Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Ba 11/7 - Lê Minh Nguyên

G20: Dẫu sao thì cũng đạt được một thỏa hiệp
Báo chí Pháp (11/07/2017) vẫn tiếp tục nhận định về thượng đỉnh G20 tại Hambourg, Đức, kết thúc ngày 08/07/2017. Tờ Le Monde trong bài phân tích đề tựa « G20 : Dẫu sao thì cũng đạt được một thỏa hiệp », cho rằng hành động này là nhằm giữ thể diện. Để tránh làm cho thượng đỉnh thất bại hoàn toàn, các thành viên G20 đã đồng ý ghi nhận các bất đồng trong hồ sơ khí hậu, để có thể tuyên bố đạt đồng thuận trên các vấn đề khác.<!>
Sự dàn xếp này cho phép có được một thỏa hiệp mang tính ngoại giao, rất cần thiết để tránh làm cho mọi người chỉ nhớ đến những hình ảnh biểu tình phản đối, bạo lực, trong suốt thời gian thượng đỉnh. 
Chính tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã làm « tổng kết » G20 Hambourg như sau : Đấu tranh chống khủng bố đạt được một bước tiến bộ, đồng thời, tránh được sự thụt lùi trong rất nhiều chủ đề khác.

Ví dụ về sự thỏa hiệp gần như hài hước trong lĩnh vực thương mại, làm nổi lên một câu hỏi mà nhiều người đã nêu ra từ lâu : đó là tính hữu ích của một định chế như G20. 

Về điểm này, tổng thống Pháp nhận định : « G20 được lập ra cách nay một chục năm nhằm đối phó với những chao đảo của cuộc khủng hoảng tài chính. Ngày nay, G20 trở thành nơi có những cuộc thảo luận lớn về tiến trình toàn cầu hóa, di dân, phát triển, khủng bố, nhưng G20 cũng là một diễn đàn ở đó, người ta nhận thấy có những bất đồng do sự vươn lên của các thế lực chuyên quyền, do không thấu hiểu và khó tiên liệu.»
Oái ăm thay, G20 Hambourg lần này không đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực quan hệ đa phương, nhưng lại tỏ ra hữu ích cho một số quan hệ song phương. Ví dụ điển hình là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Donald Trump và Vladimir Putin. 

Một cuộc gặp có nội dung thực chất vì nguyên thủ hai nước đồng thuận về một cuộc ngừng bắn ở phía tây nam Syria, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 09/07. Le Monde đánh giá cuộc gặp này mang tính quyết định và lãnh đạo hai nước công khai tỏ thái độ tâm đầu ý hợp. Cuộc thảo luận song phương đã kéo dài 2 tiếng 15 phút thay vì chỉ có 30 phút như dự kiến ban đầu.

"Tại Hambourg, một G20 của những liên minh hoàn cảnh"
Đây là nhận định của Le Figaro về thượng đỉnh G20. Trong tựa đề tiếng Pháp, Le Figaro nhắc đến thủ tướng đầu tiên của đế quốc Đức Otto von Bismarck, để nói đến chính sách đối ngoại thực dụng, những tính toán liên minh do hoàn cảnh bắt buộc, được thể hiện qua thượng đỉnh G20 ở Hambourg, Đức.

Vào tháng 11/2008, lần đầu tiên G20 họp thượng đỉnh tại Washington, theo sáng kiến của cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Liên minh giữa các nước phương Tây ngự trị khối này, dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, cho dù chính nước này phần nào phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. 
Liên minh phương Tây giờ đây tan rã. Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi châu Âu đoàn kết, tự nắm lấy vận mệnh của mình, thoát ra khỏi sự đỡ đầu của Hoa Kỳ. Về phần mình, tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất cần đến tình liên đới với các đối tác châu Âu khi rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris 2015.

Trong cái bầu không khí tìm kiếm liên minh do hoàn cảnh này, người ta thấy Đức và Trung Quốc đứng ra dẫn đầu một cách không chính thức cuộc chiến chống bảo hộ mậu dịch, bởi vì đây là hai quốc gia xuất khẩu nhiều nhất thế giới.

Cũng tương tự, sau khi Mỹ đơn phương rút ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương – TPP, Nhật Bản lo ngại về sự bành trướng thương mại và dự án « Một Vành Đai, Một Con Đường » của Trung Quốc, đã vội vã lấp vào chỗ trống mà Hoa Kỳ gây ra, qua việc ký kết thỏa thuận tự do trao đổi thương mại với Liên Hiệp Châu Âu, ngày 06/07 vừa qua.
Hồ sơ Syria cũng cho thấy sự hình thành một liên minh có tính toán, do hoàn cảnh, giữa Mỹ, Nga và Pháp, với mục đích chung là diệt trừ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. - RFI

2.
Thái Lan chi 258 triệu đôla mua chiến đấu cơ Hàn Quốc

Nội các Thái Lan hôm 11/7 thông qua kế hoạch mua 8 máy bay phản lực tiên tiến T-50, trị giá 258 triệu đôla của Hàn Quốc, Reuters dẫn lời Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết.
Đây là đợt trang bị quốc phòng mới nhất của chính phủ quân sự Thái Lan, kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014.

Kể từ đó, chính phủ quân nhân đã tăng ngân sách quốc phòng lên mỗi năm. Đợt trang bị gần đây nhất mua lại thiết bị từ Trung Quốc, bao gồm một thỏa thuận gây tranh cãi về việc mua lại ba chiếc tàu ngầm, khiến dư luận thắc mắc về tính minh bạch của hợp đồng làm ăn này.
Bộ quốc phòng Thái Lan nhấn mạnh họ không chỉ mua vũ khí từ Trung Quốc, mà cũng mua từ các nước khác, trong đó có cựu đồng minh Hoa Kỳ.

Nội các Thái chuẩn y kế hoạch đặt mua 8 máy bay tiếp theo trong giai đoạn hai của thỏa thuận năm 2015, khi Thái Lan đặt mua 4 phản lực cơ từ Hàn Quốc, Thủ tướng Prayuth nói với các phóng viên ở Bangkok.
Hôm thứ Hai, quân đội cho biết thỏa thuận này có trị giá lên tới 8,8 tỷ baht, tương đương với 258 triệu đôla.

Hồi tháng trước, Tư Lệnh quân đội Thái Lan cho biết Hoa Kỳ có kế hoạch bán 4 trực thăng Black Hawk cho Thái Lan sau khi Mỹ đình chỉ thỏa thuận ban đầu sau cuộc đảo chính năm 2014.
Trong thập niên qua, Hoa Kỳ đã bán thiết bị quân sự cho Thái Lan trị giá hơn 960 triệu đôla, bao gồm máy bay trực thăng Black Hawk, các hệ thống tên lửa không đối không, hệ thống tên lửa chống hạm và ngư lôi.
Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan cho biết các phản lực cơ này sẽ thay thế cho các máy bay đã 20 năm tuổi bị ngừng hoạt động. - VOA

3.
Biển Đông: Việt Nam tìm hậu thuẫn từ Ấn Độ --- Một năm sau phán quyết Biển Đông, Philippines tiếp tục đàm phán với Trung Quốc

Nhân cuộc họp thường niên giữa ASEAN với Ấn Độ, mang tên Đối thoại New Delhi, vào tuần trước, trang mạng The Interpreter của Viện Lowy, một viện nghiên cứu của Úc, đã có bài viết về việc Việt Nam đang tìm hậu thuẫn từ Ấn Độ trên Biển Đông, vào lúc mà tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này có vẻ đang khiến quan hệ Hà Nội-Bắc Kinh căng thẳng trở lại.
The Interpreter nhắc lại tuyên bố của bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh tại Đối thoại New Delhi ngày 04/07/2017 rằng Việt Nam “hy vọng Ấn Độ sẽ tiếp tục là một đối tác trong nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh chiến lược và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và các công ước”. Ông Phạm Bình Minh còn bày tỏ tin tưởng rằng “ ASEAN sẽ hưởng lợi từ kinh nghiệm của Ấn Độ, giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình.”

Theo The Interpreter, việc Hà Nội kêu gọi New Delhi đóng vai trò quan trọng hơn ở Đông Nam Á và Biển Đông là điều không hoàn toàn bất ngờ. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam kêu gọi hậu thuẫn từ một quốc gia không có những lợi ích trực tiếp trong khu vực. Cách đây vài tháng, Hà Nội đã ra một lời kêu gọi tương tự đến Hàn Quốc, tuy nước này chưa phải là một “đối tác chiến lược” của Việt Nam.
Vài ngày sau tuyên bố nói trên của ông Phạm Bình Minh, Việt Nam đã triển hạn thêm 2 năm cho công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh thăm dò tại một lô dầu khí của Việt Nam nằm trong một khu vực tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Công ty dầu khí này đã ký hợp đồng thăm dò dầu khí ở lô 128 từ năm 2006. Đến năm 2012, ONGC Videsh đã rút khỏi khu vực đó. Họ khẳng định đây là một quyết định mang tính thương mại, nhưng nhiều người ở Việt Nam lúc ấy tin rằng quyết định đó là do áp lực của Trung Quốc.

The Interpreter nhắc lại rằng trong chuyến viếng thăm của thủ tướng Narendra Modi vào năm ngoái, Việt Nam đã tuyên bố Ấn Độ là “đối tác chiến lược toàn diện”, mức cao nhất trong quan hệ giữa Việt Nam với nước ngoài.

Các chuyên gia về chính sách đối ngoại của Ấn Độ cho rằng các quan hệ đối tác của Ấn Độ với các Đông Á như Việt Nam có thể giúp trì hoãn việc Trung Quốc triển khai sức mạnh hải quân sang vùng Ấn Độ Dương. Quan hệ đối tác với Ấn Độ cũng rất quan trọng đối với Việt Nam, vì Hà Nội xem các hoạt động hải quân của những cường quốc như Ấn Độ và Hoa Kỳ là rất cần thiết trước mối đe dọa Trung Quốc.
Việt Nam vẫn hoan nghênh mọi hành động cụ thể hoặc những tuyên bố về bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, vì những hành động hoặc tuyên bố này có thể giúp ngăn chận Trung Quốc có những hành động xâm lấn hoặc những hành động khác như vụ giàn khoan 981 năm 2014. Vào lúc đó, Trung Quốc đã đặt giàn khoan này ngay trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, gây ra khủng hoảng giữa hai nước và khiến dư luận Việt Nam phẫn nộ, dẫn đến nhiều vụ biểu tình dữ dội phản đối Bắc Kinh.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng sự hiện diện ở Biển Đông, nhưng hợp tác hàng hải và những hỗ trợ tài chính từ những cường quốc như Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam ít ra bảo vệ được những vị trí của mình ở vùng biển này. - RFI

***
Dinh tổng thống Philippines hôm nay 11/07/2017 khẳng định đàm phán giữa Manila và Bắc Kinh về tranh chấp ở Biển Đông đang diễn tiến tốt đẹp, và đó là bằng chứng về sự tiến triển trong quan hệ đôi bên. Tuyên bố này được đưa ra vào dịp kỷ niệm một năm phán quyết Biển Đông của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye (PCA).

Phát ngôn viên tổng thống, ông Ernesto Abella, được báo trên mạng Rappler.com trích dẫn, cho biết : « Một năm sau phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, nay Philippines và Trung Quốc đang đối thoại ». Theo quan chức này, trong cuộc đàm phán song phương đầu tiên hồi tháng Năm, hai bên đã tái khẳng định « cam kết hợp tác và tìm ra phương cách củng cố lòng tin trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông ».
Manila và Bắc Kinh đã « trao đổi quan điểm về các vấn đề thời sự liên quan », đồng ý gặp lại vào nửa cuối năm 2017 để thảo luận về « các phương pháp mà đôi bên đều có thể chấp nhận được » nhằm giải quyết tranh chấp trên biển.

Được hỏi các cuộc thương lượng có đề cập đến hoàn cảnh của những ngư dân, hiện chưa biết họ có thể hành nghề tại vùng biển bị Trung Quốc yêu sách hay không, ông Abella nói rằng đây là một vấn đề được nêu ra trong các cuộc họp.

Ngày mai 12/7 là đúng một năm sau chiến thắng của Philippines trước Trung Quốc tại Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, với phán quyết khẳng định đường lưỡi bò do Bắc Kinh tự vạch ra để đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông là « bất hợp pháp ».
Tuy nhiên tổng thống Rodrigo Duterte đã đi ngược lại chính sách của người tiền nhiệm Benigno Aquino, tỏ ra thân thiện với Bắc Kinh. Mặc cho tình bạn mới mẻ này, bản thân ông Duterte đã thừa nhận chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đe dọa sẽ gây chiến nếu Phillippines tiếp tục dựa vào phán quyết của Tòa Trọng Tài. 

Ông Duterte cũng đã nhiều lần cúi đầu dưới áp lực của Trung Quốc, như phải « chỉnh » lại các phát biểu của cựu ngoại trưởng Perfecto Yasay Jr, từ bỏ lời thề sẽ đến thăm đảo Thị Tứ ở Trường Sa (Manila gọi là đảo Pagasa) vào ngày quốc khánh, và để cho Bắc Kinh lũng đoạn trong dịp Philippines làm chủ tịch luân phiên hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30. - RFI
|
4.
Thế Vận Hội Olympic: Paris-Los Angeles, chặng cuối cuộc đua 2024 hay 2028

Hôm nay 11/07/2017, tại Lausanne, Thụy Sĩ, hai đối thủ Paris và Los Angeles bước vào chặng đua quyết định giành quyền đăng cai Thế Vận Hội Olympic mùa hè 2024. Đại diện của hai thành phố đã có màn thuyết trình trước các thành viên của Ủy Ban Olympic Quốc Tế về hồ sơ xin đăng cai Olympic 2024.
Thành phố Paris đang đến rất gần Thế Vận Hội, nhưng 2024 hay 2028 mới là đích cần phải đua tranh. Các lãnh đạo phong trào Olympic họp hôm nay để thông qua nguyên tắc trao quyền tổ chức Thế Vận Hội Olympic một lần cho hai kỳ, để các đối thủ cạnh tranh đều thắng.

Đặc phái viên RFI, Chistophe Diremszian tại Lausanne :

Tối nay hầu nhưng không còn bất ngờ gì nữa. Paris rồi đến lượt Los Angeles hoặc ngược lại. Việc trao quyền tổ chức Thế Vận Hội mùa hè 2024 hay 2028 chủ yếu phụ thuộc vào kết quả mặc cả trong hậu trường. Chủ trương này đã được chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế Thomas Bach khuyến khích. Mọi người đều cảm thấy mình là người chiến thắng.
Với Paris, đó là tính kiên trì bền bỉ theo đuổi dự án, với Los Angeles thì đó là dự án của tương lai, bởi thế CIO không muốn làm ai phải thất vọng và đỡ phải suy nghĩ đến hai lần cho việc trao quyền tổ chức Thế Vận Hội Olympic.

Nhưng trong khi chờ đợi những thỏa thuận cuối cùng, các thủ tục dự tuyển vẫn tiếp tục. Đây là lần thứ 3 trong 8 tháng, từng đoàn đại diện cho hai thành phố sẽ lại có một cơ hội quý giá để thuyết phục những lá phiếu của những thành viên trong Ban chấp hành CIO còn lưỡng lự. Tuy nhiên cách làm vẫn rất nguyên tắc : 45 phút diễn thuyết cho mỗi đoàn và sau đó là phần hỏi đáp diễn ra trong phòng họp kín.

Thành phố Los Angeles khai cuộc với phát biểu của thị trưởng rất có uy tín, Eric Garcetti, tiếp sau đó đến lượt các ngôi sao điền kinh của Mỹ Michael Johnson và Allyson Felix. Sau Los Angeles, Paris lên diễn đàn với khoảng gần một chục phát biểu, trong đó đặc biệt có huy chương bạc quyền anh nữ Olympic 2016 Sarah Ourahmoune. Thuyết phục bằng những lời lẽ xác đáng tránh những câu nói hớ hênh, chiến lược của đoàn Paris đã được chuẩn bị trong từng chi tiết nhỏ nhất tuần trước tại trung tâm tập huấn bóng đá Pháp Clairefontaine. Mục tiêu là để ghi bàn thắng quyết định.
Sau màn thuyết trình hồ sơ hôm nay, cả hai đối thủ đều biết chắc chắn sẽ lần lượt được đón ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh nhưng cuộc đua vẫn diễn ra gay cấn bởi vẫn có người tới đích trước, kẻ về sau. Nếu như đoàn Los Angeles do thị trưởng dẫn đầu, thì đoàn Pháp đến Lausanne rất hùng hậu với tổng thống Emmanuel Macron, thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo, bộ trưởng Thể Thao và là nhà vô địch kiếm liễu Olympic, Laura Flessel cùng các đồng chủ tịch của Ủy ban Paris 2024. Điều này cho thấy quyết tâm của Paris muốn có chiến thắng sớm. Paris đặt tất cả nỗ lực và hy vọng vào kỳ Olympic 2024, một thời điểm có ý nghĩa đánh dấu 100 năm thủ đô Pháp trở lại làm chủ nhà của Thế Vận Hội mùa hè. Hơn nữa, hồ sơ dự tuyển của Paris đã 3 lần liên tiếp thất bại trong các cuộc chạy đua gần đây.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tỏ quan tâm đặc biệt đến dự án Paris 2024. Vừa mới nhậm chức được một hôm, ông đã tiếp đoàn chuyên gia của CIO đến thẩm định các công trình, địa điểm chuẩn bị cho Olympic 2024 của Paris.

Từ chiều qua, ông Macron đã bay tới Lausanne, gặp gỡ chủ tịch CIO Thomas Bach. Những động thái như vậy để chứng tỏ quyết tâm chính trị của chính phủ Pháp muốn được đón Olympic 2024.
Phát biểu tại Lausanne hôm nay, tổng thống Pháp nói : « chúng tôi đã 3 lần thất bại trong cuộc chạy đua đăng cai Thế Vận Hội, Chúng tôi không muốn thất bại lần thứ 4 » và ông nhấn mạnh, tổ chức Thế Vận Hội 2024 « là để bảo vệ các giá trị của Pháp, mở cửa, bao dung, công bằng và tôn trọng môi trường. Đó là tất cả mà Paris muốn bảo vệ sau 100 năm đăng cai Olympic ».

Về mặt kỹ thuật, điểm nhấn của hồ sơ dự tuyển Paris 2024 tính chắc chắc chắn và các địa điểm biểu tượng cho sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa thể thao. Đó là công trình di tích lịch sử lớn như Les Invalides, Grand Palais, Champs Elysées hay lâu đài Versailles sẽ được sử dụng làm điểm thi đấu của Thế Vận Hội. Trong tổng thế, đến lúc này , 95% các cơ sở hạ tầng cho Olympic đã có sẵn, chỉ thiếu có làng Olympic, một khu trung tâm thể thao dưới nước và một khu trung tâm truyền thông.

Về phần Los Angeles 2024, trước các lãnh đạo CIO hôm nay ông Casey Wasserman chủ tịch ủy ban ứng cử Thế Vận Hội 2024 đã tuyên bố Los Angeles ra ứng cử tổ chức Thế Vận Hội không phải là vấn đề tiền bạc, chuyện tự hào của nước Mỹ hay thậm chí cũng không vì thắng hay thua mà là để « phục vụ phong trào Olympic xa hơn cả 2024 và để kiến tạo Thế Vận Hội mới cho một kỷ nguyên mới ».Phát biểu trên của đại diện Los Angeles có thể khiến người ta hiểu thành phố Mỹ muốn hướng tới kỳ Olympic 2028.

Mặc dù vậy, một qua chức khác của đoàn Los Angeles, ông Gene Sykes, vẫn nhấn vào mặt cạnh tranh, ông nói « ở Hoa Kỳ, chúng tôi vẫn tổ chức Thế Vận Hội Olympic trên cơ sở mô hình một doanh nghiệp tư nhân chứ không theo mô hình chính phủ. Hệ thống tư nhân ít rủi ro hơn cho chúng tôi và cho phong trào Olympic nói chung vì Ủy ban tổ chức của chúng tôi là độc lập »
Một điểm yếu của hồ sơ Paris so với Los Angeles là sự ủng hộ của dân chúng. Theo một cuộc thăm dò dư luận thực hiện hồi tháng hai năm nay, đơn xin đăng cai Thế Vận Hội mùa hè 2024 của Paris nhận được sự tán đồng của 63% dân thủ đô. Trong khi đó dự án Los Angeles 2024 nhận được sự ủng hộ, cổ vũ của 78% người dân thành phố, 72% dân California và 64% dân Mỹ nói chung. Bởi vậy mà cuộc đua tại Lausanne hôm nay vẫn chưa phải là kết thúc.

Chiều nay, CIO còn thông qua nguyên tắc trao quyền đăng cai đúp hai kỳ Thế Vận Hội, sáng kiến này đã được đa số lãnh đạo phong trào ủng hộ. Kịch bản này cũng từng đã có tiền lệ từ ngày đầu của phong trào Olympic hiện đại. Đó là vào năm 1921, Ủy ban Olympic, dưới sức ép của người sáng lập phong trào Pierre de Coubertin, đã cùng lúc chỉ định Paris tổ chức Thế Vận Hội mùa hè năm 1924 và 1928 cho thành phố Amsterdam.

Lần này, một khi nguyên tắc được phê chuẩn, CIO sẽ còn phải khuyến khích hai ứng viên thương lượng với nhau để sao cho từ nay đến phiên họp toàn thể tại Lima ngày 13/9, Paris và Los Angeles đồng thuận với nhau trên một số vấn đề.

Các cuộc mặc cả ở đây chủ yếu liên quan đến vấn đề hỗ trợ tài chính từ phía Ủy ban Olympic quốc tế. Có thể khoản chi này cho Olympic 2028 sẽ phải lớn hơn. Bà Hidalgo, thị trưởng Paris tin tưởng vào quan hệ tốt với đồng nghiệp Mỹ Eric Garcetti để tìm được đồng thuận. Như vậy vẫn còn một cuộc đua phía sau hậu trường và một chút hồi hộp ở cuộc bỏ phiếu bầu chọn cuối cùng diễn ra vào ngày 13/09 tới đây tại Lima, Peru cho dù đã có hai đích đến cho hai đối thủ. - RFI

5.
Bệnh viện Trung Quốc thông báo Lưu Hiểu Ba đang được cấp cứu

Một ngày sau khi cho biết giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba « đang nguy kịch », hôm nay, 11/07/2017, bệnh viện Trung Quốc thông báo, ông Lưu Hiểu Ba đã được chuyển sang bộ phận cấp cứu.
AFP dẫn thông tin của bệnh viện số một Thẩm Dương (Shenyang), theo đó nhà ly khai - bị ung thư giai đoạn cuối - hiện đang suy hô hấp cấp tính, bị nhiễm trùng vùng bụng, ông đang được lọc thận nhân tạo.

Chủ nhật vừa qua, hai bác sĩ Mỹ và Đức, được mời đến thăm bệnh cho ông Lưu Hiểu Ba, khẳng định là vẫn còn có thể đưa bệnh nhân ra nước ngoài, để ông có thể được chăm sóc tốt hơn trong những ngày cuối đời, và cần phải quyết định nhanh chóng, trước khi tình thế quá muộn.
Trong khi đó, bệnh viện Trung Quốc cho rằng để cho ông Lưu xuất ngoại là « quá nguy hiểm ».

Nếu qua đời tại Trung Quốc, Lưu Hiểu Ba sẽ là giải Nobel Hòa Bình đầu tiên chết trong điều kiện bị quản thúc, sau trường hợp của nhà tranh đấu Đức Carl von Ossietzsky, qua đời năm 1938 trong một bệnh viện, khi ông bị chính quyền phát xít giam giữ.
Chính quyền nhiều nước, từ Mỹ đến Đức hay Anh, hôm qua, một lần nữa kêu gọi Trung Quốc để ông Lưu Hiểu Ba được chăm sóc tại nước ngoài. - RFI

6.
Lệnh cấm của TQ tổn thương du lịch Nam Hàn

Giới du lịch Nam Hàn lo ngại số lượng khách Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong thời gian tới vì mối quan hệ hai nước đóng băng.
Tổ chức du lịch Hàn Quốc (KTO) dự đoán lượng khách Trung Quốc du lịch đến Nam Hàn sẽ giảm đi 4,7 triệu người, sụt 27% so với năm ngoái.

Trung Quốc đã cấm các công ty lữ hành bán tour du lịch đi Hàn Quốc trong động thái phản đối Nam Hàn cho phép Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở nước này,
Khách du lịch từ Trung Quốc hiện chiếm tới 46,8% tổng số người đến thăm Hàn Quốc vào năm ngoái.

'Khủng hoảng dài hạn'
Tổng số lượng khách du lịch đến Nam Hàn đã tăng hai con số trong hai tháng đầu năm 2017, theo cơ quan KTO, nhưng lại giảm dần các tháng sau đó.

Đặc biệt tháng Năm vừa qua, lượng khách du lịch đến Nam Hàn đến đã giảm 34,5% so với một năm trước đây, và lần đầu tiên giảm dưới mức 1 triệu khách kể từ khi dịch bệnh MERSbùng nổ vào giữa năm 2015.
"Với xu hướng hiện tại, ngành du lịch Nam Hàn có thể sắp phải trải qua một cuộc khủng hoảng dài hạn," một viên chức giấu tên của KTO nói với phóng viên tờ Yonhap.

Lệnh cấm của Trung Quốc đối các đoàn tour du lịch đến Nam Hàn được đưa ra sau khi quân đội Mỹ bắt đầu triển khai Hệ thống Phòng thủ Hỏa tiễn Tầm cao Giai đoạn cuối (Thaad) tại đây.
Mặc dù được cho là để bảo vệ Nam Hàn trước sự đe dọa của tên lửa tầm ngắn hơn từ Bắc Hàn, hệ thống phòng thủ Thaad vẫn khiến nước láng giềng Trung Quốc đưa ra phản đối mạnh mẽ.

Trung Quốc cho rằng các radar cỡ lớn của hệ thống Thaad có thể thăm dò vào vùng lãnh thổ của mình.
Mặc dù Hoa Kỳ đã trấn an rằng đây hoàn toàn chỉ là những vũ khí mang tính tự vệ, Trung Quốc vẫn khẳng định hệ thống Thaad sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh khu vực. - BBC

7.
Xả súng ở Thái Lan, 8 người thiệt mạng

Cảnh sát Thái Lan hôm thứ Ba (11/7) cho biết các phần tử vũ trang đã bắn chết 8 người, trong đó có ít nhất một đứa trẻ, tại một ngôi nhà ở Thái Lan. Đây là sự kiện hiếm xảy ra ở quốc gia nơi mà súng ống dù phổ biến, nhưng lại rất hiếm xảy ra xả súng.
Reuters dẫn nguồn tin cảnh sát cho hay vụ xả súng xảy ra ở tỉnh Krabi, một địa điểm du lịch biển nổi tiếng. Các tay súng đột nhập vào ngôi nhà vào chiều tối thứ Hai, bắt giữ các con tin trước khi bắn chết họ.

Có ba người bị thương trong vụ này.

Cảnh sát nói họ tin rằng động cơ vụ nổ súng là do tranh cãi cá nhân.
Ông Manat In-prom, một cảnh sát ở đồn cảnh sát Ao Luk, thuộc tỉnh Krabi, nói với Reuters rằng “Các nạn nhân được tìm thấy vào sáng nay, tám người chết, ba người khác bị thương”.

Viên cảnh sát này cho biết thêm:
“Chúng tôi tin là có năm hoặc sáu tội phạm”.

Thái Lan có tỷ lệ sở hữu súng cao. Nhiều người mang súng để tự vệ, nhưng những vụ xả súng rất hiếm khi xảy ra.
Theo Bộ Nội vụ Thái, hiện có khoảng 6,1 triệu khẩu súng được đăng ký tại quốc gia có 67 triệu dân. Tuy nhiên cũng có nhiều súng không đăng ký vẫn lưu hành.
Theo số liệu năm 2016 của Đại học Washington, Thái Lan có tỷ lệ tử vong vì súng cao nhất trong số 10 quốc gia châu Á, cao hơn 50% so với Philippines, là nước đứng thứ hai trong danh sách. - VOA

8.
‘Mỹ xin lỗi Trung Quốc vì gọi nhầm tên’

Trung Quốc cho biết nhận được lời xin lỗi của các giới chức Mỹ sau khi Bắc Kinh phản đối một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc gọi nhầm Chủ tịch Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo của Cộng hòa Trung Hoa, thay vì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Cộng hòa Trung Hoa là tên chính thức của Đài Loan, lãnh thổ mà Bắc Kinh xem là một tỉnh ly khai đang chờ thống nhất.
“Phía Hoa Kỳ đã ngỏ lời xin lỗi về lỗi kỹ thuật này và đã sửa lại,” phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 10/7.

Đài VOA hỏi các giới chức Tòa Bạch Ốc để xác nhận việc này nhưng chưa được trả lời.
Nhầm lẫn được phát hiện trong một văn bản chính thức về cuộc họp giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 tuần qua ở Hamburg, Đức.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bị tổn thương vì liên hệ giữa Mỹ và Đài Loan, đặc biệt là sau khi Tổng thống Trump phá vỡ nghi thức, điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sau khi ông Trump được bầu vào Tòa Bạch Ốc.

Hoa Kỳ công nhận lập trường chính thức của Bắc Kinh là Đài Loan là một phần của Trung Quốc, nhưng Washington cũng là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất nền dân chủ của Đài Loan này.
Chính phủ Mỹ vừa mới chấp thuận bán cho Đài Loan 1,42 tỉ đô la vũ khí. - VOA

9.
Ngũ Giác Đài không xác nhận tin thủ lãnh IS chết --- Trump: “ngày tàn của IS đã điểm” với chiến thắng ở Mosul

Các giới chức Ngũ Giác Đài nói họ không có thông tin để xác nhận tin lãnh đạo nhóm Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi đã chết.
Trong một tuyên bố qua email, liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu nói:

“Chúng tôi không thể xác nhận tin này, nhưng hy vọng tin đó xác thực”.

Tuyên bố nói thêm:
“Chúng tôi khuyên ISIS nên thiết lập một danh sách những người lên kế thừa, điều đó sẽ cần thiết”.

Đài quan sát Nhân quyền Syria, có trụ sở đặt tại Anh, hôm thứ Ba nói họ có thông tin xác nhận cái chết của thủ lãnh IS.
Giám đốc Đài quan sát Rami Abdel Rahman, nói với AFP:

“Chúng tôi được biết tin ngày hôm nay, nhưng chúng tôi không biết ông ta chết lúc nào và chết như thế nào”.

Baghdadi, 46 tuổi, đã không xuất hiện công khai kể từ năm 2014, khi ông ta xuất hiện tại nhà thờ Hồi giáo al-Nuri ở Mosul để tuyên bố về “vương quốc Hồi giáo” trên vùng lãnh thổ mà IS kiểm soát ở Iraq và Syria. Đã từng có thông tin giả về việc ông ta bị giết chết hoặc bị thương nhiều lần kể từ được biết đến cách đây ba năm.

Các chiến binh IS đã phá hủy ngôi đền thờ Hồi giáo và tháp nghiêng của đền thờ này vào cuối tháng trước khi các lực lượng Iraq đẩy lùi họ ra khỏi một trong những cứ điểm cuối cùng tại Mosul.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi chính thức tuyên bố chiến thắng tại Mosul vào ngày 10/7. - VOA

***
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 10/7 chúc mừng Iraq, thủ tướng và lực lượng an ninh nước này về việc giải phóng thành phố Mosul khỏi tay Nhà nước Hồi giáo. 
Trong một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, ông Trump nói đánh bại nhóm chủ chiến ở Mosul "báo hiệu ngày tàn của chúng ở Iraq và Syria sắp đến". 
Ông cam kết sẽ "tiếp tục tìm cách tiêu diệt hoàn toàn ISIS".

Ông Trump nói Hoa Kỳ lấy làm đau buồn về việc hàng ngàn người Iraq đã phải chịu khổ sở và chết chóc dưới tay Nhà nước Hồi giáo, về “những tổn thất nhân mạng của những người lính anh hùng và chiến binh người Kurd đãhy sinh”.

Thủ tướng Haider al-Abadi chính thức tuyên bố chiến thắng hôm 10/7 tại thành phố Mosul, nơi mà nhóm chủ chiến IS từng tuyên bố là thủ đô của vương quốc Hồi giáo của họ ở Iraq.
Quân đội Hoa Kỳ hoan nghênh tuyên bố của ông Abadi nhưng cảnh giác rằng vẫn còn một số khu vực trong khu phố cổ Mosul phải được rà phá chất nổ, và cần tiễu trừ các tay súng ISIS đang ẩn trốn.

Vài giờ trước bài phát biểu của ông Abadi, các nhân chứng cho biết giao tranh dữ dội vẫn đang diễn ra ở một số khu vực của Mosul. - VOA

10.
Tòa châu Âu giữ nguyên lệnh cấm đeo mạng trùm kín mặt của Bỉ

Một tòa án hàng đầu châu Âu hôm thứ Ba 11/7 ra phán quyết duy trì lệnh của nước Bỉ, cấm đeo mạng che kín mặt (Niqab).
Tòa án Nhân quyền châu Âu đã đứng về phía chính phủ Bỉ trong một vụ kiện mà nguyên đơn là hai phụ nữ Hồi giáo cho rằng luật cấm có tính cách phân biệt đối xử, và vi phạm tự do tôn giáo.

Tòa án ở Strasbourg, Pháp, cho rằng luật cấm ban hành năm 2011 là “cần thiết trong một xã hội dân chủ” và không phân biệt đối xử đối với người Hồi giáo.

Trong một tuyên bố, tòa án nói một quốc gia cần được trao “quyền hạn rộng rãi để quyết định liệu có nên hay không nên, và nên giới hạn tới mức nào, quyền của một cá nhân được thể hiện tôn giáo hoặc tín ngưỡng là “cần thiết”.

Luật vủa Bỉ cấm xuất hiện ở nơi công cộng “với mặt nạ che toàn bộ hoặc một phần khuôn mặt, theo kiểu không thể nhận dạng”. Ai vi phạm, sẽ bị phạt tiền và có thể phạt tù đến bảy ngày.
Vụ kiện do bà Samia Belcacemi và bà Yamina Oussar đứng đơn. Cả hai đều khẳng định họ tự do chọn lựa đeo mạng Niqab.

Bà Belcacemi nói với tòa án rằng bà tiếp tục đeo mạng che mặt một thời gian sau khi lệnh cấm được áp dụng, nhưng sau đó đã dừng lại vì sợ bị phạt tiền. Bà Oussar cho biết bà đã quyết định ở trong nhà.

Năm 2014, Tòa án Nhân quyền châu Âu cũng đã giữ nguyên lệnh cấm đeo mạng che mặt tương tự tại Pháp. - VOA

11.
Hàn Quốc lập bảo tàng "phụ nữ giải sầu" tại Seoul

Vấn đề « phụ nữ giải sầu » tiếp tục làm nhức nhối quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản. Chính quyền Hàn Quốc vừa quyết định xây dựng một bảo tàng ở trung tâm thủ đô Seoul để tưởng niệm hàng trăm ngàn phụ nữ, từng là nạn nhân tình dục của quân đội Nhật Bản thời đế quốc.
Theo Yonhap, hôm qua 10/07/2017, bộ trưởng Bình Đẳng Giới Hàn Quốc, bà Chung Huyn Back, cho biết mục đích của chính phủ là xây dựng một bảo tàng ở vị trí thuận lợi, để nơi đây có thể biến thành « một điểm hành hương », để tưởng nhớ và nhắc nhở về những vi phạm nhân quyền do chiến tranh. « Phụ nữ giải sầu » không còn là vấn đề riêng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản mà đã trở thành vấn đề quốc tế. Theo bộ trưởng Hàn Quốc, một trong các chủ trương của chính phủ là đưa bảo tàng nói trên trở thành một di sản của UNESCO. 

« Phụ nữ giải sầu » là một uyển ngữ để chỉ khoảng 200.000 phụ nữ châu Á, từ Trung Quốc đến Philippines, nhưng chủ yếu là phụ nữ Triều Tiên bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục tại các nhà thổ của quân đội Nhật ở tiền tuyến trong thời gian Đệ nhị Thế chiến. 

Bộ trưởng Bình Đẳng Giới Hàn Quốc phát biểu như trên trong chuyến thăm viếng House of Sharing, một nơi khu an dưỡng của các nạn nhân nô lệ tình dục trước đây, tại Gwangju, phía đông Seoul. 
Yonhap nhấn mạnh là ngược lại với tổng thống tiền nhiệm Park Guen Hye, vừa bị phế truất, tổng thống Moon Jae In không coi thỏa thuận với Nhật Bản năm 2015 là « mang tính không thể đảo ngược ». Sau khi đắc cử, tổng thống Hàn Quốc cho biết rất nhiều dân Hàn không chấp nhận thỏa thuận 2015 « về mặt tình cảm ». 

Đoạn phim tài liệu đầu tiên
Cũng về vấn đề « phụ nữ giải sầu », các nhà nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện được một đoạn phim tài liệu về các phụ nữ nạn nhân của quân đội Nhật. Đoạn phim câm xuất hiện như một bằng chứng mạnh. Thông tín viên Frederic Ojardias tường trình từ Seoul, 

"Đoạn phim chỉ dài có 18 giây, cho thấy bảy phụ nữ trẻ Triều Tiên (xếp hàng dọc theo một bức tường), chân trần, đầu cúi, cái nhìn hoảng sợ. Họ nói chuyện với một sĩ quan Trung Quốc, đến để giải phóng họ. 

Đoạn phim rất hiếm này đã được một sĩ quan Mỹ quay vào năm 1944 tại Trung Quốc, ở tỉnh Vân Nam (Yunnan), nơi mà phe đồng minh vừa lấy lại từ tay quân đội Nhật. Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã tìm thấy phim trong kho lưu trữ Mỹ. 
Đây là một bằng chứng bổ sung về việc cưỡng bức phụ nữ làm nô lệ tình dục quy mô lớn trong quân đội đế quốc Nhật. Cho đến hiện nay, cánh hữu dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản tiếp tục khẳng định là những người mà họ gọi là ‘‘phụ nữ giải sầu’’ là gái mãi dâm tự nguyện… Quan điểm này khiến dân Hàn Quốc giận dữ. 

Năm 2015, Seoul và Tokyo đã từng đạt được một thỏa thuận dự kiến Nhật sẽ xin lỗi và lập một quỹ bồi thường. Tuy nhiên, thỏa thuận này bị chính các nạn nhân – vốn không được tham khảo ý kiến - lên án. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, đắc cử hồi tháng 5/2017, muốn xét lại vấn đề này. 

Chính quyền Hàn Quốc vừa thông báo sẽ xây dựng ngay giữa trung tâm thủ đô một bảo tàng để tưởng niệm các phụ nữ nô lệ tình dục năm xưa ».
Nhật phản đối việc Seoul ủng hộ đưa hồi ức « gái giải sầu » vào di sản UNESCO

Sau phát biểu của bộ trưởng Bình Đẳng Giới Hàn Quốc, về ý định đưa hồi ức về các phụ nữ bị quân đội Nhật bắt làm nô lệ tình dục vào di sản tư liệu « Memory of the World » của Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), bộ Ngoại Giao Nhật đã có tuyên bố phản đối.

Theo ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida, trong cuộc trả lời báo giới hôm nay, hành động nói trên là « đi ngược lại sứ mạng đặc biệt và mục tiêu của UNESCO là cổ vũ tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc ». Ông cho biết đã « mạnh mẽ bày tỏ lập trường với chính phủ Hàn Quốc". - RFI

12.
Chuyên gia Mỹ: Hai năm nữa, tên lửa Bắc Triều Tiên có thể bắn tới San Diego
Một chuyên gia Mỹ hôm nay, 11/07/2017, cho rằng tên lửa liên lục địa của Bắc Triều Tiên có thể bắn một đầu đạn hạt nhân đến tận thành phố San Diego của Mỹ trong vòng hai năm nữa.

Vào tuần trước, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong-Un tuyên bố đã bắn thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên, mang tên Hwasong-14. Thông tin này đã khiến cả thế giới lo ngại.
Trên trang web 38 North của đại học John Hopkins, một kỹ sư hàng không, không gian John Schilling, viết rằng tên lửa Hwasong-14 có tầm bắn được thẩm định là khoảng từ 7000 đến 8000 km, tức là có thể bắn tới Alaska hoặc Hawai.

Theo kỹ sư Schilling, hiện giờ công nghệ tên lửa liên lục địa của Bắc Triều Tiên còn hạn chế, nhưng trong vòng một hoặc hai năm nữa, sau khi được thử nghiệm và phát triển thêm, tên lửa này có thể sẽ có tầm bắn lên tới 9.700 km và có thể mang một đầu đạn hạt nhân nặng 500 kg, bắn đến các mục tiêu nằm dọc theo bờ biển phía tây của Hoa Kỳ, với độ chính xác đủ để phá hủy những mục tiêu quân sự như các căn cứ hải quân.
Công nghệ tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên đã phát triển nhanh chóng kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền, mặc dù Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết cấm việc này. Bắc Triều Tiên cũng đã tiến hành tổng cộng 5 vụ thử hạt nhân, với 2 vụ chỉ riêng trong năm nay.

Hoa Kỳ dự trù sẽ đề nghị những biện pháp trừng phạt nặng nề hơn đối với Bình Nhưỡng, nhưng các nhà phân tích cho rằng những biện pháp đó sẽ có tác động rất hạn chế trừ phi Trung Quốc, đồng minh chủ chốt của Bắc Triều Tiên, gia tăng áp lực lên nước láng giềng này. - RFI

13.
NATO ủng hộ Ukraina, nhưng đòi hỏi cải cách

Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO - Jens Stoltenberg trong chuyến thăm Kiev hôm qua 10/07/2017 đã gặp gỡ các lãnh đạo Ukraina và phát biểu trước Quốc Hội nước này. Ông bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của NATO với Ukraina trước các hành động uy hiếp của Nga, tuy nhiên đòi hỏi Ukraina phải cải cách trước khi tiến hành thương thảo về việc gia nhập NATO.
Từ Kiev, thông tín viên RFI Stéphane Siohan tường trình :

"Cuộc viếng thăm Kiev của ông Jens Stoltenberg hôm qua nhằm đánh dấu 20 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Ukraina và NATO. Trong thời kỳ đó, quân đội Ukraina đã tham gia các hoạt động của NATO, nhất là tại Afghanistan và Kosovo, và các cuộc tập trận chung thường xuyên diễn ra tại miền tây Ukraina.

Có điều là bây giờ, Ukraina đang trong tình trạng chiến tranh, với Nga giấu mặt phía sau. Và ngày 07/06 vừa qua, Quốc Hội Ukraina đã coi việc gia nhập NATO là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của nước này. Thế nhưng, hôm qua, không chỉ đề cập đến việc Ukraina gia nhập NATO, tổng thư ký Jens Stoltenberg nhấn mạnh đến quan hệ đối tác. Ông nói: 

Chúng tôi tin rằng một Ukraina độc lập, có chủ quyền và ổn định, gắn bó chặt chẽ với dân chủ và Nhà nước pháp quyền, là một trong những chìa khóa cho an ninh các nước châu Âu và thành viên NATO. Thế nên chúng tôi mong tiếp tục tăng cường mối quan hệ đối tác và hữu nghị với Ukraina.
Cách đây bốn năm, chỉ có 16% người Ukraina mong muốn nước mình gia nhập NATO, nhưng hiện nay tỉ lệ này lên đến 54%. Tuy nhiên ông Jens Stoltenberg đã thẳng thừng nói với các dân biểu Ukraina : các vị hãy cải cách đất nước và đấu tranh chống tham nhũng, trước khi khởi đầu mọi cuộc thương lượng". - RFI

14.
Đức Giáo Hoàng cảnh cáo ‘mối nguy’ liên minh Mỹ-Nga

Đức Giáo Hoàng Francis bày tỏ mối quan ngại về một sự liên minh “tối nguy hiểm” giữa Mỹ với Nga, khi nói rằng lãnh đạo hai nước này nằm trong số những nước có một “nhãn quan bóp méo của thế giới” trước vấn đề di dân.
Trong cuộc phỏng vấn dành nhật báo Ý La Republica hôm Thứ Năm, Đức Giáo Hoàng nói: “Tôi e ngại về liên minh đầy nguy hiểm giữa những siêu cường có một nhãn quan méo mó đối với thế giới, như giữa Nga với Mỹ, Trung Quốc với Bắc Hàn, Tổng Thống Vladimir Putin của Nga với Tổng Thống Bashar al-Assad của Syria.”

Lời cảnh cáo được đưa ra một ngày trước khi Tổng Thống Donald Trump gặp gỡ, mặt đối mặt, với Tổng Thống Nga Vladimir Putin tại Thượng Đỉnh G20 bên Đức.
Mặc dù cuộc gặp được dự trù chỉ trong 30 phút nhưng kéo dài thành nhiều giờ, và cả hai ông đã hết lời ca ngợi lẫn nhau.

Đức Giáo Hoàng trước đây từng bày tỏ mối quan ngại về việc Nga sáp nhập vùng Crimea của Ukraine. Ngài cũng từng phê phán ông Trump về lập trường đối với di dân, thậm chí có khi ngài còn nói rằng ông Trump “không phải là tín đồ Đạo Thiên Chúa” vì ông muốn xây bức tường biên giới.
Hôm Thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng gửi tweet, nội dung nói: “Di dân là những anh, chị em của chúng ta, những người đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, xa hẳn với sự đói nghèo, và chiến tranh.” - nguoiviet


15.
Dùng café vừa phải có thể khỏe mạnh hơn

Từ trước đến nay, có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ giữa sức khỏe và café. Theo AFP, đây là lần đầu tiên có hai nghiên cứu quốc tế quy mô lớn khẳng định tác dụng của café đối với việc ngăn ngừa nhiều loại bệnh, tim mạch, tiêu hóa, tiểu đường, hô hấp, ung thư...
Hai nghiên cứu được công bố hôm qua, 10/07/2017, trên tạp chí y tế Mỹ Annals of Internal Medicine, khẳng định những người dùng café thường xuyên, nhìn chung có cơ may ít bệnh tật và sống thọ hơn những người hoàn toàn không dùng. Cụ thể là những người dùng khoảng 3 tách café một ngày, kể cả đối với loại café đã tách chất caféine (« décaféiné »), dường như nói chung có tuổi thọ cao hơn, ít bệnh hơn. 

Nghiên cứu thứ nhất trên khoảng hơn 500.000 người hơn 35 tuổi sống tại 10 quốc gia châu Âu, trong vòng 16 năm, do Cơ quan châu Âu về ung thư và dinh dưỡng (EPCI) tiến hành.
Theo nhà khoa học Marc Gunter, thuộc Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, một trong các tác giả chính của nghiên cứu này, dùng café với lượng đáng kể có liên hệ với việc giảm nguy cơ các bệnh tật, đặc biệt về tim mạch và tiêu hóa. 

Nghiên cứu thứ hai được thực hiện tại Hoa Kỳ, với khoảng 180.000 người, tuổi từ 45 đến 75, thuộc nhiều sắc dân khác nhau. Theo điều tra này, dùng một tách café/ngày giảm 12% nguy cơ tử vong trong giai đoạn nghiên cứu, so với những người hoàn toàn không dùng, giảm 18%, nếu dùng ba tách. So với nghiên cứu tại châu Âu, ngoài ý nghĩa với bệnh tim mạch, café còn có tác dụng giảm nguy cơ bệnh hô hấp, bệnh thận, ung thư và tiểu đường. 

Tuy nhiên, các chuyên gia độc lập cũng nhấn mạnh là các điều tra nói trên mới chỉ là « các nghiên cứu mang tính quan sát », chứ không chỉ ra được quan hệ nhân quả trực tiếp giữa café và sức khỏe. 

Theo giáo sư y học dự phòng Veronica Setiawan, một thành viên của nhóm nghiên cứu Mỹ, từ nghiên cứu này, « không thể khuyên công chúng là hãy uống café để kéo dài tuổi thọ, tuy nhiên giữa hai chuyện này có mối liên hệ ». Nhà khoa học Marc Gunter thận trọng : trong giai đoạn hiện tại, không thể kết luận được là nên uống nhiều hay ít café hơn để có lợi cho sức khỏe, dù sao, nghiên cứu này « gợi ý là dùng café vừa phải, đến 3 tách một ngày có tác dụng tốt với sức khỏe. 
Hiện tại, café được coi là một đồ uống dùng nhiều nhất trên thế giới, với khoảng 2,25 tỉ tách/ngày. Năm 2016, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) ngừng xếp café vào nhóm chất có nguy cơ gây ung thư bàng quang, hơn nữa WHO còn cho rằng thứ nước này có thể giảm các khối u ở gan và dạ con. - RFI

Tin Hoa Kỳ
16.
Email cho thấy con trai Trump được hứa hẹn thông tin gây tổn hại về Clinton

Những email mới công bố cho thấy con trai cả của Tổng thống Mỹ Donald Trump năm ngoái đã được hứa hẹn những thông tin gây tổn hại từ một luật sư người Nga về đối thủ Đảng Dân chủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, Hillary Clinton, để tăng cường sự ủng hộ của Moscow đối với nỗ lực tranh cử của ông Trump.
Donald Trump Jr. hôm thứ Ba công bố một loạt những email mà ông trao đổi với Rob Goldstone, một nhà quảng bá âm nhạc người Anh đại diện cho luật sư người Nga Natalia Veselnitskaya, người đã gặp gỡ anh Trump Jr. vào giữa tháng 6 năm ngoái ngay sau khi cha anh vừa giành được đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa.

Những email này xuất hiện vào lúc sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử đang là tâm điểm của nhiều cuộc điều tra tại Quốc hội và một cuộc điều tra hình sự của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, người từng là cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang. Cộng đồng tình báo Mỹ đã kết luận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trực tiếp chỉ đạo một chiến dịch nhằm làm mất uy tín cuộc bầu cử ở Mỹ, gây tổn hại danh tiếng của bà Clinton và giúp ông Trump đánh bại bà.

Trong một email vào ngày 3 tháng 6, ông Goldstone nói với ông Trump Jr rằng "Công tố viên hàng đầu của Nga ... đề nghị cung cấp cho chiến dịch Trump một số tài liệu và thông tin chính thức có thể cho thấy hành vi sai trái của Hillary và những giao dịch của bà ta với Nga và sẽ rất có ích cho cha của ông."
"Đây rõ ràng là thông tin rất cao cấp và nhạy cảm nhưng là của Nga và là một phần trong nỗ lực của chính phủ Nga hỗ trợ Ông Trump," email này viết.

Vài phút sau đó, ông Trump Jr trả lời, "Nếu ông nói vậy thì tôi thích, đặc biệt là sau đó trong mùa hè này."

Vài ngày sau đó, ông Goldstone nhắc tới bà Veselnitskaya là "luật sư chính phủ Nga đang bay từ Moscow qua " để gặp gỡ ông Trump Jr. Moscow nói không biết bà Veselnitskaya và bác bỏ những tuyên bố của Mỹ rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử.

Khi những email này được công bố, Donald Trump Jr. nói rằng khi ông gặp nữ luật sư người Nga này, ông ta nhanh chóng thấy rõ rằng bà ta không bằng chứng gây tổn hại về bà Clinton để trao cho ông và bà Veselnitskaya nhanh chóng chuyển đề tài sang những biện pháp chế tài mà Mỹ đã áp đặt lên Nga và phản ứng của Moscow chấm dứt chương trình cho phép người Mỹ nhận con nuôi người Nga.

Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai, trước khi loạt email của Donald Trump Jr. được công bố, lên tiếng bênh vực cuộc gặp gỡ với bà Veselnitskaya, nói rằng nó chứng tỏ không có sự thông đồng giữa ban vận động của ông Trump với Nga vì cuộc tiếp xúc này không đưa tới kết quả gì.
Ông Trump Jr đã gặp gỡ bà Veselnitskaya cùng với Paul Manafort, người quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump khi đó, và con rể của ông, Jared Kushner, người đang là cố vấn Tòa Bạch Ốc của Tổng thống.

Cuộc gặp gỡ của Donald Trump Jr. với luật sư người Nga là sự tiếp xúc đầu tiên được biết tới giữa các quan chức cao cấp của ban vận động Trump và những lợi ích của Nga trong suốt chiến dịch tranh cử. Báo The New York Times tiết lộ cuộc tiếp xúc này đầu tiên, nhưng luật sư của ông Trump Jr bác bỏ bài báo là "chuyện bé xé ra to."

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders hôm thứ Hai nói, "Ban vận động tranh cử của Tổng thống không hề thông đồng dưới bất kỳ hình thức nào. Don Jr. không thông đồng với bất cứ ai nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử này. Lập trường của chúng tôi là không ai trong ban vận động Trump thông đồng nhằm gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử."

Tuy nhiên, với việc công bố những email này, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham nói rằng người anh Trump Jr "chắc chắn phải ra khai chứng" trước một ủy ban của Thượng viện điều tra Nga can thiệp vào cuộc bầu cử. - VOA

17.
Máy bay quân sự Mỹ rơi ở Mississippi, giết chết 16 người

Một máy bay quân sự Mỹ rơi hôm 10/7 ở bang miền nam Mississippi, giết chết ít nhất 16 người.
Các quan chức không cho biết chi tiết về chiếc máy bay xuất phát từ đâu hay điểm đến khi nó rơi xuống trong một cánh đồng cách Jackson, thủ phủ bang Mississippi, khoảng 150 km về phía bắc. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra tai nạn.

Người phát ngôn của Thủy quân Lục chiến Mỹ, Đại úy Sarah Burns, chỉ cho hay là một chiếc máy bay KC-130 "đã gặp nạn".
Giám đốc Sở Quản lý Sự vụ Khẩn cấp Quận hạt Leflore, Frank Randle, nói với các phóng viên rằng người ta đã tìm được 16 thi thể tại nơi xảy ra tai nạn.
Marcus Banks, chỉ huy sở cứu hỏa thành phố Greenwood, cho biết các mảnh vỡ máy bay rải rác trong bán kính khoảng tám cây số. - VOA

18.
Quân nhân Mỹ bị bắt vì liên quan đến IS

FBI đã bắt giữ một quân nhân Mỹ đang tại ngũ về tội danh khủng bố, họ cáo buộc anh ta lập kế hoạch chuyển các tài liệu mật và vũ khí quân sự cho nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Thượng sĩ Ikaika Kang bị bắt hôm 8/7 tại Hawaii, nơi anh đóng quân. Có tin cho biết Kang 34 tuổi và từng phục vụ ở Iraq và Afghanistan. Gần đây nhất, anh ta được bố trí làm điều khiển không lưu tại Sân bay Quân đội Wheeler ở Honolulu.

Hãng AP đưa tin rằng khiếu nại hình sự của FBI nói Kang đã cố chuyển các tài liệu quân sự mật và không mật cho Nhà nước Hồi giáo và anh ta âm mưu giao một máy bay không người lái cho nhóm cực đoan này. Các đặc vụ liên bang đã điều tra anh ta trong hơn một năm.
Kang nhập ngũ vào cuối năm 2001. Anh ta phục vụ tại Iraq trong một năm từ 2010-2011 và ở Afghanistan trong 10 tháng, từ năm 2013-2014. - VOA

Tin Việt Nam
19.
Chính quyền Thừa Thiên Huế sẽ đối thoại với Đan viện Thiên An

Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế dự định sẽ đối thoại với Đan viện Thiên An để giải quyết tranh chấp đất đai vốn là nguồn cơn của vụ xung đột bạo lực hồi tháng trước.
Theo hãng tin Reuters, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết sẽ gặp gỡ các tu sĩ của Đan viện Thiên An và giới chức giáo hội Công giáo của tỉnh. Trong một thông báo được phát đi vào cuối ngày thứ Hai ngày 10/7, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế nói họ sẽ “xem xét nguyện vọng chính đáng của đan viện trong khuôn khổ pháp luật” nhưng không nói rõ ngày nào sẽ tiến hành đối thoại.

Trước đó, hôm 28/6, các đan sĩ tại Đan viện nói rằng hàng chục người mà họ cho là công an mặc thường phục đã đập phá cây thánh giá trên một ngọn đồi mà Đan viện Thiên An nói thuộc quyền sở hữu của họ.
Chính quyền tỉnh cáo buộc rằng cây thánh giá này đã được dựng trái phép và các đan sĩ đã đốn hạ và san ủi đất một cách bất hợp pháp. Nhà chức trách còn cáo buộc các đan sĩ là đã phá hỏng một con đường dùng để cứu hỏa trong trường hợp xảy ra cháy rừng, và cản trở cơ quan chức năng làm lại đường.

Đan sĩ Giuse Maria Chữ Mạnh Cường nói với Reuters rằng các đan sĩ ở Thiên An phản đối việc xây dựng con dường để nối từ hồ nước đến một khu vui chơi mà không được sự cho phép của đan viện.
Trong vụ xô xát hồi cuối tháng trước, chính quyền cáo buộc đan viện đã có hành động đe dọa và làm bị thương hai người. Tuy nhiên, đan sĩ Cường nói rằng cảnh sát mặc thường phục đã dùng gậy gộc, cưa và ống nước dánh đập các đan sĩ khiến cho nhiều người bị thương. - VOA

20.
Sợ lộ bí mật quốc gia, UBTV Quốc hội chỉ mở cửa 5 phút đầu cho báo chí

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTV) hôm 11/7 bất ngờ ra quy định mới, chỉ cho phép phóng viên tác nghiệp 5 phút đầu trong mỗi phiên họp của cơ quan đại diện tối cao cho tiếng nói của người dân, với lý do “có vấn đề bí mật quốc gia” không tiện cho báo chí biết.
Ngay lập tức quy định mới gây quan ngại về vi phạm tự do thông tin, tự do báo chí và tự do ngôn luận tại Việt Nam.

Từ Khánh Hòa, cựu nhà báo Võ Văn Tạo nói ông rất ngạc nhiên về quy định lạ lùng này:

“Có cái gì tối mật như thế đâu, mà tự nhiên lại ra một quy định rất kỳ lạ như vậy. Đối với người dân thì họ chắc cảm thấy không hài lòng, riêng tôi với tư cách là người từng làm báo nhà nước nhiều năm, tôi thấy quy định này rất là bất ngờ và kỳ cục.”

Theo thông tin của UBTV Quốc hội, phiên họp “kín” sáng ngày 11/7 bàn về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tín ngưỡng, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Theo đó, qua thảo luận, UBTV Quốc hội “cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tín ngưỡng và đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng và ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đảm sự đồng bộ của pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.”

Theo thông lệ, đây không phải nội dung họp kín và phóng viên được theo dõi trực tiếp qua màn hình ở Trung tâm báo chí để đưa tin suốt cuộc họp, theo báo VNExpress.
Các tờ báo trong nước cho biết các phóng viên “ngạc nhiên” về quy định mới này khi họ đến tòa nhà quốc hội để đưa tin sáng ngày 11/7.

Phóng viên báo Tuổi Trẻ tường trình về sự kiện này viết: “Nhiều phóng viên ngỡ ngàng trước màn hình trực tuyến tối thui ở Trung tâm Báo chí tại Nhà Quốc hội.”
Trả lời phỏng vấn báo Một Thế giới hôm 11/7, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội nói “trong các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều khi có những vấn đề tối mật không được nói. Có lần tôi phải xuống gặp báo chí hoặc lãnh đạo nói xin phép báo chí đừng đưa. Nhiều khi muốn nói mà ngại nói, có vấn đề bí mật quốc gia nói không tiện.”

Xác nhận với báo chí sáng 11-7, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết có chỉ đạo từ nay, đối với các cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, báo chí chỉ được tham dự 5 phút đầu. Sau đó, cuối ngày sẽ có thông cáo báo chí gửi cho các phóng viên.
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng quy định mới này đi ngược lại những gì mà Đảng và nhà nước Việt Nam tuyên truyền:

“Tôi bất ngờ trước quy định của UBTV Quốc hội, tại sao lại có một quy định đi ngược lại xu thế chung của thế giới: công khai, minh bạch, dân chủ mà lâu nay Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn hay tuyên truyền và cổ xúy.”

Cùng ý kiến với cựu nhà báo Võ Văn Tạo, nhà báo độc lập JB Nguyễn Hữu Vinh từ Hà Nội nói với VOA rằng quy định mới này rất “buồn cười” và là “dân chủ giả hiệu.”
“Tôi cho rằng quy định này là dân chủ giả hiệu, dân chủ nửa vời, một cách làm rất hài hước.”

Nhà báo độc lập này cho rằng UBTV Quốc hội không nên vin vào lý do “bí mật quốc gia” mà chắn lấp quyền tự do thông tin của người dân:
“Bởi vì những việc bàn bạc của quốc hội là bàn về quốc kế dân sinh mà tất cả người dân đều quan tâm. Bàn việc cho người dân thì không thể gọi là ‘bí mật quốc gia’ mà người dân không được biết. Những điều người dân quan tâm họ cần phải biết. Không thể vin vào ‘bí mật quốc gia’mà cố tình chắn lấp quyền của người dân một cách hiển nhiên như vậy.”

Trước đó, người đứng đầu cơ quan đại diện tối cao của nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong cuộc gặp với báo chí sau khi nhậm chức vào tháng 7 năm ngoái, “ghi nhận và biểu dương những đóng góp của đội ngũ phóng viên, nhà báo đã đồng hành cùng Quốc hội …tin tưởng rằng báo chí sẽ phản ánh trung thực, kịp thời các ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đến với Quốc hội.”

Bà Ngân từng phát biểu rằng đại biểu Quốc hội thì phải tiếp xúc với báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, bởi "cung cấp thông tin kịp thời và đúng đắn cho báo chí thì báo chí mới có góc nhìn đầy đủ, không nên mập mờ và tránh né.”
Theo báo Tuổi trẻ, kể từ Quốc hội khóa XI, bắt đầu nhóm họp từ đầu những năm 2000, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã quyết định “mở cửa” để phóng viên báo chí tham dự, đưa tin đầy đủ nội dung các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo quy định hiện hành, UBTV Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. UBTV Quốc hội họp thường kỳ mỗi tháng một phiên. - VOA

21.
Khánh thành Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ ở Oklahoma City

Hôm 8/7 chính quyền thành phố Oklahoma đã chính thức khánh thành tượng đài chiến sĩ Việt-Mỹ vinh danh những người lính phục vụ trong Chiến tranh Việt Nam.
Ông Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt tại tiểu bang Oklahoma, từng là một cựu đại tá trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa, nói với VOA-Việt ngữ rằng đông đảo các hội đoàn và cựu quân nhân Mỹ và quân nhân Việt đến dự buổi lễ khánh thành:

“Trong buổi lễ khánh thành rất đông quý vị đồng hương, hội đoàn và cựu quân nhân Hoa Kỳ từng chiến đấu tại Việt Nam đến dự. Chúng tôi rất vinh dự có một tượng đài như vậy. Tượng đài đặt tại khu trung tâm thành phố. Tượng đài gồm có tượng hai người lính: một người là chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa, một người là chiến sĩ Hoa Kỳ. Hai người đứng đâu lưng với nhau, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.”
Được chọn qua đấu thầu từ 30 mẫu khác nhau, tác phẩm của ông Thomas Jay Warren ở tiểu bang Oregon có tựa đề “Brothers in Arms”- nghĩa là “Chiến hữu”, được thi công trong 7 tháng qua với hai người lính xoay lưng vào nhau để đối đầu với mọi hiểm nguy xung quanh trước kẻ thù.

Kênh truyền hình News9 trích lời của điêu khắc gia Warren nói rằng: "Chúng tôi có nhiều ý tưởng khác nhau: tượng hai người lính đứng bên cạnh nhau, cùng phối hợp với nhau, nhưng đặt hai người lính quay lưng vào nhau là rất hay vì những người lính luôn luôn nói rằng họ có sự hậu thuẫn của đồng đội.”

Tại buổi lễ, ông Mich Cornett, Thị trưởng Oklahoma City đọc diễn khánh thành.
Theo thông cáo báo chí của thành phố Oklahoma, tượng đài bằng chất liệu đồng, cao gần 2 mét, có ý nghĩa vô cùng lớn lao, vinh danh tập thể cựu chiến binh Hoa Kỳ và Việt Nam, và những chiến sĩ đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam.

Ông Vinh nói tượng đài này giúp cho các thế hệ con cháu biết về Chiến Tranh Việt Nam và tìm hiểu lịch sử của Việt Nam và Hoa Kỳ:

“Tượng đài giúp cho chúng ta nhớ lại những người đã hy sinh: 2 triệu quân nhân cán chính Việt Nam Cộng Hòa, trên 58,000 binh sĩ Hoa Kỳ, và khoảng 7,000 đồng minh trong chiến tranh Việt Nam, giữ gìn tự do cho miền Nam Việt Nam. Tượng đài còn giúp cho thế hệ thứ hai, thứ ba hiểu hơn về chiến tranh Việt Nam, cũng như tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và Hoa Kỳ.”

Theo ông Vinh, vào năm 2014, chính quyền thành phố cho phép sử dụng mảnh đất tại Military Park tọa lạc tại khu trung tâm, và cộng đồng người gốc Việt bắt đầu gây quỹ đến năm ngoái được 250,000 đôla để xây dựng tượng đài.

Cũng theo ông Vinh, thành phố Oklahoma nơi khoảng 20,000 người Mỹ gốc Việt sinh sống, là khu vực tập trung đông nhất người gốc Việt tại tiểu bang Oklahoma. - VOA

22.
Thêm ý kiến về 'Quân đội VN làm kinh tế'

Một cựu quan chức quốc hội Việt Nam nói với BBC rằng ông hy vọng việc thanh tra đất quốc phòng "không dừng lại ở chuyện đóng cửa làm với nhau".
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được báo Tuổi Trẻ dẫn lời hôm 10/7: "Không thể lợi dụng danh nghĩa quân đội để trục lợi." 

"Nếu chỉ nói 'quân đội làm kinh tế' không thôi thì không phản ánh bản chất của việc quân đội tham gia làm kinh tế. Quân đội tham gia làm kinh tế, trước hết phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, đồng thời đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước, phải nói như vậy mới đầy đủ."

"Trên thực tế có một số khu đất sử dụng không đúng mục đích, quân đội đã kiểm tra và xử lý nghiêm. Như trong một nồi canh có thể có một vài con sâu, việc sử dụng đất quốc phòng có thể bị lợi dụng để trục lợi cá nhân ở nơi nào đó, đơn vị nào đó, thời gian tới sẽ tiếp tục xử lý mạnh mẽ, triệt để, căn cơ vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ có những chuyến đi thực địa để trực tiếp kiểm tra, xử lý," Tuổi Trẻ trích lời ông Vịnh. 
Hôm 11/7, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói: "Hai vụ nổi cộm liên quan đến chuyện quân đội làm kinh tế gần đây là vụ sân golf Tân Sơn Nhất và vụ Đồng Tâm."

"Vụ Tân Sơn Nhất cho thấy dấu hiệu tiêu cực lớn và bàn tay của nhóm lợi ích. Vụ Đồng Tâm thì còn chờ kết luận thanh tra cấp cao." 
"Tôi cho rằng từ hai vụ này, Quốc hội cần thành lập Ủy ban Giám sát việc thanh tra đất quốc phòng trên cả nước."

'Béo bở'

Luật sư cũng cho biết thêm: "Khoảng 10, 20 năm trước, Việt Nam cũng có chủ trương hạn chế quân đội làm kinh tế nhưng việc triển khai lại không triệt để."
"Trong tình hình quản lý lỏng lẻo, cộng thêm sự hiện diện của các đơn vị kinh tế liên quan đến quân đội nhân danh 'an ninh quốc gia', đất quốc phòng trở thành mặt hàng béo bở như vàng, kim cương."

"Dù vậy, vẫn hy vọng việc thanh tra đất quốc phòng "không dừng lại ở chuyện đóng cửa làm với nhau."
"Và điều đó chỉ xảy ra khi báo chí được vào cuộc, quốc hội tăng cường giám sát chuyện xử lý sai phạm trong việc quân đội làm kinh tế."

"Mọi chuyện có công khai, minh bạch thì mới lấy lại lòng tin của người dân." 

Bộ Quốc phòng hiện quản lý nhiều tập đoàn, tổng công ty với hơn 20 doanh nghiệp trực thuộc, theo VnExpress.
"Nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng đang trở thành những doanh nghiệp top đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình như Viettel, Ngân hàng Quân đội, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội hay Tổng công ty Đông Bắc…," báo này cho hay.

Ví dụ Trung Quốc?

Tờ báo mạng này hôm 10/7 đăng một bài gây chú ý, về "quân đội Trung Quốc đã từ bỏ đế chế kinh doanh tỷ USD như thế nào".

Dẫn lại bài này trên Facebook, nhà báo Huy Đức nhận xét: "Cho dù Trung Quốc vẫn luôn là mối đe dọa lãnh thổ lớn nhất của chúng ta thì vẫn phải thừa nhận rằng, trong hơn 3 thập niên vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai thác lợi thế toàn trị của mình một cách hữu hiệu."
"Sở dĩ Bắc Kinh làm được những điều này là nhờ trong quân đội họ có các nhân vật thật sự tướng lãnh; thật sự muốn xây dựng một đội quân chính quy."

Trong khi đó, trả lời BBC, Tiến sĩ Andrew Scobell, từ RAND Corporation đặt tại Mỹ, giải thích quân đội Trung Quốc bắt đầu rút khỏi các hoạt động kinh doanh từ năm 1998.

"Tuy vậy, vẫn có thể còn những liên hệ không rõ ràng giữa các đơn vị quân đội và các công ty thương mại 'dân sự'."
Ông Andrew Scobell, chuyên gia về Trung Quốc, cho rằng quân đội Trung Quốc chấp nhận từ bỏ hoạt động kinh doanh vì nhiều lãnh đạo quân đội tin rằng sự tham gia này "đẻ ra tham ô". 

"Tham ô lại tạo ra tác động tiêu cực cho tính chính quy quân sự."
"Nhưng rõ ràng, khi ta thấy các bê bối tham ô quân đội bị phanh phui dưới thời Tập Cận Bình, biện pháp từ 1998 đã không loại bỏ hoàn toàn tham nhũng trong quân đội."

Chốt lại, ông Andrew Scobell nói việc từ bỏ kinh doanh của quân đội Trung Quốc diễn ra không dễ dàng.
"Họ làm được là vì các lãnh đạo quân đội tin rằng đây là vấn nạn, và quân đội cũng được hứa hẹn sự đền bù đáng kể và tăng ngân sách quốc phòng." - BBC

23.
Chuyện quan chức làm giàu nhờ nuôi heo, nuôi gà

Tệ nạn tham nhũng được nói là tràn lan tại Việt Nam tuy nhiên báo cáo của Thanh Tra Chính Phủ chỉ nêu con số rất nhỏ cán bộ viên chức bị phát hiện. Trong khi đó nhiều cán bộ viên chức cho rằng họ có tài sản là nhờ nuôi lợn và nuôi heo...
Vụ tai tiếng về việc một vài vị quan đầu tỉnh xây biệt phủ sang trọng ở Yên Bái, dẫn đến việc nhà báo viết phóng sự điều tra vụ này bị bắt giữ để điều tra tội nhận hối lộ khiến dư luận xôn xao, bàn tán.

Vào ngày thứ Hai 10 tháng Bảy truyền thông trong nước dẫn lời ông Phạm Trọng Đạt, cục trưởng Cục Chống Tham Nhũng, Thanh Tra Chính Phủ, rằng không ai có thể chấp nhận lối giải thích của các quan chức có tài sản kếch xù là nhờ nuôi heo nuôi gà hay làm thêm những việc tay chân khác.
Trong bất kỳ trường hợp nào, ông Phạm Trọng Đạt nói, nguồn gốc tài sản cũng phải được giải thích một cách hợp lý chứ không thể nói cho lấy có hay cho qua chuyện như vậy mà được.

Vẫn theo lời ông, qui định là mỗi khi thấy tài sản của cán bộ công chức tăng giảm bất thường, ví dụ tăng từ 50 triệu trở lên có thể do kinh doanh buôn bán hay làm thêm gì khác, thì Thanh Tra Chính Phủ có quyền yêu cầu người kê khai phải giải trình nguồn gốc.

Đó cũng là lý do tại sao một quan chức nhà nước mới đây khai báo rằng sở dĩ có được 10 tỷ đồng là nhờ nuôi lợn nuôi gà để tăng gia. Lên tiếng với báo chí, cục trưởng Cục Chống Tham Nhũng-Thanh Tra Chính Phủ- nhấn mạnh nguyên văn: “Có 10 tỷ Đồng mà bảo đi nuôi lợn nuôi gà thì anh lấy đâu ra lắm thế, giải thích cho xong mà không hợp lý thì ai chấp nhận nổi.”
Còn ông Hoàng Kim Giao, nguyên cục trưởng Cục Chăn Nuôi, Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn, trả lời đài Á Châu Tự Do như sau:

Không phải đâu chị ơi, vất vả lắm chứ có phải đâu, cứ hỏi những người nông dân người ta nuôi người ta lao động ấy chứ tôi không nói đâu. Thế còn nuôi để làm giàu chắc khi nào được giá kia chứ còn bình thường không giàu đâu chị ơi. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật Gia thành phố Hồ Chí Minh, nói ông không tin vào tai mình khi nghe cán bộ nhà nước bảo họ làm giàu nhờ nuôi gà nuôi heo:

Thực sự không thuyết phục, dân thấy rất buồn cười, nuôi gà nuôi heo là một cái cớ để nói thôi. 
Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, ủy viên thường trực Ủy Ban Các Vấn Đề Xã Hội, cho rằng nếu đúng là nuôi heo, nuôi gà, bán chổi đót mà giàu phất lên được thì cán bộ công chức đó phải được xác nhận người tốt việc tốt đồng thời nhân rộng việc họ làm ra cho mọi người biết mà làm theo. Tuy nhiên ông nói thêm là trong 100 người nghe chưa chắc đã có 1 người tin vào cái kiểu khai báo hay giải thích không thuyết phục và thiếu trung thực như vậy.

Để chấn chỉnh hàng ngũ viên chức cán bộ cũng như giải quyết tệ nạn tham nhũng, nhà nước Việt Nam ra qui định người có chức có quyền phải kê khai tài sản. Thế nhưng dưới mắt đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, dư luận trong dân vẫn cho rằng qui định này chỉ có tính cách hình thức, không được thực hiện tới nơi tới chốn, không chính xác mà thậm chí còn có sự giấu giếm.

Ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh rằng chuyện chống tham nhũng coi như huề cả làng khi mà người phải kê khai tài sản không làm đủ, cơ quan thẩm quyền quản lý cán bộ đó cũng không xác minh, người đứng đầu cũng không chịu trách nhiệm.

Vì sao chống tham nhũng không hiệu quả?

Hôm Chúa Nhật 9 tháng Bảy vừa qua, báo Dân Trí trong nước đi một bài có tựa đề “Mừng Chảy Nước Mắt Khi Đếm Người Tham Nhũng”, rằng theo báo cáo sơ bộ công tác thanh tra 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ từ nay đến cuối 2017 của Thanh Tra chính phủ  thì kết quả cho thấy chỉ 77 trường hợp được xác minh tài sản trong năm 2016.

Nói thêm một cách khác, qua kiểm tra từ các bộ, ngành, địa phương đối với 1.800 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch thì chỉ phát hiện 22 đơn vị vi phạm.

Số liệu này ngay lập tức bị luật sư Nguyễn Văn Hậu phủ nhận:
Chúng ta có Ban Phòng Chống Tham Nhũng, do đó số liệu đưa ra như vậy mà nếu là Thanh Tra Chính Phủ thì tôi thấy chưa chính xác lắm. Đây là chỉ số phát hiện ra thôi, chứ còn vấn đề tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn và cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân thì tổng bí thư Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng cũng phải nói là nhức nhối. 

Vấn đề chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay khá phức tạp, Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng Trung Ương bây giờ thuộc về đảng  cộng sản Việt Nam, bên chính phủ thì có thanh tra chính phủ, hầu như bộ ngành nào cũng có ban phòng chống tham nhũng, nhưng mà hiệu quả như báo cáo của đảng là cũng chưa đạt kết quả mong đợi, tình hình tham nhũng lãng phí vẫn còn diển biến phúc tạp và tinh vi. Thực sự mà nói báo cáo đó không biết dựa vào đâu nhưng tôi thấy không tin tưởng lắm, việc kê khai tài sản cũng phải tính lại. 

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, Thanh Tra Chính Phủ thì đi kiểm tra tham nhũng vậy những ai sẽ giám sát việc làm của những viên chức Thanh Tra Chính Phủ đó cũng là chuyện phải nói tới:
Từ đời ông Quách Lê Thanh đến đời ông Trần Văn Truyền rồi đến ông Nguyễn Phong Tranh đều có vấn đề trong chuyện đi làm nhiệm vụ thanh tra. Các ông ấy tài sản cũng nhiều, có những vụ che giấu lộ liễu rồi bị bể ra thỉ có người che đỡ. Ví dụ ông Quách Lê Thanh là Tổng Thanh Tra Chính Phủ, có lần cán bộ của ông là cấp vụ trưởng đi vào thanh tra ở chỗ có dấu hiệu tiêu cực là công ty dầu khí nhà nước ở Vũng Tàu thì lại được công ty dầu khí đó hối lộ cho mấy miếng đất.

Cách đây hơn 20 năm bà Ngô Bá Thành, đại biểu quốc hội, nói bà không tin vào công tác phòng chống tham nhũng, người ta nói cho vui thôi. Tôi thấy bây giờ nó cũng như thế, thậm chí nó còn trầm trọng hơn. Tôi không tin rằng việc chống tham nhũng của đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam sẽ đi đến kết quả vì gốc của nó là sự độc tài về mặt chính trị. Không có cạnh tranh chính trị, thì không thể có được chuyện chống tham nhũng một cách có hiệu quả. 

Việt Nam đứng thứ 133/176 bảng xếp hạng tham nhũng toàn cầu của Minh Bạch Quốc Tế, nằm trong nhóm các quốc gia có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng, là thông tin được công bố tại một buổi hội thảo hồi tháng Tư năm nay,  do Phòng Thương Mai Và Công Nghiệp Việt Nam tổ chức  với sự phối hợp của Trung Tâm Nghiên Cứu Quản Trị Xã Hội, gọi tắt  là CENSOGOR.
Theo báo cáo của SENSOGOR, tham nhũng đe dọa sự phát triển bền vững của kinh tế và xã hội,  38% người trong nước cho rằng giới lãnh đạo doanh nghiệp là những kẻ tham nhũng, hình ảnh những người đứng đầu doanh nghiệp bị xuống cấp một cách tồi tệ chỉ vì tham nhũng. - RFA

24.
“Chị gái tôi bị cầm giữ như một con tin”

Trường hợp một công dân Việt Nam ở nước ngoài về thăm gia đình và sau đó không được cho xuất cảnh trở lại gây bức xúc cho bản thân và gia đình.
Khủng bố tinh thần
Người trong cuộc là bà Đỗ Ngọc Xuân Trầm vào sáng ngày 10/07/2017, từ Sài Gòn, kể lại vụ việc ngay sau khi nhập cảnh vào Việt Nam hồi ngày 19 tháng 5, bà liên tục bị Đại úy Trần Đại nhắn tin qua tài khoản Facebook, làm áp lực yêu cầu có trách nhiệm khai báo những việc làm của em gái là cựu tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh và chồng của bà là nhà hoạt động Trần Ngọc Thành.

Bà Đỗ Thị Minh Hạnh, một trong những người sáng lập Phong trào Lao động Việt trong nước, từng bị tuyên án 7 năm tù giam  vì tham gia các phong trào công nhân biểu tình và đình công để đòi tăng lương và bảo đảm an toàn lao động. Bà Đỗ Thị Minh Hạnh được trả tự do sớm hồi cuối tháng 6 năm 2014, sau hơn 4 năm tù đày. Ông Trần Ngọc Thành là cố vấn của Phong trào Lao động Việt.
Bản thân bà Đỗ Ngọc Xuân Trầm nói không phải là thành viên cũng như không có bất cứ hoạt động nào trong tổ chức xã hội dân sự độc lập Phong trào Lao động Việt mà chồng bà tham gia trong tư cách cố vấn.

Sau thời gian ở tại Việt Nam để thăm gia đình, bà Xuân Trầm không chỉ bị khủng bố tinh thần qua các cuộc điện thoại và tin nhắn trên Facebook mà vào ngày 27/06 bà bị chặn ở cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, khi xuất cảnh trở về Áo. Nguyên nhân được cơ quan chức năng cho biết là “vì lý do an ninh”.
Đến ngày 3 tháng 7, bà Đỗ Ngọc Xuân Trầm đã nhờ Luật sư Đặng Đình Mạnh làm đơn khiếu nại về việc không được xuất cảnh của mình. Đến ngày 06/07, bà Xuân Trầm được yêu cầu có một buổi làm việc tại văn phòng của Công an Xuất nhập cảnh thành phố Hồ Chí Minh. Bà Xuân Trầm kể lại:

“Họ lục soát khắp người tôi, cả vùng kín của tôi và họ dùng máy camera quay tôi. Tôi hỏi lý do tại sao họ quay camera tôi thì các anh công an trả lời là ‘để làm việc cho khách quan’. Tôi đã nói ‘nếu vậy thì các anh phải cho tôi quay (thu hình) lại các anh’. Nhưng các anh công an trả lời tôi rằng ‘tại vì chị là người yêu cầu xuất cảnh nên chỉ có chúng tôi quay (thu hình) chị mà thôi’. Còn khi bắt ký kết biên bản để làm Giấy Cam kết được đi xuất cảnh thì họ yêu cầu cam kết không thuộc tổ chức nào. Tôi đã cam kết. Họ yêu cầu tôi phải lên mạng rút tất cả những tin nhắn xuống và bắt tôi lập đi lập lại nhiều lần câu ‘Vì bức xúc không được xuất cảnh nên tôi đã đưa tất cả những tin nhắn và số điện thoại của anh Trần Đại lên mạng nên mọi người làm phiền tới anh Trần Đại. Chính vì vậy, tôi cảm thấy việc làm đó của tôi là sai trái cho nên tôi xin lỗi’. Họ kêu chỉ cần học thuộc câu này để về nhà viết lên một tờ giấy, đưa lên Facebook của Đỗ Thị Minh Hạnh là họ cho đi.”
Không được xuất cảnh

Khẳng định với RFA không làm điều gì sai trái vì bản thân không phải là người đăng tải và phổ biến số điện thoại cũng như nội dung tin nhắn của Đại úy Trần Đại lên Facebook, bà Xuân Trầm nhấn mạnh không thể thực hiện yêu cầu như vừa nêu. Đồng thời, bà không thể đăng nhập vào tài khoản Facebook cá nhân của em gái là Đỗ Thị Minh Hạnh để xóa những gì đã đăng theo yêu cầu của phía công an.

Cựu tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh chia sẻ với RFA bà cũng không thể xóa những thông tin đăng tải liên quan Đại úy Trần Đại vì việc bà làm không phải phổ biến thông tin cá nhân của người đại úy công an này, mà đó là những bằng chứng Đại úy Trần Đại khủng bố, truy bức chị gái Xuân Trầm của mình. Bà Đỗ Thị Minh Hạnh có ý kiến:
“Hành động sử dụng chị Đỗ Ngọc Xuân Trầm làm một con tin để khống chế những công việc nói lên sự thật của em gái cho thấy họ sử dụng một phương thức hết sức bỉ ổi và họ ngồi xổm trên luật pháp, coi thường luật pháp. Việc cấm xuất cảnh không phải ai cũng có thể ra lệnh được trong điều khoản ‘cấm xuất cảnh vì lý do an ninh’, một lý do hết sức mù mờ thì phải do Bộ trưởng Bộ Công an ký. Tuy nhiên Trần Đại chỉ là một đại úy, nhưng anh ta nói rằng ‘phải xin lỗi anh ta thì anh ta mới cho phép để đi xuất cảnh’. Như vậy có điều gì đó mờ ám ở đây, ngay trong chính nội bộ của Bộ Công an.”

Từ nước Áo, ông Trần Ngọc Thành cho rằng việc chính quyền Việt Nam không cho vợ của ông xuất cảnh trở về Áo mà cầm giữ như một con tin là không thể chấp nhận được:

“Họ truy bức bằng cách dùng vợ để làm con tin thì chúng tôi rất bất bình. Bản thân tôi lúc này cũng đã lên tiếng. Cha con tôi kéo đến Đại Sứ quán Việt Nam, mang biểu ngữ của những đứa trẻ đi đòi mẹ, phản đối nhà cầm quyền không từ một bất cứ hình thức nào để hành hạ, truy bức con người theo ý muốn của họ. Chúng tôi cũng có những đề nghị đối với giới ngoại giao của Áo cùng một số tổ chức xã hội. Tôi nghĩ rằng việc làm này hoàn toàn trái pháp luật và trái với các thông lệ quốc tế, ngay cả về pháp luật Việt Nam quy định rằng người Việt Nam có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí…Trong cách hành xử của họ với những người vô tội và không làm gì, tôi thấy không thể chấp nhận được và chúng tôi sẽ tranh đấu đến cùng.”
Đài RFA đã liên lạc với Đại úy Trần Đại qua số điện thoại được phổ biến và lan truyền trên các mạng xã hội để kiểm chứng những cáo buộc của bà Đỗ Ngọc Xuân Trầm. Thế nhưng, các cuộc điện thoại viễn liên đều không kết nối được. - RFA

Link:

Không có nhận xét nào: