Điều đáng nói ở đây là việc thực hiện chuyến hải hành vào trong vùng biển 12 hải lý của đảo Trí Tôn cho thấy Mỹ không thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở đảo này, một đảo mà Trung Cộng chiếm từ Việt Nam mà Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.
Đây là lần thứ hai, từ thời TT Trump cầm quyền, Mỹ thực hiện chuyến tự do hải hành vào trong vùng 12 hải lý đối với một đảo trên biển đông hiện do Trung Cộng chiếm giữ.
Lần thứ nhất, Mỹ thực hiện chuyến tự do hải hành đầu tiên dưới thời TT Trump là vào tháng 5 vừa qua. Khu trục hạm USS Dewey tiến vào khu vực 6 hải lý của đảo nhân tạo mà TC xây dựng trên biển đông. Điều này cho thấy Mỹ không thừa nhận chủ quyền của TC đối với các đảo nhân tạo, mà trên đó TC xây dựng phi đạo và các căn cứ quân sự.
Một tàu chiến của Trung Cộng theo sát chiếc khu trục hạm USS Stethem của Mỹ.
Hành động này của chính phủ Trump thể hiện sự mất kiên nhẫn của Mỹ trước những hành động tiếp tục xây dựng và tăng cường quân sự trên biển đông và sự thất bại của TC trong việc ảnh hưởng Bắc Hàn từ bỏ chương trình hoả tiễn và hạt nhân mà Mỹ trông chờ vào sự giúp đỡ của Trung Cộng.
Matt Knight, phát ngôn nhân của Hạm Đội Thái Bình Dương, tuy không xác định chuyến tự do hải hành nói trên, nhưng đã cho Fox News biết rằng “chúng tôi sẽ tiến hành những chuyến tự do hải hành thường xuyên và điều đặn, như chúng tôi đã làm trong quá khứ và sẽ làm trong tương lai.”
Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương, trong bài diễn văn tại Brisbane, Úc vào thứ tư vừa qua đã nói rằng “đảo giả không được người thật tin.” Tại đây, Mỹ và Úc tập trận quân sự lớn nhất trong lịch sử, mà một phần cũng nhằm chuyển một thông điệp đến Bắc Kinh .
Tại đây, tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris nói rằng “Trung Cộng đng sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế để làm tổn hại đến trật tự thế giới dựa vào luật lệ.”
Vào thứ sáu vừa qua, những bức ảnh vệ tinh mới do Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI) của cơ quan CSIS thu được cho thấy những thiết bị quân sự mới gồm cả hệ thống radar đã được lắp đặt trên các đảo Mischief, Fiery Cross và Subi Reefs của quần đảo Trường Sa.
Phía Mỹ còn lo ngại là Trung Cộng sẽ thiết lập hoả tiễn đất đối không trên các đảo nhân tạo này, và điều đó sẽ thách thức các chuyến bay quân sự của Mỹ trong vùng.
Cũng theo Fox News, trong bản tin đầu tiên vào tháng 12 năm rồi, Trung Cộng đã đưa hoả tiễn SA-21 có tầm bắn 250 dặm sang đảo Hải Nam để diễn tập, và có thể TC sẽ đưa những hoả tiễn này đến các đảo nhân tạo tại biển đông trong thời gian tới.
Trong thời gian qua , cũng có dư luận cho rằng TT Trump làm ngơ chuyện TC tăng cường quân sự của TC trên các đảo nhân tạo vì Mỹ đang nhờ TC áp lực Bắc Hàn chấm dứt chương trình và hoả tiễn hạt nhân. Cho đến nay, TT Trump thừa nhận điều Mỹ kỳ vọng nơi TC đã thất bại.
Bên cạnh chuyến tự do hải hành của khu trục hạm Mỹ tiến vào đảo Trí Tôn, Mỹ còn tuyên bố trừng phạt mới đối với ngân hàng TC dính líu đến các chương trình hoả tiễn và hạt nhân của Bắc Hàn, đồng thời tuyên bố bán 1.4 tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan, khiến TC phản đối mạnh mẽ.
Phải chăng sự căng thẳng Mỹ – Trung đã bắt đầu gia tăng?
Nguyễn Xuân Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét