng cộng sản nắm quyền lãnh đạo cao nhất trên thực tế, mọi hoạt động thanh tra, điều tra các quan chức phải đi qua các ủy ban phù hợp của đảng. Ông nói:
“Chẳng hạn như những lãnh đạo ở tỉnh, muốn kiểm tra người đó, nếu thuộc diện quản lý của thường vụ tỉnh ủy, thường vụ tỉnh ủy phải ‘gật đầu’, thì mới điều tra được. Còn những người thuộc diện quản lý của Ban Bí thư Bộ Chính trị, phải báo cáo sự việc lên, trên đó người ta đồng ý thì mới điều tra, kiểm tra được. Cái việc chưa được thống nhất hệ thống chính trị, cái cơ chế, thể chế nó ràng buộc với nhau, nó ngăn cản, trói tay, nó hạn chế”.
Tại hội nghị ngành thanh tra vừa qua, Phó Tổng Thanh tra Hạnh nhấn mạnh rằng muốn làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng ngay từ đầu “cần phải công khai minh bạch các mặt kinh tế - xã hội ở địa phương cho người dân nắm được”.
Theo lời ông thì thực tế là hiện nay có những nơi “còn dấu giếm, không bao giờ công khai cho dân biết để kiểm tra thì sao tốt được”. - VOA
16.
Tướng hồi hưu đe dọa cảnh sát giao thông, đòi cách chức Giám Đốc Công an
Một tướng lãnh hồi hưu từng nắm chức vụ cao cấp trong Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có hành vi chửi thề, mạt sát, thị uy và dọa nạt cảnh sát giao thông chặn đường ông ở Cần Thơ, theo một video clip ghi lại hình ảnh được phát tán trên mạng xã hội.
Báo chí trong nước xác minh người trong trong đoạn video là Trung tướng Võ Văn Liêm, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, cựu Phó Chính ủy Quân khu 9 và là cựu đại biểu Quốc hội. Ông Liêm đã nghỉ hưu.
Ông Liêm đã thừa nhận mình là người ngồi trên xe, theo VnExpress. Tuy nhiên, ông phân trần với báo chí rằng lúc đó ông “không hề vi phạm luật giao thông” và rằng viên cảnh sát đòi kiểm tra ông lại “mặc thường phục, không đeo thẻ ngành”. Ông nhận là đã có những lời lẽ nặng nề và hành động như thế là vì “đang vội” và “trong lúc nóng giận”.
VnExpress cho biết vụ việc đang được Công an Thành phố Cần Thơ báo cáo lên Bộ Công an và Bộ Quốc phòng để xin ý kiến chỉ đạo để xử lý.
Vụ đụng độ xảy ra vào ngày 14/7 trên đường từ sân bay Cần Thơ về trung tâm thành phố. Tờ Người Lao Động dẫn nguồn từ Công an Cần Thơ cho biết chiếc ô tô chở ông Liêm “chạy quá tốc độ cho phép” nên bị cảnh sát giao thông chặn lại.
Bất chấp cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng lại, chiếc xe chở tướng Liêm vẫn tiếp tục chạy, khiến cảnh sát phải dùng mô tô đuổi theo và chặn lại, cũng tờ Người Lao Động.
Hình ảnh trong đoạn video được tung lên mạng được cho là ghi lại phản ứng của Tướng Liêm khi bị cảnh sát giao thông yêu cầu xuống xe xuất trình giấy tờ.
Video cho thấy cựu tướng lãnh Liêm có thái độ hung hăng, quát tháo, chỉ tay vào mặt cảnh sát giao thông, giơ thẻ ngành ra đe dọa và liên tục khước từ yêu cầu của cảnh sát đòi tài xế xuống xe.
Ngoài ra, tướng Liêm còn dùng những lời lẽ thô tục chửi bới viên cảnh sát giao thông. Ông được nghe nói:
“Không xuống! Mày không có đủ tư cách. (Chửi thề) Mày ngồi trong quán mày xỉa xỉa chạy ra“(Chửi thề) Tao mà chậm một chút nữa là mày chết với tao. Không kịp cuộc họp chiều nay là tao cho mày nghỉ việc luôn… Tao là (chửi thề và rút thẻ từ trong túi áo ra quơ quơ) cả giám đốc của mày tao cũng cách chức được….Mày làm công vụ giấy tờ mày đâu? Ai giao nhiệm vụ mày đi làm chỗ này? Kế hoạch mày đâu? Giấy tờ mày đâu đem đây!”
Trả lời tờ Người Lao Động, Tướng Liêm nói căn cứ vào đồng hồ tốc độ trên xe, thì xe ông “không hề chạy quá tốc độ” lúc bị cảnh sát giao thông chặn lại và rằng “cảnh sát giao thông đứng trong quán chạy ra chặn xe”
“Cảnh sát giao thông không chứng minh được sai phạm của tôi nên tôi không cho tài xế xuống xe. Tôi nói tài xế bảo vệ tôi nên không được xuống xe,” ông Liêm được dẫn lời nói và cho biết lúc đó có “một người mặc thường phục” đi cùng một cảnh sát giao thông mặc sắc phục nên ông đòi phải có giấy tờ đàng hoàng chứng minh là đang thi hành nhiệm vụ.
Tướng Liêm được dẫn lời nói rằng cảnh sát giao thông Cần Thơ hành xử như vậy là “quá chức năng, đâu phải muốn chặn xe ai là chặn”.
Về việc tướng Liêm đòi cách chức Giám đốc công an Cần Thơ, ông biện hộ rằng do “ông nhầm lưỡi”.
Giám đốc Công an Cần Thơ, Đại tá Trần Ngọc Hạnh, nói với VnExpress: “Trước mắt xử lý tài xế vi phạm”, còn hành vi, lời nói của ông Liêm vì “liên quan đến cán bộ cấp cao quân đội” nên Công an Cần Thơ đang xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Bộ Công An.
Trao đổi với VOA, luật sư Trần Thu Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội, nói rằng vi phạm của Tướng Liêm nếu có thì chỉ đến mức xử phạt hành chính, chứ không đủ để khởi tố hình sự và rằng nếu xe ông Liêm chạy quá tốc độ thì tài xế là người vi phạm chứ không phải ông Liêm.
Luật sư Nam nói “Theo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự công cộng thì hành vi của ông Liêm có thể cấu thành tội xúc phạm nhân phẩm người khác”.
Luật sư Nam cũng không cho rằng tài xế và gián tiếp là ông Liêm, “không phạm tội chống người thi hành công vụ” mà cùng lắm chỉ là “không tuân theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.”
Tuy nhiên, nếu đúng như lời tướng Liêm nói là viên cảnh sát không mặc sắc phục, không đeo thẻ ngành khi làm nhiệm vụ, thì theo Luật sư Nam, viên cảnh sát đó “không có quyền kiểm tra người khác”.
Về vấn đề Công an Cần Thơ phải xin chỉ thị của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới xử lý trường hợp tướng Liêm, ông Nam cho rằng việc này “sẽ tạo tiền lệ không tốt”.
Luật sư Nam nói:
“Hiện nay ông Liêm không còn trong quân đội, không còn là đại biểu Quốc hội mà chỉ là một công dân bình thường. Là một công dân bình thường thì không thể có đặc quyền đặc lợi khiến việc xử lý phải báo cáo cơ quan cấp bộ như thế. Là một người dân thì theo luật có sự bình đẳng về pháp luật.” - VOA
17.
Cán bộ miền núi ‘phô trương’ làm thủ tướng ‘trăn trở’
Tại một hội nghị hôm 17/7 nhằm thúc đẩy đầu tư ở tỉnh Sơn La, Thủ tướng Việt Nam nói có những cán bộ ở miền núi sống phô trương làm ông trăn trở và gây suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư.
Theo tường thuật của báo chí trong nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong phát biểu của mình rằng “Tôi rất trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí” của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi của Việt Nam.
Người đứng đầu chính phủ cho rằng lối sống của các cán bộ đó không chỉ “gây nhiều phản cảm”, mà còn “làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh ở địa phương”, do vậy cũng “ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và sự phát triển chung”.
Chỉ riêng từ cuối tháng 5 đến nay, báo chí Việt Nam đăng nhiều bài viết hé lộ những biệt phủ, biệt thự của một số quan chức ở các tỉnh Lào Cai, Sơn La, và Yên Bái.
Ở Lào Cai, tại một khu đất có ví trị đẹp và đắt giá, được gọi là “khu đất vàng”, có 6 biệt thự lớn của các lãnh đạo hàng đầu của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy, quan chức đứng đầu tỉnh theo hệ thống chính trị Việt Nam, sống trong tòa biệt thự lớn nhất nằm trên lô đất gần 627 mét vuông. Các căn khác thuộc về Giám đốc Công an tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Bí thư Huyện ủy Sa Pa và một cán bộ biên phòng tỉnh Lào Cai.
Ở Sơn La, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy được cho là sở hữu một “lâu đài” nhưng ông đã bác bỏ thông tin đó, và đưa ra bằng chứng khẳng định khu đất và tòa nhà là thuộc sở hữu của mẹ, các chị gái và em trai.
Ồn ào dư luận hơn cả là thông tin về biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái.
Khu biệt phủ của gia đình ông Quý có diện tích đất rộng hơn 13.000 m2, với hồ nước, một cây cầu, thảm cỏ, sân chơi thể thao và một số khối nhà.
Trả lời báo chí, Ông Quý nói đã vay hàng tỉ đồng để xây dựng, hoàn thiện khu biệt phủ. Ông giải thích thêm rằng một phần tài sản ông có được là vì thời trẻ ông “đã làm đủ thứ nghề”, như buôn chổi đót, lá chít, ủ men nấu rượu, làm bánh kẹo, mở xưởng đóng giày.
Nhận xét về việc một số quan chức các tỉnh miền núi có khối tài sản lớn so với mặt bằng đời sống nói chung ở địa phương, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nói với VOA:
“Vùng Tây Bắc nói chung là nghèo khó, nghèo khổ. Trường học vẫn còn nhếch nhác lắm. Cuộc sống thiếu đói. Nhưng mà nếu có những người là cán bộ, mang danh là người đầy tớ của nhân dân, và có cuộc sống vượt lên trên, xa xỉ, thì điều đó là một điều rất đáng trách”.
Vấn đề kiểm soát, làm rõ thu nhập và tài sản của các quan chức Việt Nam đã được chính quyền đề ra từ cách đây nhiều năm. Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng bên cạnh các hoạt động trong nội bộ chính quyền, báo chí và nhân dân cần có vai trò lớn hơn, điều đó sẽ giúp tìm ra những thông tin thật sự về tài sản, thu nhập của quan chức. Ông nói:
“Nhân dân cùng giám sát, cùng có tự do báo chí công bố có điều tra độc lập, tự nhiên từ đó sẽ lòi ra việc này việc khác. Báo chí Việt Nam gần đây cũng có điều tra rất nhiều vụ. Nếu tạo điều kiện cho báo chí vào cuộc, khuyến khích báo chí công khai, tôi nghĩ mọi việc sẽ tốt. Từ đó quyền lực sẽ được kiểm soát tốt hơn và số thành phần hư đốn sẽ bị bóc trần ra, xử lý đến nơi đến chốn”.
Trong số các biệt thự, biệt phủ ở 3 tỉnh Tây Bắc, khu bất động sản của giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái gây dư luận đình đám nhất, và đã dẫn đến một cuộc thanh tra.
Nói với báo chí trong nước chiều ngày 17/7, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, cho biết đoàn thanh tra đã kết thúc quá trình thanh tra trực tiếp. Ông nói thêm rằng dự kiến khoảng cuối tháng 8 “sẽ có kết luận thanh tra chính thức, được công bố công khai”. - VOA
18.
Nghiên cứu mới: Người Việt Nam lười vận động
Việt Nam nằm trong hàng ngũ các dân tộc lười tập thể dục nhất thế giới nhưng lại có chỉ số người béo phì thấp nhất thế giới. Đây là kết quả cuộc khảo sát do các chuyên gia sức khỏe đại học Stanford ở Hoa Kỳ thực hiện.
Người Việt Nam chừng như không quan tâm lắm đến chuyện tập thể dục, đặc biệt là đi bộ hay chạy bộ để gọi là vận động thân thể và giữ gìn sức khỏe, là kết quả một cuộc thăm dò của chuyên gia đại học Stanford ở Hoa Kỳ.
Nói một cách cụ thể thì mỗi ngày một người Việt Nam nếu có chạy thì chỉ 3.600 bước là cùng, trong lúc tiêu chuẩn trung bình toàn cầu là 5.000 bước/ngày. Vẫn theo kết quả khảo sát này, người Hồng Kong chịu chạy bộ ngoài trời nhất với 6.800 bước /ngày.
Đây là một chương trình khảo sát mới nhất với hơn 700.000 người của hơn 100 quốc gia có thói quen tập thể dục bằng cách chạy bộ hay thực hiện những thao tác gọi là vận động thân thể.
Giáo sư Scott Delp, một trong các chuyên gia phụ trách cuôc khảo sát, cho biết đây là một chương trình thăm dò sâu rộng và lớn nhất trước nay về sự vận động của con người, từ đó phát hiện nhiều kết quả đáng lưu ý về việc tăng cường sức khỏe, sự quan tâm luyện tập của người dân các nước hầu bảo vệ và giữ gìn sức khỏe cho mình.
Được hỏi có phải người Việt Nam không thích đi bộ tập thể dục mà nếu có thì số người thực hành rất ít, chị Quyên. Một doanh nhân trẻ ở Sài Gòn, xác nhận:
Cái đó cũng đúng thôi, bây giờ nhìn ở Sài Gòn đi, bước ra đường thấy xe cộ quá chừng luôn, khói bụi đủ thứ nên người ta không thích đi bộ. Đường xá vĩa hè cũng không dành cho người đi bộ nữa. Hiện nay là có những phòng tập gym, vô đó đi bộ là họ đi trên máy, chứ đường phố khói bụi ô nhiễm quá chừng người Sài Gòn không exercise không tập thể dục không thích đi bộ ở ngoài. Nhưng mà ở Hà Nội thì họ vận động ngoài trời nhiều lắm.
Theo chị Quyên thì không thể dựa trên kết quả khảo sát của viện đại học Stanford mà kết luận là người Việt Nam lười đi bộ thể dục được:
Tại vì em không ngồi một chỗ, không ngồi văn phòng, em làm công chuyện hàng ngày cũng là một hình thức exercise rồi. Ý em nói mỗi một người có cách vận động khác nhau, giống như buổi sáng có người vô công viên tập thể dục, có người đi làm về thì họ vô phòng gym họ tập.
Đối với bác sĩ Nguyễn Đang Phấn, từ bệnh viện Vì Dân, đại đa số người Việt Nam không thích tập thể dục:
Theo tôi nhận định người Việt Nam mình không thích tập thể dục là đúng, nói chung đại đa số không thích tập thể dục theo cái nghĩa chạy bộ đâu. Người mình nghĩ rằng khi lao động tay chân, cuốc đất, lau nhà là tập thể dục rồi. Đa số không có ra sân để tập đâu, Sài Gòn đường phố khúc khuỷu gập ghềnh, ít người tham gia đi bộ thể dục ở thành phố.
Một điểm đáng lưu ý trong bản kết quả khảo sát về tỷ lệ người đi bộ thể dục trên thế giới mà người mình về sau chót là dù rằng một ngày chỉ sải bộ vài bước so với người phương tây nhưng tỷ lệ người bị béo phì ở Việt Nam có thể nói là thấp nhất thế giới.
Như vậy là chế độ dinh dưỡng ăn uống của Việt Nam mình không giống ở nước ngoài.
Đó là kết luận của chị Quyên, còn theo chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Patin ở Sài Gòn, anh Nguyễn Thiên Kha, chuyện đi bộ thể dục ít và chuyện béo phí gần như không mấy liên quan đến nhau, ít nhất là ở Việt Nam:
Việt Nam mình uống nước ngọt ít, ít ăn đồ béo, điều kiện thời tiết của Việt Nam mình nóng, khí hậu nhiệt đới, chỉ cần đi bộ bằng 1/3 người ta thôi là vả mồ hôi ra nhiều, đâu có mập được.
Tuy nhiên theo anh Nguyễn Hồng Ánh, một cư dân Hà Nội, đúng là tỷ lệ béo phí ở Việt Nam không cao, nhưng điều phải lưu ý là:
Nhưng mà chỉ số của bên các cơ quan dinh dưỡng của chính phủ thì luôn cảnh báo tỷ lệ béo phì của trẻ em Việt Nam đang tăng nhanh, đó là thông tin chính thống trên báo đài trên truyền thông, căn cứ theo đó mà mình để ý thôi.
Chính vì thế, theo anh Nguyễn Hồng Ánh, cần khuyến khích người trẻ trong nước đi bộ thể dục như một cách giữ sức khỏe tốt và thân thể tráng kiện.
Bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn đồng tình với ý kiến này:
Người Việt Nam mình nói chung ăn cơm ăn rau, ít thịt, vấn đề đạm cũng yếu, sự đem calori vào cơ thể theo tôi chưa có nhiều. Đó là những yếu tố góp phần vào việc mình không bị béo phì. Chỉ có trẻ thanh phố nó ăn kẹo nhiều, uống sửa nhiều thì nó to mập. Nói chung tính đổ đồng người Việt Nam mình không mập nhất là ở nông thôn lại càng không mập phì.
Kết quả khảo sát của đại học Stanford còn nêu ra hiện tượng gọi là mất quân bình trong hoạt động thể duc thể thao giữa người nam giới và nữ giới, không loại trừ những yếu tố phụ nhưng quan trọng như giàu nghèo, sự khác nhau giữa người thích tập thể dục và người làm biếng thường không muốn hoạt động. Bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn cho rằng điều này cũng xảy ra ở Việt Nam:
Việt Nam thì tôi lại muốn nói thế này, người hiểu biết được nghe, được đọc sách báo, được nhắc nhở nhiều thì tỷ lệ người đó có tham gia vào luyện tập bài bản nhiều hơn. Còn những người gọi là đầu tắt mặt tối, mở mắt ra là phải kiếm sống dù thanh thị hay thôn quê, nhất là bây giờ tỷ lệ công nhân nhập cư vào thành phố mà nói rằng họ sáng sớm ra chạy bộ ở công viên nào đó thì đừng có hòng. Sáng sớm bảnh mắt ra thì ăn ngay một cái bánh lót dạ rồi chạy vào nhà máy để làm ngay thôi, tập thể dục kiểu chạy bộ quanh chùa, nhà thờ hay công viên thì chẳng ai biết gì.
Theo giáo sư Jure Leskovec, cũng là một trong các chuyên gia thuộc toán khảo sát tại đại học Stanford, càng ít tập thể dục, ít đi bộ và ít hoạt động chừng nào thì nguy cơ béo phì càng nhiều chừng đó. Vẫn theo lời ông, phụ nữ làm biếng hoạt động dễ bị phì mập hơn là nam giới. - RFA
Link:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét