Một bức tranh đã được trao giải Sáng tác Mỹ thuật tỉnh Trà Vinh nay bỗng nhiên bị "thu giữ làm tang vật."
<!>
Tác phẩm 'Biển Chết' của họa sĩ Nguyễn Nhân từng được trao giải ba cuộc thi Sáng tác Mỹ thuật tỉnh Trà Vinh năm 2016, nay bị Hội Văn học nghệ thuật Trà Vinh "thu giữ làm tang vật", thu hồi giải và tiền thưởng (2 triệu đồng) và kinh phí hỗ trợ sáng tác (1,2 triệu đồng).
Ông còn bị Hội "cảnh cáo với thời gian thử thách một năm".
Ông Lê Văn Bài, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Trà Vinh được báo Tuổi Trẻ dẫn lời nói lý do kỷ luật họa sĩ và thu hồi giải là do tác phẩm Biển Chết "vi phạm bản quyền, người phụ nữ trong tranh giống ảnh đăng trên một tờ nhật báo".
Hôm 29/6, họa sĩ Nguyễn Nhân trả lời BBC từ Trà Vinh: "Vì bức xúc với chuyện bị tịch thu tranh và giải thưởng mà tôi bị tai biến nhẹ phải đi cấp cứu."
"Bản tính của tôi là cam chịu, hiền hòa, không am hiểu pháp luật nên không biết khiếu kiện thế nào."
"Nhưng tôi đã nghĩ đến việc ra khỏi Hội Văn học nghệ thuật Trà Vinh, vi tôi không thấy mình làm gì sai trái hay có tội."
Ông cũng cho hay: "Việc một nghệ sĩ lấy cảm hứng, phóng tác một bức ảnh và thể hiện lại bằng ngôn ngữ mỹ thuật là điều bình thường."
"Bức tranh của tôi là tấm lòng của một nghệ sĩ muốn lên tiếng về vần đề môi trường biển, nỗi đau của người dân miền biển khi thấy biển đang chết."
"Tôi không có ý chống đối gì cả."
Giáo sư Ngô Bảo Châu bình luận trên mạng xã hội: "Mình luôn thích nghĩ tốt về người khác. Mình tin rằng chủ ý của người ta là giúp họa sĩ Nguyễn Nhân trở nên nổi tiếng, bán được nhiều tranh."
Tháng 5/2016, một nhóm nghệ sĩ làm nghệ thuật đương đại kết thúc triển lãm mà họ tự nhận làm 'phi pháp' ở Huế về chủ đề cá chết.
Triển lãm 'Quẫy II' quy tụ tranh, nghệ thuật sắp đặt và trình diễn của các nghệ sĩ Hoàng Ngọc Tú, Trần Tuấn, Trần Hữu Nhật, Trần Chí Thành, Nguyễn Văn Hè, Nguyễn Thị Hà My, Nguyễn An, Chung Tử Dạ…
Trong các hình ảnh về cuộc triển lãm được đăng tải trên mạng xã hội, người ta thấy bộ sưu tập những con dao chuyên dùng để mổ cá của các tiểu thương ở Huế nay đã phải nghỉ bán vì người dân không mua cá; những chai nước mắt dán nhãn 'Formosa', những cái khẩu trang hình cá...
Trả lời BBC từ Huế, nghệ sĩ Trần Tuấn nói: "Các nghệ sĩ tham gia triển lãm này muốn dùng ngôn ngữ thị giác để bày tỏ thái độ và sự quan tâm về môi trường đang bị hủy hoại. Chúng tôi không kêu gào, cổ xúy cho tư tưởng chính trị nào mà chỉ muốn làm nghệ thuật"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét